CHƯƠNG 5
“Chúng tôi phải vâng lời Đức Chúa Trời”
Các sứ đồ thể hiện một lập trường mà trở thành tiền lệ cho tất cả tín đồ chân chính của Đấng Ki-tô
Dựa trên Công vụ 5:12–6:7
1-3. (a) Tại sao các sứ đồ bị giải đến Tòa Tối Cao, và cốt lõi vấn đề là gì? (b) Tại sao chúng ta rất quan tâm đến lập trường của các sứ đồ?
Các quan tòa trong Tòa Tối Cao giận sôi sục! Các sứ đồ của Chúa Giê-su đang bị xét xử trước tòa án tối cao này. Vì lý do gì? Giô-sép Cai-pha, thầy tế lễ thượng phẩm và là người đứng đầu Tòa Tối Cao, nghiêm giọng nói với họ: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các người nhân danh ấy mà dạy dỗ”. Ông giận đến nỗi không muốn nhắc tới tên của Chúa Giê-su. Cai-pha nói tiếp: “Nhưng kìa, các người lại làm cho Giê-ru-sa-lem đầy dẫy giáo lý của mình và nhất quyết đổ tội cho chúng tôi về cái chết của người đó” (Công 5:28). Ý của họ thật rõ ràng: Ngưng rao giảng, hoặc là bị trừng phạt!
2 Các sứ đồ sẽ phản ứng thế nào? Sứ mạng rao giảng của họ đến từ Chúa Giê-su, đấng được Đức Chúa Trời ban quyền hành (Mat 28:18-20). Các sứ đồ có khuất phục trước nỗi sợ loài người và im lặng không? Hay họ sẽ can đảm đứng vững và tiếp tục rao giảng? Cốt lõi của vấn đề là: Họ sẽ vâng lời Đức Chúa Trời hay loài người? Không do dự, sứ đồ Phi-e-rơ đã nói thay cho tất cả các sứ đồ. Lời của ông thật dứt khoát và mạnh mẽ.
3 Là tín đồ chân chính của Đấng Ki-tô, chúng ta rất quan tâm đến cách các sứ đồ phản ứng trước những lời đe dọa của Tòa Tối Cao. Sứ mạng rao giảng cũng được giao cho chúng ta. Trong khi thi hành nhiệm vụ do Đức Chúa Trời giao phó, chúng ta cũng có thể gặp sự chống đối (Mat 10:22). Những người chống đối có thể tìm cách hạn chế hoặc cấm đoán công việc của chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta có thể được lợi ích khi xem xét lập trường của các sứ đồ và hoàn cảnh dẫn đến việc họ bị xét xử trước Tòa Tối Cao. a
“Thiên sứ của Đức Giê-hô-va mở cửa tù” (Công vụ 5:12-21a)
4, 5. Tại sao Cai-pha và người Sa-đu-sê sinh lòng “đầy ganh ghét”?
4 Hãy nhớ lại lần đầu tiên khi Phi-e-rơ và Giăng bị buộc phải ngưng rao giảng, họ trả lời rằng: “Chúng tôi không thể ngưng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công 4:20). Sau khi đối mặt với Tòa Tối Cao lần đó, Phi-e-rơ và Giăng, cùng các sứ đồ khác tiếp tục rao giảng ở đền thờ. Các sứ đồ đã làm những phép lạ phi thường như chữa bệnh và đuổi ác thần. Họ làm điều đó tại “Hành Lang Sa-lô-môn”, một hành lang có mái che ở phía đông đền thờ, nơi có nhiều người Do Thái nhóm lại. Ngay cả bóng của Phi-e-rơ cũng chữa được bệnh! Nhiều người được chữa lành về thể chất đã hưởng ứng những lời chữa lành về thiêng liêng. Kết quả là “ngày càng có nhiều người tin Chúa, rất đông cả nam lẫn nữ”.—Công 5:12-15.
5 Cai-pha cùng những người chung phái Sa-đu-sê đã sinh lòng “đầy ganh ghét” và bắt các sứ đồ giam vào tù (Công 5:17, 18). Tại sao người Sa-đu-sê nổi giận? Các sứ đồ dạy rằng Chúa Giê-su đã được sống lại, nhưng người Sa-đu-sê không tin sự sống lại. Các sứ đồ nói rằng một người chỉ có thể được cứu khi đặt đức tin nơi Chúa Giê-su, nhưng người Sa-đu-sê sợ bị người La Mã trừng phạt nếu dân chúng xem Chúa Giê-su là Đấng Lãnh Đạo (Giăng 11:48). Chẳng lạ gì khi người Sa-đu-sê nhất quyết buộc các sứ đồ phải im lặng!
