Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 28

“Cho đến tận cùng trái đất”

“Cho đến tận cùng trái đất”

Nhân Chứng Giê-hô-va tiếp tục thực hiện công việc mà các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất công nguyên đã khởi đầu

1. Có sự tương đồng nào giữa các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu và Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay?

 Họ làm chứng một cách sốt sắng. Họ được lòng thôi thúc chấp nhận sự giúp đỡ và hướng dẫn của thần khí thánh. Sự chống đối không thể khiến họ im lặng. Và Đức Chúa Trời ban phước dồi dào cho họ. Tất cả những điều này quả đúng với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu và cũng đúng với các Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay.

2, 3. Sách Công vụ có điều gì đặc biệt đáng quan tâm?

2 Chắc chắn anh chị đã được khích lệ nhờ những lời tường thuật làm vững mạnh đức tin trong sách Công vụ các sứ đồ, một sách chứa đựng nhiều sự kiện hào hứng của Kinh Thánh! Sách này là độc nhất vô nhị vì là sách lịch sử duy nhất được viết bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời về hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu.

3 Sách Công vụ nêu tên của 95 nhân vật từ 32 xứ, 54 thành phố và 9 hòn đảo. Đó là một câu chuyện ly kỳ về con người—những thường dân, các thành phần tôn giáo ngạo mạn, những chính trị gia tự đắc và những kẻ bắt bớ điên cuồng. Nhưng quan trọng hơn hết, sách này nói về anh chị em của chúng ta vào thế kỷ thứ nhất, là những người không chỉ đối mặt với những thử thách thông thường trong đời sống mà còn hăng hái rao giảng tin mừng.

4. Tại sao lại có một mối liên kết đặc biệt giữa chúng ta với những nhân chứng trung thành vào thời xưa như sứ đồ Phao-lô và Ta-bi-tha?

4 Đã gần 2.000 năm trôi qua kể từ thời của hai sứ đồ sốt sắng Phi-e-rơ và Phao-lô, người thầy thuốc yêu dấu Lu-ca, Ba-na-ba hào phóng, Ê-tiên can đảm, Ta-bi-tha tốt bụng, Ly-đi mến khách và rất nhiều nhân chứng trung thành khác. Nhưng giữa chúng ta và họ có một mối liên kết đặc biệt. Tại sao? Vì chúng ta cũng có cùng một sứ mạng đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20). Thật vinh dự biết bao khi được tham gia vào công việc này!

“... cho đến tận cùng trái đất”.—Công vụ 1:8

5. Các môn đồ thời xưa của Chúa Giê-su đã bắt đầu thi hành sứ mạng rao giảng ở đâu?

5 Hãy suy ngẫm về sứ mạng mà Chúa Giê-su đã giao cho các môn đồ. Ngài nói: “Anh em sẽ nhận được quyền năng khi thần khí thánh đến trên anh em, và anh em sẽ làm chứng về tôi tại Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Trước hết, thần khí thánh thêm sức cho các môn đồ để họ làm chứng “tại Giê-ru-sa-lem” (Công 1:1–8:3). Tiếp theo, dưới sự hướng dẫn của thần khí, họ làm chứng “khắp xứ Giu-đê, Sa-ma-ri” (Công 8:4–13:3). Rồi họ bắt đầu đem tin mừng “cho đến tận cùng trái đất”.Công 13:4–28:31.

6, 7. Về việc thi hành thánh chức, chúng ta có lợi thế nào so với các anh em vào thế kỷ thứ nhất?

6 Các anh em đồng đạo của chúng ta vào thế kỷ thứ nhất không có toàn bộ Kinh Thánh để dùng trong công việc làm chứng. Ít nhất cho đến năm 41 CN, sách Phúc âm Ma-thi-ơ mới có để sử dụng. Phao-lô đã viết một số lá thư trước khi sách Công vụ được hoàn tất vào khoảng năm 61 CN. Nhưng các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu không có riêng những bản sao của trọn bộ Kinh Thánh cũng như một số lượng phong phú các ấn phẩm để phân phát cho người chú ý. Trước khi trở thành môn đồ Chúa Giê-su, các tín đồ gốc Do Thái đã được nghe phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ tại nhà hội (2 Cô 3:14-16). Dù thế, họ vẫn phải chú tâm học hỏi vì có thể phải trích thuộc lòng một số câu Kinh Thánh.

7 Ngày nay, hầu hết chúng ta đều có riêng một bản Kinh Thánh và dư dật các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Chúng ta đang đào tạo môn đồ bằng cách rao báo tin mừng trong hơn 240 xứ và nhiều ngôn ngữ.

