Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sau ngày cưới

Sau ngày cưới

Chương 3

Sau ngày cưới

1. Loại cộng tác được mô tả trong Truyền-đạo 4:9, 10 lợi ích cho hôn nhân như thế nào?

NGÀY CƯỚI đã qua, và bây giờ bạn cùng người hôn phối đang gây dựng một mái gia đình mới. Hạnh phúc của bạn có trọn vẹn không? Bạn không còn đơn độc nữa nhưng nay có một bạn đồng hành để giải bày tâm sự, để chia xẻ nỗi vui mừng cũng như những vấn đề của bạn. Bạn có thấy các lời lẽ ghi nơi Truyền-đạo 4:9, 10 là đúng với trường hợp của bạn không?—“Hai người hơn một, vì họ sẽ được công-giá tốt-đẹp về công-việc khó-nhọc mình. Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa-ngã, không có ai đỡ mình lên”. Liệu cuộc hôn nhân của bạn có tiến triển tốt đẹp với một sự cộng tác như vậy không? Thường thì phải mất ít nhiều thời gian và cố gắng để có được sự hòa hợp hạnh phúc giữa hai người. Nhưng, nói ra thật đáng buồn, trong nhiều cuộc hôn nhân điều đó không bao giờ đạt được.

2, 3. a) Có những thực tế nào của cuộc sống mà người ta phải đương đầu sau ngày cưới? b) Tại sao hữu lý là biết rằng sau khi đã kết hôn cần phải làm những sự dung hợp?

2 Trong các truyện tình lãng mạn, vấn đề khó khăn thường là trong việc làm cho hai kẻ yêu nhau được sum hợp. Nhưng rồi sau đó họ sống trong hạnh phúc mãi mãi. Trong thực tế, chính đời sống cạnh nhau sau đó trong hạnh phúc, ngày này qua ngày khác, mới là khó. Sau những vui sướng trong ngày cưới, thì tiếp đến là sinh hoạt bình thường hàng ngày: dậy sớm, đi làm việc, mua sắm, làm bếp, rửa chén bát, lau chùi nhà cửa, v.v...

3 Mối tương quan về hôn nhân đòi hỏi phải có các sự dung hợp. Cả hai đều hội nhập vào cuộc hôn nhân với ít nhất một vài ước vọng cùng lý tưởng thiếu thực tế và khó thực hiện được. Rồi khi không được thỏa mãn như ý, ít nhiều thất vọng có thể đến ngay sau vài tuần lễ đầu. Nhưng, nên nhớ rằng bạn đã làm một thay đổi lớn trong cuộc sống của bạn rồi. Bạn không còn sống một mình hoặc sống cùng gia đình mà bạn đã chung sống trong suốt thời gian trước nữa. Từ đây bạn sống với một người mới, một người mà bạn có lẽ đang nhận ra rằng bạn không biết nhiều về người đó như bạn đã hằng tưởng. Giờ giấc của bạn bây giờ khác hẳn, công việc của bạn là mới mẻ, ngân sách của bạn thay đổi, đồng thời có những bạn mới và họ hàng mà bạn phải tập làm quen. Sự thành công trong hôn nhân và hạnh phúc của bạn tùy thuộc vào thiện chí của bạn để dung hợp mọi việc.

BẠN CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI MỀM MẠI KHÔNG?

4. Những nguyên tắc nào của Kinh-thánh có thể giúp người chồng hay người vợ làm những sự dung hợp? (I Cô-rinh-tô 10:24; Phi-líp 4:5).

4 Một số người vì có tính kiêu ngạo nên rất khó trở thành mềm mại. Nhưng Kinh-thánh nói rằng: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”. Tính bướng bỉnh có thể là một tai họa (Châm-ngôn 16:18). Giê-su khích lệ người nào sẵn lòng hạ mình và nhường nhịn khi ngài nói rằng: “Nếu ai muốn...cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa”, và “nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ”. Thay vì cãi lẽ với người lân cận mình, bạn hãy xem sứ đồ Phao-lô nói: “Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn?” (Ma-thi-ơ 5:40, 41; I Cô-rinh-tô 6:7). Nếu các tín đồ đấng Christ có thể nhường nhịn tới mức đó được để giữ hòa khí với người khác, thì chắc chắn giữa hai vợ chồng thương yêu nhau phải có thể dung hợp được hầu đạt tới sự thành công trong quan hệ mới của mình.

