Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 21

“Tôi vô tội về huyết của mọi người”

“Tôi vô tội về huyết của mọi người”

Lòng sốt sắng của Phao-lô trong thánh chức và lời khuyên của ông cho các trưởng lão

Dựa trên Công vụ 20:1-38

1-3. (a) Hãy miêu tả những điều xảy ra dẫn đến việc Ơ-ty-cơ chết. (b) Phao-lô đã làm gì, và sự kiện này cho biết gì về ông?

 Phao-lô đang ở trong một căn phòng trên cao và chật ních người tại thành Trô-ách. Ông nói chuyện nhiều với các anh em vì đây là buổi tối cuối cùng ông ở với họ. Bấy giờ là lúc nửa đêm. Trong phòng có khá nhiều ngọn đèn khiến cho không khí trở nên nóng nực hơn, và có lẽ cũng ngột ngạt nữa. Ngồi cạnh một cửa sổ là chàng trai trẻ Ơ-ty-cơ. Khi Phao-lô đang nói, Ơ-ty-cơ ngủ gục và ngã nhào qua cửa sổ tầng ba!

2 Là bác sĩ, Lu-ca dường như có mặt trong số những người đầu tiên chạy ra ngoài để xem xét tình trạng của Ơ-ty-cơ. Nhưng không cần phải xem xét nhiều, “khi đỡ dậy thì anh đã chết” (Công 20:9). Tuy nhiên, một phép lạ đã xảy ra. Phao-lô nằm sấp trên chàng trai trẻ và nói với mọi người: “Đừng náo động nữa, anh ấy sống rồi”. Phao-lô đã làm cho Ơ-ty-cơ sống lại!—Công 20:10.

3 Sự kiện này cho chúng ta thấy sức mạnh của thần khí thánh. Không ai có thể trách Phao-lô về cái chết của Ơ-ty-cơ. Nhưng ông không muốn cái chết của chàng trai trẻ ảnh hưởng đến thời điểm quan trọng này hoặc làm người khác vấp ngã về thiêng liêng. Bằng cách khiến Ơ-ty-cơ sống lại, Phao-lô đã giúp cho hội thánh được an ủi và thêm sức để thi hành thánh chức. Rõ ràng, Phao-lô cảm thấy có trách nhiệm về sự sống của người khác. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến lời của ông: “Tôi vô tội về huyết của mọi người” (Công 20:26). Hãy cùng nhau xem xét gương của Phao-lô có thể giúp chúng ta thế nào trong lĩnh vực này.

“Phao-lô... lên đường đi Ma-xê-đô-ni-a” (Công vụ 20:1, 2)

4. Phao-lô đã trải qua kinh nghiệm đáng sợ nào?

4 Như được nói đến trong chương trước, Phao-lô đã trải qua một kinh nghiệm đáng sợ. Thánh chức của ông tại Ê-phê-sô đã dẫn đến một cuộc náo loạn. Thật ra, chính những thợ bạc sống nhờ việc người ta thờ nữ thần Ác-tê-mi đã tham gia vào cuộc nổi loạn. Công vụ 20:1 cho biết: “Khi cuộc náo loạn đã lắng xuống, Phao-lô mời các môn đồ đến, ông khích lệ và từ giã họ rồi lên đường đi Ma-xê-đô-ni-a”.

5, 6. (a) Có lẽ Phao-lô đã ở Ma-xê-đô-ni-a bao lâu, và ông đã làm gì cho các anh em ở đó? (b) Phao-lô đã duy trì thái độ nào đối với anh em đồng đạo?

5 Trên đường đến Ma-xê-đô-ni-a, Phao-lô dừng lại tại cảng Trô-ách và ở đó một thời gian. Ông mong chờ Tít, người đã được gửi đến Cô-rinh-tô, sẽ đến kết hợp với mình (2 Cô 2:12, 13). Tuy nhiên, khi thấy Tít không đến, Phao-lô tiếp tục đi Ma-xê-đô-ni-a. Có lẽ ông ở đó khoảng một năm và “nói nhiều lời khích lệ anh em” a (Công 20:2). Cuối cùng, Tít cũng đến kết hợp với Phao-lô tại Ma-xê-đô-ni-a, đem theo tin vui về sự hưởng ứng của hội thánh Cô-rinh-tô đối với lá thư đầu tiên của ông (2 Cô 7:5-7). Điều này thúc đẩy Phao-lô viết thêm một lá thư cho họ, mà chúng ta thường gọi là 2 Cô-rinh-tô.

