Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 25

“Tôi kháng án lên Sê-sa!”

“Tôi kháng án lên Sê-sa!”

Phao-lô nêu gương mẫu trong việc bênh vực tin mừng

Dựa trên Công vụ 25:1–26:32

1, 2. (a) Phao-lô đang ở trong hoàn cảnh nào? (b) Câu hỏi nào được nêu ra liên quan đến việc Phao-lô kháng án lên Sê-sa?

 Phao-lô vẫn bị canh giữ nghiêm ngặt ở Sê-sa-rê. Khi trở lại Giu-đê hai năm trước, chỉ trong vài ngày mà người Do Thái đã cố giết ông ít nhất ba lần (Công 21:27-36; 23:10, 12-15, 27). Cho đến giờ, những kẻ thù của Phao-lô vẫn chưa thành công, nhưng họ không bỏ cuộc. Khi biết mình vẫn còn có thể rơi vào tay kẻ thù, Phao-lô nói với quan tổng đốc La Mã Phê-tô: “Tôi kháng án lên Sê-sa!”.—Công 25:11.

2 Đức Giê-hô-va có hỗ trợ quyết định của Phao-lô về việc kháng án lên hoàng đế La Mã không? Câu trả lời rất quan trọng đối với chúng ta, là những người đang làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời trong thời kỳ cuối cùng này. Chúng ta cần biết Phao-lô đã nêu gương mẫu nào trong việc “bênh vực và tìm cách hợp pháp hóa quyền rao giảng tin mừng”.—Phi-líp 1:7.

“Đứng trước bục xét xử” (Công vụ 25:1-12)

3, 4. (a) Đằng sau lời thỉnh cầu của người Do Thái xin đưa Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem là gì, và ông đã thoát chết như thế nào? (b) Như đã làm cho Phao-lô, Đức Giê-hô-va nâng đỡ cho các tôi tớ ngài thời nay ra sao?

3 Ba ngày sau khi nhậm chức, quan tổng đốc La Mã mới của tỉnh Giu-đê là Phê-tô đi đến Giê-ru-sa-lem. a Tại đây, ông nghe các trưởng tế và những người có chức quyền của dân Do Thái cáo buộc Phao-lô bằng những tội danh nghiêm trọng. Họ biết quan tổng đốc mới bị áp lực phải giữ hòa khí với họ và cả dân Do Thái. Vì vậy, họ thỉnh cầu Phê-tô một ân huệ, đó là đưa Phao-lô trở lại Giê-ru-sa-lem và xét xử ông tại đây. Tuy nhiên, có một âm mưu nham hiểm đằng sau lời thỉnh cầu này. Những kẻ thù định giết Phao-lô trên đường từ Sê-sa-rê về Giê-ru-sa-lem. Nhưng Phê-tô từ chối mà rằng: “Những người có quyền thế trong các ông hãy cùng ta đi xuống [Sê-sa-rê], nếu ông ta quả có làm gì sai thì cứ tố cáo” (Công 25:5). Do đó, một lần nữa Phao-lô lại thoát chết.

4 Trong tất cả những thử thách mà Phao-lô gặp phải, Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ ông qua Chúa Giê-su Ki-tô. Hãy nhớ rằng trong một khải tượng, Chúa Giê-su đã nói với sứ đồ của ngài: “Hãy can đảm lên!” (Công 23:11). Ngày nay, tôi tớ của Đức Giê-hô-va cũng đương đầu với các trở ngại và những lời hăm dọa. Đức Giê-hô-va không che chở chúng ta khỏi mọi khó khăn, nhưng ngài ban sự khôn ngoan và sức mạnh để chúng ta chịu đựng. Chúng ta có thể luôn nương cậy nơi “sức lực hơn mức bình thường” mà Đức Chúa Trời yêu thương cung cấp.—2 Cô 4:7.

5. Phê-tô đã đối xử với Phao-lô như thế nào?

5 Vài ngày sau, Phê-tô “ngồi trên bục xét xử” ở Sê-sa-rê. b Đứng trước mặt ông là Phao-lô và những người cáo buộc. Để đáp lại những lời buộc tội vô căn cứ, Phao-lô nói: “Tôi không làm điều gì trái với Luật pháp của người Do Thái, cũng chẳng xúc phạm đền thờ hoặc có tội với Sê-sa”. Sứ đồ này vô tội và xứng đáng được trả tự do. Phê-tô quyết định thế nào? Muốn làm hài lòng người Do Thái, ông hỏi Phao-lô: “Ngươi có muốn lên Giê-ru-sa-lem để được xét xử trước mặt ta về vụ này không?” (Công 25:6-9). Thật là một lời đề nghị ngớ ngẩn! Nếu Phao-lô bị giải về Giê-ru-sa-lem thì những kẻ cáo buộc ông sẽ trở thành người xét xử, và do đó ông cầm chắc cái chết. Trong trường hợp này, Phê-tô đã chọn lợi ích chính trị thay vì công lý chân chính. Một quan tổng đốc trước đây là Bôn-xơ Phi-lát cũng đã hành động tương tự trong vụ việc liên quan đến một tù nhân quan trọng hơn nhiều (Giăng 19:12-16). Các quan tòa thời nay cũng có thể nhượng bộ trước áp lực chính trị. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi các quyết định của tòa án đi ngược với bằng chứng trong các vụ việc liên quan đến dân Đức Chúa Trời.

