Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 1

‘Hãy đi đào tạo môn đồ’

‘Hãy đi đào tạo môn đồ’

Sơ lược sách Công vụ các sứ đồ và mối liên hệ với thời chúng ta

1-6. Hãy kể lại kinh nghiệm của những Nhân Chứng rao giảng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

 Rebecca, một Nhân Chứng Giê-hô-va trẻ tuổi ở Ghana, xem trường học của mình là khu vực rao giảng riêng. Em luôn để trong cặp các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Vào giờ ra chơi, Rebecca tìm dịp làm chứng cho bạn học, và nhờ thế em đã bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với một số bạn cùng lớp.

2 Trên đảo Madagascar, nằm ngoài khơi phía đông châu Phi, hai tiên phong thường xuyên đi bộ khoảng 25km dưới cái nóng oi bức của xứ nhiệt đới để đến một ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Tại đó, họ giúp một số người chú ý học hỏi Kinh Thánh.

3 Để đến với những người sống dọc theo hai con sông Paraguay và Paraná, các Nhân Chứng ở Paraguay cùng những tình nguyện viên thuộc 15 nước khác đã đóng một chiếc thuyền. Chiếc thuyền có trọng tải 45 tấn này có đủ chỗ cho 12 người ở. Từ ngôi nhà nổi này, những người sốt sắng rao giảng về Nước Trời đã rao truyền tin mừng ở những vùng mà không phương tiện nào khác có thể đến được.

4 Ở Bắc Cực, các Nhân Chứng tại Alaska tận dụng một cơ hội độc đáo để rao giảng cho những người đi du lịch vào mùa hè. Vào lúc tiết trời ấm áp hơn, những chiếc du thuyền chở đầy du khách từ nhiều quốc gia đến với xứ sở này, và các Nhân Chứng địa phương chờ sẵn tại bến cảng với một quầy sách rất bắt mắt, trưng bày các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong nhiều ngôn ngữ. Cũng tại vùng đất này, máy bay là phương tiện rất hữu ích để đến những ngôi làng xa xôi hẻo lánh, nhờ thế mà tin mừng đã được rao giảng trong các cộng đồng người Aleut, Athabascan, Tsimshian và Tlingit.

5 Anh Larry ở Texas, Hoa Kỳ, có một khu vực đặc biệt là viện dưỡng lão mà anh đang ở. Dù phải ngồi xe lăn sau một tai nạn nhưng anh vẫn luôn bận rộn. Anh chia sẻ với người khác về thông điệp Nước Trời, bao gồm niềm hy vọng dựa trên Kinh Thánh là dưới sự cai trị của Nước Trời, anh sẽ bước đi trên đôi chân của mình.—Ê-sai 35:5, 6.

6 Một nhóm Nhân Chứng tại Mandalay đã đi thuyền ba ngày để tham dự hội nghị ở miền bắc Myanmar. Với lòng hăng hái rao giảng tin mừng, họ mang theo các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh để mời hành khách đi cùng nhận. Mỗi khi thuyền dừng ở một thị trấn hay một ngôi làng, những người rao giảng đầy nhiệt huyết này xuống thuyền và nhanh chóng đi vào vùng dân cư để mời nhận ấn phẩm. Trong lúc đó, các hành khách mới sẽ lên thuyền và trở thành “khu vực mới” của những công bố khi họ trở lại.

7. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va làm chứng về Nước Trời bằng những cách nào, và mục tiêu của họ là gì?

7 Như các anh chị được nói đến ở trên, những người sốt sắng thờ phượng Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới đang “làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời” (Công 28:23). Họ đến từng nhà, tiếp cận với những người trên đường, viết thư và nói chuyện với người ta qua điện thoại. Dù đang ở trên xe buýt, đi bộ trong công viên hoặc nghỉ giải lao tại sở làm, họ đều hăng hái tìm mọi cơ hội để làm chứng về Nước Trời. Có nhiều phương pháp nhưng chỉ nhằm một mục tiêu, đó là rao giảng tin mừng ở bất cứ nơi nào có người.—Mat 10:11.

