Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 6

“Ngài đã học vâng lời”

“Ngài đã học vâng lời”

1, 2. Tại sao người cha hài lòng khi thấy con trai vâng lời, và cảm xúc của người cha ấy phản ánh cảm xúc của Đức Giê-hô-va như thế nào?

 Người cha nhìn qua cửa sổ, thấy con trai đang chơi bóng với vài người bạn. Trái bóng bỗng lăn xuống đường. Cậu bé nhìn theo với vẻ tiếc nuối. Một người bạn xúi cậu chạy xuống đường nhặt bóng, nhưng cậu bé lắc đầu. Cậu nói: “Tớ không được phép làm điều đó”. Người cha mỉm cười hài lòng.

2 Tại sao người cha hài lòng? Vì người cha đã dạy con không được ra đường một mình. Khi cậu bé nghe lời cha, dù không biết cha đang quan sát, người cha biết con đang học vâng lời và điều này bảo vệ con. Người cha ấy phản ánh cảm xúc của Cha chúng ta ở trên trời, Đức Giê-hô-va. Ngài biết rằng để giữ lòng trung thành và có triển vọng hưởng tương lai tuyệt diệu, chúng ta phải học tin cậy và vâng lời ngài (Châm ngôn 3:5, 6). Để giúp chúng ta làm thế, ngài ban cho chúng ta một người thầy xuất chúng.

3, 4. Chúa Giê-su “học vâng lời” và “được làm cho hoàn hảo” như thế nào? Hãy minh họa.

3 Kinh Thánh cho biết điều rất ngạc nhiên về Chúa Giê-su: “Dù là con nhưng ngài đã học vâng lời từ những điều mình phải chịu. Sau khi được làm cho hoàn hảo, ngài có trách nhiệm mang lại sự cứu rỗi vĩnh viễn cho tất cả những người vâng lời ngài” (Hê-bơ-rơ 5:8, 9). Người Con này đã sống ở trên trời vô số thiên niên kỷ. Dù chứng kiến cuộc phản loạn của Sa-tan và những thiên sứ theo phe hắn, nhưng Con Đầu Lòng của Đức Chúa Trời không hùa theo chúng. Một lời tiên tri nói về ngài: “Tôi thì không chống nghịch” (Ê-sai 50:5). Chúa Giê-su đã vâng lời trọn vẹn, vậy tại sao Kinh Thánh nói “ngài đã học vâng lời”? Tạo vật này “được làm cho hoàn hảo” theo nghĩa nào?

4 Hãy xem minh họa. Một ngư dân mua một chiếc thuyền chất lượng tốt để đánh cá. Ngày nọ khi ra khơi, ông gặp cơn bão lớn, nhưng ông lái thuyền an toàn qua cơn bão và trở về cùng với mẻ cá. Có lẽ trước đó ông đã biết thuyền của mình tốt, nhưng chỉ sau cơn bão đó, ông mới chắc chắn thuyền thật sự có chất lượng. Tương tự, trước khi xuống trái đất, Chúa Giê-su đã vâng lời trọn vẹn, không chỗ trách. Nhưng khi xuống thế, sự vâng lời của ngài càng trọn vẹn hơn. Sự vâng lời ấy được kiểm nghiệm, tôi luyện và được chứng tỏ qua những thử thách mà Chúa Giê-su chưa từng đối mặt khi ở trên trời.

5. Tại sao sự vâng lời của Chúa Giê-su là điều trọng yếu, và chương này sẽ xem xét điều gì?

5 Sự vâng lời là điều trọng yếu trong sứ mạng xuống trái đất của Chúa Giê-su. Là “A-đam sau cùng”, Chúa Giê-su xuống thế để thực hiện điều mà tổ phụ đầu tiên của chúng ta không làm—vâng lời Đức Giê-hô-va, dù gặp thử thách (1 Cô-rinh-tô 15:45). Chúa Giê-su không vâng lời cách chiếu lệ, nhưng vâng lời hết lòng, hết mình, hết tâm trí và vui mừng làm thế. Đối với Chúa Giê-su, làm theo ý muốn của Cha còn quan trọng hơn việc ăn uống! (Giăng 4:34). Điều gì giúp chúng ta bắt chước sự vâng lời của Chúa Giê-su? Trước hết, chúng ta hãy xem xét động cơ của ngài. Việc vun trồng động cơ giống như ngài sẽ giúp chúng ta kháng cự cám dỗ cũng như làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Sau đó, chúng ta sẽ xem việc thể hiện sự vâng lời như Đấng Ki-tô mang lại phần thưởng nào.