6 Điều đáng lưu ý là Lu-ca dùng từ “khích lệ” để mô tả những lần Phao-lô đến thăm các anh em ở Ê-phê-sô và Ma-xê-đô-ni-a. Cách mô tả này thật thích hợp với thái độ của Phao-lô đối với anh em đồng đạo! Trái ngược với những người Pha-ri-si luôn nhìn người khác bằng cặp mắt khinh miệt, Phao-lô xem các anh em đồng đạo là bạn cùng làm việc (Giăng 7:47-49; 1 Cô 3:9). Ông luôn duy trì thái độ đó ngay cả khi phải đưa ra những lời khuyên mạnh mẽ cho họ.—2 Cô 2:4.

7. Làm thế nào các giám thị đạo Đấng Ki-tô ngày nay có thể noi theo gương của Phao-lô?

7 Ngày nay, các trưởng lão và các giám thị vòng quanh cố gắng noi theo gương của Phao-lô. Ngay cả khi cho lời khiển trách, họ có mục tiêu là làm vững mạnh những anh em cần sự giúp đỡ. Thay vì lên án người khác, các giám thị cố gắng đồng cảm và khích lệ họ. Một giám thị vòng quanh có kinh nghiệm đã phát biểu: “Phần đông các anh chị của chúng ta đều muốn làm điều phải, nhưng họ thường phải tranh đấu với sự thất vọng, sợ hãi và cảm giác bất lực, không thể tự giúp bản thân”. Các giám thị có thể là nguồn sức mạnh cho những anh em đồng đạo cảm thấy như thế.—Hê 12:12, 13.

‘Người Do Thái âm mưu hại ông’ (Công vụ 20:3, 4)

8, 9. (a) Điều gì làm gián đoạn kế hoạch lên thuyền đến Sy-ri của Phao-lô? (b) Tại sao những người Do Thái nuôi lòng căm ghét Phao-lô?

8 Từ Ma-xê-đô-ni-a, Phao-lô đi đến Cô-rinh-tô. b Sau khi ở đó ba tháng, ông nóng lòng muốn đi Sen-cơ-rê, là nơi mà ông định lên thuyền để đến Sy-ri. Từ Sy-ri, ông có thể đi Giê-ru-sa-lem và mang quà đóng góp đến cho các anh em nghèo túng c (Công 24:17; Rô 15:25, 26). Tuy nhiên, một sự kiện bất ngờ xảy đến đã thay đổi kế hoạch của Phao-lô. Công vụ 20:3 tường thuật: ‘Người Do Thái âm mưu hại ông’!

9 Chẳng lạ gì khi người Do Thái nuôi lòng căm ghét Phao-lô, vì họ xem ông như một kẻ bội đạo. Trước đó, thánh chức của ông đã khiến cho Cơ-rít-bơ, một người có địa vị nổi bật trong nhà hội của thành Cô-rinh-tô, cải đạo (Công 18:7, 8; 1 Cô 1:14). Vào một dịp khác, những người Do Thái ở Cô-rinh-tô đã buộc tội Phao-lô trước mặt Ga-li-ô, quan tổng đốc tỉnh A-chai. Nhưng Ga-li-ô đã cho rằng các lời cáo buộc đó là vô căn cứ. Phán quyết này khiến cho những kẻ thù của Phao-lô tức điên lên (Công 18:12-17). Những người Do Thái ở Cô-rinh-tô có thể biết hoặc kết luận rằng Phao-lô sẽ sớm lên thuyền từ cảng Sen-cơ-rê gần đó, nên họ âm mưu phục kích ông. Phao-lô sẽ làm gì?

10. Có phải Phao-lô hèn nhát khi tránh đi đến Sen-cơ-rê không? Hãy giải thích.

10 Vì sự an toàn cá nhân và cũng để bảo vệ số tiền mà ông được tin tưởng giao cho, Phao-lô đã chọn tránh Sen-cơ-rê và quay lại đi xuyên qua Ma-xê-đô-ni-a. Đành rằng việc đi bằng đường bộ cũng có một số nguy hiểm. Những kẻ cướp thường ẩn núp dọc theo các con đường thời đó. Ngay cả những quán trọ cũng không an toàn. Tuy nhiên, Phao-lô đã chấp nhận những mối nguy hiểm này thay vì đối mặt với những kẻ thù đang chờ ông tại Sen-cơ-rê. Mừng thay, ông không đi một mình. Các bạn đồng hành của Phao-lô trong giai đoạn này của chuyến truyền giáo gồm A-rita-cơ, Gai-út, Sê-cun-đu, Sô-ba-tê, Ti-chi-cơ, Ti-mô-thê và Trô-phim.—Công 20:3, 4.

