Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI TÁM

Báp têm và mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời

Báp têm và mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời
  • Tín đồ Đấng Christ làm báp têm như thế nào?

  • Bạn cần hội đủ những điều kiện nào để được làm báp têm?

  • Bằng cách nào một người dâng mình cho Đức Chúa Trời?

  • Lý do đặc biệt để làm báp têm là gì?

1. Tại sao vị quan người Ê-thi-ô-bi xin được báp têm?

“NẦY, nước đây, có sự gì ngăn-cấm tôi chịu phép báp-têm chăng?” Đó là câu hỏi của vị quan người Ê-thi-ô-bi vào thế kỷ thứ nhất. Một tín đồ Đấng Christ là Phi-líp đã chứng minh cho ông thấy rằng Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa từ trước. Cảm động trước những gì ông biết được qua Kinh Thánh, vị quan này đã chứng tỏ bằng hành động. Ông xin làm báp têm!—Công-vụ 8:26-36.

2. Tại sao bạn nên suy nghĩ nghiêm túc về việc báp têm?

2 Nếu đã học kỹ các chương trước của sách này với một Nhân Chứng Giê-hô-va, có lẽ bạn cảm thấy đã đến lúc để hỏi: ‘Có gì ngăn cản mình làm báp têm không?’ Đến nay bạn đã biết được lời hứa của Kinh Thánh về sự sống đời đời trong Địa Đàng. (Lu-ca 23:43; Khải-huyền 21:3, 4) Bạn cũng đã hiểu về tình trạng thật của người chết và niềm hy vọng sống lại. (Truyền-đạo 9:5; Giăng 5:28, 29) Có lẽ bạn đã kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va qua các buổi họp trong hội thánh và đã tận mắt chứng kiến cách họ thực hành tôn giáo thật. (Giăng 13:35) Điều quan trọng nhất hẳn là bạn đã bắt đầu phát triển mối quan hệ cá nhân với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

3. (a) Chúa Giê-su phán gì cùng môn đồ? (b) Việc báp têm dưới nước được thực hiện như thế nào?

3 Làm sao bạn có thể cho thấy mình muốn phụng sự Đức Chúa Trời? Chúa Giê-su phán cùng môn đồ: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... làm phép báp-têm cho họ”. (Ma-thi-ơ 28:19) Chính Chúa Giê-su nêu gương bằng cách làm báp têm dưới nước. Không phải bằng cách rảy nước hay đổ nước lên đầu. (Ma-thi-ơ 3:16) Từ “báp têm” ra từ chữ Hy Lạp có nghĩa là “nhúng”. Do đó, phép báp têm của tín đồ Đấng Christ có nghĩa là toàn thân được nhận xuống nước.

4. Việc báp têm dưới nước cho thấy điều gì?

4 Làm báp têm dưới nước là điều đòi hỏi nơi tất cả những ai muốn có mối quan hệ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Làm báp têm là cho người khác thấy bạn muốn phụng sự Đức Chúa Trời, và vui mừng làm theo ý muốn của Ngài. (Thi-thiên 40:7, 8) Tuy nhiên muốn hội đủ điều kiện để báp têm, bạn phải thực hiện những bước cụ thể.

CẦN CÓ SỰ HIỂU BIẾT VÀ ĐỨC TIN

5. (a) Để hội đủ điều kiện làm báp têm, bước đầu tiên là gì? (b) Tại sao các buổi họp đạo Đấng Christ là quan trọng?

5 Bạn đã bắt đầu thực hiện bước đầu tiên. Bằng cách nào? Bằng cách nhìn biết tức là tiếp nhận sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ, có lẽ nhờ học Kinh Thánh theo một chương trình nhất định. (Giăng 17:3) Nhưng còn nhiều điều phải học nữa. Tín đồ Đấng Christ muốn “được đầy-dẫy sự hiểu-biết về ý-muốn của [Đức Chúa Trời]”. (Cô-lô-se 1:9) Dự các buổi họp hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va giúp ích rất nhiều về phương diện này. Điều này rất quan trọng. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Việc tham dự đều đặn sẽ giúp bạn gia tăng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời.

