Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tuổi già

Tuổi già

Chương 13

Tuổi già

1, 2. a) Có những vấn đề nào có thể xảy ra sau khi con cái lìa khỏi nhà? b) Một số người tìm cách đối phó thế nào với những vấn đề trong tuổi già?

CHÚNG TA sẽ buồn chán nếu ăn không ngồi rồi, không làm việc gì về chân tay hay trí óc. Đời sống dường như rỗng tuếch, và chúng ta bất an. Vấn đề này thường xảy ra cho cha mẹ khi con cái lớn khôn và lìa khỏi nhà. Nhiều năm qua họ bận rộn với trách nhiệm làm cha mẹ. Giờ đây tất cả những hoạt động này và trách nhiệm nuôi nấng gia đình bỗng dưng kết thúc.

2 Ngoài ra, thể chất biến đổi theo dòng thời gian. Dần dần má hóp, da nhăn, tóc râm hoặc rụng; và những chứng mệt mỏi và đau nhức trước kia chưa từng thấy bây giờ phát hiện. Quả chúng ta đang già đi. Một số người phủ nhận sự thật, cố gắng tỏ ra mình còn trẻ như ngày nào. Bỗng dưng họ muốn giao thiệp nhiều, tổ chức yến tiệc, hay hăng hái hoạt động thể thao. Những sinh hoạt nhộn nhịp này giúp họ có việc để làm, nhưng có mang lại sự hài lòng lâu dài không? Điều này có làm cho một người thấy thật sự hữu dụng và đời mình có một ý nghĩa thật không?

3. Mặc dù sự giải trí có thể đem lại vui thích, ta phải tránh làm gì?

3 Dĩ nhiên sự giải trí có thể làm người ta vui vẻ. Và khi về già có lẽ bạn có thời giờ để làm những việc mà bạn không làm được khi con cái còn nhỏ. Nhưng nếu bạn quá mải miết tìm kiếm vui thú, bạn có thể gặp những vấn đề trầm trọng (II Ti-mô-thê 3:4, 5; Lu-ca 8:4-8, 14).

VẺ ĐẸP CỦA SỰ CHUNG THỦY

4, 5. Điều gì có thể xảy ra khi một người già cảm thấy mình phải tỏ ra vẫn còn hấp dẫn đối với người khác phái?

4 Vào giai đoạn này trong cuộc đời ít nhiều người dường như cảm thấy họ phải tỏ ra vẫn còn hấp dẫn đối với người khác phái. Có lẽ họ bắt đầu ve vãn ai đó tại một buổi tiệc vui hay ở một nơi nào khác. Đặc biệt những người đàn ông có “những mối tình vụng trộm” với những người đàn bà trẻ hơn, và vào thời đại “luân lý mới” này cũng có nhiều người đàn bà tìm cách tự trấn an bằng “những mối tình vụng trộm” ngoài vòng hôn nhân. Dù họ có gia đình lâu năm rồi, một số người bắt đầu nuôi ý nghĩ “làm lại cuộc đời” với một người hôn phối mới. Họ cố gắng biện hộ điều họ làm bằng cách vạch ra những lỗi lầm của người hôn phối của họ—thường thì dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm của chính mình, nhất là tội không chung thủy đối với người hôn phối và bất trung đối với những nguyên tắc công bình.

5 Có lẽ họ biết Giê-su đã nói: “Nếu ai để [ly dị] vợ mình không phải vì cớ ngoại-tình [porneia: tình dục gớm ghiếc vô luân lý], và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà-dâm”. Dù ở đây Giê-su cho thấy rõ một người không nên ly dị người hôn phối mình vì «mọi loại lý do», họ lại sẵn sàng dựa vào bất cứ lý do nào mà luật pháp thế gian cho phép để ly dị (Ma-thi-ơ 19:3-9). Đoạn họ làm thủ tục để lập gia đình mới, có lẽ với người mà họ đã lén lút giao thiệp trước khi bắt đầu xin ly dị. Dù biết Lời của Đức Chúa Trời nói gì về hành vi đó, có lẽ họ lý luận rằng trong sự thương xót bao la của Ngài Đức Chúa Trời sẽ “thông cảm”.

