Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHẦN 2

Những đề nghị để có đời sống thỏa nguyện

Những đề nghị để có đời sống thỏa nguyện

KHI đứng trước một vấn đề, bạn tìm lời khuyên ở đâu? Bạn có thể đến với một người bạn tín cẩn hoặc một cố vấn có kinh nghiệm. Tra cứu các nguồn tài liệu về vấn đề đó, chẳng hạn như tại một thư viện, có thể giúp bạn. Hoặc bạn có thể tìm đến “Túi khôn của người xưa” như một số người Á Đông thường gọi, để học hỏi kinh nghiệm. Dù thích phương cách nào, bạn cũng nên xem xét những lời khôn ngoan ngắn gọn đưa ra lời khuyên giá trị giúp cách giải quyết vấn đề. Sau đây là một số thí dụ về lời khuyên hợp lý mà bạn sẽ thấy hữu ích.

“Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo”

2Đời sống gia đình: Nhiều cha mẹ lo lắng về việc nuôi dạy con cái trong một thế gian đầy ảnh hưởng không lành mạnh. Lời khuyên sau đây có thể giúp họ: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”.  1 Khi lớn lên, con cái cần “con đường”, tức là những tiêu chuẩn phải tuân theo. Ngày càng nhiều chuyên gia nhận thức tầm quan trọng của việc đưa ra những phép tắc có lợi cho con cái. Tiêu chuẩn khôn ngoan của cha mẹ đem lại cho con cái một cảm giác an toàn. Thêm vào đó: “Roi-vọt và sự quở-trách ban cho sự khôn-ngoan; còn con trẻ phóng-túng làm mất-cỡ cho mẹ mình”.  2 “Roi-vọt” ngụ ý nói đến quyền hành của cha mẹ phải được áp dụng yêu thương để con cái không bị lầm đường lạc lối. Con cái không hề bị ngược đãi khi cha mẹ sử dụng quyền như thế. Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là: “Chớ hề chọc giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng”.  3

“Mỗi người... phải yêu vợ mình như mình”

3 Mối quan hệ tốt lành giữa vợ chồng là căn bản cho hạnh phúc gia đình. Điều gì là cần thiết cho mối quan hệ như thế? “Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng”.  4 Tình yêu thương và lòng tôn trọng có tác dụng như dầu trong guồng máy gia đình. Muốn lời khuyên này được hiệu nghiệm, sự trò chuyện giao tiếp là thiết yếu bởi vì “thiếu thảo luận, kế hoạch thất bại”.  5 Để nói chuyện tâm tình, chúng ta nên tìm hiểu nhằm thấu rõ cảm nghĩ của người hôn phối, gợi xem người ấy thật sự cảm thấy thế nào. Hãy khôn ngoan nhớ rằng “mưu-kế trong lòng người ta như nước sâu; người thông-sáng sẽ múc lấy tại đó”.  6

Có cái nhìn tích cực, và chủ động xây đắp mối quan hệ nồng ấm

4 Nhiều người già cảm thấy rất cô đơn trong tuổi về chiều, không được con cháu thăm viếng, ngay cả trong những nước trước kia xem trọng chữ hiếu. Nhưng con cái nên ngẫm nghĩ đến những lời khôn ngoan này: “Hãy thảo-kính cha mẹ”.  7 “Chớ khinh-bỉ mẹ con khi người trở nên già-yếu”.  8 “Kẻ hãm-hại cha mình, và xô-đuổi mẹ mình, là một con trai gây hổ-ngươi và chiêu sỉ-nhục”.  9 Mặt khác, cha mẹ già cần có cái nhìn tích cực và chủ động xây đắp mối quan hệ nồng ấm. “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật”.  10

5Dùng rượu: Đành rằng “rượu khiến cho đời vui”,  11 và uống rượu có thể giúp người ta “chẳng nhớ đến điều cực-nhọc của mình nữa”,  12 nhưng hãy nhớ rằng “rượu khiến người ta nhạo-báng, đồ uống say làm cho hỗn-hào; phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn-ngoan”.  13 Hãy nghĩ đến hậu quả của việc uống quá độ: “Rốt lại, [rượu] cắn như rắn, chích như rắn lục; hai mắt con sẽ nhìn người dâm-phụ, và lòng con sẽ nói điều gian-tà... ‘Khi tôi tỉnh dậy, tôi sẽ trở lại tìm uống nó nữa’ ”.  14 Dùng rượu điều độ có thể hữu ích, nhưng phải luôn luôn tránh lạm dụng.

