Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tình yêu thương, “dây liên lạc của sự trọn lành”

Tình yêu thương, “dây liên lạc của sự trọn lành”

Chương 6

Tình yêu thương, “dây liên lạc của sự trọn lành”

1-6. a) Điều gì có thể xảy ra khi những người hôn phối quá chú tâm đến những cảm nghĩ riêng của họ? b) Làm theo những nguyên tắc nào của Kinh-thánh có thể tránh đi đến một cuộc cãi vã trầm trọng?

SAU một ngày làm việc vất vả người chồng cằn nhằn vì mệt mỏi và phải chờ đợi: “Tại sao luôn luôn không có cơm ăn được đúng giờ?”

2 Người vợ đáp lại cách cáu kỉnh vì ngày hôm đó bà cũng đã phải làm việc nhiều chứ có vui gì đâu: “Đừng cằn nhằn nữa. Sắp xong rồi đây”.

3 “Nhưng em luôn luôn chậm trễ. Tại sao em không thể nào canh cho đúng giờ được?”

4 Bà hét lên: “Đừng nói sai! Nếu anh thử chăm sóc các con một ngày xem, anh sẽ không cằn nhằn nhiều thế. Vả, chúng cũng là con của anh mà!”

5 Thế là giữa vợ chồng, việc nhỏ nhặt này lớn thành một quả núi, làm cho hai người tức giận và không nói chuyện với nhau nữa. Người này đáp trả miếng lại người kia đến nỗi cả hai đều hờn giận và buổi tối ấy chẳng còn vui vẻ nữa. Tuy nhiên, đáng lẽ cả hai có thể tránh chuyện này xảy ra. Nhưng họ đã quá nghĩ đến xúc cảm riêng của mình mà không để ý đến xúc cảm của người hôn phối. Thần kinh căng thẳng sẵn sàng nổi giận.

6 Những vấn đề như thế có thể xảy ra trong nhiều lãnh vực. Đôi khi là về tiền bạc; hoặc người chồng có thể cảm thấy vợ mình quá khó tính, không để mình giao thiệp với những người khác. Còn người vợ có thể có cảm tưởng bị bỏ bê và bị coi thường. Sự căng thẳng có thể vì một chuyện lớn hay vì nhiều chuyện nhỏ. Dù ở trong trường hợp nào, giờ đây chúng ta nên lo làm cách nào giải quyết vấn đề. Mỗi người hôn phối có thể ngăn chặn ngay sự nóng giận bằng cách sẵn sàng “đưa má bên kia”, tránh “lấy ác trả ác”, và thay vì thế “lấy điều thiện thắng điều ác” (Ma-thi-ơ 5:39; Rô-ma 12:17, 21). Muốn làm điều này, cần phải có sự tự chủ và thành thục. Cũng cần đến tình yêu thương của tín đồ đấng Christ.

TÌNH YÊU THƯƠNG THẬT SỰ CÓ NGHĨA GÌ?

7-9. a) Tình yêu thương được mô tả trong I Cô-rinh-tô 13:4-8 như thế nào? b) Đây là thứ tình yêu thương gì?

7 Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã soi dẫn một định nghĩa của tình yêu thương, bằng cách cho biết thế nào là yêu thương và thế nào không phải là yêu thương. I Cô-rinh-tô 13:4-8 viết: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhơn-từ; tình yêu-thương chẳng ghen-tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công-bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu-thương hay dung-thứ mọi sự, tin mọi sự, trông-cậy mọi sự, nín-chịu mọi sự. Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ”.

8 Tình yêu thương có thể dựa trên nhiều việc: sự quyến rũ của thể chất, các quan hệ gia đình hoặc nhu cầu xã giao với người khác. Nhưng Kinh-thánh cho biết rằng tình yêu thương, nếu có giá trị thật sự, phải đi xa hơn tình cảm riêng hoặc sự quyến rũ lẫn nhau và phải hướng đến điều gì tốt lành nhất cho người mình yêu. Thứ tình yêu đó có thể đòi hỏi sự khiển trách hoặc sửa trị, như cha mẹ yêu mến con mình, hoặc như Giê-hô-va Đức Chúa Trời yêu mến những người thờ phượng Ngài (Hê-bơ-rơ 12:6). Tất nhiên, cảm giác và tình cảm cũng can dự vào đó, nhưng chúng không được phép gạt bỏ sự đoán xét khôn ngoan hay những nguyên tắc đúng đắn trong việc giao thiệp với người khác. Thứ tình yêu đó thúc đẩy chúng ta cư xử với tất cả mọi người phù hợp với các nguyên tắc công bình và tôn trọng họ.