6. Giê-hô-va Đức Chúa Trời xem sự khinh thường giao ước hôn nhân ra sao?

6 Để tránh bị những tư tưởng vô luân như thế dụ dỗ, chúng ta nên xem xét điều mà Đức Giê-hô-va nói với dân tộc Y-sơ-ra-ên qua nhà tiên tri Ma-la-chi: “Các ngươi lại còn làm sự nầy: các ngươi lấy nước mắt, khóc-lóc, than-thở mà che-lấp bàn-thờ Đức Giê-hô-va, nên nỗi Ngài không nhìn đến [chấp nhận] của-lễ nữa, và không vui lòng nhận lấy vật dâng bởi tay các ngươi. Các ngươi lại nói rằng: Vì sao? Ấy là vì Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh-dối...Vậy các ngươi khá cẩn-thận trong tâm-thần mình; chớ đãi cách phỉnh-dối với vợ mình lấy lúc tuổi-trẻ. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ” (Ma-la-chi 2:13-16). Đúng vậy, lường gạt người hôn phối mình, khinh thường giao ước hôn nhân, ấy là những điều vốn bị Đức Chúa Trời kết án; ai hành động như thế làm hại đến liên lạc của mình với Đấng Ban cho sự sống.

7. Tại sao sự khinh thường giao ước hôn nhân không mang lại hạnh phúc?

7 Đó có phải là đường dẫn đến đời sống tốt hơn không? Không đâu. Bất cứ hôn nhân mới nào được xây dựng như thế đều dựa trên một nền tảng bấp bênh. Một mặt, những ai làm thế chứng tỏ rằng ngay cả trong mối liên lạc quí báu nhất này họ không đáng được tin cậy. Đành rằng họ có thể tìm thấy nơi nhân cách người hôn phối mới có gì quyến rũ mà người trước không có. Nhưng bỏ cũ lấy mới như thế hóa ra họ tìm kiếm lạc thú cho riêng mình mà không màng đến việc gây ra đau khổ hay phiền muộn. Chắc chắn đây không phải là một đức tính mang lại hạnh phúc trong hôn nhân.

8. Trong hôn nhân điều gì quí hơn sắc đẹp thể chất?

8 Vẻ đẹp của sự chung thủy trong hôn nhân vượt qua hẳn bất cứ sắc đẹp thể chất nào. Sắc đẹp thể chất không tránh khỏi tàn phai theo thời gian, nhưng vẻ đẹp của sự chung thủy mỗi năm một tăng dần. Tìm kiếm hạnh phúc của người khác, và sẵn sàng đặt quyền lợi của chàng hay nàng lên trên hạnh phúc của chính mình, đó là điều có thể mang lại sự thỏa nguyện lâu dài, vì quả thật “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Nếu hai người đã lấy nhau được nhiều năm rồi, và nếu họ có thông cảm với nhau và giải bày tâm sự với nhau, nếu họ có cùng chung việc làm, chí hướng và hy vọng, nếu họ cùng chia xẻ các kỳ khó khăn như kỳ dễ dàng—và làm thế vì yêu thương—đời họ sẽ khắng khít, hợp nhất. Họ có rất nhiều điểm chung: về tâm thần, tình cảm và thiêng liêng. Tình yêu lãng mạn có thể làm họ không nhìn thấy ít nhiều nhược điểm của người kia trước khi lấy nhau sẽ nhường chỗ cho lòng lưu luyến chân thành khiến những sơ xuất mà người này nhìn thấy nơi người kia nay là một cơ hội để giúp đỡ lẫn nhau và bù đắp cho nhau. Giữa họ có một lòng tin cậy thật sự, một cảm giác an toàn, biết rằng họ sẽ mãi mãi gần bên nhau bất chấp mọi khó khăn có thể xảy ra. Chung thủy với nhau đối với họ dường như chỉ là điều tự nhiên. Mi-chê 6:8 nói: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhơn từ chung thủy và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (NW).

