Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG NĂM

Giá chuộc—Món quà cao quý nhất từ Đức Chúa Trời

Giá chuộc—Món quà cao quý nhất từ Đức Chúa Trời
  • Giá chuộc là gì?

  • Giá chuộc được cung cấp bằng cách nào?

  • Giá chuộc có lợi ích gì cho bạn?

  • Bạn có thể tỏ lòng biết ơn về giá chuộc bằng cách nào?

1, 2. (a) Khi nào một món quà có giá trị lớn đối với cá nhân bạn? (b) Tại sao nói rằng giá chuộc là món quà giá trị nhất mà bạn có thể nhận được?

MÓN QUÀ quý nhất bạn từng nhận được là gì? Không phải món quà đắt tiền mới là quan trọng. Đúng vậy, giá trị thật của nó không nhất thiết được xác định qua giá tiền. Khi món quà đem lại hạnh phúc hay đáp ứng nhu cầu thực tế trong đời sống bạn, nó có giá trị lớn đối với cá nhân bạn.

2 Trong số tất cả những món quà mà bạn có thể đã từng mong đợi, có một món nổi bật nhất. Đó là món quà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta nhiều thứ, nhưng món quà cao quý nhất là Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, để làm giá chuộc cho chúng ta. (Ma-thi-ơ 20:28) Như chúng ta sẽ thấy trong chương này, giá chuộc là món quà giá trị nhất mà bạn có thể nhận được, vì nó mang lại cho bạn hạnh phúc không kể xiết và thỏa mãn nhu cầu tối quan trọng của bạn. Giá chuộc quả thật biểu hiện tình yêu thương cao cả nhất của Đức Giê-hô-va dành cho bạn.

GIÁ CHUỘC LÀ GÌ?

3. Giá chuộc là gì, và chúng ta cần hiểu điều gì để quý trọng món quà quý giá này?

3 Nói một cách đơn giản, giá chuộc là phương tiện Đức Giê-hô-va dùng để giải thoát hay cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. (Ê-phê-sô 1:7) Để hiểu ý nghĩa của giáo lý này trong Kinh Thánh, chúng ta cần nghĩ lại về những gì xảy ra trong vườn Ê-đen. Chỉ khi nào hiểu A-đam đánh mất điều gì khi phạm tội thì chúng ta mới có thể biết tại sao giá chuộc là món quà quý giá đối với chúng ta.

4. Sự sống của người hoàn toàn có nghĩa gì cho A-đam?

4 Khi tạo ra A-đam, Đức Giê-hô-va cho ông một điều hết sức quý giá—sự sống của một người hoàn toàn. Hãy xem điều này có nghĩa gì cho A-đam. Được tạo ra với thân thể và trí óc hoàn toàn, ông sẽ không bao giờ mắc bệnh, già hoặc chết. Là một người hoàn toàn, ông có một mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh nói A-đam là “con Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 3:38) Vì thế ông có mối quan hệ mật thiết với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, như con đối với người cha yêu thương. Đức Giê-hô-va thông tri với người con trên đất, giao cho A-đam công việc thỏa nguyện và cho ông biết Ngài muốn ông làm gì.—Sáng-thế Ký 1:28-30; 2:16, 17.

5. Kinh Thánh hàm ý gì khi nói A-đam được tạo “giống như hình Đức Chúa Trời”?

5 A-đam được tạo “giống như hình Đức Chúa Trời”. (Sáng-thế Ký 1:27) Điều đó không có nghĩa là ông có hình dạng giống Đức Chúa Trời. Như đã học trong Chương 1 của sách này, Đức Giê-hô-va là Đấng vô hình. (Giăng 4:24) Vì vậy Đức Giê-hô-va không có thể xác bằng xương bằng thịt. Được tạo theo hình Đức Chúa Trời có nghĩa là A-đam được tạo với những đức tính giống như Đức Chúa Trời, bao gồm yêu thương, khôn ngoan, công bình và quyền năng. A-đam giống Cha về một điểm quan trọng khác là ông có tự do ý chí. Vì vậy, A-đam không giống một người máy chỉ có thể làm những gì mình được thiết kế để làm. Trái lại, ông có thể quyết định, chọn lựa giữa điều đúng và sai. Nếu chọn vâng lời Đức Chúa Trời, ông sẽ được sống mãi trong địa đàng.

