Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vai trò của các bậc cha mẹ

Vai trò của các bậc cha mẹ

Chương 8

Vai trò của các bậc cha mẹ

1-3. a) Sự sanh con có thể có ảnh hưởng gì trên các cha mẹ? b) Tại sao đối với cả cha lẫn mẹ, việc hiểu biết các vai trò làm cha mẹ là quan trọng?

TRONG đời sống có nhiều biến cố ảnh hưởng đến chúng ta rất ít. Nhiều biến cố khác lại ảnh hưởng rất nhiều và lâu dài, chẳng hạn như việc sanh một đứa con. Sau khi có con, đời sống của hai vợ chồng sẽ không bao giờ giống như trước nữa. Dù nhỏ bé, đứa trẻ sẽ lên tiếng và cho biết rõ sự có mặt của nó trong gia đình.

2 Đời sống của cha mẹ tất phải phong phú và hạnh phúc hơn. Nhưng có một sự thách đố; và chỉ khi nào cả cha lẫn mẹ đều hợp tác với nhau để vượt qua thách đố đó thì mới gặt hái được nhiều thắng lợi nhất. Vì phải có hai người mới tạo ra được đứa trẻ, thì cả hai người đều phải đóng một vai trò trọng yếu để giúp đứa trẻ phát triển tốt đẹp kể từ lúc mới sanh. Một sự hợp tác thành thật, hợp nhất và khiêm nhường, là cần thiết hơn bao giờ hết.

3 Sự hiểu biết vai trò của mỗi người cha mẹ và thế nào những vai trò này có thể hòa hợp với nhau tất sẽ giúp cho cha mẹ đáp ứng đầy đủ những nhu cầu của đứa bé, và có kết quả tốt đẹp. Cần có sự thăng bằng. Dù cho lý trí cố gắng làm điều hợp lý, những xúc cảm thường làm mất thăng bằng. Chúng ta có thể có khuynh hướng đi từ thái cực này sang thái cực khác. Người cha nên thi hành quyền cầm đầu gia đình, nhưng nếu ông lạm quyền đó, ông trở nên độc tài. Người mẹ nên giúp chồng giáo dục và sửa trị con cái, nhưng nếu bà loại trừ người cha trong trách nhiệm đó, nền tảng gia đình ắt bị lung lay. Điều tốt là tốt, nhưng nếu thái quá thì có thể trở thành xấu (Phi-líp 4:5).

VAI TRÒ TRỌNG YẾU CỦA NGƯỜI MẸ

4. Một trẻ sơ sanh cần những gì nơi mẹ nó?

4 Một đứa trẻ mới sanh ra hoàn toàn tùy thuộc người mẹ để đáp ứng những nhu cầu cấp bách. Nếu bà làm điều này với yêu thương, đứa bé sẽ cảm thấy an toàn (Thi-thiên 22:9, 10). Nó cần ăn uống đầy đủ, được giữ cho sạch sẽ và ấm áp; nhưng chỉ cung cấp những nhu cầu vật chất vẫn chưa đủ. Nhu cầu tình cảm của nó cũng quan trọng không kém. Nếu đứa bé không cảm thấy được yêu thương, nó trở nên bất an. Một người mẹ có thể sớm nhận biết đứa bé cần gì và nhiều đến đâu bằng cách nó đòi được chú ý. Nhưng nếu nó kêu khóc mà không ai để ý đến thì nó có thể bị bệnh. Nếu nó bị thiếu thốn tình cảm trong một khoảng thời gian, tình cảm nó có thể bị chai lì đi suốt đời.

5-7. Theo những nghiên cứu mới đây, tình yêu thương và sự lưu ý của người mẹ có ảnh hưởng gì trên một trẻ sơ sanh?

5 Nhiều cuộc thực nghiệm tại nhiều nơi khác nhau đã thừa nhận sự kiện này: Trẻ con có thể bị bệnh và có khi chết nữa, nếu thiếu tình yêu thương—tình yêu thương được bày tỏ qua sự trò chuyện và rờ mó, vuốt ve và ru ngủ (So sánh Ê-sai 66:12; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7). Dù người khác có thể bày tỏ tình yêu thương với đứa bé, nhưng chính người mẹ, người đã hoài thai và nuôi dưỡng đứa bé trong bụng người trong những tháng đầu tiên của đời nó, nhất định là người có đủ tư cách hơn hết để làm điều đó. Giữa người mẹ và đứa bé có một phản ứng hỗ tương tự nhiên. Ý muốn tự nhiên của người mẹ muốn ôm đứa bé mới sanh sát vào lòng mình đi đôi với ý muốn tự nhiên của đứa bé muốn tìm vú của mẹ.

