Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 4

“Kìa! Sư Tử của chi phái Giu-đa”

“Kìa! Sư Tử của chi phái Giu-đa”

“Là tôi đây”

1-3. Chúa Giê-su gặp phải mối nguy hiểm nào, và ngài phản ứng ra sao?

 Một đoàn người đang tìm bắt Chúa Giê-su. Họ được trang bị gươm giáo, gậy gộc và có cả quân lính đi cùng. Họ xuyên qua những con đường tăm tối của Giê-ru-sa-lem, băng qua thung lũng Kít-rôn để đến núi Ô-liu. Dù hôm đó trăng tròn nhưng họ vẫn mang theo đuốc và đèn. Có phải họ muốn thắp sáng vì mây đen đã che khuất ánh trăng không? Hay họ nghĩ kẻ bị săn lùng đang lẩn trốn trong bóng tối? Chúng ta không biết, nhưng một điều chắc chắn là: Bất kỳ ai nghĩ Chúa Giê-su sẽ co rúm vì sợ hãi thì thật ra không biết gì về ngài.

2 Dù biết nguy hiểm sắp ập đến nhưng Chúa Giê-su vẫn đứng chờ. Đám đông tiến đến. Dẫn đầu là Giu-đa, một thời là bạn thân của ngài. Hắn phản bội ngài một cách trâng tráo, chỉ điểm Thầy mình bằng lời chào giả dối và một cái hôn. Nhưng Chúa Giê-su vẫn bình tĩnh. Ngài bước đến trước đám đông và hỏi: “Các người tìm ai?”. Họ đáp: “Giê-su người Na-xa-rét”.

3 Trước đám đông được trang bị vũ khí, hầu như ai cũng khiếp sợ. Có lẽ đám đông nghĩ Chúa Giê-su cũng sẽ như thế. Nhưng Chúa Giê-su không khiếp sợ, không bỏ chạy cũng không buột miệng nói dối. Ngài chỉ nói: “Là tôi đây”. Sự điềm tĩnh và can đảm của ngài khiến những người kia phải sửng sốt. Họ loạng choạng lùi lại và té ngã!—Giăng 18:1-6; Ma-thi-ơ 26:45-50; Mác 14:41-46.

4-6. (a) Con Đức Chúa Trời được ví như sinh vật nào, và tại sao? (b) Chúa Giê-su thể hiện sự can đảm trong ba cách nào?

4 Điều gì giúp Chúa Giê-su đối mặt với tình huống nguy hiểm như thế mà vẫn bình tĩnh và tự chủ? Đó là lòng can đảm. Can đảm là một trong những đức tính cần thiết và đáng khâm phục nhất nơi một vị lãnh đạo. Về phương diện này, chưa ai bằng ngài và chắc chắn cũng không ai hơn ngài. Trong chương trước, chúng ta đã học về gương khiêm nhường và nhu mì của Chúa Giê-su. Ngài xứng đáng được gọi là “Chiên Con” (Giăng 1:29). Tuy nhiên, lòng can đảm của Chúa Giê-su gợi lên một hình ảnh rất khác. Kinh Thánh nói về Con Đức Chúa Trời: “Kìa! Sư Tử của chi phái Giu-đa”.—Khải huyền 5:5.

5 Sư tử thường được liên kết với sự can đảm. Bạn đã bao giờ đối mặt với một con sư tử đực trưởng thành chưa? Nếu có thì chắc hẳn bạn đã được ngăn cách an toàn với con vật ấy, có lẽ bằng hàng rào của vườn bách thú. Nhưng ngay cả trải nghiệm đó cũng có thể khiến chúng ta sợ hãi. Khi nhìn vào gương mặt con vật to lớn, mạnh mẽ ấy và thấy ánh mắt của nó nhìn lại mình một cách điềm tĩnh, chúng ta khó tưởng tượng được điều gì có thể khiến sư tử hoảng sợ và bỏ chạy. Kinh Thánh nói rằng “sư tử, vốn mạnh nhất trong muông thú, chẳng thoái lui trước một ai” (Châm ngôn 30:30). Chúa Giê-su cũng can đảm như thế.

6 Hãy xem ba cách Chúa Giê-su thể hiện sự can đảm: bênh vực chân lý, ủng hộ công lý và đương đầu với sự chống đối. Chúng ta cũng xem làm thế nào tất cả mọi người, dù có tố chất gan dạ hay không, có thể noi gương Chúa Giê-su trong việc tỏ ra can đảm.