8, 9. (a) Tại sao sự gia tăng của công việc rao giảng về Nước Trời quả là phép lạ? (b) Câu hỏi đáng chú ý nào được nêu lên, và chúng ta cần làm gì để tìm câu trả lời?

8 Anh chị thân mến, anh chị có ở trong số rất đông những người hiện đang rao truyền tin mừng Nước Trời trong hơn 235 quốc gia và vùng lãnh thổ không? Nếu có, anh chị đang góp phần vào sự gia tăng đầy hào hứng của công việc rao giảng về Nước Trời! Những thành quả trên cánh đồng toàn cầu quả là phép lạ. Bất kể trở ngại và thử thách cam go, ngay cả bị chính quyền cấm đoán và ngược đãi trực diện, Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn đang làm chứng cặn kẽ về Nước Trời cho muôn dân.

9 Một câu hỏi đáng chú ý cần được xem xét là: Tại sao không trở ngại nào, ngay cả sự chống đối của Sa-tan, có thể ngăn chặn sự tiến triển của công việc rao giảng về Nước Trời? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần trở lại thế kỷ thứ nhất. Suy cho cùng, chúng ta, những Nhân Chứng thời nay của Đức Giê-hô-va, hiện đang tiếp nối công việc đã được khởi đầu từ thời đó.

Một sứ mạng lớn lao và lâu dài

10. Chúa Giê-su đã hết lòng làm công việc nào, và ngài biết gì về công việc này?

10 Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Thành Lập hội thánh đạo Đấng Ki-tô, đã hết lòng rao giảng tin mừng Nước Trời; đó là công việc chính yếu trong đời sống ngài. Ngài từng giải thích: “Tôi cũng phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ở các thành khác nữa, vì tôi được phái đến để làm việc đó” (Lu 4:43). Chúa Giê-su biết ngài đang khởi đầu một công việc mà tự ngài không thể hoàn tất. Không lâu trước khi chết, ngài báo trước rằng thông điệp Nước Trời phải được rao giảng “cho muôn dân” (Mác 13:10). Vậy thì công việc này được thực hiện như thế nào, và bởi ai?

“Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ”.—Ma-thi-ơ 28:19

11. Chúa Giê-su đã giao cho các môn đồ sứ mạng quan trọng nào, và họ có sự hỗ trợ nào để thực hiện công việc đó?

11 Sau khi chịu chết và được sống lại, Chúa Giê-su hiện ra với các môn đồ và giao cho họ sứ mạng quan trọng này: “Vậy, hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm phép báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí thánh, dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em. Này! Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thế gian này kết thúc” (Mat 28:19, 20). Cụm từ “tôi sẽ luôn ở cùng anh em” cho thấy các môn đồ sẽ được ngài hỗ trợ trong công việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Họ cần sự hỗ trợ ấy, vì Chúa Giê-su báo trước rằng họ sẽ “bị mọi dân thù ghét” (Mat 24:9). Các môn đồ cũng có thể dựa vào một nguồn trợ giúp khác. Ngay trước khi lên trời, Chúa Giê-su nói rằng họ sẽ nhận được quyền năng bởi thần khí thánh để làm chứng “cho đến tận cùng trái đất”.—Công 1:8.

12. Những câu hỏi quan trọng nào được nêu ra, và tại sao biết câu trả lời là điều rất quan trọng?

12 Giờ đây có một số câu hỏi quan trọng được nêu ra: Các sứ đồ và những môn đồ khác của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất có xem trọng sứ mạng của mình không? Nhóm nhỏ gồm những người nam và nữ tín đồ có làm chứng cặn kẽ về Nước Trời, ngay cả khi đương đầu với sự ngược đãi tàn bạo không? Họ có thật sự nhận được sự hỗ trợ từ trời và từ thần khí thánh của Đức Giê-hô-va trong công việc đào tạo môn đồ không? Những câu hỏi này và những câu hỏi liên quan đều được trả lời trong sách Công vụ. Biết câu trả lời là điều rất quan trọng. Tại sao? Vì Chúa Giê-su đã báo trước rằng công việc ngài giao phó sẽ tiếp tục “cho đến khi thế gian này kết thúc”. Thế nên, sứ mạng ấy áp dụng cho tất cả các môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô, kể cả chúng ta, là những người sống trong thời kỳ cuối cùng. Do đó, chúng ta rất chú tâm đến những diễn biến lịch sử được ghi trong sách Công vụ.

