CHƯƠNG 8
Hội thánh “bước vào giai đoạn bình an”
Sau-lơ, người bắt bớ hung bạo trở thành người phục vụ sốt sắng
Dựa trên Công vụ 9:1-43
1, 2. Sau-lơ dự định làm gì tại thành Đa-mách?
Một nhóm người đằng đằng sát khí đang tiến đến thành Đa-mách, dự định thực hiện một âm mưu tàn ác tại đó. Họ sẽ lôi các môn đồ đáng ghét của Chúa Giê-su ra khỏi nhà, trói lại và sỉ nhục rồi giải đến Giê-ru-sa-lem cho Tòa Tối Cao trừng trị.
2 Người dẫn đầu nhóm này tên là Sau-lơ, bàn tay của ông đã vấy máu. a Trước đó không lâu, ông đã tán thành đứng nhìn những người bạn quá khích của mình ném đá giết chết Ê-tiên, một môn đồ sốt sắng của Chúa Giê-su (Công 7:57–8:1). Chưa thỏa mãn với việc bắt bớ các môn đồ của Chúa Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, Sau-lơ còn sẵn sàng thổi bùng làn sóng bắt bớ. Ông muốn tận diệt giáo phái độc hại mang danh “Đường Lối Chúa”.—Công 9:1, 2; xem khung “ Quyền hạn của Sau-lơ tại thành Đa-mách”.
3, 4. (a) Điều gì xảy ra cho Sau-lơ? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Thình lình, có ánh sáng chói lòa bao phủ Sau-lơ. Các bạn đồng hành của ông thấy ánh sáng đó nhưng không thốt nên lời vì quá đỗi ngạc nhiên. Sau-lơ bị mù mắt và ngã xuống đất. Ông không thấy gì cả, nhưng nghe có tiếng từ trời phán: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ! Sao ngươi bắt bớ ta?”. Ông kinh ngạc hỏi: “Thưa Chúa, ngài là ai?”. Câu trả lời Sau-lơ nhận được ắt hẳn khiến ông vô cùng sửng sốt: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ”.—Công 9:3-5; 22:9.
4 Chúng ta có thể học được gì từ những lời đầu tiên Chúa Giê-su nói với Sau-lơ? Chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét những gì xảy ra vào lúc Sau-lơ cải đạo? Và chúng ta có thể rút ra bài học nào từ cách hội thánh tận dụng giai đoạn bình an sau khi Sau-lơ cải đạo?
“Sao ngươi bắt bớ ta?” (Công vụ 9:1-5)
5, 6. Chúng ta có thể học được gì từ lời Chúa Giê-su nói với Sau-lơ?
5 Khi cản Sau-lơ trên con đường đến thành Đa-mách, Chúa Giê-su không hỏi: “Sao ngươi bắt bớ các môn đồ ta?”. Nhưng như đã thấy ở trên, ngài hỏi: “Sao ngươi bắt bớ ta?” (Công 9:4). Đúng vậy, Chúa Giê-su cảm thấy như chính ngài đang chịu những thử thách mà môn đồ ngài phải chịu.—Mat 25:34-40, 45.
6 Nếu anh chị đang bị áp bức vì cớ đức tin nơi Đấng Ki-tô, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nhận biết hoàn cảnh của anh chị (Mat 10:22, 28-31). Sự thử thách có thể không chấm dứt ngay. Hãy nhớ rằng, Chúa Giê-su đã chứng kiến Sau-lơ can dự vào cái chết của Ê-tiên và lôi các môn đồ trung thành ra khỏi nhà họ ở Giê-ru-sa-lem (Công 8:3). Thế nhưng, ngài không can thiệp ngay lúc đó. Dù vậy, qua Đấng Ki-tô, Đức Giê-hô-va đã ban cho Ê-tiên cùng các môn đồ khác sức mạnh cần thiết để giữ lòng trung thành.
7. Anh chị phải làm gì để chịu đựng được sự bắt bớ?
7 Anh chị cũng có thể chịu đựng được sự bắt bớ nếu làm những điều sau đây: (1) Quyết tâm giữ lòng trung thành, bất kể điều gì xảy ra. (2) Cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ (Phi-líp 4:6, 7). (3) Để sự báo thù cho Đức Giê-hô-va (Rô 12:17-21). (4) Tin tưởng Đức Giê-hô-va sẽ ban sức giúp anh chị chịu đựng cho đến khi ngài thấy thích hợp để loại bỏ thử thách ấy.—Phi-líp 4:12, 13.
