Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một người vợ thật yêu dấu

Một người vợ thật yêu dấu

Chương 5

Một người vợ thật yêu dấu

1-4. Nhiều lúc có những người đàn bà thường phàn nàn gì về tình yêu của chồng họ đối với họ?

NGÀY NỌ một người đàn bà than phiền với một bà khác: “Tôi biết chồng tôi yêu tôi, nhưng chàng chẳng hề nói ra điều đó bao giờ cả. À, thỉnh thoảng cũng có chứ, chỉ khi tôi có lôi vấn đề đó ra cùng chàng thôi; nhưng nếu chàng tự ý nói ra không cần tôi thúc giục thì sẽ có ý nghĩa nhiều hơn”.

2 Bà kia đáp: “Phải đấy, đàn ông đều như thế cả. Có lần tôi hỏi chồng tôi là anh ấy có yêu tôi không, và anh ấy nói: Anh đã cưới em, phải không? Anh cung cấp đầy đủ, anh sống với em; nếu không yêu đã chẳng làm thế!”

3 Bà ngừng một lát, rồi tiếp: “Tuy nhiên, hôm nọ có một điều rất cảm động đã xảy ra. Suốt ngày hôm đó tôi lau chùi phòng làm việc của anh ấy, và tôi bắt gặp một tấm hình trong ngăn kéo bàn. Đó là tấm hình mà tôi đã chỉ cho anh ta thấy trong một cuốn hình cũ của gia đình tôi. Hình đó chụp tôi mặc áo tắm lúc tôi lên bảy tuổi. Và anh chàng đã lấy ra khỏi cuốn hình và để vào trong ngăn kéo bàn!”

4 Bà mỉm cười nhắc lại chuyện này rồi nhìn bà bạn và nói: “Tối hôm ấy tôi hỏi gặng anh ta về tấm hình khi anh ta đi làm về. Anh ta cầm tấm hình lên tay mình, mỉm cười nói: «Anh yêu mến cô bé này». Rồi chàng ta để tấm hình xuống, hai tay ôm chặt khuôn mặt tôi và nói: «Anh cũng yêu mến cô bé đã lớn lên này nữa». Và chàng hôn tôi âu yếm. Lệ đã tràn ra trong khóe mắt tôi”.

5. Để được chồng thật sự yêu dấu, một người vợ nên cư xử như thế nào?

5 Người vợ nào biết chồng rất quí nàng thì cảm thấy ấm lòng và yên dạ. Lời của Đức Chúa Trời khuyên đàn ông phải tha thiết yêu thương vợ mình. “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó... hai người cùng nên một thịt” (Ê-phê-sô 5:28, 29, 31). Như chúng ta đã thảo luận, vợ phải có sự kính trọng sâu xa đối với chồng mình, nhưng chồng phải ăn ở như thế nào để xứng đáng được sự kính trọng đó. Điểm này vẫn đúng như trong trường hợp chồng bạn được khuyên bảo phải yêu thương và săn sóc bạn: Chính bạn hãy ăn ở thế nào khiến chàng sẽ yêu thương bạn hết lòng.

BẠN CÓ GIÚP ĐỠ CHỒNG BẠN KHÔNG?

6, 7. a) Theo Sáng-thế Ký 2:18 Đức Giê-hô-va đã tạo ra người đàn bà cho vai trò gì? b) Người vợ cần phải làm gì để thật sự giúp đỡ chồng mình?

6 Người vợ thật đáng yêu, ngoài việc vâng phục quyền làm đầu của chồng, cũng phải làm nhiều điều cần thiết khác. Nếu chỉ cần vâng phục thì chàng có thể có một con ngựa hoặc một con chó được huấn luyện kỹ càng để vâng phục mình. A-đam đã có những thú vật ở cùng với người trong vườn Ê-đen, và chúng vâng phục người. Nhưng về đồng loại với mình, người vẫn là trơ trọi. A-đam cần một người đồng loại thông minh để làm bạn, để bổ túc cho mình và giúp đỡ làm việc với mình. Đức Giê-hô-va nói: “Loài người ở một mình thì không tốt, ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó” (Sáng-thế Ký 2:18).

