Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 9

“Đức Chúa Trời không hề thiên vị”

“Đức Chúa Trời không hề thiên vị”

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô rao giảng cho dân ngoại không cắt bì

Dựa trên Công vụ 10:1–11:30

1-3. Phi-e-rơ nhận được khải tượng nào, và tại sao chúng ta cần hiểu ý nghĩa của khải tượng ấy?

 Đó là năm 36 CN. Ánh nắng mùa thu sưởi ấm Phi-e-rơ khi ông cầu nguyện trên sân thượng một căn nhà gần biển nằm tại thành phố cảng Gióp-ba. Ông đã được mời ở lại ngôi nhà này trong vài ngày qua. Nhìn chung, việc Phi-e-rơ sẵn sàng ở đó cho thấy ông là người không có thành kiến. Chủ nhà là một người đàn ông tên Si-môn, làm nghề thuộc da; và không phải người Do Thái nào cũng ở trọ với người như thế. a Dù vậy, Phi-e-rơ sắp học một bài học trọng yếu về tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va.

2 Trong khi cầu nguyện, Phi-e-rơ nhận được một khải tượng. Những gì ông thấy trong khải tượng sẽ gây khó chịu cho bất cứ người Do Thái nào. Từ trời hạ xuống một tấm vải lớn chứa mọi loài động vật không tinh sạch theo Luật pháp. Khi được bảo hãy làm thịt chúng và ăn, Phi-e-rơ đáp: “Tôi chưa hề ăn vật gì ô uế và không tinh sạch”. Không chỉ một lần mà đến ba lần ông được bảo: “Những gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, anh đừng gọi là ô uế nữa” (Công 10:14-16). Khải tượng ấy khiến Phi-e-rơ bối rối, nhưng không lâu.

3 Khải tượng của Phi-e-rơ có nghĩa gì? Thật quan trọng để chúng ta hiểu ý nghĩa của khải tượng ấy, vì trọng tâm của nó là một sự thật sâu sắc về quan điểm của Đức Giê-hô-va đối với mọi người. Là môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô, chúng ta không thể làm chứng cặn kẽ về Nước Trời nếu không tập có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về người khác. Để biết ý nghĩa của khải tượng mà Phi-e-rơ đã thấy, chúng ta hãy xem xét các biến cố ngoạn mục liên quan đến điều này.

“Thường xuyên cầu nguyện tha thiết với Đức Chúa Trời” (Công vụ 10:1-8)

4, 5. Cọt-nây là ai, và điều gì xảy ra khi ông đang cầu nguyện?

4 Phi-e-rơ không biết rằng ngày hôm trước tại Sê-sa-rê, khoảng 50km về phía bắc, có một người tên là Cọt-nây cũng nhận được khải tượng đến từ Đức Chúa Trời. Cọt-nây, đại đội trưởng trong quân đội La Mã, là “người sùng đạo”. b Ông cũng là một chủ gia đình gương mẫu, “kính sợ Đức Chúa Trời”. Cọt-nây không phải là người cải đạo Do Thái, mà là người ngoại không cắt bì. Thế nhưng, ông đã tỏ lòng trắc ẩn với những người Do Thái nghèo túng và giúp đỡ họ về mặt vật chất. Người đàn ông có lòng thành này “thường xuyên cầu nguyện tha thiết với Đức Chúa Trời”.—Công 10:2.

5 Khoảng 3 giờ chiều, Cọt-nây đang cầu nguyện thì thấy khải tượng, có một thiên sứ nói với ông: “Các lời cầu nguyện cùng việc bố thí của anh đã thấu đến Đức Chúa Trời và được ngài ghi nhớ” (Công 10:4). Theo chỉ thị của thiên sứ, Cọt-nây phái người đi mời sứ đồ Phi-e-rơ. Cọt-nây, một người ngoại không cắt bì, sắp bước vào cánh cửa mà cho đến lúc đó vẫn còn đóng trước mặt ông. Cọt-nây sắp được nghe thông điệp cứu rỗi.

6, 7. (a) Hãy kể một trường hợp cho thấy Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của những người có lòng thành muốn biết sự thật về ngài. (b) Chúng ta có thể kết luận gì từ những trường hợp như thế?

6 Ngày nay, Đức Chúa Trời có đáp lời cầu nguyện của những người có lòng thành muốn biết sự thật về ngài không? Hãy xem một trường hợp. Một phụ nữ tại Albania đã nhận số Tháp Canh có bài nói về việc nuôi dạy con cái. c Bà nói với chị Nhân Chứng gõ cửa nhà mình: “Cô có thể tin được là tôi vừa cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp tôi trong việc nuôi dạy các con gái của tôi không? Ngài đã phái cô đến đây! Cô đáp ứng đúng điều mà tôi đang cần!”. Phụ nữ ấy và các con gái bắt đầu học Kinh Thánh, về sau chồng của bà cũng tham gia.