“Anh Sau-lơ, Chúa Giê-su... sai tôi đến” (Công vụ 9:6-17)
8, 9. Có lẽ A-na-nia đã cảm thấy thế nào về nhiệm vụ của mình?
8 Sau khi trả lời câu hỏi của Sau-lơ: “Thưa Chúa, ngài là ai?”, Chúa Giê-su bảo ông: “Hãy đứng dậy đi vào thành, và ngươi sẽ được chỉ bảo điều phải làm” (Công 9:6). Mắt vẫn mù lòa, Sau-lơ được dẫn đến nhà trọ ở thành Đa-mách, tại đó ông kiêng ăn và cầu nguyện trong ba ngày. Trong thời gian đó, Chúa Giê-su nói về chuyện của Sau-lơ cho một môn đồ tại thành Đa-mách tên là A-na-nia, “mọi người Do Thái” sống trong thành ấy “đều nói tốt về ông”.—Công 22:12.
9 Hãy nghĩ đến cảm xúc lẫn lộn mà A-na-nia hẳn đã trải qua! Giờ đây, đấng làm đầu hội thánh là Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại đang nói chuyện trực tiếp với ông, chọn ông thi hành một nhiệm vụ đặc biệt. Quả là một vinh dự, nhưng cũng là nhiệm vụ khó khăn! Khi được lệnh phải nói với Sau-lơ, A-na-nia đáp: “Thưa Chúa, tôi nghe nhiều người nói về ông ấy và mọi tổn hại ông đã gây ra cho những người thánh của Chúa ở Giê-ru-sa-lem. Và tại đây, ông ấy được các trưởng tế cho quyền bắt những ai kêu cầu danh Chúa”.—Công 9:13, 14.
10. Chúng ta có thể học được gì về Chúa Giê-su qua cách ngài đối xử với A-na-nia?
10 Chúa Giê-su không quở trách A-na-nia khi ông bày tỏ mối lo ngại của mình. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã cho ông chỉ thị rõ ràng. Ngài cũng tôn trọng ông bằng cách cho biết tại sao ngài muốn ông thực hiện nhiệm vụ khác thường này. Ngài nói về Sau-lơ: “Tôi đã chọn người này để mang danh tôi đến với dân ngoại, cùng các vua và con cháu Y-sơ-ra-ên. Tôi sẽ cho người biết rõ mọi điều khốn khổ mà người phải chịu vì danh tôi” (Công 9:15, 16). A-na-nia lập tức vâng lời Chúa Giê-su, đi tìm người bắt bớ tên là Sau-lơ và nói với ông rằng: “Anh Sau-lơ, Chúa Giê-su, là đấng đã hiện ra với anh trên đường đến đây, sai tôi đến để anh được sáng mắt lại và tràn đầy thần khí thánh”.—Công 9:17.
11, 12. Chúng ta học được gì từ những sự kiện liên quan đến Chúa Giê-su, A-na-nia và Sau-lơ?
11 Chúng ta nhận ra được vài điều từ những sự kiện liên quan đến Chúa Giê-su, A-na-nia và Sau-lơ. Chẳng hạn, Chúa Giê-su tích cực chỉ đạo công việc rao giảng, như ngài đã hứa (Mat 28:20). Ngày nay, tuy không nói trực tiếp với từng người, nhưng Chúa Giê-su chỉ đạo công việc rao giảng qua đầy tớ trung tín mà hiện nay ngài đã giao coi sóc các gia nhân mình (Mat 24:45-47). Dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Lãnh đạo, những người công bố và tiên phong được phái đi tìm những ai mong muốn hiểu thêm về Đấng Ki-tô. Như được đề cập nơi chương trước, nhiều người có mong muốn ấy đã cầu xin sự hướng dẫn và sau đó gặp được Nhân Chứng Giê-hô-va.—Công 9:11.
12 A-na-nia đã vâng lời thi hành nhiệm vụ và được ban phước. Anh chị có vâng theo mệnh lệnh rao giảng cặn kẽ, cho dù nhiệm vụ ấy khiến mình phần nào lo sợ không? Đối với một số người, điều có thể khiến họ lo sợ là đi đến từng nhà và gặp người lạ. Những người khác thì cảm thấy việc rao giảng tại khu thương mại, trên đường phố, bằng điện thoại hoặc thư từ là cả một thử thách. A-na-nia đã vượt qua nỗi sợ hãi và có vinh dự giúp Sau-lơ nhận được thần khí thánh. b A-na-nia thành công vì ông tin cậy Chúa Giê-su và xem Sau-lơ như người anh em. Như A-na-nia, chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi nếu tin tưởng Chúa Giê-su đang chỉ đạo công việc rao giảng, đồng thời biểu lộ sự đồng cảm với người khác, và thậm chí xem những người đáng sợ nhất như là anh em tương lai của mình.—Mat 9:36.
