CHƯƠNG 24
“Hãy can đảm lên!”
Phao-lô thoát khỏi âm mưu hại đến tính mạng và bênh vực niềm tin trước Phê-lích
Dựa trên Công vụ 23:11–24:27
1, 2. Tại sao Phao-lô không ngạc nhiên trước những sự chống đối mà ông đương đầu tại Giê-ru-sa-lem?
Được cứu thoát khỏi đám đông hung hăng tại Giê-ru-sa-lem trong gang tấc, Phao-lô lại bị bắt giam một lần nữa. Sứ đồ sốt sắng này không ngạc nhiên trước sự chống đối mà ông phải đương đầu ở Giê-ru-sa-lem. Ông được báo trước rằng mình sẽ bị “lao tù và hoạn nạn” tại thành phố này (Công 20:22, 23). Phao-lô không biết chính xác chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng ông biết chắc mình sẽ tiếp tục chịu khổ vì danh Chúa Giê-su.—Công 9:16.
2 Ngay cả các nhà tiên tri đạo Đấng Ki-tô cũng cảnh báo Phao-lô rằng ông sẽ bị trói và nộp “vào tay dân ngoại” (Công 21:4, 10, 11). Mới đây, một đám đông Do Thái đã tìm cách giết ông và không lâu sau đó, suýt nữa thì ông đã bị những thành viên của Tòa Tối Cao “xé xác” khi họ cãi nhau vì những gì ông nói. Bây giờ, ông là một tù nhân của lính La Mã và sẽ phải đối diện với nhiều phiên tòa và nhiều lời cáo buộc hơn nữa (Công 21:31; 23:10). Quả thật, sứ đồ Phao-lô rất cần được khích lệ!
3. Chúng ta nhận được sự khích lệ để kiên trì làm công việc rao giảng từ đâu?
3 Vào thời kỳ cuối cùng này, chúng ta biết “hết thảy những ai muốn sống cuộc đời tin kính của môn đồ Đấng Ki-tô Giê-su cũng sẽ bị ngược đãi” (2 Ti 3:12). Có những lúc chúng ta cần được khích lệ để kiên trì làm công việc rao giảng. Chúng ta thật biết ơn về những lời khích lệ và thêm sức đúng lúc từ “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” qua các ấn phẩm và buổi nhóm họp (Mat 24:45). Đức Giê-hô-va bảo đảm rằng không một kẻ thù nào của tin mừng sẽ thành công. Họ sẽ không tiêu diệt được tập thể các tôi tớ của ngài, và cũng không thể làm ngưng công việc rao giảng tin mừng (Ê-sai 54:17; Giê 1:19). Nhưng còn về sứ đồ Phao-lô thì sao? Ông có được khích lệ để tiếp tục làm chứng cặn kẽ bất kể sự chống đối không? Nếu có thì sự khích lệ ấy là gì, và ông đã phản ứng ra sao?
Những kẻ “lập mưu và thề” bị thất bại (Công vụ 23:11-34)
4, 5. Phao-lô nhận được sự khích lệ nào, và tại sao điều này là đúng lúc?
4 Sứ đồ Phao-lô nhận được sự khích lệ rất cần thiết vào đêm sau khi ông được giải cứu khỏi Tòa Tối Cao. Kinh Thánh cho biết: “Chúa đến nói với ông: ‘Hãy can đảm lên! Anh đã làm chứng cặn kẽ về tôi ở Giê-ru-sa-lem thế nào thì cũng phải làm chứng như vậy ở Rô-ma’” (Công 23:11). Qua những lời khích lệ này, Chúa Giê-su đảm bảo rằng Phao-lô sẽ được giải thoát. Ông biết mình sẽ sống để đi đến Rô-ma và có đặc ân làm chứng về Chúa Giê-su tại đó.
