CHƯƠNG MƯỜI TÁM
Tôi có nên dâng mình và chịu phép báp-têm không?
1. Có thể bạn nghĩ đến điều gì sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng sách này?
Trong quá trình tìm hiểu sách này, bạn đã học được nhiều sự thật trong Kinh Thánh, chẳng hạn như lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống vĩnh cửu, tình trạng người chết và hy vọng về sự sống lại (Truyền đạo 9:5; Lu-ca 23:43; Giăng 5:28, 29; Khải huyền 21:3, 4). Có lẽ bạn đã bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va và tin rằng họ thực hành sự thờ phượng thật (Giăng 13:35). Có thể bạn cũng bắt đầu vun đắp mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và muốn phụng sự ngài. Vậy có thể bạn nghĩ: “Giờ đây mình nên làm gì để phụng sự Đức Chúa Trời?”.
2. Tại sao một người đàn ông Ê-thi-ô-bi muốn chịu phép báp-têm?
2 Đó cũng là suy nghĩ của một người Ê-thi-ô-bi sống vào thời Chúa Giê-su. Một thời gian sau khi Chúa Giê-su được sống lại, môn đồ Phi-líp đã rao giảng cho người đàn ông này. Phi-líp chứng minh cho ông rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Vô cùng cảm động vì những điều học được, người đàn ông Ê-thi-ô-bi liền nói: “Kìa! Ở đây có nước. Có gì cản tôi chịu phép báp-têm không?”.—Công vụ 8:26-36.
3. (a) Chúa Giê-su đưa ra mệnh lệnh nào cho các môn đồ? (b) Phép báp-têm phải được thực hiện như thế nào?
3 Kinh Thánh dạy rằng nếu muốn phụng sự Đức Giê-hô-va, bạn phải chịu phép báp-têm. Chúa Giê-su phán dặn các môn đồ: “Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19). Chính Chúa Giê-su cũng làm gương bằng cách chịu phép báp-têm. Ngài được nhận chìm hoàn toàn trong nước, chứ không phải được rảy nước lên đầu (Ma-thi-ơ 3:16). Ngày nay khi một tín đồ đạo Đấng Ki-tô chịu phép báp-têm, người ấy cũng phải được nhận chìm hoàn toàn trong nước.
4. Khi chịu phép báp-têm, bạn cho người khác thấy điều gì?
4 Khi chịu phép báp-têm, bạn cho người khác thấy mình thật sự muốn trở thành bạn Đức Chúa Trời và phụng sự ngài (Thi thiên 40:7, 8). Nhưng có lẽ bạn thắc mắc: “Mình cần làm gì để được chịu phép báp-têm?”.
SỰ HIỂU BIẾT VÀ ĐỨC TIN
5. (a) Bạn cần làm gì trước khi chịu phép báp-têm? (b) Tại sao các buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô rất quan trọng?
5 Trước khi chịu phép báp-têm, bạn cần tìm hiểu về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Bạn đã bắt đầu làm điều này khi học Kinh Thánh. (Đọc Giăng 17:3). Nhưng như vậy chưa đủ, Kinh Thánh nói rằng bạn cần “tràn đầy sự hiểu biết chính xác” về ý muốn Đức Giê-hô-va (Cô-lô-se 1:9). Các buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ giúp bạn củng cố mối quan hệ với ngài. Thế nên điều quan trọng là bạn tham dự đều đặn các buổi nhóm họp ấy.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
6. Bạn cần biết bao nhiêu về Kinh Thánh trước khi có thể chịu phép báp-têm?
6 Dĩ nhiên Đức Giê-hô-va không đòi hỏi bạn phải biết hết Kinh Thánh trước khi chịu phép báp-têm. Ngài đã không đòi hỏi người Ê-thi-ô-bi biết mọi thứ trước khi chịu phép báp-têm (Công vụ 8:30, 31). Chúng ta sẽ tiếp tục học về Đức Chúa Trời cho đến mãi mãi (Truyền đạo 3:11). Nhưng để được chịu phép báp-têm, ít nhất bạn cần biết và chấp nhận những sự dạy dỗ cơ bản của Kinh Thánh.—Hê-bơ-rơ 5:12.
