Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 20

“Ngày càng phát triển và thắng lợi” bất kể sự chống đối

“Ngày càng phát triển và thắng lợi” bất kể sự chống đối

Cách A-bô-lô và Phao-lô góp phần đẩy mạnh sự phát triển của tin mừng

Dựa trên Công vụ 18:23–19:41

1, 2. (a) Phao-lô và các bạn đồng hành đối mặt với mối nguy hiểm nào tại thành Ê-phê-sô? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương này?

 Tiếng kêu gào, la hét và tiếng bước chân chạy rần rật như sấm rền vang khắp đường phố thành Ê-phê-sô. Một đám đông đã được tập hợp và sự náo loạn bùng nổ! Hai người bạn đồng hành của sứ đồ Phao-lô đã bị bắt và lôi đi. Con đường rộng rãi với những cửa hàng buôn bán nhanh chóng trở nên vắng vẻ sau khi đám đông càng lúc càng lớn hơn điên cuồng quét qua và ùa vào đấu trường của thành phố, nơi có sức chứa lên đến 25.000 người. Hầu hết dân chúng không biết điều gì đã gây ra sự náo loạn này, nhưng họ tưởng rằng đền thờ và vị thần Ác-tê-mi yêu dấu của mình đang bị đe dọa. Vì thế, họ bắt đầu gào thét liên tục: “Vĩ đại thay thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-sô!”.—Công 19:34.

2 Một lần nữa, chúng ta thấy Sa-tan cố gắng dùng đám đông hung tợn để ngăn cản tin mừng về Nước Đức Chúa Trời được lan rộng. Dĩ nhiên, mối đe dọa bị hành hung không phải là thủ đoạn duy nhất của hắn. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét một số mưu kế của Sa-tan nhằm phá hoại công việc và sự hợp nhất của các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ thấy rằng mọi thủ đoạn của hắn đều thất bại, vì “lời Đức Giê-hô-va ngày càng phát triển và thắng lợi” (Công 19:20). Làm sao các tín đồ thời đó có thể chiến thắng? Cũng cùng những lý do với chúng ta ngày nay. Tất nhiên, đó là chiến thắng của Đức Giê-hô-va chứ không phải của chúng ta. Nhưng giống như các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta cần phải làm phần của mình. Với sự giúp đỡ của thần khí Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể vun trồng các đức tính cần thiết để thành công trong thánh chức. Đầu tiên, hãy xem xét gương của A-bô-lô.

Ông “thông thạo Kinh Thánh” (Công vụ 18:24-28)

3, 4. A-qui-la và Bê-rít-sin nhận thấy thiếu sót gì nơi A-bô-lô, và họ đã làm gì?

3 Khi Phao-lô đang trên đường đến Ê-phê-sô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ ba thì có một người Do Thái tên là A-bô-lô đã đến đó trước ông. Người này đến từ một thành phố nổi tiếng của Ai Cập là A-léc-xan-ri-a. A-bô-lô có một số khả năng khá nổi bật. Ông có tài hùng biện và cũng “thông thạo Kinh Thánh”. Ngoài ra, ông là người “đầy nhiệt tâm nhờ thần khí”. Lòng đầy sốt sắng, A-bô-lô nói năng cách dạn dĩ trước những cử tọa Do Thái trong nhà hội.—Công 18:24, 25.

4 A-qui-la và Bê-rít-sin lắng nghe A-bô-lô. Chắc chắn họ rất phấn khởi khi nghe ông “giảng dạy chính xác về Chúa Giê-su”. Những gì ông giảng về Chúa Giê-su là hoàn toàn đúng. Nhưng rồi cặp vợ chồng tín đồ này phát hiện một lỗ hổng nghiêm trọng trong sự hiểu biết của A-bô-lô, đó là ông “chỉ biết về phép báp-têm của Giăng”. Hai vợ chồng đó là những người giản dị, làm nghề may lều nhưng họ không ngại trước tài năng hay học vấn của A-bô-lô. Trái lại, họ “dẫn [A-bô-lô] đi với mình, giải thích cho ông chính xác hơn về đường lối của Đức Chúa Trời” (Công 18:25, 26). Người đàn ông có tài hùng biện và học thức đó phản ứng như thế nào? Rõ ràng, ông đã thể hiện một trong những đức tính quan trọng nhất mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần phải vun trồng, đó là sự khiêm nhường.