6. Khi A-đam cãi lời Đức Chúa Trời, ông đánh mất điều gì, và con cháu ông bị ảnh hưởng thế nào?

6 Thế thì rõ ràng là khi A-đam cãi lời Đức Chúa Trời và bị kết án phải chết, ông đã phải trả một giá rất đắt. Tội lỗi làm ông mất sự sống của người hoàn toàn cùng với tất cả các ân phước. (Sáng-thế Ký 3:17-19) Đáng buồn là A-đam không những đánh mất sự sống quý giá của chính mình mà còn của con cháu tương lai của ông nữa. Lời Đức Chúa Trời nói: “Bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”. (Rô-ma 5:12) Quả thật, tất cả chúng ta gánh chịu tội lỗi di truyền từ A-đam. Vì vậy, Kinh Thánh nói rằng ông “bán” chính mình và con cháu vào vòng tôi mọi cho tội lỗi và sự chết. (Rô-ma 7:14) Không có hy vọng nào cho A-đam hay Ê-va vì họ cố tình cãi lời Đức Chúa Trời. Nhưng còn con cháu họ, kể cả chúng ta thì sao?

7, 8. Giá chuộc bao hàm hai điều cơ bản nào?

7 Đức Giê-hô-va cứu vớt nhân loại qua giá chuộc. Giá chuộc hay tiền chuộc mạng là gì? Khái niệm về sự chuộc mạng bao hàm hai điều cơ bản. Thứ nhất, đó là giá phải trả để giải thoát hay chuộc lại điều gì đó, có thể ví với cái giá phải nộp để một tù binh được phóng thích. Thứ hai, giá chuộc là giá phải trả cho một chi phí nào đó, tương tự như giá phải trả để bồi thường cho một sự thiệt hại hay tổn thương. Thí dụ, nếu một người gây ra tai nạn, người ấy phải trả một số tiền tương xứng hoặc bằng với giá trị những gì bị thiệt hại.

8 Làm sao có thể trả hết sự mất mát to lớn mà A-đam gây ra cho tất cả chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết? Chúng ta hãy xem xét giá chuộc mà Đức Giê-hô-va cung cấp và nó đem lại những lợi ích nào cho bạn.

CÁCH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CUNG CẤP GIÁ CHUỘC

9. Giá chuộc cần thỏa mãn điều kiện nào?

9 Vì một mạng sống hoàn toàn đã bị mất, không có một mạng sống của người bất toàn nào có thể chuộc lại được. (Thi-thiên 49:7-9) Điều cần phải có là một giá chuộc có giá trị bằng với những gì đã mất. Đòi hỏi này phù hợp với nguyên tắc hoàn toàn công bằng tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời, đó là: “Mạng đền mạng”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:21) Vậy điều gì sẽ đền bù giá trị của sự sống hoàn toàn mà A-đam đã đánh mất? Cần phải có một sự sống hoàn toàn khác để làm giá chuộc tương xứng.—1 Ti-mô-thê 2:6.

10. Đức Giê-hô-va cung cấp giá chuộc bằng cách nào?

10 Đức Giê-hô-va cung cấp giá chuộc bằng cách nào? Ngài sai một con thần linh hoàn toàn xuống đất, nhưng không phải bất cứ tạo vật thần linh nào mà là chính Con một hết sức yêu quý của Ngài. (1 Giăng 4:9, 10) Người Con này sẵn sàng rời chỗ ở trên trời. (Phi-líp 2:7) Như đã học trong chương trước của sách này, Đức Giê-hô-va đã thực hiện một phép lạ khi chuyển sự sống người Con này vào lòng bà Ma-ri. Nhờ thánh linh của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su được sinh ra là người hoàn toàn và không nhiễm tội.—Lu-ca 1:35.

Đức Giê-hô-va ban Con một làm giá chuộc cho chúng ta

11. Làm sao một người có thể làm giá chuộc cho hàng triệu người?

11 Làm sao một người có thể làm giá chuộc cho nhiều người, ngay cả cho hàng triệu người? Thử nghĩ xem nguyên nhân nào khiến cho hàng triệu người đều mắc phải tội lỗi? Hãy nhớ rằng khi phạm tội, A-đam làm mất sự sống hoàn toàn, là điều thật quý giá. Vì thế, ông không thể truyền sự sống hoàn toàn lại cho con cháu. Trái lại ông chỉ có thể truyền lại tội lỗi và sự chết. Chúa Giê-su, người mà Kinh Thánh gọi là “A-đam sau hết”, có sự sống hoàn toàn, và ngài chẳng hề phạm tội. (1 Cô-rinh-tô 15:45) Vì vậy có thể nói là Chúa Giê-su thay thế A-đam để cứu chúng ta. Bằng cách hy sinh mạng sống hoàn toàn và trọn vẹn vâng lời Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su trả giá chuộc cho tội lỗi của A-đam. Do đó, ngài đem lại hy vọng cho con cháu A-đam.—Rô-ma 5:19; 1 Cô-rinh-tô 15:21, 22.