6, 7. Tại sao Phao-lô kháng án lên Sê-sa, và ông đã để lại tiền lệ nào cho các tín đồ chân chính ngày nay?

6 Mong muốn làm hài lòng người Do Thái của Phê-tô có thể đặt Phao-lô vào tình thế cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, Phao-lô sử dụng một quyền mà ông có với tư cách là công dân La Mã. Ông nói với Phê-tô: “Tôi đang đứng trước bục xét xử của Sê-sa, tôi phải được xét xử tại nơi này. Tôi không có tội gì với người Do Thái, như ngài biết rõ... Tôi kháng án lên Sê-sa!”. Một khi đã nói ra thì lời kháng án như thế thường không thể bị bãi bỏ. Điều này được Phê-tô nhấn mạnh khi ông tuyên bố: “Ngươi đã kháng án lên Sê-sa thì sẽ đến Sê-sa” (Công 25:10-12). Bằng cách kháng án lên nhà chức trách có quyền pháp lý cao hơn, Phao-lô đã để lại một tiền lệ cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính ngày nay. Khi những người chống đối “nhân danh luật pháp mưu toan gây hại”, Nhân Chứng Giê-hô-va tận dụng những điều khoản của luật pháp để bênh vực tin mừng. cThi 94:20.

7 Do đó, sau hơn hai năm bị bỏ tù vì những tội mình không phạm, Phao-lô có cơ hội trình bày vụ việc tại Rô-ma. Tuy nhiên, trước khi đi, có một nhà cai trị khác muốn gặp ông.

Khi có những phán quyết pháp lý gây bất lợi, chúng ta kháng án

“Tôi không dám không vâng theo” (Công vụ 25:13–26:23)

8, 9. Tại sao vua A-ríp-ba đến thăm Sê-sa-rê?

8 Vài ngày sau khi Phê-tô nghe Phao-lô kháng án lên Sê-sa, vua A-ríp-ba cùng em gái là Bê-rê-nít đến “để thăm xã giao” quan tổng đốc mới. d Vào thời La Mã, các quan chức thường đến thăm những quan tổng đốc mới được bổ nhiệm. Qua việc chúc mừng chức vụ mới của Phê-tô, A-ríp-ba hẳn đang cố gắng thắt chặt mối quan hệ chính trị và cá nhân vì điều này có thể có lợi trong tương lai.—Công 25:13.

9 Phê-tô kể với vua A-ríp-ba về Phao-lô, và vị vua này cảm thấy tò mò. Ngày hôm sau, hai nhà cai trị ngồi trên bục xét xử. Nhưng quyền lực và sự phô trương của họ không gây ấn tượng sâu sắc bằng lời nói của phạm nhân đang đứng trước mặt.—Công 25:22-27.

10, 11. Phao-lô đã thể hiện sự tôn trọng đối với A-ríp-ba như thế nào? Và ông đã tiết lộ cho vua điều gì về quá khứ của mình?

10 Phao-lô cám ơn vua A-ríp-ba một cách tôn trọng vì cho mình cơ hội biện hộ, và công nhận vua là một người am hiểu mọi tục lệ cũng như những vấn đề tranh cãi của người Do Thái. Rồi Phao-lô trình bày về quá khứ của mình: “Tôi theo phái Pha-ri-si, một phái nghiêm ngặt nhất trong đạo chúng ta” (Công 26:5). Là một người Pha-ri-si, Phao-lô từng trông mong sự xuất hiện của Đấng Mê-si. Giờ đây, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, ông khẳng định một cách dạn dĩ rằng Chúa Giê-su Ki-tô chính là đấng được mong đợi từ lâu. Ông và những người cáo buộc có chung một niềm tin, đó là hy vọng về sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời với tổ phụ họ, và niềm tin ấy chính là lý do khiến Phao-lô bị xét xử vào ngày hôm đó. Điều này khiến cho A-ríp-ba càng thích thú nơi những gì Phao-lô nói. e

11 Nhớ lại việc mình đã đối xử tàn nhẫn với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô trong quá khứ, Phao-lô nói: “Về phần tôi, tôi từng tin rằng mình phải làm mọi cách để chống lại danh Chúa Giê-su người Na-xa-rét... Tôi căm giận đến nỗi sang cả những thành khác để bắt bớ họ [những môn đồ của Đấng Ki-tô]” (Công 26:9-11). Phao-lô không hề nói quá sự thật. Nhiều người biết sự hung bạo mà ông đã làm cho các môn đồ Chúa Giê-su (Ga 1:13, 23). A-ríp-ba có lẽ tự hỏi: “Điều gì đã khiến một người như thế thay đổi?”.

