Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHẦN 3

Cuốn sách hướng dẫn đáng tin cậy

Cuốn sách hướng dẫn đáng tin cậy

“KINH THÁNH là kết tinh của nền văn minh nhân loại cùng những kinh nghiệm sống đồng thời là sách độc nhất vô nhị”, lời này đăng trong một tạp chí do Đại Học Chung Shang ở Quảng Châu, Trung Hoa, xuất bản. Immanuel Kant, một triết gia có thế lực vào thế kỷ 18, được trích dẫn đã nói: “Sự hiện hữu của Kinh Thánh, một sách cho muôn dân, là lợi ích lớn nhất mà loài người từng có. Bất cứ mưu toan nào nhằm làm giảm giá trị Kinh Thánh... là một tội phản nhân loại”. Cuốn The Encyclopedia Americana nói: “Chắc chắn Kinh Thánh không chỉ có ảnh hưởng đối với người Do Thái và tín đồ Đấng Christ... Sách này ngày nay được xem là kho tàng đạo đức và tôn giáo mà sự dạy dỗ vô tận trong đó còn có giá trị hơn nữa khi người ta có thêm hy vọng về một nền văn minh thế giới”.

2 Dù theo đạo nào, chẳng lẽ bạn không muốn biết điều gì về một sách như thế hay sao? Đến cuối thế kỷ 20, Kinh Thánh trọn bộ hay từng phần đã được dịch ra hơn 2.200 thứ tiếng. Đa số người ta có thể tìm được một bản trong ngôn ngữ mà họ có thể đọc và hiểu được. Từ lúc phát minh ra máy in sắp chữ, có khoảng bốn tỷ cuốn Kinh Thánh được lưu hành khắp thế giới.

3 Bây giờ, nếu có Kinh Thánh xin bạn hãy mở ra và xem bảng mục lục. Bạn sẽ thấy tên những sách, bắt đầu là Sáng-thế Ký và cuối cùng với Khải-huyền. Kinh Thánh thật ra là thư viện gồm 66 sách do khoảng 40 người khác nhau viết. Phần đầu, gồm có 39 cuốn được nhiều người gọi là Cựu Ước, gọi đúng là Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, bởi vì phần lớn được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Phần thứ hai, gồm 27 cuốn được nhiều người gọi là Tân Ước, gọi đúng là Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp, vì được tín đồ Đấng Christ viết bằng tiếng Hy Lạp. Trọn Kinh Thánh được viết xong trong khoảng thời gian hơn 1.600 năm, từ năm 1513 TCN đến 98 CN. Những người viết chưa từng trao đổi ý kiến với nhau, và một số sách được viết cùng lúc nhưng ở những nơi cách nhau hàng ngàn dặm. Tuy nhiên, Kinh Thánh có một chủ đề duy nhất và toàn bộ hợp nhất, không mâu thuẫn. Tất nhiên chúng ta tự hỏi: ‘Làm sao mà hơn 40 người sống trong khoảng thời gian 16 thế kỷ lại soạn được một cuốn sách có nội dung hòa hợp đến thế?’

“Chúa trải bắc cực ra trên vùng trống, treo trái đất trong khoảng không-không”

4 Mặc dù Kinh Thánh được viết xong cách đây hơn 1.900 năm, nội dung nó gợi sự chú ý của nhiều người thời nay. Thí dụ, hãy mở Kinh Thánh của bạn đến sách Gióp 26:7. Hãy nhớ rằng câu này được viết vào thế kỷ 15 TCN: “Chúa trải bắc cực ra trên vùng trống, treo trái đất trong khoảng không-không”. (Chúng tôi viết nghiêng). Rồi bạn hãy lật đến Ê-sai 40:22, lưu ý rằng sách Ê-sai được viết vào thế kỷ thứ tám TCN. Câu này nói: “Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất nầy, các dân-cư trên đất như cào cào vậy. Chính Ngài là Đấng giương các từng trời ra như cái màn, và giương ra như trại để ở”. Hình ảnh nào hiện ra trong trí bạn khi đọc hai lời miêu tả này? Một vật hình cầu “treo” lơ lửng trong không gian. Chắc hẳn bạn đã thấy một hình ảnh như thế được chụp từ phi thuyền không gian. Có lẽ bạn tự hỏi: ‘Làm sao những người sống từ xa xưa có thể tuyên bố những lời đúng với khoa học đến thế?’

5 Chúng ta hãy xem xét một câu hỏi khác liên quan đến Kinh Thánh. Kinh Thánh có đúng với lịch sử không? Một số người nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ là truyền thuyết, không có căn bản lịch sử. Thí dụ, hãy nói đến vị vua nổi tiếng của Y-sơ-ra-ên là Đa-vít. Cho đến những năm gần đây, chỉ có Kinh Thánh nói đến Vị Vua này. Mặc dù các sử gia chính cho ông là nhân vật có thật, một số người hay hoài nghi cố cho ông là một nhân vật huyền thoại do những người tuyên truyền Do Thái đặt ra. Nhưng sự thật cho thấy gì?

