Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 4

“Dân thường, ít học”

“Dân thường, ít học”

Các sứ đồ hành động dạn dĩ và Đức Giê-hô-va ban phước cho họ

Dựa trên Công vụ 3:1–5:11

1, 2. Phi-e-rơ và Giăng đã làm phép lạ nào gần cổng đền thờ?

 Ánh nắng chiều nghiêng mình rọi trên đoàn dân đông. Những người Do Thái sùng kính và các tín đồ đạo Đấng Ki-tô đang đi vào khuôn viên đền thờ. Bấy giờ gần đến “giờ cầu nguyện” a (Công 2:46; 3:1). Trong đoàn dân đông có Phi-e-rơ và Giăng. Hai người đang tiến đến Cổng Đẹp của đền thờ. Từ giữa tiếng nói chuyện ồn ào cùng tiếng bước chân, có tiếng van xin bố thí cất lên. Đó là tiếng của một người ăn xin ở độ tuổi trung niên, bị què từ thuở lọt lòng mẹ.—Công 3:2; 4:22.

2 Khi Phi-e-rơ và Giăng đến gần, người ăn xin lặp lại lời cầu xin bố thí. Các sứ đồ dừng lại, và người đàn ông ấy nhìn họ với niềm hy vọng. Phi-e-rơ nói: “Vàng bạc tôi không có, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh đây. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô người Na-xa-rét, hãy bước đi!”. Hãy hình dung nỗi kinh ngạc của đoàn dân đông khi Phi-e-rơ nắm tay người què, và lần đầu tiên trong đời, người đàn ông ấy có thể đứng thẳng dậy! (Công 3:6, 7). Anh chị có hình dung được cảnh ông ấy nhìn xuống đôi chân đã được chữa lành và rồi chập chững những bước đầu tiên không? Chẳng lạ gì khi ông bắt đầu nhảy nhót và cất lớn tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời!

3. Người đàn ông từng bị què và đoàn dân có thể nhận được món quà có giá trị vượt trội nào?

3 Đám đông kinh ngạc chạy đến chỗ Phi-e-rơ và Giăng ở hành lang Sa-lô-môn. Tại đây, chính là nơi Chúa Giê-su từng đứng dạy dỗ, Phi-e-rơ cho họ biết ý nghĩa thật sự của điều vừa xảy ra (Giăng 10:23). Ông mời đoàn dân và người đàn ông từng bị què ấy nhận một món quà giá trị hơn cả vàng bạc. Món quà đó không chỉ là sự hồi phục sức khỏe, mà là cơ hội ăn năn, được xóa sạch tội lỗi và được trở thành môn đồ của “Đấng Lãnh Đạo Chính của sự sống” do Đức Giê-hô-va bổ nhiệm là Chúa Giê-su Ki-tô.—Công 3:15.

4. (a) Phép lạ chữa lành người què đã dẫn đến sự xung đột nào? (b) Chúng ta sẽ trả lời hai câu hỏi nào?

4 Ấy quả là ngày đặc biệt! Một người được chữa lành về thể chất và có thể bước đi. Hàng ngàn người khác có cơ hội được chữa lành về mặt thiêng liêng, nhờ thế họ có thể “bước đi”, hay sống, xứng đáng với Đức Chúa Trời (Cô 1:9, 10). Ngoài ra, sự kiện hôm ấy dẫn đến sự xung đột giữa các môn đồ của Đấng Ki-tô và những người có thế lực cố ngăn cản họ thi hành mệnh lệnh rao giảng thông điệp Nước Trời mà Chúa Giê-su truyền dặn (Công 1:8). Chúng ta học được gì từ phương pháp cũng như thái độ của Phi-e-rơ và Giăng, là những người “dân thường, ít học”, khi họ làm chứng cho đoàn dân? b (Công 4:13). Làm thế nào chúng ta bắt chước cách họ và các môn đồ khác đương đầu với sự chống đối?

