Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 26

“Không ai thiệt mạng đâu”

“Không ai thiệt mạng đâu”

Đối mặt với nguy cơ bị đắm tàu, Phao-lô cho thấy đức tin mạnh mẽ và tình yêu thương người đồng loại

Dựa trên Công vụ 27:1–28:10

1, 2. Chuyến hành trình sắp tới của Phao-lô sẽ khác như thế nào, và một số điều gì có thể khiến ông lo lắng?

 Một câu nói đã làm Phao-lô trăn trở, vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của ông. Đó là câu nói của quan tổng đốc Phê-tô: “[Ngươi] sẽ đến Sê-sa”. Phao-lô đã trải qua hai năm bị cầm tù nên chuyến đi dài đến Rô-ma ít nhất cũng giúp ông đổi gió (Công 25:12). Tuy nhiên, ký ức sống động về các chuyến hải hành mà Phao-lô có không chỉ là những cơn gió mát dịu hay các chân trời rộng mở. Viễn cảnh về chuyến đi trình diện Sê-sa có lẽ khiến Phao-lô nghĩ đến một số câu hỏi làm ông phải suy tư.

2 Phao-lô đã nhiều lần gặp “nguy hiểm trên biển cả”, ông sống sót qua ba vụ đắm tàu, thậm chí trải qua trọn một ngày một đêm lênh đênh trên biển (2 Cô 11:25, 26). Hơn nữa, chuyến đi sắp tới sẽ hoàn toàn khác với các chuyến hành trình truyền giáo mà ông đã thực hiện khi còn tự do. Phao-lô sẽ được đưa đi với tư cách là một tù nhân và phải trải qua một chặng đường rất xa, hơn 3.000km từ Sê-sa-rê đến Rô-ma. Liệu ông có đến nơi một cách bình an vô sự không? Nếu có thì liệu ông sẽ bị phán xét bất lợi khi đến Rô-ma không? Hãy nhớ rằng ông đang đối diện với sự phán xét của nhà cai trị quyền lực nhất trong thế gian Sa-tan thời bấy giờ.

3. Quyết tâm của Phao-lô là gì, và chúng ta sẽ thảo luận về điều gì trong chương này?

3 Sau tất cả những gì đã đọc về Phao-lô, anh chị có nghĩ ông cảm thấy tuyệt vọng vì những điều sắp xảy đến với mình không? Chắc chắn không! Ông biết rằng gian khổ đang ở phía trước nhưng không biết đó là những hình thức khó khăn nào. Ông không để sự lo lắng về những điều mình không thể kiểm soát chôn vùi đi niềm vui trong thánh chức (Mat 6:27, 34). Phao-lô biết Đức Giê-hô-va muốn ông tận dụng mọi cơ hội để rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, ngay cả với các bậc cầm quyền (Công 9:15). Ông quyết tâm hoàn thành sứ mạng của mình, cho dù điều gì xảy ra đi nữa. Chẳng phải chúng ta cũng có quyết tâm như thế sao? Vậy hãy cùng theo Phao-lô trong chuyến đi lịch sử này và suy ngẫm về những lợi ích chúng ta có thể nhận được từ gương mẫu của ông.

“Gió ngược” (Công vụ 27:1-7a)

4. Phao-lô đã khởi hành trên loại thuyền nào, và các bạn đồng hành của ông là ai?

4 Phao-lô và một số tù nhân khác được giao cho đại đội trưởng La Mã là Giu-lơ coi sóc. Ông chọn một thuyền buôn vừa đến Sê-sa-rê. Con thuyền đó đến từ A-tra-mít, một bến cảng thuộc bờ biển phía tây Tiểu Á, đối diện với thành Mi-ti-len thuộc đảo Lesbos. Nó sẽ đi lên phía bắc rồi về hướng tây, dừng lại ở vài nơi để chất và dỡ hàng. Những con thuyền như thế không được thiết kế để cung cấp tiện nghi cho hành khách, đối với các tù nhân thì lại càng tệ hơn nữa. (Xem khung “ Đi lại và giao thương trên biển”). Mừng thay, Phao-lô không phải là tín đồ đạo Đấng Ki-tô duy nhất giữa một nhóm phạm nhân. Có ít nhất hai anh em đồng đạo đi với ông, đó là A-ri-ta-cơ và Lu-ca. Dĩ nhiên, đây chính là Lu-ca đã viết lời tường thuật này. Chúng ta không rõ hai người bạn đồng hành trung thành đó đã trả tiền để lên thuyền hay họ đang đóng vai người phục vụ của Phao-lô.—Công 27:1, 2.