11. Các môn đồ Chúa Giê-su ngày nay hành động hợp lý để bảo vệ mình ra sao, và Chúa Giê-su đã nêu gương nào về điều này?

11 Giống như Phao-lô, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay cũng làm những gì có thể để bảo vệ mình trong thánh chức. Tại vài nơi, họ đi chung với nhau thành từng nhóm hoặc ít nhất là từng cặp chứ không đi một mình. Còn về sự ngược đãi thì sao? Các môn đồ Chúa Giê-su biết rằng đó là điều không thể tránh được (Giăng 15:20; 2 Ti 3:12). Tuy nhiên, họ không tự đặt mình vào những tình huống nguy hiểm. Hãy xem gương của Chúa Giê-su. Vào một dịp, khi những kẻ chống đối ở Giê-ru-sa-lem lượm đá để ném Chúa Giê-su, “ngài lánh đi và ra khỏi đền thờ” (Giăng 8:59). Sau đó, khi những người Do Thái lập mưu giết ngài, “Chúa Giê-su không đi công khai trong vòng người Do Thái nữa, nhưng ngài rời nơi đó và đến vùng gần hoang mạc” (Giăng 11:54). Chúa Giê-su đã hành động hợp lý để bảo vệ mình khi điều đó không đi ngược với ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho ngài. Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay cũng làm tương tự.—Mat 10:16.

Họ “cảm thấy được an ủi rất nhiều” (Công vụ 20:5-12)

12, 13. (a) Sự sống lại của Ơ-ty-cơ có ảnh hưởng thế nào đến hội thánh? (b) Hy vọng nào dựa trên Kinh Thánh giúp an ủi những người ngày nay có người thân yêu qua đời?

12 Phao-lô và các bạn đồng hành cùng đi xuyên qua Ma-xê-đô-ni-a, nhưng sau đó dường như họ đã chia nhau ra, rồi gặp lại tại Trô-ách. d Lời tường thuật nói: “Năm ngày sau [chúng tôi] gặp họ tại Trô-ách” e (Công 20:6). Chính tại đây chàng trai trẻ Ơ-ty-cơ đã được làm sống lại, như được đề cập ở đầu chương. Hãy hình dung các tín đồ tại đó cảm thấy thế nào khi chứng kiến người anh em của họ là Ơ-ty-cơ được sống lại! Kinh Thánh cho biết họ “cảm thấy được an ủi rất nhiều”.—Công 20:12.

13 Dĩ nhiên, những phép lạ như thế không xảy ra vào thời nay, nhưng những ai có người thân yêu qua đời “cảm thấy được an ủi rất nhiều” nhờ hy vọng dựa trên Kinh Thánh về sự sống lại (Giăng 5:28, 29). Hãy nghĩ về điều này: Vì bất toàn, Ơ-ty-cơ dù được sống lại nhưng rồi cũng phải chết (Rô 6:23). Tuy nhiên, những ai được sống lại trong thế giới mới của Đức Chúa Trời sẽ có triển vọng sống mãi mãi! Hơn thế nữa, những người sống lại để cùng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời được ban cho sự bất tử (1 Cô 15:51-53). Dù là người được xức dầu hay thuộc “chiên khác”, các môn đồ Chúa Giê-su ngày nay đều có lý do để “cảm thấy được an ủi rất nhiều”.—Giăng 10:16.

“Trước công chúng và từ nhà này sang nhà kia” (Công vụ 20:13-24)

14. Phao-lô đã nói điều gì với các trưởng lão Ê-phê-sô khi gặp họ tại Mi-lê?

14 Phao-lô và các bạn đồng hành đi từ Trô-ách đến A-sốt, rồi đến Mi-ti-len, Chi-ô, Sa-mốt và Mi-lê. Mục tiêu của Phao-lô là đến Giê-ru-sa-lem để kịp dự Lễ Ngũ Tuần. Việc ông vội vã đến Giê-ru-sa-lem để dự lễ giúp giải thích tại sao trong lần trở về này, ông lại chọn một con thuyền đi thẳng và không ngừng ở Ê-phê-sô. Nhưng vì vẫn muốn nói chuyện với các trưởng lão Ê-phê-sô, nên Phao-lô mời họ đến gặp ông tại Mi-lê (Công 20:13-17). Khi họ đến, Phao-lô nói: “Anh em biết rõ từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến tỉnh A-si-a, tôi ăn ở như thế nào giữa anh em, ấy là hầu việc Chúa với tất cả lòng khiêm nhường và nước mắt, chịu nhiều thử thách vì bị người Do Thái âm mưu hãm hại. Tôi không ngần ngại nói cho anh em bất cứ điều gì ích lợi, cũng chẳng ngần ngại dạy dỗ anh em trước công chúng và từ nhà này sang nhà kia. Tôi làm chứng cặn kẽ cho người Do Thái lẫn người Hy Lạp rằng họ phải ăn năn mà quay lại với Đức Chúa Trời và có đức tin nơi Chúa Giê-su chúng ta”.—Công 20:18-21.

