Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 37

Nhớ đến Đức Giê-hô-va và Con Ngài

Nhớ đến Đức Giê-hô-va và Con Ngài

GIẢ SỬ một người nào đó cho em một món quà rất đặc biệt. Em sẽ phản ứng thế nào?— Em chỉ nói cám ơn rồi quên hẳn người tặng quà không? Hay em sẽ nhớ người ấy và điều người ấy làm cho em?—

Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời. Ngài đã sai Con Ngài xuống đất để chết cho chúng ta. Em có biết tại sao Chúa Giê-su phải chết cho chúng ta không?— Đây là điều rất quan trọng mà chúng ta cần hiểu.

Như đã học nơi Chương 23, A-đam phạm tội khi vi phạm luật pháp trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Chúng ta gánh chịu tội lỗi do A-đam, tổ tiên của toàn thể nhân loại, truyền lại. Vậy, em nghĩ chúng ta cần gì?— Nói theo nghĩa bóng, chúng ta cần một người cha mới, một người có đời sống hoàn toàn trên đất. Em nghĩ ai có thể là người cha như thế?— Đó là Chúa Giê-su.

Đức Giê-hô-va sai Chúa Giê-su xuống đất để có thể thay A-đam trở thành như một người cha cho chúng ta. Kinh Thánh nói: “Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh-hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống”. Ai là A-đam thứ nhất?— Đó là người Đức Chúa Trời đã tạo ra từ bụi đất. Ai là A-đam thứ hai?— Chúa Giê-su. Kinh Thánh cho thấy điều này khi nói: “Người thứ nhứt [A-đam] bởi đất mà ra, là thuộc về đất, người thứ hai [Chúa Giê-su] bởi trời mà ra”.1 Cô-rinh-tô 15:45, 47; Sáng-thế Ký 2:7.

Vì Đức Chúa Trời đem sự sống của Chúa Giê-su từ trời và để vào lòng một người nữ tên là Ma-ri nên Chúa Giê-su không nhiễm tội lỗi từ A-đam. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su là một người hoàn toàn. (Lu-ca 1:30-35) Đó cũng là lý do tại sao một thiên sứ đã nói với những người chăn chiên khi Chúa Giê-su sinh ra: ‘Hôm nay, một Đấng Cứu-thế đã sanh ra cho các ngươi’. (Lu-ca 2:11) Nhưng để là Đấng Cứu Thế, em nhỏ Giê-su trước nhất cần phải làm gì?— Cần lớn lên thành người lớn, giống như A-đam. Rồi Chúa Giê-su có thể trở thành ‘A-đam thứ hai’.

Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế của chúng ta, cũng sẽ trở thành “Cha Đời đời”. Kinh Thánh gọi ngài như vậy. (Ê-sai 9:5, 6) Đúng vậy, Chúa Giê-su, người hoàn toàn, có thể trở thành cha chúng ta thế cho A-đam, người đã trở thành bất toàn khi phạm tội. Bằng cách này, chúng ta có thể chọn ‘A-đam thứ hai’ làm cha chúng ta. Dĩ nhiên, chính Chúa Giê-su là Con của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

A-đam và Chúa Giê-su giống nhau như thế nào, và tại sao điều này rất quan trọng?

Khi học biết về Chúa Giê-su, chúng ta có thể chấp nhận ngài là Đấng Cứu Thế của chúng ta. Em có nhớ chúng ta cần được cứu chuộc khỏi cái gì không?— Đúng, khỏi tội lỗi và sự chết mà A-đam truyền lại. Sự sống hoàn toàn của một người trưởng thành mà Chúa Giê-su hy sinh vì chúng ta được gọi là giá chuộc. Đức Giê-hô-va cung cấp giá chuộc để chúng ta được tha tội.—Ma-thi-ơ 20:28; Rô-ma 5:8; 6:23.

Chắc chắn chúng ta không muốn quên những gì Đức Chúa Trời và Con Ngài đã làm cho chúng ta phải không?— Chúa Giê-su chỉ cho môn đồ ngài một cách đặc biệt để giúp chúng ta nhớ những gì ngài đã làm. Chúng ta hãy nói về điều này nhé.

Hãy thử tưởng tượng em có mặt trong phòng trên lầu một căn nhà ở Giê-ru-sa-lem. Đêm đã xuống. Chúa Giê-su và các sứ đồ ngồi vào bàn. Trên bàn có thịt chiên quay, bánh mì và rượu nho đỏ. Đó là một bữa ăn đặc biệt. Em có biết lý do tại sao không?—

Bữa ăn này là để nhắc nhở họ về điều Đức Giê-hô-va đã làm nhiều trăm năm trước đó, khi dân ngài là Y-sơ-ra-ên làm nô lệ ở xứ Ai Cập. Vào lúc đó, Đức Giê-hô-va ra lệnh cho dân Ngài: ‘Mỗi gia đình giết một con chiên con và lấy huyết bôi trên cây cột của nhà’. Rồi Ngài nói: ‘Hãy vào trong nhà và ăn thịt chiên’.

Máu chiên con đã bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?

