Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 18

‘Tìm kiếm Đức Chúa Trời và thật sự tìm được ngài’

‘Tìm kiếm Đức Chúa Trời và thật sự tìm được ngài’

Phao-lô tạo điểm chung với người nghe và linh động thích ứng với họ

Dựa trên Công vụ 17:16-34

1-3. (a) Tại sao sứ đồ Phao-lô cảm thấy rất khó chịu khi ở thành A-thên? (b) Chúng ta có thể học được điều gì khi xem xét gương mẫu của Phao-lô?

 Phao-lô cảm thấy rất khó chịu. Ông đang có mặt tại một thành phố của Hy Lạp mang tên A-thên, là trung tâm của tri thức, nơi mà các triết gia Socrates, Plato và Aristotle đã từng giảng dạy. A-thên là thành phố sùng đạo bậc nhất thời bấy giờ. Ở bất cứ chỗ nào, dù là trong các đền thờ, quảng trường hay trên đường phố, Phao-lô cũng thấy hàng loạt các hình tượng, vì người dân thành A-thên thờ rất nhiều vị thần. Phao-lô biết rõ quan điểm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật về việc sùng bái hình tượng (Xuất 20:4, 5). Và sứ đồ trung thành này cũng có quan điểm giống như Đức Giê-hô-va—ông ghê tởm các hình tượng!

2 Những gì Phao-lô nhìn thấy khi đặt chân vào khu chợ là điều đặc biệt làm ông choáng váng: Vô số tượng hình dương vật của thần Héc-mê được xếp đầy trong góc tây bắc, gần cổng chính của chợ. Khu chợ tràn ngập các miếu thờ. Sứ đồ nhiệt thành này sẽ rao giảng thế nào ở một nơi sặc mùi hình tượng như thế? Liệu ông có kiềm chế được cảm xúc để tìm điểm chung với những người nghe ở nơi đây không? Ông có giúp được ai tìm kiếm Đức Chúa Trời và thật sự tìm được ngài không?

3 Bài giảng của sứ đồ Phao-lô cho những người có học thức ở A-thên được ghi lại trong Công vụ 17:22-31 là một kiểu mẫu về tài hùng biện, sự tế nhị và nhận thức sâu sắc. Qua việc xem xét gương của Phao-lô, chúng ta có thể học được nhiều điều về cách tạo ra điểm chung với người nghe và giúp họ vận dụng khả năng suy luận.

Dạy dỗ “ở chợ” (Công vụ 17:16-21)

4, 5. Phao-lô rao giảng ở đâu trong thành A-thên? Và ông gặp nhóm cử tọa khó thuyết phục nào?

4 Phao-lô đến A-thên trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của ông, vào khoảng năm 50 CN. a Trong khi chờ Si-la và Ti-mô-thê từ Bê-rê đến, Phao-lô “vào nhà hội lý luận với người Do Thái”, như ông vẫn thường làm. Ông cũng đến một nơi mà có thể gặp được những cư dân thành A-thên không phải gốc Do Thái, đó là “ở chợ” (Công 17:17). Tọa lạc ở phía tây bắc của Vệ Thành, khu chợ A-thên có diện tích năm héc-ta hoặc rộng hơn nữa. Đó không chỉ là nơi để mua bán mà còn là quảng trường của thành phố. Một sách tham khảo cho biết khu chợ này là “trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của thành”. Người A-thên rất thích đến đó và tham gia vào những cuộc thảo luận của giới trí thức.

5 Tại khu chợ, Phao-lô đứng trước những cử tọa không dễ thuyết phục. Trong số đó có nhiều người theo phái Khoái lạc và phái Khắc kỷ, là hai trường phái triết học đối nghịch nhau. b Phái Khoái lạc tin rằng sự sống do ngẫu nhiên mà có. Quan điểm của họ về sự sống được tóm gọn như sau: “Không cần phải sợ Đức Chúa Trời. Không cảm thấy gì khi chết. Có thể làm được điều tốt. Có thể chịu đựng điều ác”. Phái Khắc kỷ thì tập trung vào sự suy luận, tính hợp lý và không tin Đức Chúa Trời là một đấng. Cả hai phái này đều không tin có sự sống lại như các môn đồ Đấng Ki-tô đã dạy. Rõ ràng, quan điểm triết học của hai trường phái này hoàn toàn không thích hợp với những sự thật cao quý của đạo Đấng Ki-tô chân chính, là điều mà Phao-lô đang rao giảng.

