Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 2

“Anh em sẽ làm chứng về tôi”

“Anh em sẽ làm chứng về tôi”

Cách Chúa Giê-su trang bị cho các sứ đồ để dẫn đầu công việc rao giảng

Dựa trên Công vụ 1:1-26

1-3. Chúa Giê-su rời khỏi các sứ đồ như thế nào, và những câu hỏi nào được nêu lên?

 Họ không muốn mọi chuyện ngưng ở đó. Đối với các sứ đồ, những tuần qua thật hào hứng! Sự sống lại của Chúa Giê-su giúp họ đang từ hố sâu tuyệt vọng lên đến đỉnh cao vui mừng. Trong 40 ngày qua, Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần, dạy dỗ và khích lệ các môn đồ nhiều hơn. Nhưng hôm nay ngài hiện ra lần cuối.

2 Đứng trên núi Ô-liu, các sứ đồ chăm chú lắng nghe từng lời của Chúa Giê-su. Ngài nói xong thì giơ hai tay chúc phước cho họ. Mọi việc dường như xảy ra quá nhanh. Rồi ngài bắt đầu được cất lên khỏi mặt đất! Các sứ đồ chăm chú nhìn theo khi ngài lên trời. Cuối cùng, một đám mây che khuất ngài và họ không thấy ngài nữa. Ngài đã đi, nhưng họ vẫn dõi mắt nhìn theo.—Lu 24:50; Công 1:9, 10.

3 Cảnh đó đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của các sứ đồ. Giờ họ sẽ làm gì khi Chủ của họ, Chúa Giê-su Ki-tô, đã lên trời? Chúng ta có thể tin chắc rằng họ đã được Chủ trang bị để tiếp nối công việc ngài khởi xướng. Ngài trang bị cho họ thế nào để gánh vác nhiệm vụ quan trọng này, và họ phản ứng ra sao? Điều này tác động thế nào đến các tín đồ ngày nay? Chương đầu của sách Công vụ chứa đựng những câu trả lời đầy khích lệ.

“Nhiều bằng chứng vững chắc” (Công vụ 1:1-5)

4. Lu-ca mở đầu lời tường thuật trong sách Công vụ bằng cách nào?

4 Lu-ca mở đầu lời tường thuật bằng lời chào Thê-ô-phi-lơ, chính là người mà trước đây Lu-ca đã viết sách Phúc âm cho. a Lu-ca cho thấy lời tường thuật này tiếp nối lời tường thuật trước bằng cách tóm tắt những sự kiện ở cuối sách Phúc âm mang tên ông, nhưng dùng cách diễn đạt khác và cung cấp thêm chi tiết.

5, 6. (a) Điều gì giúp đức tin của các môn đồ Chúa Giê-su luôn vững mạnh? (b) Tại sao có thể nói đức tin của các tín đồ ngày nay dựa trên “nhiều bằng chứng vững chắc”?

5 Điều gì giúp đức tin của các môn đồ Chúa Giê-su luôn vững mạnh? Công vụ 1:3 nói về Chúa Giê-su: “Ngài cho họ thấy nhiều bằng chứng vững chắc là mình đang sống”. Trong Kinh Thánh, chỉ có Lu-ca, “người thầy thuốc yêu dấu”, dùng từ được dịch là “bằng chứng vững chắc” (Cô 4:14). Đây là từ dùng trong các tài liệu chuyên ngành y khoa, cho thấy các bằng chứng đã được xác nhận, có sức thuyết phục và đáng tin cậy. Chúa Giê-su đã cung cấp những bằng chứng như thế. Ngài nhiều lần hiện ra với các môn đồ, khi thì một hoặc hai người, khi thì tất cả các sứ đồ, và có lần hơn 500 môn đồ (1 Cô 15:3-6). Quả là những bằng chứng vững chắc!

6 Tương tự thế, đức tin của các tín đồ chân chính ngày nay cũng dựa trên “nhiều bằng chứng vững chắc”. Có bằng chứng nào cho thấy Chúa Giê-su từng sống trên đất, đã chết vì tội lỗi chúng ta và được sống lại không? Chắc chắn có! Lời tường thuật đáng tin cậy của những người đã chứng kiến tận mắt được ghi lại trong Kinh Thánh cung cấp bằng chứng thuyết phục mà chúng ta cần. Khi xem xét những lời tường thuật này và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình hiểu, đức tin của chúng ta sẽ được vững mạnh rất nhiều. Hãy nhớ rằng đức tin thật không phải là sự cả tin nhưng dựa trên những bằng chứng vững chắc. Đức tin thật là điều cần thiết để có được sự sống vĩnh cửu.—Giăng 3:16.

