Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 17

“Ông lý luận với họ dựa trên Kinh Thánh”

“Ông lý luận với họ dựa trên Kinh Thánh”

Nền tảng cho việc dạy dỗ hữu hiệu và gương tốt của người dân thành Bê-rê

Dựa trên Công vụ 17:1-15

1, 2. Ai đang đi từ Phi-líp đến Tê-sa-lô-ni-ca, và có lẽ họ đang nghĩ gì?

 Các kỹ sư tài ba của La Mã đã xây dựng một con đường rất hữu dụng băng qua những ngọn núi hiểm trở. Dọc theo con đường này, đôi khi có thể nghe được những âm thanh trộn lẫn với nhau—tiếng kêu inh ỏi của mấy chú lừa, tiếng lọc cọc của bánh xe ngựa khi đi qua những phiến đá lát đường, tiếng kêu la của quân lính, nhà buôn, nhân công và đủ mọi loại người đi đường. Ba người bạn đồng hành gồm Phao-lô, Si-la và Ti-mô-thê đang đi bộ hơn 130km theo con đường này, từ Phi-líp đến Tê-sa-lô-ni-ca. Chuyến đi không dễ dàng chút nào, đặc biệt là đối với Phao-lô và Si-la vì những vết thương do bị đánh đòn ở thành Phi-líp vẫn chưa lành hẳn.—Công 16:22, 23.

2 Làm thế nào mà các môn đồ ấy có thể quên đi chặng đường dài phía trước? Chắc hẳn việc trò chuyện với nhau đã giúp họ. Kinh nghiệm ly kỳ của người cai tù ở Phi-líp và cả nhà ông đã tin đạo vẫn hiện rõ trong tâm trí họ. Kinh nghiệm ấy chắc chắn khiến cho ba môn đồ này thêm quyết tâm tiếp tục rao truyền lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi đến gần thành phố ven biển Tê-sa-lô-ni-ca, có thể họ tự hỏi: Những người Do Thái nơi đây sẽ đối xử với mình ra sao? Liệu mình có bị tấn công, thậm chí bị đánh đập như ở thành Phi-líp không?

3. Làm sao gương mẫu của Phao-lô trong việc thu hết can đảm để rao giảng mang lại lợi ích cho chúng ta ngày nay?

3 Sau này, trong lá thư gửi các môn đồ Đấng Ki-tô ở Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô đã cho biết cảm nghĩ của mình: “Như anh em biết, chúng tôi đã chịu khổ sở và bị đối xử thô bạo ở Phi-líp, nhưng chúng tôi nhờ Đức Chúa Trời mà thu hết can đảm để nói cho anh em tin mừng của ngài, dù phải đối mặt với nhiều sự chống đối” (1 Tê 2:2). Qua những lời trên, dường như Phao-lô cho thấy rằng ông cảm thấy e ngại khi đến thành Tê-sa-lô-ni-ca, nhất là sau những chuyện đã xảy ra ở thành Phi-líp. Anh chị có đồng cảm với Phao-lô không? Có bao giờ anh chị cảm thấy việc công bố tin mừng là điều thật khó khăn chưa? Phao-lô đã nương cậy nơi Đức Giê-hô-va để được thêm sức và có sự can đảm cần thiết. Xem xét gương của sứ đồ Phao-lô có thể giúp anh chị làm điều tương tự.—1 Cô 4:16.

“Ông lý luận... dựa trên Kinh Thánh” (Công vụ 17:1-3)

4. Tại sao có thể nói Phao-lô đã ở lại Tê-sa-lô-ni-ca hơn ba tuần?

4 Lời tường thuật kể lại rằng khi ở Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô đã rao giảng tại nhà hội vào ba ngày Sa-bát. Phải chăng điều này có nghĩa ông chỉ viếng thăm thành này trong ba tuần? Không nhất thiết là thế. Chúng ta không biết bao lâu sau khi đến Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô mới rao giảng ở nhà hội. Hơn nữa, các lá thư của Phao-lô cho biết rằng khi ở Tê-sa-lô-ni-ca, ông và các bạn đã làm việc để tự chu cấp cho bản thân (1 Tê 2:9; 2 Tê 3:7, 8). Ngoài ra, trong thời gian ở đây, Phao-lô đã hai lần nhận được sự trợ cấp từ các anh em ở Phi-líp (Phi-líp 4:16). Nên hợp lý để kết luận rằng chuyến viếng thăm của ông tại Tê-sa-lô-ni-ca đã kéo dài hơn ba tuần.

