CHƯƠNG 27
“Làm chứng cặn kẽ”
Bị tù ở Rô-ma, Phao-lô vẫn tiếp tục rao giảng
Dựa trên Công vụ 28:11-31
1. Phao-lô và các bạn đồng hành tin tưởng nơi điều gì, và tại sao?
Chiếc thuyền có hình chạm “Các con trai thần Dớt” ở mũi, dường như là một thuyền lớn chở ngũ cốc, đang đi từ đảo Man-ta thuộc vùng Địa Trung Hải đến Ý. Đó là vào khoảng năm 59 CN. Trên thuyền có sứ đồ Phao-lô—một tù nhân đang bị giám sát—cùng với hai anh em đồng đạo là Lu-ca và A-ri-ta-cơ (Công 27:2). Không như các thủy thủ trên thuyền, những người rao truyền này không tìm sự bảo vệ nơi hai con trai song sinh Castor và Pollux của vị thần Hy Lạp là Dớt (Công 28:11). Thay vì thế, Phao-lô và các bạn đồng hành thờ phượng Đức Giê-hô-va, là đấng đã cho Phao-lô biết ông sẽ làm chứng về chân lý tại Rô-ma và sẽ đứng trước mặt Sê-sa.—Công 23:11; 27:24.
2, 3. Con thuyền của Phao-lô đã đi tuyến đường nào, và ai đã hỗ trợ Phao-lô từ khi bắt đầu chuyến hành trình?
2 Ba ngày sau khi cập cảng tại Sy-ra-cu-sơ, một thành phố xinh đẹp thuộc Xi-xin có tầm quan trọng gần như ngang với A-thên và Rô-ma, con thuyền đến Rê-gi-um thuộc phía nam bán đảo Ý. Sau đó, nhờ có một luồng gió nam, thuyền đã đi một chặng đường 320km đến cảng Bu-tê-ô-li của Ý (gần thành phố Naples ngày nay) trong một thời gian rất ngắn. Vào ngày thứ nhì, thuyền đã đến nơi.—Công 28:12, 13.
3 Phao-lô đang ở phần cuối của chuyến hành trình đến Rô-ma, là nơi mà ông sẽ trình diện trước hoàng đế Nê-rô. Trong suốt chuyến đi, “Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi” đã ở cùng Phao-lô (2 Cô 1:3). Như chúng ta sẽ thấy, sự hỗ trợ đó không hề giảm đi, và Phao-lô cũng không hề đánh mất lòng nhiệt thành của một giáo sĩ.
“Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời và được vững lòng” (Công vụ 28:14, 15)
4, 5. (a) Phao-lô và các bạn đồng hành đã nhận được sự hiếu khách nào tại Bu-tê-ô-li, và Phao-lô có được nhiều sự tự do như thế có lẽ vì lý do gì? (b) Ngay cả ở trong tù, các môn đồ Chúa Giê-su có thể nhận được những lợi ích nào nhờ hạnh kiểm tốt?
4 Tại Bu-tê-ô-li, Phao-lô và các bạn đồng hành gặp các anh em, và những anh em này nài nỉ họ ở lại bảy ngày (Công 28:14). Quả là một gương mẫu tuyệt vời về lòng hiếu khách của các tín đồ đạo Đấng Ki-tô! Chắc chắn những anh em đầy lòng mến khách này đã nhận được nhiều sự khích lệ về thiêng liêng từ Phao-lô và các bạn đồng hành. Nhưng tại sao một tù nhân đang bị giám sát lại có nhiều sự tự do như thế? Có lẽ vì sứ đồ này đã chiếm được lòng tin của những lính canh La Mã.
5 Ngày nay cũng thế, dù ở trong tù hoặc các trại tập trung, tôi tớ của Đức Giê-hô-va thường nhận được sự chiếu cố và các quyền tự do đặc biệt nhờ có hạnh kiểm tốt của môn đồ Chúa Giê-su. Chẳng hạn, tại Ru-ma-ni, một người đàn ông bị tuyên án 75 năm tù vì tội ăn cướp, đã bắt đầu tìm hiểu Lời Đức Chúa Trời và thực hiện những thay đổi lớn về nhân cách. Do đó, các quản giáo đã giao cho anh nhiệm vụ đi vào thị trấn mua những thứ cho nhà tù mà không cần sự giám sát! Và dĩ nhiên, điều quan trọng nhất là hạnh kiểm tốt của chúng ta làm vinh hiển Đức Giê-hô-va.—1 Phi 2:12.
