Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một người chồng được kính trọng sâu xa

Một người chồng được kính trọng sâu xa

Chương 4

Một người chồng được kính trọng sâu xa

1, 2. Làm sao chinh phục được sự tôn trọng, và điều này điển hình ra sao trong trường hợp của Giê-su?

SỰ TÔN TRỌNG không thể có được bằng cách giản dị là ra lệnh cho ai đó tôn trọng mình. Bạn phải chinh phục sự tôn trọng của người khác qua lời nói, hành động và nhân cách của bạn.

2 Điển hình là trường hợp của Giê-su. Ngài được tôn trọng như một bậc thầy nhờ cách dạy dỗ của ngài. Sau khi nghe Bài Giảng trên Núi của ngài, “đoàn dân lấy làm lạ về cách dạy-dỗ của ngài”. Điều gì đã khiến ngài được tôn trọng như thế? Vì ngài dựa trên Lời của Đức Chúa Trời là Kinh-thánh thay vì trên những ý kiến của những người khác. Uy quyền tuyệt đối của ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Lời lẽ thật. Nhờ vậy Giê-su đã được sự tôn trọng của cả bạn lẫn thù (Ma-thi-ơ 7:28, 29; 15:1-9; Giăng 7:32, 45, 46).

3. Theo Ê-phê-sô 5:33 người vợ phải làm gì đối với chồng, và điều ấy đòi hỏi gì nơi người chồng?

3 Ê-phê-sô 5:33 dạy: “Vợ thì phải kính chồng”. Vậy người chồng cần phải cố gắng để đáng được tôn trọng như vậy, nếu không vợ người sẽ rất khó khăn vâng theo lời dạy dỗ này. Vậy làm thế nào người chồng có thể làm tròn vai trò mình như ghi trong Kinh-thánh hầu được vợ mình tôn trọng?

BẰNG CÁCH ĐẢM NHẬN VAI TRÒ NGƯỜI CẦM ĐẦU

4. Kinh-thánh giao cho người chồng trách nhiệm nào?

4 Kinh-thánh nói người chồng có vai trò đứng đầu trong hôn nhân mà rằng: “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình như vâng-phục Chúa; vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội-thánh, Hội-thánh là thân-thể ngài, vì ngài là Cứu-Chúa của Hội-thánh. Ấy vậy, như Hội-thánh phục dưới Đấng Christ thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự” (Ê-phê-sô 5:22-24). Sự sắp đặt này thật có đóng góp vào hạnh phúc gia đình không? Một số đàn bà lớn tiếng chống lại cái mà họ gọi là chủ nghĩa nam nhi thái quá, có nghĩa là đàn ông có thái độ độc đoán hoặc “ta đây”, dương dương tự đắc về địa vị của mình đối với đàn bà. Nhưng chúng ta phải nói ngay rằng những dạy dỗ của Kinh-thánh không hề thừa nhận chủ nghĩa nam nhi thái quá như thế.

5. Người chồng nên ý thức quyền làm đầu như thế nào, và nên theo những gương của ai?

5 Kinh-thánh nhấn mạnh một sự thật rằng không những chỉ về phần người đàn bà, mà ngay cả người đàn ông cũng phải phục dưới quyền người làm đầu nữa. Hãy mở Kinh-thánh, trong sách I Cô-rinh-tô, đoạn 11, câu 3, chúng ta thấy sứ đồ Phao-lô đã viết những lời này cho hội-thánh ở Cô-rinh-tô: “Tôi muốn anh em biết rằng Đấng Christ là đầu mọi người, người đàn ông là đầu người đàn bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”. Người đàn ông nào có đấng Christ làm đầu phải học tập từ nơi Đức Chúa Trời và đấng Christ với tư cách các bậc thầy gương mẫu, để hành sử quyền làm chồng của mình.

6. Những người chồng có thể học điều gì về quyền làm đầu của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và của Giê-su?