5. Phao-lô được hưởng sự kết hợp nào tại Si-đôn, và chúng ta có thể học được gì từ điều này?

5 Sau khi trải qua một ngày trên biển và đã đi được khoảng 110km về phía bắc, con thuyền cập cảng Si-đôn thuộc bờ biển Sy-ri. Dường như Giu-lơ không đối xử với Phao-lô như một tội phạm thông thường, có lẽ vì Phao-lô là công dân La Mã chưa bị kết án (Công 22:27, 28; 26:31, 32). Giu-lơ cho phép Phao-lô lên bờ để gặp các anh em tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Chắc hẳn các anh chị em đã vui mừng biết bao khi được chăm sóc cho sứ đồ này sau một thời gian dài ông bị giam cầm! Anh chị nghĩ có cơ hội nào mà mình có thể bày tỏ lòng hiếu khách đầy yêu thương như thế và nhận được sự khích lệ không?—Công 27:3.

6-8. Chuyến đi của Phao-lô đã diễn ra thế nào từ Si-đôn đến Cơ-nít, và ông hẳn đã nắm lấy những cơ hội rao giảng nào?

6 Rời Si-đôn, con thuyền tiếp tục đi dọc theo bờ biển và qua Si-li-si, gần quê nhà của Phao-lô là Tạt-sơ. Lu-ca không đề cập đến những điểm dừng khác, nhưng ông có nói đến một chi tiết đáng lo ngại là “gió ngược” (Công 27:4, 5). Tuy nhiên, chúng ta có thể hình dung cảnh Phao-lô nắm lấy mọi cơ hội để chia sẻ tin mừng. Chắc chắn ông đã làm chứng cho các tù nhân và những người khác trên thuyền, bao gồm cả thủy thủ đoàn và quân lính, cũng như người dân tại bất cứ cảng nào mà thuyền cập bến. Ngày nay, chúng ta có tận dụng mọi cơ hội mình có để rao giảng như thế không?

7 Với thời gian, thuyền đến bến cảng My-ra nằm trên bờ biển phía nam của Tiểu Á. Tại đây, Phao-lô và những người khác phải chuyển sang một con thuyền đi Rô-ma, điểm đến cuối cùng của họ (Công 27:6). Vào lúc đó, Ai Cập là vựa lúa của La Mã và những con thuyền chở ngũ cốc từ Ai Cập thường đậu ở cảng My-ra. Giu-lơ tìm được một trong những con thuyền đó và ra lệnh cho quân lính và tù nhân lên thuyền. Con thuyền này chắc chắn lớn hơn con thuyền trước rất nhiều. Nó chở một lượng lúa mì có giá trị và 276 người, gồm các thủy thủ, quân lính, tù nhân và có thể cả những người khác cũng muốn đến Rô-ma. Rõ ràng, nhờ đổi thuyền mà khu vực rao giảng của Phao-lô được nới rộng, và chúng ta có thể chắc chắn rằng ông không bỏ qua cơ hội này.

8 Điểm dừng chân kế tiếp là Cơ-nít, thuộc góc tây nam của Tiểu Á. Nếu thuận buồm xuôi gió, một con thuyền có thể đi từ My-ra đến Cơ-nít chỉ trong vòng một ngày. Nhưng Lu-ca cho biết: “Sau nhiều ngày đi rất chậm, khó khăn lắm chúng tôi mới đến được Cơ-nít” (Công 27:7a). Tình trạng chuyến đi đã trở nên xấu hơn. (Xem khung “ Gió ngược tại vùng Địa Trung Hải”). Hãy nghĩ đến những người đang ở trên thuyền khi nó chống chọi với các cơn gió mạnh và sóng dữ.