5. Một người có thể nghĩ về vợ hay chồng mình một cách tích cực hay tiêu cực như thế nào?

5 Bất cứ ở đâu cũng đều có nhiều dịp để gây ra vui mừng hay làm cho đau khổ. Bạn sẽ nắm những dịp nào? Bạn sẽ chú tâm vào phía tích cực hay vào phía tiêu cực của mọi sự việc? Người vợ mới có thể nghĩ: “Giờ đây chúng ta đã lấy nhau, nay còn đâu cái người đàn ông lý tưởng thường đưa mình đi tới những nơi lãng mạn và chuyện trò cùng mình? Chàng nay chỉ nằm nhà, chàng coi mình thành chuyện đương nhiên của chàng rồi. Chàng chắc chắn không phải là người đàn ông mà mình từng biết trước đây!” Hay ngược lại nàng hiểu và nhận định đúng đắn rằng giờ đây chàng phải làm việc vất vả để trở thành một người cung dưỡng đầy đủ cho gia đình? Và người chồng mới này có để ý rằng vợ chàng làm việc nặng nhọc để nấu nướng và quét dọn nên thỉnh thoảng mệt mỏi và không có nhiều thời giờ như trước kia để trang điểm lộng lẫy không? Hay là chàng lại tự hỏi: “Điều gì đã xảy ra cho cô thiếu nữ đáng yêu mà tôi đã cưới đó? Phải chăng nàng đã thay đổi sau khi nàng bắt được chồng rồi?”

6. Khi vợ chồng thật sự cùng cố gắng cho hôn nhân mình được thành công thì ảnh hưởng của điều ấy trong quan hệ của họ với nhau như thế nào?

6 Cả hai vợ chồng đều phải có thái độ chín chắn và nhận thức rằng chẳng có ai còn thời giờ và sức lực để làm hết cả mọi điều đã từng làm được trước hôn nhân. Giờ đây là lúc để bày tỏ sự mềm mại và chấp nhận gánh vác phần trách nhiệm mình hầu làm cho cuộc hôn nhân được tốt đẹp. Để phá hoại hôn nhân chỉ cần có một người, nhưng muốn cho hôn nhân được tốt đẹp thì phải cần đến hai người. Thành công trong hôn nhân là một thắng lợi, thắng lợi đây có nghĩa là hoàn tất một điều gì bất chấp mọi khó khăn. Khi cả hai đều hợp tác trong cố gắng này, thì mỗi người đều có phần trong thắng lợi đó. Sự cố gắng hợp tác này nhắm một mục tiêu chung sẽ thắt chặt hai người lại cùng nhau, liên kết mật thiết với nhau; điều đó làm cho cả hai trở nên một. Sau một thời gian, điều này sẽ tạo nên một tình thương keo sơn vượt quá mọi điều trước kia mong đợi nơi hôn nhân; và trong một tình thế hợp nhất hạnh phúc như vậy, việc dung hợp những khác biệt của mỗi người sẽ là điều đem lại nhiều thích thú.

7. Nếu phải có các quyết định gì, khi nào thì nhường nhịn là một điều hay?

7 Tính kiêu ngạo càng mờ đi khi tình yêu nảy nở thêm lên; và người ta có hạnh phúc không những trong sự ban cho, mà cũng còn có trong sự khứng chịu, nhường nhịn lẫn nhau khi liên quan tới những sở thích cá nhân, chứ không liên quan đến vấn đề nguyên tắc nào. Những sở thích cá nhân có thể là trong việc mua sắm đồ vật trong nhà hoặc đi nghỉ mát chẳng hạn. Khi bày tỏ mối quan tâm đến hạnh phúc của người khác, đôi vợ chồng bắt đầu theo sát những lời này của sứ đồ Phao-lô: “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, những phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

MỘT QUAN ĐIỂM QUÂN BÌNH VỀ TÍNH DỤC

8, 9. Về các liên hệ thân mật giữa vợ chồng, quan điểm của Kinh-thánh là gì?

8 Kinh-thánh không ngần ngại nói về vấn đề giao hợp tính dục. Bằng các lời nói với những biểu tượng đầy thi vị, Kinh-thánh mô tả về sự khoái lạc do giao hợp giữa vợ chồng; Kinh-thánh cũng nhấn mạnh rằng sự giao hợp phải được giới hạn trong phạm vi vợ chồng mà thôi. Chúng ta đọc trong Châm-ngôn 5:15-21:

“Hãy uống nước hồ con chứa, và nước chảy trong giếng con. Các nguồn của con há nên tràn ra ngoài đường, và các suối của con tuôn nơi phố chợ sao? Nó khá về một mình con, chớ thông-dụng nó với người ngoại. Nguyện nguồn-mạch con được phước; con hãy lấy làm vui-thích nơi vợ con cưới buổi đang-thì, như nai cái đáng thương, và hoàng-dương có duyên tốt, nguyện nương-long nàng làm thỏa lòng con luôn luôn, và ái-tình nàng khiến con say-mê mãi mãi. Hỡi con, lẽ nào con mê-mệt người dâm-phụ, và nâng-niu lòng của người ngoại? Vì các đường của loài người ở trước mặt Đức Giê-hô-va; Ngài ban bằng các lối của họ”.

