Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG BẢY

Hy vọng thật cho những người thân đã mất

Hy vọng thật cho những người thân đã mất
  • Làm sao chúng ta biết sự sống lại sẽ thật sự xảy ra?

  • Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về việc làm người chết sống lại?

  • Ai sẽ được sống lại?

1-3. Kẻ thù nào đuổi theo tất cả chúng ta, và tại sao xem qua những gì Kinh Thánh dạy giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm phần nào?

GIẢ SỬ có một kẻ thù nguy hiểm, vừa mạnh vừa nhanh đang rượt theo bạn. Hắn rất độc ác vì đã giết một số bạn bè của bạn. Dù bạn cố hết sức chạy trốn, càng lúc hắn càng tiến gần hơn. Dường như không còn hy vọng nào cả. Nhưng bỗng có một người xuất hiện bên cạnh, người ấy mạnh hơn kẻ thù đó rất nhiều, và hứa sẽ cứu bạn. Hẳn bạn cảm thấy nhẹ nhõm biết bao!

2 Thật sự, cũng có thể nói là bạn đang bị một kẻ thù như thế đuổi theo. Tất cả chúng ta đều ở trong tình thế đó. Như đã học trong chương trước, Kinh Thánh gọi sự chết là kẻ thù. Không ai trong chúng ta có thể chạy nhanh hơn hay tránh khỏi nó. Hầu hết mọi người chúng ta đều thấy kẻ thù này cướp mất mạng sống của người thân yêu. Nhưng Đức Giê-hô-va mạnh hơn sự chết rất nhiều. Là Đấng Giải Cứu đầy yêu thương, Ngài đã chứng tỏ có thể đánh bại kẻ thù này. Và Ngài hứa sẽ vĩnh viễn loại trừ kẻ thù đó. Kinh Thánh dạy: “Kẻ thù bị hủy-diệt sau-cùng, tức là sự chết”. (1 Cô-rinh-tô 15:26) Đó quả là tin mừng!

3 Bây giờ chúng ta hãy xem sự chết ảnh hưởng thế nào đến chúng ta. Như thế chúng ta sẽ hiểu được một điều rất đáng mừng: Đức Giê-hô-va hứa sẽ cho người chết được sống lần nữa. (Ê-sai 26:19) Đây là niềm hy vọng sống lại.

KHI NGƯỜI THÂN YÊU MẤT ĐI

4. (a) Tại sao phản ứng của Chúa Giê-su trước cái chết của một người thân cho chúng ta biết về cảm xúc của Đức Giê-hô-va? (b) Chúa Giê-su có những người bạn thân nào?

4 Có ai chưa từng bị mất người thân? Chắc hẳn nỗi đau buồn và cảm giác bất lực tưởng chừng không thể chịu đựng được. Những lúc như thế, chúng ta cần tìm đến Lời Đức Chúa Trời để được an ủi. (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4) Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về sự chết. Hoàn toàn phản ánh Cha ngài, Chúa Giê-su biết được nỗi đau đớn khi một người thân yêu chết. (Giăng 14:9) Khi đến Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su thường ghé thăm La-xa-rơ, Ma-ri và Ma-thê, sống ở thành Bê-tha-ni kế cận. Họ trở thành bạn thân của ngài. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ”. (Giăng 11:5) Tuy nhiên, như đã học trong chương trước, La-xa-rơ mắc bệnh và chết.

5, 6. (a) Chúa Giê-su phản ứng thế nào khi ngài đến với gia đình và bạn bè của La-xa-rơ trong lúc họ đang đau buồn? (b) Tại sao sự kiện Chúa Giê-su đau buồn là điều khích lệ cho chúng ta?

