Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 7

“Hãy xem xét kỹ gương đấng đã chịu đựng”

“Hãy xem xét kỹ gương đấng đã chịu đựng”

1-3. (a) Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-su đau buồn đến mức nào, và tại sao? (b) Chúng ta có thể nói gì về gương chịu đựng của Chúa Giê-su, và những câu hỏi nào được nêu lên?

 Áp lực đè nặng. Chúa Giê-su chưa bao giờ chịu nỗi đau về cảm xúc lẫn tinh thần đến như vậy. Ngài đang trải qua những giờ cuối cùng của đời sống trên đất. Chúa Giê-su và các sứ đồ đến một nơi quen thuộc, vườn Ghết-sê-ma-nê. Ngài thường xuyên gặp họ ở đây. Thế nhưng, đêm nay ngài cần chút thời gian một mình. Rời các sứ đồ, Chúa Giê-su đi sâu vào vườn, quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện. Trong lúc đau buồn tột độ, ngài càng cầu nguyện tha thiết, mồ hôi ngài “như những giọt máu rơi xuống đất”.—Lu-ca 22:39-44.

2 Tại sao Chúa Giê-su căng thẳng đến thế? Có phải vì ngài biết mình sắp phải chịu đựng nỗi đau tột cùng về thể chất? Không, ngài đang trăn trở về những điều quan trọng hơn. Ngài quan tâm sâu xa đến danh Cha và hiểu rằng tương lai của nhân loại phụ thuộc vào việc ngài giữ lòng trung thành. Chúa Giê-su biết việc ngài chịu đựng quan trọng như thế nào. Nếu bỏ cuộc, ngài sẽ khiến danh Đức Giê-hô-va bị sỉ nhục. Nhưng ngài đã không làm thế. Trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày hôm đó, đấng đã nêu một gương xuất sắc nhất về sự chịu đựng vui mừng thốt lên: “Mọi việc đã hoàn tất”!—Giăng 19:30.

3 Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Hãy xem xét kỹ gương đấng [Chúa Giê-su] đã chịu đựng” (Hê-bơ-rơ 12:3). Vì thế, một số câu hỏi quan trọng được nêu lên: “Chúa Giê-su đã chịu đựng những thử thách nào? Điều gì đã giúp ngài chịu đựng? Làm thế nào chúng ta có thể noi gương ngài?”. Tuy nhiên, trước khi giải đáp những câu hỏi này, chúng ta hãy xem tính chịu đựng bao hàm điều gì.

Chịu đựng là gì?

4, 5. (a) “Chịu đựng” là gì? (b) Minh họa nào cho thấy sự chịu đựng bao hàm nhiều hơn là chỉ trải qua khó khăn mình không thể tránh?

4 Tất cả chúng ta đều “phải chịu khốn khổ bởi mọi loại thử thách” (1 Phi-e-rơ 1:6). Phải chăng trải qua thử thách có nghĩa là chịu đựng? Không. Từ Hy Lạp được dịch là “sự chịu đựng” có nghĩa là “khả năng chống chịu hoặc bám trụ được khi gặp gian nan”. Về loại chịu đựng mà những người viết Kinh Thánh nói đến, một học giả giải thích: “Đó là tinh thần có thể gánh chịu mọi sự, không chỉ với sự cam chịu, mà còn với hy vọng sáng ngời... Đó là đức tính giúp một người đứng vững trước phong ba bão táp. Đó là phẩm chất có thể biến thử thách cam go nhất thành vinh quang vì nó giúp một người chú tâm đến thành quả thay vì nỗi đau hiện tại”.

5 Vậy, chịu đựng không chỉ là trải qua khó khăn mình không thể tránh. Theo nghĩa được dùng trong Kinh Thánh, chịu đựng bao gồm sự kiên định, giữ thái độ đúng và tinh thần lạc quan khi đối mặt với thử thách. Hãy xem minh họa sau: Hai người đàn ông bị ngồi tù vì nguyên nhân khác nhau. Một người là tội phạm, cam chịu ngồi tù với nỗi phẫn uất và buồn bã lộ rõ trên gương mặt. Người kia là tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính bị ngồi tù vì giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Anh kiên định và giữ thái độ tích cực vì nhận thấy đây là cơ hội để thể hiện đức tin. Chắc chắn, tên tội phạm không thể được xem là gương mẫu về sự chịu đựng, trong khi người tín đồ trung thành là gương điển hình về đức tính quý báu này.—Gia-cơ 1:2-4.

