Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 15

“Làm cho các hội thánh được vững mạnh”

“Làm cho các hội thánh được vững mạnh”

Những người truyền giáo lưu động giúp các hội thánh vững mạnh về đức tin

Dựa trên Công vụ 15:36–16:5

1-3. (a) Bạn đồng hành mới của Phao-lô là ai, và chàng trai ấy là người như thế nào? (b) Chúng ta sẽ học gì trong chương này?

 Trên con đường băng qua vùng đất gồ ghề giữa các thị trấn, sứ đồ Phao-lô trầm tư quan sát chàng thanh niên đi bên cạnh mình. Chàng trai ấy tên là Ti-mô-thê. Trẻ tuổi và tràn đầy sinh lực, có lẽ Ti-mô-thê đang ở độ tuổi đôi mươi. Mỗi bước chân trong chuyến hành trình mới đưa chàng thanh niên xa dần nhà của mình. Đến buổi chiều tàn, Lít-trơ và Y-cô-ni dần dần khuất xa sau lưng họ. Điều gì đang chờ đợi phía trước? Phao-lô biết, vì đây là chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của ông. Ông biết sẽ có nhiều mối nguy hiểm và vấn đề. Liệu chàng thanh niên cùng đi với ông có chịu được không?

2 Phao-lô tin tưởng Ti-mô-thê, có lẽ còn hơn cả chàng thanh niên khiêm nhường ấy tin nơi chính mình. Hơn bao giờ hết, những chuyện vừa xảy ra càng khiến Phao-lô tin chắc rằng mình cần một người bạn đồng hành thích hợp. Phao-lô biết công việc trước mắt là viếng thăm các hội thánh và làm họ vững mạnh sẽ đòi hỏi nơi những người truyền giáo lưu động một quyết tâm không lay chuyển và lối suy nghĩ hợp nhất. Tại sao Phao-lô cảm thấy thế? Một yếu tố có thể là do mối bất đồng đã chia rẽ Phao-lô và Ba-na-ba trước đó.

3 Trong chương này, chúng ta sẽ học nhiều điều về cách tốt nhất để giải quyết mối bất đồng. Chúng ta cũng sẽ biết tại sao Phao-lô chọn Ti-mô-thê làm bạn đồng hành, và hiểu rõ hơn về vai trò thiết yếu của các giám thị vòng quanh ngày nay.

‘Chúng ta hãy trở lại thăm anh em’ (Công vụ 15:36)

4. Phao-lô dự định làm gì trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai?

4 Nơi chương trước, chúng ta đã thấy làm thế nào phái đoàn bốn người, gồm Phao-lô, Ba-na-ba, Giu-đa và Si-la, củng cố hội thánh ở An-ti-ốt nhờ quyết định của hội đồng lãnh đạo về phép cắt bì. Phao-lô sẽ làm gì tiếp theo? Ông đến gặp Ba-na-ba để nói về dự tính cho chuyến đi mới: “Chúng ta hãy trở lại thăm những anh em trong mỗi thành mà chúng ta đã công bố lời Đức Giê-hô-va, để xem họ thế nào” (Công 15:36). Đề nghị của Phao-lô không chỉ là viếng thăm xã giao các tín đồ đạo Đấng Ki-tô mới cải đạo. Sách Công vụ cho biết toàn bộ mục đích chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của ông. Trước hết, ông tiếp tục truyền đạt các chỉ thị mà hội đồng lãnh đạo đã đưa ra (Công 16:4). Thứ hai, với tư cách là giám thị lưu động, Phao-lô quyết tâm củng cố hội thánh về mặt tâm linh và giúp họ lớn mạnh về đức tin (Rô 1:11, 12). Tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va thời hiện đại noi theo khuôn mẫu mà các sứ đồ đã lập ra như thế nào?

5. Làm thế nào Hội đồng Lãnh đạo thời nay truyền sự hướng dẫn và những lời khích lệ đến các hội thánh?

5 Ngày nay, Đấng Ki-tô dùng Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va để hướng dẫn hội thánh của ngài. Qua thư từ, ấn phẩm dưới dạng bản in và điện tử, buổi nhóm họp và các phương tiện liên lạc khác, những anh trung thành được xức dầu này truyền sự hướng dẫn và những lời khích lệ đến tất cả các hội thánh trên khắp thế giới. Hội đồng Lãnh đạo cũng cố gắng duy trì mối liên hệ chặt chẽ với mỗi hội thánh. Vì mục đích đó, họ dùng các giám thị lưu động. Hội đồng Lãnh đạo trực tiếp bổ nhiệm hàng ngàn trưởng lão hội đủ điều kiện trên khắp thế giới để làm giám thị vòng quanh.