6 Đức Giê-hô-va hành quyền trên đấng Christ một cách nhân từ, và đấng Christ đáp lại: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa” (Thi-thiên 40:8; Hê-bơ-rơ 10:7). Cũng thế, Giê-su cũng hành quyền làm đầu cách đầy yêu thương. Ngài nói với những ai muốn trở nên môn đồ ngài: “Ta có tính nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:29). Những người thuộc hội-thánh của ngài, mà Kinh-thánh ví như vợ ngài, đã vui thích ở dưới quyền làm đầu của ngài. Ngài đã không lợi dụng họ nhưng trái lại đã chứng tỏ tình yêu thương không ích kỷ đối với họ. Đây cũng là cách mà người chồng nên cầm quyền đối với vợ: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó mình vì Hội-thánh... Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó như Đấng Christ đối với Hội-thánh... Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:25-29, 33). Nếu bạn làm gương bằng cách vâng phục quyền của đấng Christ, thì vợ bạn sẽ không còn khó nữa—mà thật ra vợ bạn sẽ vui thích mà kính trọng sâu xa quyền cầm đầu của bạn với tư cách chồng nàng.

7, 8. Hãy nêu lên vài hình thức mà một số người chồng không thực hành quyền làm đầu cách thích đáng.

7 Sự bất toàn và tính ích kỷ sẵn có của con người là một trở ngại lớn khiến người chồng muốn được tôn trọng như là đầu của gia đình nhiều khi tỏ ra thiếu sót trong việc cần phải yêu thương và chú tâm đến vợ mình. Thường thì người vợ sẽ nói rằng nàng không cảm thấy được chồng yêu thương, rằng chàng chỉ chú tâm đến sự thỏa mãn dục vọng và sở thích riêng của chàng mà thôi. Một số người vợ cũng thường phàn nàn rằng chồng họ rất độc đoán. Có thể là vì các người vợ đó tìm cách chiếm đoạt quyền làm đầu của chồng họ, do đó những người chồng kia phản ứng lại như thế. Hoặc vì người đàn ông đã lớn lên trong một môi trường có nhiều người làm chồng rất phách lối và độc tài. Dù có nguyên do nào, không ai tôn trọng người đàn ông lạm dụng quyền làm đầu của mình cả.

8 Mặt khác, thay vì lạm dụng quyền làm đầu của mình, một số người chồng từ bỏ quyền ấy. Họ trao quyền quyết định mọi việc cho vợ mình. Hoặc trong khi yêu cầu vợ “đừng thúc hối”, họ trì hoãn đến độ làm hại cho gia đình. Có lẽ họ không lười biếng hoặc quá nhàn rỗi, nhưng kết quả có thể giống như lời mô tả trong Châm-ngôn 24:33, 34: “Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay để đi nằm một chút,...Thì sự nghèo của con sẽ đến như một kẻ đi rạo, và sự thiếu-thốn của con sẽ áp tới như một kẻ cầm binh-khí”.

9, 10. Khi quyết định những việc có ảnh hưởng đến gia đình, người chồng nên quan tâm đến những quan điểm của ai?

9 Vợ của bạn sẽ tôn trọng bạn nếu bạn tỏ ra cương quyết, mạnh dạn và có đủ khả năng để quyết định mọi việc. Điều đó không có nghĩa là không ai khác trong nhà được tham khảo hoặc ý kiến của vợ bạn không đáng được xem trọng chỉ vì không giống với ý kiến của bạn. Ngay thời xưa Kinh-thánh có cho chúng ta biết về một vấn đề quan trọng xảy ra trong gia đình của Áp-ra-ham và Sa-ra giữa con trai họ là Y-sác và con trai của người tớ gái A-ga. Sa-ra đã đưa ra một giải pháp không phù hợp với cảm nghĩ của Áp-ra-ham về vấn đề ấy. Nhưng Đức Chúa Trời nói cùng Áp-ra-ham: “Hãy nghe theo tiếng người nói” (Sáng-thế Ký 21:9-12).

