Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 23

“Xin nghe tôi biện hộ”

“Xin nghe tôi biện hộ”

Phao-lô bênh vực chân lý trước những đám đông hung tợn và Tòa Tối Cao

Dựa trên Công vụ 21:18–23:10

1, 2. Điều gì đã khiến sứ đồ Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem, và ông sẽ đối mặt với những khó khăn nào tại đó?

 Giê-ru-sa-lem! Một lần nữa, Phao-lô lại sải bước trên những con đường chật hẹp và đông đúc của thành phố này. Không thành phố nào trên thế giới có vị thế quan trọng và đặc biệt đối với lịch sử của dân tộc Đức Giê-hô-va như Giê-ru-sa-lem. Phần lớn dân cư rất tự hào về quá khứ vẻ vang ấy. Phao-lô biết có những tín đồ đạo Đấng Ki-tô kỳ vọng quá nhiều vào dĩ vãng, mà quên đi việc thay đổi đời sống sau khi nhận biết rằng Đức Giê-hô-va đã thay đổi cách giao tiếp với dân ngài. Khi còn ở Ê-phê-sô, Phao-lô quyết định trở lại thăm thành phố vĩ đại Giê-ru-sa-lem không chỉ vì nhu cầu vật chất của anh em, nhưng vì nhận ra một số người chưa hiểu rằng Đức Giê-hô-va không còn sử dụng hệ thống luật pháp Do Thái nữa (Công 19:21). Bất chấp những nguy hiểm đang rình rập, Phao-lô quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình.

2 Giờ đây, Phao-lô sẽ đối mặt với điều gì tại Giê-ru-sa-lem? Một trong những khó khăn sẽ đến từ các môn đồ Chúa Giê-su, vì vài người trong số họ bị bối rối khi nghe các tin đồn về Phao-lô. Những khó khăn lớn hơn thì đến từ các kẻ thù của Đấng Ki-tô. Bọn họ sẽ tung ra những lời cáo buộc dối trá đối với Phao-lô, sẽ đánh đập và dọa giết ông. Những diễn biến rối ren đó cũng đem lại cho Phao-lô cơ hội để bênh vực niềm tin. Sự khiêm nhường, can đảm và đức tin của ông khi đương đầu với những thử thách như thế mang lại một gương mẫu xuất sắc cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét.

Họ “tôn vinh Đức Chúa Trời” (Công vụ 21:18-20a)

3-5. (a) Phao-lô tham dự buổi họp nào tại Giê-ru-sa-lem, và họ đã thảo luận về điều gì? (b) Chúng ta rút ra bài học nào từ buổi họp của Phao-lô với các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem?

3 Một ngày sau khi đến thành Giê-ru-sa-lem, Phao-lô và các bạn đồng hành đi gặp những trưởng lão có trách nhiệm trong hội thánh. Không có sứ đồ còn lại nào được đề cập đến trong lời tường thuật, có lẽ họ đang phục vụ tại những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, em trai của Chúa Giê-su là Gia-cơ thì vẫn còn ở đó (Ga 2:9). Dường như Gia-cơ đã làm chủ tọa phiên họp mà Phao-lô cùng “tất cả trưởng lão đều có mặt”.—Công 21:18.

4 Phao-lô chào hỏi các trưởng lão rồi “kể rõ mọi điều Đức Chúa Trời đã làm giữa dân ngoại qua thánh chức của ông” (Công 21:19). Chắc chắn các anh đó đã được khích lệ rất nhiều. Ngày nay cũng vậy, chúng ta thật phấn khởi khi được nghe về sự phát triển của công việc thánh chức tại những xứ khác.—Châm 25:25.

5 Trong buổi họp, rất có thể Phao-lô đã đề cập đến sự đóng góp mà ông mang theo từ châu Âu. Lòng quan tâm mà anh em ở các nơi xa xôi thể hiện chắc chắn sưởi ấm lòng của những người nghe Phao-lô. Thật vậy, Kinh Thánh cho biết: “Họ [các trưởng lão] tôn vinh Đức Chúa Trời”! (Công 21:20a). Tương tự thế, những ai ngày nay đang chịu đựng thiên tai, hay các căn bệnh nghiêm trọng, cũng cảm động sâu sắc khi nhận được sự giúp đỡ và khích lệ đúng lúc từ anh em đồng đạo.