7 Chồng cần được vợ không những yêu thương và kính trọng, nhưng cũng cần được nàng thật sự giúp đỡ và ủng hộ chàng khi chàng quyết định việc gì. Điều này không khó khi những quyết định đã được cả hai cùng thỏa thuận sau khi thảo luận với nhau. Nhưng không dễ như vậy nếu người vợ không được hỏi ý kiến hoặc không đồng ý. Trong trường hợp như thế, bạn có thành thật ủng hộ chồng bạn không?—làm hết sức mình để giúp cho quyết định của chàng được tiến hành tốt, miễn không bất pháp hay đi ngược lại đường lối của Kinh-thánh. Hay bạn có khuynh hướng bướng bỉnh, và hy vọng thấy chàng thất bại để bạn có thể nói: “Tôi đã bảo rồi mà”? Bạn há không nghĩ nếu chàng nhìn thấy bạn nỗ lực làm việc để cho dự định của chàng được thành đạt, mặc dầu bạn nghĩ khó thành công, thì chàng sẽ càng yêu bạn nhiều hơn nữa sao?

8. Một người vợ có thể khuyến khích chồng mình thực hành quyền làm đầu cách thích đáng như thế nào?

8 Nhưng trên hết, đừng tìm cách chiếm đoạt quyền làm đầu của chàng. Nếu bạn chiếm đoạt được, bạn sẽ không yêu thích chàng nữa; và chàng sẽ không thích bạn nữa hay cả chính mình nữa. Có lẽ hiện nay chàng không giữ vai trò cầm đầu như chàng đáng lý phải làm. Bạn có thể nào khích lệ chàng làm tốt hơn không? Bạn có tỏ ra ý thức về những cố gắng của chàng để đảm đương việc cai quản gia đình không? Bạn có hợp tác và khuyến khích chàng khi chàng có một sáng kiến, hay bạn bảo anh sai lầm, dự định của anh sẽ không tiến hành được? Đôi khi cũng lỗi tại người vợ phần nào khi người chồng không giữ vai trò làm đầu gia đình—thí dụ, nếu nàng chê bai những ý kiến của chàng, chống lại những cố gắng của chàng, hoặc có thái độ của người nói “Tôi đã bảo rồi là không thành công mà”, khi một dự định của chàng không đi đến kết quả hoàn toàn. Làm như thế có thể sẽ khiến người chồng mất đi sự cương quyết và nghị lực. Trái lại, nếu bạn tỏ ra trung thành và ủng hộ chàng, khâm phục và tin tưởng chàng thì bạn sẽ làm chàng phấn chí và giúp chàng thành công.

“MỘT NGƯỜI VỢ TÀI ĐỨC”

9. Châm-ngôn 31:10 nói gì về một người vợ tài đức?

9 Để trở nên một người vợ được tha thiết yêu thương, bạn cũng cần đảm đương tốt các trách nhiệm của bạn trong nhà. Kinh-thánh nói về một người nữ như vậy: “Giá-trị nàng trổi hơn châu-ngọc” (Châm-ngôn 31:10). Có phải bạn là một người vợ như thế không? Bạn có muốn trở thành một người vợ như thế không?

10, 11. Người vợ phải ăn ở thế nào để hợp với lời miêu tả trong Châm-ngôn 31:15?

10 Khi mô tả sinh hoạt của một “người vợ tài-đức”, sách Châm-ngôn tường thuật: “Nàng thức dậy khi trời còn tối, phát vật-thực cho người nhà mình” (Châm-ngôn 31:15). Nhiều đàn bà trẻ thấy lúng túng khi mới lập gia đình, vì mẹ của họ đã không dạy họ nấu nướng, nhưng giờ thì họ có thể học tập. Và một đàn bà khôn ngoan sẽ học hỏi khéo léo! Nấu nướng là một nghệ thuật. Khi ăn ngon người ta không phải chỉ cảm thấy no dạ, nhưng cũng cảm thấy tâm hồn thích thú nữa.