5, 6. Điều gì giúp A-bô-lô trở nên hữu dụng hơn đối với Đức Giê-hô-va, và chúng ta có thể học được gì từ ông?

5 Nhờ chấp nhận sự trợ giúp của A-qui-la và Bê-rít-sin, A-bô-lô đã trở nên hữu hiệu hơn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Ông đến A-chai và “giúp đỡ rất nhiều” cho những người tin đạo. Tại đây, việc làm chứng của ông cũng đạt hiệu quả đối với những người Do Thái cứ một mực cho rằng Chúa Giê-su không phải là Đấng Mê-si được hứa trước. Lu-ca viết: “Ông chứng minh một cách hùng hồn… rằng người Do Thái đã sai, ông dùng Kinh Thánh chứng tỏ Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô” (Công 18:27, 28). A-bô-lô quả là một ân phước cho các hội thánh! Thật thế, như Phao-lô, thánh chức của ông giúp “lời Đức Giê-hô-va” phát triển mạnh mẽ. Chúng ta có thể học được gì từ A-bô-lô?

6 Khiêm nhường là một đức tính mà mọi môn đồ Đấng Ki-tô cần phải vun trồng. Mỗi người trong chúng ta được ban cho các tài năng khác nhau, có thể là do bẩm sinh, kinh nghiệm hay sự hiểu biết mà chúng ta có. Tuy nhiên, tính khiêm nhường phải là điều nổi bật hơn các tài năng. Nếu không, thế mạnh của chúng ta sẽ trở thành điểm yếu. Chúng ta có thể là mảnh đất màu mỡ để một giống cỏ độc hại là sự ngạo mạn nảy mầm (1 Cô 4:7; Gia 4:6). Nếu thật sự khiêm nhường, chúng ta sẽ cố gắng xem người khác cao hơn mình (Phi-líp 2:3). Chúng ta sẽ không bực tức hay phản kháng lúc được khuyên dạy. Khi tổ chức, dưới sự hướng dẫn của thần khí thánh, đưa ra một sự hiểu biết mới, chúng ta sẽ không khư khư bám chặt vào ý tưởng riêng nếu nó không còn phù hợp. Đức Giê-hô-va và Con ngài sẵn sàng dùng chúng ta miễn là chúng ta thể hiện tính khiêm nhường.—Lu 1:51, 52.

7. Phao-lô và A-bô-lô nêu gương về tính khiêm nhường như thế nào?

7 Tính khiêm nhường cũng làm tan biến sự ganh đua. Anh chị có tưởng tượng được Sa-tan muốn chia rẽ các môn đồ thời ban đầu đến mức nào không? Hắn sẽ vô cùng khoái chí nếu A-bô-lô và sứ đồ Phao-lô, là hai người có cá tính sôi nổi, theo đuổi sự tranh cạnh chẳng hạn như ganh đua nhau để giành ảnh hưởng trong các hội thánh. Thật dễ cho họ làm thế. Tại Cô-rinh-tô, một số tín đồ bắt đầu nói rằng: “Tôi thuộc về Phao-lô”, người khác thì bảo: “Tôi thuộc về A-bô-lô”. Phao-lô và A-bô-lô có khuyến khích những ý tưởng gây chia rẽ đó không? Không! Phao-lô khiêm nhường nhìn nhận công sức của A-bô-lô trong thánh chức và giao cho A-bô-lô nhiều trách nhiệm. Về phần mình, A-bô-lô theo sát sự chỉ dẫn của Phao-lô (1 Cô 1:10-12; 3:6, 9; Tít 3:12, 13). Thật là một gương tốt cho chúng ta ngày nay về việc khiêm nhường hợp tác!

