Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 11

“Được tràn đầy sự vui mừng và thần khí thánh”

“Được tràn đầy sự vui mừng và thần khí thánh”

Gương của Phao-lô khi đối mặt với những người thù ghét và không hưởng ứng

Dựa trên Công vụ 13:1-52

1, 2. Chuyến đi sắp tới của Ba-na-ba và Sau-lơ có điểm gì đặc biệt, và công việc của họ giúp làm ứng nghiệm Công vụ 1:8 ra sao?

 Đó là một ngày hào hứng đối với hội thánh tại An-ti-ốt. Trong số các tiên tri và thầy dạy ở đó thì chỉ có Ba-na-ba và Sau-lơ được thần khí thánh chọn để mang tin mừng đến những nơi xa xôi a (Công 13:1, 2). Đúng là trước đó đã có những người nam hội đủ điều kiện được phái đi, nhưng trong quá khứ, các giáo sĩ chỉ đi đến những vùng mà đạo Đấng Ki-tô đã bén rễ (Công 8:14; 11:22). Lần này, Ba-na-ba và Sau-lơ, cùng với người phụ giúp là Giăng Mác được phái đến những xứ mà hầu hết dân cư chưa biết đến tin mừng.

2 Khoảng 14 năm trước, Chúa Giê-su đã nói với các môn đồ: “Anh em sẽ làm chứng về tôi tại Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Việc bổ nhiệm Ba-na-ba và Sau-lơ làm giáo sĩ sẽ giúp lời tiên tri của Chúa Giê-su được ứng nghiệm! b

“Biệt riêng... để làm một việc” (Công vụ 13:1-12)

3. Vào thời thế kỷ thứ nhất, điều gì khiến những chuyến đi xa trở nên khó khăn?

3 Ngày nay, nhờ những phát minh như xe cộ và máy bay, người ta có thể đi những chặng đường xa mà chỉ mất một hoặc hai giờ. Nhưng thời thế kỷ thứ nhất thì không như thế. Thời đó, cách di chuyển chính bằng đường bộ là đi bộ, thường là trên những địa hình gồ ghề. Cả ngày đường có lẽ chỉ đi được khoảng 30km, thật là mệt nhọc! c Vì thế, dù Ba-na-ba và Sau-lơ hẳn rất háo hức với nhiệm vụ mới của mình, nhưng chắc chắn họ biết nhiệm vụ ấy đòi hỏi nhiều nỗ lực và tinh thần hy sinh.—Mat 16:24.

4. (a) Chỉ thị chọn Ba-na-ba và Sau-lơ đến từ đâu, và các anh em đồng đạo đã phản ứng thế nào trước sự bổ nhiệm ấy? (b) Chúng ta có thể ủng hộ những người được giao nhiệm vụ trong tổ chức bằng cách nào?

4 Nhưng tại sao thần khí thánh ra chỉ thị cụ thể là biệt riêng Ba-na-ba và Sau-lơ để “làm một việc”? (Công 13:2). Kinh Thánh không cho biết. Chúng ta chỉ biết rằng thần khí thánh đã hướng dẫn việc chọn hai người ấy. Không có lời tường thuật nào cho thấy các tiên tri và thầy dạy ở An-ti-ốt bất đồng với quyết định đó. Trái lại, họ hết lòng ủng hộ sự bổ nhiệm ấy. Hãy tưởng tượng cảm nghĩ của Ba-na-ba và Sau-lơ khi thấy anh em đồng đạo kiêng ăn, cầu nguyện, ‘đặt tay trên họ rồi phái hai người đi’ mà không hề ghen tị (Công 13:3). Chúng ta cũng nên ủng hộ những người được giao nhiệm vụ trong tổ chức, kể cả những anh được bổ nhiệm làm giám thị trong hội thánh. Thay vì ghen tị với những người có đặc ân ấy, chúng ta nên “hết mực yêu thương, quý trọng họ vì công việc của họ”.—1 Tê 5:13.