6, 7. Giám thị vòng quanh có một số trách nhiệm nào?

6 Các giám thị lưu động thời nay chú trọng đến việc tỏ lòng quan tâm và dùng Kinh Thánh khích lệ mỗi thành viên trong hội thánh mà họ viếng thăm. Bằng cách nào? Bằng cách noi theo khuôn mẫu của các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời thế kỷ thứ nhất, chẳng hạn như Phao-lô. Ông khuyến khích người cùng làm giám thị là Ti-mô-thê rằng: “Hãy rao giảng lời Đức Chúa Trời; hãy cấp bách làm điều đó khi thuận tiện lẫn khi khó khăn; hãy sửa dạy, khiển trách, khuyên bảo, với tất cả lòng kiên nhẫn và nghệ thuật giảng dạy... [Hãy] làm công việc của người rao truyền tin mừng”.—2 Ti 4:2, 5.

7 Phù hợp với lời đó, giám thị vòng quanh cùng với vợ, nếu đã kết hôn, sẽ kết hợp với anh em công bố tại địa phương trong các khía cạnh của công việc rao giảng. Những người truyền giáo lưu động này rất sốt sắng trong thánh chức và khéo dạy dỗ; đó là những phẩm chất ảnh hưởng tốt đến bầy (Rô 12:11; 2 Ti 2:15). Những người làm công việc vòng quanh có tiếng là người yêu thương bất vị kỷ. Họ sẵn sàng phục vụ người khác, đi lại trong điều kiện thời tiết bất lợi và thậm chí ở những vùng nguy hiểm (Phi-líp 2:3, 4). Các giám thị vòng quanh cũng khích lệ, dạy dỗ, khuyên bảo mỗi hội thánh qua các bài giảng dựa trên Kinh Thánh. Mọi người trong hội thánh đều được lợi ích khi quan sát cách ăn ở của những người truyền giáo lưu động này và noi theo đức tin họ.—Hê 13:7.

“Cãi nhau dữ dội” (Công vụ 15:37-41)

8. Ba-na-ba phản ứng thế nào trước lời mời của Phao-lô?

8 Ba-na-ba hưởng ứng lời đề nghị của Phao-lô là đi ‘thăm anh em’ (Công 15:36). Cả hai từng hợp tác rất tốt khi đi chung, và đều quen thuộc với những vùng đất cũng như những người mà họ sẽ viếng thăm (Công 13:2–14:28). Thế nên ý tưởng cùng nhau thực hiện nhiệm vụ này có vẻ hợp lý và thực tiễn. Nhưng một tình thế rắc rối đã nảy sinh. Công vụ 15:37 tường thuật: “Ba-na-ba nhất quyết dẫn theo Giăng, còn gọi là Mác”. Ba-na-ba không chỉ đề nghị, mà “nhất quyết” dẫn theo người em họ là Mác trong chuyến truyền giáo này.

9. Tại sao Phao-lô không đồng ý với Ba-na-ba?

9 Phao-lô không đồng ý. Tại sao? Lời tường thuật cho biết: “Tuy nhiên, Phao-lô không muốn dẫn [Mác] theo vì người đã lìa bỏ họ tại xứ Bam-phi-ly, không đi cùng họ để thực thi công việc” (Công 15:38). Mác đã đi cùng Phao-lô và Ba-na-ba trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất nhưng không tiếp tục cho đến cùng (Công 12:25; 13:13). Đầu chuyến hành trình, khi còn ở Bam-phi-ly, Mác đã bỏ nhiệm vụ và trở về nhà ở Giê-ru-sa-lem. Kinh Thánh không nói tại sao ông bỏ về, nhưng chúng ta có thể kết luận rằng Phao-lô xem hành động ấy là vô trách nhiệm. Phao-lô có lẽ đặt nghi vấn về tính đáng tin cậy của Mác.