10 Chúng ta cũng không nên từ đó kết luận rằng người chồng phải luôn luôn ưng thuận theo những ước muốn của vợ mình. Nhưng nếu cùng nàng thảo luận những quyết định có ảnh hưởng tới gia đình, có thể rất lợi ích là khuyến khích nàng tự do phát biểu ý kiến và cảm tưởng. Hãy trò chuyện cởi mở, hãy luôn luôn tỏ ra là người dễ gần gũi được, và xem xét kỹ lưỡng những sở thích của nàng trước khi quyết định. Đừng bao giờ tỏ ra hống hách hay độc tài khi đảm trách quyền làm đầu, nhưng hãy khiêm nhường. Bạn không hoàn toàn, bạn sẽ làm lỗi, và khi có lỗi hẳn bạn mong vợ bạn thông cảm. Khi những tình thế ấy diễn ra, vợ người khiêm nhường sẽ dễ tôn trọng quyền làm đầu của chàng hơn là vợ một người chồng kiêu căng.

BẰNG CÁCH CUNG CẤP KHÉO LÉO CHO MỌI NHU CẦU GIA ĐÌNH

11, 12. a) Người chồng có trách nhiệm nào về việc cung cấp cho những nhu cầu vật chất của đời sống? b) Tại sao thật ra là người vợ hợp tác với người chồng trong lãnh vực này?

11 Người chồng có trách nhiệm cung cấp cho các nhu cầu vật chất cần thiết của gia đình mình. I Ti-mô-thê 5:8 cho biết: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối-bỏ đức-tin, lại xấu hơn người không tin nữa”. Ngày nay, ở nhiều nước, đời sống đòi hỏi phải chi tiêu khá nhiều tiền; và bạn, là chồng, phải quyết định quản trị việc thỏa mãn nhu cầu này. Có lẽ bạn thấy ngoài việc mang tiền về nhà, bạn cần phải kế hoạch ngân sách cùng với vợ mình. Điều này có ý nghĩa giản dị là phải kiểm soát việc chi tiêu. Điều này cũng giúp bạn chỉ tiêu tiền trong mức độ của mình, và tránh cãi vã khi hết tiền trước ngày lãnh lương.

12 Mặc dù phần đông các người chồng cung cấp tiền bạc cho gia đình, chớ nên quên rằng vợ chồng phải phối hợp sự cố gắng. Nếu bạn là chồng mà nghĩ bạn một mình đảm đương mọi sự, thì bạn hãy ngưng lại và thử tính toán xem bạn sẽ phải trả bao nhiêu tiền để mướn một người giúp việc, một người làm bếp, một người rửa chén, một người coi nhà, một người trang hoàng, một người giữ con cho bạn, v.v...Thường thì người vợ tiết kiệm cho bạn các phí tổn này bằng cách tự mình làm những công việc ấy, và dĩ nhiên, đó là bổn phận của nàng là người hôn phối của bạn. Và nếu nàng ghi chép nhiều khoản chi phí trong nhà, thì bạn có thể ghi thêm công việc “kế toán viên” vào bảng kê khai nói trên. Quả Châm-ngôn 18:22 nói chí lý: “Ai tìm được một người vợ, tức là tìm được một điều phước”.

13. Các cặp vợ chồng nên bác bỏ thái độ nào về của cải vật chất, và như thế có lợi ích gì?

13 Có một nguy hiểm lúc nào cũng hiện diện trong việc cung cấp cho nhu cầu vật chất—cho bạn và cho vợ bạn—đó là việc rơi vào cạm bẫy của một quan điểm và ý niệm duy vật về đời sống. Ít có điều gì làm hao mòn nền tảng hạnh phúc gia đình bằng mối nguy hiểm đó. Sứ đồ Phao-lô nói: “Vì chúng ta ra đời chẳng hề mang gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; còn như kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất. Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”. Dù việc theo đuổi vật chất trong đời sống có mang lại lợi ích gì đi nữa, của cải vật chất không bao giờ có thể bù đắp lại sự đau đớn khi nhìn thấy mối liên lạc trong gia đình bị suy kém dần đi và rồi đến chỗ tan vỡ. Sự mất mát về thiêng liêng và tình cảm còn to hơn lợi lộc vật chất đạt được (I Ti-mô-thê 6:7-10).

14. Điều gì xác định một người coi quá trọng của cải vật chất trong đời sống họ?

