Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 2

“Đường đi, chân lý và sự sống ”

“Đường đi, chân lý và sự sống ”

“Hãy làm môn đồ tôi”

1, 2. Tại sao chúng ta không thể tự mình đến gần Đức Giê-hô-va, và Chúa Giê-su đã làm gì cho chúng ta về phương diện này?

 Bạn đã bao giờ bị lạc chưa? Có lẽ bạn nhớ lại lúc đi thăm một người bạn hoặc bà con mà không tìm ra đường. Khi đang đi trên một con đường lạ lẫm, bạn có dừng lại để hỏi đường không? Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu một người tốt bụng, thay vì nói bạn phải đi hướng nào, người ấy bảo bạn: “Hãy đi theo tôi. Tôi sẽ dẫn bạn đến chỗ đó”. Hẳn bạn cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm!

2 Có thể nói Chúa Giê-su cũng làm điều tương tự cho chúng ta. Chúng ta không thể tự mình đến gần Đức Chúa Trời. Vì bị di truyền tội lỗi và sự bất toàn nên cả nhân loại đang bị lạc, “xa cách sự sống đến từ Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:17, 18). Để tìm ra đường, chúng ta cần sự giúp đỡ. Đấng Gương Mẫu nhân từ là Chúa Giê-su không chỉ đưa ra lời khuyên và chỉ dẫn mà còn khuyến khích chúng ta đi theo ngài. Như đã xem trong chương 1, ngài mời chúng ta: “Hãy đến làm môn đồ tôi” (Mác 10:21). Ngài cũng cho biết tại sao chúng ta nên nhận lời mời ấy. Vào một dịp, Chúa Giê-su nói: “Tôi là đường đi, chân lývà sự sống. Không ai đến được với Cha nếu không qua tôi” (Giăng 14:6). Hãy xem xét một số lý do cho thấy chúng ta chỉ có thể đến gần Cha thông qua Con. Dựa trên cơ sở đó, chúng ta sẽ xem Chúa Giê-su là “đường đi, chân lývà sự sống” như thế nào.

Vai trò trọng yếu trong ý định của Đức Giê-hô-va

3. Tại sao chúng ta chỉ có thể đến gần Đức Giê-hô-va thông qua Chúa Giê-su?

3 Lý do chính yếu chúng ta chỉ có thể đến gần Đức Giê-hô-va thông qua Chúa Giê-su là vì Đức Giê-hô-va đã giao vai trò quan trọng nhất cho Con ngài. a Cha đã chọn Con làm nhân vật then chốt nhằm thực thi mọi ý định của ngài (2 Cô-rinh-tô 1:20; Cô-lô-se 1:18-20). Để hiểu vai trò trọng yếu của Con Đức Chúa Trời, chúng ta cần biết điều đã xảy ra trong vườn Ê-đen, nơi mà cặp vợ chồng đầu tiên đã hùa theo Sa-tan và phản nghịch Đức Giê-hô-va.—Sáng thế 2:16, 17; 3:1-6.

4. Sự phản nghịch trong vườn Ê-đen nêu lên vấn đề nào, và Đức Giê-hô-va đã quyết định làm gì?

4 Sự phản nghịch trong vườn Ê-đen nêu lên một vấn đề ảnh hưởng đến toàn vũ trụ: Liệu đấng mang danh Giê-hô-va có thật sự thánh, tốt lành, công chính và yêu thương trong mọi đường lối của ngài không? Để giải quyết vấn đề trọng yếu này, ngài quyết định phái một con thần linh hoàn hảo xuống trái đất. Sứ mạng của người con này vô cùng quan trọng—hy sinh mạng sống để làm thánh danh Cha ngài và làm giá chuộc cứu nhân loại. Nhờ cái chết trung thành của người con ấy, mọi vấn đề liên quan đến sự phản nghịch của Sa-tan mới được giải quyết (Hê-bơ-rơ 2:14, 15; 1 Giăng 3:8). Nhưng Đức Giê-hô-va có hàng triệu con thần linh hoàn hảo (Đa-ni-ên 7:9, 10). Ngài đã chọn ai để thi hành sứ mạng tối quan trọng này? Đó là “Con một” của ngài, đấng sau này được gọi là Chúa Giê-su Ki-tô.—Giăng 3:16.

5, 6. Đức Giê-hô-va cho thấy ngài tin tưởng Con như thế nào, và sự tin tưởng ấy dựa trên điều gì?