6 Người ta nghiên cứu cho thấy bộ óc của đứa trẻ mới sanh ra hoạt động rất mạnh và trí tuệ nó phát triển nhanh khi những giác quan của nó được kích thích: khứu giác, thính giác, thị giác và xúc giác. Khi đứa bé bú vú mẹ, nó cảm thấy hơi nóng và mùi da thịt của người mẹ, nó nhìn chằm chặp vào mặt người mẹ khi bú vú. Không những nó nghe được giọng nói người mẹ khi bà nói hay hát cho nó nghe, mà nó còn biết được cả nhịp tim đập của bà nữa, một âm thanh quen thuộc ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Trong một cuốn sách ở Na-uy, chuyên viên về tâm lý học con trẻ là Anne-Marit Duve nhận xét:

“Vì hoạt động của con ngươi cho thấy rõ mức độ hoạt động của não bộ, chúng ta có lý do để tin rằng những kích thích mạnh mẽ về xúc giác, đặc biệt những kích thích xảy ra khi cho bú, có thể kích thích trí tuệ của đứa bé; và điều này sẽ đưa đến trình độ trí thức cao hơn lúc trưởng thành”.

7 Vì vậy, khi đứa bé mới sanh thường cảm thấy được người mẹ nâng niu, như khi bà bế nó lên, ru ngủ nó hoặc tắm rửa và lau khô nó, sự kích thích ấy mà nó nhận được đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nó và việc tạo ra một nhân cách cho nó sau này. Đành rằng thức dậy lúc đêm hôm và dùng thời giờ để dỗ dành trẻ thơ đang khóc chắc hẳn không phải là một trò tiêu khiển thích thú lắm, nhưng nếu nghĩ đến những lợi ích về sau này có lẽ sẽ đền bù nhiều cho sự mất ngủ của người mẹ.

ĐỨA BÉ HỌC BIẾT YÊU THƯƠNG VÌ ĐƯỢC YÊU THƯƠNG

8-10. a) Một trẻ sơ sanh học những gì nơi tình yêu thương của mẹ nó? b) Tại sao điều này quan trọng?

8 Việc đứa bé mới sanh được yêu thương là trọng yếu đối với sự phát triển tình cảm của nó. Nó học biết yêu thương bởi nó được yêu thương, bởi nó nhìn thấy sự yêu thương được bày tỏ làm gương cho nó. Nói về sự yêu thương đối với Đức Chúa Trời, I Giăng 4:19 nói: “Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước”. Những bài học khởi đầu về sự yêu thương bắt nguồn phần lớn từ người mẹ. Khi người mẹ cúi xuống đứa bé nằm trong cái nôi, đặt tay lên ngực nó, dịu dàng ru nín nó đồng thời kề mặt mình gần mặt đứa bé và nói: “Mẹ nhìn thấy con này! Mẹ nhìn thấy con này”, dĩ nhiên đứa bé chẳng hiểu mẹ nó muốn nói gì (và những lời này cũng chẳng đặc biệt hợp lý cho lắm). Nhưng nó cựa quậy và ríu rít vì thích thú, vì nó biết bàn tay âu yếm và giọng nói đó rõ ràng muốn nói với nó: “Mẹ yêu con! Mẹ yêu con!” Nó cảm thấy yên lòng và an toàn.

9 Trẻ sơ sanh và các trẻ nhỏ thích được người khác bày tỏ yêu thương, và để bắt chước tình yêu thương đó, chúng cũng tập bày tỏ bằng cách ôm choàng cổ mẹ chúng với những cánh tay nhỏ nhắn và hôn chùn chụt. Chúng hài lòng với cảm giác êm ấm, khi dấu hiệu yêu thương của chúng được mẹ chúng đáp lại. Chúng bắt đầu học được bài học chính yếu là người ta cảm thấy hạnh phúc khi bày tỏ yêu thương người khác cũng như khi được người khác yêu thương mình, và ai gieo yêu thương thì sẽ gặt được yêu thương (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35; Lu-ca 6:38). Bằng chứng cho thấy nếu lúc đầu người mẹ không quyến luyến con mình, sau này đứa trẻ rất khó có được sự quyến luyến và ràng buộc với những người khác.