Can đảm bênh vực chân lý

7-9. (a) Điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su 12 tuổi, và điều gì trong bối cảnh lúc đó có thể khiến bạn cảm thấy sợ sệt? (b) Chúa Giê-su thể hiện sự can đảm như thế nào khi đối đáp với các thầy dạy trong đền thờ?

7 Trong thế gian dưới quyền cai trị của Sa-tan, là “cha sự nói dối”, chúng ta cần có sự can đảm để bênh vực chân lý (Giăng 8:44; 14:30). Chúa Giê-su không đợi đến khi trưởng thành mới bênh vực chân lý. Lúc 12 tuổi, ngài bị lạc khỏi cha mẹ sau Lễ Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem. Trong ba ngày, Giô-sép và Ma-ri hớt hải đi tìm con mình. Cuối cùng, họ tìm thấy ngài trong đền thờ. Ngài làm gì ở đó? Ngài “đang ngồi giữa các thầy dạy đạo, vừa lắng nghe vừa đặt câu hỏi” (Lu-ca 2:41-50). Hãy xem bối cảnh của cuộc thảo luận ấy.

8 Các sử gia nói rằng một số nhà lãnh đạo tôn giáo lỗi lạc thường ở lại đền thờ sau các kỳ lễ và dạy dỗ tại một trong những sảnh rộng lớn tại đó. Người ta ngồi dưới chân họ để nghe và đặt câu hỏi. Những thầy dạy này là người có học thức. Họ am hiểu Luật pháp Môi-se cùng vô số luật lệ và truyền thống phức tạp do con người đặt ra qua nhiều năm. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu đang ngồi tham dự ở đó? Sợ sệt? Đó là điều tự nhiên. Nói sao nếu bạn chỉ mới 12 tuổi? Nhiều người trẻ rất nhút nhát (Giê-rê-mi 1:6). Một số em tìm mọi cách để tránh sự chú ý của các thầy cô giáo. Những em này sợ bị gọi tên, sợ bị chú ý đặc biệt, sợ bị người khác chế giễu.

9 Nhưng chúng ta thấy Chúa Giê-su ngồi giữa những người học thức ấy, mạnh dạn hỏi các câu hỏi sâu sắc. Không những vậy, lời tường thuật còn nói: “Ai nghe cũng đều kinh ngạc trước sự hiểu biết và lời đối đáp của ngài” (Lu-ca 2:47). Kinh Thánh không cho biết Chúa Giê-su đã nói gì vào dịp đó, nhưng chắc chắn ngài không lặp lại sự dạy dỗ sai lầm của các thầy dạy đạo (1 Phi-e-rơ 2:22). Ngài ủng hộ chân lý trong Lời Đức Chúa Trời, và người nghe hẳn kinh ngạc khi thấy cậu bé 12 tuổi này can đảm đưa ra những ý kiến sâu sắc như thế.

Nhiều tín đồ trẻ can đảm chia sẻ niềm tin với người khác

10. Những tín đồ trẻ ngày nay noi gương can đảm của Chúa Giê-su như thế nào?

10 Ngày nay, nhiều tín đồ trẻ đạo Đấng Ki-tô đang bước theo dấu chân Chúa Giê-su. Đúng là họ không hoàn hảo như Chúa Giê-su, nhưng như ngài, họ không đợi đến khi trưởng thành mới bênh vực chân lý. Tại trường học hay trong cộng đồng, họ khéo léo đặt câu hỏi, lắng nghe và chia sẻ chân lý với người khác một cách tôn trọng (1 Phi-e-rơ 3:15). Đội ngũ tín đồ trẻ ấy đã giúp bạn học, thầy cô và hàng xóm trở thành môn đồ Đấng Ki-tô. Hẳn Đức Giê-hô-va rất hài lòng về sự can đảm của họ! Lời ngài ví họ như những giọt sương, tươi mát, dễ chịu và không đếm xuể.—Thi thiên 110:3.

11, 12. Khi trưởng thành, Chúa Giê-su can đảm bảo vệ chân lý như thế nào?