12. Qua việc chịu đựng sự đau đớn, Chúa Giê-su đã chứng tỏ điều gì?

12 Kinh Thánh miêu tả chi tiết về sự đau khổ mà Chúa Giê-su phải chịu trước khi chết. Ngài bị đánh đập tàn nhẫn, bị đóng đinh đau đớn và chịu cái chết thảm thương trên cây khổ hình. (Giăng 19:1, 16-18, 30; Phụ Lục, trang 204-206) Tại sao Chúa Giê-su cần phải chịu khổ nhiều đến thế? Trong một chương sau của sách này, chúng ta sẽ biết Sa-tan đã nêu câu hỏi là Đức Giê-hô-va có tôi tớ nào trên đất sẽ giữ trung thành với Ngài hay không khi bị thử thách. Bằng cách trung thành bất chấp đau đớn cùng cực, Chúa Giê-su cung cấp lời giải đáp hay nhất cho thách thức của Sa-tan. Ngài chứng tỏ rằng một người hoàn toàn, có tự do ý chí, có thể giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời bất kể những gì Ma-quỉ làm. Hẳn Đức Giê-hô-va vui mừng biết bao trước sự trung thành của người Con yêu quý!—Châm-ngôn 27:11.

13. Giá chuộc được trả như thế nào?

13 Giá chuộc được trả như thế nào? Vào ngày 14 tháng Ni-san, theo lịch Do Thái, năm 33 CN, Đức Chúa Trời để cho người Con hoàn toàn và vô tội bị hành quyết. Bằng cách này, Chúa Giê-su hy sinh mạng sống hoàn toàn của ngài “một lần đủ cả”. (Hê-bơ-rơ 10:10) Vào ngày thứ ba sau khi Chúa Giê-su chết, Đức Giê-hô-va cho ngài sống lại trong thể thần linh. Lên trời, Chúa Giê-su trình cho Đức Chúa Trời giá trị mạng sống hoàn toàn mà ngài đã hy sinh để làm giá chuộc cho con cháu của A-đam. (Hê-bơ-rơ 9:24) Đức Giê-hô-va chấp nhận giá trị sự hy sinh của Chúa Giê-su là giá chuộc cần thiết để giải cứu nhân loại khỏi vòng nô lệ cho tội lỗi và sự chết.—Rô-ma 3:23, 24.

GIÁ CHUỘC ĐEM LẠI CHO BẠN NHỮNG LỢI ÍCH NÀO?

14, 15. Để nhận được “sự tha tội”, chúng ta phải làm gì?

14 Bất kể tình trạng tội lỗi, chúng ta có thể hưởng được ân phước vô giá nhờ vào giá chuộc. Chúng ta hãy xem xét một số lợi ích hiện tại và tương lai nhờ món quà cao quý nhất này của Đức Chúa Trời.

15 Sự tha tội. Vì gánh chịu sự bất toàn, chúng ta phải phấn đấu rất nhiều để làm điều thiện. Tất cả chúng ta đều phạm tội trong lời nói hay việc làm. Nhưng nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, chúng ta có thể nhận được “sự tha tội”. (Cô-lô-se 1:13, 14) Tuy nhiên, để được tha tội, chúng ta phải thành thật ăn năn. Chúng ta cũng phải khiêm nhường van xin Đức Giê-hô-va tha thứ dựa trên đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Con Ngài.—1 Giăng 1:8, 9.

16. Điều gì giúp chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời với một lương tâm trong sạch, và lương tâm như thế có giá trị gì?

16 Lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Một lương tâm mang mặc cảm tội lỗi dễ khiến chúng ta cảm thấy tuyệt vọng và vô dụng. Nhưng qua sự tha tội nhờ giá chuộc, Đức Giê-hô-va nhân từ cho phép chúng ta thờ phượng Ngài với một lương tâm trong sạch bất kể sự bất toàn của chúng ta. (Hê-bơ-rơ 9:13, 14) Nhờ đó chúng ta có thể dạn dĩ, không ngại ngùng đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. (Hê-bơ-rơ 4:14-16) Khi gìn giữ một lương tâm trong sạch, chúng ta có sự bình an tâm trí, có lòng tự trọng và được hạnh phúc.

