Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 7

Công bố “tin mừng về Chúa Giê-su”

Công bố “tin mừng về Chúa Giê-su”

Phi-líp nêu gương trong việc rao truyền tin mừng

Dựa trên Công vụ 8:4-40

1, 2. Trong thế kỷ thứ nhất, nỗ lực ngăn chặn công việc rao truyền tin mừng đã có kết quả trái ngược nào?

 Một làn sóng bắt bớ dữ dội nổi lên, Sau-lơ bắt đầu “tàn hại” hội thánh—cụm từ này trong nguyên ngữ diễn tả sự thô bạo độc ác (Công 8:3). Các môn đồ bỏ trốn, và đối với một số người, mục tiêu diệt trừ hội thánh đạo Đấng Ki-tô của Sau-lơ dường như sắp thành hiện thực. Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xảy ra khi các tín đồ đạo Đấng Ki-tô bị phân tán. Đó là gì?

2 Những người bị tản mác bắt đầu “công bố tin mừng của lời Đức Chúa Trời” trong những xứ họ chạy đến (Công 8:4). Hãy thử tưởng tượng xem! Sự bắt bớ chẳng những không dập tắt được tin mừng mà thật ra còn giúp lan truyền thông điệp ấy! Qua việc khiến các môn đồ bị tản mác, những người bắt bớ đã vô tình giúp công việc rao giảng về Nước Trời lan rộng đến những vùng xa xôi. Như chúng ta sẽ thấy, một điều tương tự cũng xảy ra vào thời nay.

“Những người bị tản mác” (Công vụ 8:4-8)

3. (a) Phi-líp là ai? (b) Tại sao hầu hết người dân ở Sa-ma-ri chưa từng được nghe tin mừng? Nhưng Chúa Giê-su báo trước điều gì sẽ xảy ra cho khu vực ấy?

3 Một trong số “những người bị tản mác” là Phi-líp a (Công 8:4; xem khung “ Phi-líp—‘Người rao truyền tin mừng’”). Ông đi đến Sa-ma-ri, một thành phố mà hầu hết dân cư chưa từng được nghe tin mừng vì Chúa Giê-su có lần đã dặn các sứ đồ: “Đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri; nhưng hãy đến với những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên” (Mat 10:5, 6). Tuy nhiên, Chúa Giê-su biết rằng với thời gian, xứ Sa-ma-ri sẽ được làm chứng cặn kẽ, vì trước khi lên trời ngài đã nói: “Anh em sẽ làm chứng về tôi tại Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất”.—Công 1:8.

4. Người Sa-ma-ri hưởng ứng thế nào khi nghe Phi-líp rao giảng, và yếu tố nào có thể đã góp phần vào phản ứng đó của họ?

4 Phi-líp nhận thấy Sa-ma-ri là một cánh đồng “đã chín và đang chờ gặt hái” (Giăng 4:35). Thông điệp của ông mang lại sự sảng khoái cho dân cư ở đó, và điều này cũng dễ hiểu. Người Do Thái không giao thiệp với dân Sa-ma-ri, nhiều người thậm chí còn tỏ thái độ khinh thường dân này. Nhưng người Sa-ma-ri thì nhận thấy trong tin mừng không có sự phân biệt giai cấp, và vì thế thông điệp này khác hẳn với suy nghĩ khắt khe của người Pha-ri-si. Với tinh thần không thiên vị, Phi-líp đã sốt sắng rao giảng cho người Sa-ma-ri, qua đó chứng tỏ ông không bị nhiễm tư tưởng thành kiến của những người xem thường dân Sa-ma-ri. Thế nên, chẳng lạ gì khi cả đoàn dân Sa-ma-ri đều lắng nghe Phi-líp.—Công 8:6.

5-7. Hãy nêu vài thí dụ cho thấy làm thế nào sự phân tán của tín đồ đạo Đấng Ki-tô giúp tin mừng được lan rộng.

5 Ngày nay cũng như vào thế kỷ thứ nhất, sự bắt bớ đã không ngăn được dân Đức Chúa Trời rao giảng. Bao giờ cũng thế, việc ép buộc tín đồ đạo Đấng Ki-tô chuyển đến nơi khác—dù là nhà tù hay một xứ sở nào đó—chỉ giúp mang thông điệp Nước Trời đến dân cư ở địa điểm mới. Chẳng hạn, trong Thế Chiến II, Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm chứng một cách xuất sắc tại các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Một người Do Thái từng gặp các Nhân Chứng ở đó đã kể lại: “Sức chịu đựng của các tù nhân là Nhân Chứng Giê-hô-va khiến tôi tin rằng đức tin của họ dựa trên Kinh Thánh, và chính tôi đã trở thành Nhân Chứng”.