6. Chúng ta vun trồng tính chịu đựng như thế nào?

6 Chịu đựng là điều cần thiết giúp chúng ta nhận được sự cứu rỗi (Ma-thi-ơ 24:13). Tuy nhiên, đức tính này không phải là khả năng bẩm sinh, nhưng chúng ta phải vun trồng. Như thế nào? Rô-ma 5:3 cho biết: “Hoạn nạn sinh ra tính chịu đựng”. Đúng vậy, nếu thật lòng muốn vun trồng tính chịu đựng, chúng ta không nên tránh né các thử thách về đức tin. Thay vì thế, chúng ta phải đối đầu với chúng. Nếu mỗi ngày đối mặt và vượt qua những thử thách lớn và nhỏ, chúng ta sẽ có tính chịu đựng. Sau mỗi lần vượt qua thử thách, chúng ta sẽ được củng cố và sẵn sàng cho thử thách kế tiếp. Dĩ nhiên, chúng ta không thể vun trồng tính chịu đựng bằng sức riêng. Chúng ta cần tiếp tục ‘nhờ sức Đức Chúa Trời ban’ (1 Phi-e-rơ 4:11). Để giúp chúng ta đứng vững, ngài ban sự trợ giúp tốt nhất, đó là gương mẫu của Con ngài. Hãy xem xét kỹ hơn gương chịu đựng hoàn hảo của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su đã chịu đựng điều gì?

7, 8. Khi gần kết thúc đời sống trên đất, Chúa Giê-su đã chịu đựng những gì?

7 Khi gần kết thúc đời sống trên đất, Chúa Giê-su đã bị đối xử tàn bạo hết lần này đến lần khác. Bên cạnh áp lực nặng nề về mặt tinh thần, hẳn ngài còn cảm thấy thất vọng cũng như bị sỉ nhục. Chúa Giê-su đã bị một môn đồ thân cận phản bội, bị những người bạn thân nhất từ bỏ. Ngài cũng bị xét xử trong một phiên tòa bất hợp pháp, tại đó các thành viên của tòa án tối cao trong nước nhạo báng, phỉ nhổ và đấm ngài. Dù vậy, Chúa Giê-su đã kiên cường chịu đựng tất cả.—Ma-thi-ơ 26:46-49, 56, 59-68.

8 Trong những giờ cuối cùng, Chúa Giê-su đã chịu sự đau đớn tột độ về thể xác. Một tài liệu y khoa nói hình thức đánh đập được dùng để tra tấn ngài gây ra “những vết lằn sâu và mất một lượng máu đáng kể”. Ngài bị đóng đinh, hành hình theo cách khiến ngài phải “chết từ từ trong cơn đau đớn khôn cùng”. Hãy hình dung Chúa Giê-su đau đớn thế nào khi những chiếc đinh lớn được đóng thấu qua hai bàn tay và bàn chân ngài, siết ngài vào cây cột (Giăng 19:1, 16-18). Hãy tưởng tượng nỗi đau ghê gớm mà Chúa Giê-su phải chịu khi cây cột được dựng lên, cả trọng lượng cơ thể ngài treo trên những cái đinh và lưng ngài bị cây cột cào xước. Ngoài nỗi đau về thể chất, ngài còn chịu áp lực nặng nề về mặt tinh thần, như miêu tả ở đầu chương.

9. Việc vác “cây khổ hình” và theo Chúa Giê-su bao hàm điều gì?

9 Là môn đồ Đấng Ki-tô, có thể chúng ta phải chịu đựng điều gì? Chúa Giê-su nói: ‘Nếu ai muốn làm môn đồ tôi thì phải vác cây khổ hình mình và luôn theo tôi’ (Ma-thi-ơ 16:24). Cụm từ “cây khổ hình” được dùng theo nghĩa bóng, nói đến sự đau khổ, sỉ nhục, thậm chí là sự chết. Bước theo Đấng Ki-tô không phải là điều dễ dàng. Tiêu chuẩn của tín đồ đạo Đấng Ki-tô làm chúng ta khác biệt. Thế gian này ghét chúng ta vì chúng ta không thuộc về nó (Giăng 15:18-20; 1 Phi-e-rơ 4:4). Bất chấp những khó khăn ấy, chúng ta vẫn tình nguyện vác cây khổ hình. Chúng ta thà chịu khổ, thậm chí chết, còn hơn từ bỏ việc noi theo Đấng Gương Mẫu.—2 Ti-mô-thê 3:12.