11 Trong nghệ thuật làm bếp nhiều điều có thể học được. Có ích là nên biết chất bổ của từng món ăn vì như thế bạn có thể bảo vệ sức khỏe cho gia đình bạn. Nhưng nếu bạn chỉ cho chồng bạn ăn một bữa ăn bổ dưỡng cũng chưa đủ để được chồng bạn khen ngợi đâu. Kinh-thánh kể rằng vợ của Y-sác là Rê-be-ca đã biết “làm món ngon tùy theo sở thích” chồng nàng (Sáng-thế Ký 27:14). Nhiều người vợ có thể có lợi khi theo gương của bà.

12. Trách nhiệm của người đàn bà gồm có những gì thể theo Châm-ngôn 31:14?

12 Tại vài nơi trên thế giới, đàn bà đi chợ mỗi sáng để mua các vật cần dùng hàng ngày. Ở những nơi khác có lẽ họ đi chợ mỗi tuần một lần và ướp lạnh thức ăn để dự trữ. Dù gì đi nữa, đàn ông ai cũng thích có người vợ biết cẩn thận chi tiêu cho nhà mình và tôn trọng ngân sách gia đình. Nếu nàng học đánh giá thức ăn và quần áo, và biết chọn hàng tốt, nàng sẽ không luôn luôn mua ngay thứ hàng hóa vừa lúc nàng nhìn thấy. Hơn nữa, Châm-ngôn 31:14 nói: “Nàng giống như các chiếc tàu buôn-bán, ở từ chỗ xa chở bánh mình về”.

13. Theo Châm-ngôn 31:27, một người vợ tài đức có thể làm gì để chăm sóc nhà cửa cách chu đáo?

13 Nàng cũng cần phải tỏ ra chăm lo như thế về tình trạng nhà cửa. Khi nói thêm về những đặc điểm của người vợ tài đức, Châm-ngôn 31:27 nói: “Nàng coi-sóc đường-lối của nhà mình, không hề ăn bánh của sự biếng-nhác”. Nàng không có thói quen ngủ dậy trễ, bỏ quá nhiều thời giờ để đi nói chuyện phiếm với hàng xóm. Dù đôi khi nàng có thể đau ốm hoặc gặp phải những bất trắc khiến nàng trễ nải công việc nội trợ, nhà nàng thông thường là ngăn nắp và sạch sẽ. Chồng nàng có thể tin cậy nếu bạn bè đến thăm bất ngờ thì chàng sẽ không phải hổ thẹn về nhà cửa.

14, 15. Kinh-thánh khuyên những đàn bà nên phục sức và trang điểm như thế nào?

14 Thường thì đối với phần đông đàn bà không cần phải dặn dò họ một việc quan trọng là nên chú ý đến dung nhan của họ, nhưng có ít người thì cần phải nhắc nhở đến việc đó. Người ta khó có cảm tình với người đàn bà nào bề ngoài cho thấy nàng không chăm sóc gì đến chính mình. Kinh-thánh khuyên đàn bà nên “ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình”, nhưng cũng khuyên chớ nên quá quan tâm đến việc chải tóc, trang sức và quần áo đắt tiền gợi sự chú ý quá đáng (I Ti-mô-thê 2:9).

15 Tính tình của một người quan trọng hơn quần áo người đó mặc. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên các người vợ tín đồ đấng Christ rằng một “tâm-thần yên-tĩnh và dịu-dàng...là quí-giá trước mặt Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:3, 4). Và khi liệt kê những đặc điểm của người vợ tài đức sách Châm-ngôn nói thêm: “Nàng mở đưa tay ra giúp kẻ khó-khăn” và “phép-tắc nhơn-từ ở nơi lưỡi nàng”. Nàng không ích kỷ, không xấu miệng, nhưng rộng lượng và nhân từ (Châm-ngôn 31:20, 26). Chúng ta đọc tiếp: “Duyên là giả-dối, sắc lại hư-không, nhưng người nữ nào kính-sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen-ngợi” (Châm-ngôn 31:30).