15. Một vài lợi ích của việc rao giảng từng nhà là gì?

15 Ngày nay, chúng ta dùng nhiều cách để rao giảng tin mừng. Như Phao-lô, chúng ta cố gắng đi bất cứ nơi đâu có người, dù là trạm xe buýt, trên đường phố nhộn nhịp hoặc ở chợ. Tuy nhiên, việc đi từng nhà vẫn là phương pháp chính mà Nhân Chứng Giê-hô-va dùng. Tại sao? Lý do thứ nhất là việc rao giảng từng nhà đem lại cho mọi người cơ hội nghe thông điệp Nước Trời một cách đều đặn, điều đó cho thấy sự không thiên vị của Đức Chúa Trời. Thứ hai, việc rao giảng từng nhà giúp những người có lòng thành nhận được sự giúp đỡ tùy theo nhu cầu của họ. Thứ ba, những ai thi hành công việc này sẽ được xây đắp đức tin và tính nhẫn nại. Thật thế, một dấu hiệu nổi bật của tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính ngày nay là sự sốt sắng rao giảng “trước công chúng và từ nhà này sang nhà kia”.

16, 17. Phao-lô đã cho thấy sự can đảm như thế nào? Và làm thế nào các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay noi theo gương của ông?

16 Phao-lô giải thích với các trưởng lão Ê-phê-sô rằng ông không biết có những mối nguy hiểm nào chờ đợi ông trong lần trở lại Giê-ru-sa-lem. Ông nói với họ: “Dù vậy, tôi không xem trọng mạng sống mình, miễn sao chạy xong cuộc đua và hoàn thành thánh chức đã nhận lãnh nơi Chúa Giê-su, đó là làm chứng cặn kẽ về tin mừng về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời” (Công 20:24). Với lòng can đảm, Phao-lô không để bất cứ hoàn cảnh nào, dù là sức khỏe kém hay sự chống đối ác liệt, ngăn cản ông hoàn thành nhiệm vụ.

17 Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay cũng chịu đựng những nghịch cảnh khác nhau. Một số người phải đối mặt với sự cấm đoán của chính quyền và sự bắt bớ. Một số khác kiên cường đấu tranh với các vấn đề làm suy yếu về thể chất và tinh thần. Những tín đồ trẻ tuổi phải đối phó với áp lực của bạn bè đồng trang lứa ở trường. Dù trải qua bất cứ hoàn cảnh nào, Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn thể hiện sự kiên định, như Phao-lô đã làm. Họ quyết tâm “làm chứng cặn kẽ về tin mừng”.

“Hãy cẩn thận giữ mình và giữ cả bầy” (Công vụ 20:25-38)

18. Phao-lô đã giữ mình không có tội về huyết như thế nào? Và bằng cách nào các trưởng lão Ê-phê-sô cũng có thể làm thế?

18 Tiếp theo, Phao-lô đưa ra lời khuyên thẳng thắn dành cho các trưởng lão Ê-phê-sô, và ông nói với họ bằng chính kinh nghiệm bản thân. Trước hết, ông cho họ biết đây có lẽ là lần cuối cùng họ gặp ông. Rồi ông nói: “Tôi vô tội về huyết của mọi người, vì tôi đã không ngần ngại nói cho anh em tất cả ý định của Đức Chúa Trời”. Các trưởng lão Ê-phê-sô có thể noi theo gương Phao-lô như thế nào để giúp họ không có tội về huyết? Ông bảo họ: “Hãy cẩn thận giữ mình và giữ cả bầy mà thần khí thánh bổ nhiệm anh em làm giám thị, để chăn dắt hội thánh của Đức Chúa Trời mà ngài đã mua bằng huyết của chính Con ngài” (Công 20:26-28). Phao-lô cảnh báo rằng “sói dữ” sẽ len lỏi vào bầy và “giảng dạy những điều sai lệch để lôi kéo môn đồ theo họ”. Các trưởng lão nên làm gì? Phao-lô căn dặn: “Anh em hãy tỉnh thức và nhớ rằng trong ba năm, ngày đêm tôi không ngừng đổ nước mắt mà khuyên nhủ mỗi người”.—Công 20:29-31.