9 Để hiểu đầy đủ hơn cách nào tình yêu thương đó mang lại lợi ích cho đời sống gia đình, chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ hơn lời định nghĩa trong I Cô-rinh-tô 13:4-8:

10, 11. Chúng ta sẽ mong đợi điều gì nơi một người hôn phối có sự nhịn nhục và nhơn từ?

10 “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục và nhơn-từ”. Bạn có nhịn nhục đối với người hôn phối bạn không? Ngay cả khi có một tình trạng dễ làm nóng giận, hoặc có lẽ bạn bị tố cáo oan uổng, bạn có cố nén cơn giận mình không? Đức Giê-hô-va nhịn nhục đối với tất cả chúng ta, và “lòng nhơn-từ của Đức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn-năn”. Cả hai tính nhịn nhục và nhơn từ là những trái của thánh linh Đức Chúa Trời (Rô-ma 2:4; Ga-la-ti 5:22).

11 Tình yêu thương không chấp nhận việc ác, nhưng không “bới móc”, không nóng nảy, và có lưu tâm tới những trường hợp khoan hồng (I Phi-e-rơ 4:8; Thi-thiên 103:14; 130:3, 4). Tình yêu thương sẵn sàng tha thứ ngay cả những vấn đề nghiêm trọng. Chắc chắn sứ đồ Phi-e-rơ đã nghĩ ông có lòng nhịn nhục khi hỏi Giê-su: “Nếu anh em tôi phạm tội nghịch cùng tôi, thì tôi sẽ tha cho họ bao nhiêu lần? Có phải đến bảy lần chăng?” Ngài đáp: “Ta không nói cùng ngươi đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi bảy lần” (Ma-thi-ơ 18:21, 22; Lu-ca 17:3, 4). Tình yêu thương không ngớt tha thứ, và vô cùng nhơn từ. Bạn có làm vậy không?

12, 13. Sự ghen tương có thể biểu lộ như thế nào, và tại sao nên cố gắng tránh ghen tương?

12 “Tình yêu-thương chẳng ghen-tị”. Thật khó sống với người hôn phối hay ghen tương vô căn cứ. Ghen tương như thế là đa nghi, đòi hỏi quá nhiều, ấu trĩ và hạn chế không cho người kia hành động tự nhiên và thân thiện với những người xung quanh. Hạnh phúc là “ban cho” cách rộng rãi, chứ không phải là ghen tương độc đoán.

13 Kinh-thánh hỏi: “Ai đứng nổi trước sự ghen-tương?” Đó là một trong những công việc của xác thịt bất toàn (Châm-ngôn 27:4; Ga-la-ti 5:19, 20). Bạn có thể tự xét để xem bạn có dấu hiệu của một thứ ghen tương ấy, sanh ra từ một cảm giác bất an và do trí tưởng tượng không? Nhìn thấy những thiếu sót của người khác không khó, nhưng xem xét chính chúng ta sẽ có lợi hơn. “Ở đâu có những điều ghen-tương tranh-cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn-lạo và đủ mọi thứ ác” (Gia-cơ 3:16). Sự ghen tương có thể phá vỡ hôn nhân. Bạn sẽ giữ được người hôn phối của bạn không phải vì những hạn chế và bắt buộc, nhưng vì chú tâm đến người một cách đầy yêu thương, vì tôn trọng người và vì tin cậy người.

14, 15. a) Sự khoe khoang trái sự yêu thương như thế nào? b) Thay vì làm giảm giá trị người hôn phối, ta nên làm gì?

14 Tình yêu thương “chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo”. Có nhiều người hay khoe khoang, nhưng có ít người thích nghe lời khoe khoang. Thật thế, ai quen biết rõ kẻ khoe khoang có thể cảm thấy ngượng nữa. Một số người khoe khoang bằng cách tâng bốc chính họ, một số khác khoe mình bằng cách khác. Họ chỉ trích và hạ người khác xuống, và do đó gián tiếp so sánh để nâng cao họ lên. Vậy một người có thể nâng cao chính mình bằng cách hạ những người khác xuống. Làm giảm giá trị người hôn phối của mình thật ra có nghĩa là khoe khoang về chính mình.