5 Chúa Giê-su cảm thấy thế nào khi bạn ngài mất? Lời tường thuật cho chúng ta biết ngài đến với bà con và bạn bè của La-xa-rơ trong lúc họ đang đau buồn than khóc. Khi thấy họ, Chúa Giê-su “bèn đau lòng cảm-động”. Sau đó lời tường thuật ghi: “Đức Chúa Jêsus khóc”. (Giăng 11:33, 35) Chúa Giê-su đau buồn có phải vì ngài tuyệt vọng không? Hoàn toàn không. Thật vậy, ngài biết một điều tuyệt diệu sắp xảy ra. (Giăng 11:3, 4) Tuy nhiên, ngài vẫn cảm nhận nỗi đau đớn và buồn khổ gây ra bởi sự chết.

6 Trong một phương diện nào đó, sự kiện Chúa Giê-su đau buồn là điều khích lệ cho chúng ta. Điều này cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su và Cha ngài, Đức Giê-hô-va, không muốn thấy người ta chết. Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể đánh bại kẻ thù đó! Chúng ta hãy xem Ngài cho Chúa Giê-su quyền làm gì.

“HỠI LA-XA-RƠ, HÃY RA!”

7, 8. Tại sao trường hợp của La-xa-rơ dường như là vô vọng đối với người đang đứng xem, nhưng Chúa Giê-su đã làm gì?

7 La-xa-rơ được chôn trong mộ, và Chúa Giê-su bảo lăn hòn đá trước cửa mộ ra. Ma-thê tỏ ý ngăn cản vì đã bốn ngày hẳn là xác của La-xa-rơ bắt đầu thối rữa. (Giăng 11:39) Theo quan điểm của con người, còn có hy vọng nào nữa đâu?

Sự sống lại của La-xa-rơ đem lại niềm vui khôn xiết.—Giăng 11:38-44

8 Người ta lăn hòn đá ra, và Chúa Giê-su kêu lên một tiếng lớn: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!” Điều gì đã xảy ra? “Người chết đi ra”. (Giăng 11:43, 44) Bạn có thể tưởng tượng được niềm vui của những người ở đó không? Dù có quan hệ nào với La-xa-rơ—anh em, bà con, bạn bè hay là người hàng xóm—họ đều biết rằng ông đã chết. Nhưng kìa, chính người mà họ thương yêu đang đứng trước mặt họ. Đây hẳn là điều khó tin. Chắc nhiều người đã vui mừng ôm choàng lấy La-xa-rơ. Quả là một chiến thắng trước sự chết!

Ê-li làm con trai một bà góa sống lại.—1 Các Vua 17:17-24

9, 10. (a) Chúa Giê-su cho biết nhờ đâu ngài có quyền năng làm La-xa-rơ sống lại? (b) Chúng ta nhận được lợi ích nào khi đọc những lời tường thuật trong Kinh Thánh về sự sống lại?

9 Chúa Giê-su không hề cho rằng chính ngài đã làm phép lạ kỳ diệu này. Trong lời cầu nguyện trước khi kêu La-xa-rơ đi ra, ngài nói rõ Đức Giê-hô-va là Nguồn của sự sống lại. (Giăng 11:41, 42) Đây không phải là lần duy nhất mà Đức Giê-hô-va dùng quyền năng làm người chết sống lại. Trường hợp của La-xa-rơ là một trong chín phép lạ về sự sống lại được ghi trong Lời Đức Chúa Trời. * Đọc và tìm hiểu về những sự tường thuật ấy rất thích thú. Qua đó chúng ta biết Đức Chúa Trời không thiên vị, vì những người được sống lại có già lẫn trẻ, nam lẫn nữ, người Do Thái lẫn dân ngoại. Và những đoạn ấy miêu tả niềm vui không kể xiết! Thí dụ, khi Chúa Giê-su làm sống lại một bé gái, cha mẹ em “vui mừng khôn xiết”. (Mác 5:42, NW) Quả thật, Đức Giê-hô-va đã cho họ một niềm vui mà họ không bao giờ quên được.