5 Sự khích lệ mà Phao-lô nhận được thật đúng lúc. Ngay ngày hôm sau, hơn 40 người Do Thái đã “âm mưu và thề độc với nhau, họ nói sẽ không ăn uống chi hết cho đến khi giết được Phao-lô”. Việc “lập mưu và thề” như thế cho thấy dã tâm sát hại Phao-lô của những người Do Thái kia. Nếu không thực hiện được âm mưu của mình, những người này tin rằng họ sẽ gặp tai họa (Công 23:12-15). Kế hoạch của họ được các trưởng tế và trưởng lão ủng hộ. Theo đó, Phao-lô sẽ được dẫn đến Tòa Tối Cao để tra hỏi thêm, như thể muốn tìm hiểu rõ hơn về những điều liên quan tới ông. Nhưng trên đường, những kẻ lập mưu sẽ phục kích rồi bất ngờ tấn công và giết Phao-lô.
6. Làm thế nào âm mưu giết Phao-lô bị tiết lộ, và những người trẻ ngày nay có thể noi theo gương mẫu nào từ lời tường thuật này?
6 Tuy nhiên, cháu trai của Phao-lô nghe được âm mưu đó và đã báo cho ông. Rồi Phao-lô sai chàng trai trẻ này đi báo cho viên chỉ huy quân đội La Mã là Cơ-lo-đi-ô Ly-si-a (Công 23:16-22). Chắc chắn Đức Giê-hô-va yêu quý những người trẻ giống như cháu trai của Phao-lô, đã can đảm đặt sự an toàn của dân tộc Đức Chúa Trời lên trên bản thân và trung thành làm những gì có thể để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời.
7, 8. Cơ-lo-đi-ô Ly-si-a đã làm gì để giữ an toàn cho Phao-lô?
7 Ngay sau khi nghe tin về âm mưu giết hại Phao-lô, Cơ-lo-đi-ô Ly-si-a, chỉ huy của 1.000 lính La Mã, đã điều động một đội bảo vệ 470 người gồm lính chiến, lính dùng giáo và kỵ binh, lên đường rời Giê-ru-sa-lem trong đêm đó để hộ tống Phao-lô đến Sê-sa-rê. Khi đến nơi, ông được giao nộp cho quan tổng đốc Phê-lích. a Dù Sê-sa-rê, trung tâm điều hành của tỉnh Giu-đê thuộc La Mã, có một số lượng người Do Thái đáng kể, nhưng phần lớn người trong tỉnh là dân ngoại. Tại Giê-ru-sa-lem, nhiều người thể hiện thành kiến đối với tôn giáo khác một cách quá khích và tham gia vào các cuộc bạo loạn. Nhưng tình trạng an ninh tại Sê-sa-rê thì hoàn toàn khác. Sê-sa-rê cũng là sở chỉ huy chính của quân đội La Mã tại tỉnh Giu-đê.
8 Làm theo luật La Mã, Ly-si-a đã gửi một lá thư cho Phê-lích để giải thích vụ việc. Ly-si-a nói rằng mình đã giải cứu Phao-lô khỏi bị người Do Thái giết hại khi biết đó là một công dân La Mã. Ông cho biết không thấy Phao-lô phạm bất cứ tội gì “đáng chết hay đáng bỏ tù”, nhưng vì có người âm mưu lấy mạng Phao-lô nên ông giải Phao-lô đến để quan tổng đốc Phê-lích có thể nghe những người buộc tội trình bày rồi đưa ra phán quyết.—Công 23:25-30.
9. (a) Quyền công dân La Mã của Phao-lô bị xâm phạm ra sao? (b) Tại sao chúng ta có thể phải tận dụng quyền công dân của mình?
9 Ly-si-a có thành thật trong những gì ông viết không? Không phải tất cả. Dường như ông đang cố gắng gây ấn tượng với quan tổng đốc. Thật ra, ông giải cứu Phao-lô không phải vì sứ đồ này là công dân La Mã. Hơn nữa, Ly-si-a không hề nói gì về việc đã “xiềng [Phao-lô] bằng hai dây xích” và sau đó ra lệnh “tra khảo ông bằng roi” (Công 21:30-34; 22:24-29). Qua đó, Ly-si-a đã xâm phạm quyền công dân La Mã của Phao-lô. Ngày nay, Sa-tan cũng dùng sự cuồng tín của những kẻ chống đối để thổi bùng ngọn lửa bắt bớ, và quyền công dân của chúng ta có thể bị xâm phạm. Nhưng như Phao-lô, dân tộc Đức Chúa Trời có thể tận dụng những quyền công dân của mình và tìm kiếm sự bảo vệ của luật pháp.