Nhiều anh em vẫn còn “sốt sắng với Luật pháp” (Công vụ 21:20b, 21)

6. Phao-lô được cho biết về vấn đề gì?

6 Các trưởng lão cho Phao-lô biết có một vấn đề tại Giu-đê liên quan trực tiếp đến ông. Họ nói: “Như anh thấy, có hàng ngàn người Do Thái đã tin đạo, và hết thảy đều sốt sắng với Luật pháp. Nhưng họ nghe đồn anh dạy tất cả người Do Thái sống giữa dân ngoại rằng họ phải bỏ Luật pháp Môi-se, đừng cắt bì cho con cũng đừng làm theo các tục lệ”. aCông 21:20b, 21.

7, 8. (a) Các tín đồ ở Giu-đê có suy nghĩ sai lầm nào? (b) Tại sao suy nghĩ sai lầm của một số tín đồ gốc Do Thái không có nghĩa là họ bội đạo?

7 Tại sao lại có nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô vẫn bám chặt vào Luật pháp Môi-se, dù bộ luật này đã được bãi bỏ hơn 20 năm trước? (Cô 2:14). Vào năm 49 CN, các sứ đồ cùng trưởng lão đã họp tại Giê-ru-sa-lem và gửi một lá thư cho các hội thánh để giải thích rằng các môn đồ thuộc dân ngoại không cần phải thực hiện phép cắt bì và giữ Luật pháp Môi-se (Công 15:23-29). Tuy nhiên, lá thư đó không đề cập đến các môn đồ gốc Do Thái, và nhiều người trong số họ không hiểu rằng Luật pháp Môi-se không còn hiệu lực nữa.

8 Liệu suy nghĩ sai lầm đó có làm cho các môn đồ người Do Thái không còn hội đủ điều kiện làm tín đồ đạo Đấng Ki-tô nữa không? Không. Điều này không giống như việc họ đã từng thờ thần giả và bây giờ tiếp tục thực hành những phong tục của tôn giáo sai lầm đó. Luật pháp mà những môn đồ người Do Thái xem là rất quan trọng thật ra đến từ Đức Giê-hô-va. Không có điều gì trong đó là sai trái hoặc bắt nguồn từ các quỉ. Nhưng Luật pháp đó liên quan đến giao ước cũ, trong khi giờ đây các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thuộc về giao ước mới. Đối với sự thờ phượng thanh sạch, các nghi lễ của giao ước Luật pháp giờ đây không còn hiệu lực. Các tín đồ gốc Do Thái sốt sắng với Luật pháp nhưng thiếu sự hiểu biết và sự tin cậy nơi hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Họ cần phải thay đổi suy nghĩ cho phù hợp với sự hiểu biết mà Đức Chúa Trời đã tiết lộ liên quan đến giao ước Luật pháp. bGiê 31:31-34; Lu 22:20.

“Lời đồn về anh là vô căn cứ” (Công vụ 21:22-26)

9. Phao-lô đã dạy điều gì liên quan đến Luật pháp Môi-se?

9 Còn về các tin đồn cho rằng Phao-lô đã dạy những người Do Thái sống giữa dân ngoại “đừng cắt bì cho con cũng đừng làm theo các tục lệ” thì sao? Phao-lô là một sứ đồ của dân ngoại và ông ủng hộ quyết định cho rằng dân ngoại không cần phải giữ Luật pháp Môi-se. Ông phơi bày sai lầm của những người cố thuyết phục các tín đồ dân ngoại phải chịu phép cắt bì như là dấu hiệu của việc giữ Luật pháp (Ga 5:1-7). Phao-lô cũng rao giảng tin mừng cho những người Do Thái tại các thành phố mà ông ghé thăm. Dĩ nhiên, ông đã giải thích cho những người hưởng ứng rằng sự chết của Chúa Giê-su đã làm cho Luật pháp không còn hiệu lực; và sự công chính có được là nhờ đức tin, chứ không nhờ việc làm theo Luật pháp Môi-se.—Rô 2:28, 29; 3:21-26.

