Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 16

“Xin qua Ma-xê-đô-ni-a”

“Xin qua Ma-xê-đô-ni-a”

Được ân phước nhờ chấp nhận nhiệm vụ và vui mừng chịu đựng sự ngược đãi

Dựa trên Công vụ 16:6-40

1-3. (a) Phao-lô và các bạn đồng hành được thần khí thánh hướng dẫn như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những sự kiện nào?

 Một nhóm phụ nữ rời thành Phi-líp ở xứ Ma-xê-đô-ni-a. Không lâu sau, họ đến con sông nhỏ tên là Gangites. Theo thói quen, họ ngồi bên bờ sông và cầu nguyện với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va quan sát họ.—2 Sử 16:9; Thi 65:2.

2 Trong lúc đó, cách phía đông thành Phi-líp hơn 800km, một nhóm người đàn ông rời thành Lít-trơ ở phía nam vùng Ga-la-ti. Vài ngày sau, họ gặp một con đường lát đá của La Mã dẫn về hướng tây, đến vùng đông dân nhất ở A-si-a. Những người đó, là Phao-lô, Si-la và Ti-mô-thê, nóng lòng đi theo con đường ấy để đến thăm Ê-phê-sô và các thành khác, nơi có hàng ngàn người cần nghe về Đấng Ki-tô. Thế nhưng, trước khi họ bắt đầu cuộc hành trình thì thần khí thánh đã cản họ qua cách nào đó mà Kinh Thánh không cho biết. Họ bị cấm rao giảng trong vùng A-si-a. Tại sao? Chúa Giê-su muốn dùng thần khí Đức Chúa Trời để hướng dẫn cả nhóm của Phao-lô đi xuyên qua Tiểu Á, băng qua biển Ê-giê, rồi đi tiếp đến bờ của con sông nhỏ có tên Gangites.

3 Cách Chúa Giê-su hướng dẫn Phao-lô và các bạn đồng hành của ông trong chuyến hành trình khác thường đến Ma-xê-đô-ni-a chứa đựng những bài học giá trị cho chúng ta ngày nay. Vậy, chúng ta hãy xem một số sự kiện diễn ra trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của Phao-lô, bắt đầu khoảng năm 49 CN.

“Đức Chúa Trời sai chúng tôi” (Công vụ 16:6-15)

4, 5. (a) Chuyện gì xảy ra với nhóm của Phao-lô gần Bi-thi-ni-a? (b) Các môn đồ ấy quyết định làm gì, và có kết quả nào?

4 Bị cản rao giảng ở A-si-a, Phao-lô cùng các bạn đồng hành đi về phía bắc để rao giảng tại các thành thuộc xứ Bi-thi-ni-a. Để đến đó, họ có lẽ đã đi bộ nhiều ngày trên những con đường mòn giữa các vùng có dân cư thưa thớt thuộc Phy-gi-a và Ga-la-ti. Tuy nhiên, khi họ đến gần Bi-thi-ni-a, một lần nữa Chúa Giê-su dùng thần khí thánh để cản họ (Công 16:6, 7). Lúc ấy, hẳn họ rất bối rối. Họ biết phải giảng về điều gì và giảng như thế nào, nhưng không biết giảng ở đâu. Như thể họ đã gõ cánh cửa vào A-si-a nhưng không được vào. Họ cũng gõ cánh cửa vào Bi-thi-ni-a nhưng một lần nữa lại không được. Tuy vậy, Phao-lô nhất quyết tiếp tục gõ cho đến khi tìm được một cánh cửa mở. Và họ đã có một quyết định có vẻ không hợp lý. Họ quay sang hướng tây và đi bộ 550km, băng qua hết thành này đến thành khác cho tới khi gặp cảng Trô-ách, là cửa ngõ thiên nhiên dẫn đến Ma-xê-đô-ni-a (Công 16:8). Tại đó, Phao-lô gõ cửa lần thứ ba, và kìa, cánh cửa ấy mở toang ra!

5 Lu-ca, một người viết sách Phúc âm và đã kết hợp với nhóm của Phao-lô tại Trô-ách, tường thuật về chuyện xảy ra: “Ban đêm, Phao-lô thấy khải tượng: Có một người Ma-xê-đô-ni-a đứng đó nài xin ông: ‘Xin qua Ma-xê-đô-ni-a giúp chúng tôi’. Ngay sau khi Phao-lô thấy khải tượng đó, chúng tôi tìm cách đến Ma-xê-đô-ni-a, vì kết luận rằng Đức Chúa Trời sai chúng tôi công bố tin mừng cho họ” a (Công 16:9, 10). Cuối cùng Phao-lô cũng biết phải rao giảng ở đâu. Ông hẳn vui mừng biết bao vì đã không bỏ cuộc giữa đường! Ngay lập tức, bốn người ấy lên thuyền đến Ma-xê-đô-ni-a.

