Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 22

“Xin ý muốn của Đức Giê-hô-va được thực hiện”

“Xin ý muốn của Đức Giê-hô-va được thực hiện”

Quyết tâm làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, Phao-lô đi đến Giê-ru-sa-lem

Dựa trên Công vụ 21:1-17

1-4. Vì sao Phao-lô đi đến Giê-ru-sa-lem? Và điều gì đang đợi ông ở đó?

 Cuộc chia ly ở Mi-lê thật cảm động. Phao-lô và Lu-ca khó lòng rời xa các trưởng lão tại Ê-phê-sô, là những người mà họ rất yêu thương. Hai giáo sĩ đứng trên boong thuyền, hành lý và những thứ cần dùng cho chuyến đi đã được thu xếp. Họ cũng mang theo tiền đóng góp dành cho các tín đồ đang túng thiếu tại Giu-đê, và hai anh rất mong những món quà này sẽ được giao đến nơi.

2 Một ngọn gió nhẹ thổi qua cánh buồm, đưa con thuyền xa dần bến cảng nhộn nhịp. Hai giáo sĩ cùng bảy người bạn đồng hành vẫn hướng mắt nhìn theo khuôn mặt buồn bã của các anh em đứng trên bờ (Công 20:4, 14, 15). Những người đi cứ tiếp tục vẫy tay chào cho đến lúc không còn nhìn thấy các bạn mình nữa.

3 Trong khoảng ba năm, Phao-lô đã làm việc sát cánh bên các trưởng lão Ê-phê-sô. Nhưng giờ đây, theo sự hướng dẫn của thần khí thánh, ông lên đường đến Giê-ru-sa-lem. Ít nhiều ông cũng biết điều gì đang đợi mình tại đó. Phao-lô đã từng nói với các trưởng lão Ê-phê-sô rằng: “Do thần khí thúc giục nên tôi sẽ đến Giê-ru-sa-lem, dù không biết chuyện gì sẽ xảy đến với mình tại đó, chỉ biết là tại mỗi thành, thần khí thánh đều cảnh báo rằng lao tù và hoạn nạn đang chờ tôi” (Công 20:22, 23). Bất chấp nguy hiểm, Phao-lô cảm thấy “thần khí thúc giục”, tức vừa bị bắt buộc vừa sẵn sàng làm theo sự hướng dẫn của thần khí để đi Giê-ru-sa-lem. Ông quý trọng sự sống của mình, nhưng việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời mới là điều quan trọng nhất đối với ông.

4 Anh chị có cảm thấy như thế không? Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta trang trọng hứa nguyện rằng sẽ đặt việc làm theo ý muốn ngài lên hàng đầu trong đời sống. Chúng ta sẽ nhận được ích lợi khi xem xét gương trung thành của sứ đồ Phao-lô.

Ngang qua “đảo Síp” (Công vụ 21:1-3)

5. Phao-lô và các bạn đồng hành đã đi theo lộ trình nào để đến Ty-rơ?

5 Phao-lô và các bạn đồng hành đã lên một con thuyền “đi thẳng”. Thật vậy, nó lướt đi thẳng một đường thuận theo chiều gió và đến Cốt trong cùng một ngày (Công 21:1). Có lẽ thuyền đã thả neo qua đêm ở Cốt, trước khi giong buồm đến Rô-đơ và Ba-ta-ra. Tại Ba-ta-ra, nằm ở bờ biển phía nam của Tiểu Á, các anh lên một con thuyền chở hàng lớn, đi thẳng đến Ty-rơ thuộc Phê-ni-xi. Trên đường, họ đi ngang qua “đảo Síp ở bên trái” (Công 21:3). Tại sao Lu-ca, người viết sách Công vụ, lại đề cập đến chi tiết này?

6. (a) Tại sao việc nhìn thấy đảo Síp có thể khích lệ Phao-lô? (b) Khi suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va ban phước và giúp đỡ mình, anh chị kết luận điều gì?