14 Chủ nghĩa duy vật là sự yêu thương của cải vật chất chứ không phải chỉ giản dị có của cải vật chất. Một người có thể là nghèo nhưng có khuynh hướng duy vật, hoặc giàu nhưng có khuynh hướng thiêng liêng; tùy vào lòng của người đó hướng về đâu. Giê-su đã nói: “Các ngươi chớ chứa của-cải ở dưới đất, là nơi có sâu-mối, ten-rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của-cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu-mối, ten-rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của-cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:19-21).

15, 16. Ngoài việc chăm sóc về những nhu cầu vật chất, một người chồng nên làm điều gì khác nữa để giữ vững hạnh phúc gia đình?

15 Người chồng nào khéo léo cung cấp cho mọi nhu cầu vật chất của gia đình mình sẽ suy gẫm về các lời khuyên bảo như thế của Kinh-thánh. Ngoài việc cung cấp cho những nhu cầu thiết yếu về vật chất, người cũng sẽ dành thời giờ để cung cấp cho những nhu cầu thiêng liêng của gia đình mình. Nếu bạn dành quá nhiều thời giờ vào công việc thế gian để cung cấp cho những nhu cầu vật chất của đời sống đến nỗi bạn không còn đủ thời giờ và năng lực để xây dựng gia đình trong đường lối thiêng liêng thì điều đó có tốt đẹp gì đâu? Để đối phó được với những vấn đề của đời sống theo sự khôn ngoan, thì phải dành thời giờ hầu xây dựng trong gia đình bạn lòng tin kính mạnh mẽ đối với các nguyên tắc công bình. Hãy dành thời giờ để cùng nhau đọc và thảo luận về Lời Đức Chúa Trời, và cầu nguyện chung. Là người gia trưởng, người chồng có trách nhiệm điều khiển việc này. Những lợi ích và ảnh hưởng tốt đẹp sẽ to tát hơn sự tốn kém về thời gian và sự cố gắng bỏ ra. Lời hứa sau đây của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ được thực hiện: “Phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con” (Châm-ngôn 3:6).

16 Người chồng tin cậy Đấng Tạo hóa chỉ dẫn đường hướng của mình sẽ nhận biết giá trị của sự quân bình trong lời khuyên bảo nơi Truyền-đạo 7:12: “Vì sự khôn-ngoan che thân cũng như tiền-bạc che thân vậy, nhưng sự khôn-ngoan thắng hơn vì nó giữ mạng sống cho người nào giữ được nó”. Vì thế người sẽ làm lụng cực nhọc để cung cấp cho những nhu cầu vật chất của gia đình mình. Tuy nhiên, người đặt sự trông cậy mình “chẳng phải nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng nơi Đức Chúa Trời”. Người làm gương trong việc đặt những lợi ích về thiêng liêng lên hàng đầu để mình và vợ mình có thể “được cầm lấy sự sống thật” (I Ti-mô-thê 6:17-19). Những cố gắng của người chồng để cung cấp cho những nhu cầu vật chất và thiêng liêng như vậy sẽ được người vợ biết kính sợ Đức Chúa Trời kính trọng.

BẰNG CÁCH TÔN TRỌNG NÀNG

17-19. Lời khuyên của Kinh-thánh về sự tôn trọng người vợ được áp dụng trong việc giao hợp ân ái như thế nào?

17 Sứ đồ Phi-e-rơ nói với những người chồng về vợ họ và bảo họ: “Hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình như giống yếu-đuối hơn” (I Phi-e-rơ 3:7). Cũng trong câu này, Phi-e-rơ cho thấy nếu người chồng có lòng tôn trọng vợ mình thì là người “tỏ điều khôn-ngoan”.