11 Khi trưởng thành, Chúa Giê-su can đảm bênh vực chân lý hết lần này đến lần khác. Đúng vậy, thánh chức của ngài khởi đầu bằng một cuộc chạm trán có thể khiến nhiều người khiếp sợ. Không còn là thiên sứ trưởng đầy quyền năng, Chúa Giê-su giờ đây chỉ là một con người bằng xương bằng thịt. Thế nhưng ngài phải đối mặt với Sa-tan, kẻ thù quyền lực và nguy hiểm nhất của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su đã cự tuyệt Sa-tan và bác bỏ luận điệu mà hắn dùng để bóp méo Lời Đức Chúa Trời. Ngài kết thúc cuộc đối đầu bằng cách can đảm ra lệnh: “Hỡi Sa-tan, hãy đi cho khuất mắt ta!”.—Ma-thi-ơ 4:2-11.

12 Qua đó, Chúa Giê-su lập một khuôn mẫu cho thánh chức của mình—can đảm bảo vệ Lời Cha trước tình trạng lạm dụng hoặc bóp méo Lời ấy. Thời đó cũng như thời nay, tình trạng như thế rất phổ biến. Chúa Giê-su nói với giới lãnh đạo tôn giáo vào thời ngài: “Các ông đã làm cho lời Đức Chúa Trời trở nên vô hiệu bởi truyền thống mà các ông truyền lại cho người khác” (Mác 7:13). Những người đó được dân chúng trọng vọng, nhưng Chúa Giê-su không ngần ngại lên án họ là những kẻ dẫn đường đui mù và kẻ đạo đức giả a (Ma-thi-ơ 23:13, 16). Làm thế nào chúng ta có thể noi gương can đảm của Chúa Giê-su về phương diện này?

13. Khi noi theo Chúa Giê-su, chúng ta cần nhớ điều gì, nhưng chúng ta có đặc ân nào?

13 Dĩ nhiên, chúng ta không đọc được lòng người khác, cũng không có quyền phán xét như Chúa Giê-su. Tuy vậy, chúng ta có thể bắt chước ngài trong việc dũng cảm bảo vệ chân lý. Thí dụ, khi vạch trần các giáo lý sai lầm, tức những lời dối trá phổ biến về Đức Chúa Trời, ý định cũng như Lời ngài, chúng ta đang chiếu ánh sáng vào thế gian tăm tối của Sa-tan (Ma-thi-ơ 5:14; Khải huyền 12:9, 10). Chúng ta giúp người khác thoát khỏi vòng nô lệ của các giáo lý sai lầm khiến họ sợ hãi và xa cách Đức Chúa Trời. Thật là một đặc ân khi thấy lời hứa sau của Chúa Giê-su được ứng nghiệm: “Chân lý sẽ giải thoát anh em”!—Giăng 8:32.

Can đảm ủng hộ công lý

14, 15. (a) Bằng cách nào Chúa Giê-su cho thấy “thế nào là công lý”? (b) Chúa Giê-su đã vượt qua những thành kiến nào để nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri?

14 Kinh Thánh báo trước rằng Đấng Mê-si sẽ cho muôn dân thấy “thế nào là công lý” (Ma-thi-ơ 12:18; Ê-sai 42:1). Đúng vậy, Chúa Giê-su đã bắt đầu làm điều đó khi sống trên đất. Với lòng can đảm, ngài luôn tỏ ra công bằng và không thiên vị trong cách đối xử với người khác. Chẳng hạn, ngài không bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị và những thành kiến phổ biến vào thời đó.

15 Khi Chúa Giê-su nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng Si-kha, các môn đồ rất ngạc nhiên. Tại sao? Thời bấy giờ, người Do Thái nói chung ghê tởm người Sa-ma-ri. Sự khinh miệt này đã tồn tại từ rất lâu (Ê-xơ-ra 4:4). Hơn nữa, một số ráp-bi rất xem thường phụ nữ. Theo luật lệ của các ráp-bi, sau này được viết thành văn, người nam nên tránh nói chuyện với người nữ. Những luật lệ này còn ngụ ý rằng phụ nữ không xứng đáng được học Luật pháp Đức Chúa Trời. Đặc biệt, phụ nữ Sa-ma-ri bị xem là ô uế. Vượt qua những thành kiến bất công đó, Chúa Giê-su đã công khai dạy dỗ người phụ nữ Sa-ma-ri (người đang có đời sống trái đạo đức), thậm chí còn cho bà biết ngài chính là Đấng Mê-si.—Giăng 4:5-27.