Tiếp nhận sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời là bước quan trọng để hội đủ điều kiện làm báp têm

6. Bạn phải hiểu biết Kinh Thánh bao nhiêu để hội đủ điều kiện làm báp têm?

6 Dĩ nhiên, bạn không cần phải biết mọi điều trong Kinh Thánh mới hội đủ điều kiện làm báp têm. Vị quan người Ê-thi-ô-bi đã biết một ít rồi, nhưng ông cần được giúp hiểu vài phần nào đó trong Kinh Thánh. (Công-vụ 8:30, 31) Cũng vậy, bạn còn nhiều điều phải học. Thật thế, bạn sẽ không bao giờ ngừng học hỏi về Đức Chúa Trời. (Truyền-đạo 3:11) Tuy nhiên, trước khi có thể làm báp têm bạn cần biết và chấp nhận tối thiểu những giáo lý căn bản của Kinh Thánh. (Hê-bơ-rơ 5:12) Những giáo lý đó bao gồm lẽ thật về tình trạng người chết cũng như tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời và Nước Trời.

7. Học hỏi Kinh Thánh phải tác động đến bạn thế nào?

7 Nhưng chỉ có sự hiểu biết thôi thì không đủ, vì “không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý [Đức Chúa Trời]”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng khi một số người ở thành Cô-rinh-tô xưa nghe thông điệp của tín đồ Đấng Christ, họ “tin và chịu phép báp-têm”. (Công-vụ 18:8) Cũng vậy, việc học hỏi giúp bạn tin rằng Kinh Thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Việc học hỏi Kinh Thánh cũng giúp bạn có đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời và quyền lực cứu rỗi của giá chuộc của Chúa Giê-su.—Giô-suê 23:14; Công-vụ 4:12; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

CHIA SẺ LẼ THẬT KINH THÁNH VỚI NGƯỜI KHÁC

8. Điều gì sẽ thôi thúc bạn chia sẻ với người khác về những gì mình học được?

8 Khi đức tin lớn lên trong lòng, bạn sẽ thấy khó giữ riêng những gì mình học được. (Giê-rê-mi 20:9) Bạn sẽ cảm thấy được thôi thúc để nói với người khác về Đức Chúa Trời và ý định của Ngài.—2 Cô-rinh-tô 4:13.

Đức tin phải thôi thúc bạn chia sẻ những điều mình tin với người khác

9, 10. (a) Bạn có thể bắt đầu chia sẻ lẽ thật của Kinh Thánh với ai? (b) Bạn nên làm gì nếu muốn tham gia vào công việc rao giảng do Nhân Chứng Giê-hô-va tổ chức?

9 Bạn có thể bắt đầu chia sẻ lẽ thật của Kinh Thánh với người khác bằng cách khéo léo nói với bà con, bạn bè, người lân cận và người cùng sở. Với thời gian, hẳn bạn sẽ muốn tham gia vào công việc rao giảng do Nhân Chứng Giê-hô-va tổ chức. Lúc ấy, bạn cứ bàn lại vấn đề với người đang hướng dẫn bạn học Kinh Thánh. Nếu thấy là bạn có vẻ hội đủ điều kiện để chính thức tham gia rao giảng thì sẽ có sắp đặt để bạn và người hướng dẫn bạn tiếp xúc với hai trưởng lão trong hội thánh.

10 Điều này sẽ giúp bạn biết rõ hơn một vài trưởng lão, những người chăn bầy của Đức Chúa Trời. (Công-vụ 20:28; 1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Nếu những trưởng lão này thấy rằng bạn hiểu và tin những giáo lý căn bản của Kinh Thánh, đang sống phù hợp với nguyên tắc của Đức Chúa Trời và thật sự muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va thì họ sẽ cho bạn biết rằng bạn hội đủ điều kiện để tham gia vào công việc rao giảng với tư cách là người công bố tin mừng chưa báp têm.

11. Một số người có thể phải thay đổi thói quen nào trước khi hội đủ điều kiện để được chính thức rao giảng?

11 Mặt khác, có thể bạn cần phải thay đổi một vài điều trong lối sống và thói quen thì mới hội đủ điều kiện để được chính thức tham gia rao giảng. Có thể là bạn phải bỏ một vài thói quen mà mình đã giữ kín từ lâu. Vì thế, trước khi xin trở thành một người công bố chưa báp têm, bạn phải từ bỏ những tội nghiêm trọng như vô luân, say sưa và lạm dụng ma túy.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; Ga-la-ti 5:19-21.