5. Hãy miêu tả những chi tiết liên quan đến chuyến rao giảng ở đảo Síp.

5 Sau khi đi bộ đến Sê-lơ-xi, một hải cảng gần An-ti-ốt, Ba-na-ba và Sau-lơ đi thuyền đến đảo Síp, đó là chuyến hải trình khoảng 200km. d Là dân đảo Síp, chắc chắn Ba-na-ba rất nóng lòng mang tin mừng về quê nhà. Khi đến Sa-la-min, một thành phố nằm ở bờ biển phía đông của đảo, họ không để phí thời gian mà ngay lập tức “bắt đầu công bố lời Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Do Thái” e (Công 13:5). Ba-na-ba và Sau-lơ đi từ đầu này đến đầu kia của đảo Síp, rất có thể họ đã rao giảng ở những thành trọng điểm trên đường đi. Tùy theo tuyến đường, các giáo sĩ này có lẽ đã đi bộ khoảng 160km!

6, 7. (a) Sê-giút Phau-lút là ai, và tại sao Ba-giê-su cố khuyên can ông đừng nghe tin mừng? (b) Sau-lơ đã vô hiệu hóa sự chống đối của Ba-giê-su như thế nào?

6 Đảo Síp thời thế kỷ thứ nhất đầy dẫy sự thờ phượng sai lầm. Điều này đặc biệt thấy rõ khi Ba-na-ba và Sau-lơ đến Ba-phô, thuộc miền duyên hải phía tây của đảo. Ở đó, họ gặp “Ba-giê-su, là thuật sĩ và kẻ tiên tri giả”. Và ông ta “luôn kề cận với thống đốc Sê-giút Phau-lút, là một người thông minh”. f Vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người La Mã thuộc giới trí thức, ngay cả “một người thông minh” như Sê-giút Phau-lút, thường nhờ thuật sĩ hoặc nhà chiêm tinh giúp quyết định những việc quan trọng. Tuy nhiên, Sê-giút Phau-lút chú ý đến thông điệp Nước Trời và “rất muốn nghe về lời Đức Chúa Trời”. Điều này không vừa ý Ba-giê-su, thường được biết đến qua danh xưng Ê-ly-ma, nghĩa là “thuật sĩ”.—Công 13:6-8.

7 Ba-giê-su chống đối thông điệp Nước Trời. Thật thế, cách duy nhất giúp ông giữ vị thế có uy tín với tư cách người cố vấn của Sê-giút Phau-lút là “ngăn cản thống đốc để người không tin đạo” (Công 13:8). Nhưng Sau-lơ không để một thầy pháp triều đình đánh lạc hướng sự chú ý của Sê-giút Phau-lút. Vậy Sau-lơ làm gì? Lời tường thuật cho biết: “Sau-lơ, còn gọi là Phao-lô, được tràn đầy thần khí thánh, nhìn thẳng vào mặt ông ta [Ba-giê-su] và nói: ‘Hỡi kẻ đầy dẫy sự lừa đảo và độc ác, ngươi là con của Ác Quỷ, là kẻ thù của mọi điều công chính, ngươi có ngưng làm cong vẹo các đường lối ngay thẳng của Đức Giê-hô-va hay không? Này, tay của Đức Giê-hô-va giáng trên ngươi, ngươi sẽ bị mù, không thấy ánh sáng một thời gian’. Ngay lập tức, ông thấy mắt mình mờ đi rồi tối đen, ông dò dẫm xung quanh tìm người dắt mình”. g Sự kiện lạ lùng này mang lại kết quả nào? “Khi thống đốc thấy chuyện đó thì tin Chúa, vì người rất kinh ngạc trước sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va”.—Công 13:9-12.

Như Phao-lô, chúng ta can đảm bênh vực sự thật khi gặp chống đối

8. Thời nay chúng ta có thể noi gương dạn dĩ của Phao-lô như thế nào?

8 Phao-lô không tỏ ra sợ hãi Ba-giê-su. Tương tự thế, chúng ta không nên run sợ khi những người chống đối cố hủy hoại đức tin của người quan tâm đến thông điệp Nước Trời. Dĩ nhiên lời nói của chúng ta nên “luôn hòa nhã, được nêm thêm muối” (Cô 4:6). Dù vậy, chúng ta không muốn đánh mất lợi ích tâm linh của một người quan tâm đến Kinh Thánh, chỉ vì muốn tránh xung đột. Chúng ta cũng không nên vì sợ hãi mà không vạch trần tôn giáo sai lầm, tức những tôn giáo đang “làm cong vẹo các đường lối ngay thẳng của Đức Giê-hô-va” như Ba-giê-su đã làm (Công 13:10). Như Phao-lô, mong sao chúng ta dạn dĩ rao truyền sự thật và thu hút sự chú ý của người có lòng thành thật. Dù không có sự trợ giúp rõ ràng từ Đức Chúa Trời như trong trường hợp của Phao-lô, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng ngài sẽ dùng thần khí thánh để kéo những người xứng đáng đến với chân lý.—Giăng 6:44.