15 Bạn có bao giờ tự thấy mình đang nói với người khác về những khuyết điểm của người hôn phối mình không? Theo bạn nghĩ, điều đó khiến người hôn phối bạn sẽ có cảm tưởng thế nào? Còn nếu người hôn phối tiết lộ những khuyết điểm của chính bạn, thì sao? Bạn có cảm tưởng bạn được yêu thương không? Không, tình yêu thương “chẳng khoe mình”, dù bằng cách khen chính mình hay bằng cách làm giảm giá trị người khác. Khi nói về người hôn phối bạn, hãy nói lời xây dựng, điều đó sẽ thắt chặt tình nghĩa giữa hai người. Còn như khi cần nói điều gì về chính mình, hãy áp dụng lời khuyên khôn ngoan trong Châm-ngôn 27:2: “Hãy để cho kẻ khác khen-ngợi con, miệng con chẳng nên làm. Để cho người ngoài tán-mỹ con, môi con đừng làm”.

16. Một người có yêu thương nên tránh vài cách “làm điều trái phép” nào?

16 Tình yêu thương “chẳng làm điều trái phép”. Có nhiều sự trái phép rõ rệt như ngoại tình, say sưa và nóng giận (Rô-ma 13:13). Trái với tình yêu thương, những điều này làm tổn thương hôn nhân. Tất cả mọi sự cộc cằn, lời nói và hành động thô tục hay ăn ở thiếu vệ sinh đều làm mất phẩm giá con người. Bạn cố gắng đến đâu trong những sự kể trên để khỏi xúc phạm đến người hôn phối? Bạn có tỏ ra biết điều, có lễ độ và tôn trọng người không? Tất cả điều này mang lại hạnh phúc và khiến hôn nhân được bền lâu.

17. Ai không tìm kiếm tư lợi có thể tránh gây cãi vã như thế nào?

17 Tình yêu thương “chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận”. Tình yêu thương không ích kỷ. Nếu cặp vợ chồng được đề cập tới ở đầu chương này đã ăn ở theo cách này thì thật là tốt hơn biết bao. Người chồng sẽ không quát tháo vì bữa ăn tối bị chậm trễ, và người vợ sẽ không trả lời xẳng xớm. Nếu người vợ thông cảm rằng sự tức giận của chồng một phần bởi vì ông mệt mỏi, thì thay vì nóng giận, nàng đã có thể trả lời: “Bữa ăn sắp xong rồi, hôm nay có lẽ anh làm việc mệt nhọc lắm. Để em đưa anh một ly nước trái cây mát lạnh cho anh uống tạm trong khi đợi em dọn bàn ăn, anh nhé”. Hoặc nếu người chồng đã biết điều hơn, ông không chỉ nghĩ đến mình, nhưng có thể hỏi xem có việc gì làm để có thể giúp vợ mình chăng?

18. Ai có yêu thương có thể tránh trở nên nóng giận như thế nào?

18 Bạn có để cho lời nói hay việc làm của người hôn phối dễ làm bạn tức giận, hoặc bạn có cố gắng tìm ra những ẩn ý qua lời nói hay việc làm không? Có lẽ chỉ là một điều gì ngây thơ, vô tình, và không có dụng ý xúc phạm. Nếu bạn có yêu thương, “chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26). Nếu người hôn phối bạn cảm thấy buồn bực và quả thật cố ý nói hay làm điều gì chọc tức bạn, thì sao? Bạn có thể đợi đến khi nguôi chuyện, đoạn thảo luận việc đó không? Khi tìm cách giải quyết vấn đề với sự quan tâm đến lợi ích tốt nhất của cả hai, bạn có thể nói được điều đúng. “Lòng người khôn-ngoan gây cho miệng mình tỏ ra sự thông-hiểu”. “Kẻ nào lấp-giấu tội-lỗi, tìm-cầu điều tình-ái” (Châm-ngôn 16:23; 17:9). Nếu bạn đè nén được xúc động muốn tiếp tục cãi cọ và chứng minh mình có lý, bạn có thể để cho tình yêu thương thắng hơn.

19. a) “Vui về điều không công-bình” có thể bao hàm gì? b) Tại sao cần phải tránh điều này?