7. Chúa Giê-su nêu gương nào cho các môn đồ trong việc rao giảng và dạy dỗ?

7 Chúa Giê-su cũng “nói về Nước Đức Chúa Trời”. Chẳng hạn, ngài giải thích các lời tiên tri cho biết Đấng Mê-si phải chịu khốn khổ và chết (Lu 24:13-32, 46, 47). Khi cho thấy rõ vai trò của mình là Đấng Mê-si, Chúa Giê-su nhấn mạnh về chủ đề Nước Trời, vì ngài là Vua được chỉ định. Nước Trời luôn là chủ đề chính mà Chúa Giê-su rao giảng, và các môn đồ ngài ngày nay cũng rao giảng về chủ đề ấy.—Mat 24:14; Lu 4:43.

“Cho đến tận cùng trái đất” (Công vụ 1:6-12)

8, 9. (a) Các sứ đồ có hai suy nghĩ sai lầm nào? (b) Chúa Giê-su đã điều chỉnh suy nghĩ của họ ra sao, và các tín đồ ngày nay rút ra bài học nào?

8 Trên núi Ô-liu, các sứ đồ nhóm lại với Chúa Giê-su lần cuối cùng trên đất. Họ háo hức hỏi ngài: “Thưa Chúa, nay có phải là lúc ngài khôi phục vương quốc Y-sơ-ra-ên không?” (Công 1:6). Câu hỏi này cho thấy các sứ đồ có hai suy nghĩ sai lầm. Thứ nhất, họ cho rằng Nước Trời sẽ được khôi phục cho dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống. Thứ hai, họ mong chờ Nước Trời sẽ bắt đầu cai trị ngay lúc ấy. Chúa Giê-su đã giúp họ điều chỉnh lối suy nghĩ như thế nào?

9 Rất có thể Chúa Giê-su biết rằng suy nghĩ thứ nhất của họ sẽ sớm được điều chỉnh. Thật thế, chỉ mười ngày sau đó, các môn đồ sẽ chứng kiến sự ra đời của một dân tộc mới, là dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng! Sau đó, dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống không còn là dân tộc đặc biệt của Đức Chúa Trời nữa. Về suy nghĩ thứ hai, Chúa Giê-su đã nhân từ nhắc nhở họ: “Anh em không cần biết thì giờ hay kỳ hạn, là điều chỉ mình Cha có quyền quyết định” (Công 1:7). Đức Giê-hô-va là Đấng Ấn Định Thì Giờ Vĩ Đại. Trước khi chết, chính Chúa Giê-su đã nói rằng ngay cả Con cũng không biết “ngày và giờ” của thời điểm kết thúc, nhưng “chỉ mình Cha biết” (Mat 24:36). Ngày nay cũng vậy, nếu tín đồ đạo Đấng Ki-tô quá quan tâm về thời điểm kết thúc thế gian này thì thật ra họ đang lo lắng về việc không phải của họ.

10. Các sứ đồ có thái độ nào mà chúng ta nên trau dồi, và tại sao?

10 Dù vậy, chúng ta cũng phải cẩn thận, không nên phán xét các sứ đồ, là những người có đức tin mạnh mẽ. Họ đã khiêm nhường chấp nhận sự sửa sai. Ngoài ra, dù câu hỏi của họ cho thấy họ có suy nghĩ sai lầm, nhưng cũng cho thấy họ có thái độ tốt. Trước đó, Chúa Giê-su nhiều lần khuyến giục các môn đồ: “Hãy luôn thức canh” (Mat 24:42; 25:13; 26:41). Họ đã tỉnh thức về mặt thiêng liêng, sốt sắng tìm bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va sắp hành động. Đó là thái độ chúng ta cần trau dồi ngày nay. Thật vậy, việc luôn thức canh càng quan trọng hơn vì chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng”.—2 Ti 3:1-5.