Sứ đồ Phi-e-rơ làm nữ tín đồ Đô-ca sống lại.—Công-vụ 9:36-42

10 Dĩ nhiên, những người được Chúa Giê-su làm sống lại cuối cùng phải chết lần nữa. Như vậy có phải việc làm cho họ sống lại là vô ích không? Chắc chắn không. Những lời tường thuật này của Kinh Thánh khẳng định những lẽ thật quan trọng và cho chúng ta hy vọng.

LỜI TƯỜNG THUẬT VỀ SỰ SỐNG LẠI CHO BIẾT GÌ?

11. Lời tường thuật về La-xa-rơ sống lại giúp khẳng định lẽ thật ghi trong Truyền-đạo 9:5 như thế nào?

11 Kinh Thánh dạy rằng người chết “chẳng biết chi hết”. Họ không còn sống và không hiện hữu ở đâu cả. Lời tường thuật về La-xa-rơ khẳng định điều này. Khi sống lại, La-xa-rơ có kể những chuyện hào hứng ở trên trời cho người ta nghe không? Hay là kể những câu chuyện khủng khiếp về địa ngục nóng bỏng không? Không. Kinh Thánh không nói La-xa-rơ đã kể gì cả. Trong bốn ngày ông chết, ông “chẳng biết chi hết”. (Truyền-đạo 9:5) La-xa-rơ chỉ ngủ trong sự chết.—Giăng 11:11.

12. Tại sao chúng ta có thể biết chắc sự sống lại của La-xa-rơ là chuyện có thật?

12 Lời tường thuật về La-xa-rơ cho chúng ta biết rằng sự sống lại là thật chứ không phải huyền thoại. Chúa Giê-su làm La-xa-rơ sống lại trước mắt nhiều người. Ngay cả những nhà lãnh đạo tôn giáo thù ghét Chúa Giê-su cũng không bác bỏ phép lạ này. Trái lại, họ nói: “Người nầy [Chúa Giê-su] làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào?” (Giăng 11:47) Dân chúng đến để xem người được sống lại. Kết quả là có thêm người đã đặt đức tin nơi Chúa Giê-su. Họ thấy La-xa-rơ là bằng chứng trước mắt chứng tỏ Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời sai đến. Bằng chứng này mạnh đến độ một số người lãnh đạo tôn giáo Do Thái cứng lòng đã bàn mưu để giết Chúa Giê-su và La-xa-rơ.—Giăng 11:53; 12:9-11.

13. Chúng ta có lý do gì để tin rằng Đức Giê-hô-va thật sự có khả năng làm người chết sống lại?

13 Phải chăng tin sự sống lại có thật là không thực tế? Không, vì Chúa Giê-su phán rằng “mọi người ở trong mồ-mả” sẽ được sống lại. (Giăng 5:28) Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa của muôn loài. Vậy thì có gì khó tin là Ngài có khả năng tạo lại sự sống? Dĩ nhiên phần lớn điều này tùy thuộc vào trí nhớ của Đức Giê-hô-va. Ngài có khả năng nhớ lại những người thân yêu đã mất của chúng ta không? Có hàng tỷ tỷ các vì sao trong vũ trụ, thế mà Đức Chúa Trời đặt tên cho mỗi vì sao! (Ê-sai 40:26) Vậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể nhớ từng chi tiết về những người thân đã mất của chúng ta, và Ngài sẵn sàng cho họ sống lần nữa.

14, 15. Qua những gì Gióp nói, Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về việc làm người chết sống lại?

14 Nhưng Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về việc làm sống lại những người đã chết? Kinh Thánh dạy rằng Ngài rất muốn cho họ sống lại. Người trung thành Gióp đã hỏi: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!” Gióp nói về việc chờ đợi trong mồ cho đến khi Đức Chúa Trời nhớ lại ông. Ông nói với Đức Giê-hô-va: “Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại; Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa”.—Gióp 14:13-15.

15 Hãy suy nghĩ! Đức Giê-hô-va đoái đến hay mong muốn làm cho người chết sống lại. Biết được Đức Giê-hô-va cảm thấy như thế chẳng phải là điều thật an ủi hay sao? Nhưng còn về sự sống lại trong tương lai thì sao? Ai sẽ được sống lại và ở đâu?