6, 7. Các anh em tại Rô-ma đã bày tỏ tình yêu thương vượt bậc như thế nào?
6 Từ Bu-tê-ô-li, Phao-lô và các bạn đồng hành dường như đã đi bộ khoảng 50km đến Capua bằng Đường Appia, con đường dẫn đến Rô-ma. Con đường nổi tiếng này được lát bởi những phiến nham thạch lớn và phẳng, từ đây có thể nhìn thấy những cảnh đẹp tuyệt vời của vùng đồng quê Ý, và tại một số vị trí, có thể thấy được Địa Trung Hải. Con đường này cũng đưa các lữ khách đi qua Khu Đầm Lầy Pontine, là nơi có Chợ Áp-bi-u, cách Rô-ma khoảng 60km. Lu-ca viết rằng khi các anh em tại Rô-ma “nghe tin về chúng tôi”, vài người đi đến tận Chợ Áp-bi-u, còn một số khác thì chờ ở Ba Quán, là nơi nghỉ chân cách Rô-ma khoảng 50km. Quả là tình yêu thương vượt bậc!—Công 28:15.
7 Chợ Áp-bi-u không phải là nơi tiện nghi cho các lữ khách mệt mỏi sau một chuyến đi dài. Nhà thơ và nhà văn trào phúng La Mã Horace đã miêu tả Chợ Áp-bi-u “chật ních những thủy thủ và chủ nhà trọ cáu gắt”. Ông viết rằng “nước ở đây là tệ hại nhất”, hay hôi thối. Và thậm chí ông dứt khoát không ăn tại đó! Bất kể những sự bất tiện này, các anh em từ Rô-ma đã vui mừng chờ đợi Phao-lô và các bạn đồng hành nhằm giúp họ hoàn thành phần cuối của chuyến hành trình một cách an toàn.
8. Tại sao Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời khi thấy các anh em?
8 Lời tường thuật nói: “Thấy [các anh em], Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời và được vững lòng” (Công 28:15). Đúng vậy, chỉ thấy những anh em yêu dấu này thôi, ông cũng đã cảm thấy vững lòng và được an ủi. Rất có thể Phao-lô đã quen biết một số người trong họ. Tại sao Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời? Ông biết tình yêu thương bất vị kỷ là một khía cạnh của bông trái thần khí (Ga 5:22). Ngày nay, thần khí thánh cũng thúc đẩy các tín đồ đạo Đấng Ki-tô hy sinh vì anh em và an ủi những ai cần sự giúp đỡ.—1 Tê 5:11, 14.
9. Làm thế nào chúng ta có thể phản ánh tinh thần của những anh em đến gặp Phao-lô?
9 Thí dụ, thần khí thánh thúc đẩy những người có lòng nhiệt tình thể hiện lòng hiếu khách với các giám thị vòng quanh, giáo sĩ và những người phụng sự trọn thời gian khác. Nhiều người trong họ đã có những sự hy sinh to lớn để phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn. Hãy tự hỏi: “Mình có thể làm nhiều hơn để ủng hộ cuộc viếng thăm của giám thị vòng quanh không? Có lẽ bằng cách tiếp đãi anh cùng vợ (nếu có) không? Mình có thể sắp xếp để cùng tham gia thánh chức với họ không?”. Làm thế, anh chị có thể nhận được ân phước dồi dào. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng niềm vui mà các anh em tại Rô-ma đã cảm thấy khi nghe Phao-lô và các bạn đồng hành kể lại một vài trong số rất nhiều những kinh nghiệm đầy khích lệ.—Công 15:3, 4.
“Giáo phái này bị phản đối khắp nơi” (Công vụ 28:16-22)
10. Phao-lô đang ở trong hoàn cảnh nào tại Rô-ma, và sứ đồ này đã nhanh chóng làm gì sau khi đến nơi?
10 Cuối cùng, đoàn lữ khách đến Rô-ma và “Phao-lô được phép ở riêng, có một người lính canh giữ” (Công 28:16). Những người bị giam lỏng thường sẽ được xích với lính canh để tránh việc tù nhân bỏ trốn. Dù thế, Phao-lô là một người công bố về Nước Trời, và xiềng xích không thể khiến ông im lặng. Vì vậy, chỉ ba ngày nghỉ ngơi sau chuyến đi, ông đã gọi những người có chức quyền trong cộng đồng Do Thái ở Rô-ma đến để giới thiệu về mình và làm chứng cho họ.
