CHƯƠNG 15
Chúa Giê-su “lập công lý trên đất”
1, 2. Chúa Giê-su tức giận vào dịp nào, và tại sao?
Khi vào đền thờ của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su nhìn thấy cảnh khiến ngài vô cùng tức giận. Có lẽ anh chị thấy khó tin là Chúa Giê-su, một người ôn hòa, lại có thể tức giận (Ma-thi-ơ 21:5). Dĩ nhiên, Chúa Giê-su hoàn toàn kiểm soát được cảm xúc, vì sự tức giận của ngài dựa trên lòng sốt sắng dành cho điều đúng. a Vậy, điều gì khiến Chúa Giê-su tức giận như thế? Vì ngài nhìn thấy một cảnh bất công trắng trợn.
2 Chúa Giê-su rất yêu mến đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Đây là nơi duy nhất trên đất được dâng hiến cho việc thờ phượng Cha ngài ở trên trời. Người Do Thái từ nhiều nơi xa xôi đổ về đây để thờ phượng. Ngay cả dân ngoại cũng đến thờ phượng Đức Giê-hô-va tại sân đền thờ dành riêng cho họ. Nhưng lúc bắt đầu công việc thánh chức trên đất, Chúa Giê-su vào đền thờ và nhìn thấy một điều khủng khiếp. Nơi ấy đầy dẫy những nhà buôn và kẻ đổi tiền, giống cái chợ hơn là nơi thờ phượng. Tại sao điều này là bất công? Vì những người ấy đã dùng đền thờ của Đức Chúa Trời để lừa gạt người ta, thậm chí cướp bóc của họ. Như thế nào?—Giăng 2:14.
3, 4. Điều gì diễn ra tại nhà của Đức Giê-hô-va, và Chúa Giê-su làm gì để sửa chữa vấn đề?
3 Giới lãnh đạo tôn giáo quy định chỉ có một loại đồng tiền đặc biệt mới có thể được dùng để nộp thuế đền thờ. Khách hành hương phải đổi tiền của mình để lấy những đồng tiền ấy. Vì thế, những kẻ đổi tiền kê bàn ngay trong đền thờ và bắt người ta phải trả phí đổi tiền. Việc buôn bán súc vật tại đền thờ cũng mang lại nhiều lợi nhuận. Khách hành hương muốn dâng vật tế lễ có thể mua của bất cứ nhà buôn nào trong thành, nhưng những người trông coi đền thờ có lẽ viện cớ rằng con vật đó không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những lễ vật được mua ngay trong khu đền thờ thì chắc chắn được chấp nhận. Vì vậy, người ta phải mua súc vật trong đền thờ; điều này dẫn đến việc những nhà buôn ở đó thường bán với giá cắt cổ. b Đây là một cách kiếm tiền sai trái. Việc bán với giá như thế chẳng khác nào là cướp bóc!
4 Chúa Giê-su không thể dung túng điều bất công ấy. Đây chính là nhà của Cha ngài! Ngài bèn làm một cái roi bằng dây thừng rồi đuổi hết cừu và bò ra khỏi đền thờ. Sau đó, ngài tiến đến lật đổ bàn của những kẻ đổi tiền. Hãy hình dung tất cả những đồng tiền văng tung tóe trên sàn! Ngài nghiêm khắc ra lệnh cho những người bán bồ câu: “Hãy đem những thứ này ra khỏi đây!” (Giăng 2:15, 16). Chúa Giê-su hành động can đảm đến mức không ai dám phản đối ngài.
“Hãy đem những thứ này ra khỏi đây!”
Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo Cha ngài
5-7. (a) Việc Chúa Giê-su hiện hữu ở trên trời trước khi xuống thế ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của ngài về công lý, và chúng ta học được gì từ gương của ngài? (b) Chúa Giê-su đã làm gì để đáp lại những lời cáo buộc bất công của Sa-tan, và ngài sẽ làm thế ra sao trong tương lai?