6. Thời nay, ai là chủ mưu chính trong việc ngược đãi tôi tớ Đức Giê-hô-va, và tại sao chúng ta không nên ngạc nhiên về điều đó?
6 Thời nay cũng vậy, chủ mưu chính trong việc ngược đãi tôi tớ Đức Giê-hô-va là thành phần tôn giáo. Những người đó thường dựa vào ảnh hưởng của mình đối với các nhà cầm quyền và phương tiện truyền thông để cố dập tắt công việc rao giảng của chúng ta. Chúng ta có nên ngạc nhiên không? Không. Thông điệp của chúng ta vạch trần tôn giáo sai lầm. Nhờ chấp nhận những sự thật Kinh Thánh, những người có lòng thành được giải thoát khỏi các niềm tin và thực hành trái với Kinh Thánh (Giăng 8:32). Vậy, không lạ gì khi thông điệp của chúng ta thường khiến các hàng giáo phẩm sinh lòng ganh ghét.
7, 8. Mệnh lệnh của thiên sứ tác động thế nào trên các sứ đồ, và chúng ta nên tự hỏi điều gì?
7 Ngồi trong tù đợi xét xử, có lẽ các sứ đồ thắc mắc không biết mình có sắp tử vì đạo trong tay những kẻ thù này không (Mat 24:9). Nhưng đêm ấy, một điều hết sức bất ngờ xảy ra, đó là “thiên sứ của Đức Giê-hô-va mở cửa tù” b (Công 5:19). Rồi thiên sứ chỉ dẫn họ một cách cụ thể: “Hãy vào đền thờ và tiếp tục nói” (Công 5:20). Mệnh lệnh đó chắc chắn trấn an các sứ đồ rằng họ đang làm điều đúng. Lời của thiên sứ hẳn cũng thêm sức mạnh cho họ để tiếp tục đứng vững, bất kể chuyện gì xảy ra. Với đức tin mạnh mẽ và lòng can đảm, các sứ đồ “vào đền thờ lúc tảng sáng và bắt đầu dạy dỗ”.—Công 5:21.
8 Mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Nếu ở trong hoàn cảnh tương tự, mình có đức tin và lòng can đảm cần thiết để tiếp tục rao giảng không?”. Chắc hẳn chúng ta có được sức mạnh khi biết công việc trọng yếu “làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời” có sự hỗ trợ và hướng dẫn của thiên sứ.—Công 28:23; Khải 14:6, 7.
“Chúng tôi phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người” (Công vụ 5:21b-33)
9-11. Các sứ đồ phản ứng thế nào khi Tòa Tối Cao ra lệnh họ phải ngưng rao giảng, và điều đó lập tiền lệ nào cho tín đồ chân chính của Đấng Ki-tô?
9 Giờ đây, Cai-pha và các quan tòa khác của Tòa Tối Cao đã sẵn sàng để xét xử các sứ đồ. Tòa không biết chuyện đã xảy ra trong tù nên đã sai cảnh vệ đi giải các tù nhân đến. Hãy hình dung nỗi kinh ngạc của cảnh vệ khi nhận ra tù nhân không còn ở đó nữa, dù tù được khóa kỹ và “các lính canh đang đứng ở cửa” (Công 5:23). Không lâu sau, quan cai đền thờ hay tin các sứ đồ đã trở lại đền thờ và làm chứng về Chúa Giê-su, chính là công việc đã khiến họ bị bắt giam! Quan cai đền thờ cùng cảnh vệ của ông liền đến đền thờ giải các tù nhân về Tòa Tối Cao.
10 Như được miêu tả ở đầu chương, các nhà lãnh đạo tôn giáo lòng đầy giận dữ đã nói rõ rằng các sứ đồ phải ngưng rao giảng. Các sứ đồ phản ứng thế nào? Đại diện cho các sứ đồ khác, Phi-e-rơ dạn dĩ đáp: “Chúng tôi phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người” (Công 5:29). Qua đó, các sứ đồ lập tiền lệ cho tín đồ chân chính của Đấng Ki-tô qua mọi thời đại. Các nhà cai trị thế gian có quyền yêu cầu chúng ta phải vâng phục. Nhưng họ mất đi quyền đó trong trường hợp họ cấm những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi, hoặc đòi hỏi những điều Đức Chúa Trời cấm. Thế nên vào thời nay, nếu “các bậc cầm quyền” cấm chúng ta làm chứng, chúng ta sẽ không ngừng thi hành nhiệm vụ rao giảng tin mừng mà Đức Chúa Trời đã giao phó (Rô 13:1). Thay vì thế, chúng ta sẽ tìm những cách kín đáo để tiếp tục làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời.