18 Lời khuyên này chắc chắn được áp dụng trong việc giao hợp ân ái. Thường thì sự liệt âm nơi nhiều người vợ là do việc chồng họ không hiểu biết cách cấu tạo thể chất và cảm xúc của phái nữ. Lời Đức Chúa Trời khuyên bảo: “Chồng phải làm hết bổn-phận đối với vợ”, nhưng phải “tỏ điều khôn-ngoan trong sự ăn-ở với vợ mình, như là giống yếu-đuối hơn” (I Cô-rinh-tô 7:3). Nếu bạn thật lòng tôn trọng nàng, bạn sẽ không khắc nghiệt và đòi hỏi quá đáng, chỉ muốn thỏa mãn cho được những dục vọng của mình, dù nàng có thể quá mệt mỏi hay đang ở trong lúc khó khăn trong tháng (So sánh Lê-vi Ký 20:18). Và khi giao hợp, bạn chớ nên chỉ nghĩ đến vui thú riêng của bạn mà quên đi những nhu cầu của nàng. Trong phạm vi này của đời sống, đàn bà thường phản ứng chậm hơn đàn ông. Nàng đặc biệt cần sự dịu dàng và âu yếm. Khi nói chồng “phải làm hết bổn-phận đối với vợ”, Kinh-thánh nhấn mạnh đến sự ban cho, chớ không phải sự nhận lãnh.

19 Dĩ nhiên, loại ban cho này chỉ được dành riêng cho người hôn phối của mình mà thôi. Thật ra, nhiều người đàn ông ngày nay có “những việc vụng trộm” với những đàn bà khác. Nhưng cuối cùng họ được lợi ích gì? Họ chỉ làm hao mòn hạnh phúc của chính họ mà thôi. Họ không tôn trọng vợ mình và vì thế họ không có căn bản nào để khiến cho vợ họ có thể tôn trọng họ. Hơn thế nữa, họ cũng không tôn trọng hôn nhân là một sự sắp đặt bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Bởi “những việc vụng trộm” chỉ đem lại bao nhiêu đau đớn như thế, thật dễ hiểu thay lời cảnh cáo trong Hê-bơ-rơ 13:4: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn quê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình”!

20. Như được tỏ rõ trong Ê-phê-sô 5:28, chồng phải tôn trọng vợ mình trong những lãnh vực nào khác?

20 Tôn trọng vợ không có nghĩa chỉ trong việc giao hợp ân ái mà thôi. Trong những lãnh vực khác cũng vậy, người chồng thật sự được tôn trọng phải tỏ ra mình quan tâm nhiều đến vợ mình. Điều ấy không có nghĩa là người để nàng lên bệ và làm nô lệ cho nàng. Không, nhưng có nghĩa như chúng ta đọc thấy trong Ê-phê-sô 5:28: “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy”. Người đàn ông nào làm như vậy thì chắc không coi vợ mình như một người thấp hèn. Trong bữa ăn chắc ông sẽ không nghĩ chỉ thân thể ông mới đáng được những miếng ngon, còn thân thể nàng thì chỉ cần đồ ăn còn thừa—nếu ông yêu nàng “như chính thân mình” thì hẳn sẽ không làm thế. Thay vì quan tâm về thể diện của mình, ông sẽ quan tâm cùng một mực ấy hoặc nhiều hơn về cách phục sức của vợ mình. Hãy làm hết sức mình để nàng cảm thấy hài lòng về áo quần của nàng. Một người đàn ông không tự đánh đập mình khi có việc gì không thành như ông mong ước. Cũng vậy, người chồng là tín đồ đấng Christ sẽ không cư xử như thế đối với vợ mình chỉ vì nàng đôi khi thiếu sót, không được như ý mình mong muốn. Ngược lại, nếu có ai đối xử cay nghiệt với nàng thì chàng sẽ tỏ ra trung thành và đến giúp đỡ nàng. Chàng yêu thương nàng như chính thân mình vậy.

21, 22. Một người chồng có thể giúp đỡ vợ mình như thế nào để cho nàng vui thích làm tròn vai trò của nàng?

21 Trong khi nhận biết các lãnh vực trong đó bạn có cùng những nhu cầu với nàng, bạn cũng cần phải hiểu những điểm khác biệt tâm lý giữa hai người, nếu như bạn tôn trọng vợ bạn. Đàn bà vốn thích được làm việc dưới một uy quyền điều khiển, miễn là uy quyền đó được thi hành đúng cách. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tạo ra họ như vậy. Đàn bà được tạo ra để làm “một kẻ giúp-đỡ giống như nó (người đàn ông)” (Sáng-thế Ký 2:18). Nhưng nếu sự giám sát quá chặt chẽ, nếu không có cơ hội nào để phát biểu ý kiến và sử dụng các năng khiếu riêng của nàng, người đàn bà có thể bắt đầu cảm thấy đời sống nàng trở nên mất thú vị và nàng có thể thấy bực bội.