‘Lời để khích lệ’ (Công vụ 13:13-43)

9. Phao-lô và Ba-na-ba nêu gương mẫu nào cho những người dẫn đầu trong hội thánh ngày nay?

9 Rất có thể đã có sự thay đổi khi những tín đồ ấy rời Ba-phô và đi thuyền đến Bẹt-ga, thuộc miền duyên hải Tiểu Á, khoảng 250km đường thủy. Công vụ 13:13 miêu tả nhóm người ấy bằng cụm từ “Phao-lô cùng các bạn đồng hành”. Cách nói như thế cho thấy Phao-lô giờ đây dẫn đầu hoạt động của cả nhóm. Tuy nhiên, không có chi tiết nào cho thấy Ba-na-ba sinh lòng ghen tị với Phao-lô. Trái lại, họ luôn hợp tác với nhau để thực thi ý muốn Đức Chúa Trời. Phao-lô và Ba-na-ba nêu gương mẫu tốt cho những người dẫn đầu trong hội thánh ngày nay. Thay vì tranh giành tiếng tăm, tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhớ những lời này của Chúa Giê-su: “Tất cả đều là anh em”, và “Ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.—Mat 23:8, 12.

10. Hãy miêu tả cuộc hành trình từ Bẹt-ga đến An-ti-ốt xứ Bi-si-đi.

10 Đến Bẹt-ga, Giăng Mác rời Phao-lô và Ba-na-ba mà trở về Giê-ru-sa-lem. Kinh Thánh không cho biết lý do ông đột ngột rút lui. Phao-lô và Ba-na-ba tiếp tục đi từ Bẹt-ga đến An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, một thành phố của tỉnh Ga-la-ti. Đây không phải là cuộc hành trình dễ dàng, vì thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi cao hơn mặt biển khoảng 1.100m. Chặng đường núi non hiểm trở này cũng nổi tiếng là nơi có đầy kẻ cướp. Chưa hết, lúc ấy Phao-lô dường như cũng đang gặp vấn đề về sức khỏe. h

11, 12. Khi giảng tại nhà hội ở An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, Phao-lô đã thu hút sự chú ý của cử tọa bằng cách nào?

11 Ở An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, Phao-lô và Ba-na-ba vào nhà hội trong ngày Sa-bát. Lời tường thuật cho biết: “Sau phần đọc Luật pháp và sách của các nhà tiên tri trước công chúng, những người cai quản nhà hội sai người nói với họ: ‘Thưa các anh, nếu có lời gì để khích lệ dân chúng, xin hãy nói’” (Công 13:15). Phao-lô đứng lên giảng.

12 Phao-lô nhập đề bằng cách nói với cử tọa: “Hỡi người Y-sơ-ra-ên và những người kính sợ Đức Chúa Trời” (Công 13:16). Cử tọa của ông gồm người Do Thái và người cải đạo Do Thái. Làm sao ông thu hút sự chú ý của nhóm cử tọa này, là những người chưa nhận biết vai trò của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Chúa Trời? Trước tiên, Phao-lô tóm lược lịch sử dân Do Thái. Ông cho biết Đức Giê-hô-va đã “nâng họ lên trong thời gian họ sống tại xứ Ai Cập như những ngoại kiều” như thế nào, và sau khi giải thoát họ thì ngài đã “chịu đựng họ khoảng 40 năm trong hoang mạc” ra sao. Ông cũng tường thuật làm sao dân Y-sơ-ra-ên chiếm được Đất Hứa và Đức Giê-hô-va đã “giao đất của các dân đó cho họ làm phần thừa kế” như thế nào (Công 13:17-19). Có ý kiến cho rằng Phao-lô có lẽ đã nhắc đến một số câu Kinh Thánh vừa được đọc lớn tiếng, tức một phần của việc giữ ngày Sa-bát. Nếu vậy, đây là một thí dụ khác cho thấy Phao-lô biết cách để “trở nên mọi cách cho mọi loại người”.—1 Cô 9:22.