7. Việc học Kinh Thánh giúp bạn như thế nào?
7 Kinh Thánh nói: “Không có đức tin thì chẳng thể nào làm vui lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 11:6). Thế nên bạn cần có đức tin trước khi chịu phép báp-têm. Kinh Thánh cho biết một số người ở thành Cô-rinh-tô xưa đã lắng nghe các môn đồ của Chúa Giê-su dạy, và kết quả là họ “tin và chịu phép báp-têm” (Công vụ 18:8). Tương tự, việc học Kinh Thánh giúp bạn vun đắp đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời và quyền lực của giá chuộc Chúa Giê-su, là điều giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết.—Giô-suê 23:14; Công vụ 4:12; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.
NÓI CHO NGƯỜI KHÁC BIẾT VỀ CÁC SỰ THẬT TRONG KINH THÁNH
8. Điều gì sẽ thôi thúc bạn nói cho người khác biết về những điều mình học?
8 Càng học Kinh Thánh và thấy sách này giúp ích cho bạn trong đời sống, bạn càng được củng cố đức tin. Bạn sẽ muốn nói cho người khác biết về những điều mình học (Giê-rê-mi 20:9; 2 Cô-rinh-tô 4:13). Nhưng bạn nên nói cho những ai?
9, 10. (a) Bạn có thể bắt đầu chia sẻ những gì mình học với ai? (b) Bạn nên làm gì nếu muốn rao giảng cùng với hội thánh?
9 Có lẽ bạn sẽ muốn nói cho gia đình, bạn bè, hàng xóm hoặc đồng nghiệp về những gì mình học. Điều đó là tốt, nhưng hãy luôn chia sẻ cách tử tế và yêu thương. Với thời gian, bạn có thể rao giảng cùng với hội thánh. Khi cảm thấy sẵn sàng để làm thế, bạn có thể cho anh chị Nhân Chứng dạy bạn Kinh Thánh biết mình muốn tham gia công việc rao giảng cùng với hội thánh. Nếu anh chị ấy nghĩ rằng bạn đã sẵn sàng và đang sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, anh chị ấy sẽ cùng bạn gặp hai trưởng lão trong hội thánh.
10 Buổi gặp sẽ diễn ra như thế nào? Hai trưởng lão sẽ nói chuyện với bạn để xem bạn có hiểu và tin những sự dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh không, có áp dụng những gì Kinh Thánh dạy vào đời sống hàng ngày không, và có thật sự muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va không. Hãy nhớ rằng các trưởng lão chăm lo cho mọi thành viên của hội thánh, trong đó có bạn, nên đừng sợ khi nói chuyện với họ (Công vụ 20:28; 1 Phi-e-rơ 5:2, 3). Sau buổi gặp, các trưởng lão sẽ cho biết bạn có thể bắt đầu rao giảng cùng với hội thánh hay không.
11. Tại sao thực hiện một số thay đổi trước khi rao giảng cùng với hội thánh là điều rất quan trọng?
11 Có thể các trưởng lão sẽ giải thích rằng bạn cần thực hiện thêm một số thay đổi trước khi bắt đầu rao giảng cùng với hội thánh. Tại sao việc thực hiện những thay đổi ấy rất quan trọng? Vì khi nói cho người khác về Đức Giê-hô-va, chúng ta đại diện cho ngài và phải có lối sống tôn vinh ngài.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; Ga-la-ti 5:19-21.