Chẳng phải ‘nhờ quyền năng của chính mình’ (Công vụ 3:11-26)

5. Chúng ta học được gì từ cách Phi-e-rơ nói với đoàn dân?

5 Phi-e-rơ và Giăng đứng trước đám đông, biết rằng có lẽ một số người trong đoàn dân ấy mới đây đã la hét đòi đóng đinh Chúa Giê-su (Mác 15:8-15; Công 3:13-15). Hãy nghĩ đến lòng can đảm mà Phi-e-rơ thể hiện khi ông dạn dĩ tuyên bố rằng người đàn ông bị què được chữa lành nhân danh Chúa Giê-su. Phi-e-rơ không giảm nhẹ sự thật. Ông thẳng thắn lên án sự dính líu của đoàn dân trong cái chết của Đấng Ki-tô, nhưng không nuôi lòng oán thù họ, vì họ “hành động do thiếu hiểu biết” (Công 3:17). Ông kêu gọi họ như những người anh em, và tập trung vào những khía cạnh tích cực của thông điệp Nước Trời. Nếu ăn năn và đặt đức tin nơi Đấng Ki-tô, họ sẽ được hưởng “kỳ thanh thản” mà Đức Giê-hô-va ban (Công 3:19). Tương tự, chúng ta cần dạn dĩ và thẳng thắn khi rao truyền sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời. Đồng thời, chúng ta không bao giờ muốn có thái độ gay gắt hoặc chỉ trích. Thay vì thế, hãy xem những người chúng ta rao giảng như những người có triển vọng trở thành anh em của mình; và như Phi-e-rơ, chúng ta đặc biệt tập trung vào những khía cạnh tích cực của thông điệp Nước Trời.

6. Phi-e-rơ và Giăng đã thể hiện sự khiêm tốn qua cách nào?

6 Hai sứ đồ ấy là những người khiêm tốn. Họ không quy về mình những phép lạ họ đã làm. Phi-e-rơ nói với đoàn dân: “Sao anh em nhìn chúng tôi chăm chăm như thể chúng tôi nhờ quyền năng hoặc lòng sùng kính của chính mình mà khiến người ấy đi được?” (Công 3:12). Phi-e-rơ và các sứ đồ khác biết rằng bất cứ thành công nào họ đạt được trong thánh chức đều bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, chứ không phải của họ. Vì vậy, họ khiêm tốn quy mọi lời khen về các thành quả của mình cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.

7, 8. (a) Chúng ta có thể mời người ta nhận món quà nào? (b) Lời hứa về “kỳ khôi phục mọi sự” được ứng nghiệm thế nào vào thời nay?

7 Chúng ta cần thể hiện tính khiêm tốn như thế khi tham gia công việc rao giảng về Nước Trời. Đành rằng thần khí của Đức Chúa Trời không giúp tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời nay có quyền năng chữa bệnh bằng phép lạ. Dù vậy, chúng ta có thể giúp người ta đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô, đồng thời giúp họ được nhận món quà mà Phi-e-rơ đã mời, đó là cơ hội được tha thứ tội lỗi và được Đức Giê-hô-va ban cho sự thanh thản. Mỗi năm, hàng trăm ngàn người chấp nhận lời mời này và báp-têm trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô.

8 Chúng ta quả đang sống trong “kỳ khôi phục mọi sự” mà Phi-e-rơ đã nói đến. Để làm ứng nghiệm lời “Đức Chúa Trời đã phán qua miệng các nhà tiên tri thánh thời xưa”, Nước Trời được thành lập trên trời vào năm 1914 (Công 3:21; Thi 110:1-3; Đa 4:16, 17). Không lâu sau đó, Đấng Ki-tô bắt đầu giám sát công việc khôi phục sự thờ phượng thật trên đất. Nhờ thế, hàng triệu người được dẫn đến địa đàng thiêng liêng, trở thành thần dân của Nước Đức Chúa Trời. Họ đã lột bỏ nhân cách bại hoại trước kia và “mặc lấy nhân cách mới được dựng nên theo ý muốn Đức Chúa Trời” (Ê-phê 4:22-24). Như việc chữa lành người ăn xin bị què, công việc này cũng được thực hiện không phải do nỗ lực của con người, nhưng do thần khí của Đức Chúa Trời. Giống như Phi-e-rơ, chúng ta phải dùng Lời Đức Chúa Trời để dạy người khác một cách dạn dĩ và hữu hiệu. Bất cứ thành công nào chúng ta đạt được trong việc giúp người ta trở thành môn đồ Đấng Ki-tô đều được thực hiện bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, chứ chẳng phải của mình.