“Tròng trành dữ dội vì gió bão” (Công vụ 27:7b-26)

9, 10. Khó khăn nào đã xảy ra tại khu vực gần đảo Cơ-rết?

9 Thuyền trưởng muốn tiếp tục đi từ Cơ-nít về hướng tây, nhưng theo Lu-ca, người chứng kiến tận mắt, thì họ “không thuận chiều gió” (Công 27:7b). Khi con thuyền rời khỏi đất liền, nó ra khỏi dòng hải lưu của bờ biển. Sau đó, một cơn gió ngược rất mạnh từ tây bắc thổi đến, đẩy con thuyền về phía nam, có lẽ với vận tốc rất lớn. Trước đây, đảo Síp đã che chở con thuyền khỏi những cơn gió ngược; lần này, đảo Cơ-rết đã làm thế. Khi con thuyền đi qua mũi đất của Sa-môn tại phía đông đảo Cơ-rết, mọi chuyện đã đỡ hơn một chút. Tại sao? Vì con thuyền đã đi vào chỗ khuất gió, tức vùng phía nam của hòn đảo, nên họ được bảo vệ phần nào khỏi những cơn gió mạnh. Lúc đó, hẳn những người trên thuyền cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm! Nhưng chừng nào thuyền còn ở trên biển, các thủy thủ không thể lờ đi rằng mùa đông đang đến gần. Họ có lý do chính đáng để lo lắng.

10 Lu-ca kể lại một cách chính xác: “Chúng tôi vất vả đi dọc theo bờ biển [Cơ-rết] và đến một nơi gọi là Cảng An Lành”. Ngay cả trong nơi ẩn náu của hòn đảo lớn, họ cũng rất khó khăn để điều khiển con thuyền. Nhưng cuối cùng, họ tìm thấy chỗ thả neo tại một vịnh nhỏ, được cho là thuộc về khu vực ngay trước khúc rẽ sang hướng bắc của bờ biển. Họ đã ở tại đó bao lâu? Lu-ca nói rằng “một thời gian khá lâu”, nhưng càng ở đó lâu thì việc ra khơi càng nguy hiểm. Vào tháng 9/tháng 10, việc đi lại bằng tàu thuyền sẽ có nhiều rủi ro hơn.—Công 27:8, 9.

11. Phao-lô đã cho những người trên thuyền lời khuyên nào, nhưng họ quyết định ra sao?

11 Một số hành khách có thể đã xin ý kiến của Phao-lô vì ông có kinh nghiệm đi lại trên Địa Trung Hải. Ông đề nghị không nên để thuyền tiếp tục ra khơi. Nếu đi tiếp, sẽ có “hư hại và tổn thất rất lớn”, thậm chí có thể mất mạng. Tuy nhiên, chủ tàu và người lái muốn tiếp tục đi, có lẽ vì cảm thấy cần phải nhanh chóng tìm một chỗ an toàn hơn. Họ thuyết phục Giu-lơ, và đa số người trên thuyền nghĩ rằng nên cố gắng đi đến Phê-nít, một cảng xa hơn dọc theo bờ biển. Ở đó có thể có một cảng lớn và tốt hơn để trú đông. Vì thế, khi một cơn gió nhẹ từ miền nam thổi đến, họ bị đánh lừa và cho thuyền ra khơi.—Công 27:10-13.

12. Sau khi rời Cơ-rết, con thuyền đối mặt với những mối nguy hiểm nào, và thủy thủ đoàn đã cố gắng làm gì để tránh thảm họa?