19. Sự bội đạo nào đã nảy sinh vào cuối thế kỷ thứ nhất, và dẫn đến điều gì trong các thế kỷ sau?

19 “Sói dữ” đã xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ nhất. Vào khoảng năm 98 CN, sứ đồ Giăng viết: “Nay nhiều kẻ [chống lại Đấng Ki-tô] đã xuất hiện rồi… Họ từ giữa chúng ta mà ra khỏi, nhưng không thuộc về chúng ta; vì nếu thuộc về chúng ta, hẳn họ vẫn ở với chúng ta” (1 Giăng 2:18, 19). Đến thế kỷ thứ ba, sự bội đạo đã dẫn đến việc phát triển hàng giáo phẩm trong khối Ki-tô giáo. Vào thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantine chính thức công nhận hình thức “đạo Đấng Ki-tô” bại hoại này. Bằng cách du nhập những nghi lễ ngoại giáo và làm cho chúng có vẻ thuộc về “đạo Đấng Ki-tô”, các nhà lãnh đạo tôn giáo thật ra đã “giảng dạy những điều sai lệch”. Những ảnh hưởng của sự bội đạo đó vẫn còn được thấy trong các dạy dỗ và phong tục của khối Ki-tô giáo.

20, 21. Phao-lô đã cho thấy ông thể hiện tinh thần hy sinh như thế nào? Và các trưởng lão ngày nay có thể làm tương tự ra sao?

20 Đời sống của Phao-lô hoàn toàn tương phản với những kẻ lợi dụng bầy sau này. Ông tự làm việc nuôi thân để không tạo gánh nặng cho hội thánh. Những việc Phao-lô đã làm cho các anh em đồng đạo không vì tư lợi. Phao-lô khuyên giục các trưởng lão ở Ê-phê-sô cần phải thể hiện tinh thần hy sinh. Ông nói với họ: “Anh em phải... giúp đỡ những người yếu đuối, và anh em phải nhớ lời mà chính Chúa Giê-su đã nói: ‘Cho thì hạnh phúc hơn nhận’”.—Công 20:35.

21 Như Phao-lô, các trưởng lão đạo Đấng Ki-tô ngày nay cũng có tinh thần hy sinh. Trái với hàng giáo phẩm thuộc khối Ki-tô giáo lừa dối bầy chiên để trục lợi, những người được giao trách nhiệm “chăn dắt hội thánh của Đức Chúa Trời” thi hành nhiệm vụ một cách bất vị kỷ. Lòng kiêu hãnh và tham vọng không có chỗ trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô, vì những ai “cầu vinh cho riêng mình” cuối cùng sẽ thất bại (Châm 25:27). Sự kiêu ngạo chỉ có thể dẫn đến sỉ nhục.—Châm 11:2.

“Ai nấy đều khóc rất nhiều”.—Công vụ 20:37

22. Điều gì khiến cho Phao-lô được các trưởng lão ở Ê-phê-sô yêu quý?

22 Tình yêu thương chân thật của Phao-lô đối với các anh em đã khiến họ rất thương mến ông. Thật thế, đến lúc ông phải lên đường, “ai nấy đều khóc rất nhiều, rồi họ ôm choàng lấy cổ Phao-lô mà hôn một cách trìu mến” (Công 20:37, 38). Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thật sự cảm kích và yêu quý những ai thể hiện tinh thần bất vị kỷ đối với bầy như Phao-lô đã làm. Sau khi xem xét gương mẫu xuất sắc của Phao-lô, hẳn anh chị sẽ đồng ý rằng ông không hề khoe khoang hay phóng đại khi nói: “Tôi vô tội về huyết của mọi người”.—Công 20:26.

b Có thể Phao-lô viết lá thư Rô-ma trong lần viếng thăm này tại thành Cô-rinh-tô.

d Việc Lu-ca sử dụng ngôi thứ nhất nơi Công vụ 20:5, 6 dường như cho thấy rằng ông đã gặp lại Phao-lô tại Phi-líp, là nơi mà trước đó Phao-lô đã để ông ở lại một thời gian.—Công 16:10-17, 40.

e Chuyến đi từ Phi-líp đến Trô-ách kéo dài năm ngày, có lẽ là do ngược gió, vì lần trước chỉ mất có hai ngày.—Công 16:11.