“Tôi vui mừng biện hộ cho mình” (Công vụ 23:35–24:21)
10. Những lời cáo buộc nghiêm trọng nào được nhắm vào Phao-lô?
10 Tại Sê-sa-rê, Phao-lô bị ‘canh giữ trong dinh Hê-rốt’ để chờ những người cáo buộc từ Giê-ru-sa-lem đến (Công 23:35). Năm ngày sau, họ cũng đến, bao gồm thầy tế lễ thượng phẩm A-na-nia cùng một luật sư tên Tẹt-tu-lu và một nhóm trưởng lão. Đầu tiên, Tẹt-tu-lu ca ngợi Phê-lích vì những gì quan tổng đốc ấy đã làm cho người Do Thái, hình như là muốn nịnh hót để lấy lòng ông. b Sau đó, Tẹt-tu-lu vào thẳng vấn đề, cho rằng Phao-lô là “kẻ gây rối, xúi giục người Do Thái trên khắp đất nổi loạn, và là kẻ cầm đầu giáo phái của người Na-xa-rét. Hắn cũng cố xúc phạm đền thờ nên bị chúng tôi bắt”. Những người Do Thái khác “cũng tham gia vào cuộc công kích, họ quả quyết những điều đó là sự thật” (Công 24:5, 6, 9). Việc xúi giục nổi loạn, cầm đầu một giáo phái nguy hiểm và xúc phạm đến đền thờ là những cáo buộc nghiêm trọng, có thể dẫn đến án tử hình.
11, 12. Phao-lô đã bác bỏ những lời cáo buộc ông như thế nào?
11 Đến phiên Phao-lô được phép lên tiếng. Ông bắt đầu nói: “Tôi vui mừng biện hộ cho mình”. Phao-lô bác bỏ hoàn toàn những lời cáo buộc. Sứ đồ này không hề xúc phạm đền thờ, cũng không cố xúi giục người khác nổi loạn. Ông cho biết mình đã không có mặt tại Giê-ru-sa-lem trong “nhiều năm” và đến thành phố này với một khoản “tiền cứu trợ” cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô bị túng thiếu, có lẽ bởi nạn đói và sự bắt bớ. Phao-lô khẳng định rằng trước khi vào đền thờ, ông “đã được tẩy uế theo nghi thức” và luôn cố gắng “giữ một lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời và người ta”.—Công 24:10-13, 16-18.
12 Tuy nhiên, Phao-lô thừa nhận là ông phụng sự Đức Chúa Trời của tổ phụ theo “đường lối mà họ gọi là giáo phái”. Nhưng ông quả quyết mình tin nơi “mọi điều ghi trong Luật pháp và sách của các nhà tiên tri”. Và cũng giống như những người cáo buộc, ông có hy vọng về “sự sống lại của người công chính và không công chính”. Rồi Phao-lô chất vấn những người cáo buộc: “Hãy để những người ở đây cho biết tôi phạm tội gì khi tôi đứng trước Tòa Tối Cao, ngoại trừ một điều tôi đã tuyên bố lớn tiếng trong khi đứng giữa họ: ‘Vì sự sống lại của người chết mà hôm nay tôi bị xét xử trước mặt các anh!’”.—Công 24:14, 15, 20, 21.
13-15. Tại sao chúng ta có thể xem Phao-lô là gương mẫu tốt về việc làm chứng dạn dĩ trước các quan chức địa phương?
13 Phao-lô để lại một gương mẫu tốt cho chúng ta noi theo khi bị dẫn đến trước mặt các quan chức địa phương vì sự thờ phượng của mình. Điều này có thể xảy ra do những lời cáo buộc sai trái, chẳng hạn như kích động quần chúng, xúi giục nổi loạn hoặc là thành viên của “giáo phái nguy hiểm”. Phao-lô không tìm cách lấy lòng quan tổng đốc, ông không dùng những lời dua nịnh như Tẹt-tu-lu. Phao-lô giữ bình tĩnh và thái độ tôn trọng. Ông tế nhị đưa ra những bằng chứng rõ ràng và chân thật. Ông nói “mấy người Do Thái đến từ tỉnh A-si-a” buộc tội ông làm ô uế đền thờ đã không có mặt và vì thế theo luật pháp, ông có quyền đối chất và nghe những lời cáo buộc từ họ.—Công 24:18, 19.
