Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHẦN 4

Tác giả cuốn sách độc nhất vô nhị

Tác giả cuốn sách độc nhất vô nhị

MẶC DÙ khoảng 96 phần trăm người Mỹ cho là họ tin nơi Đức Chúa Trời, nhưng ở Âu Châu và Á Châu có tỷ lệ thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, ngay cả trong những nước mà đa số cho là không tin vào một Thượng Đế có cá tính rõ rệt thì lại có khá nhiều người chấp nhận ý tưởng cho rằng một lực vô hình nào đó đã tạo nên vũ trụ vật chất. Một nhà giáo dục Nhật nổi tiếng là Yukichi Fukuzawa, có hình trên tờ 10.000 đồng yên, có lần đã viết: “Tục truyền rằng trời không tạo người này ở trên hay ở dưới người kia”. Bằng cách dùng chữ “trời”, ông Fukuzawa nói về một nguyên lý thiên nhiên mà ông nghĩ đã tạo nên loài người. Nhiều người chấp nhận ý tưởng về “trời” trừu tượng đó, và người được giải Nobel Kenichi Fukui cũng vậy. Ông bày tỏ niềm tin nơi một cơ cấu vĩ đại trong vũ trụ—tương đương với “Đức Chúa Trời” trong từ ngữ tôn giáo—nhưng lại gọi đó là “đặc thù của thiên nhiên”.

Hình trái: Yukichi Fukuzawa; hình phải: Kenichi Fukui

2 Những người trí thức đó tin rằng, có một cái gì hay một nhân vật vĩnh hằng nào đó đã khởi đầu mọi sự trong vũ trụ. Tại sao? Hãy xem xét điều này: Mặt trời là một thiên thể lớn đến độ có thể chứa một triệu trái đất, nhưng nó chỉ là một đốm nhỏ trong dải Ngân Hà. Tuy nhiên dải Ngân Hà chỉ là một trong hàng tỷ thiên hà trong vũ trụ. Những quan sát khoa học dường như cho thấy rằng các thiên hà đó tách rời nhau theo một tốc độ rất nhanh. Để khởi đầu vũ trụ, phải có một động lực to lớn. Ai hoặc cái gì là nguồn động lực đó? “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này?” Kinh Thánh hỏi. “Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao”. (Ê-sai 40:25, 26) Những câu này cho thấy rằng có một nhân vật đã khởi đầu vũ trụ này—Nguồn của “sức-mạnh” hay động lực đó.

Dải thiên hà Sombrero

3 Cũng hãy nghĩ đến sự sống trên đất. Có phải sự sống tự nhiên có, như những người tin thuyết tiến hóa nói không? Nhà hóa sinh Michael Behe phát biểu: “Khoa học tiến bộ rất nhiều trong sự hiểu biết về quá trình hóa học của sự sống, nhưng sự chính xác và phức tạp của những hệ thống sinh học ở tầng lớp phân tử đã vô hiệu hóa việc khoa học cố gắng giải thích nguồn gốc của chúng... Nhiều khoa học gia nhất định quả quyết rằng những giải thích trong tay họ rồi, hoặc sớm muộn gì cũng sẽ có, nhưng người ta không tìm đâu ra trong sách báo khoa học chuyên môn chứng minh những lời quả quyết đó. Quan trọng hơn, có những lý do—dựa vào sự cấu trúc của chính hệ thống [phân tử sinh học]—buộc người ta nghĩ rằng sự giải thích theo học thuyết Darwin về cơ chế của sự sống sẽ cứ mãi khó hiểu”.

“Ông Michael Behe nói: “Sự gấp nếp của một protein thông thường... có thể ví như một trò chơi ghép hình có ba chiều. Nhưng cơ thể con người có thể chứa hàng trăm ngàn cấu trúc rắc rối như thế. Các khoa học gia cố hiểu những rắc rối này, nhưng ai đã thiết kế chúng?

4 Bạn có thật sự thỏa mãn với lý thuyết sự sống con người bắt đầu mà không nhờ vào bất cứ nguồn lực trí tuệ nào không? Chúng ta hãy xem xét cái mà một số người cho là “vật phức tạp nhất trong vũ trụ”, não bộ con người, và xem chúng ta có thể đi đến những kết luận nào. Bác Sĩ Richard M. Restak nói: “Thậm chí những máy điện toán tối tân nhất có mạng thần kinh hệ hiệu suất chỉ bằng khoảng một phần mười ngàn... khả năng của một con ruồi”. Não bộ con người hơn não con ruồi nhiều. Não được thiết kế để học ngôn ngữ. Nó tự sửa chữa, lập trình lại và cải tiến năng lực. Chắc chắn bạn sẽ đồng ý rằng ngay cả một máy siêu điện toán rất mạnh, dù chỉ bằng “một phần mười ngàn... khả năng của một con ruồi”, cũng phải có người thông minh đã thiết kế nó. Vậy, còn não bộ con người thì sao? *

5 Cách đây khoảng 3.000 năm, lúc mà con người chưa hiểu rõ sự cấu tạo kỳ diệu của cơ thể họ, một người viết Kinh Thánh suy ngẫm về cấu trúc của cơ thể con người đã phát biểu: “Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng. Công-việc Chúa thật lạ-lùng, lòng tôi biết rõ lắm”. Dù không biết gì về các phân tử DNA, ông đã viết: “Mắt Chúa đã thấy thể-chất vô-hình của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa”. (Thi-thiên 139:14, 16) Ông đang nói về ai? Ai đã tạo mọi vật trong vũ trụ bằng ‘sức-mạnh lớn lắm’?

Máy điện toán có mạng thần kinh hệ tối tân nhất có khả năng hơn, hay là một con ruồi tầm thường?

6 Câu đầu tiên trong Kinh Thánh nói: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. (Sáng-thế Ký 1:1) Ngài cũng là Tác Giả của Kinh Thánh, đã soi dẫn nội dung sách ấy. Ngài cho biết chúng ta có thể có mối quan hệ đầy ý nghĩa với Ngài.

^ đ. 4 Bạn sẽ thích đọc thêm các chi tiết nơi chương 2 đến 4 trong sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, do Hội Tháp Canh xuất bản.