6, 7. Một số người Hy Lạp có học thức đã phản ứng ra sao trước sự dạy dỗ của Phao-lô, và chúng ta có thể gặp phải phản ứng tương tự nào ngày nay?

6 Những người Hy Lạp có học thức phản ứng thế nào trước sự dạy dỗ của Phao-lô? Một số người gọi Phao-lô bằng một từ có nghĩa là “gã ba hoa” hay “con lượm hạt” (Công 17:18; chú thích trong bản An Sơn Vị). Một học giả cho biết về từ Hy Lạp này như sau: “Ban đầu từ này được dùng để miêu tả một con chim nhỏ thường đi nhặt các loại hạt, nhưng về sau được dùng để nói về những người nhặt thức ăn thừa và những thứ vụn vặt khác bị bỏ lại trong chợ. Rồi người ta dùng từ này để ám chỉ những người lượm lặt thông tin, nhất là những người không hiểu được các thông tin mình thu nhặt”. Trên thực tế, những người trí thức kia có ý nói Phao-lô là một kẻ dốt nát, chỉ biết lặp lại những gì nghe được từ người khác. Nhưng như chúng ta sẽ xem xét, Phao-lô không để tên gọi đó làm ông nao núng.

7 Ngày nay cũng vậy. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta thường bị người khác gán cho những tên gọi gây sỉ nhục vì những niềm tin dựa trên Kinh Thánh của mình. Thí dụ, một số thầy cô giáo dạy rằng thuyết tiến hóa là điều không thể chối cãi và khăng khăng cho rằng nếu là người thông minh, chúng ta phải chấp nhận thuyết ấy. Trên thực tế, họ gọi những người bác bỏ thuyết tiến hóa là dốt nát. Những người có học thức đó muốn mọi người xem chúng ta như “con lượm hạt” khi chúng ta trình bày những điều trong Kinh Thánh và đưa ra bằng chứng về sự thiết kế trong thiên nhiên. Nhưng chúng ta không bị nao núng. Ngược lại, chúng ta nói với lòng tin chắc khi bảo vệ niềm tin của mình rằng sự sống trên trái đất là kết quả công việc của Đấng Thiết Kế thông minh, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Khải 4:11.

8. (a) Một số người khác nghe lời giảng của Phao-lô đã có phản ứng nào? (b) Việc Phao-lô bị dẫn đến A-rê-ô-ba có thể vì lý do gì? (Xem chú thích).

8 Một số người nghe lời giảng của Phao-lô tại chợ lại có phản ứng khác. Họ kết luận: “Hình như ông ta rao truyền về các thần ngoại” (Công 17:18). Có thật là Phao-lô đang rao truyền về các vị thần mới cho người A-thên không? Nếu có thì đây là một vấn đề nghiêm trọng vì điều này tương tự với lời cáo buộc đã khiến cho triết gia Socrates bị kết án tử hình vài trăm năm trước. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Phao-lô bị đưa đến A-rê-ô-ba và được yêu cầu phải giải thích về những dạy dỗ mà người A-thên cảm thấy xa lạ. c Phao-lô sẽ bênh vực thế nào cho thông điệp khi những người nghe không hề biết gì về Kinh Thánh?

“Hỡi dân thành A-thên... tôi thấy” (Công vụ 17:22, 23)

9-11. (a) Phao-lô đã cố gắng tìm điểm chung với cử tọa như thế nào? (b) Làm sao chúng ta có thể noi gương Phao-lô trong thánh chức?

9 Hãy nhớ rằng việc thờ hình tượng lan tràn khắp nơi ở A-thên khiến Phao-lô cảm thấy rất khó chịu. Nhưng thay vì công kích việc thờ hình tượng một cách thiếu tự chủ, ông giữ thái độ bình tĩnh. Hết sức tế nhị, Phao-lô cố gắng thu hút cử tọa bằng cách tạo ra điểm chung. Ông nói: “Hỡi dân thành A-thên, trong mọi phương diện, tôi thấy quý vị dường như có lòng thành kính với thần thánh hơn các dân khác” (Công 17:22). Như thể Phao-lô nói: “Tôi thấy quý vị rất sùng đạo”. Ông đã khôn ngoan khen ngợi họ có sự ham thích về nhu cầu tâm linh. Ông nhận ra một số người bị mù quáng bởi niềm tin sai lầm thật ra có thể có tấm lòng sẵn sàng tiếp nhận. Vì dù gì đi nữa, Phao-lô biết chính ông cũng từng “hành động do thiếu hiểu biết và thiếu đức tin”.—1 Ti 1:13.