7 Đây có phải là trường hợp duy nhất không? Không! Có nhiều trường hợp như thế đã xảy ra trên khắp thế giới—quá nhiều lần nên không thể xem đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vậy, chúng ta có thể kết luận gì? Thứ nhất, Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của những người có lòng thành đang tìm kiếm ngài (1 Vua 8:41-43; Thi 65:2). Thứ hai, chúng ta được thiên sứ hỗ trợ trong công việc rao giảng.—Khải 14:6, 7.

“Phi-e-rơ... bối rối” (Công vụ 10:9-23a)

8, 9. Thần khí đã cho Phi-e-rơ biết gì, và ông phản ứng ra sao?

8 Vẫn ở trên sân thượng, “Phi-e-rơ… bối rối” về ý nghĩa của khải tượng thì người của Cọt-nây đến nơi (Công 10:17). Vì đã ba lần nói sẽ không ăn thức ăn ô uế theo Luật pháp, liệu Phi-e-rơ có sẵn sàng đi cùng những người ấy vào nhà một người dân ngoại không? Bằng một cách nào đó, thần khí thánh của Đức Chúa Trời đã tỏ ý muốn ngài trong vấn đề này. Phi-e-rơ được bảo: “Kìa! Có ba người đang tìm ngươi. Vậy hãy đứng dậy và xuống đi với họ, đừng nghi ngại gì cả, vì ta đã sai họ đến” (Công 10:19, 20). Khải tượng về tấm vải lớn mà Phi-e-rơ nhận được chắc hẳn đã giúp ông sẵn sàng làm theo sự hướng dẫn của thần khí thánh.

9 Khi biết Cọt-nây được Đức Chúa Trời bảo phái người đi gặp mình, Phi-e-rơ mời những người dân ngoại ấy vào nhà “và cho họ nghỉ lại ở đó” (Công 10:23a). Sứ đồ biết vâng lời này đã bắt đầu điều chỉnh quan điểm theo những diễn biến mới trong việc thực hiện ý định Đức Chúa Trời.

10. Đức Giê-hô-va dẫn dắt dân ngài như thế nào, và chúng ta cần tự hỏi gì?

10 Cho đến nay, Đức Giê-hô-va vẫn đang dẫn dắt dân ngài từng bước một (Châm 4:18). Qua thần khí thánh, ngài hướng dẫn “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45). Đôi khi, chúng ta có thể nhận thông tin giải thích rõ hơn về sự hiểu biết trong Lời Đức Chúa Trời hay những thay đổi về thủ tục trong cách tổ chức. Chúng ta nên tự hỏi: “Mình phản ứng thế nào trước những điều chỉnh đó? Mình có vâng phục sự hướng dẫn của thần khí trong những vấn đề ấy không?”.

Phi-e-rơ “bảo họ hãy chịu phép báp-têm” (Công vụ 10:23b-48)

11, 12. Phi-e-rơ làm gì khi đến Sê-sa-rê, và ông đã học được điều gì?

11 Qua hôm sau, Phi-e-rơ cùng chín người khác—ba người do Cọt-nây phái đi và “sáu anh [người Do Thái]” từ Gióp-ba—lên đường đi Sê-sa-rê (Công 11:12). Trong khi chờ đợi Phi-e-rơ, Cọt-nây đã nhóm “họ hàng cùng bạn bè thân thiết” lại, hẳn tất cả đều là dân ngoại (Công 10:24). Lúc đến nơi, Phi-e-rơ đã làm điều mà ông chưa từng nghĩ mình sẽ làm, đó là vào nhà một người ngoại không cắt bì! Phi-e-rơ giải thích: “Quý vị biết rõ người Do Thái không được phép giao thiệp hay tiếp xúc với người thuộc dân tộc khác, nhưng Đức Chúa Trời đã cho tôi thấy rằng tôi không được gọi người nào là ô uế hay chẳng tinh sạch” (Công 10:28). Lúc ấy, Phi-e-rơ đã nhận ra rằng khải tượng ông được ban nhằm dạy ông một bài học không chỉ về loại thực phẩm một người được ăn, nhưng cũng cho thấy ông “không được gọi người nào [ngay cả một người dân ngoại] là ô uế”.