10. Phao-lô thể hiện quan điểm thăng bằng nào trong các vấn đề liên quan đến Luật pháp và phép cắt bì?

10 Tuy nhiên, Phao-lô biểu lộ sự thông cảm đối với những người thấy thoải mái khi làm theo một số phong tục Do Thái, chẳng hạn như không làm việc vào ngày Sa-bát hoặc tránh những thức ăn nào đó (Rô 14:1-6). Và ông không đặt ra những luật lệ về phép cắt bì. Thật thế, Phao-lô đã khiến Ti-mô-thê chịu phép cắt bì để những người Do Thái không cảm thấy bực mình, vì họ biết cha của Ti-mô-thê là người Hy Lạp (Công 16:3). Việc làm phép cắt bì là một quyết định cá nhân. Phao-lô nói với những tín đồ Ga-la-ti rằng: “Điều có giá trị chẳng phải là cắt bì hay không cắt bì, mà là đức tin được thể hiện qua tình yêu thương” (Ga 5:6). Tuy nhiên, việc làm phép cắt bì để giữ Luật pháp Môi-se hoặc cho rằng cần phải làm thế nhằm nhận được sự chấp thuận của Đức Giê-hô-va chứng tỏ sự thiếu đức tin.

11. Các trưởng lão đưa ra lời hướng dẫn nào cho Phao-lô, và việc làm theo lời hướng dẫn đó bao hàm điều gì? (Cũng xem chú thích).

11 Dù các tin đồn đó hoàn toàn không chính xác, nhưng chúng vẫn làm cho các tín đồ gốc Do Thái bối rối. Vì thế, các trưởng lão đã đưa ra hướng dẫn sau đây cho Phao-lô: “Chúng tôi có bốn người nam đang giữ lời thề nguyện. Hãy dẫn họ theo, cùng họ tẩy uế theo nghi thức và trả chi phí cho họ, để họ được cạo đầu. Như thế mọi người sẽ biết lời đồn về anh là vô căn cứ, biết anh sống nề nếp và tuân giữ Luật pháp”. cCông 21:23, 24.

12. Phao-lô đã thể hiện tinh thần hợp tác và linh động như thế nào khi làm theo lời hướng dẫn của các trưởng lão Giê-ru-sa-lem?

12 Phao-lô có thể phản bác rằng thực chất của vấn đề là lòng sốt sắng của những tín đồ gốc Do Thái đối với Luật pháp Môi-se, chứ không phải là các tin đồn về ông. Nhưng ông sẵn sàng linh động miễn là không vi phạm các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Trước đó ông viết: “Với người ở dưới luật pháp, tôi trở nên như người ở dưới luật pháp, tuy tôi không ở dưới luật pháp, hầu được những người ở dưới luật pháp” (1 Cô 9:20). Vào dịp này, Phao-lô đã hợp tác với các trưởng lão Giê-ru-sa-lem và “trở nên như người ở dưới luật pháp”. Làm thế, ông để lại gương tốt cho chúng ta ngày nay trong việc hợp tác với các trưởng lão và không khăng khăng làm theo ý riêng.—Hê 13:17.

Khi không vi phạm các nguyên tắc Kinh Thánh, Phao-lô đã nhượng bộ. Còn anh chị thì sao?

“Hắn không đáng sống!” (Công vụ 21:27–22:30)

13. (a) Tại sao một số người Do Thái gây náo loạn tại đền thờ? (b) Mạng sống của Phao-lô đã được cứu nguy như thế nào?