Động cơ vâng lời của Chúa Giê-su

6, 7. Chúa Giê-su vâng lời Cha vì một số động cơ nào?

6 Sự vâng lời của Chúa Giê-su xuất phát từ những phẩm chất bên trong. Như chúng ta đã học trong chương 3, Chúa Giê-su có lòng khiêm nhường. Sự kiêu ngạo khiến một người không nghe lời, nhưng sự khiêm nhường giúp chúng ta sẵn sàng vâng lời Đức Giê-hô-va (Xuất Ai Cập 5:1, 2; 1 Phi-e-rơ 5:5, 6). Ngoài ra, sự vâng lời của Chúa Giê-su còn bắt nguồn từ những điều ngài yêu và những điều ngài ghét.

7 Trên hết, Chúa Giê-su yêu thương Cha trên trời, Đức Giê-hô-va. Điều này sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong chương 13. Tình yêu thương ấy đã dựng nên trong Chúa Giê-su một lòng kính sợ Cha. Vì yêu thương và sùng kính Đức Giê-hô-va cách sâu xa, Chúa Giê-su sợ làm Cha buồn lòng. Sự kính sợ này là một lý do khiến những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su được đáp lại (Hê-bơ-rơ 5:7). Lòng kính sợ Cha cũng là một đặc điểm nổi bật của ngài trong cương vị Vua Mê-si.—Ê-sai 11:3.

Loại giải trí bạn chọn có cho thấy bạn ghét điều ác không?

8, 9. Như đã tiên tri, Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về sự công chính cũng như sự gian ác, và ngài bộc lộ cảm xúc ấy ra sao?

8 Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va cũng thôi thúc Chúa Giê-su ghét những gì Cha ghét. Chẳng hạn, hãy lưu ý đến một lời tiên tri nói về Vua Mê-si: “Ngài yêu sự công chính và ghét sự gian ác, nên Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời của ngài, xức dầu hoan hỉ cho ngài hơn các vua khác” (Thi thiên 45:7). “Các vua khác” của Chúa Giê-su là những vua trong dòng tộc vua Đa-vít. Hơn bất cứ ai trong số đó, Chúa Giê-su có lý do để hân hoan vui mừng về việc ngài được xức dầu. Tại sao? Vì phần thưởng của ngài vượt trội hơn và vương quyền của ngài đem lại nhiều ân phước hơn. Lòng yêu mến sự công chính và ghét điều ác đã thôi thúc Chúa Giê-su vâng lời Đức Chúa Trời trong mọi việc, và điều này mang lại phần thưởng cho ngài.

9 Điều gì cho thấy Chúa Giê-su yêu sự công chính và ghét điều ác? Khi các môn đồ được ban phước vì vâng theo chỉ dẫn của ngài trong công việc rao giảng, Chúa Giê-su rất vui mừng (Lu-ca 10:1, 17, 21). Khi dân thành Giê-ru-sa-lem nhiều lần bất tuân, khước từ sự giúp đỡ yêu thương của ngài, Chúa Giê-su đã khóc vì đường lối phản nghịch của họ (Lu-ca 19:41, 42). Quả thật, cả hạnh kiểm tốt và xấu đều tác động sâu sắc đến Chúa Giê-su.

10. Chúng ta cần vun trồng những cảm xúc nào về điều công chính và hành vi sai trái, và điều gì giúp chúng ta làm thế?

10 Suy ngẫm về cảm xúc của Chúa Giê-su giúp chúng ta xem xét động cơ của mình trong việc vâng lời Đức Giê-hô-va. Dù bất toàn, chúng ta có thể vun trồng lòng yêu mến sâu xa điều lành và ghê tởm hành vi sai trái. Chúng ta cần cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình vun trồng cảm xúc giống như ngài và Con ngài (Thi thiên 51:10). Đồng thời, chúng ta cần tránh những điều khiến các cảm xúc ấy dần mất đi. Thế nên, việc cẩn thận lựa chọn loại hình giải trí và mối giao tiếp là điều rất quan trọng (Châm ngôn 13:20; Phi-líp 4:8). Nếu vun trồng những động cơ như Đấng Ki-tô, chúng ta sẽ không vâng lời cách chiếu lệ. Chúng ta sẽ làm điều đúng vì thật sự muốn làm, và tránh làm điều sai, không phải vì sợ bị bắt nhưng vì ghét hành vi ấy.

“Ngài chẳng hề phạm tội”

11, 12. (a) Điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su vừa bắt đầu thánh chức? (b) Đầu tiên, Sa-tan cám dỗ Chúa Giê-su điều gì, và hắn đã dùng những cách xảo quyệt nào?