MỐI LIÊN LẠC MỚI VỚI CON CÁI ĐÃ LỚN

9-11. a) Đức Chúa Trời có muốn mối liên lạc giữa cha mẹ và con cái suốt đời theo cùng một cách không? b) Điều này có ảnh hưởng gì đến lời khuyên mà cha mẹ có thể ban cho con cái đã lớn rồi? c) Khi con cái đã lập gia đình, cha mẹ nên tôn trọng quyền của ai làm đầu gia đình?

9 Dù Đấng Tạo hóa có sắp đặt để vợ chồng chung sống với nhau suốt đời, Ngài không làm thế đối với cha mẹ và con cái. Thật ra khi con cái của bạn đang lớn lên, chúng cần đến bạn mỗi ngày, không những về phương diện nhu cầu thể chất, nhưng cũng cần đến sự hướng dẫn nữa. Khi chúng không sẵn sàng nghe lời, có lẽ bạn đã phải nhấn mạnh nhiều lần nếu là những điều có lợi ích cho chúng. Nhưng giờ đây chúng đã lớn và ra ở riêng, mối liên lạc giữa bạn với chúng có ít nhiều thay đổi (Sáng-thế Ký 2:24). Không có nghĩa là tình cảm của bạn đối với chúng thay đổi, nhưng trách nhiệm của bạn thay đổi. Bởi vậy bạn cần phải đổi cách can thiệp vào đời sống của chúng.

10 Có lẽ đôi khi chúng còn cần được bạn giúp ý kiến. Và nếu chúng nghe theo những lời khuyên lành mạnh của những người có kinh nghiệm đời nhiều hơn, quả là chúng có khôn ngoan (Châm-ngôn 12:15; 23:22). Nhưng khi bạn giúp ý kiến cho các con trai hay con gái bạn đã ra ở riêng, bạn nên khôn ngoan nói lời khuyên cách nào cho thấy bạn thừa nhận rằng bây giờ quyền định đoạt tùy nơi chúng.

11 Điều này rất quan trọng nếu chúng có gia đình riêng. Nhiều nước có phong tục lâu đời cho phép mẹ chồng sai khiến con dâu. Tại những nơi khác gia đình bên chồng hay bên vợ can thiệp nhiều đến chuyện riêng tư giữa vợ chồng. Nhưng như thế có thật sự mang lại hạnh phúc không? Đấng Tạo hóa thiết lập gia đình biết điều gì là hay nhất, và Ngài nói: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình” (Sáng-thế Ký 2:24). Bây giờ quyền định đoạt không thuộc về cha mẹ chồng cũng không thuộc về cha mẹ vợ, nhưng thuộc về người chồng. Lời của Đức Chúa Trời nói: “Chồng là đầu vợ, khác nào đấng Christ là đầu Hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:23). Nếu bạn tôn trọng sự sắp đặt này, bạn sẽ thấy vui thích nhiều hơn khi làm gì cho con cái đã lớn của bạn, và sau này cho cháu chít của bạn.

VUI MỪNG GIÚP ÍCH NHỮNG NGƯỜI KHÁC

12. a) Sau khi con cái đi ra ở riêng, cha mẹ có thể làm gì để giúp tình cảm giữa hai người được sâu đậm hơn? b) Họ có thể làm gì khác để đời sống có nhiều ý nghĩa hơn?