16. Một người chồng biết ơn nghĩ gì về người vợ tài đức?

16 Đúng thế, đối với bất cứ người chồng nào có cùng quan điểm với Đấng Tạo hóa thì một người vợ như thế thật đáng được yêu dấu. Chàng sẽ có cảm nghĩ về vợ mình như người viết sách Châm-ngôn đã nói: “Có nhiều người con gái làm-lụng cách tài-đức, nhưng nàng trổi hơn hết thảy” (Châm-ngôn 31:28, 29). Không cần có ai phải thúc đẩy, chàng sẽ tự ý nói cho vợ biết rằng chàng cảm nghĩ như thế về nàng.

QUAN ĐIỂM CỦA BẠN VỀ VẤN ĐỀ ÂN ÁI CŨNG QUAN TRỌNG

17, 18. Quan điểm của người vợ về vấn đề ân ái có thể ảnh hưởng thế nào trên tình cảm của chồng đối với nàng?

17 Việc giao hợp không được thỏa mãn là lý do gây ra nhiều vấn đề trong hôn nhân. Trong một số trường hợp, điều này là do người chồng thiếu quan tâm và hiểu biết về cơ cấu thể chất và nhu cầu tình cảm của vợ mình, và trong những trường hợp khác vì người vợ thiếu sự chia xẻ về thể chất và cảm xúc trong khi giao hợp với chồng. Khi vợ chồng đều tỏ sẵn lòng và nồng hậu trong việc giao hợp, họ sẽ diễn tả cho nhau tình yêu thương khắng khít mà họ cảm thấy giữa họ.

18 Sự liệt âm nơi người vợ có thể tùy ở sự thiếu quan tâm của người chồng; và sự lãnh đạm của người vợ cũng làm đau lòng người chồng. Nếu vợ tỏ ra chán chường trong khi giao hợp, chồng có thể mất hứng thú và sẽ bị thúc đẩy đi tìm một đàn bà khác. Nếu vợ chỉ phục tùng với một thái độ hờ hững bất cần, chồng có thể kết luận điều đó chứng tỏ vợ mình không quan tâm gì đến mình cả. Cảm xúc chi phối các phản ứng tính dục; và nếu người vợ thiếu phản ứng, có lẽ nàng cần xét lại thái độ của chính mình về vấn đề ân ái.

19. a) Kinh-thánh cho thấy thế nào việc từ chối giao hợp với người hôn phối trong một thời gian dài là sai lầm? b) Tại sao không cần phải hỏi ý kiến người ngoại cuộc để biết điều gì đúng và điều gì sai trong việc ân ái giữa hai vợ chồng?

19 Kinh-thánh khuyên vợ chồng “đừng từ-chối nhau”. Lời Đức Chúa Trời kết án người nào sử dụng tính dục như một phương tiện để phạt hay để bày tỏ mối giận hờn của mình, như trường hợp người vợ từ chối chồng mình trong nhiều tuần lễ hoặc ngay cả hằng tháng. Đúng như chàng “phải làm hết bổn-phận đối với vợ” thì nàng phải “đối với chồng cũng vậy” (I Cô-rinh-tô 7:3-5). Điều này không có nghĩa là người vợ buộc phải làm theo một đòi hỏi nào đó bất bình thường mà nàng thấy gớm ghiếc về mặt luân lý; người chồng yêu thương và tôn trọng vợ mình cũng sẽ không đòi hỏi nàng làm như vậy. “Tình yêu-thương...không làm điều trái phép” (I Cô-rinh-tô 13:4, 5). Không cần thiết phải nhờ một ai bên ngoài vòng hôn nhân phán đoán xem điều nào là thích hợp hay không thích hợp về cách cư xử giữa đôi vợ chồng. Trong I Cô-rinh-tô 6:9-11, Kinh-thánh liệt kê rõ ràng những điều ngăn cấm đối với những người thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời: tà dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái (Cũng so sánh Lê-vi Ký 18:1-23). Ngày nay một số người phóng túng theo “luân lý mới”—đúng ra là vô luân lý—kêu gọi để một số hành vi tính dục bị ngăn cấm này được chấp nhận, trong khi một số những người khác thì lại quá nghiêm khắc, đặt thêm những cấm đoán khác ngoài những điều nói trên. Kinh-thánh có quan điểm quân bình. Nói chung, nếu tất cả các lãnh vực khác trong hôn nhân là tốt đẹp, nếu có tình yêu thương, sự tôn trọng, liên lạc ý tưởng và cảm thông tốt, thì việc ân ái sẽ ít khi thành vấn đề.

