Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 6

Ê-tiên—“Đầy ân huệ và quyền năng của Đức Chúa Trời”

Ê-tiên—“Đầy ân huệ và quyền năng của Đức Chúa Trời”

Học từ cách Ê-tiên làm chứng dạn dĩ trước Tòa Tối Cao

Dựa trên Công vụ 6:8–8:3

1-3. (a) Ê-tiên đương đầu với hoàn cảnh đáng sợ nào, nhưng ông đã phản ứng ra sao? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

 Ê-tiên đứng trước tòa. Trong một sảnh đường uy nghi, có lẽ gần đền thờ ở thành Giê-ru-sa-lem, 71 người đàn ông ngồi theo hình vòng cung lớn. Hôm nay, Tòa Tối Cao họp lại để xét xử Ê-tiên. Các quan tòa là những người quyền thế và có ảnh hưởng lớn, hầu hết đều khinh thường môn đồ này của Chúa Giê-su. Hơn nữa, người triệu tập phiên tòa hôm nay là thầy tế lễ thượng phẩm Cai-pha, chính là người vài tháng trước đã chủ tọa phiên họp của Tòa Tối Cao kết án Chúa Giê-su Ki-tô tội chết. Ê-tiên có sợ hãi không?

2 Gương mặt của Ê-tiên lúc đó có một đặc điểm đáng chú ý. Các quan tòa nhìn ông chăm chăm và thấy gương mặt ông “giống như mặt thiên sứ” (Công 6:15). Các thiên sứ mang thông điệp của Giê-hô-va Đức Chúa Trời nên họ có lý do để thanh thản, bình an và không sợ hãi. Ê-tiên có cùng tâm trạng đó, thậm chí những quan tòa lòng đầy căm ghét cũng thấy được. Làm sao ông có thể bình tĩnh như vậy?

3 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có thể học được nhiều điều từ lời giải đáp cho câu hỏi trên. Ngoài ra, chúng ta cần biết điều gì khiến Ê-tiên rơi vào hoàn cảnh gay go này. Trước đó ông đã bênh vực niềm tin của mình như thế nào? Làm sao chúng ta có thể noi gương ông?

“Họ kích động dân chúng” (Công vụ 6:8-15)

4, 5. (a) Tại sao Ê-tiên là một người hữu ích và đáng quý đối với hội thánh? (b) Ê-tiên “được đầy ân huệ và quyền năng của Đức Chúa Trời” như thế nào?

4 Chúng ta đã biết Ê-tiên là một người hữu ích và đáng quý trong hội thánh mới thành lập của đạo Đấng Ki-tô. Nơi chương trước của sách này, chúng ta biết ông ở trong số bảy người nam khiêm nhường đã sẵn lòng trợ giúp các sứ đồ khi được kêu gọi giúp đỡ. Lòng khiêm nhường của ông càng đáng chú ý hơn khi chúng ta xem xét những món quà ông được ban. Công vụ 6:8 cho chúng ta thấy ông có thể làm “các dấu lạ và việc kỳ diệu” như một số sứ đồ đã làm. Chúng ta cũng được biết Ê-tiên là người “được đầy ân huệ và quyền năng của Đức Chúa Trời”. Điều đó có nghĩa gì?

5 Từ Hy Lạp được dịch là ‘ân huệ của Đức Chúa Trời’ cũng có thể dịch là “nhã nhặn”. Rõ ràng Ê-tiên có tính tử tế và mềm mại, là những đức tính thu hút người khác. Ông có cách nói thuyết phục, khiến người nghe tin rằng ông có lòng thành thật và những điều ông dạy mang lại lợi ích cho họ. Vì khiêm nhường vâng theo sự hướng dẫn của thần khí nên thần khí Đức Giê-hô-va hoạt động trên Ê-tiên, và bởi thế ông có đầy quyền năng. Thay vì tự cao về những món quà cũng như khả năng của mình, ông quy cho Đức Giê-hô-va mọi lời ngợi khen và thể hiện lòng yêu thương quan tâm đến người nghe. Thế nên, chẳng lạ gì khi những người chống đối xem ông là mối đe dọa.