13 Tại đền thờ, mọi chuyện đã diễn ra không tốt đẹp đối với Phao-lô. Khi những ngày hoàn tất lời hứa nguyện sắp kết thúc, người Do Thái từ A-si-a nhìn thấy Phao-lô và cáo buộc một cách dối trá rằng ông đã đem người ngoại vào đền thờ, rồi họ kích động một cuộc nổi loạn. Nếu viên chỉ huy quân đội La Mã không can thiệp, Phao-lô đã bị đánh đến chết. Dù thế, viên chỉ huy quân đội đã tống giam ông. Phải mất hơn bốn năm Phao-lô mới được trả tự do. Nhưng mối nguy hiểm đối với Phao-lô vào ngày hôm đó vẫn chưa chấm dứt. Khi viên chỉ huy hỏi người Do Thái tại sao lại tấn công Phao-lô, họ la hét với những lời cáo buộc khác nhau. Vì quá lộn xộn, viên chỉ huy không hiểu gì cả. Cuối cùng, quân lính La Mã phải khiêng Phao-lô ra khỏi đó. Khi đến doanh trại, Phao-lô nói với viên chỉ huy: “Xin ông cho phép tôi nói với dân chúng” (Công 21:39). Viên chỉ huy đồng ý và Phao-lô bênh vực niềm tin của mình một cách can đảm.

14, 15. (a) Phao-lô giải thích điều gì cho người Do Thái? (b) Viên chỉ huy La Mã đã làm những điều gì để biết tại sao người Do Thái giận dữ?

14 Phao-lô bắt đầu nói: “Xin nghe tôi biện hộ” (Công 22:1). Ông nói với đám đông bằng tiếng Hê-bơ-rơ, và điều này khiến họ bình tĩnh. Ông đã đưa ra một lời giải thích thẳng thắn về lý do mình trở thành môn đồ Đấng Ki-tô. Để làm thế, ông khéo léo đề cập đến những điểm mà người Do Thái có thể xác minh nếu muốn. Phao-lô đã được chính người thầy nổi tiếng Ga-ma-li-ên dạy dỗ, và ông cũng từng bắt bớ các môn đồ Đấng Ki-tô, đây là những điều mà một số người tại đó hẳn đã biết. Tuy nhiên, trên đường đến thành Đa-mách, ông thấy một khải tượng: Đấng Ki-tô được sống lại đã nói với ông. Những người cùng đi với Phao-lô nhìn thấy ánh sáng chói lòa và nghe một tiếng nói, nhưng không hiểu lời phán ấy (Công 9:7; 22:9). Sau đó, họ phải dẫn Phao-lô đến thành Đa-mách vì khải tượng đã làm ông bị mù. Tại đây, một người được dân Do Thái trong vùng biết đến là A-na-nia đã làm mắt Phao-lô sáng lại một cách kỳ diệu.

15 Rồi Phao-lô tường thuật rằng sau khi trở về Giê-ru-sa-lem, ông thấy Chúa Giê-su trong một khải tượng tại đền thờ. Nghe những lời của ông, người Do Thái rất khó chịu, và họ la hét dữ dội rằng: “Hãy loại hạng người như hắn khỏi mặt đất, vì hắn không đáng sống!” (Công 22:22). Để cứu mạng Phao-lô, viên chỉ huy đã sai lính dẫn ông đến doanh trại. Quyết tâm tìm ra lý do người Do Thái căm ghét Phao-lô, viên chỉ huy ra lệnh tra khảo ông bằng roi. Nhưng Phao-lô đã tận dụng sự bảo vệ về mặt pháp lý mà ông có và nói rõ rằng ông là công dân La Mã. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va ngày nay cũng dùng sự bảo vệ về mặt pháp lý sẵn có để bênh vực niềm tin. (Xem khung “ Luật và công dân La Mã” và khung “ Những trận chiến pháp lý thời nay”). Khi nghe Phao-lô là công dân La Mã, viên chỉ huy nhận thấy mình sẽ phải tìm cách khác để có thêm thông tin. Ngày hôm sau, ông dẫn Phao-lô ra trước một cuộc họp đặc biệt do Tòa Tối Cao của người Do Thái triệu tập.