5 Dĩ nhiên, những nhà buôn đã trở lại sau đó. Khoảng ba năm sau, một lần nữa Chúa Giê-su lại đuổi họ ra khỏi đền thờ. Lần này, Chúa Giê-su trích dẫn những lời của chính Đức Giê-hô-va lên án những kẻ biến nhà ngài thành “hang trộm cướp” (Giê-rê-mi 7:11; Ma-thi-ơ 21:13). Thật vậy, khi thấy cảnh những kẻ tham lam này bóc lột người khác và làm ô uế đền thờ, Chúa Giê-su có cùng cảm xúc với Cha. Không khó để hiểu tại sao! Trong hàng triệu năm, Chúa Giê-su đã được Cha trên trời dạy dỗ. Vì thế, ngài thấm nhuần quan điểm của Cha về công lý. Do đó, cách tốt nhất để hiểu rõ phẩm chất công lý của Đức Giê-hô-va là suy ngẫm về gương của Chúa Giê-su.—Giăng 14:9, 10.
6 Con một của Đức Giê-hô-va có mặt khi Sa-tan gọi Đức Giê-hô-va là kẻ nói dối và cho rằng đường lối cai trị của ngài không đúng. Quả là lời vu khống trắng trợn và bất công với ngài! Sau đó, người Con ấy cũng nghe Sa-tan cáo buộc rằng không người nào phụng sự Đức Giê-hô-va vì tình yêu thương bất vị kỷ. Những lời cáo buộc này chắc hẳn khiến Chúa Giê-su rất đau lòng. Ngài hẳn vui mừng biết bao khi biết mình sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chứng tỏ những lời cáo buộc đó là sai! (2 Cô-rinh-tô 1:20). Ngài sẽ làm điều này như thế nào?
7 Như chúng ta đã học trong chương 14, Chúa Giê-su đã cung cấp câu trả lời tối hậu và thuyết phục để đáp lại những lời cáo buộc của Sa-tan về các tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Qua đó, ngài đặt nền tảng cho việc làm thánh danh của Đức Chúa Trời và chứng tỏ mọi lời nói dối của Sa-tan là sai, trong đó có lời nói dối về cách cai trị của Đức Giê-hô-va. Là Đấng Lãnh Đạo Chính của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su sẽ thiết lập công lý của Cha ngài trên khắp vũ trụ (Công vụ 5:31). Khi sống trên đất, Chúa Giê-su phản ánh công lý của Đức Chúa Trời trong mọi điều ngài làm và dạy. Đức Giê-hô-va phán về Chúa Giê-su: “Ta sẽ đặt thần khí ta trên người, và người sẽ cho các nước thấy rõ thế nào là công lý” (Ma-thi-ơ 12:18). Chúa Giê-su làm ứng nghiệm những lời này ra sao?
Chúa Giê-su cho thấy rõ “thế nào là công lý”
8-10. (a) Luật truyền khẩu của giới lãnh đạo tôn giáo khuyến khích người ta có thái độ khinh thường dân ngoại và phụ nữ như thế nào? (b) Luật truyền khẩu làm cho luật Sa-bát của Đức Giê-hô-va trở thành gánh nặng ra sao?
8 Chúa Giê-su yêu mến và sống theo Luật pháp của Đức Giê-hô-va. Nhưng giới lãnh đạo tôn giáo vào thời đó thì bóp méo và áp dụng sai Luật ấy. Chúa Giê-su nói với họ: ‘Khốn cho các ông, thầy kinh luật và người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Các ông bỏ qua những điều quan trọng hơn trong Luật pháp, ấy là công lý, lòng thương xót và sự trung tín’ (Ma-thi-ơ 23:23). Rõ ràng, những người dạy Luật pháp của Đức Chúa Trời đã không cho thấy rõ “thế nào là công lý”. Thay vì thế, họ làm lu mờ công lý của ngài. Như thế nào? Hãy xem vài ví dụ.