5. Phao-lô muốn điều gì nơi người nghe?

5 Thu hết can đảm, Phao-lô rao giảng cho những người đang nhóm lại tại nhà hội. Theo thói quen, “ông lý luận với họ dựa trên Kinh Thánh, giải thích và đưa ra bằng chứng cho thấy Đấng Ki-tô phải chịu khổ và sống lại. Ông nói: ‘Đấng Ki-tô ấy chính là Chúa Giê-su mà tôi đang rao truyền cho anh em’” (Công 17:2, 3). Hãy lưu ý rằng Phao-lô không tìm cách khơi dậy cảm xúc nơi người nghe; thay vì thế, ông muốn họ vận dụng khả năng suy luận. Ông biết những người có mặt trong nhà hội đã quen thuộc và rất tôn trọng Kinh Thánh. Nhưng họ chưa thật sự hiểu rõ về Kinh Thánh. Do đó, Phao-lô đã lý luận, giải thích và chứng minh dựa trên Kinh Thánh rằng Chúa Giê-su người Na-xa-rét chính là Đấng Mê-si đã được hứa trước, hay Đấng Ki-tô.

6. Chúa Giê-su lý luận dựa trên Kinh Thánh như thế nào, và kết quả là gì?

6 Phao-lô đã đi theo tiêu chuẩn mà Chúa Giê-su lập ra, đó là dùng Kinh Thánh làm nền tảng cho sự dạy dỗ. Chẳng hạn, trong lúc thi hành thánh chức, Chúa Giê-su đã nói với các môn đồ rằng Con Người sẽ phải chịu khổ, bị giết và rồi được sống lại (Mat 16:21). Sau khi sống lại, Chúa Giê-su hiện ra với các môn đồ. Chỉ riêng điều này thôi cũng cho thấy những gì ngài nói là sự thật. Nhưng ngài còn cho họ thêm nhiều bằng chứng nữa. Chúng ta hãy đọc về những điều ngài đã nói với hai môn đồ: “Bắt đầu từ sách của Môi-se và sách của tất cả các nhà tiên tri, ngài cắt nghĩa cho họ những điều có liên quan đến ngài trong cả Kinh Thánh”. Kết quả là gì? Hai môn đồ ấy thốt lên: “Lúc đi đường, chẳng phải lòng chúng ta đã rạo rực khi nghe ngài nói chuyện và giải thích rõ về Kinh Thánh sao?”.—Lu 24:13, 27, 32.

7. Tại sao dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh là điều rất quan trọng?

7 Thông điệp trong Lời Đức Chúa Trời thật sự có quyền lực (Hê 4:12). Vì thế, như Chúa Giê-su, Phao-lô và các sứ đồ khác, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay dạy dỗ dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng lý luận với người khác, giải thích ý nghĩa của các câu Kinh Thánh và dẫn chứng những gì mình dạy bằng cách mở Kinh Thánh cho chủ nhà xem. Suy cho cùng, thông điệp đó không đến từ chúng ta. Khi thường xuyên dùng Kinh Thánh, chúng ta giúp người khác nhận ra những gì chúng ta rao truyền không phải là ý riêng mà là những dạy dỗ đến từ Đức Chúa Trời. Ngoài ra, chúng ta cũng nên nhớ rằng thông điệp mà mình chia sẻ hoàn toàn được dựa trên Lời của ngài. Thông điệp đó chắc chắn đáng tin cậy. Biết điều này không khiến anh chị tự tin chia sẻ thông điệp một cách dạn dĩ như sứ đồ Phao-lô đã làm hay sao?

“Một số người tin theo” (Công vụ 17:4-9)

8-10. (a) Khi nghe tin mừng, người dân ở Tê-sa-lô-ni-ca đã phản ứng theo những cách nào? (b) Tại sao một số người Do Thái ganh ghét Phao-lô? (c) Những người Do Thái chống đối đã hành động ra sao?