9 Tuy nhiên, thật sai lầm nếu quá chú trọng về tính dục đến độ cho rằng điểm thiết yếu để thành công trong hôn nhân là tùy thuộc vào đời sống tính dục của đôi vợ chồng, hoặc giả xem tính dục như là bù được cho những khuyết điểm trầm trọng trong các lãnh vực khác của đời sống vợ chồng. Trào lưu phóng túng về nhục dục qua sách báo, phim ảnh và các quảng cáo thương mại—mà phần lớn nhằm kích thích ham muốn nhục dục—đều coi giao hợp như một điều chính yếu. Tuy nhiên Lời của Đức Chúa Trời không đồng ý như thế, mà dặn dò phải tự chủ trong mọi lãnh vực của đời sống. Ngay cả trong hôn nhân, từ bỏ mọi kiềm chế có thể dẫn đến những sự thực hành làm suy giảm giá trị của hôn nhân (Ga-la-ti 5:22, 23; Hê-bơ-rơ 13:4).

10. Để giúp cho một cặp vợ chồng hòa hợp được với nhau về mặt tính dục thì cần xét đến những điều gì?

10 Sự hòa hợp trong lãnh vực tính dục thường là khó khăn và đôi khi cần ít nhiều thời gian sau lễ cưới. Thường thường điều này xảy ra là do sự thiếu kinh nghiệm và thiếu chú ý đến các nhu cầu của người hôn phối. Vậy trước khi kết hôn, nói chuyện với một người đã lập gia đình rồi và đáng tin cậy có lẽ giúp ích về mặt này. Không những người đàn ông và đàn bà được cấu tạo khác nhau mà họ còn có sự khác biệt về cảm tính nữa. Nên coi trọng nhu cầu của người đàn bà cần được đối xử dịu dàng. Nhưng không nên có cảm nghĩ tiêu cực bắt nguồn từ sự khiêm tốn sai lầm hoặc e thẹn hay là có cảm nghĩ rằng sự giao hợp tính dục là một điều gì đó đáng xấu hổ. Hoặc cũng không nên cho đó như là một dịp chinh phục như một số người đàn ông thường nghĩ. Kinh-thánh nói: “Chồng phải làm hết bổn-phận đối với vợ”, và “vợ đối với chồng cũng vậy”. Khi làm như thế, nguyên tắc này của Kinh-thánh là thích dụng: “Chớ tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm (lợi) cho kẻ khác”. Nếu cả hai có được tình yêu thương và ý muốn làm thỏa lòng người kia như thế thì một sự hòa hợp tốt đẹp sẽ được thiết lập (I Cô-rinh-tô 7:3; 10:24).

BẤT ĐỒNG MÀ KHÔNG LÀM KHÓ CHỊU

11-13. Khi có những điểm bất đồng, chúng ta phải lưu ý những điều gì hầu cho những khác biệt không tiến triển thành những rạn nứt trầm trọng?

11 Không có hai cá nhân nào giống hệt nhau trên mặt đất này. Mỗi người đều khác biệt nhau rõ rệt. Điều này có nghĩa là không thể có hai người đồng ý với nhau trong tất cả mọi sự. Đa số những bất đồng có lẽ là nhỏ nhặt nhưng một vài bất đồng có thể là trầm trọng. Lắm gia đình để cho những bất đồng ý kiến nhanh chóng leo thang gây ra la hét, xô đẩy, đánh nhau và quăng ném đồ vật; một trong hai người có thể bỏ nhà đi cả mấy ngày, hay cả mấy tuần lễ liền, hoặc giả có thể họ chỉ giản dị không nói chuyện với nhau nữa thôi. Nhưng hoàn toàn có thể có một sự bất đồng ý kiến mà không cần phải để tình trạng trên xảy ra. Bằng cách nào? Bằng cách nhìn thẳng vào một lẽ thật căn bản.