11 Không có gì ngạc nhiên khi lời đáp dạn dĩ của các sứ đồ khiến cho các quan tòa đang bực tức nổi cơn thịnh nộ. Họ nhất quyết giết các sứ đồ (Công 5:33). Lúc bấy giờ, tử vì đạo dường như là kết cuộc chắc chắn đối với những nhân chứng sốt sắng và dạn dĩ ấy. Nhưng sắp có sự trợ giúp qua một cách hết sức lạ thường!
Công vụ 5:34-42)
“Anh em không thể lật đổ họ đâu” (12, 13. (a) Ga-ma-li-ên khuyên các đồng sự thế nào, và họ đã làm gì? (b) Đức Giê-hô-va có thể can thiệp cho dân ngài ngày nay như thế nào, và chúng ta có thể tin chắc điều gì nếu ngài để chúng ta “chịu khổ vì sự công chính”?
12 Ga-ma-li-ên, một “thầy dạy Luật pháp được dân chúng kính trọng”, đã lên tiếng. c Hẳn ông rất được các đồng sự kính trọng, vì ông đã đứng lên điều khiển phiên tòa, thậm chí “truyền mang các sứ đồ ra ngoài một lát” (Công 5:34). Bằng cách nêu ví dụ về những cuộc nổi dậy đã nhanh chóng tan rã sau khi người lãnh đạo chết, Ga-ma-li-ên khuyên tòa nên kiên nhẫn và để mặc các sứ đồ, là những người có Đấng Lãnh Đạo Giê-su mới chết gần đây. Lập luận của Ga-ma-li-ên rất thuyết phục: “Đừng xen vào việc của mấy người đó, hãy để mặc họ. Vì nếu kế hoạch hoặc công việc ấy đến từ người ta, nó sẽ bị lật đổ; nhưng nếu nó đến từ Đức Chúa Trời, anh em không thể lật đổ họ đâu. Bằng không, thậm chí anh em trở thành kẻ chống lại chính Đức Chúa Trời” (Công 5:38, 39). Các quan tòa nghe theo lời ông. Tuy vậy, họ truyền đánh đòn các sứ đồ và cấm “không được nói nhân danh Chúa Giê-su nữa”.—Công 5:40.
13 Ngày nay cũng vậy, Đức Giê-hô-va có thể dấy lên những người có danh tiếng như Ga-ma-li-ên để can thiệp cho dân ngài (Châm 21:1). Đức Giê-hô-va có thể dùng thần khí thôi thúc những nhà cai trị, quan tòa và người lập pháp có quyền lực để họ hành động hợp với ý ngài (Nê 2:4-8). Nhưng nếu ngài để chúng ta “chịu khổ vì sự công chính”, chúng ta có thể tin chắc hai điều (1 Phi 3:14). Thứ nhất, Đức Chúa Trời có thể cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng (1 Cô 10:13). Thứ nhì, những người chống đối sẽ “không thể lật đổ” công việc của ngài.—Ê-sai 54:17.
14, 15. (a) Các sứ đồ phản ứng thế nào khi bị đánh đòn, và tại sao? (b) Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy dân Đức Giê-hô-va vui mừng chịu đựng.
14 Đòn vọt có làm các sứ đồ nhụt chí hoặc suy yếu quyết tâm không? Chắc chắn không! Họ “ra khỏi Tòa Tối Cao, rất vui mừng” (Công 5:41). Tại sao họ “rất vui mừng”? Chắc chắn không phải vì đau đớn do bị đánh đòn. Họ vui mừng vì biết mình bị ngược đãi là do giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va và noi theo dấu chân Đấng Gương Mẫu của họ là Chúa Giê-su.—Mat 5:11, 12.
15 Như các anh em thời thế kỷ thứ nhất, chúng ta vui mừng chịu đựng khi chịu khổ vì tin mừng (1 Phi 4:12-14). Chúng ta không vui thích khi bị đe dọa, ngược đãi hay bỏ tù. Nhưng chúng ta được thỏa nguyện sâu xa khi giữ lòng trọn thành. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của anh Henryk Dornik, người đã nhiều năm chịu đựng sự đối xử khắc nghiệt dưới chế độ chuyên chế. Anh nhớ lại rằng, tháng 8 năm 1944, chính quyền quyết định giải anh và người anh trai vào trại tập trung. Những người chống đối ấy đã nói: “Không thể buộc bọn chúng làm gì. Tử vì đạo còn làm chúng vui là đằng khác”. Anh Henryk giải thích: “Dù không hề muốn trở thành người tử vì đạo, nhưng tôi cảm thấy vui khi can đảm chịu đựng và kiên quyết trung thành với Đức Giê-hô-va”.—Gia 1:2-4.