ĂN NĂN VÀ THAY ĐỔI
12. Tại sao mọi người đều cần ăn năn?
12 Có một điều khác bạn cần làm trước khi chịu phép báp-têm. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên: “Hãy ăn năn và thay đổi con đường mình để tội lỗi anh em được xóa sạch” (Công vụ 3:19). Ăn năn có nghĩa gì? Đó là cảm thấy hối hận về bất cứ việc làm sai trái nào trong quá khứ. Ví dụ, nếu có lối sống vô luân, bạn cần phải ăn năn. Ngay cả nếu từ trước đến giờ luôn cố gắng hết sức để làm điều đúng, bạn vẫn cần ăn năn, vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi và cần xin Đức Chúa Trời tha thứ.—Rô-ma 3:23; 5:12.
13. “Thay đổi” bao hàm điều gì?
13 Chỉ cảm thấy hối hận đã đủ chưa? Chưa. Phi-e-rơ nói rằng chúng ta cũng cần “thay đổi”. Điều này bao hàm việc bạn phải từ bỏ bất cứ hành động sai trái nào và bắt đầu làm điều đúng. Để minh họa, hãy tưởng tượng bạn đi đến một nơi xa lạ. Sau một lúc,
bạn nhận ra mình đang đi sai hướng. Bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ đi chậm lại, dừng xe và quay đầu, rồi đi theo hướng đúng. Tương tự, khi học Kinh Thánh, có lẽ bạn nhận ra mình cần thay đổi một số thói quen hoặc điều nào đó trong đời sống. Hãy sẵn sàng “quay đầu lại”, tức thay đổi, và bắt đầu làm điều đúng.DÂNG MÌNH
14. Bằng cách nào bạn dâng mình cho Đức Giê-hô-va?
14 Một bước quan trọng khác bạn cần làm trước khi chịu phép báp-têm là dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Bạn có thể dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng cách cầu nguyện hứa rằng chỉ thờ phượng một mình ngài và xem ý muốn ngài là điều quan trọng nhất trong đời sống.—Phục truyền luật lệ 6:15.
15, 16. Điều gì thúc đẩy một người dâng mình cho Đức Chúa Trời?
15 Hứa chỉ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va giống như việc hứa dành trọn quãng đời còn lại cho người mà bạn yêu. Hãy hình dung về một chàng trai và cô gái đang hẹn hò. Càng hiểu về cô gái, chàng trai càng yêu và muốn cưới cô. Dù đây là quyết định hệ trọng nhưng chàng trai sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm vì thật lòng yêu cô.
16 Khi học về Đức Giê-hô-va, bạn sẽ yêu thương và muốn nỗ lực hết sức để phụng sự ngài. Bạn sẽ được thúc đẩy để cầu nguyện hứa rằng sẽ phụng sự ngài. Kinh Thánh nói bất cứ ai muốn theo Chúa Giê-su phải “từ bỏ chính mình” (Mác 8:34). Điều này có nghĩa gì? Đó là bạn đặt việc vâng lời Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống. Bạn phải xem ý muốn của ngài quan trọng hơn những ước muốn và mục tiêu cá nhân.—Đọc 1 Phi-e-rơ 4:2.
ĐỪNG SỢ THẤT BẠI
17. Tại sao một số người không dâng mình cho Đức Giê-hô-va?
17 Một số người không dâng mình cho Đức Giê-hô-va vì sợ rằng họ không thể giữ lời hứa phụng sự ngài. Họ không muốn làm Đức Giê-hô-va thất vọng, hoặc lý luận rằng nếu họ không dâng mình cho Đức Giê-hô-va thì ngài sẽ không bắt họ chịu trách nhiệm về những gì họ làm.
18. Điều gì sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ làm Đức Giê-hô-va thất vọng?
18 Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ làm ngài thất vọng. Vì yêu thương ngài, bạn sẽ nỗ lực hết sức để giữ lời hứa của mình (Truyền đạo 5:4; Cô-lô-se 1:10). Bạn sẽ không nghĩ rằng việc làm theo ý muốn ngài là quá khó. Sứ đồ Giăng viết: “Yêu thương Đức Chúa Trời nghĩa là vâng giữ các điều răn ngài; và điều răn của ngài chẳng hề nặng nề”.—1 Giăng 5:3.