9 Đức Giê-hô-va lệnh cho dân ngài tách biệt khỏi những dân ngoại giáo xung quanh (1 Các vua 11:1, 2). Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo tôn giáo cuồng tín đã khuyến khích người ta khinh thường tất cả những ai không phải là người Do Thái. Thậm chí sách Mishnah còn ghi luật sau: “Không được gửi bò tại các quán trọ của dân ngoại vì họ bị nghi là hành dâm với thú vật”. Việc có thành kiến với tất cả những ai không phải người Do Thái là bất công và đi ngược lại với tinh thần của Luật pháp Môi-se (Lê-vi 19:34). Những luật khác do giới lãnh đạo tôn giáo lập ra cũng hạ thấp phẩm giá của phụ nữ. Luật truyền khẩu nói rằng vợ phải theo sau chồng, chứ không được đi bên cạnh chồng. Một người nam không được phép nói chuyện với phụ nữ ở nơi công cộng, ngay cả đó là vợ mình. Giống như các nô lệ, phụ nữ không được phép làm chứng trước tòa. Thậm chí giới lãnh đạo tôn giáo còn nói trong một lời cầu nguyện rằng họ cảm tạ Đức Chúa Trời vì họ không phải là phụ nữ.
10 Giới lãnh đạo tôn giáo đã chôn vùi Luật pháp của Đức Chúa Trời dưới hàng núi luật lệ và quy tắc do họ đặt ra. Chẳng hạn, luật Sa-bát chỉ cấm làm việc vào ngày Sa-bát và dành riêng ngày đó để nghỉ ngơi, thờ phượng cũng như đến gần Đức Chúa Trời. Nhưng người Pha-ri-si lại làm cho luật ấy trở thành gánh nặng. Họ cho rằng họ có quyền quyết định thế nào là “làm việc”. Họ quy định 39 hoạt động khác nhau được xem là làm việc, chẳng hạn như gặt hái hoặc săn bắn. Việc phân loại như thế gây ra vô số thắc mắc. Nếu giết con bọ chét trong ngày Sa-bát thì đó có phải là săn bắn không? Nếu bứt bông lúa để ăn trong lúc đi đường thì đó có phải là gặt hái không? Nếu chữa lành cho một người bệnh thì đó có phải là làm việc không? Để giải quyết vấn đề ấy, giới lãnh đạo tôn giáo đã đặt thêm các luật lệ thậm chí còn cứng nhắc và chi tiết hơn.
11, 12. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy những luật lệ của người Pha-ri-si là sai?
11 Trong môi trường ấy, làm thế nào Chúa Giê-su giúp người ta hiểu thế nào là công lý? Qua sự dạy dỗ và lối sống, Chúa Giê-su can đảm cho thấy những nhà lãnh đạo tôn giáo ấy và sự dạy dỗ của họ là sai. Trước hết hãy xem một số điều ngài dạy. Ngài thẳng thắn lên án vô số luật lệ do họ đặt ra khi nói: “Các ông đã làm cho lời Đức Chúa Trời trở nên vô hiệu bởi truyền thống mà các ông truyền lại cho người khác”.—Mác 7:13.
12 Chúa Giê-su thẳng thắn dạy rằng quan điểm của người Pha-ri-si về luật Sa-bát là sai và họ đã không hiểu đúng mục đích của luật ấy. Ngài giải thích rằng Đấng Mê-si là “Chúa của ngày Sa-bát”, và vì thế ngài có quyền chữa bệnh trong ngày đó (Ma-thi-ơ 12:8). Để làm rõ điểm này, ngài đã công khai chữa bệnh cho người ta trong ngày Sa-bát (Lu-ca 6:7-10). Điều này cũng cho thấy trước điều ngài sẽ làm trên khắp đất trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Thời kỳ đó sẽ là Sa-bát lớn nhất vì tất cả những người trung thành sẽ được nhẹ gánh sau bao thế kỷ phải gánh chịu đau khổ do tội lỗi và cái chết gây ra.