10 Bởi các con trẻ bắt đầu học hỏi ngay sau khi được sanh ra, những năm đầu tiên trong đời chúng là những năm trọng yếu nhất. Trong suốt thời gian đó tình yêu thương của người mẹ là chính yếu. Nếu người mẹ tỏ ra yêu thương và tập cho nó yêu thương—không nhất thiết phải nuông chìu nó—bà có thể mang lại lợi ích lâu dài cho nó; nếu không, bà có thể làm hại nó lâu dài. Làm một người mẹ tốt là một trong những việc khó khăn nhất và đem lại thỏa mãn nhất cho một người đàn bà. Dù khó nhọc và đòi hỏi nhiều, nhưng có “nghề nghiệp” nào trong thế gian này có thể mang đến một ý nghĩa sâu sắc và làm mãn nguyện lâu dài cho bằng?

VAI TRÒ CHỦ YẾU CỦA NGƯỜI CHA

11. a) Người cha có thể ghi khắc vai trò của mình trong tâm trí đứa trẻ như thế nào? b) Tại sao điều này rất quan trọng?

11 Đương nhiên là đứa trẻ cần người mẹ hơn trong quãng đầu của đời sống nó. Nhưng từ khi nó sanh ra, người cha cũng nên dự phần trong thế giới của nó. Ngay lúc đứa trẻ còn rất nhỏ, người cha có thể và cần phải đảm trách vai trò mình là đôi lúc chăm sóc nó, chơi với nó, vỗ về nó khi nó khóc. Như thế đứa trẻ khắc ghi hình ảnh cha nó vào tâm trí nó. Dần dần vai trò của người cha trở nên quan trọng hơn. Nếu ông đợi quá lâu để bắt đầu, có lẽ sẽ có nhiều vấn đề xảy ra, nhất là khi đứa trẻ đến tuổi dậy thì, và lúc đó sẽ khó sửa trị nó hơn. Một đứa con trai trong tuổi dậy thì đặc biệt cần có sự giúp đỡ của cha nó. Nhưng nếu giữa cha nó và nó không sẵn có liên lạc tốt, thì hố sâu chia cách cha con qua nhiều năm sẽ không thể lấp lại được trong vài tuần lễ.

12, 13. a) Người cha đóng vai trò nào trong gia đình? b) Người cha hoàn tất trách nhiệm cách đúng đắn có thể ảnh hưởng trên quan điểm của con cái về uy quyền như thế nào?

12 Dù là con trai hay gái, nam tính của người cha có thể đóng góp lớn lao cho sự phát triển một nhân cách đàng hoàng và thăng bằng cho đứa con. Lời Đức Chúa Trời cho biết người cha là đầu của gia đình. Ông có trách nhiệm cung cấp các nhu cầu vật chất cho gia đình (I Cô-rinh-tô 11:3; I Ti-mô-thê 5:8). Tuy nhiên, “loài người sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra”. Người cha cũng được lệnh dạy dỗ con cái mình, “hãy dùng sự sửa-phạt của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3; Ê-phê-sô 6:4). Trong khi tình cảm tự nhiên đối với con cái mình thúc đẩy ông làm thế, chính ý thức trách nhiệm mình đối với Đấng Tạo hóa sẽ là động lực chính khiến người cha sẽ làm hết sức mình để hoàn thành một sứ mạng thiêng liêng đã được giao phó cho mình.

13 Cùng với sự đầm ấm, mềm mại và nhân từ của người mẹ, người cha có thể đóng góp thêm ảnh hưởng thăng bằng, sức mạnh và sự điều khiển khôn ngoan. Cách ông làm tròn phận sự giao phó do Đấng Tạo hóa có thể ảnh hưởng sâu đậm trên thái độ sau này của các con cái ông đối với uy quyền, của loài người và cả của Đức Chúa Trời nữa, khiến chúng sẽ tôn trọng uy quyền và có thể làm việc dưới sự hướng dẫn của người khác mà không than vãn hay phản nghịch.

