Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHẦN 8

Phục hồi đời sống thỏa nguyện

Phục hồi đời sống thỏa nguyện

MẶC DÙ loài người rơi vào một lối sống hư không vì đã chống lại sự cai trị của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không để mặc họ tuyệt vọng. Kinh Thánh giải thích: “Muôn vật đã bị bắt phục sự hư-không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Đấng bắt phục. Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 8:20, 21) Đúng vậy, Đức Chúa Trời ban hy vọng cho con cháu cặp vợ chồng đầu tiên. Đó là hy vọng chắc chắn, loài người sẽ được thoát khỏi tội lỗi và sự chết di truyền. Họ có thể phục hồi mối quan hệ khắng khít với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Bằng cách nào?

Đức Chúa Trời ban hy vọng cho nhân loại để họ có thể thoát khỏi vòng nô lệ cho tội lỗi và sự chết

2 Khi A-đam và Ê-va phạm tội, họ lấy đi triển vọng của con cháu là được sống đời thỏa nguyện mãi mãi trên đất. Để tự do quyết định điều thiện và điều ác cho chính mình, họ bán gia đình tương lai của mình vào vòng nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Sinh ra trong gia đình đó, con cháu họ có thể được ví như những nô lệ bị đày trên một hòn đảo xa xôi bị những kẻ tàn ác cai trị. Quả thật, nhân loại bị sự chết cai trị, đồng thời cũng làm nô lệ cho tội lỗi. (Rô-ma 5:14, 21) Dường như không ai sẽ giải cứu họ. Chính tổ phụ họ đã bán họ vào vòng nô lệ! Nhưng một người nhân đức sai con mình đem đủ cái giá phải trả để chuộc lấy tự do cho mọi người ở trong sự giam cầm.—Thi-thiên 51:5; 146:4; Rô-ma 8:2.

3 Trong minh họa này, người cứu những nô lệ tượng trưng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Người con trai đem giá phải trả cho sự tự do là Chúa Giê-su Christ. Ngài đã hiện hữu trước khi xuống thế làm người, trong vai trò Con độc sanh của Đức Chúa Trời. (Giăng 3:16) Ngài là đấng Đức Giê-hô-va sáng tạo đầu tiên, và mọi tạo vật khác trong vũ trụ nhờ ngài mà được dựng nên. (Cô-lô-se 1:15, 16) Đức Giê-hô-va dùng phép mầu chuyển sự sống của người Con thần linh này vào lòng một nữ đồng trinh, để em bé có thể được sinh ra là người hoàn toàn, cái giá cần thiết để đáp ứng các đòi hỏi về công lý của Đức Chúa Trời.—Lu-ca 1:26-31, 34, 35.

4 Khoảng 30 tuổi, Chúa Giê-su làm báp têm ở Sông Giô-đanh. Lúc báp têm, ngài được xức dầu bằng thánh linh, hoặc sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời. Vì vậy, ngài trở thành Đấng Christ, có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. (Lu-ca 3:21, 22) Thánh chức trên đất của Chúa Giê-su kéo dài ba năm rưỡi. Trong những năm đó, ngài dạy môn đồ về “nước Đức Chúa Trời”, chính phủ trên trời mà dưới sự cai trị của nước đó loài người sẽ trở lại mối quan hệ hòa thuận với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Lu-ca 4:43; Ma-thi-ơ 4:17) Chúa Giê-su biết cách giúp loài người có đời sống hạnh phúc, và ngài cho môn đồ những hướng dẫn rõ rệt về hạnh phúc. Mời bạn mở Kinh Thánh sách Ma-thi-ơ từ chương 5 đến 7, và đọc một số điều ngài dạy trong Bài Giảng trên Núi.

Chẳng lẽ bạn không biết ơn sâu đậm đối với người đã giải thoát bạn khỏi vòng nô lệ sao?

5 Khác với A-đam, Chúa Giê-su vâng phục Đức Chúa Trời về mọi phương diện. “Ngài chưa hề phạm tội”. (1 Phi-e-rơ 2:22; Hê-bơ-rơ 7:26) Thật vậy, ngài có quyền sống mãi trên đất, nhưng ngài “phó sự sống mình” để trả cho Đức Chúa Trời điều A-đam đánh mất. Trên cây khổ hình, Chúa Giê-su hy sinh sự sống làm người hoàn toàn của mình. (Giăng 10:17; 19:17, 18, 28-30; Rô-ma 5:19, 21; Phi-líp 2:8) Làm thế, Chúa Giê-su cung cấp giá chuộc, nghĩa là trả cái giá cần thiết để chuộc loài người khỏi vòng nô lệ cho tội lỗi và sự chết. (Ma-thi-ơ 20:28) Hãy nghĩ đến thí dụ chính bạn lao động trong một xưởng bóc lột nhân công, sống cuộc đời như nô lệ. Chẳng lẽ bạn không cảm thấy biết ơn sâu xa người nào đó đã thu xếp để giải thoát bạn ra khỏi vòng nô lệ và biết ơn người đã tình nguyện hy sinh sự sống mình cho bạn được sống hay sao? Qua sự sắp đặt về giá chuộc, có một lối mở ra cho bạn trở về với đại gia đình của Đức Chúa Trời và có đời sống thỏa nguyện, không còn nô lệ cho tội lỗi và sự chết.—2 Cô-rinh-tô 5:14, 15.

6 Nhận biết và tri ân lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va cho bạn thêm lý do để áp dụng những lời khôn ngoan trong Kinh Thánh vào đời sống mình. Thí dụ, hãy xem một trong những nguyên tắc khó áp dụng nhất—tha thứ người khác khi họ xúc phạm đến bạn. Bạn có nhớ những lời nơi Cô-lô-se chương 3, câu 12 đến 14 mà chúng ta đã xem xét trong Bài 2 không? Những câu đó khuyến khích chúng ta tha thứ người khác cho dù mình có cớ than phiền về họ. Văn mạch ở đó giải thích tại sao: “Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy”. Một khi bạn biết ơn sâu đậm những điều Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho nhân loại, bạn sẽ tha thứ người khác về những lỗi bạn nghĩ họ đã phạm, nhất là nếu họ ăn năn và xin lỗi.