“MỌI NGƯỜI Ở TRONG MỒ-MẢ”

16. Những người chết được sống lại sẽ ở trong một thế giới như thế nào?

16 Lời tường thuật của Kinh Thánh về sự sống lại cho chúng ta biết nhiều điều về sự sống lại trong tương lai. Những người đã được sống lại ngay trên đất này được sum họp với người thân yêu của họ. Sự sống lại trong tương lai sẽ tương tự như thế—nhưng tốt hơn nhiều. Như đã học trong Chương 3, ý định Đức Chúa Trời là làm cho cả trái đất thành địa đàng. Vì vậy người chết sẽ được sống lại trong một thế giới không có chiến tranh, tội ác và bệnh tật. Họ có cơ hội sống mãi mãi trên đất này trong tình trạng hòa bình và hạnh phúc.

17. Sự sống lại sẽ rộng lớn đến mức nào?

17 Ai sẽ được sống lại? Chúa Giê-su nói rằng “mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài [Chúa Giê-su] và ra khỏi”. (Giăng 5:28, 29) Tương tự, Khải-huyền 20:13 nói: “Biển đem trả những người chết mình chứa; sự chết và Âm-phủ cũng đem trả những người chết mình có”. “Âm-phủ”, dịch từ chữ Hy Lạp là “Hades”, ám chỉ mồ chung của nhân loại. (Xin xem Phụ Lục, trang 212, 213). Mồ mả sẽ trống rỗng. Tất cả hàng tỷ người nằm trong ấy sẽ được sống lại. Sứ đồ Phao-lô nói: “Sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. (Công-vụ 24:15) Điều đó có nghĩa gì?

Trong Địa Đàng, người chết sẽ được sống lại và sum họp với những người thân yêu

18. “Người công-bình” sẽ được sống lại bao gồm những ai, và hy vọng này tác động đến cá nhân bạn như thế nào?

18 “Người công-bình” bao gồm nhiều người mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh đã sống trước thời Chúa Giê-su xuống trái đất. Bạn có thể nghĩ đến Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra, Môi-se, Ru-tơ, Ê-xơ-tê và nhiều người khác nữa. Một số những người có đức tin mạnh này được đề cập trong chương 11 của sách Hê-bơ-rơ. Nhưng “người công-bình” cũng bao gồm những tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã chết trong thời kỳ chúng ta. Nhờ hy vọng sống lại, chúng ta có thể không còn sợ chết.—Hê-bơ-rơ 2:15.

19. Những người “không công-bình” là ai, và Đức Giê-hô-va nhân từ cho họ cơ hội nào?

19 Còn tất cả những người không phụng sự hoặc vâng lời Đức Giê-hô-va vì chưa hề biết về Ngài thì sao? Hàng tỷ người “không công bình” này không bị lãng quên. Họ cũng sẽ được sống lại và được cho thời gian để học biết về Đức Chúa Trời thật và phụng sự Ngài. Trong thời kỳ một ngàn năm, người chết sẽ được sống lại và có cơ hội để cùng với những người trung thành trên đất phụng sự Đức Giê-hô-va. Đó là một thời kỳ tuyệt diệu. Thời kỳ này Kinh Thánh gọi là Ngày Phán Xét. *

20. Ghê-hen-na là gì, và ai bị quăng vào đó?

20 Phải chăng điều này có nghĩa là tất cả những người đã từng sống đều được sống lại? Không. Kinh Thánh nói rằng một số người chết ở trong “Ghê-hen-na”. (Lu-ca 12:5, NW) Chữ “Ghê-hen-na” đến từ tên của một nơi đổ rác ở ngoài thành Giê-ru-sa-lem xưa. Những xác chết và rác bị thiêu đốt ở đó. Người Do Thái xem những người chết mà xác bị quăng vào đó không đáng được chôn và không đáng sống lại. Vì thế Ghê-hen-na là biểu tượng thích hợp cho sự hủy diệt vĩnh viễn. Dù Chúa Giê-su có vai trò phán xét người sống và người chết, nhưng Đức Giê-hô-va là Đấng Phán Xét tối hậu. (Công-vụ 10:42) Ngài không bao giờ làm sống lại những người mà Ngài xét là gian ác và không muốn thay đổi.