“Chúng tôi không thể ngưng nói” (Công vụ 4:1-22)

9-11. (a) Các nhà lãnh đạo Do Thái phản ứng thế nào trước thông điệp của Phi-e-rơ và Giăng? (b) Các sứ đồ cương quyết làm gì?

9 Lời giảng của Phi-e-rơ và việc người đàn ông từng bị què đang nhảy nhót reo hò đã gây nên cảnh náo động. Vì vậy, quan cai đền thờ, là người có nhiệm vụ quản lý an ninh trong khuôn viên đền thờ, cùng các trưởng tế vội vàng chạy đến xem chuyện gì xảy ra. Rất có thể họ là những người Sa-đu-sê, một phái giàu có, nắm nhiều quyền lực chính trị và cố gắng tạo mối giao hảo với người La Mã. Họ bác bỏ luật truyền khẩu mà người Pha-ri-si rất tôn trọng và chế giễu niềm tin nơi sự sống lại. c Những người này bực tức biết bao khi thấy Phi-e-rơ và Giăng ở trong đền thờ, đang dạn dĩ giảng dạy rằng Chúa Giê-su đã được sống lại!

10 Những kẻ chống đối giận dữ ấy đã tống Phi-e-rơ và Giăng vào tù, rồi hôm sau kéo họ đến trước tòa án tối cao của người Do Thái. Theo quan điểm của những nhà cai trị trịch thượng đó, Phi-e-rơ và Giăng chỉ là “dân thường, ít học” không có quyền giảng dạy trong đền thờ. Hai người này chưa từng học qua bất cứ trường đạo tiếng tăm nào. Tuy nhiên, sự dạn dĩ và lòng tin chắc của họ khiến cả tòa phải ngạc nhiên. Tại sao Phi-e-rơ và Giăng giảng dạy hữu hiệu đến thế? Một lý do là “hai người ấy từng ở với Chúa Giê-su” (Công 4:13). Chủ họ đã dạy dỗ với uy quyền thật, chứ không như các thầy kinh luật.—Mat 7:28, 29.

11 Tòa ra lệnh họ phải ngưng rao giảng. Trong xã hội đó, lệnh của tòa rất có quyền lực. Chỉ vài tuần trước, khi Chúa Giê-su đứng trước nhóm người này, họ đã tuyên bố: “Hắn đáng chết” (Mat 26:59-66). Dù vậy, Phi-e-rơ và Giăng vẫn không sợ hãi. Đứng trước những người giàu có, học thức cao và đầy thế lực này, họ dạn dĩ tuyên bố nhưng với thái độ tôn trọng: “Nghe theo các ông thay vì Đức Chúa Trời, điều đó đúng hay không trước mắt ngài thì các ông hãy tự xét lấy. Còn chúng tôi, chúng tôi không thể ngưng nói về những điều mình đã thấy và nghe”.—Công 4:19, 20.

12. Điều gì có thể giúp chúng ta có thêm lòng can đảm và niềm tin chắc?

12 Anh chị có thể biểu lộ lòng can đảm giống như thế không? Anh chị cảm thấy thế nào khi có cơ hội làm chứng cho những người giàu có, học thức cao và đầy thế lực trong cộng đồng? Nếu người nhà, bạn học hoặc đồng nghiệp chế giễu niềm tin của anh chị thì sao? Anh chị có sợ hãi không? Nếu có, anh chị có thể vượt qua những cảm giác đó. Trong thời gian sống trên đất, Chúa Giê-su đã dạy các sứ đồ cách bênh vực niềm tin của họ với lòng tin chắc và thái độ tôn trọng (Mat 10:11-18). Sau khi được sống lại, ngài hứa với các môn đồ là sẽ luôn ở cùng họ “cho đến khi thế gian này kết thúc” (Mat 28:20). Với sự hướng dẫn của Chúa Giê-su, “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” cũng dạy chúng ta cách bênh vực niềm tin của mình (Mat 24:45-47; 1 Phi 3:15). Họ hướng dẫn chúng ta qua các buổi họp của hội thánh, như Lối sống và thánh chức, và qua các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, như những bài “Kinh Thánh giải đáp” trên jw.org. Anh chị có đang tận dụng những buổi họp và các ấn phẩm không? Nếu làm thế, anh chị sẽ có thêm lòng can đảm và niềm tin chắc. Và như các sứ đồ, anh chị sẽ không để bất cứ điều gì ngăn cản mình nói về những sự thật tuyệt vời đến từ Đức Chúa Trời mà anh chị đã thấy và nghe.