16. Về vấn đề thành kiến, tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần can đảm để trở nên khác biệt?

16 Bạn đã từng ở giữa những người có thành kiến nặng nề chưa? Có lẽ họ chế giễu người thuộc chủng tộc hay quốc gia khác, chê bai người khác phái, hoặc xem thường người có khả năng tài chính hay địa vị xã hội khác với mình. Môn đồ Đấng Ki-tô không đồng tình với những thái độ thù ghét ấy, họ cũng nỗ lực loại bỏ dấu vết của sự thành kiến khỏi lòng mình (Công vụ 10:34). Để là người không thiên vị, chúng ta cần vun trồng lòng can đảm.

17. Chúa Giê-su đã hành động thế nào ở đền thờ, và tại sao?

17 Lòng can đảm cũng thúc đẩy Chúa Giê-su đấu tranh để bảo vệ sự trong sạch của dân Đức Chúa Trời và sự thờ phượng thanh sạch. Không lâu sau khi bắt đầu làm thánh chức, ngài vào khuôn viên đền thờ tại Giê-ru-sa-lem và thấy gớm ghiếc trước cảnh những con buôn và kẻ đổi tiền đang buôn bán tại đó. Lòng đầy phẫn nộ, Chúa Giê-su đuổi những kẻ tham lam cùng hàng hóa của chúng ra khỏi đền thờ (Giăng 2:13-17). Ngài cũng làm tương tự thế vào lúc sắp kết thúc thánh chức trên đất (Mác 11:15-18). Chắc chắn, những hành động đó khiến một số người có thế lực thù ghét Chúa Giê-su, nhưng ngài không lưỡng lự. Tại sao? Vì ngay từ nhỏ, lời nói và hành động của Chúa Giê-su đã cho thấy ngài xem đền thờ tại Giê-ru-sa-lem là nhà Cha (Lu-ca 2:49). Sự thờ phượng thanh sạch tại đền thờ bị vẩn đục là điều bất công mà ngài không thể dung túng. Nhờ lòng sốt sắng, ngài có sự can đảm để thi hành những việc phải làm.

18. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể can đảm bảo vệ sự trong sạch của hội thánh như thế nào?

18 Môn đồ Đấng Ki-tô ngày nay cũng quan tâm sâu xa đến sự trong sạch của dân Đức Chúa Trời và sự thờ phượng thanh sạch. Nếu biết một anh em đồng đạo phạm tội trọng, họ không nhắm mắt làm ngơ, mà can đảm đưa vấn đề ra ánh sáng (1 Cô-rinh-tô 1:11). Họ thông báo cho các trưởng lão biết. Trưởng lão có thể giúp người bệnh về thiêng liêng và hành động để bảo vệ sự trong sạch của hội thánh.—Gia-cơ 5:14, 15.

19, 20. (a) Những bất công nào lan tràn vào thời Chúa Giê-su, và ngài phải đối mặt với áp lực gì? (b) Tại sao những người theo Đấng Ki-tô từ chối dính líu đến chính trị, bạo lực, và một phần thưởng mà họ nhận được là gì?

19 Tuy nhiên, chúng ta có nên kết luận rằng Chúa Giê-su đã đấu tranh chống lại mọi bất công trong xã hội thời bấy giờ không? Xung quanh ngài có nhiều bất công. Quê hương ngài bị một thế lực ngoại quốc đô hộ. Người La Mã áp bức dân Do Thái bằng cách đưa một đội quân hùng mạnh đến đóng ở đó. Họ đánh thuế nặng, thậm chí còn can thiệp vào phong tục tôn giáo của dân Do Thái. Chẳng lạ gì khi nhiều người muốn Chúa Giê-su tham gia các vấn đề chính trị thời bấy giờ (Giăng 6:14, 15). Một lần nữa, ngài phải can đảm.

20 Chúa Giê-su giải thích rằng Nước của ngài không thuộc về thế gian. Qua gương mẫu, ngài huấn luyện các môn đồ không can dự vào các cuộc tranh chấp về chính trị, mà tập trung vào việc rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời (Giăng 17:16; 18:36). Khi đám đông đến bắt ngài, Chúa Giê-su dạy các môn đồ một bài học mạnh mẽ về sự trung lập. Lúc đó, Phi-e-rơ hấp tấp vung gươm làm một người bị thương. Chúng ta có thể thông cảm với Phi-e-rơ. Vào đêm ấy, Con vô tội của Đức Chúa Trời bị tấn công nên dường như đây là trường hợp chính đáng để dùng vũ lực. Nhưng ngay sau đó, Chúa Giê-su lập một điều lệ cho các môn đồ ngài, dù sống trong thời nào: “Hãy tra gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Ma-thi-ơ 26:51-54). Chắc chắn, tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ấy phải can đảm để làm theo điều lệ đó, và ngày nay cũng vậy. Vì giữ lập trường trung lập, dân Đức Chúa Trời thời nay không dính líu đến các cuộc chiến, nạn diệt chủng, nổi loạn và các hành vi bạo lực khác. Một phần thưởng mà họ nhận được nhờ sự can đảm là có danh tiếng tốt.