SỰ SỐNG LẠI ĐỂ LÊN TRỜI

21, 22. (a) Sự sống lại khác là gì? (b) Ai là người đầu tiên được sống lại trong thể thần linh?

21 Kinh Thánh cũng nói về một sự sống lại khác, đó là sự sống lại với tư cách một tạo vật thần linh ở trên trời. Một thí dụ duy nhất ghi trong Kinh Thánh về sự sống lại này là của Chúa Giê-su Christ.

22 Sau khi Chúa Giê-su bị giết, Đức Giê-hô-va không để cho người Con trung thành của Ngài ở luôn trong mồ. (Thi-thiên 16:10; Công-vụ 13:34, 35) Đức Chúa Trời đã làm cho Chúa Giê-su sống lại, nhưng không phải để sống trên đất. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích rằng Đấng Christ “bị giết chết về xác thịt nhưng đã được tác sinh về Thần khí”. (1 Phi-e-rơ 3:18, NTT) Điều này quả là một phép lạ kỳ diệu. Chúa Giê-su được sống lần nữa với tư cách một thần linh mạnh mẽ. (1 Cô-rinh-tô 15:3-6) Chúa Giê-su là người đầu tiên nhận được sự sống lại đầy vinh hiển này. (Giăng 3:13) Nhưng ngài không phải là người cuối cùng.

23, 24. Ai hợp thành “bầy nhỏ”, và có tất cả bao nhiêu người?

23 Ít lâu trước khi chết, Chúa Giê-su nói với môn đồ trung thành rằng ngài sẽ trở về trời và ‘sắm-sẵn cho họ một chỗ’. (Giăng 14:2) Chúa Giê-su gọi những người lên trời là “bầy nhỏ”. (Lu-ca 12:32) Có bao nhiêu người được ở trong nhóm tương đối nhỏ gồm các tín đồ trung thành này? Theo Khải-huyền 14:1, sứ đồ Giăng nói: “Tôi nhìn xem, thấy Chiên Con [Chúa Giê-su] đứng trên núi Si-ôn, và với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người đều có danh Chiên Con và danh Cha Chiên Con ghi trên trán mình”.

24 Lớp 144.000 người này, trong đó gồm cả các sứ đồ trung thành của Chúa Giê-su, được sống lại để lên trời. Khi nào sự sống lại này xảy ra? Sứ đồ Phao-lô viết rằng điều này sẽ xảy ra trong thời kỳ Đấng Christ hiện diện. (1 Cô-rinh-tô 15:23) Như bạn sẽ học trong Chương 9, chúng ta đang sống trong thời kỳ đó. Vậy một ít người còn lại trong số 144.000 nếu chết trong thời kỳ này thì được sống lại tức khắc để lên trời. (1 Cô-rinh-tô 15:51-55) Tuy nhiên, trong tương lai đại đa số nhân loại có triển vọng được sống lại trong Địa Đàng.

25. Chúng ta sẽ xem xét đề tài nào trong chương kế tiếp?

25 Đúng vậy, Đức Giê-hô-va thật sự sẽ đánh bại kẻ thù là sự chết, và nó sẽ biến mất vĩnh viễn! (Ê-sai 25:8) Nhưng bạn có lẽ tự hỏi: ‘Những người được sống lại lên trời sẽ làm gì ở đó?’ Họ sẽ là thành viên của chính phủ tuyệt diệu ở trên trời. Chúng ta sẽ học nhiều hơn về chính phủ này trong chương kế tiếp.

^ đ. 19 Để biết thêm về Ngày Phán Xét và cơ sở để phán xét, xin xem Phụ Lục, trang 213-215.