“Từ Trô-ách, chúng tôi vượt biển”.—Công vụ 16:11

6, 7. (a) Chúng ta có thể học được gì từ những chuyện xảy ra trong chuyến hành trình của Phao-lô? (b) Chúng ta có thể tin chắc điều gì từ trường hợp của Phao-lô?

6 Chúng ta học được gì từ lời tường thuật ấy? Hãy lưu ý điều này: Chỉ sau khi Phao-lô khởi hành đi A-si-a thì thần khí Đức Chúa Trời mới ngăn cản, chỉ sau khi Phao-lô đến gần Bi-thi-ni-a thì Chúa Giê-su mới can thiệp, và chỉ sau khi Phao-lô đến Trô-ách thì Chúa Giê-su mới hướng dẫn ông đến Ma-xê-đô-ni-a. Chúa Giê-su, đấng làm đầu hội thánh, ngày nay có lẽ cũng sẽ hướng dẫn chúng ta theo cách tương tự (Cô 1:18). Chẳng hạn, lâu nay chúng ta có lẽ nghĩ về việc làm tiên phong hay chuyển đến nơi cần nhiều người công bố Nước Trời hơn. Tuy nhiên, có thể chỉ sau khi chúng ta thực hiện những bước cụ thể nào đó để đạt được mục tiêu của mình thì Chúa Giê-su, qua thần khí Đức Chúa Trời, mới hướng dẫn chúng ta. Tại sao? Hãy xem thí dụ sau: Người lái xe có thể điều khiển xe rẽ trái hay rẽ phải chỉ khi nó đang chuyển động. Tương tự, Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta trong việc nới rộng thánh chức chỉ khi chúng ta đang chuyển động, tức thật sự dồn mọi nỗ lực để thực hiện điều đó.

7 Nhưng nếu nỗ lực của chúng ta không có kết quả ngay lập tức thì sao? Chúng ta có nên bỏ cuộc, cho rằng thần khí Đức Chúa Trời không hướng dẫn mình? Không. Hãy nhớ là Phao-lô cũng đã gặp trở ngại. Tuy nhiên, ông tiếp tục tìm kiếm cho đến khi tìm được một cánh cửa mở. Chúng ta có thể tin chắc rằng lòng kiên trì tìm “một cánh cửa lớn của công việc” sẽ được ban thưởng như thế.—1 Cô 16:9.

8. (a) Hãy miêu tả thành Phi-líp. (b) Việc Phao-lô rao giảng tại “một nơi cầu nguyện” đã mang lại kết quả vui mừng nào?

8 Sau khi đến Ma-xê-đô-ni-a, nhóm của Phao-lô đi đến Phi-líp, một thành có dân cư tự hào là công dân La Mã. Đối với lính La Mã về hưu đang sống tại đó, thuộc địa Phi-líp giống như nước Ý thu nhỏ—một thành Rô-ma thu nhỏ được đặt tại Ma-xê-đô-ni-a. Ngoài cổng thành, bên cạnh dòng sông nhỏ, các giáo sĩ tìm thấy khu vực mà họ nghĩ là có “một nơi cầu nguyện”. b Vào ngày Sa-bát, họ đến nơi đó và thấy một số phụ nữ tụ tập lại để thờ phượng Đức Chúa Trời. Các môn đồ ấy ngồi xuống nói chuyện với họ. Một phụ nữ tên là Ly-đi đã “lắng nghe” và “Đức Giê-hô-va mở rộng lòng bà”. c Những điều Ly-đi biết được qua các giáo sĩ đã tác động mạnh đến độ bà và người nhà đều chịu phép báp-têm. Sau đó, bà ép mời Phao-lô cùng các bạn đồng hành của ông đến ở tại nhà mình.—Công 16:13-15.