10. Sự bất đồng giữa Phao-lô và Ba-na-ba dẫn đến điều gì, và kết cuộc ra sao?

10 Dù vậy, Ba-na-ba vẫn một mực muốn dẫn Mác theo. Còn Phao-lô thì kiên quyết không chịu. Công vụ 15:39 nói: “Thế là hai người cãi nhau dữ dội, đến nỗi tách nhau ra”. Ba-na-ba lên thuyền đi đến quê nhà ở đảo Síp, có dẫn theo Mác. Phao-lô vẫn xúc tiến kế hoạch của mình. Lời tường thuật kể: “Phao-lô thì chọn Si-la rồi lên đường sau khi anh em giao phó ông cho lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va” (Công 15:40). Hai người cùng nhau “đi qua Sy-ri và Si-li-si, làm cho các hội thánh được vững mạnh”.—Công 15:41.

11. Đâu là những đức tính cần thiết để mối quan hệ của chúng ta và người làm phật lòng mình không bị rạn nứt lâu dài?

11 Lời tường thuật này có lẽ nhắc chúng ta nhớ về bản chất bất toàn của mình. Phao-lô và Ba-na-ba được bổ nhiệm làm người đại diện đặc biệt của hội đồng lãnh đạo. Có lẽ chính Phao-lô cũng là thành viên của hội đồng đó. Dù vậy, trong tình huống này, khuynh hướng bất toàn đã thắng cả Phao-lô lẫn Ba-na-ba. Họ có để tình trạng ấy khiến mối quan hệ của họ bị rạn nứt mãi không? Tuy bất toàn nhưng Phao-lô và Ba-na-ba là người khiêm nhường, có cùng tư tưởng với Đấng Ki-tô. Qua thời gian, hẳn là họ đã thể hiện sự tha thứ và tình anh em tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Ê-phê 4:1-3). Sau này, Phao-lô và Mác cùng làm việc với nhau trong các nhiệm vụ thần quyền khác. aCô 4:10.

12. Noi gương Phao-lô và Ba-na-ba, các giám thị thời nay nên thể hiện những phẩm chất nào?

12 Cãi nhau dữ dội không phải là tính cách của Ba-na-ba lẫn Phao-lô. Ba-na-ba có tiếng là người nhân hậu và rộng rãi, đến mức thay vì gọi tên ông là Giô-sép, các sứ đồ đã đặt cho ông một tên khác là Ba-na-ba, tức “con trai của sự an ủi” (Công 4:36). Phao-lô cũng được biết là người có cách cư xử mềm mại (1 Tê 2:7, 8). Noi gương Phao-lô và Ba-na-ba, tất cả các giám thị đạo Đấng Ki-tô ngày nay, kể cả giám thị vòng quanh, nên luôn cố gắng tỏ lòng khiêm nhường và đối xử với các trưởng lão khác cũng như với cả bầy một cách mềm mại.—1 Phi 5:2, 3.

‘Anh em đều nói tốt về anh’ (Công vụ 16:1-3)

13, 14. (a) Ti-mô-thê là ai, và có lẽ Phao-lô gặp anh trong hoàn cảnh nào? (b) Điều gì khiến Phao-lô đặc biệt chú ý đến Ti-mô-thê? (c) Ti-mô-thê nhận được nhiệm vụ nào?

13 Chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của Phao-lô đưa ông đến một tỉnh của La Mã là Ga-la-ti, tại đó đã có vài hội thánh được thành lập. Cuối cùng, “Phao-lô đến thành Đẹt-bơ và Lít-trơ”. Lời tường thuật nói thêm: “Ở đó có một môn đồ tên Ti-mô-thê, con trai của một phụ nữ Do Thái đã tin đạo, còn cha là người Hy Lạp”.—Công 16:1. b

14 Hẳn là Phao-lô đã gặp gia đình Ti-mô-thê trong lần đầu đến vùng này, khoảng năm 47 CN. Vào chuyến viếng thăm lần thứ hai này, khoảng hai hoặc ba năm sau lần đầu tiên, Phao-lô đặc biệt chú ý đến chàng thanh niên Ti-mô-thê. Tại sao? Vì ‘anh em đều nói tốt’ về Ti-mô-thê. Không chỉ được anh em ở quê nhà yêu thích, danh tiếng của Ti-mô-thê còn lan ra khỏi khu vực của hội thánh. Lời tường thuật cho biết anh em ở thành Lít-trơ và Y-cô-ni, cách đó khoảng 30km, đều nói tốt về anh (Công 16:2). Dưới sự hướng dẫn của thần khí thánh, các trưởng lão giao phó cho chàng trai trẻ Ti-mô-thê một trọng trách, đó là trợ giúp Phao-lô và Si-la với tư cách người truyền giáo lưu động.—Công 16:3.