19. Tại sao bạn không nên sợ dâng mình cho Đức Giê-hô-va?
19 Bạn không cần phải hoàn hảo mới có thể dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Ngài không đòi hỏi điều gì quá sức chúng ta (Thi thiên 103:14). Ngài sẽ giúp bạn làm điều đúng (Ê-sai 41:10). Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, và ‘ngài sẽ san bằng các lối của bạn’.—Châm ngôn 3:5, 6.
CÔNG KHAI TUYÊN BỐ ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI
20. Sau khi bạn dâng mình cho Đức Chúa Trời, bước kế tiếp là gì?
20 Bạn nghĩ mình đã sẵn sàng để dâng mình cho Đức Giê-hô-va chưa? Sau khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, bạn đã sẵn sàng cho bước kế tiếp. Bạn cần chịu phép báp-têm.
21, 22. Làm thế nào bạn có thể công khai tuyên bố đức tin của mình?
đợt hội nghị tới của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tại hội nghị sẽ có một bài giảng giải thích ý nghĩa của phép báp-têm. Anh diễn giả sẽ hỏi những người sắp chịu phép báp-têm hai câu hỏi đơn giản. Qua việc trả lời hai câu hỏi ấy, bạn công khai tuyên bố đức tin của mình.—Rô-ma 10:10.
21 Hãy cho giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão trong hội thánh biết bạn đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và muốn được chịu phép báp-têm. Sau đó, anh sẽ sắp đặt vài trưởng lão cùng bạn ôn lại những sự dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh. Nếu các trưởng lão đều đồng ý là bạn đã hội đủ điều kiện, họ sẽ cho bạn biết là bạn có thể chịu phép báp-têm vào22 Sau đó bạn sẽ chịu phép báp-têm. Bạn sẽ được nhận chìm hoàn toàn trong nước. Phép báp-têm cho
mọi người thấy là bạn đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và giờ đây là một Nhân Chứng Giê-hô-va.PHÉP BÁP-TÊM BIỂU TRƯNG CHO ĐIỀU GÌ?
23. Chịu phép báp-têm “nhân danh Cha, Con và thần khí thánh” có nghĩa gì?
23 Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ ngài sẽ chịu phép báp-têm “nhân danh Cha, Con và thần khí thánh”. (Đọc Ma-thi-ơ 28:19). Điều này có nghĩa gì? Đó là bạn nhìn nhận uy quyền của Đức Giê-hô-va và vai trò của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời, cũng như cách Đức Chúa Trời dùng thần khí thánh để hoàn thành ý muốn ngài.—Thi thiên 83:18; Ma-thi-ơ 28:18; Ga-la-ti 5:22, 23; 2 Phi-e-rơ 1:21.
24, 25. (a) Phép báp-têm biểu trưng cho điều gì? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong chương cuối?
24 Phép báp-têm biểu trưng cho một điều vô cùng quan trọng. Trầm mình trong nước biểu trưng cho việc bạn chết đi, tức từ bỏ lối sống trước đây. Khi ra khỏi nước, bạn bắt đầu một đời sống mới để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Điều đó cho thấy kể từ đây trở đi, bạn sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng bạn không dâng mình cho một người, tổ chức hay công việc. Bạn đã dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va.
25 Việc dâng mình sẽ giúp bạn phát triển mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời (Thi thiên 25:14). Điều này không có nghĩa là một người sẽ được cứu chỉ vì đã chịu phép báp-têm. Sứ đồ Phao-lô khuyến khích: “Hãy tiếp tục nỗ lực để được cứu rỗi, với lòng kính sợ và run rẩy” (Phi-líp 2:12). Phép báp-têm chỉ là sự khởi đầu. Nhưng làm thế nào bạn có thể tiếp tục gắn bó với Đức Giê-hô-va? Chương cuối của sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.