14. Gương mẫu tốt của người cha có thể có ảnh hưởng gì trên con trai hay con gái ông?

14 Nếu đứa trẻ là một con trai, gương mẫu và cách cư xử của người cha có thể góp phần rất nhiều vào việc xác định đứa con trai của ông lớn lên sẽ yếu đuối, thiếu nghị lực hay cương quyết, vững mạnh, tỏ ra có lập trường can đảm và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm. Điều ấy có thể ảnh hưởng đến hạng người chồng hay người cha mà đứa con trai sẽ trở thành sau này—cứng rắn, bướng bỉnh, cộc cằn hay trái lại, thăng bằng, sáng suốt và nhân từ. Liên hệ của người cha đối với con gái của ông có thể có ảnh hưởng đến quan điểm của cô về những người đàn ông và có thể làm cho cô sau này sẽ được hạnh phúc hay bất hạnh trong hôn nhân. Ảnh hưởng của người cha bắt đầu từ lúc con cái còn thơ ấu.

15, 16. a) Kinh-thánh giao phó cho một người cha trách nhiệm dạy dỗ nào? b) Người có thể làm tròn trách nhiệm này như thế nào?

15 Đức Chúa Trời có rất nhiều lời khuyên cho những người làm cha như ta thấy trong các chỉ thị cho dân tộc Ngài trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở lại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy”.

16 Mỗi ngày cần phải khắc ghi vào tâm trí con trẻ không chỉ những lời nguyên văn ấy ghi trong Kinh-thánh, nhưng ý nghĩa lời khuyên bảo với thông điệp do những lời đó mang lại. Luôn luôn có nhiều cơ hội để làm việc này. Bạn nên giải thích cho con cái bạn biết rằng những bông hoa trong vườn, các côn trùng bay lượn trong không trung, các con chim và các con sóc ở trên cây, các con sò trên bãi biển, các trái cây thông trên núi, các ngôi sao lấp lánh trên bầu trời về đêm, tất cả đều làm chứng về Đấng Tạo hóa, và bạn nên cho con cái bạn biết tất cả những thứ đó ngợi khen Ngài. Người viết Thi-thiên nói: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải-tỏ công-việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng cho ngày kia, đêm nầy tỏ sự tri-thức cho đêm nọ” (Thi-thiên 19:1, 2). Khi biết nhanh trí dùng những sự vật này, và đặc biệt là những việc xảy ra hàng ngày trong cuộc sống để minh họa và nhấn mạnh những nguyên tắc công bình và chỉ cho thấy sự khôn ngoan và những lợi ích của các lời khuyên bảo của Đức Chúa Trời, người cha có thể đặt trong lòng và trí của đứa con một nền tảng chính yếu nhất cho tương lai nó: không những tin chắc là có Đức Chúa Trời, mà còn tin rằng “Ngài là Đấng hay thưởng cho những kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6).

17, 18. a) Một người cha phải sửa trị con cái mình ra sao? b) Điều gì có hiệu quả hơn là đặt ra nhiều luật lệ?

17 Sự sửa trị cũng là một phần trách nhiệm của người cha. Hê-bơ-rơ 12:7 nêu ra câu hỏi: “Vì có người con nào mà cha mình không sửa-phạt?” Nhưng ông có bổn phận phải sửa trị con cái cách thăng bằng chớ không nên quá đáng, đến độ chọc giận hoặc làm khổ đứa bé. Đức Chúa Trời nói với những người làm cha: “Chớ hề chọc-giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng”. Hạn chế vừa phải là cần thiết, nhưng đôi khi nếu hạn chế quá nhiều hay đặt ra quá nhiều luật lệ khiến thành một gánh nặng và con cái sanh ra chán nản.

18 Những người Pha-ri-si thời xưa rất thích đặt ra luật lệ, nhiều đến nỗi chồng chất và tạo ra những kẻ giả hình. Người ta thường lầm tưởng lập thêm những luật lệ để giải quyết được các vấn đề, nhưng kinh nghiệm trong đời sống cho thấy đạt đến lòng người mới là giải pháp thật sự. Vậy bạn chớ nên đặt ra nhiều luật lệ, trái lại hãy chú trọng đến việc khắc ghi các nguyên tắc vào lòng con bạn, theo chiều hướng chính Đức Chúa Trời làm: “Ta sẽ để luật-pháp ta trong trí họ, Và ghi-tạc vào lòng” (Hê-bơ-rơ 8:10).