Can đảm đương đầu với sự chống đối

21, 22. (a) Chúa Giê-su nhận được sự trợ giúp nào trước khi đương đầu với thử thách cam go nhất? (b) Chúa Giê-su chứng tỏ lòng can đảm cho đến cuối cùng như thế nào?

21 Từ lâu, Con Đức Giê-hô-va đã biết ngài sẽ gặp sự chống đối dữ dội khi ở trên đất (Ê-sai 50:4-7). Tính mạng của ngài nhiều lần bị đe dọa, đỉnh điểm là bối cảnh được miêu tả ở đầu chương. Làm thế nào Chúa Giê-su giữ vững lòng can đảm khi đương đầu với những nguy hiểm ấy? Hãy xem ngài đã làm gì trước khi đám đông đến bắt ngài. Ngài cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va. Kết quả là gì? Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su “đã được đáp lời” (Hê-bơ-rơ 5:7). Đức Giê-hô-va phái một thiên sứ từ trời xuống thêm sức cho người Con can đảm này.—Lu-ca 22:42, 43.

22 Sau khi được thêm sức, Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Hãy đứng dậy, chúng ta đi thôi” (Ma-thi-ơ 26:46). Hãy suy ngẫm về những lời can đảm ấy. Ngài nói “chúng ta đi thôi” dù biết rõ điều gì sắp xảy ra. Ngài sẽ xin đám đông tha cho các bạn mình, những người bạn ấy sẽ bỏ ngài mà chạy và ngài sẽ đơn độc đối mặt với thử thách cam go nhất trong đời. Đúng vậy, một mình Chúa Giê-su đã đối mặt với phiên tòa phi pháp và bất công, với sự chế nhạo, tra tấn và cái chết đau đớn. Nhưng bất chấp những điều đó, ngài không đánh mất lòng can đảm.

23. Cách Chúa Giê-su phản ứng trước sự nguy hiểm và mối đe dọa tính mạng có phải là liều lĩnh không? Hãy giải thích.

23 Có phải Chúa Giê-su liều lĩnh? Không. Liều lĩnh và can đảm hoàn toàn khác nhau. Trên thực tế, Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ phải thận trọng tránh những mối nguy hiểm để tiếp tục làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:12; 10:16). Nhưng trong trường hợp này, Chúa Giê-su biết mình buộc phải đối mặt với nguy hiểm. Ngài biết ý muốn của Đức Chúa Trời bao hàm điều gì. Vì ngài muốn giữ lòng trung kiên, nên cách duy nhất là tiến về phía trước, đương đầu với thử thách.

Nhân Chứng Giê-hô-va can đảm trước sự ngược đãi

24. Tại sao chúng ta tin chắc mình có thể can đảm đương đầu với mọi thử thách?

24 Biết bao lần các môn đồ can đảm bước theo dấu chân Thầy mình! Nhiều người đã đứng vững trước sự chế nhạo, ngược đãi, bắt giữ, tù đày, tra tấn và ngay cả cái chết. Nhờ đâu những người bất toàn can đảm như thế? Như Chúa Giê-su, môn đồ ngài cũng nhận được sự trợ giúp từ trên cao (Phi-líp 4:13). Vì thế, đừng bao giờ lo sợ về tương lai. Hãy quyết tâm giữ vững lòng trung kiên, và Đức Giê-hô-va sẽ ban cho bạn sự can đảm cần thiết. Hãy luôn suy ngẫm về gương của Đấng Lãnh Đạo chúng ta là Chúa Giê-su để được thêm sức. Ngài đã nói: “Hãy can đảm lên! Tôi đã thắng thế gian”.—Giăng 16:33.

a Theo các sử gia, mộ của các ráp-bi cũng được sùng kính như mộ của các nhà tiên tri và tộc trưởng.