“Tôi là người Pha-ri-si” (Công vụ 23:1-10)

16, 17. (a) Hãy miêu tả điều gì đã xảy ra khi Phao-lô nói trước Tòa Tối Cao. (b) Khi bị đánh, làm thế nào Phao-lô cho thấy sự khiêm nhường của mình?

16 Để bênh vực niềm tin trước Tòa Tối Cao, trước hết Phao-lô nói: “Thưa các anh, cho đến nay tôi vẫn luôn ăn ở với một lương tâm hoàn toàn trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời” (Công 23:1). Nhưng ông không thể nói tiếp được. Lời tường thuật cho biết: “Thầy tế lễ thượng phẩm A-na-nia bảo người đứng gần đó vả miệng Phao-lô” (Công 23:2). Thật là một sự xúc phạm! Điều này cho thấy rõ thành kiến của họ, vì họ kết luận Phao-lô là một kẻ nói dối trước khi nghe bất cứ bằng chứng nào. Không ngạc nhiên gì khi Phao-lô đáp lại: “Đức Chúa Trời sẽ đánh ông, hỡi kẻ đạo đức giả. Sao ông vừa ngồi xử tôi theo Luật pháp lại vừa vi phạm Luật pháp khi bảo người đánh tôi?”.—Công 23:3.

17 Một số người có mặt tại đó sửng sốt, không phải vì người đã đánh Phao-lô mà vì phản ứng của Phao-lô. Họ hỏi: “Ông nhục mạ thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Trời sao?”. Câu trả lời của Phao-lô cho họ một bài học về sự khiêm nhường và tôn trọng đối với Luật pháp. Phao-lô nói: “Thưa các anh, tôi không biết ông ấy là thầy tế lễ thượng phẩm. Vì có lời viết: ‘Ngươi không được nói xúc phạm người cai trị nào của dân mình’” d (Công 23:4, 5; Xuất 22:28). Rồi ông dùng một phương pháp khác. Vì biết rằng Tòa Tối Cao bao gồm cả người Pha-ri-si lẫn người Sa-đu-sê, ông nói: “Thưa các anh, tôi là người Pha-ri-si, là con cháu của người Pha-ri-si. Tôi bị xét xử vì niềm hy vọng về sự sống lại của người chết”.—Công 23:6.

Như Phao-lô, chúng ta tìm điểm chung khi nói chuyện với những người thuộc tôn giáo khác

18. Tại sao Phao-lô nói mình là người Pha-ri-si, và chúng ta có thể dùng cách lý luận tương tự trong một số trường hợp như thế nào?

18 Tại sao Phao-lô lại nói mình là người Pha-ri-si? Ông “là con cháu của người Pha-ri-si” vì gia đình đến từ giáo phái ấy. Do đó, nhiều người vẫn xem ông là người Pha-ri-si. e Tuy nhiên, làm thế nào Phao-lô có thể liên kết niềm tin của mình với người Pha-ri-si về sự sống lại? Người ta cho rằng người Pha-ri-si tin có một linh hồn ý thức tồn tại sau khi chết và linh hồn của người công chính sẽ được sống lại trong thân thể con người. Phao-lô không tin nơi giáo lý ấy. Ông tin nơi sự sống lại mà Chúa Giê-su đã dạy (Giăng 5:25-29). Nhưng ông đồng ý với người Pha-ri-si là có hy vọng về sự sống sau khi chết; ngược lại, người Sa-đu-sê thì không tin như thế. Chúng ta cũng có thể lý luận tương tự khi thảo luận với người theo Công giáo hoặc Tin Lành. Chúng ta có thể nói rằng giống như họ, chúng ta tin nơi Đức Chúa Trời. Đành rằng họ có thể tin nơi Chúa Ba Ngôi, còn chúng ta tin nơi Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, nhưng chúng ta chia sẻ cùng niềm tin với họ là có một Đức Chúa Trời.