CHA VÀ MẸ PHẢI HỢP TÁC VỚI NHAU

19. Có thể làm gì để mọi người trong gia đình sẵn sàng nói chuyện với nhau?

19 Thường thường người cha đi làm việc; khi đi làm về có lẽ ông đã mệt, song vẫn còn có những trách nhiệm khác phải chu toàn. Nhưng ông cũng phải dành ra thời giờ cho vợ con nữa, phải gần gũi với gia đình, chuyện trò với vợ con, thảo luận về các việc chung trong gia đình, các trò giải trí chung hay đi chơi chung. Như vậy sẽ xây dựng tình đoàn kết và hợp nhất cho gia đình. Có lẽ trước khi có con vợ chồng thường đi vắng nhà. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục như thế, đi đây đi đó và có lẽ đến khuya mới về nhà, thì họ sẽ không làm đầy đủ trách nhiệm cha mẹ. Điều ấy thật không tốt cho con cái họ chút nào. Sớm muộn những kẻ làm cha mẹ ấy sẽ phải trả giá đắt vì sự hay vắng nhà và vô trách nhiệm của họ. Cũng như người lớn, đời sống của trẻ con sẽ tốt hơn khi có một cơ bản vững chắc và điều độ, góp phần phát triển lành mạnh cho trí tuệ, thể xác và tình cảm. Đời sống hàng ngày trong gia đình tự nó sẽ có những lúc khó khăn, cha mẹ không nên gây thêm khó khăn nữa làm chi (So sánh Ma-thi-ơ 6:34; Cô-lô-se 4:5).

20. Khi cần phải sửa trị con cái, cha mẹ có thể làm gì để hợp nhất trong các cố gắng của họ?

20 Cha mẹ nên hợp tác với nhau trong cách đối xử với con cái, dạy dỗ chúng, hạn chế các hành vi của chúng, sửa phạt chúng, yêu thương chúng. “Nếu một nhà tự chia nhau, thì nhà ấy không thể còn được” (Mác 3:25). Tốt nhất cha mẹ nên thảo luận về cách sửa phạt con cái, hầu cho chúng khỏi chứng kiến bất cứ một sự chia rẽ nào trong việc thi hành kỷ luật. Nếu không, cũng như xúi con cái tìm cách “chia để trị”. Thật ra, đôi khi người cha hoặc mẹ có thể phản ứng hấp tấp hoặc trong khi giận dữ và dùng biện pháp kỷ luật quá nghiêm khắc đối với con cái, rồi sau đó khi nghĩ lại mọi việc thì thấy có lẽ kỷ luật đó thật ra không cần thiết. Có lẽ cha mẹ nên nói riêng với nhau về điều ấy, đoạn người nào đã hành động kém khôn ngoan có thể quyết định sửa chữa mọi sự với đứa con. Hoặc, nếu không thể bàn riêng việc này được, người cha mẹ nào có cảm tưởng rằng bênh vực người hôn phối mình sẽ có nghĩa là bênh vực một sự bất công có thể đại khái nói: “Anh (hay em) hiểu tại sao mình nổi giận, có lẽ anh (hay em) cũng sẽ hành động như vậy trong trường hợp tương tự. Nhưng có lẽ mình không hay một điều là...” Kế đó, người ấy làm sáng tỏ hơn điều mà người kia đã không để ý tới. Như thế có thể có một ảnh hưởng xoa dịu mà không tỏ ra có sự chia rẽ hay bất đồng ý kiến trước mặt đứa con đã bị sửa trị. Một câu Châm-ngôn được soi dẫn nói: “Sự kiêu-ngạo chỉ sanh ra điều cãi-lộn; Còn sự khôn-ngoan ở với người chịu lời khuyên-dạy” (Châm-ngôn 13:10; cũng xem Truyền-đạo 7:8).

21. Phải chăng chỉ một người, hoặc cha hoặc mẹ, có trách nhiệm sửa trị con cái? Tại sao thế hoặc tại sao không phải thế?

21 Phần Kinh-thánh Hê-bơ-rơ cho biết sự sửa phạt đến từ hai phía: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha; chớ bỏ các phép-tắc của mẹ con”. Phần Kinh-thánh Hy-lạp cũng nói giống vậy: “Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm”. Đôi khi người cha cho rằng việc sửa trị con cái là của người mẹ. Hoặc người vợ có quan điểm trái ngược và chỉ hăm dọa đứa con khi nó phạm lỗi: “Chừng nào ba về con sẽ biết tay”. Nhưng nếu muốn gia đình được hạnh phúc, và muốn con cái biết kính trọng và yêu thương cả cha lẫn mẹ thì cha mẹ cần phải hợp tác trong việc sửa trị con cái (Châm-ngôn 1:8; Ê-phê-sô 6:1).