13. Làm sao chúng ta có thể động đến lòng người nghe?

13 Chúng ta cũng nên cố gắng thu hút sự chú ý của những người mình rao giảng. Chẳng hạn, biết được tôn giáo của một người sẽ giúp chúng ta chọn đề tài khiến người đó đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, chúng ta có thể trích dẫn những đoạn Kinh Thánh mà người đó có lẽ biết. Mời đọc trực tiếp trong Kinh Thánh của người ấy cũng là cách hữu hiệu. Hãy tìm cách để động đến lòng người nghe.

14. (a) Phao-lô giới thiệu tin mừng về Chúa Giê-su bằng cách nào, và ông đưa ra lời cảnh báo nào? (b) Dân chúng phản ứng ra sao trước lời giảng của Phao-lô?

14 Kế tiếp, Phao-lô nói về các đời vua Y-sơ-ra-ên dẫn đến ‘đấng cứu rỗi là Chúa Giê-su’, và Giăng Báp-tít là người dọn đường cho đấng ấy. Sau đó, Phao-lô miêu tả Chúa Giê-su đã chịu chết và được sống lại như thế nào (Công 13:20-37). Ông nói: “Vậy, anh em hãy biết rằng sự tha thứ tội lỗi qua đấng ấy đang được công bố cho anh em,… hễ ai tin sẽ được tuyên bố là vô tội”. Rồi sứ đồ này cũng cảnh báo người nghe rằng: “Hãy cẩn thận, để điều sau đây trong sách của các nhà tiên tri không xảy đến cho anh em: ‘Hỡi những kẻ hay khinh thường, hãy xem, hãy kinh ngạc và tiêu vong, vì ta đang làm một việc trong đời các ngươi, một việc mà dù có người kể lại chi tiết, các ngươi cũng không bao giờ tin’”. Phản ứng của họ trước lời giảng của Phao-lô thật đáng ngạc nhiên. Kinh Thánh tường thuật: “Dân chúng nài nỉ hai người nói về những điều đó trong ngày Sa-bát kế tiếp”. Ngoài ra, sau buổi nhóm tại nhà hội, có “nhiều người Do Thái và người cải đạo Do Thái đi theo Phao-lô và Ba-na-ba”.—Công 13:38-43.

“Chúng tôi đến với dân ngoại” (Công vụ 13:44-52)

15. Chuyện gì xảy ra sau bài giảng của Phao-lô trong ngày Sa-bát?

15 Vào ngày Sa-bát kế tiếp, “hầu như cả thành” đều nhóm lại nghe Phao-lô giảng. Điều này khiến một số người Do Thái không hài lòng, họ “cãi trả nhằm phỉ báng lời giảng của Phao-lô”. Ông và Ba-na-ba can đảm nói với họ: “Lời Đức Chúa Trời phải được rao truyền cho anh em trước hết. Nhưng vì anh em bác bỏ lời ấy và chứng tỏ mình không xứng đáng với sự sống vĩnh cửu, nên chúng tôi đến với dân ngoại. Đức Giê-hô-va đã phán dặn chúng tôi qua những lời này: ‘Ta bổ nhiệm ngươi làm ánh sáng của các nước để ngươi trở thành ơn cứu rỗi cho đến tận cùng đất’”.—Công 13:44-47; Ê-sai 49:6.

“Họ xúi giục người ta ngược đãi Phao-lô và Ba-na-ba... Còn các môn đồ tiếp tục được tràn đầy sự vui mừng và thần khí thánh”.—Công vụ 13:50-52

16. Người Do Thái phản ứng thế nào trước lời nói mạnh mẽ của Phao-lô và Ba-na-ba? Các giáo sĩ này phản ứng ra sao trước sự chống đối?

16 Những người dân ngoại trong cử tọa đều vui mừng, “tất cả những ai có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu đều tin Chúa” (Công 13:48). Lời Đức Giê-hô-va nhanh chóng lan khắp xứ, nhưng phản ứng của người Do Thái lại khác. Thật thế, các giáo sĩ nói với người Do Thái rằng dù lời Đức Chúa Trời đã được rao truyền cho họ trước, nhưng họ quyết định không chấp nhận Đấng Mê-si nên sẽ bị Đức Chúa Trời kết án. Những người Do Thái đó kích động các phụ nữ có thế lực và người có chức quyền, “họ xúi giục người ta ngược đãi Phao-lô và Ba-na-ba rồi đuổi hai người ra khỏi địa phận của họ”. Phao-lô và Ba-na-ba phản ứng thế nào? Họ “giũ bụi nơi chân mình rồi đi đến Y-cô-ni”. Như thế có phải là đạo Đấng Ki-tô không còn tồn tại ở An-ti-ốt xứ Bi-si-đi không? Chắc chắn không! Các môn đồ ở lại “tiếp tục được tràn đầy sự vui mừng và thần khí thánh”.—Công 13:50-52.