11, 12. Khi nói với những người đồng hương Do Thái, làm thế nào Phao-lô đã cố gắng vượt qua các thành kiến mà họ có thể có?
11 Phao-lô nói: “Hỡi anh em, dù không làm điều gì trái với dân chúng hay phong tục của tổ phụ chúng ta, nhưng tôi đã bị bắt giam ở Giê-ru-sa-lem và bị nộp vào tay người La Mã. Sau khi tra hỏi, họ muốn thả tôi vì thấy tôi không phạm tội gì đáng chết. Nhưng người Do Thái phản đối nên tôi buộc phải kháng án lên Sê-sa, chứ không phải vì tôi có ý tố cáo dân tộc mình”.—Công 28:17-19.
12 Bằng cách gọi những người Do Thái ấy là “anh em”, Phao-lô đang cố gắng thiết lập điểm chung và vượt qua bất cứ thành kiến nào mà họ có thể có (1 Cô 9:20). Ông cũng cho thấy rõ ràng mình có mặt tại đây không phải để buộc tội những người đồng hương Do Thái, nhưng để kháng án lên Sê-sa. Tuy nhiên, cộng đồng Do Thái địa phương chưa nhận được tin Phao-lô kháng án (Công 28:21). Tại sao những người Do Thái tại Giu-đê không thông tin cho họ về điều này? Một tài liệu tham khảo cho biết: “Thuyền của Phao-lô hẳn là một trong những con thuyền đầu tiên đến Ý sau mùa đông, và những người đại diện cho chính quyền Do Thái tại Giê-ru-sa-lem chưa thể đến nơi, và lá thư về vụ việc này cũng thế”.
13, 14. Phao-lô đã giới thiệu thông điệp về Nước Trời như thế nào, và làm sao chúng ta có thể bắt chước gương của ông?
13 Giờ đây, Phao-lô giới thiệu thông điệp về Nước Trời bằng những lời chắc chắn gây sự tò mò nơi những vị khách Do Thái. Ông nói: “Đó là lý do tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em. Vì niềm hy vọng của dân Y-sơ-ra-ên mà tôi bị xiềng xích thế này” (Công 28:20). Dĩ nhiên, niềm hy vọng đó gắn chặt với Đấng Mê-si và Nước Trời, như hội thánh đạo Đấng Ki-tô đã công bố. Các trưởng lão Do Thái đáp lại: “Thiết nghĩ chúng tôi nên nghe anh trình bày quan điểm của mình, vì chúng tôi biết giáo phái này bị phản đối khắp nơi”.—Công 28:22.
14 Khi có cơ hội chia sẻ tin mừng, chúng ta có thể bắt chước Phao-lô bằng cách dùng những lời nói hoặc những câu hỏi khiến người nghe suy nghĩ để gợi sự chú ý nơi họ. Những đề nghị xuất sắc có thể được tìm thấy trong các ấn phẩm như tờ Lối sống và thánh chức, sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền và sách mỏng Hãy chuyên tâm trong việc đọc và dạy dỗ. Anh chị có đang tận dụng các ấn phẩm giúp học Kinh Thánh này không?
“Làm chứng cặn kẽ”—Gương mẫu cho chúng ta (Công vụ 28:23-29)
15. Có bốn điểm nổi bật nào liên quan đến việc làm chứng của Phao-lô?
15 Vào ngày hẹn, “thậm chí có nhiều người” Do Thái hơn tại địa phương đến nhà trọ của Phao-lô. Ông giải thích vấn đề cho họ “từ sáng đến tối... bằng cách làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời, đồng thời dựa vào Luật pháp Môi-se và sách của các nhà tiên tri để cố thuyết phục họ về Chúa Giê-su” (Công 28:23). Có bốn điểm nổi bật liên quan đến việc làm chứng của Phao-lô. Thứ nhất, ông tập trung vào Nước Đức Chúa Trời. Thứ hai, ông cố gắng thu hút người nghe bằng những lời thuyết phục. Thứ ba, ông lý luận dựa trên Kinh Thánh. Thứ tư, ông thể hiện tinh thần hy sinh, làm chứng “từ sáng đến tối”. Quả là một gương mẫu tốt cho chúng ta! Kết quả là gì? “Một số người tin lời ông nói”, còn số khác thì không. Theo lời tường thuật của Lu-ca, có sự bất đồng nảy sinh nên họ “bắt đầu bỏ về”.—Công 28:24, 25a.