22. Cha mẹ cần phải tránh việc nào khi con cái xin một điều gì? và tại sao vậy?

22 Con cái cần thấy cha mẹ chúng hợp tác trong vấn đề kỷ luật và mỗi người sẵn sàng gánh vác phần trách nhiệm mình. Nếu đứa trẻ xin cha điều gì và luôn luôn nghe cha nói: “Đi hỏi mẹ đi”, hoặc người mẹ luôn luôn để cho người cha quyết định, thì kết quả là người nào phải từ chối điều gì đứa con xin sẽ bị nó coi là ác nghiệt hay khe khắt. Dĩ nhiên, có những trường hợp người cha có thể nói: “Được rồi, con có thể đi ra ngoài chơi một chút—nhưng hãy hỏi mẹ con trước xem khi nào sẽ ăn cơm tối”. Hoặc có khi người mẹ cảm thấy lời xin của con không có gì trở ngại nhưng bà nghĩ nó nên hỏi thêm ý kiến của cha nó về vấn đề đó. Nhưng cả hai cha mẹ cần phải lưu ý đừng bao giờ khuyến khích hoặc cho phép con cái chia rẽ cha mẹ để được điều nó muốn. Người vợ khôn ngoan cũng sẽ cố sức tránh dùng uy quyền của mình với sự tranh cạnh, tức chìu đứa con hầu lôi kéo nó về phía mình, khiến nó yêu mình hơn yêu cha nó.

23. Trong một gia đình, phải chăng chỉ người cha mới có quyền quyết định mọi việc không?

23 Thật ra, trong các quyết định của gia đình mỗi người có thể có những lãnh vực nào đó đáng được xem xét đặc biệt. Người cha có trách nhiệm quyết định về những vấn đề liên quan đến hạnh phúc chung cho gia đình, thường thì quyết định sau khi thảo luận với những người khác và nghe qua nguyện vọng và sở thích của họ. Người mẹ có thể quyết định về việc bếp nước và nhiều vấn đề nội trợ khác (Châm-ngôn 31:11, 27). Khi các con trẻ lớn lên, chúng có thể được cho phép quyết định phần nào về vài việc liên quan đến chỗ đi giải trí, việc chọn quần áo hay những đồ vật cá nhân khác. Nhưng cha mẹ phải giám sát con cái đúng mức để chúng làm theo các nguyên tắc lành mạnh, không tự đặt vào những tình trạng nguy hiểm và không vi phạm quyền lợi người khác. Như thế có thể dần dần tập cho con cái bắt đầu tự làm những quyết định.

HỠI CHA MẸ, CÁC BẠN CÓ LÀM CHO CON CÁI DỄ DÀNG TÔN KÍNH CÁC BẠN KHÔNG?

24. Sự kiện con cái phải tôn kính cha mẹ khiến cho cha mẹ có trách nhiệm gì?

24 Con cái được dạy bảo: “Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi” (Ê-phê-sô 6:2; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12). Nếu con cái tôn kính cha mẹ thì chúng cũng vâng theo điều răn Đức Chúa Trời. Bạn có giúp chúng để chúng dễ dàng vâng lời Ngài không? Hỡi người làm vợ, bạn được khuyên bảo phải tôn kính và quí trọng chồng bạn. Nếu ông ít cố gắng hoặc chẳng cố gắng chút nào để sống theo Lời Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi ông, có phải bạn sẽ thấy rất khó khăn để tôn kính và quí trọng ông, phải không? Hỡi người làm chồng, bạn phải yêu mến và tôn trọng vợ bạn như người giúp đỡ yêu dấu của bạn. Nếu bà chẳng chịu giúp gì cả, chắc hẳn bạn khó yêu mến và tôn trọng, phải không? Vậy hãy giúp cho con cái bạn dễ dàng vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời là tôn kính cha mẹ của chúng. Hãy làm chúng kính trọng bạn bằng cách cung cấp cho chúng một mái gia đình bình an, những tiêu chuẩn tốt, những gương tốt về cách ăn ở, giáo dục và huấn luyện tốt, và dùng những biện pháp kỷ luật đầy yêu thương khi cần.