6 Trong một số trường hợp, ngay cả những người chống đối cũng được nghe tin mừng và đã chấp nhận. Chẳng hạn, khi một Nhân Chứng tên là Franz Desch bị chuyển đến trại tập trung Gusen ở Áo, anh đã có dịp giúp một sĩ quan SS tìm hiểu Kinh Thánh. Hãy hình dung niềm vui của họ khi gặp lại nhau sau nhiều năm, tại một hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va và cả hai đều là người công bố tin mừng!

7 Điều tương tự cũng xảy ra khi sự bắt bớ khiến các tín đồ đạo Đấng Ki-tô tại một nước phải trốn sang nước khác. Thí dụ, vào thập niên 1970, nhiều người ở Mozambique được nghe tin mừng khi các Nhân Chứng người Malawi buộc phải chạy trốn đến đó. Ngay cả khi sự chống đối nổi lên ở Mozambique, công việc rao giảng vẫn được tiếp tục. Anh Francisco Coana nói: “Đành rằng một số người trong chúng tôi đã bị bắt giữ nhiều lần vì rao giảng. Tuy nhiên, khi nhiều người hưởng ứng thông điệp Nước Trời, chúng tôi tin chắc mình đang được Đức Chúa Trời giúp đỡ, như ngài đã giúp các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất”.

8. Sự thay đổi về chính trị và kinh tế đã tác động thế nào đến công việc rao giảng?

8 Dĩ nhiên, sự bắt bớ không phải là nguyên nhân duy nhất khiến đạo Đấng Ki-tô phát triển ở nước ngoài. Trong vài thập niên gần đây, sự thay đổi về chính trị và kinh tế cũng mở rộng cơ hội cho những người thuộc nhiều ngôn ngữ và quốc gia được nghe thông điệp Nước Trời. Một số người sống trong những vùng có chiến tranh và kinh tế chậm phát triển đã trốn qua những nơi ổn định hơn và bắt đầu học Kinh Thánh tại xứ họ tái định cư. Dòng người tị nạn đã góp phần hình thành những khu vực tiếng nước ngoài. Anh chị có đang gắng sức để làm chứng cho người “từ mọi nước, mọi chi phái, mọi dân và mọi thứ tiếng” trong khu vực của mình không?—Khải 7:9.

“Xin ban cho tôi quyền đó” (Công vụ 8:9-25)

“Khi thấy các sứ đồ đặt tay trên ai thì người ấy được ban thần khí, Si-môn hứa cho họ tiền”.—Công vụ 8:18

9. Si-môn là ai, và điều gì dường như đã thu hút ông đến với Phi-líp?

9 Phi-líp làm nhiều phép lạ ở Sa-ma-ri. Chẳng hạn, ông chữa lành những người bệnh tật và ngay cả đuổi tà thần (Công 8:6-8). Người đặc biệt thán phục khả năng làm phép lạ của Phi-líp là Si-môn, một người làm phép thuật được kính trọng đến nỗi người ta nói về ông rằng: “Người này là Quyền Năng Đức Chúa Trời”. Giờ đây Si-môn được chứng kiến quyền năng thật của Đức Chúa Trời qua các phép lạ Phi-líp làm, và ông đã tin đạo (Công 8:9-13). Tuy nhiên, sau này Si-môn gặp thử thách về động lực của mình. Như thế nào?

10. (a) Phi-e-rơ và Giăng đã làm gì ở Sa-ma-ri? (b) Khi thấy các môn đồ mới nhận được thần khí thánh vì Phi-e-rơ và Giăng đặt tay trên họ, Si-môn đã làm gì?

10 Khi biết có sự gia tăng ở Sa-ma-ri, các sứ đồ phái Phi-e-rơ và Giăng đến đó. (Xem khung “ Phi-e-rơ dùng ‘các chìa khóa của Nước Trời’”). Đến nơi, hai sứ đồ đặt tay trên các môn đồ mới, và người nào họ đặt tay lên thì đều nhận được thần khí thánh. b Si-môn thấy thế thì rất háo hức. Ông nói với các sứ đồ: “Xin ban cho tôi quyền đó, để tôi đặt tay trên ai thì người ấy nhận được thần khí thánh”. Thậm chí ông còn đề nghị họ nhận tiền với hy vọng mua được quyền năng ấy!—Công 8:14-19.