Ông “bắt đầu rao giảng về Chúa Giê-su” (Công vụ 9:18-30)
13, 14. Nếu đang học Kinh Thánh nhưng chưa báp-têm, bạn có thể học được gì từ gương của Sau-lơ?
13 Sau-lơ liền làm theo những gì đã học. Sau khi được chữa lành, ông chịu phép báp-têm và bắt đầu kết hợp chặt chẽ với các môn đồ tại thành Đa-mách. Không chỉ thế, ông “lập tức vào các nhà hội bắt đầu rao giảng về Chúa Giê-su rằng đấng ấy là Con Đức Chúa Trời”.—Công 9:20.
14 Nếu đang học Kinh Thánh nhưng chưa báp-têm, bạn sẽ bắt chước Sau-lơ, hành động một cách dứt khoát để làm theo những gì mình học không? Đành rằng Sau-lơ được tận mắt chứng kiến phép lạ do Đấng Ki-tô làm, và chắc chắn điều đó đã thôi thúc ông hành động. Nhưng những người khác cũng chứng kiến các phép lạ của Chúa Giê-su. Chẳng hạn, một nhóm người Pha-ri-si đã nhìn thấy ngài chữa lành người đàn ông bị teo tay, và nhiều người Do Thái nói chung đều biết Chúa Giê-su đã làm La-xa-rơ sống lại. Thế nhưng, nhiều người trong số họ vẫn thờ ơ, thậm chí tỏ thái độ chống đối (Mác 3:1-6; Giăng 12:9, 10). Trái lại, Sau-lơ đã hoàn toàn thay đổi. Tại sao Sau-lơ lại hưởng ứng trong khi những người khác thì không? Vì ông kính sợ Đức Chúa Trời hơn là sợ loài người và biết ơn sâu xa lòng thương xót của Đấng Ki-tô dành cho ông (Phi-líp 3:8). Nếu cũng hưởng ứng giống như ông, bạn sẽ không để điều gì ngăn cản mình tham gia công việc rao giảng và hội đủ điều kiện để làm báp-têm.
15, 16. Sau-lơ đã làm gì trong các nhà hội, và người Do Thái ở thành Đa-mách phản ứng thế nào?
15 Anh chị có hình dung được nỗi ngạc nhiên, sững sờ và giận dữ càng lúc càng lan rộng trong dân chúng khi thấy Sau-lơ bắt đầu rao giảng về Chúa Giê-su tại các nhà hội không? Họ nói: “Chẳng phải ông ta chính là người đã tàn hại những người ở Giê-ru-sa-lem kêu cầu danh ấy sao?” (Công 9:21). Khi giải thích tại sao mình thay đổi quan điểm về Chúa Giê-su, Sau-lơ đã “chứng minh Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô bằng các lập luận vững chắc” (Công 9:22). Nhưng lối lập luận vững chắc không phải là chiếc chìa khóa đa năng. Nó không thể mở những tư tưởng bị trói buộc bởi truyền thống hay những tấm lòng bị ràng buộc bởi sự kiêu ngạo. Tuy nhiên, Sau-lơ không bỏ cuộc.
16 Ba năm sau, người Do Thái ở thành Đa-mách vẫn chống Sau-lơ. Cuối cùng, họ tìm cách giết ông (Công 9:23; 2 Cô 11:32, 33; Ga 1:13-18). Khi biết âm mưu ấy, Sau-lơ đã hành động thận trọng và rời thành bằng cách cho người thòng ông xuống trong một cái thúng, qua cửa sổ trên vách thành. Lu-ca gọi những người giúp Sau-lơ trốn thoát trong đêm đó là “các môn đồ của ông [Sau-lơ]” (Công 9:25). Lời này dường như cho thấy trong số những người nghe Sau-lơ rao giảng tại thành Đa-mách, ít nhất có một số đã hưởng ứng và trở thành môn đồ Đấng Ki-tô.