25. Khi các cha mẹ không hợp nhất với nhau về việc nuôi nấng con cái thì những vấn đề gì có thể xảy ra?

25 Vua Sa-lô-môn có nhận xét: “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công-giá tốt về công-việc khó-nhọc mình” (Truyền-đạo 4:9). Khi hai người cùng đi với nhau, và một người ngã, thì người kia giúp người này đứng dậy. Cũng thế, trong gia đình vợ chồng ủng hộ và khuyến khích lẫn nhau trong vai trò riêng của mỗi người. Trong số các trách nhiệm của cha mẹ có nhiều trách nhiệm mà hai người phải làm chung vì sự hợp nhất của gia đình. Con cái đáng lý phải làm cho cha mẹ gần nhau hơn vì họ phải hợp nhất trong một công việc giáo dục chung. Nhưng đôi khi nảy sinh những vấn đề chia rẽ về cách thức nuôi nấng và sửa phạt con cái. Đôi khi người vợ tỏ ra quá chú tâm săn sóc đứa con đến nỗi người chồng cảm thấy bị bỏ quên, có lẽ đâm ra hờn giận nữa. Do đó có thể ảnh hưởng đến thái độ của ông đối với đứa trẻ. Ông có thể đối xử lạnh nhạt với nó, hoặc trái lại ông tỏ ra yêu thương nó lắm nhưng ít chú ý đến vợ. Cả hai sẽ phải trả giá đắt khi người chồng hay người vợ để mất sự thăng bằng.

26. Khi người mẹ phải dành nhiều thời giờ cho đứa con nhỏ mới sanh, cần phải làm gì để tránh cho đứa con lớn khỏi cảm thấy ganh tị?

26 Một vấn đề khác nữa có thể xảy ra khi có thêm một đứa con nhỏ trong khi đã có con lớn hơn rồi. Người mẹ phải bỏ nhiều thời giờ cho em bé mới. Để cho đứa con lớn khỏi cảm thấy bị bỏ quên và đâm ra ghen tị có lẽ người cha nên chú tâm hơn đến đứa lớn.

27. Khi một trong hai người hôn phối không tin đạo, các con cái có thể được giúp đỡ thế nào về thiêng liêng?

27 Chắc chắn hai người thì hơn một rồi, nhưng một người thì cũng tốt hơn là chẳng có ai cả. Có thể có trường hợp người mẹ phải nuôi nấng con cái mà không có sự giúp đỡ của người cha, hoặc ngược lại chính người cha phải làm “gà trống nuôi con”. Nhiều gia đình gặp cảnh bất đồng tôn giáo, thí dụ một người là tôi tớ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, hoàn toàn tin vào lời khuyên của Kinh-thánh, còn người kia thì không, hoặc ngược lại. Khi người chồng là tín đồ đấng Christ đã dâng mình, thì với tư cách là chủ gia đình, người có tầm kiểm soát rộng hơn về đường lối giáo dục và sửa trị con cái. Tuy nhiên, có lẽ ông cần kiên nhẫn, tự chủ và chịu đựng nhiều; ông phải cương nghị khi có vấn đề tranh chấp nghiêm trọng xảy ra, đồng thời phải biết điều và tử tế, ngay cả khi bị khiêu khích, và ông nên hành động uyển chuyển khi hoàn cảnh cho phép. Nếu người tin đạo là người vợ và vì thế phải phục tùng chồng, cách mà nàng hành động sẽ tùy thuộc nhiều ở thái độ của ông. Ông là người chỉ thờ ơ đối với Kinh-thánh, hay ông chống đối sự thực hành đức tin của vợ mình và ngăn cản việc nàng cố gắng dạy dỗ con cái? Nếu ông là người chống đối, thì người vợ phải theo đường lối mà sứ đồ Phi-e-rơ đã khuyên bảo, tức là đảm nhận vai trò người vợ một cách gương mẫu và tỏ thái độ tôn kính, hầu cho chồng nàng “dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo...cũng đủ hóa theo”. Nàng cũng sẽ lợi dụng mọi cơ hội có thể được để dạy cho con cái mình biết các nguyên tắc Kinh-thánh (I Phi-e-rơ 3:1-4).

KHUNG CẢNH GIA ĐÌNH

28, 29. Nên có một khung cảnh gia đình như thế nào? và tại sao?