6 Có lẽ Phao-lô đã chỉ về đảo Síp và kể kinh nghiệm mà ông trải qua tại đó. Trong chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên khoảng chín năm trước, Phao-lô cùng với Ba-na-ba và Giăng Mác đã đối mặt với thuật sĩ Ê-ly-ma, người chống đối công việc rao giảng của họ (Công 13:4-12). Việc nhìn thấy hòn đảo và nhớ lại chuyện xảy ra có lẽ đã khích lệ và thêm sức cho Phao-lô để đương đầu với những gì đang chờ đợi ông. Chúng ta cũng có thể nhận được lợi ích bằng cách nhớ lại Đức Chúa Trời đã ban phước và giúp mình chịu đựng thử thách như thế nào. Những suy nghĩ đó có thể khiến chúng ta cảm thấy giống như Đa-vít khi ông viết: “Dù người công chính chịu bao gian khổ, Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết”.—Thi 34:19.

“Chúng tôi tìm được các môn đồ” (Công vụ 21:4-9)

7. Phao-lô và các bạn đồng hành đã làm gì ngay sau khi đến Ty-rơ?

7 Phao-lô quý trọng việc kết hợp với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô và rất háo hức được gặp gỡ anh em cùng đức tin. Lu-ca viết rằng khi vừa đến Ty-rơ, họ “tìm được các môn đồ” (Công 21:4). Vì biết có tín đồ ở Ty-rơ, Phao-lô và các bạn đồng hành liền tìm kiếm và có thể đã ở với các anh em. Một trong những ân phước lớn khi thờ phượng Đức Giê-hô-va là cho dù đi bất cứ nơi đâu, chúng ta đều có thể tìm thấy các anh em có cùng cảm nghĩ và niềm tin với mình, và được họ chào đón. Những ai yêu mến Đức Chúa Trời và thực hành sự thờ phượng thật có bạn bè ở khắp nơi trên thế giới.

8. Chúng ta nên hiểu Công vụ 21:4 như thế nào?

8 Khi miêu tả về bảy ngày ở Ty-rơ, Lu-ca ghi lại một điều khá khó hiểu khi mới đọc: “Vì những gì thần khí đã tiết lộ, [các anh em ở Ty-rơ] cố khuyên Phao-lô đừng đặt chân đến Giê-ru-sa-lem” (Công 21:4). Phải chăng Đức Giê-hô-va đã đổi ý? Có phải giờ đây ngài chỉ dẫn rằng Phao-lô không nên đi Giê-ru-sa-lem nữa? Không phải thế. Thần khí cho biết Phao-lô sẽ bị ngược đãi tại Giê-ru-sa-lem, chứ không nói là ông phải tránh thành đó. Nhờ thần khí thánh, các anh em ở Ty-rơ có thể đã kết luận đúng rằng Phao-lô sẽ gặp vấn đề khi đến Giê-ru-sa-lem. Vì lo lắng cho ông, họ nài xin Phao-lô đừng đi. Việc họ muốn bảo vệ Phao-lô khỏi những mối nguy hiểm sắp xảy ra cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vì quyết tâm làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va, Phao-lô tiếp tục lên đường đến Giê-ru-sa-lem.—Công 21:12.

9, 10. (a) Khi nghe những lời khuyên can của các anh em ở Ty-rơ, Phao-lô có thể đã nhớ lại tình huống tương tự nào? (b) Thế gian ngày nay thường có quan điểm nào, và điều đó tương phản với lời của Chúa Giê-su ra sao?

9 Khi nghe những lời khuyên can của các anh em, có lẽ Phao-lô nhớ đến việc Chúa Giê-su cũng gặp tình huống tương tự sau khi nói với các môn đồ rằng ngài sẽ đến Giê-ru-sa-lem, chịu nhiều đau đớn và bị giết. Hành động theo cảm xúc, Phi-e-rơ nói với Chúa Giê-su: “Sao Chúa lại nghĩ mình phải chịu khổ như vậy? Điều đó sẽ không xảy ra cho ngài đâu”. Ngài đáp: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau tôi! Anh là chướng ngại gây vấp ngã cho tôi, vì anh suy nghĩ theo quan điểm của loài người, chứ không phải của Đức Chúa Trời” (Mat 16:21-23). Chúa Giê-su đã kiên quyết chấp nhận lối sống hy sinh mà Đức Chúa Trời giao phó. Phao-lô cũng cảm thấy như vậy. Giống như sứ đồ Phi-e-rơ, chắc chắn các anh em ở Ty-rơ có ý tốt, nhưng họ không nhận ra ý muốn Đức Chúa Trời.