12 Mọi người chúng ta đều bất toàn; tất cả đều có những tì vết, và mặc dù cố gắng đến đâu, các yếu kém cũng tự tỏ bày ra. Sứ đồ Phao-lô đã nhìn ra đó là sự thật trong trường hợp của ông: “Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Rô-ma 7:19). Chúng ta thừa hưởng tội lỗi từ các tổ phụ đầu tiên. Sự toàn vẹn vượt qua ngoài khả năng chúng ta. Vì thế: “Ai có thể nói: Ta đã luyện sạch lòng mình, ta đã trong-sạch tội ta rồi?” (Châm-ngôn 20:9; Thi-thiên 51:5; Rô-ma 5:12).

13 Chúng ta chấp nhận những yếu kém của chính mình và sẵn lòng tha thứ chúng. Vậy chúng ta không thể chấp nhận được những yếu kém của người hôn phối mình và sẵn lòng tha thứ hay sao? Chắc chắn chúng ta sẵn lòng nhìn nhận rằng mình đều là người phạm tội, nhưng chúng ta có cố chấp và miễn cưỡng nhận một tội lỗi rõ rệt nào không? Liệu chúng ta có sáng suốt để hiểu rằng tất cả mọi người, trong đó cũng có cả người hôn phối của mình nữa, thường có khuynh hướng miễn cưỡng thú nhận là mình sai lầm; vậy liệu chúng ta có khoan dung điều đó không? “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận, và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội-phạm”. Đó là lời nói của một câu Châm-ngôn được soi dẫn. Chắc hẳn bạn, cũng như hầu hết mọi người khác, thừa nhận nguyên tắc ”hãy làm điều thiện cho người”. Đức Chúa Giê-su đã đề cập đến điều đó trong Bài Giảng trên Núi nổi tiếng của ngài: “Ấy vậy, hễ điều chi các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. Đa số người ta tán dương lời ấy, nhưng hiếm người thực hành như vậy. Sự áp dụng một cách trung thành nguyên tắc đó có thể giải quyết được những vấn đề trong mọi giao dịch giữa con người, gồm cả giao dịch trong vòng hôn nhân nữa (Châm-ngôn 19:11; Ma-thi-ơ 7:12).

14, 15. a) Khi một người so sánh người hôn phối mình với người khác thì hậu quả có thể là gì? b) Những so sánh đôi lúc thiếu thận trọng như thế thường là trong các vấn đề gì?

14 Mỗi chúng ta đều thích được xem trọng và được đối xử như một người cá biệt. Khi người ta so sánh chúng ta một cách không hay với một người khác, có thể là họ nhìn những phẩm cách và khả năng chúng ta một cách thấp kém, vậy thì chúng ta phản ứng thế nào? Thường thường thì chúng ta cảm thấy tổn thương và tức giận. Chúng ta muốn nói “Nhưng tôi không phải là người đó. Tôi là TÔI”. Nói chung, những sự so sánh như vậy có một tác dụng tiêu cực, bởi vì chúng ta muốn được đối xử với sự thông cảm.

15 Lấy ví dụ để hình dung điều này: Hỡi người làm chồng, bạn có biết thưởng thức những bữa ăn do vợ bạn làm hay bạn lại cằn nhằn rằng nàng không thể nấu nướng giống như mẹ mình? Nhưng làm sao bạn biết được mẹ mình đã nấu nướng ra sao khi bà mới lập gia đình? Có lẽ vợ bạn làm khéo hơn bà nữa kia. Hãy cho vợ bạn một cơ hội để phát triển trong những bổn phận mới của nàng và rồi trở nên khéo léo. Còn bạn, người làm vợ, bạn có phàn nàn rằng người chồng mới của bạn lãnh lương kém hơn cha mình chăng? Người cha đã kiếm được bao nhiêu khi ông mới lập gia đình? Dù sao điều ấy cũng không quan trọng. Vấn đề quan trọng là sự giúp đỡ mà bạn dành cho chồng mình. Bạn có dậy sớm và làm ăn sáng cho chồng bạn trước khi chàng đi làm việc, để chàng cảm thấy rằng bạn tán trợ và biết đến sự cố gắng của chàng không? Ngoài ra, một người trong hai bạn có chỉ trích người bà con họ hàng của người hôn phối mình, bất đồng ý kiến về giao dịch với bạn bè hoặc trong sự lựa chọn giải trí không? Những bất đồng ý kiến như thế ấy hoặc khác nữa đều có thể xảy ra. Bạn sẽ giải quyết các bất đồng ý kiến như thế nào?