“Lý luận một cách thuyết phục về Nước Đức Chúa Trời” (Công vụ 18:23; 19:1-10)

8. Phao-lô trở lại Ê-phê-sô bằng lộ trình nào và tại sao ông làm thế?

8 Phao-lô hứa sẽ trở lại Ê-phê-sô, và ông đã giữ lời a (Công 18:20, 21). Nhưng hãy chú ý đến cách ông trở lại. Trong chương trước, chúng ta thấy ông đang ở An-ti-ốt xứ Sy-ri. Để đến Ê-phê-sô, Phao-lô có thể chỉ cần đi một đoạn ngắn đến Sê-lơ-xi, lên thuyền và thẳng tiến đến Ê-phê-sô. Nhưng thay vì đi theo lộ trình đó, ông “đi sâu vào đất liền”. Theo một tính toán thì chuyến đi của Phao-lô được ghi nơi Công vụ 18:2319:1 có thể xa đến 1.600km! Sao Phao-lô lại chọn một lộ trình gian khổ đến thế? Bởi vì mục tiêu của ông là “làm cho hết thảy môn đồ được vững mạnh” (Công 18:23). Cũng như hai lần trước, chuyến hành trình truyền giáo thứ ba khiến Phao-lô tốn rất nhiều công sức, nhưng ông xem điều đó là xứng đáng. Ngày nay, các giám thị vòng quanh cùng vợ cũng thể hiện một tinh thần như thế. Chắc chắn chúng ta rất quý trọng tình yêu thương quên mình của họ.

9. Tại sao một nhóm môn đồ cần phải được báp-têm lại, và chúng ta rút ra bài học nào từ họ?

9 Khi đến Ê-phê-sô, Phao-lô tìm thấy một nhóm khoảng 12 môn đồ của Giăng Báp-tít. Họ đã được báp-têm dựa trên một sự sắp đặt không còn hợp lệ nữa. Ngoài ra, dường như những người này biết rất ít hoặc không biết gì về thần khí thánh. Phao-lô giải thích cho họ tầm quan trọng của việc báp-têm nhân danh Chúa Giê-su, và giống như A-bô-lô, họ khiêm nhường và sẵn sàng học hỏi. Sau khi báp-têm nhân danh Chúa Giê-su, họ nhận được thần khí thánh và một vài khả năng kỳ diệu. Vậy, rõ ràng là việc theo sát sự hướng dẫn từ tổ chức thần quyền đang tấn tới của Đức Giê-hô-va mang lại nhiều ân phước.—Công 19:1-7.

10. Tại sao Phao-lô chuyển từ nhà hội sang một giảng đường, và điều này nêu gương cho chúng ta trong thánh chức như thế nào?

10 Một sự tiến triển khác sắp xảy ra. Trong ba tháng, Phao-lô rao giảng dạn dĩ tại nhà hội. Dù ông đã “lý luận một cách thuyết phục về Nước Đức Chúa Trời” nhưng một số người cứng lòng và trở thành những kẻ chống đối. Không phí thời giờ với những người “phỉ báng Đường Lối Chúa”, Phao-lô sắp xếp để rao giảng mỗi ngày tại một giảng đường (Công 19:8, 9). Những người muốn tiến bộ về thiêng liêng thì cần phải chuyển từ nhà hội sang giảng đường. Như Phao-lô, chúng ta có thể phải chấm dứt một số cuộc thảo luận nếu nhận thấy chủ nhà không muốn lắng nghe hay chỉ thích tranh luận. Vẫn có nhiều người giống như chiên cần được nghe thông điệp khích lệ mà chúng ta mang lại!

11, 12. (a) Phao-lô nêu gương về việc siêng năng và linh động như thế nào? (b) Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng thể hiện sự siêng năng và linh động trong thánh chức như thế nào?

11 Phao-lô rao giảng mỗi ngày tại giảng đường, có thể từ khoảng 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều (Công 19:9). Hẳn đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất nhưng cũng nóng nhất trong ngày, là lúc nhiều người ngưng làm việc để ăn uống và nghỉ ngơi. Hãy hình dung, nếu Phao-lô làm theo thời khóa biểu khắt khe này suốt hai năm thì ông có thể đã dành ra hơn 3.000 giờ rao giảng, tức 125 giờ mỗi tháng. b Đó cũng là một lý do khiến lời Đức Giê-hô-va ngày càng phát triển và thắng lợi. Phao-lô là người siêng năng và linh động. Trong thánh chức, ông điều chỉnh thời khóa biểu của mình để đáp ứng nhu cầu của những người trong khu vực. Kết quả là gì? “Mọi người sống trong tỉnh A-si-a đều được nghe lời Chúa, cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp” (Công 19:10). Phao-lô quả đã làm chứng thật cặn kẽ!