10 Dựa trên điểm chung, Phao-lô nói rằng ông đã thấy bằng chứng rõ ràng về sự sùng đạo của dân thành A-thên, đó là một bàn thờ để “Thờ Chúa Không Biết”. Theo một nguồn tài liệu thì “người Hy Lạp và các dân khác có phong tục là dành riêng những bàn thờ cho ‘các thần không biết’ vì sợ rằng mình bỏ sót vị thần nào đó trong sự thờ phượng và làm cho thần ấy nổi giận”. Qua bàn thờ đó, người A-thên công nhận sự hiện hữu của một Chúa mà họ chưa biết đến. Phao-lô đã tận dụng sự có mặt của bàn thờ này như một nhịp cầu để dẫn vào tin mừng mà ông rao giảng. Ông giải thích: “Đấng quý vị thờ mà không biết, chính là đấng tôi đang giảng cho quý vị” (Công 17:23). Lý luận của Phao-lô tế nhị nhưng hùng hồn. Ông không rao giảng về một thần mới hay lạ lẫm như một số người cáo buộc. Ông đang giải thích về Chúa mà họ chưa biết, là Đức Chúa Trời thật.

11 Làm thế nào chúng ta có thể noi gương sứ đồ Phao-lô trong thánh chức? Nếu tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra một người có lòng sùng kính hay không, có lẽ bằng cách để ý đến các vật dụng liên quan đến tôn giáo mà người đó mang hoặc dùng để trang trí nhà cửa, sân vườn. Chúng ta có thể nói: “Tôi thấy ông/bà là người sùng đạo. Tôi rất muốn nói chuyện với những người ham thích về nhu cầu tâm linh”. Bằng cách tế nhị nhìn nhận quan điểm tôn giáo của người khác, chúng ta có thể tạo được điểm chung và từ đó tiếp tục thảo luận. Hãy nhớ rằng mục tiêu của chúng ta không phải là vội vàng xét đoán người khác dựa trên tôn giáo của họ. Trong vòng anh em chúng ta cũng có rất nhiều người đã từng chân thành gắn bó với các niềm tin tôn giáo sai lầm.

Cố gắng tạo điểm chung và từ đó tiếp tục thảo luận

Đức Chúa Trời “không ở xa mỗi người trong chúng ta” (Công vụ 17:24-28)

12. Phao-lô đã linh động thay đổi cách trình bày cho thích hợp với người nghe như thế nào?

12 Phao-lô đã tạo được điểm chung nhưng ông có thể giữ được điều này khi làm chứng không? Vì biết người nghe được dạy dỗ bởi triết học Hy Lạp và không quen thuộc với Kinh Thánh, ông đã linh động thay đổi cách trình bày bằng nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, ông giới thiệu những sự dạy dỗ từ Kinh Thánh nhưng không trực tiếp trích dẫn các câu Kinh Thánh. Thứ nhì, ông khiến người nghe cảm thấy ông hiểu họ và là một người trong số họ, đôi lúc bằng cách dùng từ “chúng ta”. Thứ ba, ông trích dẫn văn chương Hy Lạp để chứng tỏ rằng những gì ông đang dạy cũng được trình bày trong chính các tác phẩm của họ. Chúng ta hãy cùng phân tích bài giảng hùng hồn này. Phao-lô đã truyền đạt những sự thật quan trọng nào về Đức Chúa Trời mà người A-thên chưa biết đến?

13. Phao-lô giải thích thế nào về nguồn gốc vũ trụ, và ý của ông là gì?

13 Đức Chúa Trời đã tạo nên vũ trụ. Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời là đấng đã tạo dựng vũ trụ và mọi vật trong đó, ngài là Chúa của trời đất, không ở trong đền thờ do tay con người làm nên” (Công 17:24). Vũ trụ không ngẫu nhiên mà có. Chính Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của muôn vật (Thi 146:6). Không như Athena và các vị thần khác phải nhờ đến các đền đài, miếu hay bàn thờ thì mới được vinh hiển, Chúa Tối Thượng của trời đất không thể ở trong các đền thờ do con người xây dựng (1 Vua 8:27). Ý của Phao-lô rất rõ ràng: Đức Chúa Trời vĩ đại hơn bất cứ hình tượng nào trong bất cứ đền thờ nào do loài người dựng nên.—Ê-sai 40:18-26.