16. Lý luận cho rằng các cuộc cãi vã dữ dội giúp giải quyết được các khó khăn là sai lầm như thế nào?

16 Một số nhà tâm lý học ngày nay chủ trương rằng cãi nhau lớn tiếng là có ích để giải quyết những vấn đề khó khăn. Lập luận của họ cho rằng những mối thất vọng chồng chất lên nhau, rồi sinh ra trạng thái căng thẳng và cuối cùng thoát ra bằng một cuộc cãi vã dữ dội. Trong cơn nóng giận với nhau như thế, những sự uất ức giữ lâu trong lòng được dịp bộc lộ, phơi bày ra và được giải tỏa. Trước khi được giải tỏa như thế thì những mối thất vọng giữ trong lòng, nung nấu đến ngộp thở và tức tối và rồi sau đó lại bột phát ra. Tuy nhiên có điều rất nguy hiểm là những sự bột phát kiểu đó có thể khiến bạn nói ra những điều mà thật sự bạn không hề muốn, và gây tổn thương nặng đến nỗi khó chữa lành được. Bạn có thể làm xúc phạm người hôn phối mình nghiêm trọng đến nỗi gây nên một hàng rào ngăn cách mà rồi sau đó không có thể phá bỏ đi được. Châm-ngôn 18:19 khuyến cáo: “Một anh em bị mếch lòng lấy làm khó được lòng lại hơn là chiếm-thủ cái thành kiên-cố; Sự tranh-giành dường ấy khác nào những chốt cửa đền”. Lời khuyên chí lý của Kinh-thánh là: “Khá thôi cãi-lẫy trước khi đánh lộn” (Châm-ngôn 17:14).

HÃY NÓI CHUYỆN VỚI NHAU!

17. Những gì có thể làm được hầu ngăn cản các sự bất đồng khỏi nung nấu trong một người và đạt tới mức bùng nổ?

17 Tốt nhất là đừng để những mối bất hòa dồn chứa trong lòng bạn cho đến khi bạn nổi giận, hãy thảo luận cùng nhau ngay khi chúng vừa nảy sinh. Cứ suy nghĩ mãi về một điều lầm lỗi hầu như luôn luôn khiến cho lầm lỗi đó có vẻ nghiêm trọng hơn thật sự. Hãy thảo luận tức thời hoặc là quên ngay đi. Phải chăng chỉ là một lời nói xuôi? Cho nó xuôi qua luôn! Hay là một điều cần phải thảo luận? Người hôn phối làm điều gì khiến bạn buồn bực chăng? Đừng vội kết án, hãy đặt vấn đề dưới hình thức câu hỏi, hoặc đề nghị làm sáng tỏ vấn đề bằng một cuộc thảo luận. Thí dụ, bạn có thể hỏi: “Cưng ơi, tôi chẳng hiểu chuyện gì cả; cưng có thể nói cho tôi nghe được không?” Thế rồi hãy lắng nghe. Hãy cố gắng hiểu quan điểm của người kia. Hãy để ý tới lời khuyên trong Châm-ngôn 18:13: “Trả lời trước khi nghe, Ấy là sự điên-dại và hổ-thẹn cho ai làm vậy”. Không một ai trong chúng ta thích khi một người nào gán cho chúng ta điều gì sai lầm. Vậy thì thay vì phản ứng một cách hấp tấp, hãy cố gắng phân biệt các ý muốn hoặc động lực tiềm ẩn sau việc làm. Châm-ngôn 20:5 chỉ dạy: “Mưu-kế trong lòng người ta như nước sâu; Người thông-sáng sẽ múc lấy tại đó”.

18. Điều gì có thể giúp chúng ta chống lại những lúc tính tình bất thường?

18 Bạn thường có tính tình thay đổi không? Thật là khó chung sống với một người có tính bất thường lắm. Một số người nhìn nhận rằng tính tình không tùy theo chúng ta, song bị chi phối bởi các yếu tố hóa học trong não. Dù điều đó có thật hay không, tình cảm hay tiêm nhiễm lắm. Chúng ta có thể vui vẻ hay chán nản do ảnh hưởng những người chung quanh mình. Âm nhạc có thể khêu gợi nhiều loại tình cảm khác nhau trong chúng ta. Các sách truyện cũng vậy. Tư tưởng của chúng ta nuôi dưỡng trong trí óc mình có ảnh hưởng đến tính tình của chúng ta. Nếu bạn suy đi nghĩ lại về các điều tiêu cực, bạn sẽ cảm thấy chán nản; nhưng bằng một động lực của ý chí, bạn có thể bắt tinh thần mình duy trì những ý tưởng tích cực và lạc quan. Vậy hãy hướng tinh thần mình về những điều ấy (Phi-líp 4:8). Nếu bạn cảm thấy làm thế là khó, hãy thử làm một vài hoạt động thể chất—làm một vài công việc nặng nhọc cả đến như đi nhổ cỏ hay cọ rửa sàn nhà, đi ra ngoài chạy bộ hoặc đi bách bộ; hay tốt hơn nữa, tìm ra điều gì có lợi ích để làm cho người nào khác—nghĩa là bất cứ điều gì để chuyển hướng sự chú tâm và nghị lực bạn khỏi mọi ý tưởng tiêu cực. Nuôi dưỡng một tính tình vui vẻ thì lợi ích hơn là nuôi dưỡng một tính tình xấu. Và lại thích thú hơn nhiều, cho bạn và chắc chắn cho người hôn phối của bạn nữa!