Chúng ta cố hết sức tìm gặp người khác ở bất cứ nơi đâu

12 Các Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng chứng tỏ là những người siêng năng và linh động. Chúng ta cố hết sức đi đến bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào để tìm gặp người khác. Chúng ta rao giảng trên đường phố, tại khu mua sắm và bãi đỗ xe. Chúng ta cũng có thể liên lạc với họ bằng điện thoại hoặc thư từ. Và trong việc rao giảng từng nhà, chúng ta nỗ lực tìm gặp người khác vào những lúc họ có ở nhà.

“Ngày càng phát triển và thắng lợi” bất kể các ác thần (Công vụ 19:11-22)

13, 14. (a) Đức Giê-hô-va ban cho Phao-lô quyền làm gì? (b) Các con trai của Sê-va đã mắc phải sai lầm nào, và ngày nay nhiều người thuộc khối Ki-tô giáo cũng phạm sai lầm tương tự như thế nào?

13 Lu-ca cho chúng ta biết có một giai đoạn nổi bật đã diễn ra khi Đức Giê-hô-va cho Phao-lô quyền năng để thực hiện “những việc hết sức phi thường”. Thậm chí khăn và tạp dề mà ông từng dùng cũng có thể chữa bệnh. Chúng cũng được dùng để trục xuất các ác thần c (Công 19:11, 12). Những chiến thắng vẻ vang này trước lực lượng của Sa-tan thu hút sự chú ý của nhiều người, nhưng không phải tất cả đều vui mừng.

14 “Một số người Do Thái đi khắp nơi đuổi quỷ”, cố gắng bắt chước các phép lạ của Phao-lô. Vài người trong họ nỗ lực trục xuất các ác thần bằng cách nhân danh Chúa Giê-su và Phao-lô. Lu-ca ghi lại trường hợp bảy con trai của Sê-va, là thành viên trong một gia đình thầy tế lễ, đã cố làm điều này. Ác thần nói với họ: “Ta biết Giê-su và cũng quen Phao-lô, còn các ngươi là ai?”. Người bị ác thần ám tấn công những kẻ mạo danh đó, xông vào họ như một con thú dữ và khiến họ bỏ chạy, mình mẩy trần trụi và bị thương tích (Công 19:13-16). Đây là một thắng lợi vẻ vang của “lời Đức Giê-hô-va”, vì cho thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa quyền năng mà Phao-lô được ban với sự bất lực của những người đi theo tôn giáo sai lầm. Hàng triệu người ngày nay có suy nghĩ sai lầm rằng chỉ cần gọi tên Chúa Giê-su hoặc mang danh “người tin Chúa” hay “người có đạo” là đủ. Nhưng như Chúa Giê-su nói, chỉ những ai làm theo ý muốn của Cha ngài mới có được hy vọng thật sự trong tương lai.—Mat 7:21-23.

15. Về ma thuật và những thứ liên quan đến các thực hành huyền bí, chúng ta có thể noi theo gương của người Ê-phê-sô như thế nào?

15 Việc các con trai Sê-va bị bẽ mặt khiến sự kính sợ Đức Chúa Trời lan rộng. Điều này tác động đến nhiều người, làm họ tin đạo và từ bỏ các ma thuật. Văn hóa của người Ê-phê-sô tràn ngập các thực hành phép thuật. Bùa mê, bùa hộ mạng và thần chú, thường được viết dưới dạng lá bùa, rất phổ biến. Giờ đây, nhiều người Ê-phê-sô được thúc đẩy để mang những sách vở liên quan đến phép thuật ra đốt trước mặt mọi người, dù chúng có lẽ trị giá hàng chục ngàn đô la vào thời nay. d Lu-ca tường thuật: “Vậy, lời Đức Giê-hô-va ngày càng phát triển và thắng lợi” (Công 19:17-20). Quả là một chiến thắng phi thường của chân lý trước sự giả dối và ma thuật! Những người trung thành ấy để lại một gương tốt cho chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng đang sống trong một thế giới tràn ngập ma thuật. Nếu tìm thấy mình có bất cứ thứ gì liên quan đến ma thuật, chúng ta phải hành động như những người ở thành Ê-phê-sô—loại bỏ chúng ngay lập tức! Hãy tránh xa những thực hành ghê tởm đó bằng bất cứ giá nào.