14. Phao-lô cho thấy Đức Chúa Trời không phụ thuộc nơi loài người như thế nào?

14 Đức Chúa Trời không phụ thuộc nơi loài người. Những người thờ hình tượng thời đó thường khoác lên các hình tượng của mình những bộ quần áo lòe loẹt, dâng cho chúng đồ ăn thức uống hoặc các lễ vật đắt tiền, như thể hình tượng cần những điều đó! Tuy nhiên, có thể một số triết gia Hy Lạp đang nghe Phao-lô giảng tin rằng thần thánh không cần bất cứ điều gì từ con người. Hẳn họ đồng ý với lời của Phao-lô khi ông nói Đức Chúa Trời “không cần bàn tay con người phục vụ, như thể ngài cần điều gì”. Quả thật, không có món quà vật chất nào mà Đấng Tạo Hóa cần loài người ban tặng! Ngược lại, ngài còn ban cho con người những gì họ cần là “sự sống, hơi thở và mọi thứ”, bao gồm mặt trời, mưa thuận gió hòa và đất đai màu mỡ (Công 17:25; Sáng 2:7). Vậy Đức Chúa Trời, là Đấng Ban Cho, không phụ thuộc nơi con người, là những tạo vật nhận sự ban cho.

15. Phao-lô đã nói thế nào về việc người A-thên tin rằng họ cao trọng hơn những người không phải gốc Hy Lạp? Và chúng ta có thể rút ra bài học quan trọng nào từ gương của ông?

15 Đức Chúa Trời dựng nên loài người. Người A-thên tin rằng họ cao trọng hơn những người không phải gốc Hy Lạp. Nhưng lòng tự hào về quốc gia và chủng tộc đi ngược với sự dạy dỗ trong Kinh Thánh (Phục 10:17). Phao-lô đã nói về vấn đề nhạy cảm này một cách tế nhị và khéo léo. Khi nói “từ một người, [Đức Chúa Trời] làm nên muôn dân”, Phao-lô hẳn đã khiến người nghe phải suy nghĩ (Công 17:26). Ông đang đề cập đến lời tường thuật nơi sách Sáng thế về A-đam, là tổ tiên của nhân loại (Sáng 1:26-28). Vì cả nhân loại đều có chung một tổ phụ, nên không có dân tộc hay quốc gia nào cao trọng hơn dân tộc khác. Những người nghe Phao-lô không thể không hiểu điều này. Chúng ta có thể rút ra được bài học quan trọng từ gương của Phao-lô. Dù cần tế nhị và phải lẽ trong việc rao giảng, nhưng chúng ta không muốn làm yếu đi sự thật trong Kinh Thánh để khiến người nghe dễ chấp nhận hơn.

16. Ý định của Đấng Tạo Hóa đối với nhân loại là gì?

16 Ý định Đức Chúa Trời là muốn con người đến gần ngài. Dù các triết gia trong số cử tọa của Phao-lô từ lâu đã tranh cãi về mục đích hiện hữu của con người, nhưng họ không bao giờ giải thích được điều này cách thỏa đáng. Tuy nhiên, Phao-lô đã cho thấy rõ mục đích của Đấng Tạo Hóa dành cho nhân loại, đó là để họ “tìm kiếm Đức Chúa Trời, mò mẫm và thật sự tìm được ngài, dù ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta” (Công 17:27). Dù người A-thên chưa biết đến Đức Chúa Trời nhưng không có nghĩa là họ không thể biết về ngài. Trái lại, ngài không ở xa những ai thật sự muốn tìm kiếm và học biết về ngài (Thi 145:18). Hãy lưu ý rằng Phao-lô dùng từ “chúng ta”, nghĩa là ông cũng thuộc về những người cần “tìm kiếm” và “mò mẫm” về Đức Chúa Trời.

17, 18. Tại sao con người nên cảm thấy muốn đến gần Đức Chúa Trời, và chúng ta có thể học được điều gì từ cách Phao-lô thu hút sự chú ý của người nghe?