10-12. (a) Tại sao sự bất toàn của những người xung quanh là một thử thách đối với sự chịu đựng của Chúa Giê-su? (b) Chúa Giê-su phải chịu đựng một số hoàn cảnh nào?

10 Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su gặp nhiều thử thách khác đến từ sự bất toàn của những người xung quanh. Hãy nhớ ngài từng là “thợ cả”, được Đức Giê-hô-va dùng để tạo ra trái đất và mọi loài sống trên đó (Châm ngôn 8:22-31). Vì thế, Chúa Giê-su biết ý định của Đức Giê-hô-va là nhân loại phản ánh những đức tính của Cha và tận hưởng cuộc sống với sức khỏe hoàn hảo (Sáng thế 1:26-28). Khi ở trên đất, Chúa Giê-su thấy những hậu quả tai hại của tội lỗi từ góc nhìn của một con người, với tình cảm và cảm xúc của con người. Hẳn ngài rất đau lòng khi thấy mức độ xuống cấp của con người so với sự hoàn hảo ban đầu của A-đam và Ê-va! Đây là một thử thách đối với sự chịu đựng của Chúa Giê-su. Ngài có nản lòng và bỏ cuộc, cho rằng loài người tội lỗi là vô phương cứu chữa không? Chúng ta hãy xem.

11 Sự thờ ơ của dân Do Thái khiến Chúa Giê-su đau lòng đến nỗi ngài đã khóc. Ngài có để cho thái độ của họ làm ngài giảm đi lòng sốt sắng và ngưng rao giảng? Không. Thay vì thế, “hằng ngày ngài vẫn dạy dỗ trong đền thờ” (Lu-ca 19:41-44, 47). Ngài rất đau buồn về sự chai lì, vô cảm của người Pha-ri-si, là những người theo dõi xem ngài có chữa bệnh cho một người đàn ông trong ngày Sa-bát không để bắt tội ngài. Ngài có để cho những kẻ tự cho mình là công chính làm ngài run sợ? Hiển nhiên không! Chúa Giê-su đã kiên định và chữa khỏi bệnh cho người ấy ngay tại trung tâm của nhà hội!—Mác 3:1-5.

12 Hẳn một điều khác đã gây khó khăn cho Chúa Giê-su là khuyết điểm của các môn đồ thân cận nhất. Như nói đến trong chương 3, họ luôn muốn được nổi trội (Ma-thi-ơ 20:20-24; Lu-ca 9:46). Chúa Giê-su đã khuyên họ nhiều lần về việc họ cần khiêm nhường (Ma-thi-ơ 18:1-6; 20:25-28). Thế nhưng, họ chậm tiến bộ. Trong đêm cuối ngài ở với họ, “họ cũng cãi nhau dữ dội xem ai lớn nhất trong vòng họ”! (Lu-ca 22:24). Chúa Giê-su có bỏ cuộc và cho rằng các sứ đồ không thể thay đổi? Không. Ngài luôn kiên nhẫn, giữ cái nhìn tích cực và hy vọng ở họ, tiếp tục tìm điểm tốt nơi họ. Ngài biết, trong lòng họ yêu thương Đức Giê-hô-va và thật sự muốn làm theo ý muốn của Cha ngài.—Lu-ca 22:25-27.

Chúng ta để cho sự chống đối làm mình nản lòng hay tiếp tục sốt sắng rao giảng?

13. Chúng ta có thể gặp những thử thách nào tương tự như Chúa Giê-su?

13 Có thể chúng ta phải gặp những thử thách tương tự như Chúa Giê-su. Chẳng hạn, khi rao giảng thông điệp Nước Trời, chúng ta có thể gặp những người thờ ơ, ngay cả chống đối. Chúng ta để cho những phản ứng tiêu cực ấy làm mình nản lòng hay tiếp tục sốt sắng rao giảng? (Tít 2:14). Đôi khi, sự bất toàn của anh em đồng đạo cũng có thể là thử thách đối với chúng ta. Một lời nói hoặc hành động thiếu suy xét có thể làm chúng ta bị tổn thương (Châm ngôn 12:18). Vậy, chúng ta để cho những thiếu sót của anh em khiến mình từ bỏ họ hay tiếp tục chịu đựng và tìm điểm tốt nơi họ?—Cô-lô-se 3:13.

Điều gì giúp Chúa Giê-su chịu đựng?