Được thêm sức nhờ thần khí thánh

8, 9. (a) Thần khí thánh đã giúp các môn đồ Chúa Giê-su làm gì? (b) Với sự giúp đỡ của thần khí Đức Chúa Trời, đầy tớ trung tín đang xuất bản những gì?

8 Khi Chúa Giê-su giao nhiệm vụ làm chứng cho các môn đồ, ngài nói với họ: “Anh em sẽ nhận được quyền năng khi thần khí thánh đến trên anh em”. Dưới sự hướng dẫn của thần khí, hay lực đang hoạt động của Đức Chúa Trời, cuối cùng các môn đồ Chúa Giê-su sẽ thi hành việc làm chứng trên khắp trái đất. Nhờ thần khí thánh, Phi-e-rơ và Phao-lô đã chữa lành bệnh tật, đuổi quỷ, thậm chí khiến người chết sống lại! Tuy nhiên, sức mạnh từ thần khí thánh có một mục đích quan trọng hơn. Đó là giúp các sứ đồ và các môn đồ khác truyền đạt sự hiểu biết chính xác dẫn đến sự sống vĩnh cửu.—Giăng 17:3.

9 Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, các môn đồ Chúa Giê-su nói “những ngôn ngữ khác, theo như thần khí cho họ nói”. Do đó, họ làm chứng về “những điều vĩ đại của Đức Chúa Trời” (Công 2:1-4, 11). Ngày nay chúng ta không thể nói ngôn ngữ khác một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của thần khí Đức Chúa Trời, đầy tớ trung tín đang xuất bản các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong nhiều ngôn ngữ. Chẳng hạn, hàng triệu ấn bản Tháp CanhTỉnh Thức! được in mỗi tháng, và trang jw.org có những video cũng như ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong hơn 1.000 ngôn ngữ. Tất cả những điều này giúp chúng ta rao truyền “những điều vĩ đại của Đức Chúa Trời” cho người từ mọi nước, mọi chi phái và mọi thứ tiếng.—Khải 7:9.

10. Kể từ năm 1989, điều gì đã được thực hiện liên quan đến việc dịch Kinh Thánh?

10 Kể từ năm 1989, đầy tớ trung tín đặc biệt chú tâm vào việc xuất bản Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới trong nhiều ngôn ngữ. Bản Kinh Thánh này đã được dịch ra hơn 200 ngôn ngữ, hàng chục triệu bản đã được in, và sẽ còn được in nhiều hơn trong nhiều ngôn ngữ khác. Chỉ có Đức Chúa Trời và thần khí của ngài mới có thể khiến những nỗ lực như thế được thành công.

11. Điều gì đã được thực hiện liên quan đến việc dịch các ấn phẩm của Nhân Chứng?

11 Công việc dịch thuật đang được tiến hành bởi hàng ngàn anh em tình nguyện trong hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này, vì không có tổ chức nào trên đất được thần khí thánh hướng dẫn để “làm chứng cặn kẽ” khắp thế giới về Giê-hô-va Đức Chúa Trời cùng Vua Mê-si và Nước Trời đã được thành lập.—Công 28:23.

12. Phao-lô và các tín đồ khác được giúp đỡ thế nào để thi hành việc làm chứng?

12 Khi Phao-lô rao giảng cho người Do Thái và dân ngoại tại An-ti-ốt xứ Bi-si-đi thì “những ai có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu đều tin Chúa” (Công 13:48). Theo lời kết của Lu-ca trong sách Công vụ, Phao-lô ‘dạn dĩ rao giảng về Nước Đức Chúa Trời mà không bị ai ngăn cấm’ (Công 28:31). Sứ đồ này đang rao giảng ở đâu? Tại Rô-ma—thủ đô của một cường quốc thế giới! Dù bằng cách diễn thuyết hay bằng những phương pháp khác, các môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu đã luôn thực hiện thánh chức của mình với sự giúp đỡ và hướng dẫn của thần khí thánh.

Kiên trì bất chấp sự ngược đãi

13. Tại sao chúng ta nên cầu nguyện khi đối mặt với sự ngược đãi?

13 Khi các môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu đối mặt với sự ngược đãi, họ đã cầu xin Đức Giê-hô-va ban lòng dạn dĩ. Kết quả là gì? Họ được tràn đầy thần khí thánh và thêm sức để dạn dĩ rao giảng lời Đức Chúa Trời (Công 4:18-31). Chúng ta cũng cầu xin sự khôn ngoan và sức mạnh để tiếp tục làm chứng bất kể sự ngược đãi (Gia 1:2-8). Vì được Đức Chúa Trời ban phước và được thần khí của ngài trợ giúp, chúng ta sẽ tiếp tục kiên trì rao giảng về Nước Trời. Không điều gì có thể ngăn cản công việc làm chứng, dù là sự chống đối gay gắt hay sự ngược đãi tàn ác. Khi bị bắt bớ, chắc chắn chúng ta cần xin thần khí thánh, sự khôn ngoan và lòng can đảm để rao báo tin mừng.—Lu 11:13.