6Quản lý tiền bạc: Trong một số trường hợp, chúng ta có thể tránh vấn đề tiền bạc bằng cách khôn ngoan quản lý tài chính. Hãy nghe lời khuyên này: “Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu, hoặc với những kẻ láu ăn; vì bợm rượu và kẻ láu ăn sẽ trở nên nghèo; còn kẻ ham ngủ sẽ mặc rách-rưới”.  15 Tránh lạm dụng rượu và ma túy cũng như những thói quen như cờ bạc, chúng ta có thể dùng tiền để chu cấp cho gia đình một cách lành mạnh. Nhưng nhiều người tiêu xài quá mức nên họ phải làm cực nhọc chỉ để trả nợ. Một số thậm chí còn mượn thêm nợ để trả tiền lời cho một món nợ khác. Nhớ những lời khôn ngoan sau đây sẽ giúp họ: “Kẻ chạy theo chuyện phù phiếm sẽ phải chịu bần cùng”.  16 Chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi có thật sự cần những thứ mà tôi muốn mua không? Bao nhiêu thứ bị xếp vào tủ sau khi chỉ được dùng vài lần?’ Một nhà báo viết: “Cái cần thì ít—cái muốn thì nhiều vô số”. Hãy lưu ý đến những lời khôn ngoan này: “Chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng... Sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà... chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”.  17

7 Tính siêng năng rất hữu hiệu trong việc giải quyết vấn đề tiền bạc. “Hỡi kẻ biếng-nhác, hãy đi đến loài kiến; khá xem-xét cách ăn-ở nó mà học khôn-ngoan... Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm một chút..., thì sự nghèo-khổ của ngươi sẽ đến như kẻ đi rảo”.  18 Tính kỹ và lập ngân sách thực tiễn cũng giúp ích: “Trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí-tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao?”  19

“Con có thấy người nào siêng-năng trong công-việc mình chăng?”

8 Nhưng nếu chúng ta ở trong cảnh nghèo mà không phải lỗi tại mình thì sao? Thí dụ, vì kinh tế thay đổi đột ngột, chúng ta có thể bị thất nghiệp mặc dù sẵn sàng làm việc siêng năng. Hoặc chúng ta có thể ở trong một nước mà phần nhiều người sống dưới mức tối thiểu. Nếu thế thì sao? “Sự khôn-ngoan che thân cũng như tiền-bạc che thân vậy; nhưng sự khôn-ngoan thắng hơn, vì nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó”.  20 Hơn nữa, hãy xem xét lời khuyên này: “Con có thấy người nào siêng-năng trong công-việc mình chăng? Người ấy hẳn sẽ đứng ở trước mặt các vua”.  21 Chúng ta có thể học những kỹ năng để giúp mình tìm được việc làm không?

“Hãy cho, người sẽ cho mình”

9 Lời khuyên sau đây nghe có lẽ mâu thuẫn, nhưng thật sự hữu hiệu: “Hãy cho, người sẽ cho mình... vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy”.  22 Điều này không có nghĩa là cho để mong được cho lại. Thay vì thế, lời này khuyên vun trồng tinh thần rộng rãi: “Lòng rộng-rãi sẽ được no-nê; còn ai nhuần-gội, chính người sẽ được nhuần-gội”.  23 Bằng cách chia sẻ vật chất trong lúc thiếu thốn, chúng ta khuyến khích tinh thần ban cho mà cuối cùng có thể có lợi cho mình.

10Mối quan hệ với người khác: Một vị vua khôn ngoan đã nhận xét: “Ta cũng thấy mọi công-lao và mọi nghề khéo là điều gây cho người nầy kẻ khác ganh-ghét nhau. Điều đó cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi”.  24 Ganh đua khiến nhiều người hành động thiếu khôn ngoan. Chẳng hạn như một người thấy người hàng xóm mua một máy truyền hình 32-inch, thì lại chạy đi mua một máy 36-inch, mặc dù máy 27-inch của mình còn tốt. Ganh đua như thế quả là hư không, như chạy theo gió—chạy loanh quanh mà chẳng được gì cả. Bạn chẳng đồng ý sao?

Chúng ta có thể đối phó với cảm xúc mãnh liệt của cơn giận như thế nào?

11 Chúng ta có thể bị phật lòng bởi điều người khác nói với mình. Nhưng hãy suy nghĩ về lời khuyên này: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội”.  25 Có những trường hợp giận có thể là đúng. Một người xưa viết Kinh Thánh đã thừa nhận: “Anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn”.  26 Nhưng làm sao chúng ta có thể đối phó với cảm xúc mãnh liệt của cơn giận? “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận; và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm”.  27 Cần có sự khôn ngoan, sáng suốt. Chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tại sao người ấy hành động như thế? Có lý do gì để châm chế không?’ Ngoài sự thấu hiểu, chúng ta có thể vun trồng những đức tính khác để đối phó với cơn giận. “Hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau... Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”.  28 Đúng vậy, tình yêu thương giải quyết nhiều vấn đề trong mối quan hệ với người khác.