9. Nhiều người ngày nay noi gương Phao-lô như thế nào, và họ được ban phước ra sao?

9 Hãy hình dung niềm vui của mọi người khi Ly-đi chịu phép báp-têm! Phao-lô hẳn vui mừng biết bao vì đã nhận lời mời “qua Ma-xê-đô-ni-a” và vì Đức Giê-hô-va chọn ông cùng các bạn đồng hành để đáp lời cầu nguyện của những phụ nữ có lòng kính sợ ngài trong xứ đó! Tương tự thế, ngày nay cũng có nhiều anh chị—lớn tuổi lẫn trẻ tuổi, độc thân hay có gia đình—dọn đến những nơi cần nhiều người công bố Nước Trời hơn. Đành rằng họ phải đương đầu với khó khăn, nhưng điều đó không đáng gì so với sự thỏa nguyện khi tìm được những người sẵn lòng chấp nhận những sự thật trong Kinh Thánh như Ly-đi. Anh chị có thể điều chỉnh hoàn cảnh để “qua” một khu vực cần nhiều người rao giảng hơn không? Ân phước đang chờ đón anh chị. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của anh Aaron ở độ tuổi 20, anh đã dọn đến một nước thuộc Trung Mỹ. Anh có cùng cảm nghĩ với nhiều người khi nói: “Việc phụng sự ở nước ngoài giúp tôi tiến bộ về thiêng liêng và đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Công việc rao giảng thật tuyệt vời, tôi đang hướng dẫn tám cuộc học hỏi Kinh Thánh!”.

Làm thế nào chúng ta có thể “qua Ma-xê-đô-ni-a” vào thời nay?

“Dân chúng nổi lên chống lại Phao-lô và Si-la” (Công vụ 16:16-24)

10. Hoạt động của các quỷ liên quan thế nào đến việc gây ra nghịch cảnh cho Phao-lô và các bạn đồng hành của ông?

10 Chắc chắn Sa-tan rất tức tối khi thấy tin mừng đã bám rễ ở phần đất mà hắn và các quỷ theo hắn có lẽ chưa hề bị thách thức. Vì thế, không gì đáng ngạc nhiên khi hoạt động của các quỷ có liên quan đến việc gây ra nghịch cảnh cho Phao-lô và các bạn đồng hành của ông. Khi nhóm của Phao-lô tiếp tục trở lại nơi cầu nguyện thì một người tớ gái bị quỷ ám, làm lợi cho các chủ của cô nhờ việc bói toán, cứ đi theo họ mà hô lên rằng: “Những ông này là đầy tớ của Đức Chúa Trời Tối Cao, họ đang rao truyền cho các người con đường cứu rỗi”. Có lẽ quỷ khiến cô gái ấy hô to những lời như thế để làm ra vẻ là lời bói của cô và những điều Phao-lô dạy đều đến từ một nguồn. Như thế, những người nhìn thấy có thể bị đánh lạc hướng và không còn chú ý đến các môn đồ thật của Đấng Ki-tô nữa. Nhưng Phao-lô đã làm cô ta im tiếng bằng cách đuổi quỷ ra khỏi cô.—Công 16:16-18.

11. Sau khi quỷ bị đuổi khỏi cô gái, chuyện gì đã xảy ra với Phao-lô và Si-la?

11 Các chủ của người tớ gái đó thấy nguồn sinh lợi dễ dàng của họ đã biến mất thì nổi giận. Họ lôi Phao-lô và Si-la đến chợ, nơi các quan đại diện của La Mã tổ chức phiên tòa. Các người chủ khơi dậy thành kiến và lòng ái quốc của những người xét xử, như thể họ nói: “Mấy ông Do Thái này gây rối loạn bằng cách truyền bá những phong tục mà người La Mã chúng ta không thể chấp nhận”. Lời nói của họ có hiệu quả tức thì. “Dân chúng [trong chợ] nổi lên chống lại Phao-lô và Si-la”, và các quan truyền lệnh “phạt trượng”, tức đánh đòn hai người. Sau đó, Phao-lô và Si-la bị lôi vào tù. Viên cai tù giam hai người đầy thương tích vào phòng sâu nhất, rồi cùm chân lại (Công 16:16-24). Khi ông ta đóng cửa ngục, bóng tối bao trùm cả căn phòng dày đặc đến độ Phao-lô và Si-la chắc hẳn không thể thấy nhau. Nhưng Đức Giê-hô-va đang quan sát.—Thi 139:12.

12. (a) Môn đồ của Đấng Ki-tô có quan điểm nào về sự ngược đãi, và tại sao? (b) Sa-tan và tay sai của hắn vẫn dùng những hình thức chống đối nào?