28 Cả cha lẫn mẹ có trách nhiệm cung cấp một bầu không khí yêu thương trong gia đình. Nếu con cái cảm thấy có bầu không khí ấy, chúng sẽ không dấu giếm những hoang mang hay những lỗi lầm của chúng vì sợ nói cho cha mẹ biết. Chúng biết là chúng có thể nói năng mạnh dạn với cha mẹ chúng và được thông cảm; và mọi vấn đề sẽ được cha mẹ chúng giúp giải quyết cách đầy yêu thương (So sánh I Giăng 4:17-19; Hê-bơ-rơ 4:15, 16). Như vậy mái nhà không phải chỉ là nơi trú náu mà thôi, nhưng cũng là nơi an toàn yên nghỉ nữa. Lòng yêu mến của cha mẹ sẽ làm cho tâm thần của con cái lớn lên và hưng thịnh.

29 Bạn không thể nhúng một cái khăn vào giấm và chờ đợi nó hút nước lã. Nó chỉ có thể hút chất lỏng chung quanh thôi. Cái khăn chỉ hút nước nếu được nhúng vào nước. Con trẻ cũng vậy, chúng hấp thụ những gì chung quanh chúng. Chúng cảm biết các thái độ và quan sát mọi điều được thực hành chung quanh chúng, và chúng hấp thụ những điều ấy như một cái khăn khô. Con cái cảm biết các tình cảm của bạn, dù là bạn nóng nảy căng thẳng hay bạn có lòng bình thản. Ngay cả trẻ sơ sanh cũng hấp thụ được tính chất của bầu không khí gia đình, như vậy một gia đình đầy lòng tin, sự yêu thương, tính thiêng liêng và sự tin cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật là quí giá thay!

30. Cha mẹ có thể tự đặt những câu hỏi nào để nhận định xem họ có cung cấp một sự hướng dẫn tốt cho con cái họ không?

30 Hãy tự hỏi: Bạn mong mỏi con bạn làm theo những tiêu chuẩn nào? Chính cha mẹ có theo những tiêu chuẩn như thế không? Gia đình bạn xem trọng điều gì? Bạn làm gương thế nào cho con cái? Bạn có phàn nàn, chê trách, chỉ trích những người khác, có những ý nghĩ tiêu cực không? Bạn có muốn có con cái như thế không? Hoặc bạn có những tiêu chuẩn cao cho gia đình bạn, sống phù hợp với những tiêu chuẩn đó, và mong con cái bạn cũng theo những tiêu chuẩn như thế? Chúng có hiểu rằng nếu muốn sống trong gia đình chúng phải hội đủ một số điều kiện, có một hạnh kiểm xứng đáng có thể được chấp nhận, trong khi có những hành động và những thái độ nào khác không thể được chấp nhận? Các con trẻ muốn cảm thấy an toàn khi thuộc về ai, vậy bạn hãy để chúng cảm thấy bạn tán thành và chấp nhận chúng khi chúng theo đúng các tiêu chuẩn của gia đình. Người ta thường sống theo nếp sống mà những người chung quanh chờ đợi nơi họ. Nếu bạn có thành kiến là con bạn xấu, có lẽ nó sẽ ăn ở xấu để chứng tỏ bạn có lý. Hãy tỏ ra tin cậy nó ngoan, và khuyến khích nó tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy của bạn.

31. Điều gì phải luôn luôn đi đôi với sự khuyên bảo của cha mẹ?

31 Người ta bị xét đoán bằng những hành động của họ hơn là bằng lời nói. Các con trẻ cũng vậy, chúng ít chú tâm đến những lời nói hơn là những hành động và chúng thường rất chóng nhận ra bất cứ một sự giả dối nào. Nói nhiều làm rối trí đứa trẻ. Hãy cho chúng nó biết chắc rằng bạn nói sao thì làm vậy (I Giăng 3:18).

32. Ta phải luôn luôn tuân theo lời khuyên bảo của ai?

32 Dù là cha hay là mẹ, vai trò của bạn là một sự thách đố khó khăn. Nhưng bạn có thể vượt qua thách đố đó một cách mỹ mãn bằng cách vâng theo lời khuyên bảo của Đấng Ban sự sống. Hãy tận tụy làm tròn vai trò đã được chỉ định cho bạn, tựa hồ như làm cho Ngài (Cô-lô-se 3:17). Hãy tránh những hành động quá trớn, nên giữ thăng bằng và “hãy cho mọi người (kể cả con cái của bạn) đều biết nết nhu-mì” của bạn (Phi-líp 4:5).

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 100]

Cái nhìn, cái vuốt ve và giọng nói của người mẹ nói cho đứa bé biết: “Mẹ yêu con!”

[Hình nơi trang 104]

Bạn có sắp đặt để sinh hoạt chung với các con bạn không?