16. Làm sao các sứ đồ cho thấy họ quyết tâm làm chứng cặn kẽ, và chúng ta noi theo phương pháp rao giảng của các sứ đồ như thế nào?
16 Không để phí thời gian, các sứ đồ trở lại ngay với công việc làm chứng. “Hằng ngày, trong đền thờ và từ nhà này sang nhà kia”, họ can đảm tiếp tục “rao truyền tin mừng về Đấng Ki-tô” d (Công 5:42). Những người rao giảng sốt sắng này quyết tâm làm chứng cặn kẽ. Hãy để ý là họ mang thông điệp đến nhà người ta, như Chúa Giê-su Ki-tô đã dặn bảo (Mat 10:7, 11-14). Chắc chắn đó là cách họ đã làm cho thành Giê-ru-sa-lem đầy dẫy giáo lý của mình. Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va được biết đến vì noi theo phương pháp rao giảng của các sứ đồ. Bằng cách đến từng nhà trong khu vực của mình, chúng ta cho thấy rõ mình cũng muốn làm chứng cặn kẽ, giúp mọi người có cơ hội nghe tin mừng. Đức Giê-hô-va có ban phước cho công việc rao giảng từng nhà không? Có! Hàng triệu người đã hưởng ứng thông điệp Nước Trời trong thời kỳ cuối cùng này, và nhiều người được nghe tin mừng lần đầu tiên khi Nhân Chứng đến gõ cửa nhà họ.
Những người nam hội đủ điều kiện để chăm lo “công việc cần thiết” (Công vụ 6:1-6)
17-19. Vấn đề gây chia rẽ nào đã nảy sinh, và các sứ đồ đưa ra chỉ thị gì để giải quyết?
17 Giờ đây, hội thánh mới mẻ ấy đối mặt với một mối nguy hiểm tiềm ẩn, đe dọa từ bên trong. Đó là gì? Trong số các môn đồ đã báp-têm, nhiều người là khách viếng thăm Giê-ru-sa-lem và muốn học hỏi thêm trước khi trở về nhà. Các môn đồ sống ở Giê-ru-sa-lem sẵn lòng đóng góp tiền để đáp ứng nhu cầu về lương thực và các nhu yếu phẩm khác (Công 2:44-46; 4:34-37). Đến lúc này thì nảy sinh một tình huống tế nhị. Các góa phụ nói tiếng Hy Lạp “không được cấp phát lương thực hằng ngày” (Công 6:1). Tuy nhiên, các góa phụ nói tiếng Hê-bơ-rơ lại được cấp phát. Vậy, vấn đề dường như liên quan đến sự phân biệt đối xử. Ít có vấn đề nào có thể gây chia rẽ hơn vấn đề này.
18 Các sứ đồ, với tư cách là hội đồng lãnh đạo của hội thánh đang phát triển ấy, nhận thấy rằng “bỏ việc dạy dỗ lời Đức Chúa Trời để phân phát lương thực” là điều không khôn ngoan (Công 6:2). Để giải quyết, họ ra chỉ thị cho các môn đồ tìm bảy người nam “tràn đầy thần khí và khôn ngoan” để các sứ đồ có thể bổ nhiệm chăm lo “công việc cần thiết” ấy (Công 6:3). Cần có những người hội đủ điều kiện vì công việc này không chỉ là phân phát lương thực mà còn phải quản lý tiền bạc, mua nhu yếu phẩm và kê khai sổ sách cẩn thận. Tất cả những người nam được chọn đều có tên tiếng Hy Lạp, có lẽ khiến cho những góa phụ đang phật lòng ấy dễ chấp nhận hơn. Sau khi cầu nguyện và xem xét những người được đề cử, các sứ đồ đã bổ nhiệm bảy người nam để chăm lo “công việc cần thiết” ấy. e
19 Phải chăng chăm lo việc phân phát lương thực có nghĩa là bảy người được bổ nhiệm ấy giờ đây được miễn trách nhiệm rao giảng tin mừng? Chắc chắn không! Trong số những người được chọn thì có Ê-tiên, người đã chứng tỏ mình là người làm chứng dạn dĩ và hùng hồn (Công 6:8-10). Phi-líp cũng ở trong số đó, và ông được gọi là “người rao truyền tin mừng” (Công 21:8). Vậy, rõ ràng bảy người ấy vẫn tiếp tục sốt sắng rao giảng Nước Trời.