12 Nhiều năm trước, Chúa Giê-su từng nói với các môn đồ ngài: ‘Họ sẽ ngược đãi anh em’ (Giăng 15:20). Vì thế, khi nhóm của Phao-lô sang Ma-xê-đô-ni-a, họ đã được chuẩn bị để đương đầu với sự chống đối. Khi bị ngược đãi, họ không xem đó là dấu hiệu Đức Giê-hô-va phật lòng, mà là biểu hiện cho sự tức giận của Sa-tan. Thời nay, tay sai của Sa-tan vẫn dùng những cách thức tương tự như đã dùng ở thành Phi-líp. Những người chống đối giả dối xuyên tạc chúng ta tại trường học và nơi làm việc, kích động sự bắt bớ. Tại một số nước, những người chống đối thuộc các tôn giáo buộc tội chúng ta trong tòa án, như thể họ nói: “Mấy Nhân Chứng này gây rối loạn bằng cách truyền bá những phong tục mà ‘những người theo đạo gốc’ như chúng ta không thể chấp nhận”. Ở một số nơi, anh em đồng đạo của chúng ta bị đánh đập và tống giam. Nhưng Đức Giê-hô-va đang quan sát.—1 Phi 3:12.

“Liền chịu phép báp-têm” (Công vụ 16:25-34)

13. Hãy nêu lý do khiến viên cai tù hỏi: “Tôi phải làm gì để được cứu?”.

13 Hẳn Phao-lô và Si-la cần thời gian để hồi phục sau những sự việc hỗn loạn của ngày hôm đó. Tuy nhiên, đến nửa đêm thì nỗi đau đớn bởi đòn roi đã thuyên giảm đến mức họ “cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời”. Thình lình, một cơn động đất xảy ra làm rung chuyển nhà tù! Viên cai tù thức giấc, thấy các cửa đều mở nên sợ rằng tù nhân đã bỏ trốn. Biết mình sẽ bị trừng phạt về tội để tù nhân trốn thoát, ông “rút gươm toan tự sát”. Nhưng Phao-lô kêu lớn: “Chớ hại mình, vì chúng tôi đều còn cả đây!”. Trong tâm trạng hốt hoảng, viên cai tù hỏi: “Thưa các ông, tôi phải làm gì để được cứu?”. Phao-lô và Si-la không thể cứu ông, chỉ có Chúa Giê-su mới làm được. Thế nên họ trả lời: ‘Hãy tin Chúa Giê-su thì anh sẽ được cứu’.—Công 16:25-31.

14. (a) Phao-lô và Si-la giúp gì cho viên cai tù? (b) Phao-lô và Si-la nhận được ân phước nào vì đã vui mừng chịu đựng sự ngược đãi?

14 Câu hỏi của viên cai tù có thật lòng không? Phao-lô không hề nghi ngờ lòng chân thành của ông ấy. Viên cai tù thuộc dân ngoại, chưa biết về Kinh Thánh. Trước khi có thể trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, ông ấy cần học và chấp nhận những sự thật cơ bản trong Kinh Thánh. Vì thế Phao-lô và Si-la dành thời gian để giảng “lời Đức Giê-hô-va cho ông”. Trong khi mải mê dạy Kinh Thánh, hai người có lẽ quên nỗi đau đớn từ trận đòn. Nhưng viên cai tù để ý thấy các vết thương sâu trên lưng họ thì rửa chúng. Sau đó ông và cả nhà “liền chịu phép báp-têm”. Đó quả là ân phước cho Phao-lô và Si-la vì đã vui mừng chịu đựng sự ngược đãi!—Công 16:32-34.

15. (a) Nhiều Nhân Chứng ngày nay noi gương của Phao-lô và Si-la như thế nào? (b) Tại sao chúng ta nên tiếp tục trở lại thăm những người trong khu vực của mình?

15 Như Phao-lô và Si-la, nhiều Nhân Chứng ngày nay đã rao giảng tin mừng trong khi bị tù vì đức tin, và đạt được kết quả tốt đẹp. Chẳng hạn, ở một xứ mà chúng ta từng bị cấm hoạt động, có lúc 40% tổng số Nhân Chứng tại đó đã học sự thật về Đức Giê-hô-va trong thời gian bị tù! (Ê-sai 54:17). Cũng hãy để ý rằng viên cai tù chỉ xin giúp đỡ sau khi cơn động đất xảy ra. Tương tự thế, một số người ngày nay chưa từng hưởng ứng thông điệp Nước Trời có lẽ sẽ hưởng ứng sau khi thế giới riêng của họ bất ngờ bị chấn động bởi một biến cố đau lòng nào đó. Bằng cách kiên trì viếng thăm những người trong khu vực, chúng ta sẽ đảm bảo là mình có mặt để giúp đỡ khi họ cần.