20. Nếu một người vợ dùng việc ân ái làm phương tiện để đổi chác, hậu quả sẽ như thế nào?

20 Một người vợ được tha thiết yêu dấu không sử dụng việc ân ái như một phương tiện để đổi chác. Chắc chắn không phải tất cả các người vợ đều dùng việc ân ái để đổi chác, nhưng có một số người làm như vậy. Họ có nhiều cách rất tinh vi để dùng việc ân ái khiến chồng họ phải nhượng bộ chìu theo ý muốn của họ. Kết quả là gì? Hẳn bạn không cảm thấy trìu mến người nào bán cho bạn một cái áo, phải không? Cũng thế, một người chồng không cảm thấy trìu mến một người vợ dùng việc ân ái để đổi chác lấy những sự nhượng bộ của chồng. Người đàn bà làm thế có thể được lời lãi về vật chất, nhưng nàng sẽ bị thua lỗ về mặt tình cảm và thiêng liêng.

NHỮNG NGƯỜI KHÓC HOÀI, VÀ NHỮNG NGƯỜI CẰN NHẰN HOÀI

21-23. Trường hợp của Sam-sôn dẫn chứng cho thấy việc người đàn bà khóc lóc hoài và cằn nhằn hoài có thể phá hoại hạnh phúc như thế nào?

21 Hồi xưa có Sam-sôn là một người đàn ông lực lưỡng, nhưng chàng không chịu đựng nổi áp lực của những người đàn bà đã dùng sự khóc lóc và cằn nhằn buộc chàng chìu theo ý họ. Có lần nọ một người đàn bà, vợ tương lai của chàng, đã khóc lóc cùng chàng khiến chàng bối rối như bị bủa vây. Các Quan Xét 14:16, 17 kể lại: “Nàng bắt đầu khóc trước mặt người mà rằng: Quả thật chàng ghét tôi, chẳng thương tôi chút nào, chàng đã ra một câu đố cho người dân-sự tôi, mà không có giải-nghĩa cho tôi. Người đáp: Kìa, ta không giải-nghĩa cho cha mẹ ta thay, mà ta lại phải giải-nghĩa cho nàng sao?” Sam-sôn cố tìm cách để lý luận với nàng nhưng vô hiệu. Lời lý luận ít có hiệu lực khi có xúc động mạnh. “Trong bảy ngày ăn tiệc nàng cứ khóc như vậy trước mặt người. Qua ngày thứ bảy, người giải nghĩa cho nàng, bởi vì nàng làm cực lòng người. Đoạn, nàng giải lại cho dân sự mình”.

22 Chớ nên nghĩ rằng chồng bạn không yêu bạn chỉ vì chàng không luôn luôn chìu theo ý riêng bạn. Người vợ sắp cưới của Sam-sôn đã đổ lỗi chàng không yêu mình, nhưng thật ra chính nàng không yêu chàng. Nàng đã dùng mọi cách để làm áp lực khiến chàng không thể chịu đựng được nữa. Khi chàng đã thổ lộ cho nàng lời giải đáp cho câu đố của mình, nàng lập tức phản bội chàng, chạy đi nói lại cho những kẻ thù của chàng. Rốt cuộc nàng trở nên vợ của một người khác.