ĂN NĂN VÀ CẢI HÓA

12. Tại sao ăn năn là cần thiết?

12 Bạn cần thực hiện những bước khác trước khi hội đủ điều kiện làm báp têm. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Hãy ăn-năn và trở lại, đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi”. (Công-vụ 3:19) Ăn năn là thành thật cảm thấy hối hận về những gì mình đã làm. Ăn năn là điều thích đáng nếu một người từng sống vô luân, nhưng ngay cả một người sống tương đối trong sạch về đạo đức cũng cần ăn năn. Tại sao? Vì tất cả mọi người đều phạm tội và cần sự tha thứ của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 3:23; 5:12) Trước khi học Kinh Thánh, bạn không biết ý muốn của Đức Chúa Trời là gì, thế thì làm sao bạn có thể sống phù hợp với ý muốn ấy? Do đó bạn cần phải ăn năn.

13. Cải hóa có nghĩa gì?

13 Sau khi ăn năn, một người phải “trở lại”, nghĩa là cải hóa. Bạn phải làm điều gì đó chứ không phải chỉ hối tiếc. Bạn cần từ bỏ lối sống trước kia và nhất quyết làm điều đúng từ nay trở đi. Ăn năn và cải hóa là hai bước bạn cần thực hiện trước khi báp têm.

DÂNG MÌNH

14. Bạn phải thực hiện một bước quan trọng nào khác trước khi làm báp têm?

14 Bạn phải thực hiện một bước quan trọng khác trước khi làm báp têm. Đó là dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Bạn đã dâng mình cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện chưa?

15, 16. Dâng mình cho Đức Chúa Trời có nghĩa gì, và điều gì thúc đẩy một người làm thế?

15 Khi dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện tha thiết, bạn hứa là sẽ mãi mãi thờ phượng một mình Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:15; Ma-thi-ơ 4:10) Nhưng tại sao một người muốn làm điều đó? Hãy lấy thí dụ, một người nam đang tìm hiểu một người nữ. Càng biết về nàng và thấy những đức tính tốt của nàng, anh càng cảm thấy nàng dễ yêu. Với thời gian, hẳn nhiên anh ấy sẽ hỏi cưới nàng. Đành rằng kết hôn sẽ có nghĩa là phải gánh thêm trách nhiệm, nhưng tình yêu sẽ thúc đẩy anh tiến đến bước quan trọng đó.

16 Khi bạn biết và yêu thương Đức Giê-hô-va, lòng bạn thôi thúc bạn phụng sự Ngài không nghi ngại bất cứ điều gì, cũng không đặt giới hạn trong sự thờ phượng Ngài. Bất cứ người nào muốn theo Con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, thì phải “từ bỏ chính mình”. (Mác 8:34; TTGM) Chúng ta từ bỏ chính mình có nghĩa là không để cho ước muốn và mục tiêu cá nhân cản trở mình trọn vẹn vâng lời Đức Chúa Trời. Thế thì trước khi bạn có thể báp têm, làm theo ý muốn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời phải là mục đích chính trong đời sống bạn.—1 Phi-e-rơ 4:2.

VƯỢT QUA NỖI SỢ THẤT BẠI

17. Tại sao một số người ngần ngại không dâng mình cho Đức Chúa Trời?

17 Một số người ngần ngại không dâng mình cho Đức Giê-hô-va vì họ sợ bước quan trọng đó. Có lẽ họ sợ một khi trở thành tín đồ đã dâng mình của Đấng Christ, họ phải chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời. Sợ thất bại và làm Đức Giê-hô-va thất vọng, nên họ nghĩ rằng tốt nhất là không dâng mình cho Ngài.

18. Điều gì có thể thôi thúc bạn dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

18 Khi biết yêu thương Đức Giê-hô-va, bạn cảm thấy lòng thôi thúc để dâng mình cho Ngài và cố hết sức sống phù hợp với điều đó. (Truyền-đạo 5:4) Sau khi dâng mình, chắc chắn bạn muốn “ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường”. (Cô-lô-se 1:10) Vì yêu thương Đức Chúa Trời, bạn sẽ không nghĩ rằng làm theo ý muốn của Ngài là quá khó. Chắc chắn bạn sẽ đồng ý với sứ đồ Giăng, người đã viết: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”.—1 Giăng 5:3.