12 Nhưng có một “quan-thể nhỏ” cản trở việc duy trì quan hệ hòa thuận với người khác—cái lưỡi. Những lời này thật đúng biết bao: “Cái lưỡi, không ai trị-phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm-dẹp được: đầy-dẫy những chất độc giết chết”.  29 Và lời khuyên này thật đáng chú ý: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận”.  30 Tuy nhiên, khi dùng lưỡi, chúng ta cần cẩn thận không nói những điều nửa thật nửa giả nhằm giữ hòa khí giả tạo. “Song ngươi phải nói rằng: phải, [] phải; không, [] không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỉ dữ mà ra”.  31

13 Làm sao chúng ta giữ mối quan hệ lành mạnh với người khác? Hãy lưu ý đến nguyên tắc hướng dẫn này: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”.  32 Làm thế chúng ta sẽ sống đúng theo quy tắc mà nhiều người gọi là Luật Vàng: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”.  33

14Sự căng thẳng: Chúng ta có thể giữ sự thăng bằng tình cảm như thế nào trong thế gian đầy căng thẳng này? “Lòng khoái-lạc làm cho mặt mày vui-vẻ; nhưng tại lòng buồn-bã trí bèn bị nao-sờn”.  34 Chúng ta có thể dễ mất “lòng khoái-lạc” khi thấy người khác lờ đi những gì có vẻ đúng theo mắt chúng ta. Nhưng chúng ta nên nhớ những lời này: “Chớ công-bình quá, cũng đừng làm ra mình khôn-ngoan quá, cớ sao làm thiệt-hại cho mình?”  35 Mặt khác, chúng ta có thể cứ mãi lo âu về đời sống. Nếu thế thì mình nên làm gì? Chúng ta hãy nhớ: “Sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn; nhưng một lời lành khiến lòng vui-vẻ”.  36 Chúng ta có thể suy nghĩ về “lời lành”, lời tử tế khích lệ mình. Có thái độ tích cực dù gặp hoàn cảnh khốn khổ có thể mang lại hiệu quả tốt lành: “Lòng vui-mừng vốn một phương thuốc hay”.  37 Khi cảm thấy buồn nản vì những người khác dường như không chú ý đến mình, chúng ta có thể tập thử công thức này: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.  38 Bằng cách có thái độ tích cực, chúng ta có thể đương đầu với sự căng thẳng mình gặp mỗi ngày.

15 Bạn nghĩ những lời khôn ngoan đề cập ở trên có thể hữu dụng cho bạn trong thế kỷ 21 này không? Sự thật là những lời đó tìm được trong một cuốn sách xưa—Kinh Thánh. Nhưng tại sao hướng đến Kinh Thánh thay vì những nguồn khôn ngoan khác? Bởi vì ngoài những lý do khác, những nguyên tắc có giá trị trong Kinh Thánh được thời gian thử nghiệm. Thí dụ, hãy xem trường hợp của Yasuhiro và Kayoko, hai người đã tham gia phong trào giải phóng phụ nữ. Họ kết hôn chỉ vì Kayoko đã mang thai với Yasuhiro. Tuy nhiên, vì vấn đề tài chính và tính không tương hợp, chẳng bao lâu sau họ ly dị. Sau đó, cả hai đều không biết là người kia đã bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Mỗi người đều nhận thấy người kia có những thay đổi đáng kể trong đời sống. Yasuhiro và Kayoko quyết định kết hôn lại. Dù đời sống họ vẫn có vấn đề, nhưng giờ đây họ sống theo nguyên tắc Kinh Thánh, và cả hai đều nhân nhượng nhau nhằm giải quyết vấn đề. Trong vòng các Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn sẽ thấy kết quả tốt của việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống. Chúng tôi khuyến khích bạn đến dự một phiên họp của họ để biết những người cố gắng sống theo Kinh Thánh.

16 Những lời khuyên được trích dẫn ở trên chỉ là vài thí dụ về nguồn khôn ngoan thực tiễn vô cùng tận mà bạn có thể tìm được trong Kinh Thánh, một nguồn soi sáng dồi dào. Có những lý do tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn lòng áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống họ. Mời bạn tìm hiểu những lý do đó và học một số sự thật căn bản về Kinh Thánh.