23 Sau đó, Sam-sôn bị một đàn bà khác tên là Đa-li-la lôi cuốn. Dung nhan nàng có lẽ hấp dẫn lắm. Nhưng nàng có phải là một đàn bà để chàng yêu dấu thật sự không? Đa-li-la đã dùng sự cằn nhằn liên miên hòng buộc Sam-sôn tiết lộ cho nàng biết những điều có lợi cho nàng. Lời tường thuật nói: “Mỗi ngày nàng lấy câu hỏi ghẹo lòng rối trí người, đến nỗi người bị tức mình hòng chết”. Hậu quả sau cùng thật là bi thảm (Các Quan Xét 16:16).

24-27. a) Sách Châm-ngôn nói gì về hậu quả của một người vợ cằn nhằn hoài? b) Tại sao lời khuyên này đặc biệt nói cho đàn bà? c) Điều gì có lẽ sẽ dễ khiến một người chồng tìm mọi cơ hội để chìu ý vợ mình?

24 Khóc lóc và cằn nhằn không phải là khôn ngoan, nhưng làm hại hôn nhân; làm người chồng phải xa lánh. Kinh-thánh cảnh cáo chúng ta về thái độ ấy: “Ai nhắc lập lại điều gì chia-rẽ bạn-bậu thiết-cốt”. “Sự tranh-cãi của người vợ vốn một máng xối hằng chảy luôn”. “Thà ở nơi vắng-vẻ, Hơn là ở chung nhà với một người đờn-bà hay tranh-cạnh và nóng-giận”. “Một máng xối giột luôn luôn trong ngày mưa lớn, và một người đờn-bà hay tranh-cạnh, cả hai đều y như nhau. Ai muốn ngăn-giữ nàng, khác nào ngăn-giữ gió, Và như tay hữu cầm lấy dầu vậy” (Châm-ngôn 17:9; 19:13; 21:19; 27:15, 16).

25 Tại sao Kinh-thánh đặc biệt khuyên đàn bà như thế? Có lẽ vì người đàn bà thường nhạy cảm hơn và dễ biểu lộ tình cảm của họ hơn, đặc biệt khi có việc gì khiến họ buồn phiền. Có lẽ họ cũng cảm thấy đó là lợi khí duy nhất của họ. Người chồng là chủ gia đình; ông có thể làm theo ý riêng, vì thế người vợ có lẽ cảm thấy nàng phải dùng áp lực tình cảm. Hỡi người làm vợ, bạn không nên nhờ cậy những thủ đoạn ấy, và chồng bạn hẳn không nên làm cho bạn phải cảm thấy cần đến những thủ đoạn đó.

26 Thật ra, có lẽ đôi khi bạn không cảm thấy khỏe khoắn, và bạn có thể muốn khóc sướt mướt, dù bạn không muốn. Nhưng điều này khác hẳn với việc dàn cảnh dùng ngón đòn tâm lý để được chìu theo ý muốn riêng.

27 Hầu hết các người chồng sẽ chìu ý vợ mình hơn là ý riêng mình, khi có những lựa chọn theo sở thích cá nhân, nếu họ thật sự yêu nàng. Bạn hãy chìu theo ý chồng bạn, thì có lẽ chàng sẽ tìm mọi cơ hội để chìu theo ý bạn.

“CÓ KỲ NÍN-LẶNG, CÓ KỲ NÓI RA”

28-35. a) Hãy tả những thói quen trong cách nói chuyện khiến cho một người chồng khó nói chuyện với vợ mình. b) Có thể làm gì để vợ chồng thấy có hứng thú nói chuyện với nhau hơn?

28 Nhiều người vợ phàn nàn: “Chồng tôi chẳng bao giờ nói chuyện với tôi”. Có thể lỗi tại người chồng. Tuy nhiên, có nhiều lúc người chồng thích nói chuyện với vợ mình nhưng bà không dễ dàng để cho ông nói. Thế là sao? Không phải tất cả đàn bà đều giống nhau. Nhưng tự hỏi bạn có giống một trong những người đàn bà được miêu tả dưới đây không:

29 Người đàn bà thứ nhất rất thích nói chuyện với những đàn bà khác ở hàng xóm. Nhưng bà nói chuyện cách nào? Khi đàn bà kia ngừng nói để thở thì bà ta xen vào. Bà ta có thể hỏi bừa vài câu, hoặc có thể đổi hẳn câu chuyện. Rồi người kia, đã bị cướp lời, liền nói tiếp câu chuyện bị bỏ dở và làm chủ tình thế thêm một hồi lâu nữa. Người này và người kia đều cho kiểu nói chuyện cướp lời nhau như thế là thường.