17-19. Chúng ta có thể noi gương Phao-lô và Ba-na-ba qua những cách nào, và làm sao điều đó giúp chúng ta có thêm niềm vui?

17 Chúng ta rút ra một bài học quý giá qua cách những người trung thành ấy phản ứng trước sự chống đối. Chúng ta không bao giờ ngưng rao giảng, ngay cả khi những người quyền thế trên thế gian này cố ngăn cản chúng ta công bố thông điệp của mình. Cũng hãy để ý rằng khi dân thành An-ti-ốt không chấp nhận thông điệp của Phao-lô và Ba-na-ba, hai người đã “giũ bụi nơi chân mình”. Đây không phải là hành động thể hiện sự tức giận, nhưng là hành động cho thấy họ không chịu trách nhiệm. Các giáo sĩ ấy nhận biết họ không thể kiểm soát phản ứng của người khác. Điều họ có thể kiểm soát là việc tiếp tục rao giảng. Và họ đã làm thế khi đi tiếp đến Y-cô-ni!

18 Còn các môn đồ ở lại An-ti-ốt thì sao? Đành rằng họ ở trong khu vực có nhiều người thù ghét. Nhưng niềm vui của họ không tùy thuộc vào sự hưởng ứng của người nghe. Chúa Giê-su từng nói: “Hạnh phúc cho những người nghe và giữ lời Đức Chúa Trời!” (Lu 11:28). Đó chính là điều các môn đồ ở An-ti-ốt xứ Bi-si-đi cương quyết làm.

19 Như Phao-lô và Ba-na-ba, mong sao chúng ta luôn nhớ rằng trách nhiệm của mình là rao giảng tin mừng. Quyết định chấp nhận hay từ chối thông điệp ấy hoàn toàn tùy thuộc nơi người nghe. Nếu người chúng ta rao giảng có vẻ không hưởng ứng, chúng ta có thể học theo gương của các môn đồ thời thế kỷ thứ nhất. Bằng cách quý trọng chân lý và làm theo sự hướng dẫn của thần khí thánh, chúng ta cũng được vui mừng, ngay cả khi đương đầu với sự chống đối.—Ga 5:18, 22.

b Vào thời điểm này đã có các hội thánh ở tận thành An-ti-ốt xứ Sy-ri, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 550km về phía bắc.

c Xem khung “ Đường bộ”.

d Vào thời thế kỷ thứ nhất, thuyền có thể đi khoảng 160km trong một ngày khi thuận chiều gió, còn nếu gặp điều kiện bất lợi thì mất nhiều thời gian hơn.

f Đảo Síp nằm dưới quyền cai trị của Thượng viện La Mã. Người chịu trách nhiệm chính trên đảo là một quan chức cấp tỉnh, với cấp bậc thống đốc.

g Kể từ thời điểm này, Sau-lơ được nhắc đến với tên gọi Phao-lô. Một số ý kiến cho rằng ông chuyển sang dùng tên La Mã để thể hiện lòng kính trọng Sê-giút Phau-lút. Tuy nhiên, vì ông giữ lại tên gọi Phao-lô ngay cả sau khi rời khỏi đảo Síp nên có một giả thuyết khác: Phao-lô, “sứ đồ được phái đến với dân ngoại”, đã quyết định từ đó trở đi dùng tên La Mã của ông. Cũng có lẽ ông dùng tên Phao-lô vì người Hy Lạp phát âm tên tiếng Do Thái của ông, Sau-lơ, rất giống một từ mang nghĩa xấu trong tiếng Hy Lạp.—Rô 11:13.

h Trong thư gửi các tín đồ ở Ga-la-ti nhiều năm sau, Phao-lô viết: “Bởi một căn bệnh mà tôi đã có cơ hội đầu tiên để công bố tin mừng cho anh em”.—Ga 4:13.