12 Tất cả chúng ta đều cần cảm thấy đời sống mình có ích, có ý nghĩa. Thỏa mãn nhu cầu này là điều quan trọng đem lại cho bạn sự thoải mái. Bạn có thể giúp đỡ nhiều người khác, ngoài con cái bạn. Nói gì về chính người hôn phối của bạn? Bạn đã chú ý nhiều đến con cái bạn, trong khi chúng lớn lên. Bây giờ bạn và người hôn phối bạn có dịp để chăm sóc lẫn nhau nhiều hơn. Điều này có thể giúp tình cảm giữa hai người sâu đậm thêm. Nhưng tại sao lại giới hạn việc tử tế chỉ đối với người thân trong nhà bạn thôi? Bạn có thể «mở rộng lòng mình» bằng cách giúp đỡ những người láng giềng bị đau ốm hay dành thì giờ cho những người già cả cô đơn hoặc giúp đỡ về vật chất tùy theo cách bạn có thể làm được cho những ai nghèo khó vì hoàn cảnh ngoài ý muốn (II Cô-rinh-tô 6:11, 12). Kinh-thánh nói về Đô-ca, một người đàn bà được mọi người yêu mến vì nàng “làm nhiều việc lành và hay bố-thí” cho các đàn bà góa (Công-vụ các Sứ-đồ 9:36, 39). Kinh-thánh khen ngợi những ai tử tế với những người khốn khổ (Châm-ngôn 14:21). Kinh-thánh dạy rằng “thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ” là một khía cạnh trọng yếu trong sự thờ phượng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Gia-cơ 1:27). Và Kinh-thánh khuyến khích tất cả chúng ta: “Chớ quên việc lành và lòng bố-thí, vì sự tế-lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:16).

13. Họ nên giúp ích người khác với động lực cao cả nào?

13 Điều này có nghĩa là những hoạt động có tính cách nhân đạo tự chúng là bí quyết mang lại hạnh phúc không? Thật ra, nếu không phải do một động lực thiêng liêng thúc đẩy, do ý muốn bắt chước sự yêu thương của Đức Chúa Trời, những hoạt động nhân đạo có thể đưa đến thất vọng bực tức (I Cô-rinh-tô 13:3; Ê-phê-sô 5:1, 2). Tại sao? Bởi vì có lẽ bạn sẽ thất vọng khi người khác không ưa thích sự tử tế của bạn hoặc tìm cách lợi dụng sự rộng lượng của bạn.

14, 15. Điều gì khiến đời sống thật sự hạnh phúc và thỏa đáng?

14 Mặt khác, khi một người thật lòng dùng đời sống mình trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, người đó cảm thấy mãn nguyện nhất khi ý thức rằng mình đang làm vui lòng Đấng Tạo hóa. Và người đó giúp ích người khác không phải chỉ về vật chất. Người đó biết đến “[tin mừng] vinh-hiển của Đức Chúa Trời hạnh-phước”, Đức Giê-hô-va, và có đặc ân chia xẻ tin mừng đó với người khác (I Ti-mô-thê 1:11). Nhờ Kinh-thánh người biết đối phó với những khó khăn của đời sống hiện tại, và biết về hy vọng rực rỡ Đức Chúa Trời ban cho trong tương lai. Thật vui thú biết bao chia xẻ tin mừng ấy với người khác, và giúp họ học biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho tin mừng đó! Người viết Thi-thiên 147:1 nói dưới sự soi dẫn: “Khá ngợi-khen Đức Giê-hô-va! vì là điều tốt. Hãy hát ngợi-khen Đức Chúa Trời chúng ta; vì là việc tốt-lành. Sự ngợi-khen hiệp lễ-nghi”.

15 Khi chúng ta hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời về sự sống và dùng đời sống của mình để tôn vinh Ngài thì đời sống của chúng ta có ý nghĩa thật sự (Khải-huyền 4:11). Bạn sẽ thấy thỏa mãn thật sự trong công việc giúp người khác biết những lẽ thật của Kinh-thánh, nếu bạn tham gia cách trọn vẹn tùy theo mức hoàn cảnh cho phép. Dù con cái bạn nay đã lớn rồi, bạn có thể vui thích giúp đỡ những “con thiêng liêng” lớn lên. Và khi bạn thấy họ tiến bộ để trở nên những tín đồ thành thục, hẳn bạn sẽ cảm thấy như sứ đồ Phao-lô khi ông viết cho một số người mà ông đã giúp đỡ: “Sự trông-cậy, vui-mừng và mão triều-thiên vinh-hiển của chúng tôi là gì, há chẳng phải là anh em?...Anh em thật sự là sự vinh-hiển và vui-mừng của chúng tôi vậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19, 20).