11, 12. (a) Chúa Giê-su giao cho các môn đồ sứ mạng nào? (b) Tại sao việc Chúa Giê-su đề cập đến thần khí thánh khi nói đến sứ mạng rao giảng là điều thích hợp?

11 Chúa Giê-su nhắc các sứ đồ về điều chính yếu mà họ nên quan tâm. Ngài nói: “Anh em sẽ nhận được quyền năng khi thần khí thánh đến trên anh em, và anh em sẽ làm chứng về tôi tại Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Sự sống lại của Chúa Giê-su sẽ được rao truyền trước hết tại thành Giê-ru-sa-lem, nơi người ta đã giết ngài. Từ nơi này, thông điệp ấy sẽ lan rộng khắp xứ Giu-đê, đến Sa-ma-ri rồi những nơi xa hơn nữa.

12 Điều thích hợp là Chúa Giê-su nói đến sứ mạng rao giảng chỉ sau khi nhắc lại lời hứa về việc ban thần khí thánh để giúp đỡ họ. Đây là một trong hơn 40 lần mà từ “thần khí thánh” xuất hiện trong nguyên ngữ của sách Công vụ. Sách sống động này đã nhiều lần cho biết chúng ta không thể thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va nếu không có sự trợ giúp của thần khí thánh. Vậy, việc thường xuyên cầu xin có thần khí là điều quan trọng biết bao! (Lu 11:13). Nay là lúc chúng ta cần thần khí hơn bao giờ hết.

13. Dân Đức Chúa Trời ngày nay được giao nhiệm vụ rao giảng với quy mô rộng lớn đến mức nào, và tại sao chúng ta nên hăng hái đảm nhận công việc đó?

13 Đối với các sứ đồ, “tận cùng trái đất” bao gồm một số vùng trên trái đất. Còn ngày nay, chúng ta rao giảng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, như đã nói trong chương trước, Nhân Chứng Giê-hô-va hết lòng đảm nhận nhiệm vụ làm chứng; họ biết rằng Đức Chúa Trời muốn mọi loại người được nghe tin mừng về Nước của ngài (1 Ti 2:3, 4). Anh chị có đang bận rộn với công việc cứu người này không? Không có công việc nào ý nghĩa và thỏa lòng như thế! Đức Giê-hô-va sẽ ban sức lực cần thiết để anh chị thực hiện công việc ấy. Sách Công vụ sẽ cho anh chị biết nhiều về những phương pháp và thái độ cần trau dồi để trở nên hữu hiệu hơn.

14, 15. (a) Các thiên sứ nói gì về sự trở lại của Chúa Giê-su, và ý của họ là gì? (Cũng xem chú thích). (b) Chúa Giê-su trở lại giống “y như cách” ngài lên trời như thế nào?

14 Như đã đề cập nơi đầu chương, Chúa Giê-su được cất lên khỏi mặt đất và không ai thấy ngài nữa. Tuy nhiên, 11 sứ đồ cứ đứng nhìn lên trời. Cuối cùng, hai thiên sứ hiện ra và nhẹ nhàng trách họ: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao các anh đứng nhìn lên trời vậy? Chúa Giê-su này đã rời các anh và được tiếp lên trời, ngài sẽ trở lại y như cách các anh thấy ngài lên trời” (Công 1:11). Phải chăng các thiên sứ có ý nói rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại với cùng thân thể đó, như một số tôn giáo dạy? Không, họ không có ý nói thế. Làm sao chúng ta biết?

15 Các thiên sứ nói rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại, không phải y như hình dạng này, mà “y như cách” này. b Ngài rời khỏi các sứ đồ theo cách nào? Khi các thiên sứ nói những lời ấy thì không ai còn thấy Chúa Giê-su. Chỉ một số người, là các sứ đồ, nhận biết Chúa Giê-su đã rời trái đất và đến với Cha ngài trên trời. Cách Chúa Giê-su trở lại cũng giống như vậy. Và điều này quả đã xảy ra. Ngày nay, chỉ những người có sự hiểu biết về thiêng liêng mới nhận biết rằng Chúa Giê-su đang hiện diện trong vương quyền (Lu 17:20). Chúng ta cần nhận ra các bằng chứng về sự hiện diện của ngài và cho người khác biết, nhờ thế họ cũng thấy tính cấp bách của thời kỳ hiện nay.