30 Bây giờ người chồng về nhà; ông có chuyện muốn nói với vợ. Khi mới bước vào cửa, ông gợi chuyện: “Em có biết chuyện gì đã xảy ra ở sở...”. Ông không nói tiếp được, vì bị vợ ngắt lời: “Anh đã làm bẩn áo anh thế nào vậy? Nhớ cẩn thận khi anh bước nhé, em vừa mới lau nhà đấy”. Thế rồi ông ngập ngừng, không muốn kể tiếp câu chuyện của mình nữa.

31 Hoặc khi hai vợ chồng đang trò chuyện với bạn bè, chàng đang kể lại một chuyện gì, nhưng vì chàng bỏ sót vài chi tiết hay không nói hết một cách chính xác, vợ chàng liền cắt ngang, trước hết để thêm vào những chi tiết thiếu sót, kế đó để làm cho trọn nghĩa câu chuyện. Chẳng bao lâu chàng thở dài và nói: “Tại sao em không kể hết một mình đi?”

32 Người đàn bà thứ hai tìm cách khuyến khích chồng mình nói chuyện. Nàng cố gắng gợi chuyện tự nhiên nhưng với vẻ tò mò, và hỏi: “Anh đi đâu về?”, “Có ai khác không?”, “Có chuyện gì xảy ra không?” Nàng không quan tâm đến những chuyện xảy ra hàng ngày, nhưng chú ý đến những chuyện có vẻ kín đáo hơn. Nàng ghép lại với nhau những mảnh chuyện vụn nghe lóm được và nếu thiếu mạch lạc nàng dùng trí tưởng tượng để thêm bớt đầu đuôi. Có lẽ một số những chuyện đó lại là những chi tiết mà chồng bà đáng lẽ không nên tiết lộ. Những điều khác có thể là thích đáng khi bàn tán giữa vợ chồng, nhưng cần phải được giữ kín. Nếu giờ đây nàng nói cho người khác nghe, thì sự kín nhiệm đã bị đổ bể. Châm-ngôn 25:9 cảnh cáo: “Chớ tỏ sự kín-đáo của kẻ khác”. Vậy nếu nàng làm thế, điều đó có thể gây ra nhiều vấn đề. Trong tương lai chàng sẽ cảm thấy yên lòng bàn luận tự nhiên với nàng được không?

33 Người đàn bà thứ ba thì ít nói. Bà biết làm việc gì cần ở trong nhà, nhưng bà nói rất ít, chỉ vỏn vẹn vài câu. Nếu ai tìm cách nói chuyện với bà thì người ấy phải nói một mình. Có lẽ bà hay mắc cỡ, hoặc có lẽ hoàn cảnh khiến nàng ít được đi học khi nàng còn nhỏ. Dù sao những cố gắng trò chuyện với nàng đều thất bại.

34 Nhưng điều đó có thể thay đổi được. Nghệ thuật nói chuyện có thể học được. Nếu người đàn bà không chỉ lo việc nội trợ, nhưng cũng đọc sách bổ ích và làm việc nhân đức cho người khác, nàng sẽ có những điều xây dựng để nói với chồng mình. Muốn nói chuyện hứng thú thì cả hai đều phải chia xẻ tư tưởng của mình. Mỗi bên phải biết tôn trọng, và tôn trọng đủ để cho người kia nói xong điều người muốn nói, và nói theo cách người muốn, và cần biết khi nào phải giữ kín chuyện mật. Truyền-đạo 3:7 nói: “Có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra”.