8 Phao-lô đã cảm nghiệm được những lời sau của Chúa Giê-su là đúng: “Đầy tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ ngược đãi tôi thì cũng sẽ ngược đãi anh em; nếu họ giữ lời tôi thì cũng sẽ giữ lời anh em” (Giăng 15:20). Ở Tê-sa-lô-ni-ca, ông đã thấy người ta phản ứng khác nhau như thế—một số người vui mừng “giữ lời” của ông, trong khi một số khác thì chống đối. Lu-ca viết về những người hưởng ứng như sau: “Một số người [Do Thái] tin theo [trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô], đến kết hợp với Phao-lô và Si-la, cũng có rất đông người Hy Lạp vốn đã thờ phượng Đức Chúa Trời và không ít phụ nữ có thế lực nữa” (Công 17:4). Chắc chắn các môn đồ mới này rất vui mừng khi được hiểu chính xác về Kinh Thánh.

9 Dù một số người quý trọng lời của Phao-lô, nhưng những người khác thì nghiến răng giận dữ với ông. Một số người Do Thái ở Tê-sa-lô-ni-ca ganh ghét với sự thành công của Phao-lô khi ông chiếm được lòng của “rất đông người Hy Lạp”. Các người Do Thái đó đang cố gắng khiến nhiều người cải đạo Do Thái, họ dạy dỗ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ cho người ngoại gốc Hy Lạp và xem những người này thuộc về mình. Theo quan điểm của họ, giờ đây bỗng nhiên Phao-lô đến cướp đi những người Hy Lạp đó, mà lại ngay giữa nhà hội nữa! Điều này khiến người Do Thái cực kỳ giận dữ.

“Họ... tìm bắt Phao-lô và Si-la để đem đến trước mặt đám đông”.—Công vụ 17:5

10 Lu-ca cho chúng ta biết điều gì xảy ra sau đó: “Người Do Thái sinh lòng ganh ghét, tập hợp bọn côn đồ, là những kẻ ăn không ngồi rồi ở chợ, rồi hợp thành một đám đông và bắt đầu gây náo loạn trong thành. Họ xông vào nhà của Gia-sôn, tìm bắt Phao-lô và Si-la để đem đến trước mặt đám đông. Khi không tìm được hai người, họ lôi Gia-sôn cùng một số anh em đến nhà cầm quyền trong thành và la lên: ‘Những tên làm đảo lộn cả thế giới giờ cũng đang ở đây, và Gia-sôn đã tiếp đãi chúng trong nhà mình. Cả bọn chúng đều chống lại sắc lệnh của Sê-sa vì nói rằng có một vua khác là Giê-su’” (Công 17:5-7). Hành động tấn công của đám đông ảnh hưởng thế nào đến Phao-lô và các bạn đồng hành của ông?

11. Phao-lô và những người cùng ông công bố về Nước Trời bị buộc các tội gì? Và có thể những kẻ vu cáo đã nghĩ đến sắc lệnh nào? (Xem chú thích).

11 Một đám đông giận dữ quả thật rất kinh khủng. Nó giống như nước vỡ bờ—hung hãn và không kiểm soát được. Đó là thứ vũ khí mà những người Do Thái dùng để tống khứ Phao-lô và Si-la. Sau khi “gây náo loạn” trong thành, họ lại cố thuyết phục nhà cầm quyền rằng lời cáo buộc dành cho Phao-lô và Si-la là rất nghiêm trọng. Đầu tiên họ buộc tội Phao-lô và những người cùng ông công bố về Nước Trời đã “làm đảo lộn cả thế giới”, dù Phao-lô và các bạn đồng hành không phải là những kẻ gây náo loạn thành Tê-sa-lô-ni-ca! Lời cáo buộc thứ hai còn nghiêm trọng hơn nhiều. Những người Do Thái tố cáo các giáo sĩ đã tuyên truyền về một vị vua khác, là Chúa Giê-su, và do đó vi phạm sắc lệnh của hoàng đế. a

12. Điều gì cho thấy lời buộc tội các môn đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng?

12 Hãy nhớ rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng buộc tội Chúa Giê-su như thế. Họ nói với Phi-lát: “Chúng tôi thấy người này xúi giục dân chúng nổi loạn... và tự xưng mình là Đấng Ki-tô, là vua” (Lu 23:2). Có lẽ vì Phi-lát sợ hoàng đế sẽ nghĩ ông dung túng tội phản quốc nên đã kết án tử hình Chúa Giê-su. Tương tự thế, lời cáo buộc chống lại các môn đồ tại thành Tê-sa-lô-ni-ca cũng có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng. Một sách tham khảo cho biết: “Mối nguy hiểm mà họ phải đương đầu không hề được phóng đại, vì ‘chỉ cần một lời ám chỉ về âm mưu chống lại hoàng đế cũng thường dẫn đến cái chết cho người bị buộc tội’”. Liệu sự công kích đầy thù ghét đó có thành công không?