13. Chúa Giê-su cho các môn đồ biết về luật mới nào, và luật này khác với Luật pháp Môi-se ra sao?
13 Chúa Giê-su cũng cho thấy rõ thế nào là công lý khi ban cho các môn đồ một luật mới, được gọi là “luật pháp của Đấng Ki-tô”, và luật này có hiệu lực sau khi ngài hoàn tất thánh chức trên đất (Ga-la-ti 6:2). Khác với Luật pháp Môi-se, luật mới này không dựa trên hàng loạt những luật thành văn mà dựa trên nguyên tắc. Dù vậy, luật mới này vẫn có một số mệnh lệnh cụ thể. Một trong những mệnh lệnh đó được Chúa Giê-su gọi là “điều răn mới”. Ngài dạy tất cả các môn đồ phải yêu thương nhau như ngài đã yêu thương họ (Giăng 13:34, 35). Thật vậy, tình yêu thương bất vị kỷ là đặc điểm để nhận diện tất cả những ai sống theo “luật pháp của Đấng Ki-tô”.
Chúa Giê-su dạy về công lý qua gương mẫu
14, 15. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài nhìn nhận quyền hành của mình có giới hạn, và tại sao điều này an ủi chúng ta?
14 Chúa Giê-su không chỉ dạy về tình yêu thương mà ngài còn sống theo “luật pháp của Đấng Ki-tô”. Luật này được thể hiện rõ trong đời sống của ngài. Hãy xem ba cách Chúa Giê-su cho thấy thế nào là công lý qua gương mẫu của ngài.
15 Thứ nhất, Chúa Giê-su thận trọng để không làm bất cứ điều bất công nào. Có lẽ anh chị thấy người ta thường hành động bất công khi họ trở nên kiêu ngạo và vượt quyền. Chúa Giê-su thì không như thế. Dịp nọ, một người đàn ông đến nói với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, xin bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Chúa Giê-su đáp lại thế nào? “Này anh kia, ai lập tôi lên để xét xử hay phân xử giữa hai anh?” (Lu-ca 12:13, 14). Chúng ta học được gì về ngài? Chúa Giê-su thông minh, khôn ngoan hơn và được Đức Chúa Trời ban cho nhiều quyền hơn bất cứ người nào trên đất. Dù vậy, ngài từ chối giải quyết vấn đề của người đàn ông đó vì ngài không được ban thẩm quyền để làm thế. Chúa Giê-su luôn khiêm tốn, ngay cả khi ngài ở trên trời (Giu-đe 9). Chúa Giê-su khiêm nhường tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ quyết định điều gì là đúng, và điều này cho thấy ngài có một nhân cách tuyệt vời.
16, 17. (a) Chúa Giê-su thể hiện công lý qua cách ngài rao truyền tin mừng về Nước Trời như thế nào? (b) Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy công lý gắn liền với lòng thương xót?
16 Thứ hai, Chúa Giê-su thể hiện công lý qua cách ngài rao truyền tin mừng về Nước Trời. Ngài không thiên vị và cố gắng rao giảng cho mọi loại người, cả giàu lẫn nghèo. Trái lại, người Pha-ri-si khinh bỉ dân thường nghèo khổ và gọi họ là ʽam-ha·ʼaʹrets, tức “dân bản xứ”. Chúa Giê-su đã can đảm chỉnh lại sự bất công đó. Khi dạy tin mừng cho người ta, ăn chung với họ, cho họ ăn, chữa lành cho họ hay thậm chí làm cho họ sống lại, ngài luôn ủng hộ công lý của Đức Chúa Trời, đấng muốn cứu “mọi loại người”. c—1 Ti-mô-thê 2:4.