12, 13. (a) Phao-lô kể lại sự cải đạo của ông như thế nào? (b) Phao-lô đã “đá vào gậy nhọn” như thế nào?

12 Những lời tiếp theo của Phao-lô cho chúng ta câu trả lời: “Khi tôi đang trên đường đến thành Đa-mách với quyền hành và sự ủy nhiệm của các trưởng tế, thì bẩm vua, vào giữa trưa, tôi thấy từ trời có ánh sáng rực rỡ hơn ánh mặt trời chiếu khắp quanh tôi và những người đi cùng. Chúng tôi đều ngã xuống đất, rồi tôi nghe có tiếng phán với mình bằng ngôn ngữ Hê-bơ-rơ: ‘Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ! Sao ngươi bắt bớ ta? Cứ đá vào gậy nhọn thì gây thương tích cho ngươi’. Tôi đáp: ‘Thưa Chúa, ngài là ai?’. Chúa phán: ‘Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ’”. fCông 26:12-15.

13 Trước khi xảy ra sự kiện siêu nhiên này, nói theo nghĩa bóng, Phao-lô đã “đá vào gậy nhọn”. Như súc vật tự làm đau nó một cách không cần thiết bằng cách đá vào đầu nhọn của gậy thúc bò, Phao-lô đã tự hại mình về mặt thiêng liêng qua việc chống lại ý muốn Đức Chúa Trời. Khi hiện ra với Phao-lô trên đường đến thành Đa-mách, Chúa Giê-su được sống lại đã khiến cho người đàn ông chân thành nhưng lầm lạc này thay đổi suy nghĩ.—Giăng 16:1, 2.

14, 15. Phao-lô nói gì liên quan đến những sự thay đổi mà ông đã thực hiện trong cuộc đời?

14 Phao-lô thật sự đã thực hiện những thay đổi lớn trong đời mình. Ông nói với A-ríp-ba: “Tôi không dám không vâng theo khải tượng từ trời, nhưng trước hết mang thông điệp đến những người ở Đa-mách, rồi đến Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê và kể cả dân ngoại, ấy là họ phải ăn năn và quay về với Đức Chúa Trời bằng cách hành động phù hợp với sự ăn năn” (Công 26:19, 20). Trong nhiều năm, Phao-lô đã hoàn thành mệnh lệnh mà Chúa Giê-su Ki-tô giao cho ông trong khải tượng vào giữa trưa hôm đó. Kết quả là gì? Những người hưởng ứng tin mừng mà Phao-lô rao giảng đã ăn năn hạnh kiểm vô đạo đức, bất lương của họ và thờ phượng Đức Chúa Trời. Những người như thế trở thành những công dân tốt, bày tỏ sự tôn trọng và góp phần gìn giữ an ninh trật tự.

15 Dù vậy, những ích lợi này không có ý nghĩa gì đối với những người Do Thái chống đối Phao-lô. Ông nói: “Bởi lẽ đó người Do Thái bắt tôi trong đền thờ và cố giết tôi. Tuy nhiên, vì cảm nghiệm sự trợ giúp của Đức Chúa Trời nên tôi tiếp tục làm chứng đến ngày nay cho cả người lớn lẫn kẻ nhỏ”.—Công 26:21, 22.

16. Chúng ta có thể noi gương của Phao-lô khi nói với quan tòa và các nhà cai trị về niềm tin của mình như thế nào?

16 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính, chúng ta phải “luôn sẵn sàng bênh vực” đức tin của mình (1 Phi 3:15). Khi nói trước quan tòa hay các nhà cai trị về niềm tin, việc noi theo phương pháp Phao-lô đã dùng khi đứng trước A-ríp-ba và Phê-tô có thể rất hữu ích. Qua việc trình bày với họ một cách tôn trọng rằng sự thật trong Kinh Thánh đã thay đổi thế nào đời sống của chính chúng ta cũng như của những người hưởng ứng thông điệp, chúng ta có thể động đến lòng của các bậc cầm quyền.