17 Con người nên cảm thấy muốn đến gần Đức Chúa Trời. Phao-lô cho biết nhờ ngài mà “chúng ta có sự sống, hoạt động và tồn tại”. Một số học giả nói rằng Phao-lô đã đề cập đến lời của Epimenides, một nhà thơ đảo Cơ-rết, thuộc thế kỷ thứ sáu TCN, và là “một nhân vật quan trọng trong truyền thống tôn giáo của người A-thên”. Phao-lô cũng đưa ra một lý do khác cho biết tại sao con người nên cảm thấy muốn đến gần Đức Chúa Trời: “Một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Vì chúng ta cũng là con cái ngài’” (Công 17:28). Loài người nên cảm thấy có một mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời vì ngài đã tạo nên tổ phụ của nhân loại. Để thu hút người nghe, Phao-lô đã khôn khéo trích trực tiếp các tác phẩm Hy Lạp mà cử tọa của ông hẳn rất tôn trọng. d Giống như Phao-lô, đôi lúc chúng ta cũng có thể trích các tài liệu lịch sử, bách khoa từ điển hoặc nguồn tham khảo đáng tin cậy khác. Thí dụ, một sự trích dẫn thích hợp từ tài liệu uy tín có thể giúp người không phải là Nhân Chứng hiểu về nguồn gốc của những thực hành hoặc nghi lễ tôn giáo sai lầm.

18 Đến lúc này, Phao-lô đã truyền đạt các sự thật trọng yếu về Đức Chúa Trời và khéo léo điều chỉnh những điều mình nói để phù hợp với người nghe. Sứ đồ này muốn người A-thên làm gì với thông tin quan trọng đó? Không chần chừ, ông cho họ biết bằng cách tiếp tục giảng dạy.

“Mọi người ở khắp nơi phải ăn năn” (Công vụ 17:29-31)

19, 20. (a) Phao-lô tế nhị phơi bày sự rồ dại của việc thờ hình tượng do con người làm ra như thế nào? (b) Những người nghe Phao-lô giảng cần phải làm gì?

19 Phao-lô đã sẵn sàng thúc đẩy người nghe hành động. Nhắc lại lời trích từ các tác phẩm Hy Lạp, ông nói: “Bởi vậy, vì là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta chớ nên nghĩ ngài giống như vàng, bạc, đá, hay vật được tạc nên bởi nghệ thuật và cách thiết kế của con người” (Công 17:29). Thật vậy, nếu con người là một tạo vật của Đức Chúa Trời, thì làm sao ngài có thể mang lấy hình dạng của các hình tượng, là sản phẩm do con người làm ra? Cách lý luận tế nhị của Phao-lô phơi bày sự rồ dại của việc thờ những hình tượng do tay người làm ra (Thi 115:4-8; Ê-sai 44:9-20). Bằng cách nói “chúng ta chớ nên”, chắc hẳn Phao-lô đã làm giảm bớt sự khó chịu mà lời khuyên thẳng thắn của ông có thể tác động nơi người nghe.

20 Sứ đồ Phao-lô cho thấy rõ họ phải hành động: “Đức Chúa Trời đã bỏ qua những thời người ta thiếu hiểu biết như thế [nghĩ rằng việc thờ hình tượng sẽ làm hài lòng Đức Chúa Trời], nhưng nay ngài tuyên bố cho mọi người ở khắp nơi phải ăn năn” (Công 17:30). Lời kêu gọi ăn năn của Phao-lô có thể khiến vài người sửng sốt. Nhưng bài giảng hùng hồn của ông cho thấy rõ là họ nợ Đức Chúa Trời sự sống, và vì thế phải có trách nhiệm trước mặt ngài. Họ cần tìm kiếm, học biết sự thật về Đức Chúa Trời và điều chỉnh lối sống cho phù hợp với những điều đã học. Đối với người dân thành A-thên, họ phải nhận ra việc thờ hình tượng là tội lỗi và từ bỏ nó.

21, 22. Phao-lô kết thúc bài giảng bằng những lời mạnh mẽ nào, và điều đó có nghĩa gì cho chúng ta ngày nay?