Sơ lược sách Công vụ

13, 14. (a) Ai viết sách Công vụ, và làm thế nào người viết có được các thông tin? (b) Nội dung của sách Công vụ là gì?

13 Ai viết sách Công vụ? Sách Công vụ không cho biết tên người viết, nhưng những lời mở đầu cho thấy rõ người viết sách này cũng chính là người viết sách Phúc âm Lu-ca (Lu 1:1-4; Công 1:1, 2). Vì thế từ thời xưa, Lu-ca, “người thầy thuốc yêu dấu” và là sử gia rất cẩn thận, đã được xem là người viết sách Công vụ (Cô 4:14). Sách tường thuật những diễn biến xảy ra trong khoảng 28 năm, từ khi Chúa Giê-su lên trời vào năm 33 CN đến lúc sứ đồ Phao-lô bị tù ở Rô-ma vào khoảng năm 61 CN. Việc Lu-ca đổi cách xưng hô từ “họ” sang “chúng tôi” trong sách này cho thấy ông đã có mặt trong nhiều sự kiện mà ông miêu tả (Công 16:8-10; 20:5; 27:1). Là người nghiên cứu kỹ lưỡng, Lu-ca chắc hẳn có được thông tin trực tiếp từ Phao-lô, Ba-na-ba, Phi-líp và những người khác được đề cập trong lời tường thuật này.

14 Nội dung của sách Công vụ là gì? Trước đó, trong sách Phúc âm của mình, Lu-ca viết về những điều Chúa Giê-su nói và làm. Tuy nhiên, trong sách Công vụ, ông kể lại những gì các môn đồ của Chúa Giê-su nói và làm. Vậy, sách Công vụ nói về những người đã thực hiện một công việc phi thường, dù nhiều người trong số họ bị người ngoài xem là “dân thường, ít học” (Công 4:13). Nói ngắn gọn, lời tường thuật được soi dẫn này cho chúng ta biết hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập và phát triển ra sao. Sách Công vụ cho thấy các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất rao giảng như thế nào, tức phương pháp và thái độ của họ (Công 4:31; 5:42). Sách nêu bật vai trò của thần khí thánh trong việc phổ biến tin mừng (Công 8:29, 39, 40; 13:1-3; 16:6; 18:24, 25). Sách cũng nhấn mạnh chủ đề của Kinh Thánh liên quan đến việc danh Đức Chúa Trời được nên thánh qua Nước Trời dưới sự cai trị của Đấng Ki-tô, và cho thấy thông điệp Nước Trời vẫn được lan truyền rộng rãi dù bị chống đối gay gắt.—Công 8:12; 19:8; 28:30, 31.

15. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét sách Công vụ?

15 Quả thật, việc xem xét sách Công vụ sẽ rất hào hứng và giúp chúng ta được vững mạnh đức tin. Nếu suy ngẫm về gương dạn dĩ và sốt sắng của các môn đồ thời ban đầu, chúng ta sẽ được động lòng. Chúng ta được thúc đẩy noi theo gương trung thành của những anh em vào thế kỷ thứ nhất. Nhờ thế, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để thi hành sứ mạng ‘đi đào tạo môn đồ’. Ấn phẩm anh chị đang đọc được biên soạn nhằm giúp anh chị học hỏi kỹ lưỡng về sách Công vụ.

Một công cụ học hỏi Kinh Thánh nhằm trợ giúp chúng ta

16. Ấn phẩm này hướng đến ba mục tiêu nào?