14 Điểm đáng lưu ý nhất là Phao-lô không ngần ngại đưa ra các bằng chứng liên quan đến niềm tin của mình. Ông đã can đảm nhắc đến niềm tin về sự sống lại, đây là đề tài đã gây ra tình trạng lộn xộn lúc ông đứng trước Tòa Tối Cao (Công 23:6-10). Khi tự biện hộ, Phao-lô nhấn mạnh hy vọng về sự sống lại. Tại sao? Vì Phao-lô đang làm chứng về Chúa Giê-su và sự sống lại của ngài, là điều mà những người chống đối không chấp nhận (Công 26:6-8, 22, 23). Quả thật, đề tài về sự sống lại, nói chính xác hơn là niềm tin nơi Chúa Giê-su và sự sống lại của ngài, mới là trọng tâm của cuộc tranh cãi.
15 Như Phao-lô, chúng ta có thể làm chứng dạn dĩ và được thêm sức từ lời của Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Anh em sẽ bị mọi người thù ghét vì danh tôi. Nhưng ai bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu”. Chúng ta có cần lo lắng về những gì sẽ nói không? Không, vì Chúa Giê-su đưa ra lời đảm bảo sau: “Khi họ dẫn anh em đến nộp cho tòa, đừng lo trước là mình sẽ nói gì; nhưng hãy nói những điều anh em được mách bảo vào lúc đó, vì không phải anh em nói mà là thần khí thánh”.—Mác 13:9-13.
“Phê-lích sợ hãi” (Công vụ 24:22-27)
16, 17. (a) Phê-lích đã làm gì khi giải quyết vụ việc liên quan đến Phao-lô? (b) Tại sao Phê-lích sợ hãi, nhưng ông tiếp tục gặp Phao-lô vì lý do gì?
16 Đây không phải là lần đầu tiên quan tổng đốc Phê-lích nghe về các niềm tin của đạo Đấng Ki-tô. Lời tường thuật nói: “Phê-lích biết khá rõ những sự việc liên quan đến Đường Lối này [từ được dùng để nói đến đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu] nên cho hoãn vụ kiện và nói: ‘Khi nào viên chỉ huy Ly-si-a xuống đây, ta sẽ quyết định về vấn đề của các ngươi’. Quan truyền lệnh cho viên sĩ quan giam lỏng Phao-lô và cho phép bạn bè ông đến chăm sóc”.—Công 24:22, 23.
17 Vài ngày sau, Phê-lích cùng người vợ Do Thái là Đơ-ru-si sai giải Phao-lô đến để “nghe ông nói về niềm tin nơi Đấng Ki-tô Giê-su” (Công 24:24). Tuy nhiên, khi Phao-lô nói về “sự công chính, tính tự chủ cùng sự phán xét sau này thì Phê-lích sợ hãi”. Có lẽ những điều này làm lương tâm ông cắn rứt vì trong cuộc đời, Phê-lích đã theo đuổi một lối sống gian ác. Vì vậy, ông nói với Phao-lô: “Bây giờ ngươi hãy đi, lúc nào có dịp tiện ta sẽ cho gọi ngươi đến”. Sau đó, Phê-lích đã nhiều lần gặp Phao-lô, không phải vì muốn học chân lý, mà vì mong Phao-lô sẽ đưa tiền hối lộ.—Công 24:25, 26.
18. Tại sao Phao-lô lại nói với vợ chồng Phê-lích về “sự công chính, tính tự chủ cùng sự phán xét sau này”?
18 Tại sao Phao-lô lại nói với vợ chồng Phê-lích về “sự công chính, tính tự chủ cùng sự phán xét sau này”? Hãy nhớ rằng họ muốn biết “niềm tin nơi Đấng Ki-tô Giê-su” bao gồm những đòi hỏi nào. Phao-lô biết quá khứ xấu xa, tàn ác và bất công của họ, và ông giải thích rõ ràng về những điều kiện mà bất cứ ai muốn trở thành môn đồ Chúa Giê-su phải hội đủ. Những gì ông nói phơi bày sự trái ngược hoàn toàn giữa các tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời với lối sống mà Phê-lích và vợ đã theo đuổi. Điều này lẽ ra phải giúp họ thấy rằng cả nhân loại có trách nhiệm khai trình với Đức Chúa Trời về những gì họ nghĩ, những điều họ nói và những việc họ làm. Ngoài ra, việc Phao-lô bị xử án không có nghĩa lý gì khi so sánh với sự phán xét mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện trên họ. Chẳng lạ gì khi Phê-lích “sợ hãi”!