21 Phao-lô kết thúc bài giảng của ông bằng những lời mạnh mẽ: “[Đức Chúa Trời] đã định một ngày để phán xét thế gian một cách công chính bởi người mà ngài đã bổ nhiệm. Ngài bảo đảm điều này với mọi người qua việc làm cho người ấy sống lại” (Công 17:31). Sẽ có một Ngày Phán Xét—quả là một lý do nghiêm túc để tìm kiếm Đức Chúa Trời thật! Phao-lô không cho biết tên của Đấng Phán Xét được bổ nhiệm. Thay vì thế, ông nói một điều đáng kinh ngạc về đấng này: Ngài đã sống như một người, chết đi và rồi được Đức Chúa Trời làm cho sống lại!

22 Lời kết luận đầy sức thuyết phục này rất có ý nghĩa cho chúng ta ngày nay. Chúng ta biết Đấng Phán Xét mà Đức Chúa Trời bổ nhiệm chính là Chúa Giê-su Ki-tô được sống lại (Giăng 5:22). Chúng ta cũng biết Ngày Phán Xét sẽ kéo dài một ngàn năm và đang đến rất gần (Khải 20:4, 6). Vì hiểu rằng Ngày đó sẽ mang lại những ân phước ngoài sức tưởng tượng cho những người được xét là trung thành, nên chúng ta không cần phải sợ hãi Ngày Phán Xét. Niềm hy vọng của chúng ta về một tương lai huy hoàng được bảo đảm bởi phép lạ vĩ đại nhất, đó là sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô!

“Một số người... tin Chúa” (Công vụ 17:32-34)

23. Người ta phản ứng thế nào sau khi nghe bài giảng của Phao-lô?

23 Người ta có những phản ứng khác nhau sau khi nghe bài giảng của Phao-lô. “Một số người bắt đầu nhạo báng” khi nghe về sự sống lại. Những người khác thì lịch sự nhưng không dứt khoát, họ nói: “Để lần khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về chuyện này” (Công 17:32). Tuy nhiên, vài người đã phản ứng tích cực: “Có một số người theo ông và tin Chúa. Trong đó có Đi-ô-nê-xi, là quan tòa của tòa án A-rê-ô-ba, cùng một phụ nữ tên Đa-ma-ri và những người khác” (Công 17:34). Khi tham gia thánh chức, chúng ta cũng gặp những phản ứng tương tự. Một số người có thể chế giễu chúng ta, còn những người khác thì lịch sự nhưng cũng không quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta thật phấn khởi khi có người hưởng ứng thông điệp Nước Trời và tin Chúa.

24. Chúng ta có thể học được gì từ bài giảng của Phao-lô khi đứng trước những người ở A-rê-ô-ba?

24 Khi suy ngẫm về bài giảng của Phao-lô, chúng ta có thể học được nhiều điều về cách khai triển hợp lý và lý luận có sức thuyết phục cũng như việc linh động với người nghe. Ngoài ra, chúng ta cũng học được rằng cần phải kiên nhẫn và tế nhị đối với những người bị niềm tin tôn giáo sai lầm làm cho mù quáng. Một bài học quan trọng khác là: Không bao giờ làm yếu đi những sự thật trong Kinh Thánh chỉ vì muốn người nghe hài lòng. Thật vậy, nếu noi theo gương của sứ đồ Phao-lô, chúng ta có thể trở thành những người dạy dỗ hữu hiệu trong thánh chức. Hơn nữa, các giám thị cũng có thể nâng cao khả năng dạy dỗ trong hội thánh. Nhờ đó, chúng ta được trang bị tốt để giúp người khác ‘tìm kiếm Đức Chúa Trời và thật sự tìm được ngài’.—Công 17:27.

c Nằm ở phía tây bắc của Vệ Thành, A-rê-ô-ba là ngọn đồi mà hội đồng tối cao tại A-thên thường họp lại. Từ “A-rê-ô-ba” có thể là tên của hội đồng hoặc chính là ngọn đồi đó. Vì thế, có nhiều ý kiến khác nhau của các học giả về việc Phao-lô đã được dẫn đến ngọn đồi này hay một địa điểm gần đó, hoặc là đến buổi họp của hội đồng ở nơi khác, có lẽ tại khu chợ.

d Phao-lô đã trích dẫn tác phẩm Phaenomena, một bài thơ về các thiên thể của nhà thơ Aratus theo phái Khắc kỷ. Những câu tương tự như lời trích đó cũng được tìm thấy trong các tác phẩm Hy Lạp khác, bao gồm cả tác phẩm Thánh ca cho thần Dớt (Hymn to Zeus) của nhà văn Cleanthes, cũng theo phái Khắc kỷ.