6-8. (a) Những kẻ chống đối Ê-tiên đã khép ông vào hai tội nào, và tại sao? (b) Vì sao gương của Ê-tiên hữu ích cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay?

6 Nhiều người nổi dậy tranh cãi với Ê-tiên, nhưng “vì lời ông nói có sự khôn ngoan và được thần khí hướng dẫn nên họ không biện bác được”. a Bực tức, họ “âm thầm xúi giục” người ta cáo buộc môn đồ vô tội này của Đấng Ki-tô. Họ cũng “kích động dân chúng”, các trưởng lão và thầy kinh luật để Ê-tiên bị bắt giải ra trước Tòa Tối Cao (Công 6:9-12). Những người chống đối khép ông vào hai tội: xúc phạm Môi-se và cả Đức Chúa Trời. Như thế nào?

7 Những người cáo gian nói rằng Ê-tiên phạm thượng với Đức Chúa Trời vì nói phạm đến “nơi thánh”, tức đền thờ tại Giê-ru-sa-lem (Công 6:13). Họ buộc tội ông xúc phạm Môi-se vì nói phạm đến Luật pháp Môi-se, thay đổi những tục lệ do Môi-se truyền lại. Đây là lời buộc tội nghiêm trọng, vì dân Do Thái thời đó rất xem trọng đền thờ, các điều luật trong Luật pháp Môi-se cùng nhiều lời truyền khẩu mà họ thêm vào bộ luật đó. Vì vậy, lời buộc tội ấy hàm ý rằng Ê-tiên là một người nguy hiểm, đáng tội chết!

8 Buồn thay, đó là hình thức mà những người có đạo thường dùng để gây khó khăn cho tôi tớ Đức Chúa Trời. Đến thời nay, những người chống đối trong các tôn giáo đôi khi cũng kích động chính quyền để bắt bớ Nhân Chứng Giê-hô-va. Chúng ta nên phản ứng thế nào khi đương đầu với những lời buộc tội dối trá và xuyên tạc? Chúng ta có thể học được nhiều điều từ Ê-tiên.

Dạn dĩ làm chứng về “Đức Chúa Trời vinh hiển” (Công vụ 7:1-53)

9, 10. Các nhà phê bình chỉ trích thế nào về lời giảng của Ê-tiên, và chúng ta cần nhớ điều gì?

9 Như đề cập ở đầu bài, gương mặt của Ê-tiên thanh thản như mặt của thiên sứ khi ông nghe những lời buộc tội mình. Bấy giờ Cai-pha quay sang ông và nói: “Những lời đó có đúng không?” (Công 7:1). Đến lượt Ê-tiên nói. Và ông đã tận dụng cơ hội này!

10 Một số nhà phê bình đã chỉ trích lời giảng của Ê-tiên, họ cho rằng dù ông nói dài như vậy mà chẳng đáp lại những lời buộc tội. Nhưng thật ra, Ê-tiên đã nêu gương xuất sắc cho chúng ta về cách “bênh vực” tin mừng (1 Phi 3:15). Hãy nhớ là ông bị buộc tội phạm thượng với Đức Chúa Trời vì nói phạm đến đền thờ, và tội xúc phạm Môi-se vì nói phạm đến Luật pháp. Ê-tiên đáp lời bằng cách tóm tắt ba giai đoạn lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên và cẩn thận nhấn mạnh một số điểm. Chúng ta hãy xem từng giai đoạn một.

11, 12. (a) Ê-tiên đã dùng gương của Áp-ra-ham một cách hữu hiệu như thế nào? (b) Tại sao Ê-tiên đề cập đến Giô-sép trong lời giảng của mình?