“Đương nhiên, Cọt-nây đang chờ họ, ông đã gọi họ hàng cùng bạn bè thân thiết đến”.—Công vụ 10:24

12 Một nhóm người đang háo hức chờ đợi Phi-e-rơ. Cọt-nây giải thích: “Chúng tôi đều ở trước mặt Đức Chúa Trời để nghe mọi điều Đức Giê-hô-va truyền cho anh nói” (Công 10:33). Hãy tưởng tượng, bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nghe một người chú ý thốt ra những lời đó! Phi-e-rơ bắt đầu với lời nói hùng hồn này: “Nay tôi thật sự hiểu rằng Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận” (Công 10:34, 35). Phi-e-rơ đã học được rằng quan điểm của Đức Chúa Trời về người ta không dựa trên chủng tộc, quốc gia hoặc bất cứ yếu tố nào khác về bề ngoài. Ông bắt đầu làm chứng về thánh chức, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su.

13, 14. (a) Có gì đáng chú ý về sự cải đạo của Cọt-nây cũng như những người dân ngoại khác vào năm 36 CN? (b) Tại sao chúng ta không nên đánh giá người khác dựa trên những đặc điểm bên ngoài?

13 Bấy giờ, một điều chưa từng có đã xảy ra: “Phi-e-rơ còn đang nói” thì thần khí thánh đổ trên những người “dân ngoại” ấy (Công 10:44, 45). Đây là trường hợp duy nhất được ghi lại trong Kinh Thánh về việc thần khí được đổ xuống trước khi báp-têm. Nhận biết đó là dấu hiệu cho thấy sự chấp nhận của Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ “bảo họ [nhóm người dân ngoại đó] hãy chịu phép báp-têm” (Công 10:48). Sự cải đạo của những người dân ngoại này vào năm 36 CN đánh dấu sự kết thúc giai đoạn ưu đãi cho dân Do Thái (Đa 9:24-27). Dẫn đầu trong dịp làm chứng này, Phi-e-rơ đã dùng chìa khóa thứ ba, tức là chìa cuối cùng trong các “chìa khóa của Nước Trời” (Mat 16:19). Chìa khóa này mở ra cho dân ngoại chưa cắt bì cơ hội trở thành các tín đồ đạo Đấng Ki-tô được xức dầu bằng thần khí.

14 Là người công bố Nước Trời ngày nay, chúng ta nhận biết rằng “Đức Chúa Trời không thiên vị ai” (Rô 2:11). Ý muốn của ngài là “mọi loại người được cứu” (1 Ti 2:4). Vì thế, chúng ta không bao giờ dựa vào những đặc điểm bên ngoài để đánh giá người khác. Sứ mạng của chúng ta là rao giảng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời, và điều đó liên quan đến việc rao giảng cho mọi người, bất kể chủng tộc, quốc gia, ngoại diện hoặc tín ngưỡng.

‘Họ không phản đối nữa và tôn vinh Đức Chúa Trời’ (Công vụ 11:1-18)

15, 16. Tại sao một số môn đồ gốc Do Thái chỉ trích Phi-e-rơ, và ông giải thích thế nào về hành động của mình?

15 Hẳn Phi-e-rơ rất muốn thuật lại những điều đã xảy ra, nên ông lên đường đi Giê-ru-sa-lem. Tin những người dân ngoại không cắt bì “chấp nhận lời Đức Chúa Trời” dường như đã đến đó trước. Không lâu sau khi Phi-e-rơ đến thì “những người ủng hộ phép cắt bì chỉ trích ông”. Họ cảm thấy khó chịu vì ông đã vào “nhà của những người không cắt bì và ăn với họ” (Công 11:1-3). Vấn đề không phải là dân ngoại có thể trở thành môn đồ Đấng Ki-tô hay không, mà là những môn đồ gốc Do Thái ấy khăng khăng cho rằng dân ngoại phải giữ Luật pháp—bao gồm phép cắt bì—để thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách ngài chấp nhận. Rõ ràng, một số môn đồ gốc Do Thái vẫn cảm thấy khó lìa bỏ Luật pháp Môi-se.

16 Phi-e-rơ giải thích thế nào về hành động của mình? Theo Công vụ 11:4-16, ông thuật lại bốn bằng chứng cho thấy có sự hướng dẫn từ trời: (1) khải tượng đến từ Đức Chúa Trời mà ông đã nhận (câu 4-10); (2) mệnh lệnh của thần khí (câu 11, 12); (3) thiên sứ đến gặp Cọt-nây (câu 13, 14); và (4) thần khí thánh đổ xuống trên dân ngoại (câu 15, 16). Phi-e-rơ kết luận bằng một câu hỏi đầy sức thuyết phục: “Vậy, nếu Đức Chúa Trời cũng ban cho họ [dân ngoại tin đạo] món quà [thần khí thánh] như ngài đã ban cho chúng ta [người Do Thái], là những người tin Chúa Giê-su Ki-tô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Đức Chúa Trời?”.—Công 11:17.