“Xin cho chúng con biết ngài chọn ai” (Công vụ 1:13-26)

16-18. (a) Qua Công vụ 1:13, 14, chúng ta học được gì về các buổi nhóm thờ phượng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô? (b) Chúng ta học được gì từ gương của Ma-ri, mẹ Chúa Giê-su? (c) Tại sao các buổi họp của tín đồ đạo Đấng Ki-tô rất quan trọng trong thời nay?

16 Không ngạc nhiên gì khi các sứ đồ “trở về Giê-ru-sa-lem, lòng đầy vui mừng” (Lu 24:52). Nhưng họ sẽ phản ứng thế nào trước sự hướng dẫn và chỉ dạy của Đấng Ki-tô? Công vụ chương 1, câu 13 và 14, cho biết họ nhóm lại trong một “căn phòng trên lầu”, và chúng ta học được một số chi tiết thú vị về những buổi nhóm ấy. Các ngôi nhà ở Pa-lét-tin thời bấy giờ thường có một căn phòng trên lầu, và người ta lên đó bằng lối cầu thang bên ngoài nhà. Có phải “căn phòng trên lầu” này thuộc ngôi nhà được đề cập nơi Công vụ 12:12, là nhà mẹ của Mác không? Dù trường hợp nào đi nữa, rất có thể đây là một nơi giản dị và có thể dùng làm nơi nhóm cho các môn đồ. Nhưng có những ai nhóm lại, và họ làm gì?

17 Hãy lưu ý rằng buổi nhóm ấy không chỉ dành cho các sứ đồ hoặc những người nam, mà cũng có “một số phụ nữ”, trong đó có Ma-ri mẹ của Chúa Giê-su. Đây là lần cuối cùng bà được Kinh Thánh nhắc đến trực tiếp. Thật thích hợp khi nghĩ rằng bà có mặt tại buổi nhóm đó để khiêm nhường họp lại thờ phượng cùng với anh em đồng đạo, chứ không phải để tìm kiếm danh vọng. Hẳn bà được an ủi khi bốn người con trai khác cùng hiện diện trong buổi nhóm ấy, là những người chưa tin đạo lúc Chúa Giê-su còn sống trên đất (Mat 13:55; Giăng 7:5). Từ khi người anh cùng mẹ khác cha của họ chết và được sống lại, họ đã thay đổi thái độ.—1 Cô 15:7.

18 Cũng hãy lưu ý tại sao các môn đồ nhóm lại: “Tất cả những người ấy... đồng tâm bền lòng cầu nguyện” (Công 1:14). Việc nhóm lại là điều cần thiết trong sự thờ phượng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Chúng ta nhóm lại để khuyến khích nhau, để được dạy dỗ và khuyên bảo, trên hết là để cùng nhau thờ phượng Đức Giê-hô-va, Cha trên trời của chúng ta. Lời cầu nguyện cùng các bài hát ngợi khen của chúng ta trong những buổi nhóm như thế làm đẹp lòng ngài và là những điều thiết yếu đối với chúng ta. Mong sao chúng ta không bao giờ bỏ những buổi họp thánh đầy khích lệ đó!—Hê 10:24, 25.

19-21. (a) Chúng ta rút ra bài học nào từ việc Phi-e-rơ có vai trò quan trọng trong hội thánh? (b) Tại sao cần có người thay thế Giu-đa, và chúng ta học được gì từ cách giải quyết vấn đề ấy?

19 Giờ đây các môn đồ ấy phải đương đầu với một vấn đề quan trọng về việc tổ chức, và sứ đồ Phi-e-rơ dẫn đầu trong việc giải quyết vấn đề này (câu 15-26). Chắc hẳn chúng ta cảm thấy thật an ủi khi biết rằng chỉ vài tuần sau khi ba lần chối bỏ Chúa Giê-su, Phi-e-rơ đã thay đổi rất nhiều (Mác 14:72). Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng phạm tội và cần được nhắc để nhớ rằng Đức Giê-hô-va “thật tốt, sẵn lòng thứ tha” cho những người thật lòng ăn năn.—Thi 86:5.