11 Thời các tộc trưởng (Công 7:1-16). Ê-tiên mở đầu bằng cách nói về Áp-ra-ham, nhân vật được người Do Thái kính trọng vì đức tin của ông. Tuy mở đầu bằng điểm chung quan trọng này, nhưng Ê-tiên nhấn mạnh rằng “Đức Chúa Trời vinh hiển” đã hiện ra với Áp-ra-ham lần đầu tiên ở Mê-sô-bô-ta-mi (Công 7:2). Thật thế, Áp-ra-ham chỉ là người tạm trú trong Đất Hứa. Ông không có đền thờ cũng chẳng có Luật pháp Môi-se. Vậy ai có thể khăng khăng cho rằng lòng trung thành với Đức Chúa Trời phải luôn tùy thuộc vào hai điều đó?

12 Một nhân vật thuộc dòng dõi Áp-ra-ham cũng được những người trong phiên tòa tôn kính là Giô-sép, nhưng Ê-tiên nhắc họ rằng các người anh của Giô-sép, tức tổ phụ của các chi phái Y-sơ-ra-ên, đã ngược đãi người công chính ấy và bán ông làm nô lệ. Tuy nhiên, ông đã trở thành công cụ của Đức Chúa Trời để cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi nạn đói. Chắc hẳn Ê-tiên thấy rõ sự tương đồng giữa Giô-sép và Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng ông chưa đề cập đến điểm đó để giữ mọi người nghe ông lâu hơn.

13. Lời giảng của Ê-tiên về Môi-se đã đáp lại lời buộc tội ông như thế nào, và điều đó giúp khai triển điểm mấu chốt nào?

13 Thời Môi-se (Công 7:17-43). Ê-tiên đề cập nhiều đến Môi-se, làm thế là khôn ngoan vì có nhiều thành viên trong Tòa Tối Cao là người Sa-đu-sê. Những người này bác bỏ tất cả các sách khác trong Kinh Thánh, ngoại trừ những sách do Môi-se viết. Hãy nhớ rằng Ê-tiên cũng bị buộc tội xúc phạm Môi-se. Lời giảng của Ê-tiên đã trực tiếp đáp lại lời buộc tội ấy, vì ông chứng tỏ mình rất tôn trọng Môi-se và Luật pháp (Công 7:38). Ê-tiên nhắc họ rằng Môi-se cũng bị chối bỏ bởi những người ông cố gắng cứu giúp. Họ đã chối bỏ ông vào năm ông 40 tuổi. Hơn 40 năm sau, họ nhiều lần thách thức quyền lãnh đạo của ông. b Qua cách đó, Ê-tiên dần dần khai triển điểm mấu chốt: Dân Đức Chúa Trời đã nhiều lần chối bỏ những người được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để dẫn dắt họ.

14. Ê-tiên dùng trường hợp của Môi-se để hỗ trợ những điểm nào trong lời giảng của mình?

14 Ê-tiên nhắc những người trong phiên tòa nhớ đến lời Môi-se đã báo trước rằng sẽ có một nhà tiên tri giống như Môi-se dấy lên trong dân Y-sơ-ra-ên. Người đó là ai, và sẽ được tiếp đón như thế nào? Ê-tiên dành câu trả lời cho phần kết. Ông nêu một điểm mấu chốt khác: Môi-se biết rằng bất cứ mảnh đất nào cũng có thể trở nên thánh, như mảnh đất có bụi gai cháy, nơi Đức Giê-hô-va nói chuyện với ông. Thế thì, sự thờ phượng Đức Giê-hô-va có thể nào bị hạn chế hoặc giới hạn trong một tòa nhà nào đó, chẳng hạn như đền thờ tại Giê-ru-sa-lem không? Chúng ta hãy xem.

15, 16. (a) Tại sao lều thánh rất quan trọng để Ê-tiên khai triển lập luận của mình? (b) Ê-tiên đã dùng đền thờ của Sa-lô-môn trong lời giảng của ông như thế nào?