12 Rồi họ gặp phải tình huống nguy hiểm: “một trận cuồng phong” đến từ đông bắc. Trong một thời gian, họ trú sau “hòn đảo nhỏ gọi là Cau-đa” cách Cảng An Lành khoảng 65km. Nhưng con thuyền vẫn đối mặt với nguy cơ bị đẩy về phía nam cho đến khi vỡ nát thành từng mảnh vì đụng phải những bãi cát ngầm gần bờ biển châu Phi. Cuống cuồng tránh điều đó xảy ra, các thủy thủ kéo chiếc xuồng được buộc ở đuôi thuyền lên. Họ phải gắng sức làm thế rất có thể vì chiếc xuồng đó bị ngập nước. Rồi họ nỗ lực ràng chặt thân thuyền lại, dùng dây thừng hoặc xích luồn dưới con thuyền để giữ các mảnh thuyền lại với nhau. Họ cũng hạ dây buồm và ra sức giữ thuyền đi ngược hướng gió để vượt qua cơn bão. Hãy tưởng tượng nỗi khiếp sợ khi phải trải qua tình huống đó! Nhưng các nỗ lực của họ vẫn không đủ, con thuyền tiếp tục bị “tròng trành dữ dội vì gió bão”. Đến ngày thứ ba, họ quăng dụng cụ của thuyền xuống biển, có lẽ để giữ cho thuyền nổi.—Công 27:14-19.

13. Trong cơn bão, tình trạng trên thuyền của Phao-lô hẳn đã diễn ra như thế nào?

13 Chắc hẳn ai nấy đều khiếp sợ. Nhưng Phao-lô và các bạn đồng hành đã giữ vững lòng can đảm. Trước đây, Chúa Giê-su đã cam đoan với Phao-lô rằng ông sẽ làm chứng tại Rô-ma (Công 19:21; 23:11). Sau này, một thiên sứ đã xác nhận lại lời hứa ấy. Tuy nhiên, cơn bão vẫn gào thét dữ dội cả ngày lẫn đêm trong vòng hai tuần. Vì mưa xối xả và mây mù dày đặc che khuất mặt trời và các ngôi sao, người lái không thể xác định vị trí của con thuyền cũng như không biết nó đang trôi về đâu. Thậm chí một bữa ăn cũng không thể có được. Làm sao có thể nghĩ đến chuyện ăn uống khi đang đối mặt với cái lạnh, mưa bão, chứng say sóng và nỗi sợ hãi?

14, 15. (a) Khi nói với những người trên thuyền, tại sao Phao-lô đề cập đến lời cảnh báo trước đây của mình? (b) Chúng ta có thể học được điều gì từ thông điệp đầy hy vọng mà Phao-lô chia sẻ?

14 Phao-lô đứng dậy. Ông đề cập đến lời cảnh báo trước đây của mình, nhưng không phải theo kiểu: “Đã nói rồi mà không nghe”. Thay vì thế, những điều vừa xảy ra cho thấy lời nói của ông đáng được lưu ý. Tiếp theo, ông nói: “Bây giờ, tôi khuyên các anh hãy can đảm lên vì không ai thiệt mạng đâu, mà chỉ mất thuyền thôi” (Công 27:21, 22). Chắc chắn những lời này đã an ủi người nghe rất nhiều! Phao-lô hẳn cũng vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va đã cho ông một thông điệp đầy hy vọng để chia sẻ với những người trên thuyền. Việc Đức Giê-hô-va quan tâm đến mọi mạng sống trong nhân loại là điều rất quan trọng mà chúng ta cần phải nhớ. Tất cả mọi người đều có giá trị đối với ngài. Sứ đồ Phi-e-rơ đã viết: “Đức Giê-hô-va... chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt mà muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9). Vậy thì việc chúng ta nỗ lực chia sẻ thông điệp đầy hy vọng từ Đức Giê-hô-va cho càng nhiều người càng tốt thật khẩn cấp biết bao! Mạng sống quý giá của nhiều người đang lâm nguy.