HÃY MỀM DẺO KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI

16, 17. a) Ta nên tránh làm gì khi những vấn đề khó khăn do tuổi già xảy đến? b) Dù khi về già gặp hoàn cảnh góa bụa, điều gì có thể giúp một người cảm thấy không phải đối phó một mình với những thử thách mới?

16 Dĩ nhiên, với thời gian hầu hết mọi người đều nhận thấy không còn đủ sức làm việc nhiều như xưa nữa. Họ cần phải mềm dẻo, sẵn sàng điều chỉnh hầu phù hợp với hoàn cảnh. Cần lưu ý đến tình trạng sức khỏe khó khăn. Điều khôn ngoan là nên thăng bằng; chớ quá bận tâm đến sức khỏe đến nỗi không thấy những cơ hội xảy đến trong đời sống hằng ngày. Một số những vấn đề khó khăn sẽ xảy ra, và nếu bạn có thể làm gì với tính cách xây dựng thì nên làm. Nhưng lo nghĩ không làm được gì, và chỉ ước ao mọi sự đổi khác cũng không đổi được gì. Như thế, thay vì nhớ tiếc quá khứ, hãy nắm lấy những cơ hội hiện tại.

17 Điều này cũng áp dụng khi về già bạn gặp hoàn cảnh góa bụa. Nếu bạn đã có hạnh phúc trong hôn nhân, chắc hẳn bạn quí mến những kỷ niệm êm đẹp đó. Nhưng đời sống cứ tiếp diễn, và đây là lúc bạn cần làm những sự điều chỉnh. Cần phải đương đầu với một số thử thách mới, và nếu bạn bày tỏ đức tin nơi Đức Chúa Trời, bạn sẽ không phải đối phó một mình với những thử thách đó (Thi-thiên 37:25; Châm-ngôn 3:5, 6).

18-20. Những yếu tố nào có thể khiến đời sống đầy ý nghĩa ngay cả trong tuổi già?

18 Dù đời sống có nhiều khía cạnh không hay, chúng ta cũng gặp nhiều điều vui thú—bạn bè tốt, cơ hội giúp ích cho người khác, thưởng thức một bữa ăn ngon, một cảnh hoàng hôn, tiếng chim ca hót. Hơn nữa, dù hoàn cảnh hiện tại của chúng ta có lẽ không mấy lý tưởng, Đức Chúa Trời hứa chắc Ngài sẽ chấm dứt sự gian ác và sẽ làm cho nhân loại không còn bị buồn rầu, lo lắng, bệnh tật và ngay cả không còn sự chết nữa (Khải-huyền 21:4).

19 Thật ra có quan điểm theo đuổi vật chất quá nhiều trong đời sống sẽ thấy tuổi già rất trống rỗng. Người viết sách Truyền-đạo diễn tả hậu quả của một lối sống như thế, nói rằng: “Mọi sự đều hư-không” (Truyền-đạo 12:8). Nhưng khi nói đến những người có đức tin, như Áp-ra-ham và Y-sác, Kinh-thánh nói họ đã mãn thọ “tuổi cao tác lớn và thỏa về đời mình” (Sáng-thế Ký 25:8; 35:29). Điều gì đã gây ra sự khác biệt đó? Những người này đã có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Họ tin chắc là đến kỳ mà Đức Chúa Trời đã định, người chết sẽ sống lại, và họ mong đợi đến kỳ Đức Chúa Trời sẽ thiết lập một chính phủ công bình cho tất cả nhân loại (Hê-bơ-rơ 11:10, 19).

20 Trong trường hợp bạn cũng vậy, nếu bạn đừng để cho những vấn đề khó khăn hiện tại làm cho bạn không nhìn thấy những việc tốt đẹp chung quanh và tương lai huy hoàng mà Đức Chúa Trời đang dành cho các tôi tớ của Ngài, thì chính bạn cũng sẽ thấy đời sống đầy ý nghĩa, và mỗi ngày bạn sẽ thấy hài lòng, ngay cả đến khi về già.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 176]

Hai người càng sống lâu cùng nhau, thì càng nên một