Hàng chữ khắc nói về “Nhà Đa-vít”

6 Vào năm 1993, một hàng chữ khắc nói đến “Nhà Đa-vít” được tìm thấy giữa các tàn tích của thành Đan cổ xưa ở Y-sơ-ra-ên. Hàng chữ khắc này là phần mảnh vỡ của một bia đá có từ thế kỷ thứ chín TCN do kẻ thù khắc để kỷ niệm một chiến thắng trên dân Y-sơ-ra-ên. Bất ngờ lại có một tài liệu xưa nhắc đến Đa-vít ngoài những trang Kinh Thánh! Điều này có quan trọng không? Về phát hiện này, ông Israel Finkelstein tại Đại Học Tel Aviv nhận xét: “Thuyết cho Kinh Thánh là hư vô đã bất ngờ sụp đổ khi người ta khám phá ra hàng chữ khắc về Đa-vít”. Điều đáng chú ý là Giáo Sư William F. Albright, một nhà khảo cổ học bỏ ra nhiều thập niên khai quật vùng Palestine, có lần đã nói: “Hết khám phá này đến khám phá nọ đã xác minh sự chính xác của vô số chi tiết, và đã khiến người ta ngày càng công nhận giá trị của Kinh Thánh là một nguồn lịch sử”. Lần nữa chúng ta có thể hỏi: ‘Không giống như những sử thi và truyền thuyết, làm sao mà quyển sách xưa này lại chính xác về lịch sử đến thế?’ Nhưng chưa hết.

Đồng tiền khắc hình A-léc-xan-đơ Đại Đế

7 Kinh Thánh cũng là một sách tiên tri. (2 Phi-e-rơ 1:20, 21) Chữ “tiên tri” có thể khiến chúng ta nghĩ ngay đến những lời không hiệu nghiệm của những người tự xưng là tiên tri. Nhưng hãy bỏ qua mọi định kiến, và mở Kinh Thánh đến Đa-ni-ên chương 8. Nơi đây Đa-ni-ên miêu tả một sự hiện thấy về con chiên đực có hai sừng húc con dê xờm đực có “cái sừng mọc rõ ra”. Con dê đực thắng, nhưng cái sừng lớn bị gãy. Rồi ở chỗ đó có bốn sừng mọc lên. Sự hiện thấy đó có nghĩa gì? Lời tường thuật của Đa-ni-ên nói tiếp: “Con chiên đực mà ngươi đã thấy, có hai sừng, đó là các vua nước Mê-đi và Phe-rơ-sơ. Con dê xờm đực, tức là vua nước Gờ-réc; và cái sừng lớn ở giữa hai con mắt, tức là vua đầu nhứt. Về sừng đã gãy đi, có bốn sừng mọc lên trong chỗ nó: tức là bốn nước bởi dân-tộc đó dấy lên, song quyền-thế không bằng sừng ấy”.—Đa-ni-ên 8:3-22.

“Hết khám phá này đến khám phá nọ đã xác minh sự chính xác của vô số chi tiết, và đã khiến người ta ngày càng công nhận giá trị của Kinh Thánh là một nguồn lịch sử”.—Giáo Sư William F. Albright

8 Lời tiên tri này có được ứng nghiệm không? Sách Đa-ni-ên được viết xong vào khoảng 536 TCN. A-léc-xan-đơ Đại Đế của Macedonia ra đời 180 năm sau đó, vào năm 356 TCN, ông chinh phục Đế Quốc Phe-rơ-sơ (Ba Tư). Ông là “cái sừng lớn” giữa hai con mắt của “con dê xờm đực”. Theo sử gia Do Thái Josephus, khi A-léc-xan-đơ vào thành Giê-ru-sa-lem trước khi chiến thắng Ba Tư, người ta cho ông xem sách Đa-ni-ên. Ông kết luận rằng lời tiên tri Đa-ni-ên mà người ta chỉ cho ông xem nói về chính chiến dịch quân sự của ông liên hệ đến Ba Tư. Hơn nữa, trong sách giáo khoa về lịch sử thế giới, bạn có thể đọc về diễn biến trong đế quốc của A-léc-xan-đơ sau khi ông băng hà năm 323 TCN. Bốn vị tướng cuối cùng nắm quyền cai trị đế quốc ông, và đến năm 301 TCN, “bốn sừng” nổi lên thay “cái sừng lớn”, chia lãnh thổ thành bốn phần. Lần nữa, chúng ta có mọi lý do để tự hỏi: ‘Làm sao mà một sách báo trước một cách sống động và chính xác những gì sẽ xảy ra khoảng 200 năm sau?’

9 Chính Kinh Thánh trả lời những câu hỏi trên: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích”. (2 Ti-mô-thê 3:16) Chữ Hy Lạp được dịch ra “bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” có nghĩa đen là “được Đức Chúa Trời hà hơi”. Đức Chúa Trời “hà” vào trí của khoảng 40 người những điều Ngài muốn thông tin mà ngày nay chúng ta đọc thấy trong những sách của Kinh Thánh. Một ít thí dụ trên về khoa học, lịch sử và tiên tri mà chúng ta xem xét rõ ràng đưa đến một kết luận duy nhất: Kinh Thánh, cuốn sách độc nhất vô nhị, không phải là sản phẩm của sự khôn ngoan loài người nhưng xuất xứ từ Đức Chúa Trời. Nhưng nhiều người ngày nay nghi ngờ về sự hiện hữu của Tác Giả Kinh Thánh—Đức Chúa Trời. Còn bạn thì sao?