19 Tình yêu thương chân thật “chẳng vui về điều không công-bình, nhưng vui với lẽ thật”. Người có tình yêu thương này không nghĩ đến việc gạt gẫm người hôn phối mình—dù về việc sử dụng thời giờ và tiền bạc, hoặc giao thiệp với ai. Tình yêu thương này không làm sai lệch lẽ thật để có vẻ công bình. Sự giả dối hủy phá lòng tin cậy. Hầu có tình yêu thương chân thật, cả hai đều phải vui thích nói sự thật với nhau.

TÌNH YÊU THƯƠNG THẬT SỰ CÓ SỨC MẠNH VÀ BỀN BỈ

20. Thế nào tình yêu thương: a) “dung-thứ mọi sự”? b) “tin mọi sự”? c) “trông-cậy mọi sự”? d) “nín-chịu mọi sự”?

20 “Tình yêu-thương hay dung-thứ mọi sự, tin mọi sự, trông-cậy mọi sự, nín-chịu mọi sự”. Tình yêu thương chịu đựng được những căng thẳng và áp lực của đời sống trong hôn nhân, trong khi hai người trong quan hệ khắng khít này cần học cách đối xử mềm mại và hòa hợp cùng nhau. Tình yêu thương tin nơi mọi lời khuyên bảo trong Lời Đức Chúa Trời và sốt sắng áp dụng các khuyên bảo ấy, ngay cả khi hoàn cảnh dường như không thuận lợi. Và dù không phải là thơ ngây để cho những người bất lương dễ lừa gạt, tình yêu thương không đa nghi cách thái quá, song bày tỏ sự tin cậy. Hơn nữa, tình yêu thương hy vọng những gì tốt đẹp nhất. Hy vọng như thế được dựa trên một đảm bảo đáng tin cậy rằng nếu áp dụng những lời khuyên của Kinh-thánh sẽ gặt được những kết quả tốt nhất. Vì thế, tình yêu thương có thể là tích cực, lạc quan và tin tưởng vào tương lai. Tình yêu thương không phải là một thứ tình cảm chốc lát, cũng không là một sự đam mê thoáng qua. Tình yêu thương chân thật biết chịu đựng, đương đầu với những vấn đề khó khăn khi cần. Tình yêu thương có quyền lực bền lâu, nhưng dù mạnh mẽ, tình yêu thương cũng nhân từ, dịu dàng, uyển chuyển và khiến cho đời sống dễ chịu.

21, 22. Vài trường hợp nào chứng tỏ tình yêu thương không bao giờ hư mất?

21 “Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ”. Nếu vợ chồng gặp những vấn đề tài chánh trong thời buổi khó khăn, thì họ phải làm gì? Thay vì nghĩ đến việc tìm kiếm một đời sống dễ chịu hơn ở nơi nào khác, người vợ có yêu thương sẽ trung thành khắng khít với chồng mình, tìm cách dành dụm và nếu có thể kiếm cách phụ thêm vào lương bổng của chồng (Châm-ngôn 31:18, 24). Nhưng nếu người vợ bị bịnh lâu năm thì sao? Người chồng có loại yêu thương như thế sẽ làm mọi điều có thể làm được để tận tâm chăm sóc nàng, giúp đỡ nàng trong công việc nội trợ mà hiện tại nàng không thể làm được, và cho nàng tin chắc nơi lòng tận tụy luôn luôn của chàng đối với nàng. Chính Đức Chúa Trời đã làm gương mẫu trên phương diện này. Bất luận hoàn cảnh nào có thể xảy đến với các tôi tớ trung thành của Ngài “không một điều gì có thể phân-rẽ họ khỏi sự yêu-thương của Ngài” (Rô-ma 8:38, 39).

22 Có những vấn đề khó khăn nào lại thắng nổi tình yêu thương như thế? Trong hôn nhân của bạn có thứ tình yêu thương đó không? Chính bạn có thực hành tình yêu thương đó không?

HÃY LÀM CHO TÌNH YÊU THƯƠNG CÀNG NGÀY CÀNG LỚN LÊN

23. Điều gì xác định chúng ta sẽ hành động đầy yêu thương hay không?

23 Tình yêu thương, giống như một bắp thịt, nếu dùng nhiều thì càng mạnh thêm. Mặt khác, tình yêu thương, giống như đức tin, nếu không có việc làm thì chết. Lời nói và hành động, thúc đẩy bởi những cảm nghĩ sâu xa trong chúng ta, có thể nói là đến từ trong lòng, biểu hiệu động lực bên trong của chúng ta. “Bởi vì do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện”. Nhưng nếu những cảm nghĩ trong chúng ta là ác thì “từ nơi lòng mà ra những ác-tưởng, những tội giết người, ngoại-tình, tà-dâm, trộm-cướp, làm chứng dối, lộng-ngôn” (Ma-thi-ơ 12:34, 35; 15:19; Gia-cơ 2:14-17).