14. Hai yếu tố nào đã giúp Chúa Giê-su đứng vững?

14 Điều gì giúp Chúa Giê-su đứng vững và giữ lòng trung kiên bất kể sự sỉ nhục, nỗi thất vọng và đau đớn? Có hai yếu tố chính đã giúp ngài. Thứ nhất, Chúa Giê-su hướng lên cao, cầu xin “Đức Chúa Trời, đấng ban sức chịu đựng” (Rô-ma 15:5). Thứ hai, Chúa Giê-su nhìn về phía trước, chú tâm đến kết quả của sự chịu đựng. Chúng ta hãy xem lần lượt hai yếu tố đó.

15, 16. (a) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su không chịu đựng thử thách bằng sức riêng? (b) Chúa Giê-su tin cậy điều gì nơi Cha, và tại sao?

15 Dù là Con hoàn hảo của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su không chịu đựng bằng sức riêng, ngài hướng đến Cha trên trời để xin sự trợ giúp. Sứ đồ Phao-lô viết: “Đấng Ki-tô đã cất tiếng lớn dâng những lời nài xin và thỉnh cầu đầy nước mắt cho đấng có thể cứu mình khỏi cái chết” (Hê-bơ-rơ 5:7). Hãy lưu ý là Chúa Giê-su không chỉ thỉnh cầu mà còn nài xin. Từ “nài xin” nói đến lời khẩn nài rất chân thành và tha thiết, tức một lời van xin sự giúp đỡ. Cụm từ “những lời nài xin” cho thấy Chúa Giê-su không chỉ cầu khẩn Đức Giê-hô-va một lần. Thật vậy, khi ở vườn Ghết-sê-ma-nê, ngài đã chân thành cầu nguyện nhiều lần.—Ma-thi-ơ 26:36-44.

16 Chúa Giê-su hoàn toàn tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ đáp lại những lời nài xin của ngài, vì ngài biết Cha là “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện” (Thi thiên 65:2). Trước khi xuống thế, Con Đầu Lòng đã nhìn thấy cách Cha đáp lại lời cầu nguyện của các tôi tớ trung thành. Chẳng hạn, ngài chứng kiến việc Đức Giê-hô-va phái một thiên sứ xuống đáp lời cầu nguyện chân thành của nhà tiên tri Đa-ni-ên, thậm chí khi ông chưa dứt lời (Đa-ni-ên 9:20, 21). Vậy, chẳng lẽ Đức Giê-hô-va không đáp lại lời thỉnh cầu tha thiết và “đầy nước mắt” của Con một? Ngài phái một thiên sứ xuống làm Chúa Giê-su vững lòng để chịu đựng thử thách.—Lu-ca 22:43.

17. Để chịu đựng, tại sao chúng ta nên hướng đến Đức Chúa Trời, và chúng ta làm thế bằng cách nào?

17 Để chịu đựng, chúng ta cũng phải hướng đến Đức Chúa Trời, “đấng ban sức” cho chúng ta (Phi-líp 4:13). Nếu Con hoàn hảo của Đức Chúa Trời cần nài xin Cha giúp đỡ, chẳng phải chúng ta càng cần làm thế sao? Như Chúa Giê-su, có thể chúng ta cần cầu xin Đức Giê-hô-va nhiều lần (Ma-thi-ơ 7:7). Dù chúng ta không mong có thiên sứ viếng thăm, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời yêu thương sẽ đáp lời các tôi tớ trung thành, những người “ngày đêm kiên trì nài xin và cầu nguyện” (1 Ti-mô-thê 5:5). Bất kể chúng ta gặp thử thách nào, như bệnh tật, mất người thân hay bị bắt bớ, Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời khi chúng ta chân thành cầu xin sự khôn ngoan, can đảm và sức mạnh để chịu đựng.—2 Cô-rinh-tô 4:7-11; Gia-cơ 1:5.

Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời khi chúng ta chân thành cầu xin sự giúp đỡ để chịu đựng

18. Chúa Giê-su đã nhìn xa hơn sự đau khổ trước mắt như thế nào?

18 Yếu tố thứ hai giúp Chúa Giê-su chịu đựng là nhìn về phía trước, xa hơn sự đau khổ hiện tại. Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su: “Vì niềm vui đặt trước mặt mà ngài chịu đựng cây khổ hình” (Hê-bơ-rơ 12:2). Gương của Chúa Giê-su cho thấy mối liên hệ giữa hy vọng, niềm vui và sự chịu đựng. Có thể nói: Hy vọng dẫn đến niềm vui và niềm vui giúp chịu đựng (Rô-ma 15:13; Cô-lô-se 1:11). Chúa Giê-su đã có những hy vọng tuyệt diệu. Ngài biết sự trung thành của mình sẽ giúp làm thánh danh Cha và chuộc gia đình nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Chúa Giê-su cũng có hy vọng trở thành Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm để mang lại nhiều ân phước khác cho nhân loại biết vâng lời (Ma-thi-ơ 20:28; Hê-bơ-rơ 7:23-26). Khi tập trung vào những hy vọng trước mắt, Chúa Giê-su có nhiều niềm vui và niềm vui đó đã giúp ngài chịu đựng.

19. Khi đối mặt với thử thách về đức tin, làm thế nào chúng ta để hy vọng, niềm vui và sự nhịn nhục phối hợp với nhau hầu mang lại lợi ích cho mình?

19 Như Chúa Giê-su, chúng ta cũng cần để hy vọng, niềm vui và sự chịu đựng phối hợp với nhau hầu mang lại lợi ích cho mình. Sứ đồ Phao-lô nói: “Hãy vui mừng trong hy vọng”. Ông nói thêm: “Chịu đựng trong lúc hoạn nạn” (Rô-ma 12:12). Bạn có đang đương đầu với thử thách cam go về đức tin không? Nếu có, hãy nhìn về phía trước. Hãy nhớ rằng sự chịu đựng của bạn sẽ mang lại ngợi khen cho danh Đức Giê-hô-va. Hãy chú tâm vào niềm hy vọng vô giá về Nước Trời. Hãy hình dung mình trong thế giới mới sắp đến với vô vàn ân phước. Khi suy ngẫm những điều tuyệt diệu mà Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện, như làm thánh danh ngài, xóa bỏ sự gian ác, bệnh tật và sự chết, lòng chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui, và chính niềm vui này giúp chúng ta chịu đựng mọi thử thách. So với các ân phước mà Nước Trời mang lại, những đau khổ trong thế gian này chỉ là “tạm thời và nhẹ”.—2 Cô-rinh-tô 4:17.

“Theo sát dấu chân ngài”

20, 21. Liên quan đến sự chịu đựng, Đức Giê-hô-va mong chờ điều gì nơi chúng ta, và chúng ta nên quyết tâm làm gì?

20 Chúa Giê-su biết làm môn đồ ngài không dễ, đó là lối sống đòi hỏi sự chịu đựng (Giăng 15:20). Ngài sẵn sàng đi trước mở đường và biết gương của mình sẽ củng cố tinh thần người khác (Giăng 16:33). Đành rằng Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo về sự chịu đựng, nhưng chúng ta lại bất toàn. Vậy Đức Giê-hô-va mong đợi gì nơi chúng ta? Phi-e-rơ cho biết: “Đấng Ki-tô đã chịu khổ vì anh em và để lại một gương mẫu, hầu anh em theo sát dấu chân ngài” (1 Phi-e-rơ 2:21). Qua cách Chúa Giê-su đối phó với thử thách, ngài để lại “một gương mẫu” cho chúng ta noi theo. a Trang sử về sự chịu đựng mà ngài lập nên có thể so sánh với “dấu chân”. Chúng ta không thể bước theo dấu chân ấy một cách hoàn hảo nhưng có thể “theo sát”.

21 Vậy, chúng ta hãy quyết tâm noi gương Chúa Giê-su hết khả năng của mình. Đừng bao giờ quên rằng càng theo sát dấu chân Chúa Giê-su, chúng ta càng được trang bị tốt để chịu đựng “cho đến cuối cùng”, sự cuối cùng của thế gian này hay của đời mình. Trong hai điều ấy, chúng ta không biết điều gì đến trước, nhưng chúng ta biết rằng: Sự chịu đựng của chúng ta sẽ được Đức Giê-hô-va tưởng thưởng mãi mãi.—Ma-thi-ơ 24:13.

a Từ Hy Lạp được dịch là “gương mẫu” dịch sát là “kiểu mẫu để chép”. Trong số những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, sứ đồ Phi-e-rơ là người duy nhất dùng từ này. Theo một tài liệu, từ này ám chỉ “một kiểu viết mẫu trong sách luyện tập của trẻ em, kiểu viết chuẩn cho các em viết theo càng giống càng tốt”.