22 Cần quan tâm đến một yếu tố khác nữa, là đàn bà vốn thích được cảm thấy mình cần thiết. Hầu hết các người vợ thích có người chồng hay giúp đỡ, nhưng người chồng nào sao lãng vợ và hành động một mình thì có lẽ sẽ nhận thấy sự sốt sắng của mình có hại nhiều hơn là có lợi. Bạn có thể chinh phục được lòng trung thành của vợ mình khi tỏ ra nhân từ, biết ơn, nói cho nàng biết bạn cần đến nàng, bạn tôn trọng nàng và hợp tác với nàng, ví dụ bằng cách nói: “Chúng ta” và “của chúng ta” thay vì “tôi” và “bà” hay là “của tôi” hoặc “của bà”. Bạn có thật sự cho vợ bạn biết bạn mến chuộng và cần nàng nhiều đến độ nào không? Bạn sẽ chứng tỏ điều đó không phải bằng cách trả lương cho nàng, nhưng bằng những cách khác.

QUÍ TRỌNG CÁC NỮ TÍNH CỦA NÀNG

23. Nói chung, đàn ông và đàn bà có sự khác biệt về cảm xúc như thế nào?

23 Một nhà tâm lý học về đàn bà đã viết: “Đàn bà vốn có khiếu trực giác trong khi đàn ông hay suy luận”. Thật ra thì đặc điểm này không tốt hơn đặc điểm kia; chỉ khác nhau thôi. Chúng ta không thích những người không tình cảm, cũng không thích những người không suy luận. Dĩ nhiên đàn bà có khả năng vừa về trực giác vừa về suy luận, và đàn ông cũng vậy. Nhưng nói chung thì đàn bà nhạy cảm hơn trong khi đàn ông thường có khuynh hướng cố gắng chế ngự xúc cảm để đối phó với vấn đề một cách hợp lý hơn. Mặc dù có ngoại lệ, đó là một điểm dị biệt khác khiến cho vợ chồng bổ túc lẫn nhau. Cùng với tính nhạy cảm hơn sẵn có nơi đàn bà, lòng quan tâm mạnh mẽ đến mọi người thường khiến cho đàn bà nói nhiều hơn đàn ông. Và như thế nàng cần có người nào đó để nói chuyện cùng. Nhiều người chồng tỏ ra thiếu sót trong lãnh vực này.

24. Tại sao việc người chồng lắng nghe vợ mình và trò chuyện với nàng là điều quan trọng?

24 Bạn có nói chuyện với vợ bạn không? Không phải chỉ nói về công việc của bạn thôi, nhưng cũng nói về công việc của nàng nữa? Bạn có quan tâm đến việc trò chuyện và tỏ cho nàng biết điều đó không? Đời sống hàng ngày của nàng diễn ra như thế nào? Có chuyện gì xảy ra cho con cái không? Đừng nên vừa về đến nhà là vội hỏi: “Tối nay ăn gì thế?” và sau khi ăn xong, đừng nên chúi đầu sau tờ báo và ấm ứ đáp lại cho có lệ khi nàng cố gắng gợi chuyện. Bạn nên quan tâm đến vợ bạn, đến những ý tưởng của nàng, những sinh hoạt của nàng, những cảm nghĩ của nàng về mọi chuyện. Hãy khích lệ nàng trong những việc nàng dự tính làm và khen nàng trong những việc nàng đã thành tựu. Nếu được khen trong công việc nàng, có lẽ nàng sẽ thích làm việc khác mà có thể nàng trước đã bỏ bê. Chỉ trích có thể là một chất độc và gây phiền muộn, nhưng lời khen chân thật, đúng chỗ, giống như một phương thuốc chữa bệnh và là một khích lệ cho tâm thần (Châm-ngôn 12:18; 16:24).

25, 26. a) Một quà tặng người vợ muốn nói điều gì? b) Loại ban cho nào rất quan trọng đối với nàng?