17 Thứ ba, Chúa Giê-su cho thấy công lý gắn liền với lòng thương xót. Ngài chủ động giúp đỡ những người tội lỗi (Ma-thi-ơ 9:11-13). Ngài sẵn lòng trợ giúp những người không thể tự bảo vệ mình. Chẳng hạn, Chúa Giê-su hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của giới lãnh đạo tôn giáo, là những người dạy người ta không nên tin tưởng dân ngoại. Ngài đã thương xót giúp đỡ và dạy dỗ một số người thuộc dân ngoại, dù ngài được phái đến chủ yếu để giúp dân Do Thái. Thậm chí, ngài còn chữa lành bệnh cho đầy tớ của một viên sĩ quan La Mã và nói: “Tôi chưa thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin mạnh mẽ như thế”.—Ma-thi-ơ 8:5-13.
18, 19. (a) Chúa Giê-su nâng cao phẩm giá của phụ nữ qua những cách nào? (b) Làm thế nào gương của Chúa Giê-su giúp chúng ta thấy mối liên hệ giữa công lý và lòng can đảm?
18 Tương tự, Chúa Giê-su không đồng ý với quan điểm của người thời đó về phụ nữ. Thay vì thế, ngài can đảm làm điều đúng. Phụ nữ Sa-ma-ri bị xem là ô uế giống như dân ngoại. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không ngần ngại làm chứng cho một phụ nữ Sa-ma-ri tại cái giếng ở thành Si-kha. Thực tế, người phụ nữ này là người đầu tiên được Chúa Giê-su cho biết ngài là Đấng Mê-si được hứa trước (Giăng 4:6, 25, 26). Người Pha-ri-si nói rằng không nên dạy Luật pháp của Đức Chúa Trời cho phụ nữ, nhưng Chúa Giê-su dành nhiều thời gian và công sức để dạy họ (Lu-ca 10:38-42). Dù truyền thống thời đó cho rằng phụ nữ không đáng tin nên không được làm chứng, nhưng Chúa Giê-su đã nâng cao phẩm giá của một số phụ nữ khi ban cho họ đặc ân được thấy ngài đầu tiên sau khi ngài được sống lại. Thậm chí, ngài còn bảo họ đi nói với các nam tín đồ biết về sự kiện quan trọng này!—Ma-thi-ơ 28:1-10.
19 Thật vậy, Chúa Giê-su đã cho các dân thấy rõ thế nào là công lý. Trong nhiều trường hợp, ngài làm điều đó ngay cả khi có thể gặp nguy hiểm. Gương của Chúa Giê-su giúp chúng ta thấy rằng ủng hộ công lý thật đòi hỏi lòng can đảm. Vì thế, thật thích hợp khi ngài được gọi là “Sư Tử của chi phái Giu-đa” (Khải huyền 5:5). Hãy nhớ rằng sư tử can đảm thường được dùng làm biểu tượng cho công lý. Không lâu nữa, Chúa Giê-su sẽ làm nhiều hơn để mang lại công lý trọn vẹn trên khắp đất.—Ê-sai 42:4.
Vua Mê-si “lập công lý trên đất”
20, 21. Vào thời chúng ta, Vua Mê-si đẩy mạnh công lý trên khắp đất và trong hội thánh như thế nào?
20 Từ khi trở thành Vua Mê-si vào năm 1914, Chúa Giê-su đã đẩy mạnh công lý trên đất. Như thế nào? Ngài đảm bảo sao cho lời tiên tri của ngài nơi Ma-thi-ơ 24:14 được ứng nghiệm. Các môn đồ của Chúa Giê-su đã và đang dạy sự thật về Nước của Đức Giê-hô-va cho người ta trên khắp đất. Giống như Chúa Giê-su, họ rao giảng cho mọi loại người, dù trẻ hay già, giàu hay nghèo, nam hay nữ, nhờ thế những người này có cơ hội tìm hiểu về Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của công lý.
21 Là Đầu hội thánh, Chúa Giê-su cũng đẩy mạnh công lý trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Như đã được báo trước, ngài ban “món quà là những con người”, tức những trưởng lão trung thành dẫn đầu hội thánh (Ê-phê-sô 4:8-12). Khi chăn bầy quý giá của Đức Chúa Trời, các trưởng lão muốn noi gương Chúa Giê-su trong việc đẩy mạnh công lý. Họ luôn nhớ rằng Chúa Giê-su muốn chiên của ngài được đối xử công bằng, bất kể người ấy giàu hay nghèo, có địa vị nào hoặc nổi bật ra sao.
22. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về sự bất công lan tràn trên thế giới ngày nay, và ngài bổ nhiệm Con ngài để thực hiện điều gì?
22 Nhưng không lâu nữa, Chúa Giê-su sẽ mang lại công lý trọn vẹn trên khắp đất. Ngày nay sự bất công đang lan tràn khắp nơi. Một điều vô cùng bất công là nhiều trẻ em chết vì không có đủ đồ ăn trong khi các nước đổ rất nhiều tiền vào việc chế tạo vũ khí và những người ích kỷ thì dùng tiền để thỏa mãn thú vui của mình. Hàng triệu người chết mỗi năm vì những nguyên nhân mà có thể ngăn chặn được. Những điều này và nhiều sự bất công khác khiến Đức Giê-hô-va nổi giận. Ngài đã giao cho Con ngài nhiệm vụ thực hiện một cuộc chiến công chính chống lại thế gian gian ác này và chấm dứt vĩnh viễn mọi sự bất công.—Khải huyền 16:14, 16; 19:11-15.
23. Sau Ha-ma-ghê-đôn, Đấng Ki-tô sẽ đẩy mạnh công lý cho đến mãi mãi như thế nào?
23 Tuy nhiên, công lý của Đức Giê-hô-va không chỉ đòi hỏi ngài hủy diệt kẻ ác. Ngài cũng bổ nhiệm Con ngài để cai trị với tư cách là “Quan Trưởng Bình An”. Sau Ha-ma-ghê-đôn, triều đại của Chúa Giê-su sẽ mang lại bình an trên khắp đất, và ngài sẽ cai trị “nhờ vào công lý” (Ê-sai 9:6, 7). Bấy giờ, Chúa Giê-su sẽ vui mừng loại bỏ mọi sự bất công đã gây ra biết bao đau khổ trên thế giới. Ngài sẽ trung thành ủng hộ công lý hoàn hảo của Đức Giê-hô-va cho đến mãi mãi. Vậy, điều quan trọng là chúng ta cần cố gắng noi theo công lý của Đức Giê-hô-va ngay bây giờ. Hãy xem chúng ta có thể làm điều này như thế nào.
a Khi tức giận về một điều bất công, Chúa Giê-su đang noi gương Đức Giê-hô-va, đấng “nổi cơn thịnh nộ” đối với mọi điều ác (Na-hum 1:2). Chẳng hạn, sau khi Đức Giê-hô-va nói với dân ương ngạnh rằng họ đã làm cho nhà ngài thành “hang trộm cướp”, ngài phán: “Cơn giận dữ và thịnh nộ của ta sẽ đổ trên nơi này”.—Giê-rê-mi 7:11, 20.
b Theo sách Mishnah, vài năm sau đó có một vụ phản đối giá bán bồ câu quá cao tại đền thờ. Giá lập tức giảm khoảng 99 phần trăm! Ai được lợi nhiều nhất từ vụ buôn bán súc vật trong đền thờ? Một số sử gia cho rằng gia đình thầy tế lễ thượng phẩm An-ne làm chủ các chợ trong đền thờ, và đây là một lý do khiến gia đình của ông rất giàu có.—Giăng 18:13.
c Người Pha-ri-si xem dân thường, những người không biết Luật pháp, là dân “đáng rủa” (Giăng 7:49). Họ nói rằng một người không nên dạy dỗ, làm ăn, dùng bữa và cầu nguyện chung với những người ấy. Việc cho phép con gái kết hôn với một người trong số những người này thì còn tệ hơn là đưa con cho thú dữ. Họ cho rằng những người có địa vị thấp kém ấy không xứng đáng được sống lại.