17. (a) Người ta có những phản ứng nào khi nghe sự thật trong Kinh Thánh? (b) Chúng ta nên tiếp tục làm gì, và tại sao?
17 Khi bắt đầu nói với gia đình, bạn bè và người khác về những điều tốt lành mình học được, hẳn anh chị mong đợi mọi người chấp nhận sự thật hoàn toàn hợp lý trong Kinh Thánh. Có lẽ một số người đã chấp nhận, nhưng nhiều người thì không. Thật thế, có thể người nhà đã đối xử với mình như kẻ thù (Mat 10:32-38). Tuy nhiên, nếu anh chị tiếp tục trau dồi khả năng lý luận dựa trên Kinh Thánh và gìn giữ hạnh kiểm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, thì có lẽ ngay cả những người chống đối mình rồi cũng sẽ thay đổi thái độ.—Công 17:2; 1 Phi 2:12; 3:1, 2, 7.
18, 19. (a) Khi Ba-na-ba đứng ra làm chứng cho Sau-lơ, kết quả là gì? (b) Chúng ta có thể noi gương Ba-na-ba và Sau-lơ như thế nào?
18 Thật dễ hiểu mối nghi ngờ của các môn đồ khi Sau-lơ vào thành Giê-ru-sa-lem và nói với họ rằng nay mình là một môn đồ. Tuy nhiên, khi Ba-na-ba đứng ra làm chứng cho Sau-lơ, các sứ đồ đã chấp nhận ông và ông ở lại với họ một thời gian (Công 9:26-28). Sau-lơ thận trọng, nhưng ông không hổ thẹn về tin mừng (Rô 1:16). Ông dạn dĩ rao giảng tại thành Giê-ru-sa-lem, chính là nơi ông từng khởi đầu làn sóng bắt bớ các môn đồ của Chúa Giê-su Ki-tô một cách tàn bạo. Người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem kinh hãi khi nhận ra người hùng của họ đã rời bỏ hàng ngũ, và họ tìm cách giết ông. Kinh Thánh tường thuật: “Khi biết việc ấy, anh em dẫn [Sau-lơ] xuống Sê-sa-rê và chuyển ông đến Tạt-sơ” (Công 9:30). Sau-lơ vâng phục những lời Chúa Giê-su hướng dẫn qua hội thánh. Cả Sau-lơ lẫn hội thánh đều được lợi ích.
19 Hãy lưu ý rằng Ba-na-ba đã chủ động trợ giúp Sau-lơ. Chắc hẳn hành động tử tế ấy đã giúp vun đắp tình bạn nồng ấm giữa hai tôi tớ sốt sắng này của Đức Giê-hô-va. Anh chị có như Ba-na-ba, sẵn sàng hỗ trợ những người mới trong hội thánh, đi rao giảng chung và giúp họ tiến bộ về thiêng liêng không? Nếu có, anh chị sẽ được ban thưởng dồi dào. Nếu mới trở thành người công bố tin mừng, anh chị có như Sau-lơ, chấp nhận sự giúp đỡ của người khác không? Bằng cách rao giảng chung với những người công bố có kinh nghiệm hơn, anh chị sẽ trau dồi được những kỹ năng rao giảng, có thêm niềm vui, đồng thời tạo được tình bạn lâu dài và mãi mãi.
“Nhiều người tin Chúa” (Công vụ 9:31-43)
20, 21. Tôi tớ Đức Chúa Trời vào thời xưa và thời nay đã tận dụng các “giai đoạn bình an” như thế nào?
20 Sau khi Sau-lơ cải đạo và lên đường an toàn, “hội thánh trong khắp xứ Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri bước vào giai đoạn bình an” (Công 9:31). Các môn đồ đã dùng dịp thuận tiện này như thế nào? (2 Ti 4:2). Lời tường thuật cho biết họ “ngày càng vững mạnh”. Các sứ đồ cũng như những anh có trách nhiệm đã củng cố đức tin của các môn đồ và dẫn đầu trong khi hội thánh “bước đi trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va và trong sự an ủi của thần khí thánh”. Thí dụ, Phi-e-rơ dùng thời gian này để củng cố đức tin của các môn đồ ở thị trấn Ly-đa, thuộc đồng bằng Sa-rôn. Nỗ lực của ông đã khiến nhiều người sống trong những vùng gần đó “hướng theo Chúa” (Công 9:32-35). Các môn đồ không để những mục tiêu riêng khiến họ đi chệch hướng, nhưng hết lòng chăm lo cho nhau và rao giảng tin mừng. Kết quả là hội thánh “tiếp tục gia tăng”.