Đừng để bất cứ điều gì ngăn cản anh chị nói về những sự thật tuyệt vời đến từ Đức Chúa Trời mà anh chị đã học

‘Họ cất tiếng cầu nguyện với Đức Chúa Trời’ (Công vụ 4:23-31)

13, 14. Nếu đương đầu với sự chống đối, chúng ta nên làm gì, và tại sao?

13 Ngay sau khi được thả khỏi tù, Phi-e-rơ và Giăng đi gặp những người trong hội thánh. Tất cả đều cùng nhau “cất tiếng cầu nguyện với Đức Chúa Trời” và xin có sự dạn dĩ để tiếp tục rao giảng (Công 4:24). Phi-e-rơ biết quá rõ sự dại dột của việc tin cậy nơi sức riêng khi nỗ lực thi hành ý muốn Đức Chúa Trời. Mới vài tuần trước, ông đã tự tin nói với Chúa Giê-su: “Dù tất cả những người kia vấp ngã vì điều xảy ra cho Thầy, nhưng tôi sẽ không bao giờ vấp ngã!”. Tuy nhiên, như Chúa Giê-su báo trước, ông đã mau chóng bị khuất phục bởi nỗi sợ loài người và chối bỏ người bạn, người thầy của mình. Dù vậy, ông đã rút ra được bài học từ lỗi lầm ấy.—Mat 26:33, 34, 69-75.

14 Chỉ lòng cương quyết thôi thì không đủ để giúp anh chị thi hành sứ mạng làm chứng về Đấng Ki-tô. Khi những kẻ chống đối cố phá hủy đức tin của anh chị hoặc nỗ lực ngăn cản anh chị rao giảng, hãy noi theo gương của Phi-e-rơ và Giăng. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức mạnh. Hãy tìm sự hỗ trợ của hội thánh. Hãy cho các trưởng lão cũng như các anh chị thành thục biết khó khăn mình đang gặp. Lời cầu nguyện của người khác có thể là sự trợ lực mạnh mẽ.—Ê-phê 6:18; Gia 5:16.

15. Tại sao những người từng ngưng rao giảng một thời gian không nên nản lòng?

15 Nếu anh chị đã từng bị khuất phục trước áp lực và ngưng rao giảng một thời gian thì đừng nản lòng. Hãy nhớ là tất cả các sứ đồ cũng từng ngưng rao giảng một thời gian sau khi Chúa Giê-su chết, nhưng rồi họ đã mau chóng hoạt động trở lại (Mat 26:56; 28:10, 16-20). Thay vì để những lỗi lầm trước kia khiến mình nản lòng, anh chị có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm đó và dùng chúng để giúp người khác vững mạnh không?

16, 17. Chúng ta học được gì từ lời cầu nguyện của các môn đồ ở Giê-ru-sa-lem?

16 Chúng ta nên cầu xin điều gì khi bị những người có quyền hành áp bức? Hãy để ý rằng các môn đồ không cầu xin tránh khỏi những thử thách. Họ nhớ rõ lời của Chúa Giê-su: “Nếu họ ngược đãi tôi thì cũng sẽ ngược đãi anh em” (Giăng 15:20). Những môn đồ trung thành này cầu xin Đức Giê-hô-va “để ý đến” lời đe dọa của những kẻ chống đối (Công 4:29). Các môn đồ đã thấy bức tranh lớn, họ nhận biết rằng sự bắt bớ mình đương đầu thật ra là làm ứng nghiệm lời tiên tri. Họ biết rằng, như Chúa Giê-su đã dạy họ cầu nguyện, ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ “được thực hiện ở dưới đất”, cho dù những nhà cai trị nói gì đi nữa.—Mat 6:9, 10.