35 Vì lẽ đó, thay vì phàn nàn chồng bạn rất ít nói chuyện với bạn, tại sao bạn không cố gắng làm thế nào để chàng cảm thấy vui thích nói chuyện với bạn? Hãy quan tâm đến những việc làm của chàng. Hãy chăm chú nghe khi chàng nói. Khi trả lời bạn phải bộc lộ tình yêu thương nồng nàn và sự tôn trọng sâu xa của bạn đối với chàng. Hãy để ý sao cho những chuyện mà bạn thường nói đến nhất có tính cách tích cực và xây dựng. Chẳng mấy chốc bạn và chồng bạn có thể cảm thấy hứng thú khi nói chuyện với nhau.

“DẪU CHẲNG LẤY LỜI KHUYÊN-BẢO ...CŨNG ĐỦ HÓA THEO”

36-38. Có vài phương cách nào để động đến lòng người chồng không có cùng đức tin?

36 Nhiều lúc hành động hùng biện hơn lời nói, và đặc biệt đối với những người chồng không tin nơi Lời Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phi-e-rơ nói về họ: “Dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính” (I Phi-e-rơ 3:1, 2). Một người chồng không tin đạo phàn nàn vợ ông không ngớt “giảng đạo” cho ông, và điều đó làm ông bực mình. Trái lại, có những người khác đã tin theo đạo khi họ thấy lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời đã biến cải vợ họ thế nào. Lắm khi nhìn thấy hiệu lực tốt lành của một bài giảng khiến cho người ta phục hơn nghe bài giảng đó.

37 Khi bạn nói chuyện với chồng bạn không tin đạo, lời nói bạn “phải có ân hậu theo luôn”, phải có hương vị tốt, hoặc, như lời Kinh-thánh nói, phải “nêm thêm muối”. Có lúc để nói. Kinh-thánh dạy: “Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc”. Có việc gì làm cho chồng bạn chán nản không? Có lẽ việc làm của chàng không trôi chảy lắm. Nói vài lời thông cảm đúng lúc đó có thể làm cho chàng khoái chí và cảm mến. “Lời lành giống như tàng ong, Ngon-ngọt cho tâm-hồn, và khỏe-mạnh cho xương-cốt” (Cô-lô-se 4:6; Châm-ngôn 25:11; 16:24). Hoặc tùy theo hoàn cảnh, có khi chỉ việc đặt tay bạn vào tay chàng là nói được hết lời: Em hiểu anh, em thông cảm với anh; nếu có thể được em sẽ giúp anh.

38 Ngay cả nếu chàng không có cùng đức tin với bạn, Lời Đức Chúa Trời nói bạn vẫn phải vâng phục chàng. Với thời gian nết tốt của bạn có thể chinh phục chàng và chàng có thể sẽ theo cùng đức tin với bạn. Ngày ấy sẽ thật đẹp biết bao! Nếu ngày ấy sẽ đến, chàng sẽ hiểu rõ chàng có nhiều lý do hơn bao giờ hết để yêu bạn. Vì bởi lòng trung thành của bạn cùng với sự cương quyết của bạn về điều bạn biết là đúng đã giúp chàng nắm lấy “sự sống thật” (I Cô-rinh-tô 7:13-16; I Ti-mô-thê 6:19).

39, 40. Tít 2:4, 5 liệt kê những đức tính nào khiến một người vợ trở nên quí giá, không những đối với chồng nàng, mà cũng đối với Đức Giê-hô-va nữa?

39 Kinh-thánh khuyến khích các người vợ tín đồ đấng Christ, dù chồng họ tin đạo hay không tin đạo, phải “yêu chồng con mình, có nết-na, trinh-chánh, trông-nom việc nhà, lại biết ở lành, vâng-phục chồng mình, hầu cho Đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê-bai nào” (Tít 2:4, 5).

40 Nếu bạn, là vợ, hết sức làm thế, không những chồng bạn sẽ thật sự yêu dấu bạn, nhưng chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng sẽ rất hài lòng về bạn nữa.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 57]

“Một người nữ tài-đức...giá-trị nàng trổi hơn châu-ngọc” (Châm-ngôn 31:10).

[Hình nơi trang 64]

Những người đàn bà trong cuộc đời của Sam-sôn