15 Lều thánh và đền thờ (Công 7:44-50). Ê-tiên nhắc các quan tòa nhớ rằng khi chưa có đền thờ nào ở Giê-ru-sa-lem, Đức Chúa Trời đã truyền lệnh Môi-se dựng một lều thánh, tức nơi thờ phượng có cấu trúc như một cái lều có thể tháo dỡ và di dời. Ai dám tranh luận rằng lều thánh ấy không đáng trọng bằng đền thờ, vì chính Môi-se cũng thờ phượng Đức Chúa Trời tại đó?

16 Về sau, khi Sa-lô-môn xây đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, ông được Đức Chúa Trời hướng dẫn để đưa ra một bài học quan trọng qua lời cầu nguyện của ông. Theo lời của Ê-tiên, “Đấng Tối Cao không ngự trong những ngôi nhà do tay con người dựng nên” (Công 7:48; 2 Sử 6:18). Đức Giê-hô-va có thể dùng một đền thờ để thực hiện ý định của ngài, nhưng ngài không bị giới hạn trong phạm vi ấy. Thế thì, tại sao những người thờ phượng Đức Chúa Trời phải nghĩ rằng sự thờ phượng thanh sạch tùy thuộc vào một tòa nhà do con người dựng nên? Ê-tiên đưa ra một lời kết luận hùng hồn bằng cách trích dẫn sách Ê-sai: “Đức Giê-hô-va phán: Trời là ngai ta, đất là bệ chân ta. Các ngươi sẽ xây loại nhà nào cho ta? Hay chỗ nghỉ ngơi của ta ở đâu? Chẳng phải mọi vật ấy do tay ta dựng nên sao?”.—Công 7:49, 50; Ê-sai 66:1, 2.

17. Lời giảng của Ê-tiên (a) đề cập đến thái độ của người nghe như thế nào? (b) đáp lại những lời buộc tội ông ra sao?

17 Đến điểm này, khi xem lại lời Ê-tiên nói với Tòa Tối Cao, hẳn bạn đồng ý rằng ông đã khéo léo đề cập đến thái độ của những người vu cáo ông. Ê-tiên cho thấy rằng ý định của Đức Giê-hô-va luôn tiến triển và linh động, không cứng nhắc và bị ràng buộc bởi truyền thống. Người nào khư khư giữ lòng sùng kính đối với tòa nhà nguy nga ở Giê-ru-sa-lem, cũng như đối với những phong tục và truyền thống liên quan đến Luật pháp Môi-se thì thật ra họ không hiểu ý định nằm sau Luật pháp và đền thờ! Lời giảng của Ê-tiên gián tiếp đưa ra một câu hỏi trọng yếu: Chẳng phải cách tốt nhất để thể hiện lòng tôn kính Luật pháp và đền thờ là vâng lời Đức Giê-hô-va sao? Thật vậy, lời giảng của Ê-tiên đã biện minh xuất sắc cho những hành động của ông, vì ông đã nỗ lực hết mình để vâng lời Đức Giê-hô-va.

18. Chúng ta nên cố gắng noi gương Ê-tiên qua những cách nào?

18 Chúng ta học được gì từ lời giảng của Ê-tiên? Ông rất quen thuộc với Kinh Thánh. Tương tự thế, chúng ta cần nghiêm túc học hỏi Lời Đức Chúa Trời nếu muốn dùng “lời của chân lý một cách đúng đắn” (2 Ti 2:15). Chúng ta cũng có thể học sự nhã nhặn và tế nhị từ Ê-tiên. Hầu như không có cử tọa nào có thái độ thù nghịch bằng những người đang nghe ông! Tuy nhiên, trong khoảng thời gian cho phép, ông đã duy trì điểm chung với họ bằng cách dựa trên những điều mà họ xem trọng. Ông cũng nói với họ một cách tôn trọng, gọi những người lớn tuổi là “các bậc cha anh” (Công 7:2). Chúng ta cũng nên trình bày những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời với “thái độ ôn hòa và lòng kính trọng sâu xa”.—1 Phi 3:15.