19. Tại sao bạn không cần phải sợ dâng mình cho Đức Chúa Trời?

19 Bạn không cần phải hoàn toàn mới dâng mình phụng sự Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va biết giới hạn của bạn và không hề đòi hỏi điều gì quá sức bạn. (Thi-thiên 103:14) Ngài muốn bạn thành công đồng thời sẽ hỗ trợ và giúp đỡ bạn. (Ê-sai 41:10) Bạn có thể chắc chắn rằng nếu hết lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Ngài ‘sẽ chỉ-dẫn các nẻo của bạn’.—Châm-ngôn 3:5, 6.

BIỂU TRƯNG SỰ DÂNG MÌNH BẰNG CÁCH LÀM BÁP TÊM

20. Tại sao việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va là điều không thể giữ riêng?

20 Suy nghĩ về những gì chúng ta mới vừa thảo luận có thể giúp bạn quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Tất cả những ai thật sự yêu mến Đức Chúa Trời cũng phải ‘tuyên bố lòng tin ấy ra thì được cứu rỗi’. (Rô-ma 10:10, TVC) Bạn làm điều đó như thế nào?

Báp têm có nghĩa là chết đi tức là chấm dứt lối sống cũ và rồi sống lại để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời

21, 22. Bạn có thể “tuyên bố lòng tin” của mình như thế nào?

21 Hãy cho giám thị chủ tọa trong hội thánh biết bạn muốn làm báp têm. Anh sẽ sắp đặt để vài trưởng lão có thể ôn lại một số câu hỏi với bạn về những dạy dỗ căn bản của Kinh Thánh. Nếu các trưởng lão này đồng ý là bạn hội đủ điều kiện, họ sẽ cho biết bạn có thể làm báp têm vào dịp tới. * Trong những dịp ấy, thường có một bài giảng ôn lại ý nghĩa của phép báp têm. Sau đó, diễn giả sẽ mời tất cả những người sắp làm báp têm trả lời hai câu hỏi đơn giản, đây là một cách để những người ấy “tuyên bố lòng tin” của mình.

22 Chính phép báp têm cho mọi người biết bạn đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và bây giờ là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Những người hội đủ điều kiện làm báp têm sẽ được nhận toàn thân dưới nước để cho thấy họ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

Ý NGHĨA PHÉP BÁP TÊM CỦA BẠN

23. Báp têm “nhân danh Cha, Con, và Thánh Linh” có nghĩa gì?

23 Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ ngài sẽ được báp têm “nhân danh Cha, Con, và Thánh Linh”. (Ma-thi-ơ 28:19, BDY) Điều này có nghĩa là những người hội đủ điều kiện làm báp têm nhận biết uy quyền của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ. (Thi-thiên 83:18; Ma-thi-ơ 28:18) Người ấy cũng nhận biết chức năng và hoạt động của thánh linh, tức sinh hoạt lực, của Đức Chúa Trời.—Ga-la-ti 5:22; 2 Phi-e-rơ 1:21.

24, 25. (a) Phép báp têm biểu trưng cho điều gì? (b) Câu hỏi nào cần được giải đáp?

24 Tuy nhiên, báp têm không chỉ là việc ngâm mình trong nước, nhưng biểu trưng một sự kiện rất quan trọng. Trầm người dưới nước biểu trưng việc bạn chết đi tức là chấm dứt lối sống cũ. Việc ra khỏi nước cho thấy rằng giờ đây bạn sống để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Cũng hãy nhớ rằng bạn dâng mình cho chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chứ không phải hiến cuộc đời cho một việc làm, một chính nghĩa, một tổ chức hay những người khác. Sự dâng mình và báp têm của bạn là bắt đầu một tình bạn thân thiết với Đức Chúa Trời—mối quan hệ mật thiết với Ngài.—Thi-thiên 25:14.

25 Làm báp têm không bảo đảm một người được cứu rỗi. Sứ đồ Phao-lô viết: “[Hãy] lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình”. (Phi-líp 2:12) Phép báp têm chỉ là sự khởi đầu. Câu hỏi được nêu ra là: Làm sao bạn có thể giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời? Chương cuối sẽ giải đáp câu hỏi này.