Việc đi theo Chúa Giê-su đòi hỏi một tinh thần hy sinh

10 Quan điểm dễ dãi với bản thân hoặc lựa chọn con đường có ít trở ngại nhất được nhiều người ngày nay ưa chuộng. Người ta nói chung có khuynh hướng tìm kiếm một tôn giáo thoải mái và ít đòi hỏi nơi giáo dân. Ngược lại, Chúa Giê-su khuyến khích một tinh thần hoàn toàn khác. Ngài nói với các môn đồ: “Nếu ai muốn làm môn đồ tôi thì phải từ bỏ chính mình, vác cây khổ hình mình và luôn theo tôi” (Mat 16:24). Đi theo Chúa Giê-su là một đường lối khôn ngoan và đúng đắn, nhưng không phải là dễ dàng.

11. Làm thế nào các môn đồ ở thành Ty-rơ cho thấy sự yêu quý và ủng hộ đối với Phao-lô?

11 Ít lâu sau, Phao-lô, Lu-ca và các bạn đồng hành tiếp tục lên đường. Lời miêu tả về cuộc chia tay của họ cho thấy sự yêu quý của anh em ở Ty-rơ dành cho Phao-lô, cũng như sự ủng hộ hết mình đối với thánh chức của ông. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều đi cùng Phao-lô đến bờ biển để tiễn ông và các bạn đồng hành. Tất cả họ quỳ xuống, cùng nhau cầu nguyện rồi nói lời tạm biệt. Sau đó, Phao-lô, Lu-ca và các bạn đồng hành lên một con thuyền và tiếp tục đến Bơ-tô-lê-mai. Tại đó, họ gặp gỡ và ở lại một ngày với các anh em.—Công 21:5-7.

12, 13. (a) Phi-líp nêu gương nào về việc trung thành phụng sự? (b) Phi-líp là gương tốt cho các người cha tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay ra sao?

12 Tiếp theo, Lu-ca kể lại rằng Phao-lô và các bạn đồng hành đi Sê-sa-rê. a Khi đến nơi, họ “vào ở nhà của người rao truyền tin mừng là Phi-líp” (Công 21:8). Chắc hẳn họ rất vui khi gặp lại Phi-líp. Khoảng 20 năm trước tại Giê-ru-sa-lem, Phi-líp đã được các sứ đồ bổ nhiệm để giúp chăm lo việc phân phát lương thực trong hội thánh mới thành lập. Ông đã sốt sắng rao truyền tin mừng trong nhiều năm. Hãy nhớ rằng khi sự bắt bớ khiến các môn đồ phải tản mác, Phi-líp đã đi đến Sa-ma-ri và bắt đầu rao giảng tại đó. Sau này, ông rao giảng và làm phép báp-têm cho viên quan người Ê-thi-ô-bi (Công 6:2-6; 8:4-13, 26-38). Quả là một gương mẫu về việc trung thành phụng sự!

13 Phi-líp không hề đánh mất lòng nhiệt thành đối với thánh chức. Giờ đây, ông sống tại Sê-sa-rê và vẫn tiếp tục bận rộn trong công việc rao giảng. Lu-ca cho thấy điều này bằng cách gọi ông là “người rao truyền tin mừng”. Chúng ta cũng biết được rằng lúc đó ông có bốn con gái đều nói tiên tri, chứng tỏ họ đã noi theo gương của cha mình b (Công 21:9). Chắc chắn ông đã thực hiện nhiều điều để giúp gia đình có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Ngày nay, những người cha tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng noi theo gương của Phi-líp bằng cách dẫn đầu trong thánh chức và giúp con cái của mình phát triển lòng quý trọng công việc rao truyền tin mừng.

14. Những cuộc viếng thăm các anh em đồng đạo của Phao-lô hẳn đã mang lại kết quả gì? Và chúng ta cũng có những dịp tương tự nào ngày nay?