19. Ê-tiên đã can đảm rao truyền thông điệp phán xét của Đức Giê-hô-va cho Tòa Tối Cao như thế nào?

19 Tuy nhiên, chúng ta không ngần ngại chia sẻ những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời vì sợ làm người ta phật lòng, cũng không giảm nhẹ thông điệp phán xét của Đức Giê-hô-va. Ê-tiên là một trường hợp điển hình. Hẳn ông đã thấy rằng mọi bằng chứng ông trình bày trước Tòa Tối Cao chẳng tác động bao nhiêu đến các quan tòa cứng lòng ấy. Thế nên, được thúc đẩy bởi thần khí, ông kết thúc bài giảng của mình bằng cách can đảm cho thấy rằng họ cũng giống các tổ phụ của họ, là những người đã chối bỏ Giô-sép, Môi-se và mọi nhà tiên tri (Công 7:51-53). Quả thật, chính các thẩm phán này trong Tòa Tối Cao đã giết Đấng Mê-si, đấng mà Môi-se cũng như tất cả các nhà tiên tri đều đã báo trước rằng sẽ đến. Thật ra, họ đã vi phạm Luật pháp Môi-se một cách tồi tệ nhất!

“Lạy Chúa Giê-su, xin tiếp lấy sự sống tôi” (Công vụ 7:54–8:3)

“Nghe những lời đó, họ điên tiết trong lòng và nghiến răng nhìn ông”.—Công vụ 7:54

20, 21. Tòa Tối Cao đã phản ứng thế nào trước lời giảng của Ê-tiên, và Đức Giê-hô-va thêm sức cho ông bằng cách nào?

20 Sự thật không thể chối cãi trong lời giảng của Ê-tiên khiến các quan tòa đó nổi cơn thịnh nộ. Mất cả nhân cách, họ nghiến răng giận dữ với Ê-tiên. Người đàn ông trung thành ấy hẳn nhận thấy rằng ông sẽ không nhận được sự thương xót, như Chủ của ông là Chúa Giê-su.

21 Ê-tiên cần can đảm để đương đầu với những điều phía trước. Chắc chắn ông được khích lệ rất nhiều nhờ khải tượng mà Đức Giê-hô-va đã nhân từ cho ông thấy lúc đó. Ê-tiên thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và thấy Chúa Giê-su đứng bên hữu Đức Giê-hô-va! Trong lúc Ê-tiên miêu tả khải tượng ấy, các quan tòa bịt tai lại. Tại sao? Trước đó, Chúa Giê-su từng nói cho tòa ấy biết ngài là Đấng Mê-si và không lâu nữa ngài sẽ ở bên hữu Cha ngài (Mác 14:62). Khải tượng của Ê-tiên chứng tỏ Chúa Giê-su đã nói sự thật. Đúng thế, Tòa Tối Cao đã phản bội và giết Đấng Mê-si! Thế là họ cùng nhau vội vàng kéo Ê-tiên ra ngoài và ném đá ông đến chết. c

22, 23. Cái chết của Ê-tiên giống với cái chết của Chúa Giê-su như thế nào, và làm sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có thể vững lòng như Ê-tiên?

22 Ê-tiên chết rất giống với Chủ của ông, trong tâm trạng bình an, tràn đầy niềm tin nơi Đức Giê-hô-va và sẵn sàng tha thứ cho những người giết mình. Ông nói “lạy Chúa Giê-su, xin tiếp lấy sự sống tôi” có lẽ vì ông vẫn nhìn thấy Con Người và Đức Giê-hô-va trong khải tượng. Chắc chắn, Ê-tiên biết lời khích lệ sau của Chúa Giê-su: “Tôi là sự sống lại và sự sống” (Giăng 11:25). Cuối cùng, Ê-tiên cầu nguyện lớn tiếng với Đức Chúa Trời: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin đừng bắt họ chịu tội này”. Nói xong lời đó thì ông an giấc.—Công 7:59, 60.