17, 18. (a) Lời chứng nhận của Phi-e-rơ đưa ra thử thách nào cho những môn đồ gốc Do Thái? (b) Tại sao việc gìn giữ sự hợp nhất trong hội thánh có thể là một thử thách, và chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào?

17 Lời chứng nhận của Phi-e-rơ đưa ra một thử thách mang tính quyết định cho những môn đồ gốc Do Thái đó. Liệu họ có thể bỏ qua mọi thành kiến và chấp nhận những người dân ngoại mới báp-têm là anh em đồng đạo không? Lời tường thuật cho chúng ta biết: “Khi [các sứ đồ và những môn đồ gốc Do Thái khác] nghe những lời đó, họ không phản đối nữa và tôn vinh Đức Chúa Trời mà rằng: ‘Vậy là Đức Chúa Trời cũng ban cho dân ngoại cơ hội ăn năn hầu nhận được sự sống’” (Công 11:18). Thái độ tích cực ấy đã gìn giữ sự hợp nhất trong hội thánh.

18 Ngày nay, việc gìn giữ sự hợp nhất có thể là một thử thách, vì những người thờ phượng chân chính đến “từ mọi nước, mọi chi phái, mọi dân và mọi thứ tiếng” (Khải 7:9). Thế nên, chúng ta thấy có sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa và gốc gác trong nhiều hội thánh. Chúng ta nên tự hỏi: “Mình có loại bỏ mọi thành kiến khỏi lòng không? Mình có cương quyết không bao giờ để những đặc tính gây chia rẽ của thế gian này—bao gồm lòng ái quốc, chủ nghĩa sắc tộc, niềm tự hào về văn hóa và sự phân biệt chủng tộc—ảnh hưởng đến cách mình đối xử với các anh em đồng đạo không?”. Hãy nhớ lại điều gì đã xảy ra cho Phi-e-rơ (cũng được gọi là Sê-pha), vài năm sau khi những người dân ngoại đầu tiên cải đạo. Nhượng bộ trước thành kiến của người khác, ông đã “tách riêng ra” khỏi các tín đồ gốc dân ngoại và bị Phao-lô sửa sai (Ga 2:11-14). Chúng ta hãy luôn đề phòng để không bị ảnh hưởng bởi thành kiến.

“Có rất nhiều người tin” (Công vụ 11:19-26a)

19. Các môn đồ gốc Do Thái tại thành An-ti-ốt bắt đầu rao giảng cho ai, và kết quả là gì?

19 Các môn đồ của Chúa Giê-su có bắt đầu rao giảng cho dân ngoại chưa cắt bì không? Hãy để ý điều xảy ra sau đó tại thành An-ti-ốt xứ Sy-ri. d Thành này có một cộng đồng Do Thái đông đảo, nhưng có rất ít sự thù địch giữa người Do Thái và dân ngoại. Vì thế, An-ti-ốt là một khu vực thuận lợi để rao giảng cho dân ngoại. Chính tại đây, một số môn đồ gốc Do Thái đã bắt đầu giảng tin mừng “cho những người nói tiếng Hy Lạp” (Công 11:20). Công việc ấy không chỉ nhắm đến người Do Thái nói tiếng Hy Lạp mà cả dân ngoại không cắt bì. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho công việc rao giảng, và “có rất nhiều người tin”.—Công 11:21.

20, 21. Ba-na-ba đã biểu lộ lòng khiêm tốn một cách đúng đắn như thế nào, và làm sao chúng ta có thể biểu lộ lòng khiêm tốn như thế khi thi hành thánh chức?

20 Để chăm lo cho cánh đồng chín vàng này, hội thánh ở Giê-ru-sa-lem phái Ba-na-ba đến An-ti-ốt. Rõ ràng, ông không thể tự mình lo cho tất cả những người chú ý đến tin mừng tại đó. Ngoài Sau-lơ, người đã được chọn làm sứ đồ cho dân ngoại, còn có ai thích hợp hơn để trợ giúp Ba-na-ba? (Công 9:15; Rô 1:5). Liệu Ba-na-ba có xem Sau-lơ như một đối thủ không? Ngược lại, Ba-na-ba đã biểu lộ lòng khiêm tốn một cách đúng đắn. Ông chủ động đến Tạt-sơ tìm Sau-lơ rồi dẫn về An-ti-ốt để giúp mình. Cả hai dành một năm để làm vững mạnh các môn đồ trong hội thánh tại đó.—Công 11:22-26a.