13, 14. (a) Tại sao sự tấn công của đám đông đã thất bại? (b) Phao-lô thể hiện sự “dè dặt” giống Chúa Giê-su như thế nào, và làm sao chúng ta noi gương ông?

13 Đám đông không ngăn được công việc rao giảng tại thành Tê-sa-lô-ni-ca. Tại sao? Một lý do là vì họ không thể tìm thấy Phao-lô và Si-la. Hơn nữa, dường như nhà cầm quyền của thành phố không tin vào tính xác thực của những lời cáo buộc. Sau khi nhận “đủ tiền bảo lãnh”, họ thả Gia-sôn cùng các anh em đã bị bắt (Công 17:8, 9). Phao-lô đã làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su là “dè dặt như rắn nhưng phải hiền lành như chim bồ câu”. Ông khôn ngoan tránh khỏi nguy hiểm để có thể tiếp tục rao giảng ở những nơi khác (Mat 10:16). Rõ ràng, sự can đảm của Phao-lô không có nghĩa là liều lĩnh. Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có thể noi gương ông như thế nào?

14 Trong thời hiện đại, hàng giáo phẩm của khối Ki-tô giáo thường kích động đám đông chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va. Bằng cách hô hào rằng các Nhân Chứng là những kẻ nổi loạn và chống chính quyền, họ đã lôi kéo nhiều nhà cầm quyền bắt bớ Nhân Chứng. Giống như thế kỷ thứ nhất, động cơ của những người chống đối ngày nay cũng là sự ganh ghét. Dù sao đi nữa, các môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô không để mình rơi vào tình thế nguy hiểm. Nếu có thể được, chúng ta tránh đối đầu với những người hung hăng, ngang ngược. Chúng ta cố gắng thi hành thánh chức trong sự bình an và có lẽ sẽ trở lại khi mọi chuyện đã dịu đi.

Họ có “tinh thần cởi mở hơn” (Công vụ 17:10-15)

15. Những người ở thành Bê-rê phản ứng thế nào đối với tin mừng?

15 Vì sự an toàn, Phao-lô và Si-la được phái đến thành Bê-rê, cách đó khoảng 65km. Đến nơi, Phao-lô vào nhà hội và giảng cho những người nhóm tại đó. Thật vui sướng khi tìm được những người hưởng ứng tin mừng! Lu-ca miêu tả những người Do Thái ở Bê-rê “có tinh thần cởi mở hơn người ở thành Tê-sa-lô-ni-ca, vì họ hào hứng tiếp nhận lời Đức Chúa Trời, cẩn thận tra xem Kinh Thánh hằng ngày để biết những điều mình nghe có đúng không” (Công 17:10, 11). Phải chăng lời miêu tả này hàm ý rằng những người hưởng ứng tin mừng ở Tê-sa-lô-ni-ca không có thái độ đúng? Chắc chắn là không. Sau này Phao-lô đã viết thư cho họ như sau: “Chúng tôi không ngừng cảm tạ Đức Chúa Trời, vì khi tiếp nhận lời Đức Chúa Trời mà anh em nghe nơi chúng tôi, anh em đã chấp nhận đó là lời của Đức Chúa Trời, chứ không phải lời của con người, vì đó thật là lời ngài, là lời cũng đang tác động trên anh em” (1 Tê 2:13). Nhưng điều gì đã khiến người Do Thái ở Bê-rê có tinh thần cởi mở?

16. Tại sao miêu tả những người ở thành Bê-rê có “tinh thần cởi mở” là điều thích hợp?

16 Dù đang nghe về điều mới lạ, nhưng những người Bê-rê không nghi ngờ hoặc chỉ trích gay gắt; họ cũng không phải là những người nhẹ dạ cả tin. Trước hết, họ cẩn thận lắng nghe lời Phao-lô; rồi xác minh những điều vừa học được bằng cách mở Kinh Thánh, là cuốn sách mà Phao-lô đã giải thích cho họ. Ngoài ra, họ siêng năng học Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày, chứ không chỉ vào ngày Sa-bát. Họ làm điều này cách “hào hứng”, hăng hái tìm kiếm những gì Kinh Thánh tiết lộ dựa trên sự dạy dỗ của Phao-lô. Sau đó, họ chứng tỏ lòng khiêm nhường bằng cách thay đổi, vì có “nhiều người trong số họ tin đạo” (Công 17:12). Vậy không có gì lạ khi Lu-ca miêu tả họ là những người có “tinh thần cởi mở”!