11 Việc Chúa Giê-su ghét tội lỗi được thấy rõ khi ngài bị thử thách vào lúc bắt đầu thánh chức. Sau khi làm báp-têm, ngài ở trong hoang mạc 40 ngày đêm, không có thức ăn. Cuối thời hạn đó, Sa-tan đến cám dỗ ngài. Hãy lưu ý cách xảo trá mà Ác Quỷ đã dùng.—Ma-thi-ơ 4:1-11.

12 Trước hết, Sa-tan nói: “Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời, hãy bảo những hòn đá này biến thành bánh đi” (Ma-thi-ơ 4:3). Chúa Giê-su cảm thấy thế nào sau nhiều ngày không ăn? Kinh Thánh cho biết: “Ngài cảm thấy đói” (Ma-thi-ơ 4:2). Sa-tan đã lợi dụng mong muốn tự nhiên của con người về thức ăn. Hẳn Ác Quỷ đã cố tình đợi đến lúc Chúa Giê-su kiệt sức. Cũng hãy lưu ý cách nói xảo trá của hắn: “Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời”. Sa-tan nói như vậy dù đã biết Chúa Giê-su là “con đầu tiên trong tất cả các tạo vật” (Cô-lô-se 1:15). Tuy nhiên, Chúa Giê-su không để lời khiêu khích của Sa-tan khiến ngài bất tuân. Chúa Giê-su biết Đức Chúa Trời không muốn ngài sử dụng quyền năng vào các mục đích ích kỷ. Khi kháng cự cám dỗ ấy, Chúa Giê-su cho thấy ngài khiêm nhường tin cậy nơi sự chăm sóc và hướng dẫn của Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 4:4.

13-15. (a) Cám dỗ thứ hai và thứ ba của Sa-tan là gì, và Chúa Giê-su phản ứng thế nào? (b) Tại sao Chúa Giê-su phải luôn cảnh giác với Sa-tan?

13 Trong cám dỗ thứ hai, Sa-tan đưa Chúa Giê-su lên trên tường bao quanh đền thờ. Qua việc bóp méo Lời Đức Chúa Trời cách tinh vi, Sa-tan xúi giục Chúa Giê-su phô trương quyền lực bằng cách gieo mình xuống, khi ấy ắt hẳn các thiên sứ sẽ cứu ngài. Nếu đám đông tại đền thờ nhìn thấy phép lạ này, thì liệu về sau còn ai dám nghi ngờ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si? Nếu đám đông thừa nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si dựa vào màn trình diễn ngoạn mục ấy, chẳng phải ngài tránh được nhiều vấn đề và khó khăn sao? Nhưng Chúa Giê-su biết Đức Giê-hô-va muốn ngài thực hiện công việc được giao một cách khiêm nhường, chứ không phải khiến người khác tin ngài qua những màn trình diễn ngoạn mục (Ê-sai 42:1, 2). Một lần nữa, Chúa Giê-su không bất tuân với Đức Giê-hô-va. Danh tiếng không có gì hấp dẫn đối với ngài.

14 Còn sức hút của quyền lực thì sao? Trong cám dỗ thứ ba, Sa-tan đề nghị cho Chúa Giê-su mọi nước thế gian nếu ngài quỳ xuống lạy hắn. Chúa Giê-su có đắn đo suy nghĩ về lời đề nghị đó không? Ngài đáp: “Hỡi Sa-tan, hãy đi cho khuất mắt ta!”. Ngài nói thêm: “Vì có lời viết: ‘Ngươi phải thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ngươi, và chỉ phụng sự một mình ngài mà thôi’” (Ma-thi-ơ 4:10). Không điều gì có thể lôi kéo Chúa Giê-su thờ một thần khác. Quyền thế không thể cám dỗ ngài vào con đường bất tuân.

15 Sa-tan có bỏ cuộc không? Hắn rời Chúa Giê-su sau khi ngài ra lệnh. Tuy nhiên, sách Lu-ca cho biết Ác Quỷ “bỏ đi và chờ dịp thuận tiện khác” (Lu-ca 4:13). Quả thật, Sa-tan tìm những cơ hội khác để thử thách và cám dỗ Chúa Giê-su cho đến phút cuối. Kinh Thánh nói Chúa Giê-su “đã bị thử thách mọi bề” (Hê-bơ-rơ 4:15). Vì thế, Chúa Giê-su phải luôn cảnh giác và chúng ta cũng thế.