15, 16. Nhờ đâu Ti-mô-thê có được tiếng tốt như thế?

15 Nhờ đâu Ti-mô-thê có được tiếng tốt như thế, dù còn trẻ tuổi? Có phải nhờ trí thông minh, ngoại hình hay khả năng bẩm sinh không? Con người thường ấn tượng trước những điều đó. Ngay cả nhà tiên tri Sa-mu-ên cũng từng bị ảnh hưởng quá mức bởi ngoại diện. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va nhắc ông: “Loài người không nhìn theo cách của Đức Chúa Trời vì loài người chỉ nhìn bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn trong lòng” (1 Sa 16:7). Không phải khả năng bẩm sinh mà chính những phẩm chất bên trong đã giúp Ti-mô-thê có được tiếng tốt trong vòng anh em đồng đạo.

16 Nhiều năm sau, sứ đồ Phao-lô nói đến một số phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô nơi Ti-mô-thê. Phao-lô miêu tả tính tình tốt và tình yêu thương bất vị kỷ của Ti-mô-thê, cũng như sự tận tụy của anh trong việc chăm lo cho những nhiệm vụ thần quyền (Phi-líp 2:20-22). Ti-mô-thê còn được biết là người có “đức tin chân thật”.—2 Ti 1:5.

17. Nhiều bạn trẻ ngày nay có thể bắt chước Ti-mô-thê như thế nào?

17 Ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng bắt chước Ti-mô-thê, rèn luyện những phẩm chất làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Qua đó, họ tạo được tiếng tốt trước mặt Đức Giê-hô-va và dân ngài, ngay cả khi còn rất trẻ (Châm 22:1; 1 Ti 4:15). Họ thể hiện đức tin chân thật và tránh xa lối sống hai mặt (Thi 26:4). Nhờ thế, như Ti-mô-thê, nhiều bạn trẻ có thể đóng vai trò quan trọng trong hội thánh. Khi hội đủ điều kiện làm người công bố tin mừng, rồi cuối cùng dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm, các bạn trẻ quả là niềm khích lệ cho tất cả những người yêu mến Đức Giê-hô-va trong hội thánh!

“Vững mạnh về đức tin” (Công vụ 16:4, 5)

18. (a) Phao-lô và Ti-mô-thê nhận được những đặc ân nào khi làm người truyền giáo lưu động? (b) Các hội thánh được ban phước ra sao?

18 Phao-lô và Ti-mô-thê cùng làm việc với nhau trong nhiều năm. Là người truyền giáo lưu động, họ đã thay mặt hội đồng lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Kinh Thánh tường thuật: “Khi đi qua các thành, họ truyền cho anh em ở đó những chỉ thị của các sứ đồ và trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem để mọi người tuân theo” (Công 16:4). Chắc hẳn các hội thánh đã làm theo chỉ thị của các sứ đồ và trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem. Kết quả của sự vâng lời ấy là “các hội thánh tiếp tục vững mạnh về đức tin và số người tin đạo ngày càng gia tăng”.—Công 16:5.

19, 20. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên vâng theo “những người đang dẫn đầu”?

19 Tương tự thế, Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay hưởng được ân phước nhờ vâng phục sự chỉ dẫn từ “những người đang dẫn đầu” trong vòng họ (Hê 13:17). Vì cảnh trạng thế gian này luôn thay đổi, nên điều trọng yếu là tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tiếp tục hưởng ứng và hấp thu thức ăn thiêng liêng do “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” cung cấp (Mat 24:45; 1 Cô 7:29-31). Làm thế có thể giúp chúng ta không bị trôi dạt về mặt thiêng liêng và gìn giữ mình khỏi mọi vết nhơ của thế gian.—Gia 1:27.

20 Đành rằng các giám thị đạo Đấng Ki-tô thời nay, kể cả những thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo, đều không phải là người hoàn hảo; họ cũng giống như Phao-lô, Ba-na-ba, Mác và các trưởng lão được xức dầu khác vào thế kỷ thứ nhất (Rô 5:12; Gia 3:2). Nhưng vì Hội đồng Lãnh đạo theo sát Lời Đức Chúa Trời và cẩn thận làm theo khuôn mẫu mà các sứ đồ lập ra nên họ chứng tỏ là đáng tin cậy (2 Ti 1:13, 14). Kết quả là các hội thánh được củng cố và vững mạnh về đức tin.