20. Dân Đức Chúa Trời ngày nay noi theo gương mẫu của các sứ đồ như thế nào?
20 Ngày nay, dân Đức Giê-hô-va cũng noi theo gương mẫu của các sứ đồ. Các anh được đề cử đảm nhận những trách nhiệm trong hội thánh phải thể hiện sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời và chứng tỏ thần khí thánh hoạt động trên mình. Dưới sự chỉ dẫn của Hội đồng Lãnh đạo, những người nam hội đủ điều kiện dựa trên Kinh Thánh được bổ nhiệm làm trưởng lão hoặc phụ tá hội thánh f (1 Ti 3:1-9, 12, 13). Những người hội đủ điều kiện có thể được xem là do thần khí thánh bổ nhiệm. Những người nam siêng năng ấy chăm lo nhiều “công việc cần thiết”. Chẳng hạn, các trưởng lão có thể sắp đặt để giúp đỡ thiết thực cho những người cao niên trung thành thật sự có nhu cầu (Gia 1:27). Một số trưởng lão rất bận rộn trong việc xây cất Phòng Nước Trời, tổ chức hội nghị hoặc làm công việc của Ủy ban Liên lạc Bệnh viện. Các phụ tá hội thánh chăm lo nhiều nhiệm vụ không liên quan trực tiếp đến việc chăn bầy hoặc dạy dỗ. Tất cả những anh hội đủ điều kiện phải giữ thăng bằng giữa trách nhiệm trong hội thánh và trong tổ chức với bổn phận rao giảng tin mừng Nước Trời mà Đức Chúa Trời giao phó.—1 Cô 9:16.
“Lời Đức Chúa Trời ngày càng lan rộng” (Công vụ 6:7)
21, 22. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va đã ban phước cho hội thánh mới thành lập ấy?
21 Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, hội thánh mới thành lập ấy vẫn tồn tại trước sự bắt bớ từ bên ngoài và một vấn đề có khả năng gây chia rẽ từ bên trong. Rõ ràng Đức Giê-hô-va ban phước cho họ, vì Kinh Thánh cho biết: “Lời Đức Chúa Trời ngày càng lan rộng, số môn đồ tại Giê-ru-sa-lem tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Cũng có rất nhiều thầy tế lễ tin đạo” (Công 6:7). Đây chỉ là một trong số các báo cáo về sự phát triển được ghi lại trong sách Công vụ (Công 9:31; 12:24; 16:5; 19:20; 28:31). Ngày nay, chẳng phải chúng ta được khích lệ khi nghe các báo cáo về sự phát triển của công việc rao giảng Nước Trời ở những nơi khác trên thế giới sao?
22 Trong thế kỷ thứ nhất CN, các nhà lãnh đạo tôn giáo đầy lòng căm tức đã không bỏ cuộc. Làn sóng bắt bớ sắp nổi lên. Không lâu sau, Ê-tiên trở thành mục tiêu của sự chống đối dữ dội, như chúng ta sẽ xem trong chương kế.
a Xem khung “ Tòa Tối Cao của dân Do Thái”.
b Đây là lần đầu tiên trong khoảng 20 lần sách Công vụ nói đến thiên sứ. Trước đó, nơi Công vụ 1:10, các thiên sứ được đề cập gián tiếp qua cụm từ “người nam mặc áo trắng”.
c Xem khung “ Ga-ma-li-ên—Được kính trọng trong giới ráp-bi”.
d Xem khung “ Rao giảng ‘từ nhà này sang nhà kia’”.
e Những người nam đó hẳn đã hội đủ các điều kiện làm trưởng lão, vì gánh vác “công việc cần thiết” ấy là một trọng trách. Tuy nhiên, Kinh Thánh không cho biết chính xác khi nào việc bổ nhiệm những người nam làm trưởng lão hoặc giám thị trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô được bắt đầu.
f Trong thế kỷ thứ nhất, những người nam hội đủ điều kiện có quyền bổ nhiệm các trưởng lão (Công 14:23; 1 Ti 5:22; Tít 1:5). Ngày nay, Hội đồng Lãnh đạo bổ nhiệm các giám thị vòng quanh, và các giám thị này có trách nhiệm bổ nhiệm trưởng lão và phụ tá hội thánh.