20 Phi-e-rơ nhận thấy cần có người thay thế Giu-đa, sứ đồ đã phản Chúa Giê-su. Nhưng ai thay thế đây? Sứ đồ mới phải là người đã theo Chúa Giê-su suốt thời gian ngài thi hành thánh chức và chứng kiến sự sống lại của ngài (Công 1:21, 22). Điều đó hợp với lời hứa của chính Chúa Giê-su: “Anh em là những người đã theo tôi sẽ được ngồi trên 12 ngôi, xét xử 12 chi phái Y-sơ-ra-ên” (Mat 19:28). Dường như Đức Giê-hô-va muốn có 12 sứ đồ, là những người đã theo Chúa Giê-su trong thời gian ngài thi hành thánh chức trên đất, để lập thành “12 đá nền” của Giê-ru-sa-lem Mới (Khải 21:2, 14). Vì vậy, Đức Chúa Trời cho Phi-e-rơ thấy rằng lời tiên tri “Nguyện chức giám thị hắn về tay người khác” áp dụng cho Giu-đa.—Thi 109:8.

21 Việc lựa chọn được tiến hành thế nào? Bằng cách bắt thăm, một hình thức phổ biến trong thời Kinh Thánh (Châm 16:33). Tuy nhiên, đây là lần cuối Kinh Thánh cho thấy cách lựa chọn bằng hình thức bắt thăm. Dường như hình thức này không còn cần thiết sau khi thần khí thánh được đổ ra. Dù vậy, hãy để ý tại sao hình thức bắt thăm đã được dùng. Các sứ đồ cầu nguyện: “Lạy Đức Giê-hô-va, là đấng biết lòng mọi người, xin cho chúng con biết ngài chọn ai trong hai người này” (Công 1:23, 24). Thật thế, họ muốn Đức Giê-hô-va chọn. Và Ma-thia, rất có thể là một trong 70 môn đồ từng được Chúa Giê-su phái đi rao giảng, đã được chọn. Thế là Ma-thia trở thành một trong “12 sứ đồ”. cCông 6:2.

22, 23. Tại sao chúng ta nên vâng lời và phục tùng những người dẫn đầu trong hội thánh thời nay?

22 Sự việc này nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc có sự tổ chức trong dân Đức Chúa Trời. Vào thời nay, những người nam có tinh thần trách nhiệm được chọn làm giám thị phục vụ hội thánh. Các trưởng lão xem xét cẩn thận những điều kiện Kinh Thánh đòi hỏi nơi một giám thị, họ cũng cầu nguyện để xin sự hướng dẫn của thần khí thánh. Vì vậy, hội thánh xem các anh ấy là được thần khí thánh bổ nhiệm. Về phần chúng ta, chúng ta luôn vâng lời và phục tùng sự hướng dẫn của họ, thúc đẩy tinh thần hợp tác trong hội thánh.—Hê 13:17.

Chúng ta luôn vâng lời và phục tùng sự hướng dẫn của các giám thị được bổ nhiệm

23 Các môn đồ thời ban đầu được vững mạnh vì đã thấy Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại, và sự cải tiến về mặt tổ chức cũng đã củng cố họ. Nhờ đó, họ được trang bị đầy đủ cho một biến cố quan trọng sắp xảy ra. Chương kế tiếp sẽ bàn về biến cố quan trọng này.

a Trong sách Phúc âm mang tên ông, Lu-ca gọi người đàn ông ấy là “ngài Thê-ô-phi-lơ” nên một số người cho rằng Thê-ô-phi-lơ có lẽ là người có địa vị và chưa tin đạo (Lu 1:1). Tuy nhiên trong sách Công vụ, Lu-ca chỉ gọi là “anh Thê-ô-phi-lơ thân mến”. Một số học giả cho rằng Thê-ô-phi-lơ đã trở thành người tin đạo sau khi đọc sách Phúc âm Lu-ca; thế nên, họ nói rằng Lu-ca bỏ cách xưng hô cung kính đó và viết cho Thê-ô-phi-lơ như với một anh em đồng đạo.

b Ở đây Kinh Thánh dùng từ Hy Lạp troʹpos, nghĩa là “cách”, chứ không phải từ mor·pheʹ, nghĩa là “hình dạng”.

c Về sau Phao-lô được bổ nhiệm làm “sứ đồ được phái đến với dân ngoại”, nhưng ông không được kể vào số 12 sứ đồ (Rô 11:13; 1 Cô 15:4-8). Ông không hội đủ điều kiện nhận đặc ân đó vì đã không theo Chúa Giê-su trong thời gian ngài thi hành thánh chức trên đất.