17. Tại sao gương của các môn đồ ở thành Bê-rê thật đáng khen? Và làm sao chúng ta có thể tiếp tục noi gương đó dù đã trở thành môn đồ lâu năm?

17 Chắc những môn đồ ở thành Bê-rê không ngờ rằng phản ứng của họ đối với tin mừng sẽ được ghi lại trong Kinh Thánh để làm gương sáng cho các môn đồ đến tận thời nay. Họ thật sự đã làm đúng như những gì Phao-lô mong đợi và những gì Đức Giê-hô-va mong muốn. Đó cũng chính là điều mà chúng ta khuyến khích người khác làm—cẩn thận tra xét Kinh Thánh hầu đức tin của họ được dựa vững chắc trên Lời Đức Chúa Trời. Sau khi trở thành môn đồ Chúa Giê-su, có phải chúng ta không cần tinh thần cởi mở nữa? Hoàn toàn ngược lại, việc chúng ta hăng hái học hỏi từ Đức Giê-hô-va và nhanh chóng áp dụng các sự dạy dỗ của ngài càng phải trở nên quan trọng hơn. Qua cách này, chúng ta để ngài uốn nắn và huấn luyện theo ý muốn ngài (Ê-sai 64:8). Nhờ thế, chúng ta sẽ tiếp tục hữu ích và làm vui lòng Cha trên trời.

18, 19. (a) Tại sao Phao-lô rời Bê-rê, nhưng ông đã nêu gương tốt về lòng kiên trì như thế nào? (b) Tiếp theo, Phao-lô sẽ rao giảng cho ai và ở đâu?

18 Phao-lô không ở lâu tại Bê-rê. Kinh Thánh cho biết: “Khi người Do Thái ở Tê-sa-lô-ni-ca hay rằng Phao-lô cũng rao truyền lời Đức Chúa Trời ở Bê-rê, họ đến kích động và gây xôn xao trong dân chúng. Anh em liền chuyển Phao-lô xuống vùng biển, còn Si-la và Ti-mô-thê thì ở lại. Tuy nhiên, những người dẫn đường cho Phao-lô đã đưa ông đến tận A-thên. Rồi họ trở về, mang theo chỉ thị là Si-la và Ti-mô-thê phải đến với Phao-lô càng nhanh càng tốt” (Công 17:13-15). Những kẻ thù của tin mừng thật lì lợm! Đuổi Phao-lô khỏi Tê-sa-lô-ni-ca thôi chưa đủ; họ còn đến Bê-rê và kích động người dân như đã làm tại Tê-sa-lô-ni-ca, nhưng vẫn không có kết quả. Phao-lô biết khu vực của ông rất rộng lớn nên ông chuyển đến một nơi khác để tiếp tục rao giảng. Mong sao chúng ta ngày nay cũng quyết tâm như thế và khiến cho những người cố ngăn cản công việc rao giảng phải thất vọng!

19 Khi làm chứng cặn kẽ cho người Do Thái ở Tê-sa-lô-ni-ca và Bê-rê, chắc chắn Phao-lô học được nhiều điều về tầm quan trọng của việc làm chứng dạn dĩ và lý luận dựa trên Kinh Thánh. Chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, giờ đây Phao-lô chuẩn bị gặp một nhóm người khác, đó là dân ngoại ở A-thên. Điều gì sẽ xảy ra cho ông tại thành này? Câu trả lời nằm trong chương kế tiếp.

a Theo một học giả, vào thời đó có một sắc lệnh của Sê-sa nghiêm cấm bất cứ lời tiên đoán nào về “một vị vua hoặc vương quốc sẽ đến, đặc biệt nếu vị vua hay vương quốc đó được cho là sẽ đoạt ngôi hoặc phán xét hoàng đế đương nhiệm”. Các kẻ thù của sứ đồ Phao-lô hẳn đã bóp méo thông điệp của ông thành một sự vi phạm sắc lệnh này. Xem khung “ Các Sê-sa và sách Công vụ”.