Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHẦN 6

Tại sao Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta?

Tại sao Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta?

Vua Sa-lô-môn xem xét câu hỏi liên quan đến ý nghĩa đời sống

TÌM HIỂU Đức Giê-hô-va có nghĩa gì đối với bạn? Ngoài những điều khác, nó còn có nghĩa là tìm được giải đáp cho một câu hỏi làm bối rối hàng tỷ người: ‘Tại sao tôi hiện hữu?’ Chắc bạn đã từng tự hỏi câu đó. Một vị vua khôn ngoan giàu sang “trổi hơn các vua trên đất” vào thời ông đã xem xét câu hỏi đó vì có liên quan đến ý nghĩa đời sống. (2 Sử-ký 9:22; Truyền-đạo 2:1-13) Vị vua này là Sa-lô-môn quyền uy, giàu sang dư dật và khôn ngoan không ai sánh bằng. Kết quả của việc khảo sát của ông là gì? “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết này: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”. (Truyền-đạo 12:13) Vì Sa-lô-môn giàu kinh nghiệm hơn bao người khác, nên ít ra điều ông kết luận cũng đáng cho chúng ta suy xét.—Truyền-đạo 2:12.

2 Sự kính sợ Đức Chúa Trời mà Sa-lô-môn nhắc đến không phải là sự khiếp đảm một thần linh mình không biết. Trái lại, đó là một sự kính sợ lành mạnh, không muốn làm phật lòng một người mình yêu mến. Nếu yêu thương sâu đậm một người, chắc chắn bạn luôn muốn làm đẹp lòng và tránh làm bất cứ điều gì có thể làm mất lòng người đó. Khi kính yêu Đức Giê-hô-va, bạn sẽ cảm thấy y như thế đối với Ngài.

3 Bằng cách đọc Kinh Thánh, bạn có thể biết về những điều Đấng Tạo Hóa thích và không thích cũng như về ý định Ngài khi tạo dựng trái đất. Mô tả Đức Giê-hô-va là Đấng “đã tạo-thành đất và làm ra nó”, Kinh Thánh cũng gọi Ngài là Đấng “đã lập nó cho bền-vững, chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở”. (Ê-sai 45:18) Đức Giê-hô-va chuẩn bị trái đất để loài người ở, nên họ phải chăm sóc đất và mọi vật trên đất. (Sáng-thế Ký 1:28) Nhưng phải chăng Đức Giê-hô-va đã tạo loài người với mục đích duy nhất là để chăm sóc đất?

A-đam và Ê-va đã có mối quan hệ đầy ý nghĩa với Đức Chúa Trời

4 Không, Ngài có một ý định cao cả hơn. Người đàn ông đầu tiên là A-đam, có mối quan hệ đầy ý nghĩa với Đức Giê-hô-va. A-đam có thể liên lạc trực tiếp với Đấng Tạo Hóa. Ông có thể nghe những gì Đức Chúa Trời phán dặn cũng như bày tỏ với Đức Giê-hô-va những gì ông nghĩ. (Sáng-thế Ký 1:28-30; 3:8-13, 16-19; Công-vụ 17:26-28) Vì vậy, A-đam và vợ ông là Ê-va đã có cơ hội tuyệt vời để biết Đức Giê-hô-va rõ hơn và phát triển mối quan hệ sâu đậm hơn với Ngài. Biết Đức Giê-hô-va và noi gương Ngài sẽ làm đời sống họ thỏa nguyện, vì Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”. (1 Ti-mô-thê 1:11) Là Đức Chúa Trời “ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng”, Đức Giê-hô-va đặt người đầu tiên trong một địa đàng gọi là vườn Ê-đen, với triển vọng sống mãi mãi.—1 Ti-mô-thê 6:17; Sáng-thế Ký 2:8, 9, 16, 17.

Những phát hiện gần đây về tế bào con người cho thấy gì?

5 Mãi mãi ư? Bạn có thể gạt bỏ ý tưởng sống mãi, cho đó là vô lý, nhưng có vô lý không? Các khoa học gia tin rằng bây giờ họ đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến tế bào lão hóa. Các phần nhỏ của vật liệu di truyền gọi là telomere, tức là điểm cuối nhiễm sắc thể, trở nên ngắn dần mỗi lần tế bào phân chia. Sau 50 đến 100 kỳ phân bào, các điểm cuối nhiễm sắc thể mòn đi, và hầu hết các tế bào ngưng phân chia. Tuy nhiên, những phát hiện khoa học gần đây cho thấy rằng với sự trợ giúp của một enzym gọi là telomerase, tế bào con người có thể tiếp tục phân chia vô hạn định. Mặc dù sự phát hiện này không có nghĩa là Đức Giê-hô-va làm người ta có khả năng sống mãi nhờ enzym đặc biệt này, nhưng nó cho thấy một điều: Đó là ý tưởng sống bất tận không phải là vô lý.

6 Đúng vậy, sự tường thuật của Kinh Thánh nói rằng cặp vợ chồng đầu tiên được dựng nên để sống mãi là điều có thể tin được. Loài người lẽ ra phải mãi mãi có mối quan hệ ngày càng gắn bó với Đức Giê-hô-va. Họ phải xây đắp mối quan hệ vững chắc với Cha trên trời, biết rõ và làm trọn ý định Ngài đối với loài người trên đất. Đời sống họ không phải vất vả cực nhọc. A-đam và Ê-va có triển vọng tuyệt diệu là sinh ra con cháu hoàn toàn, hạnh phúc, đầy dẫy trái đất. Họ có công việc mãn nguyện, đầy ý nghĩa để làm mãi mãi. Đời sống như thế quả là thỏa nguyện!—Sáng-thế Ký 1:28.