25 Thỉnh thoảng bạn có biếu nàng một món quà bất ngờ không? Không nhất thiết phải là một tặng vật đắt giá—có thể chỉ là một vật nhỏ nhặt nhưng muốn nói: “Anh nghĩ đến em”. Và bạn có làm điều này mà không cần phải đợi đến cơ hội đặc biệt nào cả, nhưng một cách hồn nhiên, chẳng có lý do nào khác hơn là vì bạn muốn làm thế thôi, hay không? Những hứng thú bất ngờ luôn luôn mang lại vui mừng. Lẽ nào bạn không hài lòng khi nàng làm bạn ngạc nhiên bằng cách nấu nướng vài món ăn đặc biệt mà bạn thích hay sao? Hãy dùng tặng vật bất ngờ đáp lại ngạc nhiên như thế và làm đẹp lòng nàng. Những tặng vật nhỏ nhặt, nhưng phát xuất từ lòng yêu thương, có ý nghĩa hơn những món quà đắt giá mà người tặng cảm thấy bắt buộc, miễn cưỡng: “Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 9:7). Những người vợ cũng phải xử sự như thế. Dù những bữa ăn không được đặc biệt lắm, cũng nên nhớ: “Thà một món rau mà thương-yêu nhau, còn hơn ăn bò mập-béo với sự ganh-ghét cặp theo” (Châm-ngôn 15:17).

26 Một sự ban cho quan trọng nhất là ban cho chính bản thân của mình, tức là ban cho vợ bạn thời giờ, năng lực, sự quan tâm và cảm nghĩ của mình, và đặc biệt những gì thầm kín nhất của lòng mình. Nhiều đàn ông nhận thấy khó làm điều này. Đối với họ, làm một cử chỉ âu yếm nồng nàn dường như có vẻ đa cảm ngây ngô và phản nam tính. Nhưng nếu bạn yêu vợ mình, bạn sẽ nhớ rõ đối với nàng một cái nhìn, một vuốt ve, một lời nói rất quan trọng. Nếu thiếu những điều đó thì có thể đàn bà trở nên buồn bã, uể oải và bất hạnh. Vì vậy, hãy theo gương mẫu được ghi lại trong sách Nhã-ca của Kinh-thánh. Vả lại, ai tỏ ra quan tâm và có cảm tình đối với người khác, chính người đó được lợi ích. Người ta thường thấy rất thích đến gần những người có tính nồng hậu. Và ai là người có tính nồng hậu? Đó là người biểu lộ tình cảm và sự phấn khởi của mình đối với những người mà mình quan tâm đến. Sự nồng hậu như thế sẽ dễ lây; người có tính nồng hậu sẽ được đối đãi một cách nồng hậu trở lại (Nhã-ca 1:2, 15; Lu-ca 6:38).

27, 28. a) Để xác định mình có thực hành quyền làm đầu cách thích đáng không, người chồng có thể tự hỏi gì? b) Tại sao quan tâm đến vấn đề này là một điều tốt lành?

27 Hỡi người làm chồng, hãy tự hỏi: Vợ tôi có dễ dàng tôn trọng quyền làm đầu của tôi không? Tôi có yêu nàng như yêu chính thân mình không? Hay là tôi chỉ nghĩ trước tiên đến việc thỏa mãn riêng cho tôi và các ước muốn của tôi? Tôi quan tâm đến các nhu cầu của nàng nhiều đến độ nào? Trước khi tôi quyết định việc gì cho gia đình, tôi có tham khảo ý kiến của nàng và để ý đến các ước vọng của nàng không? Khi làm những quyết định, tôi có nghĩ đến hạnh phúc của nàng không? Tôi có tôn trọng nàng như là phái yếu đuối hơn, phái nữ, hay không? Tôi có trò chuyện với nàng và tâm sự với nàng không?

28 Bạn sẽ không thể làm tất cả mọi việc một cách hoàn toàn. Nhưng nếu bạn tỏ ra cương quyết, cố gắng nhẫn nại và khiêm nhường thì bạn có thể tin chắc rằng bạn sẽ chinh phục được sự kính trọng sâu xa của vợ bạn và sẽ làm Đức Chúa Trời hài lòng.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 49]

Của ít nhưng lòng nhiều