16-18. Tại sao phản ứng tiêu cực của người Do Thái tại Rô-ma không làm Phao-lô ngạc nhiên? Và chúng ta nên cảm thấy thế nào khi thông điệp của mình bị từ chối?
16 Phao-lô không ngạc nhiên trước phản ứng của người Do Thái, vì ông đã gặp những phản ứng tương tự trước đây và điều đó cũng phù hợp với các lời tiên tri trong Kinh Thánh (Công 13:42-47; 18:5, 6; 19:8, 9). Vì thế, đối với các vị khách không hưởng ứng đang bỏ về, Phao-lô nói: “Thần khí thánh đã phán rất đúng qua nhà tiên tri Ê-sai về tổ phụ các người rằng: ‘Hãy đi đến dân này và nói: “Các ngươi sẽ nghe nhưng không hiểu chi, sẽ nhìn nhưng chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã trở nên chai cứng”’” (Công 28:25b-27). Từ nguyên ngữ dịch là “chai cứng” nói đến một tấm lòng “dày” hoặc “đặc”, vì thế tin mừng về Nước Trời không thể thấm vào được. Thật là một tình trạng thảm thương!
17 Trong lời kết thúc, Phao-lô nói rằng không giống như những người Do Thái ấy, ‘dân ngoại chắc chắn sẽ lắng nghe’ (Công 28:28; Thi 67:2; Ê-sai 11:10). Quả thật, sứ đồ Phao-lô có thể nói điều này với lòng tin chắc, vì chính ông đã chứng kiến nhiều người dân ngoại hưởng ứng thông điệp Nước Trời.—Công 13:48; 14:27.
18 Như Phao-lô, chúng ta không nên cảm thấy bị tổn thương khi người khác từ chối tin mừng. Xét cho cùng, chúng ta biết chỉ có một số tương đối ít người tìm được con đường dẫn đến sự sống (Mat 7:13, 14). Ngoài ra, khi những người có lòng thành đứng về phía sự thờ phượng thật, chúng ta hãy vui mừng và chào đón họ với tấm lòng cởi mở.—Lu 15:7.
“Rao giảng... về Nước Đức Chúa Trời” (Công vụ 28:30, 31)
19. Phao-lô đã tận dụng hoàn cảnh của mình như thế nào?
19 Lu-ca kết thúc lời tường thuật của mình một cách thật tích cực và yêu thương: “Phao-lô ở đó suốt hai năm, trong căn nhà ông đã thuê. Ông ân cần tiếp đón tất cả những người đến thăm mình, dạn dĩ rao giảng cho họ về Nước Đức Chúa Trời và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô mà không bị ai ngăn cấm” (Công 28:30, 31). Thật là một gương mẫu nổi bật về lòng hiếu khách, đức tin và sự sốt sắng!
20, 21. Hãy nêu lên vài thí dụ về những người nhận được lợi ích từ thánh chức của Phao-lô ở Rô-ma.
20 Một trong những người mà Phao-lô đã ân cần tiếp đãi là Ô-nê-sim, một nô lệ bỏ trốn khỏi Cô-lô-se. Phao-lô giúp Ô-nê-sim trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, còn Ô-nê-sim đã trở nên “người anh em trung tín yêu dấu” đối với Phao-lô. Thật vậy, Phao-lô nói đó là “người con của tôi” và ông “đã trở thành cha của người” (Cô 4:9; Phi-lê 10-12). Ô-nê-sim hẳn đã nâng đỡ tinh thần cho Phao-lô nhiều biết bao! a
21 Những người khác cũng nhận được lợi ích từ gương tốt của Phao-lô. Ông viết cho các anh em ở Phi-líp rằng: “Những gì xảy đến với tôi thật ra đã giúp cho sự tiến triển của tin mừng, vì cả đội quân cận vệ của hoàng đế và tất cả những người khác đều biết rằng tôi bị xiềng xích vì Đấng Ki-tô. Hầu hết anh em trong Chúa đều vững tin hơn nhờ xiềng xích của tôi, họ càng can đảm hơn để giảng lời Đức Chúa Trời mà không sợ hãi”.—Phi-líp 1:12-14.
