Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHẦN 5

Tìm hiểu Đức Chúa Trời

Tìm hiểu Đức Chúa Trời

KHI muốn có lời khuyên, chẳng phải bạn đến với một người đáng tin cậy sao? Nếu lời khuyên xuất xứ từ một nguồn bạn tin cậy, chắc chắn bạn sẽ có khuynh hướng làm theo, dù bạn nhận được ngay lợi ích hay không. Nếu bạn thật sự muốn có lợi ích từ lời khuyên thực tiễn tìm thấy trong Kinh Thánh, bạn phải tìm hiểu Tác Giả sách ấy. Hơn thế, bạn còn có thể được xem là “bạn” Ngài nữa!—Ê-sai 41:8.

Danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong văn bản tiếng Hê-bơ-rơ của sách Ê-sai

2 Nếu muốn làm bạn với người nào, chắc chắn bạn muốn biết tên người đó. Đức Chúa Trời của Kinh Thánh có tên không? Ngài phán: “Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn-trọng ta cho những tượng chạm!” (Ê-sai 42:8) “Giê-hô-va”, trong tiếng Hê-bơ-rơ được viết là יהוה (đọc từ phải sang trái), là danh Ngài. Danh này xuất hiện gần 7.000 lần trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Danh Đức Chúa Trời được hiểu có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”, ám chỉ rằng Đức Giê-hô-va trở nên bất cứ điều gì Ngài cần để thực hiện ý định của Ngài. Hơn nữa, trong tiếng Hê-bơ-rơ danh Ngài có dạng ngữ pháp biểu thị một hành động đang được thực hiện. Điều đó có nghĩa gì? Nó cho ta biết rằng Đức Giê-hô-va đã và vẫn đang làm mình trở thành bất cứ vai trò nào cần thiết để hoàn thành ý định Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống, chứ không phải một lực vô tri vô giác!

3 Đức Giê-hô-va trở thành Đấng Tạo Hóa. (Sáng-thế Ký 1:1) Ngài là “Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong đó”. (Công-vụ 14:15) Đức Giê-hô-va tạo dựng nên mọi vật, kể cả cặp vợ chồng loài người đầu tiên, A-đam và Ê-va. Vì vậy, Đức Chúa Trời là “nguồn sự sống”. (Thi-thiên 36:9) Ngài cũng trở thành Đấng Duy Trì sự sống. Cho nên “Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng”. (Công-vụ 14:17) Ở Phi Châu và Á Châu, nhiều người thờ tổ tiên bởi vì họ đã nhận sự sống từ ông bà cha mẹ. Lẽ nào họ không cảm thấy mang ơn Đấng Tạo Hóa, cũng là Đấng Duy Trì sự sống, Đấng đã tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên và cho họ khả năng sinh sản hay sao? Suy ngẫm về sự kiện đó có thể thúc đẩy bạn tuyên bố: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”.—Khải-huyền 4:11.

4 Qua những trang Kinh Thánh, bạn có thể biết được Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va, và biết Ngài là Đức Chúa Trời như thế nào. Kinh Thánh cho biết “Đức Chúa Trời tức là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:16; Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7) Khi đọc Kinh Thánh từ Sáng-thế Ký đến Khải-huyền, bạn sẽ thấy nhiều sự tường thuật cho biết Ngài quả là Đức Chúa Trời yêu thương. Bạn hãy tập thói quen đọc Lời Đức Chúa Trời hàng ngày để biết Đấng Tạo Hóa của bạn. Hãy học hỏi Kinh Thánh kỹ càng với những người quen thuộc nội dung sách ấy. (Công-vụ 8:26-35) Làm thế, bạn sẽ thấy Ngài cũng là Đức Chúa Trời công bằng, không để sự gian ác kéo dài mãi mãi. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Giữ thăng bằng giữa tình yêu thương và sự công bằng thì không dễ đối với loài người, nhưng trong sự khôn ngoan của Ngài, Đức Giê-hô-va hoàn toàn giữ được sự thăng bằng đó. (Rô-ma 11:33; 16:27) Là Đức Chúa Trời Toàn Năng, Ngài có quyền năng làm bất cứ điều gì Ngài muốn để thực hiện ý định Ngài. (Sáng-thế Ký 17:1) Hãy cố gắng áp dụng lời khuyên khôn ngoan mà bạn tìm thấy trong Kinh Thánh, và bạn sẽ biết ơn Đấng Tạo Hóa nhiều hơn nữa, nhận biết rằng lời khuyên Ngài luôn luôn nhằm đem lại lợi ích cho chúng ta.

Hãy đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện

5 Còn có một cách khác để đến gần Đức Chúa Trời. Đó là qua lời cầu nguyện. Đức Giê-hô-va là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”. (Thi-thiên 65:2) Ngài có thể “làm trổi hơn vô-cùng mọi việc chúng ta cầu-xin hoặc suy-tưởng”. (Ê-phê-sô 3:20) Nhưng bạn nghĩ gì về một người “bạn” chỉ đến với bạn khi người đó muốn nhờ giúp đỡ? Có lẽ bạn sẽ không mấy xem trọng người đó. Cũng vậy, chắc chắn bạn không muốn dùng đặc ân cầu nguyện chỉ để xin Đức Chúa Trời những điều mình cần, nhưng cũng để cảm tạ và ca ngợi Ngài.—Phi-líp 4:6, 7; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17, 18.