16. Ngày nay, Sa-tan cám dỗ tôi tớ Đức Chúa Trời như thế nào, và làm sao chúng ta có thể kháng cự những cám dỗ ấy?

16 Sa-tan tiếp tục cám dỗ tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay. Đáng buồn là sự bất toàn thường dễ khiến chúng ta sập bẫy của hắn. Sa-tan xảo quyệt lợi dụng khuynh hướng ích kỷ, kiêu ngạo và tham quyền của con người. Thậm chí, hắn có thể lợi dụng ba khuynh hướng trên cùng lúc bằng bẫy vật chất! Vì thế, chúng ta cần thành thật xem xét bản thân. Hãy suy ngẫm những lời nơi 1 Giăng 2:15-17, đồng thời tự hỏi: “Những ham muốn xác thịt, ham mê của cải vật chất và mong muốn gây ấn tượng với người khác có làm xói mòn tình yêu thương của mình với Cha trên trời không?”. Chúng ta cần nhớ rằng thế gian hiện tại sắp qua đi, giống như kẻ cai trị nó là Sa-tan. Đừng để hắn lôi kéo chúng ta vào con đường tội lỗi! Mong sao chúng ta noi gương Thầy mình, đấng “chẳng hề phạm tội”.—1 Phi-e-rơ 2:22.

“Tôi luôn làm điều đẹp lòng ngài”

17. Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về việc vâng lời Cha, nhưng một số người có thể lý luận ra sao?

17 Sự vâng lời bao hàm nhiều hơn việc tránh phạm tội. Trường hợp của Chúa Giê-su cho thấy điều này. Chẳng những không phạm tội, ngài còn sốt sắng làm theo mọi điều răn của Cha. Chúa Giê-su nói: “Tôi luôn làm điều đẹp lòng [Cha]” (Giăng 8:29). Điều này mang lại niềm vui khôn xiết cho ngài. Dĩ nhiên, một số người có thể cho rằng việc vâng lời không quá khó đối với Chúa Giê-su. Họ nghĩ ngài chỉ phải vâng lời Đức Giê-hô-va, đấng hoàn hảo, còn chúng ta thường phải vâng lời những người bất toàn. Nhưng trên thực tế, Chúa Giê-su đã vâng lời những người bất toàn có quyền trên ngài.

18. Khi còn trẻ, Chúa Giê-su nêu gương nào trong việc vâng lời?

18 Trong thời niên thiếu, Chúa Giê-su dưới quyền cha mẹ bất toàn là Giô-sép và Ma-ri. Có lẽ hơn những đứa trẻ khác, ngài thấy rõ sự bất toàn của cha mẹ mình. Nhưng ngài có chống lại, vượt quá vai trò mà Đức Chúa Trời ban và bảo cha mẹ phải cai quản gia đình thế nào không? Hãy lưu ý Lu-ca 2:51 nói rằng khi 12 tuổi, Chúa Giê-su “tiếp tục phục tùng họ”. Ngài nêu gương xuất sắc cho các tín đồ trẻ, những người cố gắng vâng lời và hiếu kính cha mẹ.—Ê-phê-sô 6:1, 2.

19, 20. (a) Về việc vâng lời những người bất toàn, Chúa Giê-su phải đối mặt với các thử thách đặc biệt nào? (b) Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay nên vâng phục những người dẫn đầu trong vòng họ?

19 Về việc vâng lời con người bất toàn, Chúa Giê-su đã đối mặt với những thử thách mà môn đồ ngài ngày nay không bao giờ gặp phải. Hãy xem thời của ngài đặc biệt ra sao. Hệ thống Do Thái giáo, gồm đền thờ ở Giê-ru-sa-lem và những thầy tế lễ, từng được Đức Giê-hô-va chấp nhận trong thời gian dài, nhưng giờ đây sắp bị từ bỏ và được thay thế bằng hội thánh đạo Đấng Ki-tô (Ma-thi-ơ 23:33-38). Lúc ấy, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo dạy những điều sai lầm đến từ triết học Hy Lạp. Tại đền thờ, sự tham nhũng lan tràn đến mức Chúa Giê-su gọi nơi ấy là “hang trộm cướp” (Mác 11:17). Vậy ngài có tránh tới đền thờ và các nhà hội không? Không! Đức Giê-hô-va vẫn dùng những sắp đặt này. Vì thế, Chúa Giê-su tiếp tục đến nhà hội và dự các kỳ lễ tại đền thờ cho đến khi Đức Chúa Trời can thiệp và thực hiện những thay đổi.—Lu-ca 4:16; Giăng 5:1.