14 Đến bất cứ nơi nào, Phao-lô cũng tìm kiếm các anh em đồng đạo và dành thời gian với họ. Chắc chắn các anh em địa phương rất muốn bày tỏ lòng hiếu khách đối với giáo sĩ lưu động này và các bạn đồng hành của ông. Những cuộc viếng thăm như thế hẳn đã giúp “khích lệ lẫn nhau” (Rô 1:11, 12). Ngày nay chúng ta cũng có những dịp tương tự. Chúng ta sẽ nhận được rất nhiều lợi ích khi mở rộng cửa đón tiếp giám thị vòng quanh và vợ, cho dù đó chỉ là một ngôi nhà khiêm tốn.—Rô 12:13.

‘Tôi sẵn sàng chịu chết’ (Công vụ 21:10-14)

15, 16. A-ga-bô mang đến thông điệp gì, và nó tác động thế nào đến những người có mặt?

15 Khi Phao-lô đang ở nhà Phi-líp thì xuất hiện một vị khách khác cũng được nhiều người kính trọng, đó là ông A-ga-bô. Những người có mặt tại nhà Phi-líp đều biết A-ga-bô là một nhà tiên tri và ông đã từng báo trước về nạn đói lớn diễn ra vào triều đại của hoàng đế Cơ-lo-đi-ô (Công 11:27, 28). Có lẽ họ tự hỏi: “Sao A-ga-bô lại đến đây? Ông muốn truyền đạt thông điệp gì?”. Khi mọi người đang chăm chú quan sát thì A-ga-bô lấy dây thắt lưng của Phao-lô, đó là một dây dài bằng vải buộc ngang lưng để giữ tiền và những vật dụng khác. A-ga-bô dùng nó trói tay và chân của mình lại. Rồi ông bắt đầu nói. Đó là một thông điệp nghiêm trọng: “Thần khí thánh phán: ‘Người có dây thắt lưng này sẽ bị dân Do Thái trói như vầy ở Giê-ru-sa-lem và nộp vào tay dân ngoại’”.—Công 21:11.

16 Lời tiên tri khẳng định rằng Phao-lô sẽ đi đến Giê-ru-sa-lem và cho biết việc rao giảng cho người Do Thái tại đó sẽ khiến ông bị “nộp vào tay dân ngoại”. Các lời này đã tác động mạnh đến những người có mặt. Lu-ca viết: “Nghe điều ấy, chúng tôi cùng những người ở đó đều nài nỉ Phao-lô đừng lên Giê-ru-sa-lem. Phao-lô đáp: ‘Anh em khóc lóc làm gì để khiến tôi giảm đi lòng quyết tâm? Tôi chẳng những sẵn sàng chịu trói mà còn chịu chết tại Giê-ru-sa-lem vì danh Chúa Giê-su’”.—Công 21:12, 13, chú thích.

17, 18. Phao-lô cho thấy sự cương quyết của mình như thế nào, và các anh em phản ứng ra sao?

17 Hãy hình dung cảnh tượng sau: Các anh em, gồm cả Lu-ca, khẩn khoản xin Phao-lô đừng đi. Một số người còn khóc nữa. Cảm động trước sự quan tâm đầy yêu thương mà các anh em dành cho mình, Phao-lô nhẹ nhàng nói rằng họ “khiến [ông] giảm đi lòng quyết tâm”. Một số bản Kinh Thánh khác dịch cụm từ Hy Lạp này là họ “làm tan nát trái tim [ông]”. Nhưng ông đã quyết tâm, và như lúc gặp các anh em ở Ty-rơ, ông không để các lời nài xin tha thiết và những giọt lệ làm mình dao động. Thay vì thế, ông giải thích với họ lý do ông phải lên đường. Thật là một người can đảm và cương quyết! Như Chúa Giê-su, Phao-lô nhất định đi Giê-ru-sa-lem (Hê 12:2). Ông không muốn làm người tử vì đạo nhưng nếu phải chết, Phao-lô xem đó là một vinh dự khi được chết với tư cách là môn đồ của Chúa Giê-su Ki-tô.