19, 20. (a) Trong thánh chức, chúng ta nên đối xử thế nào với những người có vẻ chú ý nhưng thật ra chỉ muốn đi theo đường lối ích kỷ riêng của mình? (b) Làm sao chúng ta biết Phê-lích không phải là bạn của Phao-lô?
19 Trong thánh chức, chúng ta có thể gặp những người giống như Phê-lích. Lúc đầu, họ có vẻ chú ý đến chân lý, nhưng thật ra chỉ muốn đi theo đường lối ích kỷ riêng của mình. Chúng ta phải thận trọng đối với những người như thế. Nhưng như Phao-lô, chúng ta có thể khéo léo nói với họ về những tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời. Có lẽ chân lý sẽ tác động đến lòng họ. Tuy nhiên, nếu biết rõ họ không có ý định từ bỏ đường lối sai trái, chúng ta hãy để họ tự quyết định và tìm kiếm những người thật sự đang đi tìm chân lý.
20 Về trường hợp của Phê-lích, động cơ thật sự trong lòng ông được thấy rõ qua những lời này: “Hai năm sau, Bốt-kiu Phê-tô kế nhiệm Phê-lích. Lúc ấy Phao-lô vẫn bị giam giữ vì Phê-lích muốn làm hài lòng người Do Thái” (Công 24:27). Rõ ràng Phê-lích không phải là bạn của Phao-lô. Ông biết các môn đồ theo “Đường Lối Chúa” không phải là những kẻ xúi giục nổi loạn, cũng không phải là những kẻ đảo chính (Công 19:23). Ông cũng biết Phao-lô không vi phạm bất cứ điều luật nào của La Mã. Dù thế, Phê-lích vẫn giam giữ sứ đồ này để “làm hài lòng người Do Thái”.
21. Điều gì xảy ra cho Phao-lô sau khi Bốt-kiu Phê-tô làm quan tổng đốc? Và Phao-lô chắc chắn đã được thêm sức nhờ điều gì?
21 Câu cuối cùng trong sách Công vụ chương 24 cho thấy Phao-lô vẫn là một tù nhân khi Bốt-kiu Phê-tô làm quan tổng đốc thay thế Phê-lích. Từ đó, Phao-lô phải trình diện trước các nhà chức trách hết lần này đến lần khác. Thật thế, sứ đồ can đảm này đã “bị giải đến trước mặt vua chúa và quan quyền” (Lu 21:12). Chúng ta sẽ thấy sau này ông đã làm chứng cho nhà cai trị quyền lực nhất thời bấy giờ. Trải qua tất cả những điều đó, đức tin của Phao-lô không bao giờ bị suy giảm. Chắc chắn ông đã tiếp tục được thêm sức nhờ lời của Chúa Giê-su: “Hãy can đảm lên!”.
a Xem khung “ Phê-lích—Quan tổng đốc tỉnh Giu-đê”.
b Tẹt-tu-lu cám ơn Phê-lích vì sự “thái bình” mà ông mang lại cho đất nước. Tuy nhiên, sự thật là trong suốt thời gian Phê-lích làm quan tổng đốc, tỉnh Giu-đê có ít sự bình an hơn bất cứ giai đoạn trị vì của quan tổng đốc nào khác, cho đến khi có cuộc nổi dậy chống lại La Mã. Một điều giả dối khác mà ông nói là người Do Thái “biết ơn sâu đậm” về những cải cách mà Phê-lích đã làm. Trên thực tế, hầu hết người Do Thái đều chán ghét Phê-lích vì đã khiến cho đời sống họ khốn khổ và vì sự tàn ác của ông khi đàn áp các cuộc nổi dậy.—Công 24:2, 3.