22. Phao-lô đã tận dụng việc bị giam cầm tại Rô-ma như thế nào?
22 Phao-lô đã tận dụng việc bị giam cầm tại Rô-ma để viết những lá thư quan trọng mà giờ đây thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. b Những lá thư này mang lại lợi ích cho người nhận là các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Chúng ta cũng có thể nhận được lợi ích từ những lá thư của Phao-lô vì lời khuyên được soi dẫn của ông vẫn thực tế vào thời nay giống như vào thời xưa.—2 Ti 3:16, 17.
23, 24. Như Phao-lô, nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời nay vẫn có thái độ tích cực như thế nào dù bị giam giữ một cách bất công?
23 Dù sách Công vụ không nói khi nào Phao-lô được thả ra, nhưng trước đó ông đã ở tù khoảng bốn năm—hai năm tại Sê-sa-rê và hai năm tại Rô-ma c (Công 23:35; 24:27). Nhưng ông vẫn giữ được thái độ tích cực, làm hết sức mình để phụng sự Đức Chúa Trời. Tương tự thế, dù bị bỏ tù một cách bất công vì đức tin, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay vẫn giữ được niềm vui và tiếp tục rao giảng. Hãy xem gương của anh Adolfo bị bỏ tù tại Tây Ban Nha vì lập trường trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Một sĩ quan nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên về anh. Chúng tôi đã làm cho đời sống của anh trở nên khắc nghiệt, nhưng càng bị đối xử tệ thì anh lại càng giữ được nụ cười và có nhiều lời nói tử tế hơn”.
24 Với thời gian, anh Adolfo được tin tưởng đến nỗi cửa tù của phòng anh không cần phải đóng. Nhiều người lính đến gặp anh để hỏi về Kinh Thánh. Một trong những lính canh thậm chí đã vào phòng giam của anh để đọc Kinh Thánh, và anh Adolfo đứng canh chừng cho ông ấy. Thế là, tù nhân đã phải “canh chừng” lính canh! Mong sao gương mẫu của các Nhân Chứng trung thành như thế thúc đẩy chúng ta “càng can đảm hơn để giảng lời Đức Chúa Trời mà không sợ hãi”, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn.
25, 26. Chỉ chưa đầy 30 năm, Phao-lô đã chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên tri tuyệt vời nào, và vào thời của chúng ta thì sao?
25 Một sứ đồ của Đấng Ki-tô bị quản thúc ‘rao giảng về Nước Đức Chúa Trời’ cho tất cả mọi người đến thăm—thật là lời kết thúc ấm lòng của sách Công vụ đầy sống động! Trong chương đầu tiên, chúng ta đã đọc về mệnh lệnh mà Chúa Giê-su giao cho các môn đồ khi ngài nói: “Anh em sẽ nhận được quyền năng khi thần khí thánh đến trên anh em, và anh em sẽ làm chứng về tôi tại Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Chưa đầy 30 năm sau, thông điệp về Nước Trời đã “được rao giảng giữa mọi tạo vật ở dưới trời” d (Cô 1:23). Quả là một bằng chứng rõ ràng cho thấy sức mạnh của thần khí Đức Chúa Trời!—Xa 4:6.
26 Ngày nay, chính thần khí ấy đã thêm sức cho những anh em còn sót lại của Đấng Ki-tô cùng bạn đồng hành của họ là “chiên khác”, để tiếp tục “làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời” trong hơn 240 quốc gia và vùng lãnh thổ! (Giăng 10:16; Công 28:23). Anh chị có đang làm tất cả những gì có thể để góp phần vào công việc đó không?
a Phao-lô muốn giữ Ô-nê-sim lại với ông, nhưng điều này sẽ vi phạm luật La Mã và gây tổn hại cho quyền lợi của chủ nhân Ô-nê-sim là Phi-lê-môn, một tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Do đó, Ô-nê-sim quay về với Phi-lê-môn, đem theo lá thư của Phao-lô khuyến khích Phi-lê-môn hãy tử tế tiếp nhận người nô lệ của mình như một anh em thiêng liêng.—Phi-lê 13-19.
b Xem khung “ Năm lá thư của Phao-lô khi bị giam giữ lần đầu ở Rô-ma”.
c Xem khung “ Đời sống của Phao-lô sau năm 61 CN”.
d Xem khung “ Tin mừng được rao giảng giữa mọi tạo vật”.