18 Các anh em phản ứng thế nào? Có thể tóm gọn bằng hai chữ sau: tôn trọng. Kinh Thánh cho biết: “Thấy ông nhất quyết không đổi ý, chúng tôi không phản đối nữa và nói: ‘Xin ý muốn của Đức Giê-hô-va được thực hiện’” (Công 21:14). Những người cố gắng khuyên Phao-lô đừng đi Giê-ru-sa-lem đã không khăng khăng ép ông làm theo ý mình. Họ nghe và chấp nhận lời của Phao-lô. Họ nhận biết và làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va, dù rằng thật khó. Phao-lô đã bắt đầu bước đi trên con đường dẫn đến cái chết của ông. Nếu những người yêu thương Phao-lô không cố can ngăn, chắc ông sẽ cảm thấy dễ dàng hơn.

19. Chúng ta học được bài học quý giá nào từ những điều xảy ra cho Phao-lô?

19 Chúng ta học được một bài học quý giá từ những gì xảy đến với Phao-lô: Đừng bao giờ can ngăn người khác theo đuổi lối sống hy sinh trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể áp dụng bài học này vào nhiều trường hợp, không chỉ trong những tình huống liên quan đến sự sống chết. Chẳng hạn, nhiều bậc cha mẹ tín đồ đạo Đấng Ki-tô cảm thấy thật khó khi con cái rời gia đình để phụng sự Đức Giê-hô-va ở nơi xa, nhưng họ quyết tâm không làm các con nản lòng. Chị Phyllis sống tại Anh Quốc, nhớ lại chị đã cảm thấy thế nào khi người con gái duy nhất được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở châu Phi. Chị Phyllis cho biết: “Đó là giai đoạn rất xúc động. Thật khó cho tôi khi biết rằng con gái của mình sẽ đi xa đến thế. Tôi cảm thấy buồn và hãnh diện cùng một lúc. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều về điều này. Nhưng đó là quyết định của con tôi, và tôi không bao giờ tìm cách làm nó đổi ý. Xét cho cùng, tôi đã dạy con mình phải đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu! Con gái tôi đã phụng sự ở nước ngoài trong 30 năm qua và tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va mỗi ngày vì sự trung thành của con mình”. Thật tốt biết bao khi chúng ta khích lệ những anh em đồng đạo đang theo đuổi lối sống hy sinh!

Thật tốt khi khích lệ những anh em đồng đạo đang theo đuổi lối sống hy sinh

“Chúng tôi được anh em tiếp đón niềm nở” (Công vụ 21:15-17)

20, 21. Điều gì cho thấy Phao-lô rất muốn ở bên cạnh các anh em cùng đức tin, và tại sao ông muốn thế?

20 Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng và Phao-lô tiếp tục chuyến hành trình của mình cùng với một số anh em. Việc họ cùng đi với Phao-lô chứng tỏ họ hết lòng ủng hộ ông. Tại mỗi nơi trên chuyến đi đến thành Giê-ru-sa-lem, Phao-lô và các bạn đồng hành đều cố gắng kết hợp với các anh chị tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Ở Ty-rơ, họ đã tìm thấy và ở lại bảy ngày với các môn đồ. Tại Bơ-tô-lê-mai, họ gặp gỡ các anh chị và ở lại một ngày. Tại Sê-sa-rê, họ ở lại vài ngày tại nhà Phi-líp. Kế đến, một số môn đồ từ Sê-sa-rê đã đi cùng Phao-lô và các bạn đồng hành tới Giê-ru-sa-lem và họ được tiếp đãi bởi Ma-na-sôn, một trong những môn đồ đầu tiên. Cuối cùng, khi đến Giê-ru-sa-lem, Lu-ca kể rằng họ “được anh em tiếp đón niềm nở”.—Công 21:17.

21 Rõ ràng, Phao-lô muốn ở bên cạnh các anh em cùng đức tin. Sứ đồ này đã nhận được sự khích lệ từ các anh chị em và ngày nay chúng ta cũng thế. Chắc chắn sự khích lệ đó đã thêm sức cho Phao-lô để đối mặt với những kẻ chống đối dữ tợn tìm cách giết ông.