11. Phi-e-rơ đã khuyên Si-môn như thế nào, và Si-môn phản ứng ra sao?

11 Sứ đồ Phi-e-rơ trả lời dứt khoát với Si-môn. Ông nói: “Nguyện bạc của anh tiêu tan với anh, vì anh nghĩ nhờ tiền mà có được món quà của Đức Chúa Trời. Anh chẳng có phần gì cũng chẳng được dự phần trong việc này, vì lòng anh không ngay thẳng trước mắt Đức Chúa Trời”. Rồi Phi-e-rơ khuyên Si-môn ăn năn và cầu xin Đức Chúa Trời tha tội. Ông nói: “Hãy... tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va, có lẽ ngài sẽ tha thứ ý tưởng xấu trong lòng anh”. Rõ ràng, Si-môn không phải là người ác; ông muốn làm điều đúng, nhưng chỉ nhất thời bị lầm lạc. Vì thế, ông cầu xin các sứ đồ: “Xin các anh cầu khẩn Đức Giê-hô-va cho tôi, để những điều các anh nói không xảy đến với tôi”.—Công 8:20-24.

12. Việc buôn bán chức vụ lan tràn như thế nào trong khối Ki-tô giáo?

12 Lời Phi-e-rơ quở trách Si-môn là lời cảnh báo cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay về việc “buôn bán chức vụ trong hội thánh”. Lịch sử của khối Ki-tô giáo có đầy dẫy những trường hợp này. Thật thế, cuốn Bách khoa từ điển Anh Quốc (The Encyclopædia Britannica), ấn bản lần thứ chín (1878), ghi nhận: “Một cuộc nghiên cứu về lịch sử các hội đồng bầu cử giáo hoàng khiến nhà nghiên cứu tin chắc rằng chưa hề có lần tuyển chọn nào mà không bị vấy bẩn bởi việc buôn bán chức vụ; trong đa số các trường hợp, việc buôn bán chức vụ diễn ra trong hội đồng bầu cử là thực hành trắng trợn nhất, trơ trẽn nhất và lộ liễu nhất”.

13. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải đề phòng thế nào để tránh mắc tội buôn bán chức vụ?

13 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải đề phòng để không mắc tội buôn bán chức vụ. Thí dụ, họ không nên cố gắng đạt được các đặc ân bằng cách biếu xén những món quà hậu hĩ, hoặc tâng bốc những người họ nghĩ là có thể ban thêm cho họ các đặc ân trong hội thánh. Mặt khác, những anh được xem là có thể ban đặc ân thì cần phải cẩn thận, tránh tỏ ra thiên vị đối với những người giàu có. Cả hai trường hợp này đều liên quan đến việc buôn bán chức vụ. Thật ra, tất cả tôi tớ Đức Chúa Trời phải cư xử như “người nhỏ hơn”, chờ thần khí Đức Giê-hô-va bổ nhiệm mình vào các đặc ân phụng sự (Lu 9:48). Trong tổ chức của Đức Chúa Trời, không có chỗ cho những người cố gắng “cầu vinh cho riêng mình”.—Châm 25:27.

“Ông có hiểu những điều mình đọc không?” (Công vụ 8:26-40)

14, 15. (a) “Triều thần người Ê-thi-ô-bi” là ai, và làm sao Phi-líp gặp được ông? (b) Triều thần ấy phản ứng thế nào khi nghe thông điệp của Phi-líp, và tại sao việc ông chịu phép báp-têm không phải là một hành động hấp tấp? (Xem chú thích).

14 Bấy giờ, thiên sứ của Đức Giê-hô-va bảo Phi-líp đi dọc theo con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Ga-xa. Có lẽ Phi-líp đã thắc mắc về việc tại sao phải đi đến đó. Nhưng khi thấy triều thần người Ê-thi-ô-bi đang “đọc lớn tiếng sách của nhà tiên tri Ê-sai” thì mọi thắc mắc của ông đều được giải đáp. (Xem khung “ Hoạn quan hay quan triều đình?”). Thần khí Đức Giê-hô-va thúc đẩy Phi-líp đến gần xe ngựa của triều thần ấy. Phi-líp vừa chạy bên cạnh vừa hỏi triều thần người Ê-thi-ô-bi: “Ông có hiểu những điều mình đọc không?”. Quan triều thần đáp: “Làm sao tôi hiểu được nếu không có người chỉ dẫn?”.—Công 8:26-31.

15 Triều thần ấy mời Phi-líp lên xe. Hãy tưởng tượng cuộc thảo luận diễn ra sau đó! Danh tính của “con cừu”, hoặc “tôi tớ”, trong lời tiên tri của Ê-sai từ lâu là điều bí ẩn (Ê-sai 53:1-12). Tuy nhiên, trên đường đi, Phi-líp giải thích cho triều thần người Ê-thi-ô-bi rằng lời tiên tri ấy được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Như những người được báp-têm vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, triều thần ấy—vốn là người cải đạo Do Thái—biết ngay mình phải làm gì. Gặp chỗ có nước, ông nói với Phi-líp: “Kìa! Ở đây có nước. Có gì cản tôi chịu phép báp-têm không?”. Ngay lập tức ông được Phi-líp làm báp-têm! c (Xem khung “ Báp-têm ở chỗ ‘có nước’”). Sau đó, Phi-líp được hướng dẫn đến Ách-đốt để thi hành nhiệm vụ mới, và ông tiếp tục rao truyền tin mừng ở đó.—Công 8:32-40.