19. Tại sao cuộc họp của Tòa Tối Cao lại trở nên hỗn loạn?

19 Lời nói của Phao-lô đã chia cắt Tòa Tối Cao. Kinh Thánh cho biết: “Có sự náo động lớn, và một số thầy kinh luật thuộc phái Pha-ri-si đứng dậy, bắt đầu tranh cãi dữ dội và nói: ‘Chúng tôi chẳng thấy ông ta làm gì sai, nhưng biết đâu thần linh hoặc thiên sứ đã nói với ông ta’” (Công 23:9). Người Sa-đu-sê ghét cay ghét đắng cái ý tưởng cho rằng một thiên sứ đã nói với Phao-lô, vì họ không tin có thiên sứ! (Xem khung “ Người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si”). Sự lộn xộn vượt quá tầm kiểm soát đến nỗi viên chỉ huy quân đội La Mã một lần nữa phải giải cứu sứ đồ Phao-lô (Công 23:10). Nhưng Phao-lô vẫn chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm. Điều gì sẽ xảy ra cho ông? Chương kế tiếp sẽ cho chúng ta biết.

a Hẳn là phải có nhiều hội thánh nhóm họp tại nhà riêng để chăm lo nhu cầu thiêng liêng cho một số lượng lớn các tín đồ gốc Do Thái ấy.

b Vài năm sau, sứ đồ Phao-lô viết thư cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ. Trong thư ông cho thấy tính ưu việt của giao ước mới. Ông nói rõ rằng giao ước mới đã làm cho giao ước cũ không còn hiệu lực nữa. Phao-lô đưa ra các lý lẽ có sức thuyết phục mà tín đồ gốc Do Thái có thể dùng để đáp lại những lời gièm pha của người Do Thái. Ngoài ra, lý luận hùng hồn của ông hẳn đã củng cố đức tin của một số tín đồ quá coi trọng Luật pháp Môi-se.—Hê 8:7-13.

c Các học giả đưa ra giả thuyết rằng những người này đã dâng lời hứa nguyện của người Na-xi-rê (Dân 6:1-21). Đúng là Luật pháp Môi-se, là luật pháp mà những lời hứa nguyện như thế dựa vào, giờ đây không còn hiệu lực nữa. Nhưng có lẽ Phao-lô lý luận rằng việc những người đó hoàn thành lời hứa nguyện đối với Đức Giê-hô-va là không có gì sai. Vì thế, cũng không có gì sai khi Phao-lô trả chi phí cho họ và cùng đi với họ. Chúng ta không biết chính xác đó là lời hứa nguyện gì, nhưng dù sao đi nữa, dường như Phao-lô không ủng hộ việc dâng thú vật làm tế lễ (như người Na-xi-rê đã làm), và cũng không tin rằng điều này sẽ rửa sạch tội lỗi của những người nam đó. Sự hy sinh hoàn hảo của Đấng Ki-tô đã làm cho tất cả vật tế lễ như thế không còn giá trị chuộc tội nữa. Dù không biết chi tiết về những điều Phao-lô đã làm, nhưng chúng ta có thể chắc chắn ông sẽ không ủng hộ bất cứ điều gì trái với lương tâm mình.

d Một số người cho rằng do mắt Phao-lô bị yếu nên ông không nhận ra thầy tế lễ thượng phẩm. Hoặc có lẽ Phao-lô đã không có mặt tại Giê-ru-sa-lem trong một thời gian dài đến nỗi không biết ai là thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm. Cũng có thể Phao-lô không thể nhìn xuyên qua đám đông để thấy người nào đã ra lệnh đánh mình.

e Vào năm 49 CN, khi các sứ đồ và trưởng lão thảo luận về việc dân ngoại có phải giữ Luật pháp Môi-se hay không, một số tín đồ có mặt tại đó được miêu tả là “người tin đạo, trước kia thuộc giáo phái Pha-ri-si” (Công 15:5). Rõ ràng trong một mức nào đó, những tín đồ này vẫn được nhận biết qua gốc Pha-ri-si của họ.