17. Những ân phước nào có được vì Chúa Giê-su đã chết cho chúng ta?

17 Hy vọng sống mãi trong địa đàng. Rô-ma 6:23 nói: “Tiền công của tội-lỗi là sự chết”. Và câu này nói thêm: “Nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”. Trong Chương 3 sách này, chúng ta đã bàn luận về những ân phước sắp đến trong Địa Đàng. (Khải-huyền 21:3, 4) Tất cả những ân phước tương lai đó, kể cả sự sống đời đời với sức khỏe hoàn toàn, có được là vì Chúa Giê-su đã chết cho chúng ta. Để nhận được ân phước ấy, chúng ta cần phải tỏ lòng biết ơn về giá chuộc.

BẠN CÓ THỂ TỎ LÒNG BIẾT ƠN NHƯ THẾ NÀO?

18. Tại sao chúng ta nên biết ơn Đức Giê-hô-va về sự ban cho giá chuộc?

18 Tại sao chúng ta nên biết ơn Đức Giê-hô-va một cách sâu đậm về giá chuộc? Một món quà đặc biệt quý giá khi người cho phải hy sinh thời giờ, nỗ lực, hay chịu nhiều phí tổn. Chúng ta cảm động khi nhận món quà gói ghém tình thương chân thật của người tặng. Giá chuộc là món quà quý giá hơn tất cả món quà nào khác, vì Đức Chúa Trời đã hy sinh nhiều hơn bao giờ hết để cung cấp cho chúng ta. Giăng 3:16 nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài”. Giá chuộc là bằng chứng nổi bật nhất về lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta. Đó cũng là bằng chứng về lòng yêu thương của Chúa Giê-su, vì ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chúng ta. (Giăng 15:13) Vì vậy việc ban cho giá chuộc hẳn giúp chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va và Con Ngài yêu thương mỗi cá nhân chúng ta.—Ga-la-ti 2:20.

Tìm hiểu thêm về Đức Giê-hô-va là một cách để bạn tỏ lòng biết ơn về việc Ngài ban cho giá chuộc

19, 20. Bằng những cách nào bạn có thể tỏ lòng biết ơn về việc Đức Chúa Trời đã cung cấp giá chuộc?

19 Thế thì bằng cách nào bạn có thể tỏ lòng biết ơn về việc Đức Chúa Trời đã cung cấp giá chuộc? Trước hết, hãy tìm hiểu thêm về Đấng Ban Cho Vĩ Đại, Đức Giê-hô-va. (Giăng 17:3) Dùng sách này để học Kinh Thánh sẽ giúp bạn hiểu thêm về Ngài. Càng hiểu biết về Đức Giê-hô-va, tình yêu thương đối với Ngài sẽ càng sâu đậm thêm. Rồi tình thương đó sẽ thúc đẩy bạn muốn làm Ngài vui lòng.—1 Giăng 5:3.

20 Thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời”. (Giăng 3:36) Làm sao chúng ta chứng tỏ mình có đức tin nơi Chúa Giê-su? Đức tin đó không chỉ biểu lộ qua lời nói. Gia-cơ 2:26 nói: ‘Đức-tin không có việc làm thì chết’. Đúng vậy, đức tin thật chứng tỏ bằng “việc làm”, tức hành động của chúng ta. Một cách cho thấy chúng ta có đức tin nơi Chúa Giê-su là cố hết sức để noi gương ngài không những bằng lời nói mà còn bằng hành động.—Giăng 13:15.

21, 22. (a) Tại sao hàng năm chúng ta nên dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa? (b) Chương 6 và 7 sẽ giải thích điều gì?

21 Hàng năm tham dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa. Vào chiều tối ngày 14 tháng Ni-san năm 33 CN, Chúa Giê-su thiết lập một ngày lễ đặc biệt mà Kinh Thánh gọi là “Tiệc-thánh của Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 11:20; Ma-thi-ơ 26:26-28) Ngày lễ này cũng được gọi là Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ. Chúa Giê-su thiết lập lễ này để giúp các sứ đồ và mọi tín đồ Đấng Christ ghi nhớ rằng qua sự chết của ngài với tư cách một người hoàn toàn, ngài hy sinh mạng sống để làm giá chuộc. Về lễ này, Chúa Giê-su phán: “Hãy làm sự nầy để nhớ đến ta”. (Lu-ca 22:19) Giữ Lễ Tưởng Niệm nhắc chúng ta nhớ đến tình yêu thương cao cả mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã bày tỏ qua giá chuộc. Chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn về giá chuộc bằng cách hàng năm đến dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. *

22 Giá chuộc mà Đức Giê-hô-va ban cho quả là một món quà vô giá. (2 Cô-rinh-tô 9:14, 15) Món quà này có thể có ích ngay cả cho những người đã chết. Chương 67 sẽ giải thích điều này.

^ đ. 21 Để biết thêm về ý nghĩa Bữa Tiệc Thánh của Chúa, xin xem Phụ Lục, trang 206-208.