19. Một người có thể đối xử một cách đầy hiểu biết như thế nào khi người hôn phối mình có những lúc tính tình bất thường?

19 Tuy nhiên, đôi lúc cũng có những điều làm bạn buồn bã sâu xa, hoặc vì bị bệnh trầm trọng hay bị đau đớn nhiều. Hoặc trong trường hợp người vợ, kinh nguyệt hàng tháng và thai nghén làm nhiều thay đổi trong sự phân tiết kích thích tố gây ảnh hưởng đến thần kinh hệ và những cảm xúc của nàng. Một phụ nữ có thể bị những áp lực trước kỳ kinh nguyệt mà bà không biết. Đấy là điểm quan trọng mà người chồng nên giữ trong trí mình để, thay vì trở nên bực bội, ông có thể tỏ ra thông cảm. Trong những trường hợp đặc biệt như vậy cả hai vợ chồng nên nhận biết nguyên nhân của sự thay đổi tính tình như thế và hết lời khích lệ lẫn nhau. “Lòng người khôn-ngoan dạy-dỗ miệng mình, và thêm sự học-thức nơi môi của mình”. Và “bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn, và anh em sanh ra để giúp-đỡ nhau trong lúc hoạn-nạn” (Châm-ngôn 16:23; 17:17).

20-22. a) Tại sao cần tránh ghen tương vô căn cứ? b) Có thể làm được điều gì hầu cho người hôn phối có được cảm tưởng an toàn?

20 Người hôn phối của bạn có đang ghen tương không? Không có gì là sai lầm khi một người cố gắng gìn giữ tiếng tốt của mình và hôn nhân của mình nữa. Như thận tuyến tố (adrenaline) kích động tim đập rộn rã, sự ghen tương kích động tâm thần hầu bảo vệ một điều gì đó mà mình yêu mến. Trái với ghen tương là lãnh đạm, và chúng ta không nên lãnh đạm đối với hôn nhân của mình.

21 Nhưng cũng có một loại ghen tương khác, loại được thúc đẩy bởi trạng thái bất an và được nuôi dưỡng bằng sự tưởng tượng. Ghen một cách không suy xét và vô căn cứ làm cho hôn nhân trở thành một ngục tù rất khó chịu nơi đó sự tin cậy và tình yêu chân thật không thể tồn tại. “Tình yêu-thương không ghen-tị” như thế; và lòng luôn luôn bị ghen tương ám ảnh “là đồ mục của xương-cốt” (I Cô-rinh-tô 13:4; Châm-ngôn 14:30).

22 Nếu người hôn phối bạn có lý do chánh đáng để ghen và cảm thấy bất an, bạn hãy đánh tan nguyên nhân gây ra sự ghen ấy ngay tức khắc. Còn nếu không có một lý do thật sự nào để ghen, thì bạn hãy làm hết sức mình để được sự tin cậy của người đang ghen đó bằng lời nói; và quan trọng hơn nữa, bằng hành động. Hãy gắng động tới lòng người!

23. Nên xét những điều gì trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ của người ngoại cuộc để giải quyết những rắc rối trong hôn nhân?

23 Người ngoài có thể giúp đỡ được gì trong việc giải quyết những bất đồng ý kiến giữa hai người hôn phối không? Có thể lắm, nhưng không nên nhờ họ trừ phi hai vợ chồng đều đồng ý như vậy. Trước hết “hãy đối-nại duyên-cớ con với chánh kẻ lân-cận con, song chớ tỏ sự kín-đáo của kẻ khác” (Châm-ngôn 25:9). Nhờ bà con thân quyến điều đình thì rất là mạo hiểm. Vì họ có lẽ không vô tư được đâu. Kinh-thánh nói một cách khôn ngoan mà rằng: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình” (Sáng-thế Ký 2:24). Qui tắc này cũng áp dụng như vậy đối với người vợ, trong quan hệ giữa cha mẹ và chồng của nàng. Thay vì cầu hỏi nơi các bậc cha mẹ hay họ hàng để điều đình, vì họ có thể theo phe người này để chống lại người kia, thì người chồng và người vợ phải hiệp cùng nhau và nhận thức rằng đây là những vấn đề chung của họ, mà hai người cần phải giải quyết cùng nhau. Kêu gọi đến người ngoại cuộc mà không có sự ưng thuận của người hôn phối kia, thì chính cả hai bị mất phẩm giá dưới mắt của người khác. Nếu bạn giải bày một cách cởi mở, chân thành và đầy tình yêu thương thì không có lý do gì mà bạn không thể tự mình giải quyết các vấn đề. Có thể hỏi han những người thành thục để được góp ý, nhưng giải pháp tối hậu vẫn là nơi bạn và người hôn phối bạn.