24, 25. Bạn có thể củng cố thế nào động lực thúc đẩy bày tỏ tình yêu thương?

24 Bạn vun trồng ý tưởng và tình cảm nào trong lòng của bạn? Nếu mỗi ngày bạn suy gẫm về những cách mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự yêu thương, và bạn tìm cách bắt chước gương mẫu Ngài, bạn sẽ củng cố thêm những động lực tốt của bạn. Càng luyện tập thứ tình yêu thương này, càng nói và làm phù hợp với nó, tình yêu thương đó càng được khắc ghi sâu xa trong lòng bạn. Nếu tập luyện mỗi ngày trong những việc nhỏ sẽ làm cho tình yêu thương thành thói quen. Rồi khi có những vấn đề lớn xảy ra, tình yêu thương mạnh mẽ hiện có trong bạn sẽ giúp bạn đối phó với những vấn đề ấy (Lu-ca 16:10).

25 Bạn có nhận thấy gì đáng khen nơi người hôn phối của bạn không? Hãy khen người! Bạn có cảm thấy điều gì thúc đẩy bạn làm một cử chỉ nhân từ không? Hãy làm theo sự thúc đẩy đó! Chúng ta phải bày tỏ yêu thương để gặt hái yêu thương. Khi năng làm những điều này, bạn và người hôn phối của bạn sẽ gần gũi nhau nhiều hơn, hai người sẽ thành một, và sẽ làm cho tình yêu thương giữa hai người lớn lên.

26, 27. Chia sẻ mọi việc làm gia tăng tình yêu thương như thế nào?

26 Để gia tăng tình yêu thương, hãy chia sẻ yêu thương với người khác. Người đàn ông đầu tiên là A-đam đã sống trong vườn địa-đàng. Tất cả mọi nhu cầu vật chất của ông được thỏa mãn đầy đủ. Ngay từ lúc đầu ông đã sống giữa những cảnh đẹp. Không những có nhiều đồng cỏ và bông hoa, rừng rú và sông ngòi, nhưng cũng có nhiều thú vật phục tùng sự quản trị của ông như là một người coi sóc trái đất. Nhưng với tất cả những thứ này, ông còn thiếu một điều: một người đồng loại để cùng chia sẻ địa-đàng đẹp đẽ này. Bạn có bao giờ thấy cô đơn khi một mình thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ lúc hoàng hôn, và mong có một người thân yêu bên cạnh để cùng chia sẻ cảnh đó với bạn không? Hoặc bạn đã có một tin vui đầy phấn khởi, nhưng không biết ai để nói với không? Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã lưu ý đến nhu cầu của A-đam và đã ban cho ông một người hôn phối để chia sẻ những ý nghĩ và cảm tưởng của ông. Khi chia sẻ với nhau, hai người hôn phối sẽ làm cho tình yêu thương giữa họ được vững mạnh và lớn lên.

27 Hôn nhân có nghĩa là chia sẻ. Có lẽ chỉ cần nhìn nhau trìu mến, nắm tay nhau, dịu dàng nói với nhau vài lời, hay yên lặng ngồi bên nhau. Mỗi hành động đều có thể nói lên được tình yêu thương: dọn giường, rửa chén, dành dụm tiền để mua vật gì nàng mong muốn nhưng không dám hỏi vì ngân sách gia đình eo hẹp, giúp nhau làm công việc của người kia khi người ấy không làm kịp. Yêu thương có nghĩa chia sẻ việc làm và những thú vui, buồn bã và vui mừng, thành công và thất bại, ý tưởng trong trí óc và cảm giác trong lòng. Hãy chia sẻ những mục tiêu chung với nhau, và cùng nhau đạt những mục tiêu đó. Đây là điều khiến hai người thực sự thành một người; đây là điều làm cho tình yêu thương lớn lên.

