Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHẦN 1

Đời sống thỏa nguyện—Chỉ là điều mơ tưởng chăng?

Đời sống thỏa nguyện—Chỉ là điều mơ tưởng chăng?

TRONG một nước phát triển, một căn nhà được trang bị đủ mọi tiện nghi của đời sống có thể cho thấy sự giàu có của chủ nhà. Tuy nhiên, khi bước vào cửa, bạn có thể thấy gì? Một bầu không khí ngột ngạt, thiếu hạnh phúc. Con cái vị thành niên trả lời cộc lốc với cha mẹ “Có” hoặc “Không”. Người vợ mong mỏi ông chồng chú ý đến mình. Còn người chồng chỉ muốn được yên thân. Vì sống riêng nơi khác, cha mẹ già của cặp vợ chồng này mong mỏi con cháu đến thăm sau nhiều tháng chưa gặp mặt. Mặt khác, có những gia đình cũng đương đầu với cùng căng thẳng đã giải quyết được vấn đề của họ và thật sự hạnh phúc. Bạn có tự hỏi tại sao không?

2 Hãy xem một gia đình trong một nước đang phát triển ở một phương trời khác. Cả gia đình bảy người sống trong một căn chòi xiêu vẹo. Họ không biết chắc khi nào mới được ăn bữa tới—một thảm cảnh nhắc chúng ta là con người không thể loại trừ sự đói nghèo trên thế giới. Thế nhưng có nhiều gia đình trên thế giới dù phải đối đầu với cảnh nghèo khó nhưng vẫn vui vẻ. Tại sao?

3 Ngay trong những nước giàu, khó khăn về tài chính vẫn có thể nảy sinh. Một gia đình ở Nhật mua nhà trong lúc kinh tế đang tăng vọt. Tin chắc được tăng lương trong tương lai, họ mượn nợ trả tiền nhà cao. Tuy nhiên, đến lúc kinh tế suy thoái, họ không thể trả nổi nữa đành phải bán nhà giá thấp hơn lúc mua rất nhiều. Dù không còn ở trong nhà đó nữa, nhưng gia đình vẫn phải trả cho đến khi dứt nợ. Rồi thêm vào gánh nặng đó, họ phải vật vã để trả những món nợ vì đã dùng thẻ tín dụng thiếu suy tính. Người cha đánh cá ngựa, và nợ nần càng thêm chồng chất. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã điều chỉnh để có được hạnh phúc. Bạn muốn biết họ làm như thế nào không?

4 Dù ở nơi nào, mối quan hệ với người khác có thể là nguồn sinh ra sự đau buồn triền miên, làm đời sống không thỏa nguyện. Ở sở bạn có thể bị nói xấu sau lưng. Thành quả của bạn có thể khiến người khác ganh tị và biến bạn thành nạn nhân của sự chỉ trích bất công. Hàng ngày phải tiếp xúc với một người có tính độc đoán có thể làm bạn bực tức. Con bạn đi học có thể bị bắt nạt, quấy nhiễu, hoặc không được ai chú ý đến. Nếu bạn là người cha hay mẹ đơn chiếc, bạn biết điều này không làm tình cảnh bạn khả quan hơn, khi nói về mối quan hệ của bạn với người khác. Ngày nay tất cả những vấn đề như thế làm đời sống nhiều người thêm căng thẳng.

5 Hậu quả của sự căng thẳng có thể âm thầm chồng chất ngày qua ngày cho đến lúc bùng nổ, không biết trước. Vì thế mà sự căng thẳng được gọi là tử thần thầm lặng, và chứng căng thẳng kinh niên gọi là sự đầu độc dần dần. Giáo Sư Robert L. Veninga của Trường Đại Học Minnesota nói: “Ngày nay, sự căng thẳng và những chứng bệnh do nó sinh ra ảnh hưởng đến những người làm việc ở hầu hết mọi nơi trên thế giới”. Người ta nói rằng mỗi năm kinh tế Hoa Kỳ chi ra 200 tỷ Mỹ kim cho những bệnh do sự căng thẳng gây ra. Sự căng thẳng thậm chí còn được gọi là hàng xuất khẩu mới nhất của Mỹ, và người ta có thể nghe nói đến chữ “căng thẳng” trong nhiều ngôn ngữ lớn trên thế giới. Khi bạn bị căng thẳng và không làm hết được những điều ghi trong thời khóa biểu, bạn có thể cảm thấy có lỗi. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho biết rằng một người trung bình mất hai tiếng mỗi ngày với mặc cảm tội lỗi. Tuy nhiên, một số người đã đương đầu được với sự căng thẳng và thành công trong đời sống.

6 Làm sao bạn có thể đương đầu với những vấn đề như thế hàng ngày và có một đời sống thỏa nguyện? Một số người tìm xem những sách cẩm nang do các nhà chuyên môn viết. Những sách như thế có đáng tin cậy không? Bác sĩ Benjamin Spock, tác giả cuốn sách về cách nuôi dạy con được dịch ra 42 thứ tiếng và được phát hành gần 50 triệu cuốn, có lần đã nói rằng “tính hay thay đổi, không kiên định là... vấn đề thông thường nhất của các bậc cha mẹ ở Mỹ ngày nay”. Ông nói tiếp là những nhà chuyên môn, kể cả chính ông, phần lớn chịu trách nhiệm. Ông thú nhận: “Chúng tôi không nhận biết, cho đến khi quá trễ, là thái độ của chúng tôi tự cho mình biết hết mọi sự đã làm suy yếu lòng tự tin của các bậc cha mẹ”. Vậy thì chúng ta có thể hỏi: ‘Chúng ta có thể tin theo lời khuyên của ai để có đời sống thỏa nguyện bây giờ và trong tương lai?’