14, 15. (a)Chuyện gì đã diễn ra nhờ “sự bắt bớ xảy ra sau cái chết của Ê-tiên”? (b) Vào thời chúng ta, làm thế nào nhiều người ở Siberia được học biết chân lý?

14 Ê-tiên đã làm chứng dạn dĩ trước khi chết dưới tay kẻ thù (Công 6:5; 7:54-60). Khi sự “bắt bớ dữ dội” nổi lên vào thời đó, ngoại trừ các sứ đồ, tất cả môn đồ đều bị tản mác khắp xứ Giu-đê và Sa-ma-ri. Nhưng điều này không thể khiến công việc làm chứng bị ngừng lại. Phi-líp đi đến Sa-ma-ri để “rao giảng về Đấng Ki-tô” và gặt hái được nhiều kết quả tuyệt vời (Công 8:1-8, 14, 15, 25). Ngoài ra, chúng ta biết rằng: “Những người bị tản mác vì sự bắt bớ xảy ra sau cái chết của Ê-tiên đã đến tận Phê-ni-xi, đảo Síp và thành An-ti-ốt, nhưng họ chỉ giảng cho người Do Thái. Tuy nhiên, trong số họ có một số người quê ở đảo Síp và Sy-ren đến An-ti-ốt và bắt đầu giảng cho những người nói tiếng Hy Lạp, công bố tin mừng về Chúa Giê-su” (Công 11:19, 20). Sự ngược đãi vào thời đó đã làm cho thông điệp về Nước Trời được lan rộng.

15 Vào thời chúng ta, điều tương tự đã xảy ra tại Liên bang Xô Viết cũ. Đặc biệt vào những năm 1950, hàng ngàn Nhân Chứng Giê-hô-va bị lưu đày đến Siberia. Vì họ bị tản mác trong nhiều khu định cư, tin mừng đã lan rộng liên tục tại vùng đất mênh mông ấy. Không thể nào nhiều Nhân Chứng đến thế có đủ tiền thực hiện một chuyến đi xa khoảng 10.000km để rao truyền tin mừng! Tuy nhiên, chính nhà nước đã gửi họ đi xuyên quốc gia. Một anh đã phát biểu: “Vậy là chính các nhà chức trách đã giúp hàng ngàn người có lòng thành tại Siberia biết đến chân lý”.

Được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào

16, 17. Sách Công vụ cho chúng ta bằng chứng nào về việc Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc làm chứng?

16 Ân phước của Đức Giê-hô-va chắc chắn đã đổ trên các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu. Phao-lô và những người khác đã trồng và tưới, “nhưng Đức Chúa Trời tiếp tục làm cho lớn lên” (1 Cô 3:5, 6). Các lời tường thuật trong sách Công vụ cung cấp bằng chứng rằng sự phát triển như thế là nhờ Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc làm chứng. Chẳng hạn, “lời Đức Chúa Trời ngày càng lan rộng, số môn đồ tại Giê-ru-sa-lem tiếp tục gia tăng nhanh chóng” (Công 6:7). Khi việc làm chứng được lan rộng, “hội thánh trong khắp xứ Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri bước vào giai đoạn bình an, ngày càng vững mạnh. Họ bước đi trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va và trong sự an ủi của thần khí thánh nên hội thánh tiếp tục gia tăng”.—Công 9:31.

17 Tại thành An-ti-ốt xứ Sy-ri, cả người Do Thái lẫn người nói tiếng Hy Lạp đều nghe chân lý từ những nhân chứng can đảm. Lời tường thuật nói: “Hơn nữa, tay của Đức Giê-hô-va ở cùng họ, nên có rất nhiều người tin và hướng theo Chúa” (Công 11:21). Liên quan đến những tiến triển khác, Kinh Thánh cho biết: “Lời Đức Giê-hô-va ngày càng lan rộng và có thêm nhiều người tin theo” (Công 12:24). Và nhờ công việc làm chứng cặn kẽ cho dân ngoại của Phao-lô và các anh em khác, “lời Đức Giê-hô-va ngày càng phát triển và thắng lợi”.—Công 19:20.

18, 19. (a) Làm sao chúng ta biết “tay của Đức Giê-hô-va” ở với chúng ta? (b) Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy Đức Giê-hô-va hỗ trợ dân ngài.