21 Vào cuối thế kỷ 20, Nhân Chứng Giê-hô-va tại nhiều quốc gia cũng bước vào một “giai đoạn bình an” tương tự. Các chế độ từng áp bức dân Đức Chúa Trời trong nhiều thập niên đã biến mất đột ngột, một số lệnh cấm rao giảng được nới lỏng hoặc bãi bỏ. Hàng chục ngàn Nhân Chứng nắm lấy cơ hội này để rao giảng công khai, và đạt được kết quả vô cùng kinh ngạc.
22. Anh chị có thể tận dụng hoàn cảnh tự do của mình như thế nào?
22 Anh chị có tận dụng sự tự do mình có không? Nếu anh chị đang sống trong quốc gia có tự do tín ngưỡng, Sa-tan sẽ thích dụ dỗ anh chị theo đuổi sự giàu sang, chứ không phải công việc Nước Trời (Mat 13:22). Đừng đi chệch hướng. Hãy sử dụng hữu hiệu bất cứ giai đoạn tương đối bình an nào mình có. Hãy xem đó là những cơ hội để làm chứng cặn kẽ về Nước Trời và củng cố hội thánh. Hãy nhớ rằng, hoàn cảnh của anh chị có thể đột ngột thay đổi.
23, 24. (a) Chúng ta học được gì từ lời tường thuật về Ta-bi-tha? (b) Chúng ta nên kiên quyết làm gì?
23 Hãy xem chuyện xảy ra cho một môn đồ tên Ta-bi-tha, hay Đô-ca. c Bà sống tại Gióp-ba, một thị trấn gần Ly-đa. Môn đồ trung thành này đã dùng thì giờ và của cải một cách khôn ngoan, “làm nhiều việc tốt và hay bố thí cho người nghèo”. Nhưng bà bất ngờ ngã bệnh và chết. Cái chết của bà khiến các môn đồ tại Gióp-ba rất đau buồn, nhất là những góa phụ đã được bà giúp đỡ. Khi Phi-e-rơ đến ngôi nhà mà thi thể bà đang được chuẩn bị để mai táng, ông đã làm một phép lạ chưa từng thấy trong vòng các sứ đồ của Chúa Giê-su Ki-tô. Phi-e-rơ cầu nguyện rồi làm bà sống lại! Anh chị có thể tưởng tượng được niềm vui của các góa phụ cùng những môn đồ khác, khi Phi-e-rơ gọi họ trở vào phòng và cho họ thấy bà đã sống lại không? Những sự kiện này hẳn giúp họ vững mạnh để đương đầu với các thử thách phía trước! Thật dễ hiểu khi phép lạ này “lan khắp thành Gióp-ba và có nhiều người tin Chúa”.—Công 9:36-42.
24 Chúng ta học được hai điều quan trọng từ lời tường thuật ấm lòng này về Ta-bi-tha. (1) Đời sống qua rất nhanh. Vì thế, tạo tiếng tốt với Đức Chúa Trời trong khi còn làm được quả là điều trọng yếu! (Truyền 7:1). (2) Hy vọng được sống lại là chắc chắn. Đức Giê-hô-va nhìn thấy các việc làm nhân từ của Ta-bi-tha và đã ban thưởng cho bà. Ngài sẽ nhớ công việc khó nhọc của chúng ta và làm chúng ta sống lại nếu chúng ta chết trước khi Ha-ma-ghê-đôn đến (Hê 6:10). Vậy, dù đang phải chịu đựng “khó khăn” hay hưởng “giai đoạn bình an”, chúng ta hãy kiên trì làm chứng cặn kẽ về Đấng Ki-tô.—2 Ti 4:2.
a Xem khung “ Sau-lơ, một người Pha-ri-si”.
b Thông thường, món quà thần khí thánh được ban qua các sứ đồ. Nhưng trong trường hợp hiếm hoi này, dường như Chúa Giê-su ủy quyền cho A-na-nia ban món quà thần khí cho Sau-lơ. Sau khi cải đạo, Sau-lơ không liên lạc với 12 sứ đồ trong một thời gian khá lâu. Tuy nhiên, dường như ông đã tích cực hoạt động trong suốt thời gian đó. Vì thế, Chúa Giê-su hẳn đã cho Sau-lơ sức lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ rao giảng.
c Xem khung “ Ta-bi-tha—‘Làm nhiều việc tốt’”.