24, 25. Một người có thể làm gì nếu như tính kiêu ngạo cản trở việc giải quyết rắc rối trong hôn nhân?

24 Sứ đồ Phao-lô căn dặn: “Mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ” (Rô-ma 12:3). Ông nói thêm: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô-ma 12:10). Thỉnh thoảng, khi tính kiêu ngạo của chúng ta bị tổn thương, điều đó giúp chúng ta nhớ lại được rằng mình thật sự không ra gì. Chắc chắn, sánh với trái đất, chúng ta chẳng to lớn gì đâu, và chính trái đất thì lại nhỏ lắm trong thái dương hệ, và chính thái dương hệ chỉ là một điểm rất nhỏ trong vũ trụ. “Mọi dân-tộc trước mặt Đức Giê-hô-va thảy đều hư-không, Ngài xem như trống-không và hư-vô vậy” (Ê-sai 40:17). Những ý nghĩ như thế sẽ giúp chúng ta xác định được sự vật theo đúng tầm mức của nó và hiểu rằng những sự bất đồng ý kiến của chúng ta rốt cuộc không phải là những điều cực kỳ hệ trọng đến thế.

25 Đôi lúc tính khôi hài cũng có thể giúp chúng ta giữ được khỏi tự coi mình nghiêm trọng quá đáng. Có khi việc tự cười về chính mình cũng là một biểu hiệu của sự trưởng thành mà lại vừa san bằng được nhiều chông gai trong cuộc sống.

“HÃY LIỆNG BÁNH NGƯƠI NƠI MẶT NƯỚC”

26, 27. Khi người hôn phối không đáp ứng các cố gắng của người nhằm hòa giải những khác biệt thì nên áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh nào và tại sao?

26 Nhưng nếu người hôn phối của bạn không đáp lại mọi cố gắng của bạn hầu giải quyết những khó khăn một cách ổn thỏa thì sao? Hãy theo lời khuyên sau đây của Kinh-thánh: “Chớ lấy ác trả ác cho ai”. Giê-su là gương mẫu để cho chúng ta bắt chước: “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại”. Cách hành động thông thường của đa số người ta là ăn miếng trả miếng. Nhưng nếu bạn chọn theo cách này thì bạn đã để cho người khác uốn nắn bạn và tạo nhân cách bạn. Như thế họ làm cho bạn thành con người như họ. Để điều này xảy ra tức là bạn từ bỏ chính mình, tức từ bỏ nhân cách thật của bạn và những nguyên tắc mà bạn chuộng giữ. Thay vì thế, hãy bắt chước Giê-su, ngài bền giữ con người thật của ngài, và không để bị thay đổi bởi các yếu kém của những người chung quanh ngài: “Nếu chúng ta không thành-tín, Ngài vẫn thành-tín, vì Ngài không thể tự-chối mình” (Rô-ma 12:17; I Phi-e-rơ 2:23; II Ti-mô-thê 2:13).

27 Nếu bạn khá mạnh mẽ để có thể làm ngưng những việc xấu bằng hành động tốt của bạn thì bạn có thể bắt đầu tạo được chuỗi dài những việc tốt chăng? “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn giận” (Châm-ngôn 15:1). Lời đáp êm nhẹ không phải là do sự yếu đuối, nhưng do sức mạnh tâm thần, và người hôn phối bạn sẽ cảm nhận được điều này. Vì nhiều người chỉ thích ăn miếng trả miếng cho nên hảo ý bạn lấy việc tốt lành đáp lại có thể xoay chiều cái chu kỳ đang từ ác biến sang thành thiện. Các câu Kinh-thánh sau đây chắc chắn bày tỏ điều này: “Còn ai nhuần-gội, chính người sẽ được nhuần-gội”. “Vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy”. “Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại” (Châm-ngôn 11:25; Lu-ca 6:38; Truyền-đạo 11:1). Cần phải một thời gian để cho sự nhân từ bạn sanh những dấu hiệu hiền lành nơi người hôn phối bạn. Không phải gieo ngày hôm nay mà gặt liền ngay được ngày mai. Song le “ai gieo giống chi lại gặt giống ấy... Chớ mệt-nhọc về sự làm lành vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt” (Ga-la-ti 6:7-9).