28. Giúp đỡ người hôn phối làm gia tăng tình yêu thương như thế nào?

28 Giúp đỡ chồng bạn có thể giúp cho tình yêu thương của bạn đối với chồng được thành thục hơn lên. Một người vợ thường giúp đỡ chồng mình bằng cách nấu ăn, dọn giường, lau nhà, giặt giũ quần áo, chăm lo việc nội trợ. Người chồng thường giúp đỡ vợ bằng cách cung cấp thức ăn, giường chiếu, nhà cửa, quần áo. Sự giúp đỡ lẫn nhau đó là sự “ban cho”, cả hai góp phần vào hạnh phúc chung và nuôi dưỡng tình yêu thương. Như Giê-su nói, sự “ban cho” đem nhiều vui mừng hơn sự “nhận lãnh”, có nghĩa là “giúp đỡ người khác thì có nhiều vui mừng hơn là được người khác giúp đỡ” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Ngài nói với các môn đồ: “Ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 23:11). Quan điểm này loại bỏ bất cứ tinh thần ganh đua nào và góp phần mang lại hạnh phúc. Khi chúng ta giúp đỡ người khác, chúng ta cảm thấy mình cần thiết và có ích, làm tròn vai trò mình, do đó chúng ta có sự tự trọng và hài lòng. Trong hôn nhân vợ chồng có nhiều cơ hội để giúp đỡ nhau và được hài lòng như thế, nhờ đó có thể làm cho hôn nhân của họ vững chắc hơn trong yêu thương.

29. Tại sao tình yêu thương là hấp dẫn đối với cả những người không phải tôi tớ của Đức Chúa Trời?

29 Nhưng nếu chỉ có một người hôn phối là tín đồ đấng Christ và tôi tớ của Đức Chúa Trời, làm theo nguyên tắc Kinh-thánh còn người kia không theo đạo, thì sao? Việc đó có thay đổi cách hành động của người tín đồ đấng Christ không? Đúng ra thì không. Có thể người tín đồ đấng Christ ấy sẽ không nói nhiều về ý định của Đức Chúa Trời, nhưng hạnh kiểm vẫn không thay đổi. Người hôn phối không tin đạo cũng có những nhu cầu căn bản giống như một người thờ phượng Đức Giê-hô-va, và dưới vài khía cạnh người đó cũng phản ứng giống vậy. Điều này được ghi trong Rô-ma 2:14, 15: “Vả, dân ngoại vốn không có luật-pháp, khi họ tự-nhiên làm những việc mà luật-pháp dạy-biểu, thì những người ấy dầu không có luật-pháp, cũng tự nên luật-pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật-pháp dạy-biểu ghi trong lòng họ: chính lương-tâm mình làm chứng cho luật-pháp, còn ý-tưởng khi thì cáo-giác mình, khi thì binh-vực mình”. Cách cư xử gương mẫu của người tín đồ đấng Christ thông thường sẽ được quí trọng và sẽ làm cho tình yêu thương lớn lên.

30. Có phải tình yêu thương chỉ được bày tỏ vào những trường hợp bi thảm mà thôi, hay không? Tại sao bạn trả lời như thế?

30 Tình yêu thương không đợi đến lúc có những hoàn cảnh bi thảm mới bày tỏ ra. Dưới vài khía cạnh tình yêu thương giống như một cái áo. Cái gì hợp lại thành cái áo của bạn? Có phải vài đường dây nhợ thắt gút lại với nhau? Hay hằng ngàn mũi chỉ nhỏ? Đúng ra là hằng ngàn mũi chỉ nhỏ, dù nói về “cái áo” hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa thiêng liêng. Chính những lời nói và hành động tích lũy hàng ngày hợp lại thành “cái áo” đó và cho biết chúng ta mặc “cái áo” nào. “Cái áo” thiêng liêng của chúng ta sẽ không mòn đi và không mất giá trị như là “cái áo” hiểu theo nghĩa đen. Đúng vậy, Kinh-thánh nói đến một thứ “y phục” thiêng liêng “chẳng hư-nát” (I Phi-e-rơ 3:4).

31. Cô-lô-se 3:9, 10, 12, 14 có lời khuyên tốt gì về tình yêu thương?

31 Bạn có muốn hôn nhân của bạn được thắt chặt bằng “dây liên-lạc của sự trọn-lành” không? Hãy làm theo lời khuyên trong Cô-lô-se 3:9, 10, 12, 14: “Hãy lột bỏ người cũ cùng công-việc nó, mà mặc lấy người mới...hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhơn-từ, khiêm-nhường, mềm-mại và nhịn-nhục...mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”.

[Câu hỏi thảo luận]