15 Rất có thể Phao-lô đã rao giảng cho nhiều người trên thuyền về “hy vọng nơi lời Đức Chúa Trời hứa” (Công 26:6; Cô 1:5). Giờ đây, đứng trước nguy cơ bị đắm tàu, Phao-lô có thêm lý do mạnh mẽ để chia sẻ cho họ về hy vọng sống sót qua cơn bão. Ông nói: “Đêm qua, một thiên sứ của Đức Chúa Trời, đấng tôi thờ phượng... đã hiện ra đứng bên tôi nói rằng: ‘Hỡi Phao-lô, đừng sợ. Anh phải đứng trước mặt Sê-sa. Và này, vì anh mà Đức Chúa Trời sẽ cứu cả những người đi cùng thuyền với anh’”. Phao-lô khuyến khích họ: “Vậy, các anh hãy can đảm lên, vì tôi tin Đức Chúa Trời và tin rằng ngài sẽ làm y như điều tôi đã được báo. Tuy nhiên, chúng ta sẽ bị dạt vào một hòn đảo”.—Công 27:23-26.

“Mọi người đều vào bờ an toàn” (Công vụ 27:27-44)

“Ông... dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời trước mặt mọi người”.—Công vụ 27:35

16, 17. (a) Phao-lô đã nắm lấy cơ hội nào để cầu nguyện, và kết quả là gì? (b) Lời báo trước của Phao-lô đã trở thành hiện thực như thế nào?

16 Sau hai tuần hãi hùng, con thuyền đã bị dạt khoảng 870km; giờ đây, các thủy thủ nhận thấy có sự thay đổi, có lẽ họ nghe được tiếng sóng vỗ vào đất liền. Họ thả neo ở đuôi thuyền để tránh bị trôi và giúp hướng mũi thuyền về đất liền trong trường hợp có thể đưa thuyền vào bãi biển. Lúc này, họ tìm cách rời thuyền nhưng các quân lính ngăn cản. Phao-lô nói với viên sĩ quan và quân lính rằng: “Nếu những người ấy không ở lại trên thuyền thì các anh không thể được cứu”. Vì con thuyền đã vững vàng hơn nên Phao-lô thúc giục mọi người dùng bữa và đảm bảo một lần nữa rằng họ sẽ sống sót. Rồi ông “dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời trước mặt mọi người” (Công 27:31, 35). Khi dâng lời cầu nguyện cảm tạ, Phao-lô đã làm gương cho Lu-ca, A-ri-ta-cơ và các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay. Lời cầu nguyện trước mặt nhiều người của anh chị có mang lại sự an ủi và khích lệ không?

17 Sau lời cầu nguyện của Phao-lô, “mọi người đều vững lòng và bắt đầu ăn” (Công 27:36). Họ làm con thuyền nhẹ hơn bằng cách ném lúa mì xuống biển, điều này khiến cho con thuyền nổi cao hơn trên mặt nước để có thể tiến vào bờ. Khi trời sáng, các thủy thủ cắt dây neo, mở dây cột hai mái chèo ở đuôi thuyền, rồi kéo buồm ở mũi thuyền lên để lái vào bờ dễ dàng hơn. Nhưng phần mũi thuyền bị mắc cạn do một bãi cát ngầm và đuôi thuyền bị sóng đánh vỡ tan tành. Vài quân lính muốn giết các tù nhân để không ai có thể trốn thoát nhưng Giu-lơ đã cản họ. Ông bảo mọi người hãy bơi hoặc bám vào các mảnh gỗ để vào bờ. Những gì Phao-lô báo trước đã thành hiện thực: 276 người đều sống sót. Thật thế, “mọi người đều vào bờ an toàn”. Nhưng họ đang ở đâu?—Công 27:44.

“Rất đỗi nhân từ” (Công vụ 28:1-10)

18-20. Người dân đảo Man-ta đã bày tỏ lòng “rất đỗi nhân từ” như thế nào? Và Đức Chúa Trời đã thực hiện phép lạ nào qua Phao-lô?