16, 17. Các thiên sứ có liên quan thế nào trong công việc rao giảng ngày nay?

16 Ngày nay, tín đồ đạo Đấng Ki-tô có đặc ân làm công việc giống như Phi-líp. Nhiều khi họ có dịp trình bày thông điệp Nước Trời cho những người họ gặp trong các hoạt động thông thường, như khi đi du lịch chẳng hạn. Nhiều trường hợp cho thấy cuộc gặp gỡ của họ với những người có lòng thành không phải do ngẫu nhiên. Điều này không có gì lạ, vì Kinh Thánh nói rõ rằng các thiên sứ đang hướng dẫn công việc rao giảng để thông điệp này đến với “mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng cùng mọi dân” (Khải 14:6). Công việc này có sự hướng dẫn của thiên sứ, hoàn toàn đúng như những gì Chúa Giê-su đã báo trước. Khi kể minh họa về lúa mì và cỏ dại, Chúa Giê-su cho biết rằng trong mùa gặt, tức thời kỳ cuối cùng của thế gian, thì “thợ gặt là các thiên sứ”. Ngài cũng nói là các tạo vật thần linh này sẽ “gom những thứ gây vấp ngã cùng những kẻ làm điều ác và loại ra khỏi Nước Trời” (Mat 13:37-41). Đồng thời, các thiên sứ sẽ thu nhóm những người có triển vọng thừa kế Nước Trời, và tiếp theo là “đám đông lớn” chiên khác, tức những người Đức Giê-hô-va muốn kéo đến với tổ chức của ngài.—Khải 7:9; Giăng 6:44, 65; 10:16.

17 Bằng chứng cho thấy điều này đang xảy ra là khi thi hành thánh chức, chúng ta gặp một số người nói rằng họ vừa cầu xin được hướng dẫn về tâm linh. Hãy xem trường hợp của hai người công bố Nước Trời dẫn theo một em trai nhỏ khi đi rao giảng. Đến trưa, hai Nhân Chứng định ngưng rao giảng, nhưng điều lạ là em nhỏ lại nôn nóng muốn đến nhà kế tiếp. Và em đã tự đi gõ cửa nhà đó! Khi một phụ nữ trẻ mở cửa, hai Nhân Chứng đến nói chuyện với cô ấy. Họ ngạc nhiên khi người phụ nữ ấy nói rằng cô vừa cầu xin để có người đến giúp hiểu Kinh Thánh. Thế là họ sắp đặt cuộc học hỏi Kinh Thánh!

“Lạy Chúa, dù ngài là ai, xin hãy giúp con”

18. Tại sao chúng ta chớ bao giờ xem thường công việc rao giảng?

18 Công việc rao giảng thời nay đang diễn ra trên một bình diện rộng lớn chưa từng thấy. Vì thuộc về hội thánh đạo Đấng Ki-tô, anh chị có đặc ân cùng làm việc với các thiên sứ khi tham gia vào công việc này. Chớ bao giờ xem thường đặc ân đó. Bằng cách kiên trì làm hết mình, anh chị sẽ có niềm vui khi tiếp tục công bố “tin mừng về Chúa Giê-su”.—Công 8:35.

a Đây không phải là sứ đồ Phi-líp, mà là Phi-líp được đề cập nơi chương 5 của sách này. Ông là một trong “bảy người nam có tiếng tốt”, được bổ nhiệm để chăm lo việc phân phát lương thực hằng ngày cho các góa phụ Do Thái nói tiếng Hy Lạp và các góa phụ Do Thái nói tiếng Hê-bơ-rơ tại hội thánh ở Giê-ru-sa-lem.—Công 6:1-6.

b Dường như các môn đồ mới thời đó thường được xức dầu bởi thần khí thánh, hay nhận được thần khí thánh vào lúc họ chịu phép báp-têm. Điều này đem lại cho họ hy vọng được làm vua và thầy tế lễ trên trời cùng với Chúa Giê-su (2 Cô 1:21, 22; Khải 5:9, 10; 20:6). Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt này, các môn đồ mới không được xức dầu vào lúc chịu phép báp-têm. Chỉ sau khi Phi-e-rơ và Giăng đặt tay trên các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vừa báp-têm thì họ mới nhận được thần khí thánh cùng khả năng làm phép lạ.

c Đây không phải là một hành động hấp tấp. Vì là người cải đạo Do Thái, triều thần này đã có sự hiểu biết về Kinh Thánh, kể cả các lời tiên tri về Đấng Mê-si. Giờ đây, ông đã hiểu vai trò của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời nên có thể chịu phép báp-têm ngay.