18 Chắc chắn “tay của Đức Giê-hô-va” cũng ở với chúng ta ngày nay. Đó là lý do có nhiều người tin đạo và biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời bằng phép báp-têm. Ngoài ra, chỉ với sự giúp đỡ và ban phước của Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể chịu đựng những sự chống đối dữ dội—đôi lúc là sự ngược đãi tàn ác—và thành công trong việc thi hành thánh chức, như Phao-lô và các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu đã làm (Công 14:19-21). Giê-hô-va Đức Chúa Trời luôn ở bên chúng ta. “Cánh tay muôn đời” của ngài lúc nào cũng hỗ trợ chúng ta trong mọi thử thách (Phục 33:27). Chúng ta cũng cần nhớ rằng vì danh thánh vĩ đại, Đức Giê-hô-va không bao giờ từ bỏ dân ngài.—1 Sa 12:22; Thi 94:14.

19 Để minh họa điều này, hãy xem kinh nghiệm sau: Vì tiếp tục làm chứng, anh Harald Abt đã bị Đức Quốc Xã đem vào trại tập trung Sachsenhausen vào thời Thế Chiến II. Tháng 5 năm 1942, mật vụ Đức (Gestapo) đến nhà của vợ anh là chị Elsa, đem con gái nhỏ của họ đi và bắt cả chị ấy. Chị bị đưa đến các trại tập trung khác nhau. Chị Elsa nói: “Sống nhiều năm trong các trại tập trung đã dạy tôi một bài học khó quên. Đó là thần khí Đức Giê-hô-va có thể thêm sức cho chúng ta nhiều biết bao khi đương đầu với thử thách cùng cực! Trước khi bị bắt, tôi đã đọc lá thư của một chị. Chị ấy nói rằng khi gặp thử thách gay go, thần khí của Đức Giê-hô-va sẽ khiến chúng ta cảm thấy bình tĩnh. Tôi nghĩ chị ấy có lẽ đã phóng đại phần nào. Nhưng khi chính tôi đương đầu với thử thách, tôi thấy những gì chị nói là sự thật. Đúng như vậy. Khó mà tưởng tượng được nếu chưa từng trải qua kinh nghiệm như thế. Nhưng điều đó thật sự đã xảy đến với tôi”.

Hãy tiếp tục làm chứng cặn kẽ!

20. Phao-lô đã làm gì khi bị quản thúc? Và điều này mang lại sự khích lệ nào cho một số anh chị của chúng ta?

20 Sách Công vụ khép lại với việc Phao-lô sốt sắng ‘rao giảng về Nước Đức Chúa Trời’ (Công 28:31). Vì bị quản thúc nên ông không thể tự do làm chứng từ nhà này sang nhà kia ở Rô-ma. Tuy nhiên, ông tiếp tục làm chứng cho tất cả những người đến thăm. Ngày nay, một số anh chị yêu quý của chúng ta không thể ra khỏi nhà, có lẽ nằm liệt giường, hoặc sống trong viện dưỡng lão vì tuổi cao, bệnh tật, hoặc bị suy nhược thể chất. Nhưng lòng yêu thương của họ đối với Đức Chúa Trời và ước muốn làm chứng vẫn mạnh mẽ như xưa. Chúng ta cầu nguyện cho họ và xin Cha trên trời giúp họ gặp được những người khao khát học biết về Đức Chúa Trời và các ý định tuyệt vời của ngài.

21. Tại sao chúng ta nên làm chứng với tinh thần khẩn cấp?

21 Hầu hết chúng ta đều có thể tham gia vào thánh chức từng nhà và các khía cạnh khác của việc đào tạo môn đồ. Vậy mỗi người trong chúng ta hãy làm mọi điều có thể để hoàn thành vai trò của người công bố Nước Trời, làm chứng “cho đến tận cùng trái đất”. Công việc này phải được thực hiện với tinh thần khẩn cấp vì “dấu hiệu” về sự hiện diện của Đấng Ki-tô đang rất rõ ràng (Mat 24:3-14). Thời gian không còn nhiều nữa. Ngay bây giờ, chúng ta phải “làm công việc Chúa một cách dư dật”.—1 Cô 15:58.

22. Chúng ta nên quyết tâm làm gì trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va?

22 Trong khi chờ đợi “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va”, chúng ta hãy quyết tâm tiếp tục làm chứng một cách dạn dĩ và trung thành (Giô-ên 2:31). Chúng ta sẽ còn tìm được những người giống như người Bê-rê, “hào hứng tiếp nhận lời Đức Chúa Trời” (Công 17:10, 11). Mong sao chúng ta sẽ làm chứng cho đến lúc như thể được nghe những lời sau: “Tốt lắm, đầy tớ trung tín và giỏi giang!” (Mat 25:23). Nếu sốt sắng thực hiện nhiệm vụ đào tạo môn đồ ngày nay và luôn trung thành với Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta sẽ vui mừng cho đến mãi mãi vì được vinh dự tham gia vào việc “làm chứng cặn kẽ” về Nước Đức Chúa Trời!