16 Mục đích chính của ấn phẩm này là gì? Sách này hướng đến ba mục tiêu: (1) giúp chúng ta càng tin chắc Đức Giê-hô-va đang dùng thần khí thánh để hỗ trợ công việc rao giảng và đào tạo môn đồ, (2) khơi dậy lòng sốt sắng của chúng ta đối với thánh chức qua việc xem xét gương của các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất, và (3) giúp chúng ta càng tôn trọng tổ chức của Đức Giê-hô-va, cũng như những anh dẫn đầu trong công việc rao giảng và coi sóc hội thánh.

17, 18. Ấn phẩm này được trình bày như thế nào, và có những đặc điểm nào hữu ích cho việc học hỏi cá nhân?

17 Ấn phẩm này được trình bày thế nào? Sách được chia thành tám phần, mỗi phần xem xét một phần của sách Công vụ. Mục tiêu của các chương tiếp theo không phải là giải thích từng câu trong sách Công vụ, nhưng để rút ra bài học từ những sự kiện được tường thuật trong sách, đồng thời giúp chúng ta thấy cách áp dụng những điểm đó cho bản thân. Đầu mỗi chương đều có câu tóm tắt cho biết điểm then chốt của chương đó, và một đoạn Kinh Thánh viện dẫn cho biết phần nào trong sách Công vụ sẽ được xem xét.

18 Ấn phẩm này cũng có những đặc điểm khác hữu ích cho việc học hỏi cá nhân. Các hình minh họa đẹp mắt miêu tả những sự kiện hào hứng trong sách Công vụ và sẽ giúp anh chị hình dung điều đang diễn ra khi suy ngẫm những lời tường thuật ấy. Nhiều chương có các khung cung cấp thêm thông tin hữu ích. Một số khung cho biết sơ lược về các nhân vật có đức tin đáng cho chúng ta noi theo. Số khác trình bày thêm các chi tiết về nơi chốn, sự kiện, phong tục hoặc những nhân vật khác được đề cập trong sách Công vụ.

Hãy khẩn trương rao giảng trong khu vực được giao

19. Thỉnh thoảng chúng ta nên tra xét điều gì?

19 Ấn phẩm này có thể giúp anh chị thành thật tra xét bản thân. Dù anh chị đã là công bố bao lâu đi nữa, thỉnh thoảng anh chị nên dành thời gian xem xét những điều ưu tiên trong đời sống cũng như quan điểm của mình đối với thánh chức (2 Cô 13:5). Hãy tự hỏi: “Mình có làm thánh chức với tinh thần khẩn trương không? (1 Cô 7:29-31). Mình có sốt sắng rao giảng tin mừng với lòng tin chắc không? (1 Tê 1:5, 6). Mình có cố gắng hết sức tham gia công việc rao giảng và đào tạo môn đồ không?”.—Cô 3:23.

20, 21. Tại sao sứ mạng của chúng ta rất khẩn cấp, và chúng ta nên quyết tâm làm gì?

20 Hãy luôn nhớ rằng chúng ta được giao sứ mạng quan trọng là rao giảng và đào tạo môn đồ. Mỗi ngày trôi qua, sứ mạng ấy càng khẩn cấp hơn. Thời điểm kết thúc thế gian này đang đến mau chóng. Chưa bao giờ có nhiều mạng sống bị lâm nguy đến thế. Chúng ta không biết sẽ có thêm bao nhiêu người có lòng ngay thẳng hưởng ứng thông điệp Nước Trời (Công 13:48). Tuy nhiên, chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ những người như thế trước khi quá trễ.—1 Ti 4:16.

21 Vậy, điều trọng yếu là chúng ta noi gương những người sốt sắng rao giảng về Nước Trời vào thế kỷ thứ nhất. Mong rằng việc học hỏi kỹ lưỡng ấn phẩm này thôi thúc anh chị rao giảng sốt sắng và dạn dĩ hơn nữa. Và mong sao anh chị càng quyết tâm tiếp tục “làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời”.—Công 28:23.

a Chữ viết tắt: kh. [khoảng], tr. [trước].