17 Để thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va, các môn đồ cầu nguyện với ngài: “Xin... cho các tôi tớ ngài tiếp tục rao giảng lời ngài với tất cả lòng dạn dĩ”. Đức Giê-hô-va lập tức đáp lời như thế nào? Kinh Thánh cho biết: “Nơi họ nhóm lại rung chuyển, ai nấy đều được tràn đầy thần khí thánh và rao giảng lời Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ” (Công 4:29-31). Không điều gì có thể ngăn cản ý muốn Đức Chúa Trời được thành tựu (Ê-sai 55:11). Dù tình trạng bất lợi thế nào đi nữa, dù kẻ chống đối mạnh mẽ bao nhiêu đi nữa, nếu cất tiếng cầu nguyện với Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tin chắc ngài sẽ ban sức mạnh để chúng ta tiếp tục rao giảng lời ngài một cách dạn dĩ.

Chịu trách nhiệm, “không phải với loài người, mà với Đức Chúa Trời” (Công vụ 4:32–5:11)

18. Các thành viên của hội thánh ở Giê-ru-sa-lem đã làm gì cho nhau?

18 Không lâu sau, hội thánh mới thành lập ở Giê-ru-sa-lem đã gia tăng đến hơn 5.000 thành viên. d Bất kể sự khác biệt về gốc gác, các môn đồ đều “đồng một lòng một ý”. Họ nhất trí với nhau và có cùng lối suy nghĩ (Công 4:32; 1 Cô 1:10). Các môn đồ làm nhiều hơn là chỉ cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho nỗ lực của mình. Họ trợ giúp nhau về thiêng liêng, và cả vật chất khi cần (1 Giăng 3:16-18). Chẳng hạn, môn đồ Giô-sép, còn được các sứ đồ gọi là Ba-na-ba, đã bán đất của mình và rộng rãi đóng góp trọn số tiền ấy để giúp những người đến từ nơi xa ở lại Giê-ru-sa-lem lâu hơn, nhờ thế họ có thể học thêm về niềm tin mới.

19. Tại sao Đức Giê-hô-va hành quyết A-na-nia và Sa-phi-ra?

19 Một cặp vợ chồng là A-na-nia và Sa-phi-ra cũng bán một mảnh đất và đóng góp. Họ làm ra vẻ đóng góp tất cả nhưng thật ra đã “ngấm ngầm giữ lại một số tiền” (Công 5:2). Đức Giê-hô-va đã hành quyết cặp vợ chồng này, không phải vì họ đóng góp ít mà vì họ giả dối và đóng góp với động cơ xấu. Họ “nói dối, không phải với loài người, mà với Đức Chúa Trời” (Công 5:4). Như những kẻ đạo đức giả từng bị Chúa Giê-su lên án, A-na-nia và Sa-phi-ra muốn được người ta khen ngợi hơn là được Đức Chúa Trời chấp nhận.—Mat 6:1-3.

20. Chúng ta học được gì về việc dâng hiến cho Đức Giê-hô-va?

20 Với tinh thần rộng rãi như các môn đồ trung thành ở Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ nhất, hàng triệu Nhân Chứng ngày nay cũng ủng hộ công việc rao giảng trên khắp thế giới bằng cách đóng góp tình nguyện. Không ai bị ép buộc phải dành thời gian và tiền của để ủng hộ công việc này. Thật vậy, Đức Chúa Trời không muốn chúng ta phụng sự ngài một cách miễn cưỡng hay bị ép buộc (2 Cô 9:7). Khi chúng ta cho đi thì Đức Giê-hô-va chú ý đến động cơ chứ không phải đến số lượng (Mác 12:41-44). Chúng ta không bao giờ muốn giống như A-na-nia và Sa-phi-ra, phụng sự Đức Chúa Trời với động cơ ích kỷ hoặc thích được khen ngợi. Thay vì thế, giống như Phi-e-rơ, Giăng và Ba-na-ba, mong sao chúng ta luôn phụng sự Đức Giê-hô-va với động cơ là yêu thương ngài và người đồng loại một cách chân thật.—Mat 22:37-40.

a Người ta dâng lời cầu nguyện trong đền thờ vào giờ dâng vật tế lễ buổi sáng và buổi chiều. Vật tế lễ buổi chiều được dâng vào khoảng 3 giờ chiều.

d Vào năm 33 CN, có lẽ ở Giê-ru-sa-lem chỉ có khoảng 6.000 người Pha-ri-si, còn số người Sa-đu-sê thì ít hơn. Điều này có thể là một lý do khác khiến cả hai nhóm người ấy ngày càng lo sợ trước những dạy dỗ của Chúa Giê-su.