“Nổi lên một cuộc náo loạn lớn” (Công vụ 19:23-41)

“Các anh biết rõ là nhờ nghề này mà chúng ta phát đạt”.—Công vụ 19:25

16, 17. (a) Hãy miêu tả cách Đê-mê-tri-ơ châm ngòi cho sự hỗn loạn diễn ra tại thành Ê-phê-sô. (b) Người Ê-phê-sô cho thấy sự cuồng tín của họ như thế nào?

16 Bây giờ chúng ta hãy xem thủ đoạn của Sa-tan được Lu-ca miêu tả khi viết: “Bấy giờ nổi lên một cuộc náo loạn lớn liên quan đến Đường Lối Chúa”. Ông không thổi phồng mọi chuyện e (Công 19:23). Một thợ bạc tên Đê-mê-tri-ơ đã châm ngòi cho vấn đề. Ông ta thu hút sự chú ý của những thợ bạc khác bằng cách nhắc rằng sự phát đạt mà họ có đến từ việc buôn bán hình tượng. Ông ám chỉ rằng thông điệp mà Phao-lô rao giảng sẽ gây bất lợi cho việc kinh doanh, vì các tín đồ đạo Đấng Ki-tô không thờ hình tượng. Rồi Đê-mê-tri-ơ kêu gọi lòng tự hào về thành phố cũng như về đất nước của người nghe, cảnh báo rằng nữ thần Ác-tê-mi và đền thờ nổi tiếng khắp thế giới của vị thần này đang lâm vào tình trạng nguy hiểm, tức “bị khinh thường”.—Công 19:24-27.

17 Lời nói của Đê-mê-tri-ơ đã đạt được mục đích. Các thợ bạc bắt đầu gào thét: “Vĩ đại thay thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-sô!”, và thành phố trở nên hỗn loạn, dẫn đến cảnh một đám đông điên cuồng được miêu tả ở đầu chương. f Phao-lô, một người có tinh thần hy sinh, định đi đến đấu trường để nói chuyện với đám đông nhưng các anh em nài ép ông tránh xa nguy hiểm. Một người tên A-léc-xan-đơ đã ra trước đám đông và cố nói với họ. Vì là người Do Thái nên có lẽ ông rất muốn giải thích về sự khác biệt giữa người Do Thái và các tín đồ đạo Đấng Ki-tô kia. Nhưng những lời giải thích của ông hẳn sẽ không có tác dụng với đám đông. Khi biết A-léc-xan-đơ là người Do Thái, họ làm át tiếng ông bằng cách tiếp tục gào lên trong khoảng hai giờ: “Vĩ đại thay thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-sô!”. Sự cuồng tín từ trước đến nay vẫn không thay đổi. Nó luôn khiến con người hoàn toàn mất lý trí.—Công 19:28-34.

18, 19. (a) Làm thế nào viên thị trưởng của thành phố Ê-phê-sô đã khiến đám đông dịu đi? (b) Dân của Đức Giê-hô-va đôi khi đã được các quan chức chính quyền bảo vệ ra sao, và chúng ta có thể góp phần cho điều này như thế nào?

18 Cuối cùng, viên thị trưởng thành phố đã khiến đám đông phải dịu xuống. Là một người sáng suốt và bình tĩnh, nhà chức trách này cam đoan với đám đông rằng những tín đồ đạo Đấng Ki-tô kia không gây nguy hiểm cho đền thờ và nữ thần của họ. Phao-lô và các bạn đồng hành của ông không phạm bất cứ tội nào chống lại đền thờ Ác-tê-mi. Và nếu đám đông muốn giải quyết những vấn đề tương tự thì phải làm theo đúng thủ tục. Có lẽ điều mang lại hiệu quả nhất là việc ông nhắc đám đông rằng họ có thể bị truy tố theo luật La Mã vì đã tụ tập trái phép và gây rối. Rồi ông giải tán đám đông. Những lời nói phải lẽ và thực tế đó khiến cơn thịnh nộ của họ lặng đi, cũng nhanh như lúc nó bùng nổ.—Công 19:35-41.