20 Nếu Chúa Giê-su vâng lời trong những hoàn cảnh khó như thế, thì môn đồ ngài ngày nay càng phải vâng lời! Khác với Chúa Giê-su, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà sự thờ phượng thanh sạch được khôi phục. Đức Chúa Trời đảm bảo rằng ngài không bao giờ để Sa-tan làm bại hoại dân được khôi phục của ngài (Ê-sai 2:1, 2; 54:17). Đành rằng, chúng ta phải đối phó với tội lỗi và sự bất toàn trong hội thánh, nhưng chúng ta có nên lấy sự bất toàn của người khác làm cớ để bất tuân với Đức Giê-hô-va, chẳng hạn bỏ nhóm họp hoặc chỉ trích trưởng lão? Chúng ta không bao giờ muốn làm thế! Chúng ta muốn hết lòng ủng hộ những anh dẫn đầu. Với thái độ vâng lời, chúng ta tham dự các buổi nhóm họp, hội nghị và áp dụng những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh mà chúng ta nhận được tại các dịp đó.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25; 13:17.

Chúng ta vâng lời bằng cách áp dụng những điều học được tại các buổi nhóm họp

21. Chúa Giê-su phản ứng ra sao khi bị con người gây áp lực nhằm khiến ngài bất tuân với Đức Chúa Trời, và ngài nêu gương nào cho chúng ta?

21 Chúa Giê-su không bao giờ để cho người khác, ngay cả những người bạn có thiện ý, khiến ngài bất tuân với Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, khi sứ đồ Phi-e-rơ cố thuyết phục Chúa Giê-su không cần phải chịu khổ và chết, ngài đã cương quyết bác bỏ lời khuyên có thiện ý nhưng lệch lạc của ông (Ma-thi-ơ 16:21-23). Ngày nay, môn đồ Chúa Giê-su đôi khi chịu áp lực từ người thân có thiện ý, có lẽ họ khuyên chúng ta không nên vâng theo điều luật và nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Noi gương các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta quyết tâm “vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người”.—Công vụ 5:29.

Phần thưởng của sự vâng lời

22. Chúa Giê-su đưa ra lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi nào, và bằng cách nào?

22 Sự vâng lời của Chúa Giê-su bị thử thách tột cùng khi ngài đối mặt với cái chết. Trong ngày đen tối ấy, “ngài đã học vâng lời” theo nghĩa trọn vẹn nhất. Ngài đã làm theo ý muốn của Cha, không phải của mình (Lu-ca 22:42). Qua đó, Chúa Giê-su nêu một gương tuyệt hảo về lòng trọn thành (1 Ti-mô-thê 3:16). Ngài đã cung cấp lời giải đáp cho câu hỏi tồn tại từ lâu: “Một người hoàn hảo có thể vâng lời Đức Giê-hô-va dù gặp thử thách không?”. A-đam đã thất bại và Ê-va cũng thế. Nhưng khi tạo vật vĩ đại nhất của Đức Giê-hô-va là Chúa Giê-su xuống thế và hy sinh, câu hỏi đó được giải đáp thỏa đáng. Ngài đã vâng lời dù phải trả một giá rất đắt.

23-25. (a) Sự vâng lời liên quan thế nào đến lòng trọn thành? Hãy minh họa. (b) Chương tới sẽ thảo luận điều gì?

23 Lòng trọn thành, hay hết lòng trung thành với Đức Giê-hô-va, được thể hiện bằng sự vâng lời. Vì vâng lời, Chúa Giê-su giữ lòng trọn thành và mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại (Rô-ma 5:19). Đức Giê-hô-va đã ban thưởng dồi dào cho Chúa Giê-su. Nếu vâng lời Thầy mình là Đấng Ki-tô, Đức Giê-hô-va cũng sẽ ban thưởng cho chúng ta. Vâng lời Đấng Ki-tô mang lại “sự cứu rỗi vĩnh viễn”!—Hê-bơ-rơ 5:9.

24 Hơn nữa, chính sự trọn thành là một phần thưởng. Châm ngôn 10:9 nói: “Ai bước đi theo sự trọn thành sẽ bước đi an toàn”. Nếu ví sự trọn thành như một biệt thự được làm từ những viên gạch tốt, thì mỗi hành động vâng lời có thể được xem là một viên gạch. Một viên gạch dường như không mấy giá trị, nhưng thực ra mỗi viên đều đóng một vai trò quan trọng. Nhiều viên gạch hợp lại tạo nên một tòa nhà có giá trị. Tương tự, nhiều hành động vâng lời hợp lại, từ ngày này qua ngày kia, năm này qua năm khác, sẽ dựng nên lòng trọn thành, một đức tính cao quý.

25 Để duy trì lối sống trọn thành từ năm này qua năm kia, chúng ta cần một đức tính khác—chịu đựng. Chúa Giê-su đã nêu gương về đức tính ấy, và chương tới sẽ thảo luận về điều này.