Dân Y-sơ-ra-ên làm theo lệnh. Và trong đêm đó, thiên sứ của Đức Chúa Trời đi qua xứ Ai Cập. Trong đa số nhà, thiên sứ giết con đầu lòng. Nhưng nhà nào thiên sứ thấy có máu chiên trên cột nhà thì vượt qua. Trong các nhà đó, không có trẻ em nào chết. Pha-ra-ôn vua xứ Ai Cập kinh hãi vì điều thiên sứ Đức Giê-hô-va đã làm. Vì vậy ông nói với dân Y-sơ-ra-ên: ‘Các ngươi được trả tự do. Hãy ra khỏi xứ Ai Cập!’ Dân Y-sơ-ra-ên liền chất của cải lên lạc đà và lừa rồi đi ra khỏi xứ.

Đức Giê-hô-va không muốn dân Ngài quên việc Ngài đã giải thoát họ. Vì vậy Ngài nói: ‘Mỗi năm một lần, các ngươi phải ăn một bữa như bữa các ngươi ăn đêm nay’. Họ gọi bữa ăn đặc biệt này là Lễ Vượt Qua. Em có biết tại sao không?— Bởi vì đêm đó thiên sứ của Đức Chúa Trời “vượt qua” nhà nào có dấu máu.—Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-13, 24-27, 31.

Chúa Giê-su và các sứ đồ suy nghĩ về điều này khi ăn Lễ Vượt Qua. Sau đó, Chúa Giê-su làm một điều rất quan trọng. Tuy nhiên, trước khi ngài làm, sứ đồ bất trung là Giu-đa bị đuổi ra ngoài. Rồi Chúa Giê-su cầm lấy một ổ bánh còn thừa lại, cầu nguyện tạ ơn, bẻ ra và trao cho các sứ đồ. Ngài nói: “Hãy lấy ăn đi”. Rồi ngài nói với họ: ‘Bánh này tượng trưng thân thể ta mà ta sẽ phó cho khi ta chết vì các ngươi’.

Kế đó, Chúa Giê-su cầm lấy ly rượu nho đỏ. Sau khi cầu nguyện tạ ơn một lần nữa, ngài chuyền ly rượu đi và nói: “Hết thảy hãy uống đi”. Và ngài bảo họ: ‘Rượu này tượng trưng cho huyết ta. Chẳng bao lâu nữa, ta sẽ đổ huyết ra để giải thoát các ngươi khỏi tội lỗi. Hãy làm điều này để nhớ đến ta’.—Ma-thi-ơ 26:26-28; 1 Cô-rinh-tô 11:23-26.

Huyết của Chúa Giê-su, được ngài so sánh với rượu nho, có thể làm gì cho chúng ta?

Em có để ý thấy Chúa Giê-su bảo các môn đồ phải làm điều này để nhớ đến ngài không?— Họ sẽ không còn ăn Lễ Vượt Qua nữa. Thay vì thế, mỗi năm một lần họ sẽ ăn bữa đặc biệt này để tưởng nhớ Chúa Giê-su và sự chết của ngài. Bữa ăn này được gọi là Bữa Tiệc Thánh của Chúa. Ngày nay chúng ta thường gọi là Lễ Tưởng Niệm. Tại sao vậy?— Bởi vì bữa tiệc ấy nhắc chúng ta nhớ đến những gì Chúa Giê-su và Cha ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta.

Bánh làm cho chúng ta nghĩ đến thân thể Chúa Giê-su. Ngài sẵn lòng hy sinh thân thể ngài để chúng ta có thể được sự sống đời đời. Còn rượu nho đỏ thì sao?— Rượu đỏ nhắc nhở chúng ta về giá trị của huyết Chúa Giê-su. Huyết ấy quý giá hơn huyết chiên Lễ Vượt Qua ở Ai Cập. Em biết tại sao không?— Kinh Thánh nói rằng huyết của Chúa Giê-su có thể khiến chúng ta được tha tội. Và khi nào tất cả tội lỗi của chúng ta được xóa, chúng ta sẽ không còn ốm đau, già đi và chết nữa. Chúng ta nên suy nghĩ về điều này khi tham dự Lễ Tưởng Niệm.

Có phải mọi người đều ăn bánh và uống rượu vào Lễ Tưởng Niệm không?— Chúa Giê-su nói với những người ăn bánh và uống rượu: ‘Các ngươi sẽ có phần trong nước ta, và được ngồi trên ngôi ở trên trời với ta’. (Lu-ca 22:19, 20, 30) Điều này có nghĩa là họ sẽ lên trời để làm vua với Chúa Giê-su. Vậy chỉ người nào có hy vọng cùng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời mới nên ăn bánh và uống rượu.

Nhưng ngay cả những người không ăn bánh và uống rượu cũng nên tham dự Lễ Tưởng Niệm. Em có biết tại sao không?— Tại vì Chúa Giê-su cũng đã phó sự sống ngài cho chúng ta nữa. Bằng cách đi dự Lễ Tưởng Niệm, chúng ta cho thấy rằng mình không quên. Chúng ta vẫn nhớ đến món quà tuyệt vời của Đức Chúa Trời.

Những câu Kinh Thánh cho thấy tầm quan trọng của giá chuộc mà Chúa Giê-su cung cấp: 1 Cô-rinh-tô 5:7; Ê-phê-sô 1:7; 1 Ti-mô-thê 2:5, 6; và 1 Phi-e-rơ 1:18, 19.