21 Chúng ta có thể biểu lộ lòng khiêm tốn trong việc thi hành thánh chức như thế nào? Đức tính này đòi hỏi một người biết nhìn nhận giới hạn của mình. Tất cả chúng ta có ưu điểm và khả năng khác nhau. Thí dụ, một số người có thể hữu hiệu trong việc rao giảng chính thức hay từng nhà nhưng lại gặp khó khăn trong việc viếng thăm lại hay bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Nếu muốn trau dồi khía cạnh nào đó trong thánh chức, sao anh chị không nhờ người khác giúp? Bằng cách chủ động làm thế, anh chị sẽ đạt được nhiều kết quả hơn và gặt hái thêm nhiều niềm vui trong thánh chức.—1 Cô 9:26.

Gửi “quà cứu trợ cho anh em” (Công vụ 11:26b-30)

22, 23. Anh em tại thành An-ti-ốt đã làm gì để biểu lộ tình yêu thương anh em, và ngày nay dân Đức Chúa Trời cũng hành động tương tự ra sao?

22 Thành An-ti-ốt là nơi đầu tiên “các môn đồ được gọi là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” (Công 11:26b). Danh xưng được Đức Chúa Trời chấp nhận này diễn tả rất thích hợp về những người có lối sống dựa theo mẫu mực của Đấng Ki-tô. Khi dân ngoại trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, tình anh em có nảy sinh giữa các tín đồ gốc Do Thái và dân ngoại không? Hãy xem điều gì xảy ra khi có một nạn đói lớn vào năm 46 CN. e Vào thời xưa, nạn đói ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, những người không có tiền hay thức ăn dự trữ. Trong nạn đói này, tín đồ đạo Đấng Ki-tô gốc Do Thái ở xứ Giu-đê, có lẽ đa phần là người nghèo khó, rất cần được giúp đỡ. Biết nhu cầu ấy, anh em tại An-ti-ốt—có cả tín đồ gốc dân ngoại—đã gửi “quà cứu trợ cho anh em ở xứ Giu-đê” (Công 11:29). Quả là tình yêu thương anh em chân thật!

23 Dân sự Đức Chúa Trời ngày nay cũng thế. Khi biết anh em mình—ở nước khác hay tại địa phương—đang gặp cảnh khốn đốn, chúng ta sẵn sàng tìm cách trợ giúp. Các Ủy ban Chi nhánh nhanh chóng lập các Ủy ban Cứu trợ Thảm họa để chăm lo cho những anh em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, kể cả bão lụt, động đất và sóng thần. Mọi nỗ lực trong các công cuộc cứu trợ như thế đều thể hiện tình anh em chân thật.—Giăng 13:34, 35; 1 Giăng 3:17.

24. Làm sao chúng ta có thể cho thấy mình ghi nhớ ý nghĩa của khải tượng mà Phi-e-rơ đã nhận?

24 Là môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô, chúng ta ghi nhớ ý nghĩa của khải tượng mà Phi-e-rơ thấy trên sân thượng ở Gióp-ba vào thế kỷ thứ nhất. Chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời không thiên vị. Ngài muốn chúng ta rao giảng cặn kẽ về Nước ngài, điều này liên quan đến việc rao giảng cho người khác, bất kể chủng tộc, gốc gác hay địa vị xã hội. Vậy, chúng ta hãy quyết tâm giúp những ai muốn nghe có được cơ hội hưởng ứng tin mừng.—Rô 10:11-13.

Khi anh em gặp cảnh khốn đốn, chúng ta sẵn sàng tìm cách trợ giúp

a Một số người Do Thái khinh thường thợ thuộc da vì người làm nghề ấy phải tiếp xúc với da và xác thú vật cùng những vật liệu ghê tởm cần cho công việc này. Thợ thuộc da bị xem là không xứng đáng có mặt tại đền thờ, và nơi làm việc của họ phải cách thị trấn ít nhất 50 cu-bít, tức hơn 22m. Điều này có thể giải thích phần nào lý do nhà của Si-môn “ở gần biển”.—Công 10:6.

c Bài này có tựa đề “Nguồn hướng dẫn đáng tin cậy để nuôi dạy con”, số ra ngày 1-11-2006, trang 4 đến 7.

d Xem khung “ An-ti-ốt xứ Sy-ri”.

e Sử gia Do Thái Josephus có nói đến “nạn đói lớn” này trong triều đại của hoàng đế Cơ-lo-đi-ô (41-54 CN).