“Ngươi suýt thuyết phục được ta trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô” (Công vụ 26:24-32)

17. Phê-tô phản ứng thế nào trước lời biện hộ của Phao-lô, và thái độ tương tự nào thường thấy ngày nay?

17 Khi nghe bằng chứng đầy sức thuyết phục của Phao-lô, hai nhà cai trị không còn giữ được sự khách quan nữa. Hãy chú ý đến lời tường thuật sau: “Phao-lô đang nói những lời ấy để biện hộ cho mình thì Phê-tô nói lớn: ‘Phao-lô ơi! Ngươi mất trí rồi! Ngươi học nhiều quá nên đã bị mất trí!’” (Công 26:24). Sự bộc phát của Phê-tô có thể phản ánh một thái độ thường thấy ngày nay. Đối với nhiều người, những ai dạy dỗ những điều thật sự được nói trong Kinh Thánh là cuồng tín. Những người khôn ngoan theo thế gian thường khó chấp nhận dạy dỗ của Kinh Thánh về sự sống lại.

18. Phao-lô đã trả lời Phê-tô như thế nào, và điều này khiến A-ríp-ba phản ứng ra sao?

18 Nhưng Phao-lô trả lời quan tổng đốc: “Tôi không mất trí đâu thưa ngài Phê-tô, tôi nói những điều có thật và có suy xét. Thật thế, vua biết rõ những điều này nên tôi thoải mái thưa chuyện với người... Bẩm vua A-ríp-ba, vua có tin các nhà tiên tri không? Tôi biết là vua tin”. A-ríp-ba đáp: “Chỉ trong thời gian ngắn mà ngươi suýt thuyết phục được ta trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô” (Công 26:25-28). Những lời này, dù có chân thành hay không, cũng cho thấy việc làm chứng của Phao-lô đã ảnh hưởng mạnh đến vua A-ríp-ba.

19. Phê-tô và A-ríp-ba đã kết luận thế nào liên quan đến Phao-lô?

19 Rồi A-ríp-ba và Phê-tô đứng lên, đó là dấu hiệu kết thúc phiên xử. “Khi đi ra ngoài, họ nói với nhau: ‘Người này chẳng làm điều gì đáng chết hay đáng bỏ tù’. Rồi A-ríp-ba nói với Phê-tô: ‘Người này có thể được thả nếu không kháng án lên Sê-sa’” (Công 26:31, 32). Họ biết người đàn ông vừa trình diện trước mặt mình là vô tội. Có lẽ giờ đây, họ có cái nhìn thiện cảm hơn đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô.

20. Việc Phao-lô làm chứng cho các bậc cầm quyền mang lại kết quả nào?

20 Cả hai nhà cai trị đầy quyền lực trong lời tường thuật dường như không chấp nhận tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Vậy sự trình diện của sứ đồ Phao-lô trước những người này có phải là điều khôn ngoan không? Câu trả lời là có. Việc Phao-lô “bị giải đến trước mặt vua chúa và quan quyền” tại Giu-đê đã dẫn đến việc làm chứng cho các nhà lãnh đạo La Mã, là những người mà các tín đồ vào thời đó thường không thể tiếp cận được (Lu 21:12, 13). Ngoài ra, kinh nghiệm và lòng trung thành của Phao-lô khi đối diện với thử thách đã khích lệ anh em cùng đức tin.—Phi-líp 1:12-14.

21. Bằng cách kiên trì trong công việc rao giảng, chúng ta có thể thấy được những kết quả tốt nào?

21 Ngày nay cũng thế. Bằng cách kiên trì trong công việc rao giảng bất chấp những thử thách và chống đối, chúng ta có thể thấy nhiều kết quả tốt. Chúng ta có thể làm chứng cho các quan chức chính quyền, là những người thường khó tiếp cận được. Sự chịu đựng trung thành của chúng ta có thể là nguồn khích lệ đối với anh em đồng đạo, và cũng thúc đẩy họ dạn dĩ hơn trong việc làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời.

b Nơi mà Phê-tô “ngồi trên bục xét xử” là một ghế đặt trên bục. Vị trí cao như thế cho thấy phán quyết của người xét xử là tối hậu và phải được tôn trọng. Phi-lát đã ngồi trên một bục xét xử khi cân nhắc các lời cáo buộc chống lại Chúa Giê-su.

d Xem khung “ Vua Hê-rốt A-ríp-ba II”.

e Là một tín đồ đạo Đấng Ki-tô, Phao-lô chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Những người Do Thái bác bỏ Chúa Giê-su xem Phao-lô là kẻ bội đạo.—Công 21:21, 27, 28.

f Liên quan đến những gì Phao-lô nói về việc ông đi “vào giữa trưa”, một học giả Kinh Thánh cho biết: “Nếu không có điều gì thật sự khẩn cấp, một khách bộ hành sẽ nghỉ ngơi vào buổi trưa nắng gắt. Nên chúng ta có thể thấy Phao-lô đã nỗ lực thế nào khi thực hiện nhiệm vụ chống đối”.