19 Đây không phải lần đầu tiên một quan chức chính quyền bình tĩnh và sáng suốt đã hành động để bảo vệ các môn đồ Chúa Giê-su, và cũng không phải là lần cuối cùng. Thật thế, sứ đồ Giăng nhận được một khải tượng rằng trong thời kỳ cuối cùng này, các thành phần vững chắc của thế gian được tượng trưng bởi “đất”, sẽ nuốt lấy “dòng sông” chống đối của Sa-tan nhắm vào các môn đồ Chúa Giê-su (Khải 12:15, 16). Và điều này đã được ứng nghiệm. Trong nhiều trường hợp, những quan tòa không thiên vị đã bảo vệ quyền được nhóm lại để thờ phượng và quyền được rao giảng tin mừng của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tất nhiên, tư cách đạo đức của chúng ta cũng có thể góp phần cho những chiến thắng đó. Hạnh kiểm của Phao-lô dường như đã tạo thiện cảm nơi vài quan chức chính quyền tại Ê-phê-sô, vì thế họ đã cố gắng bảo vệ ông (Công 19:31). Cũng vậy, mong sao sự chân thật và thái độ tôn trọng của chúng ta sẽ tạo được ấn tượng tốt nơi những người mình gặp. Chúng ta không thể biết trước những ảnh hưởng rộng lớn mà tư cách đạo đức tốt của mình có thể mang lại.

20. (a) Anh chị cảm thấy thế nào về cách mà lời của Đức Giê-hô-va phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ nhất và ngày nay? (b) Anh chị quyết tâm làm gì liên quan đến những chiến thắng của Đức Giê-hô-va vào thời chúng ta?

20 Thật nức lòng khi suy ngẫm về “lời Đức Giê-hô-va ngày càng phát triển và thắng lợi” vào thế kỷ thứ nhất! Và chúng ta cũng thật háo hức khi thấy Đức Giê-hô-va tạo nên những chiến thắng tương tự ngày nay. Anh chị có muốn được đặc ân góp phần, dù là nhỏ, vào những chiến thắng như thế không? Nếu muốn, hãy học hỏi từ những gương mà chúng ta vừa xem xét. Hãy tiếp tục khiêm nhường, theo sát bước tiến của tổ chức Đức Giê-hô-va, chăm chỉ làm việc, hãy tránh xa ma thuật, và cố gắng hết sức làm chứng tốt bằng sự chân thật và thái độ tôn trọng.

b Phao-lô cũng viết sách 1 Cô-rinh-tô tại Ê-phê-sô.

c Khăn có thể là những khăn choàng mà Phao-lô quấn trên đầu để ngăn mồ hôi chảy vào mắt. Việc Phao-lô mang tạp dề hàm ý rằng ông đã may lều vào những giờ rảnh rỗi, có thể là sáng sớm.—Công 20:34, 35.

d Lu-ca cho biết trị giá của chúng là 50.000 đồng bạc. Nếu đó là đồng đơ-na-ri-on thì để kiếm được số tiền này, một người lao động phải làm việc 50.000 ngày, tức là bảy ngày một tuần trong khoảng 137 năm.

e Một số người cho rằng Phao-lô đề cập đến sự kiện này khi ông nói với những người ở Cô-rinh-tô: “[Chúng tôi] không biết mình còn sống được hay không” (2 Cô 1:8). Tuy nhiên, cũng có thể Phao-lô đang nghĩ đến một tình huống nguy hiểm hơn. Khi viết ông “đấu với thú dữ ở Ê-phê-sô”, Phao-lô có lẽ đang đề cập đến kinh nghiệm khi đương đầu với thú dữ tại đấu trường hoặc theo nghĩa bóng là những kẻ chống đối (1 Cô 15:32). Có thể hiểu điều này theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

f Các phường hội hay hiệp hội thợ thủ công thời đó rất có thế lực. Chẳng hạn, khoảng một thế kỷ sau, hiệp hội thợ làm bánh cũng gây ra một cuộc náo loạn tương tự tại thành Ê-phê-sô.