23 Như thế, Ê-tiên là người đầu tiên được ghi lại trong số các môn đồ tử vì đạo của Đấng Ki-tô. (Xem khung “ ‘Tử vì đạo’ có nghĩa gì?”). Đáng buồn thay, ông không phải là người cuối cùng. Ngay cả đến thời chúng ta, một số tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã bị giết bởi những người cuồng tín, thành phần chính trị quá khích và những người chống đối hung hăng. Tuy nhiên, chúng ta có lý do để vững lòng như Ê-tiên. Chúa Giê-su nay đang làm vua và sử dụng quyền năng tuyệt diệu do Cha ban. Không điều gì có thể ngăn cản ngài làm cho các môn đồ trung thành sống lại.—Giăng 5:28, 29.

24. Sau-lơ góp phần thế nào trong cái chết của Ê-tiên, và cái chết của người trung thành ấy đã để lại ảnh hưởng lâu dài nào?

24 Một người đàn ông trẻ tuổi chứng kiến toàn bộ sự việc này là Sau-lơ. Ông tán thành việc giết Ê-tiên, thậm chí đứng trông chừng áo cho những người ném đá Ê-tiên. Không lâu sau, ông dẫn đầu một đợt bắt bớ dữ dội. Nhưng cái chết của Ê-tiên đã để lại ảnh hưởng lâu dài. Gương mẫu của ông khiến các tín đồ khác của đạo Đấng Ki-tô tiếp tục trung thành và đạt được chiến thắng tương tự. Ngoài ra, Sau-lơ—sau này thường được gọi là Phao-lô—đã vô cùng hối hận khi nhớ lại sự góp phần của mình trong cái chết của Ê-tiên (Công 22:20). Ông đã tiếp tay cho những người giết Ê-tiên, nhưng về sau ông nhìn nhận rằng: “Trước kia ta là kẻ phạm thượng, bắt bớ và xấc xược” (1 Ti 1:13). Rõ ràng, Phao-lô không bao giờ quên Ê-tiên cũng như bài giảng hùng hồn của ông hôm đó. Thật vậy, một số bài giảng và lá thư của Phao-lô cũng khai triển những điểm được đề cập trong lời giảng của Ê-tiên (Công 7:48; 17:24; Hê 9:24). Với thời gian, Phao-lô đã noi theo sát gương trung thành và can đảm của Ê-tiên, một người “được đầy ân huệ và quyền năng của Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có noi theo gương mẫu ấy không?

a Một số kẻ chống đối thuộc “Hội những người được giải phóng”. Có lẽ họ từng bị người La Mã bắt rồi sau đó được thả ra, hoặc có lẽ họ là những nô lệ được trả tự do đã nhập đạo Do Thái. Một số đến từ Si-li-si, như Sau-lơ quê ở Tạt-sơ. Lời tường thuật không cho biết Sau-lơ có ở trong số những người Si-li-si không thể biện bác lời của Ê-tiên hay không.

b Lời giảng của Ê-tiên chứa đựng những thông tin mà chúng ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác trong Kinh Thánh, chẳng hạn như chi tiết Môi-se có được học vấn của người Ai Cập, ông bao nhiêu tuổi khi chạy trốn khỏi xứ đó và thời gian ông lưu trú ở Ma-đi-an.

c Theo luật pháp La Mã, dường như Tòa Tối Cao của người Do Thái không có quyền ra lệnh hành quyết (Giăng 18:31). Dù sao đi nữa, cái chết của Ê-tiên có vẻ là một vụ giết người bởi đám đông hung hăng hơn là một vụ xử án.