28. Có những nguyên tắc tốt đẹp nào trong sách Châm-ngôn của Kinh-thánh có thể giúp tạo một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, và giúp như thế nào?

28 Sau đây là một số câu Kinh-thánh và câu hỏi để các cặp vợ chồng xem xét:

Châm-ngôn 14:29: “Kẻ nào chậm nóng-giận có thông-sáng lớn, nhưng ai hay nóng-nảy tôn lên sự điên-cuồng”. Nếu bạn tự dành thời giờ để suy nghĩ thì thường khám phá ra rằng không còn có một nguyên cớ chánh đáng nào để nóng giận, phải không?

Châm-ngôn 17:27: “Người nào kiêng lời nói mình có tri-thức; Còn người có tánh ôn-hàn là một người thông-sáng”. Bạn có giữ được tâm thần ôn hàn hay trầm lặng và kềm giữ được những lời nói có thể khiến chọc giận người hôn phối mình không?

Châm-ngôn 25:11: “Lời nói phải thì, Khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc”. Một lời nói là đúng trong lúc này nhưng có lẽ lại là sai trong lúc khác. Bạn có nhận thức được lời nói nào là chính đáng vào đúng lúc nó không?

Châm-ngôn 12:18: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; Nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. Trước khi bạn nói, bạn có dừng lại và suy nghĩ xem những lời mình nói ra sẽ gây ảnh hưởng gì đối với người hôn phối của mình không?

Châm-ngôn 10:19: “Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm-giữ miệng mình là khôn-ngoan”. Đôi khi vì xúc động, chúng ta nói nhiều hơn mình có ý muốn nói, và sau đó chúng ta hối hận. Bạn có canh chừng để tránh bị như vậy không?

Châm-ngôn 20:3: “Người nào giữ mình khỏi tranh-cạnh, ấy là sự tôn-vinh của người; Chỉ kẻ điên-cuồng sa vào đó mà thôi”. Phải có hai người mới cãi nhau. Vậy bạn có đủ chín chắn để là người ngừng tranh cãi hay không?

Châm-ngôn 10:12: “Sự ghen-ghét xui điều cãi-lộn; Song lòng thương-yêu lấp hết các tội phạm”. Bạn có mãi tiếp tục gợi lại những tranh cãi cũ, hay bạn yêu thương người hôn phối mình đủ để quên việc ấy đi không?

Châm-ngôn 14:9: “Kẻ ngu-dại bỉ-báng tội-lỗi; nhưng người ngay-thẳng có được ơn của Đức Chúa Trời”. Bạn có tỏ ra quá tự cao đến độ không thể hạ mình nhân nhượng và tìm sự yên ổn trong hôn nhân hay không?

Châm-ngôn 26:20: “Lửa tắt tại thiếu củi; Khi chẳng có ai thèo-lẻo cuộc tranh-cạnh bèn nguôi”. Bạn có thể nào ngưng được sự tranh cãi, hay bạn cố phải nói lời chót?

Ê-phê-sô 4:26: “Chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn”. Bạn có luôn chú trọng vào những điểm bất đồng và rồi vì thế mà kéo dài mãi sự ưu phiền cho bạn và người hôn phối bạn không?

29. Nên lưu ý vài điều căn bản nào khi tìm cách tạo lập một hôn nhân hạnh phúc?

29 Các lời khuyên bảo khôn ngoan chỉ có lợi ích khi nào đem ra thực hành. Vậy hãy thử xem. Cũng vậy, hãy sẵn lòng làm theo ý kiến do người hôn phối bạn đề ra. Và hãy xem có kết quả không. Ai là người chịu trách nhiệm nếu làm theo mà không có kết quả tốt? Điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là mọi sự được dàn xếp như thế nào. Hãy tỏ ra mềm mại; khi có những bất đồng, hãy thảo luận với người hôn phối bạn, và đừng tự coi mình quá nghiêm trọng. Hãy giải bày với nhau! Nếu bạn “yêu người hôn phối như chính mình” thì không có gì là quá khó khăn để dung hợp các quan hệ về hôn nhân và tạo lập một hôn nhân hạnh phúc (Ma-thi-ơ 19:19).

[Câu hỏi thảo luận]