“Bây giờ họ lại lén đuổi chúng tôi sao?” (Công vụ 16:35-40)

16. Buổi sáng sau ngày Phao-lô và Si-la bị đánh đòn, tình thế lại đảo ngược như thế nào?

16 Buổi sáng sau ngày Phao-lô và Si-la bị đánh đòn, các quan truyền lệnh thả hai người. Nhưng Phao-lô nói: “Chúng tôi là công dân La Mã mà họ lại công khai đánh chúng tôi rồi tống vào tù, dù chưa kết tội. Bây giờ họ lại lén đuổi chúng tôi sao? Không được! Chính họ phải đến đây đưa chúng tôi ra”. Khi biết Phao-lô và Si-la là công dân La Mã, các quan “rất sợ”, vì họ đã vi phạm quyền công dân của hai người ấy. d Tình thế lại đảo ngược. Các môn đồ đã bị đánh đòn công khai, nay các quan phải công khai xin lỗi. Họ năn nỉ Phao-lô và Si-la rời khỏi thành Phi-líp. Hai môn đồ làm theo, nhưng họ chỉ đi sau khi đã dành thời gian để khích lệ nhóm môn đồ mới đang gia tăng.

17. Các môn đồ mới đã học được bài học quan trọng nào khi thấy sự chịu đựng của Phao-lô và Si-la?

17 Nếu quyền công dân La Mã của Phao-lô và Si-la trước đó được tôn trọng, rất có thể họ đã tránh được đòn roi (Công 22:25, 26). Tuy nhiên, điều đó có thể khiến các môn đồ ở Phi-líp nghĩ rằng hai người dùng vị thế của mình để khỏi phải chịu khổ vì Đấng Ki-tô. Điều đó sẽ tác động thế nào đến đức tin của các môn đồ không phải là công dân La Mã? Thật ra, luật pháp sẽ không che chở họ khỏi đòn roi. Vì vậy, nhờ chịu đựng hình phạt, Phao-lô và bạn đồng hành đã nêu gương cho các môn đồ mới rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể đứng vững trước sự ngược đãi. Ngoài ra, bằng cách đòi được nhìn nhận là công dân La Mã, Phao-lô và Si-la buộc các quan phải công khai thừa nhận đã hành động trái luật pháp. Điều đó có thể ngăn họ ngược đãi anh em đồng đạo của Phao-lô, đồng thời cũng góp phần vào sự bảo vệ pháp lý để tránh những cuộc tấn công như thế trong tương lai.

18. (a) Ngày nay, các giám thị đạo Đấng Ki-tô noi gương Phao-lô như thế nào? (b) Làm thế nào chúng ta “bênh vực và tìm cách hợp pháp hóa quyền rao giảng tin mừng” vào thời nay?

18 Ngày nay, các giám thị đạo Đấng Ki-tô cũng dẫn đầu bằng cách nêu gương. Những người chăn bầy sẵn lòng làm những điều mà họ mong anh em đồng đạo làm. Chúng ta cũng noi gương Phao-lô bằng cách cân nhắc kỹ lưỡng làm thế nào và khi nào dùng quyền pháp lý để bảo vệ mình. Nếu cần, chúng ta sẽ trình lên tòa án địa phương, quốc gia và ngay cả quốc tế để quyền thờ phượng của chúng ta được bảo vệ về mặt pháp lý. Mục tiêu của chúng ta không phải là cải cách xã hội, mà là “bênh vực và tìm cách hợp pháp hóa quyền rao giảng tin mừng”, như Phao-lô viết cho hội thánh Phi-líp khoảng mười năm sau khi ông bị tù ở đó (Phi-líp 1:7). Tuy nhiên, cho dù các vụ kiện có kết quả nào đi nữa, như Phao-lô và các bạn đồng hành của ông, chúng ta nhất quyết tiếp tục “công bố tin mừng” ở bất cứ nơi nào thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta.—Công 16:10.

b Có lẽ người Do Thái bị cấm lập nhà hội ở Phi-líp vì thành này là nơi định cư của các cựu chiến binh thuộc quân đoàn gần đó. Hoặc có lẽ trong thành không có đủ mười người nam Do Thái, số lượng tối thiểu để thành lập nhà hội.

d Luật pháp của La Mã quy định rằng một công dân luôn có quyền được xét xử đàng hoàng và không bao giờ bị phạt công khai trước khi kết tội.