18 Những người sống sót đang ở trên đảo Man-ta, phía nam Xi-xin. (Xem khung “ Vị trí đảo Man-ta”). Người dân trên đảo đối xử với họ “rất đỗi nhân từ” (Công 28:2). Họ đốt lửa cho những người khách lạ vừa đến bờ biển trong tình trạng ướt đẫm và run lẩy bẩy. Ngọn lửa giúp những người khách sưởi ấm trong cái lạnh và mưa. Nó cũng dẫn đến một phép lạ.

19 Phao-lô đã góp phần giúp đỡ người khác. Ông nhặt vài khúc củi để vào ngọn lửa. Ngay lúc đó, một con rắn độc xuất hiện và cắn ông, quấn chặt lấy bàn tay ông. Dân đảo Man-ta nghĩ rằng đó là một sự trừng phạt của thần thánh. a

20 Dân địa phương thấy Phao-lô bị cắn thì nghĩ rằng ông “sẽ bị sưng lên”. Theo một tài liệu tham khảo, từ này trong nguyên ngữ là một loại “thuật ngữ y học”. Việc “Lu-ca, người thầy thuốc yêu dấu” nghĩ đến một từ như thế không có gì đáng ngạc nhiên (Công 28:6; Cô 4:14). Dù sao đi nữa, Phao-lô vẩy con rắn độc vào lửa mà không hề hấn gì.

21. (a) Chúng ta thấy một số thí dụ nào về sự chính xác trong phần tường thuật này của Lu-ca? (b) Phao-lô đã thực hiện phép lạ nào, và điều này ảnh hưởng ra sao đến dân đảo Man-ta?

21 Một chủ đất giàu có tên là Búp-li-u sống trong vùng đó. Có thể ông là viên chức La Mã đứng đầu đảo. Lu-ca miêu tả ông là “quan cai” của đảo, tước hiệu giống y như thế được tìm thấy trên hai dòng chữ khắc của người Man-ta. Ông đã niềm nở tiếp đãi Phao-lô và các bạn đồng hành trong ba ngày. Tuy nhiên, cha của Búp-li-u bị bệnh. Một lần nữa, Lu-ca đã miêu tả bệnh tình một cách tỉ mỉ. Ông viết rằng cha Búp-li-u “bị sốt và kiết lỵ”, là những từ rất chính xác về mặt y khoa. Phao-lô cầu nguyện và đặt tay trên cha Búp-li-u thì ông được chữa lành. Ấn tượng sâu sắc trước phép lạ này, dân địa phương mang những người bệnh khác đến để Phao-lô chữa lành, và họ cũng đem quà đến để chu cấp cho Phao-lô và các bạn đồng hành của ông.—Công 28:7-10.

22. (a) Một giáo sư đã khen ngợi lời tường thuật của Lu-ca về chuyến đi Rô-ma như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương kế tiếp?

22 Chúng ta vừa xem một phần trong chuyến hành trình của Phao-lô và nó vô cùng chính xác và chân thật. Một giáo sư phát biểu: “Lời tường thuật của Lu-ca... rất nổi bật, là một trong những phần miêu tả sống động nhất của toàn bộ Kinh Thánh. Chi tiết liên quan đến nghệ thuật đi biển vào thế kỷ thứ nhất quá rõ ràng và cách miêu tả tình trạng của phía đông Địa Trung Hải thì quá chính xác [đến nỗi lời tường thuật đó hẳn phải dựa trên một nhật ký hành trình]”. Có thể Lu-ca đã thực hiện những ghi chú như thế khi cùng đi với sứ đồ Phao-lô. Nếu thế thì phần tiếp theo của chuyến đi sẽ cho ông nhiều điều để ghi chép. Chuyện gì sẽ xảy ra cho Phao-lô khi họ đến Rô-ma? Chúng ta hãy xem.

a Việc dân đảo biết về loại rắn này chứng tỏ trước đây chúng đã từng có mặt trên đảo. Thời nay, người ta không tìm thấy loài rắn độc đó trên đảo Man-ta. Có lẽ vì môi trường đã thay đổi sau nhiều thế kỷ hoặc sự gia tăng dân số trên hòn đảo đã triệt tiêu chúng.