5 Chúng ta có nên ngạc nhiên về sự lựa chọn của Đức Giê-hô-va? Chắc chắn không! Cha hoàn toàn tin tưởng Con một. Nhiều thế kỷ trước khi Con ngài xuống trái đất, Đức Giê-hô-va đã báo trước rằng người Con này sẽ trung thành bất chấp mọi đau khổ (Ê-sai 53:3-7, 10-12; Công vụ 8:32-35). Hãy nghĩ xem điều đó có nghĩa gì. Như mọi tạo vật thông minh khác, Con Đức Chúa Trời có tự do ý chí, có thể tự chọn đường lối cho mình. Nhưng Đức Giê-hô-va đã tin chắc đến độ báo trước về sự trung thành của Con ngài. Sự tin tưởng ấy dựa trên điều gì? Sự hiểu biết. Đức Giê-hô-va biết tường tận về Con và biết Con rất muốn làm hài lòng Cha (Giăng 8:29; 14:31). Con yêu thương Cha và Cha cũng yêu thương Con (Giăng 3:35). Tình yêu thương mà Cha và Con dành cho nhau tạo nên một sự gắn kết và tin cậy không thể phá vỡ.—Cô-lô-se 3:14.

6 Dựa trên vai trò trọng yếu của Con Đức Chúa Trời, sự tin tưởng mà Cha dành cho Con cũng như tình yêu thương bền chặt giữa Cha và Con, chẳng phải điều hợp lý là chúng ta chỉ có thể đến gần Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-su sao? Tuy nhiên, còn một lý do khác cho thấy chỉ Con Đức Chúa Trời mới có thể dẫn chúng ta đến với Cha.

Chỉ có Con biết rõ về Cha

7, 8. Tại sao Chúa Giê-su không hề phóng đại khi nói “không ai biết tường tận về Cha, ngoại trừ Con”?

7 Chúng ta cần đáp ứng một số đòi hỏi nếu muốn đến gần Đức Giê-hô-va (Thi thiên 15:1-5). Con Đức Chúa Trời biết rõ nhất cách đáp ứng những đòi hỏi của Đức Chúa Trời và làm thế nào để được ngài chấp nhận. Chúa Giê-su nói: “Cha tôi đã trao cho tôi mọi sự. Không ai biết tường tận về Con, ngoại trừ Cha; và cũng không ai biết tường tận về Cha, ngoại trừ Con và người nào mà Con muốn tỏ cho biết” (Ma-thi-ơ 11:27). Chúng ta hãy xem tại sao Chúa Giê-su không hề phóng đại khi nói “không ai biết tường tận về Cha, ngoại trừ Con”.

8 Là “con đầu tiên trong tất cả các tạo vật”, Chúa Giê-su có sự thân thiết đặc biệt với Đức Giê-hô-va (Cô-lô-se 1:15). Hãy tưởng tượng mối quan hệ giữa Cha và Con đã trở nên mật thiết đến độ nào trong hằng hà sa số năm, trước khi các tạo vật thần linh khác được dựng nên (Giăng 1:3; Cô-lô-se 1:16, 17). Hãy nghĩ về cơ hội quý giá của Con khi được ở bên cạnh Cha. Ngài có thể tìm hiểu và hấp thu tiêu chuẩn, đường lối, tư tưởng và ý muốn của Cha. Quả thật, không hề phóng đại khi nói Chúa Giê-su biết về Cha rõ hơn bất kỳ ai. Nhờ mối quan hệ mật thiết với Cha, Chúa Giê-su có thể tiết lộ về Cha qua những cách mà không ai khác có thể làm được.

9, 10. (a) Chúa Giê-su cho biết sự thật về Cha qua những cách nào? (b) Chúng ta cần làm gì để được Đức Giê-hô-va chấp nhận?

9 Những dạy dỗ của Chúa Giê-su phản ánh sự hiểu biết sâu sắc về lối suy nghĩ và cảm xúc của Cha cũng như những gì Cha đòi hỏi nơi người thờ phượng ngài. b Chúa Giê-su còn cho biết sự thật về Cha qua một cách sâu sắc khác. Ngài nói: “Ai đã thấy tôi là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Trong mọi lời nói và việc làm, Chúa Giê-su noi gương Cha một cách hoàn hảo. Vì thế, khi đọc những lời tường thuật về Chúa Giê-su, về những câu nói mạnh mẽ và thu hút mà ngài dùng khi dạy dỗ, về lòng trắc ẩn thúc đẩy ngài chữa lành bệnh tật và về sự đồng cảm khiến ngài rơi lệ, chúng ta có thể hình dung chính Đức Giê-hô-va đang nói và làm những điều đó (Ma-thi-ơ 7:28, 29; Mác 1:40-42; Giăng 11:32-36). Đường lối và ý muốn của Cha được phản ánh rõ nét trong lời nói và việc làm của Con (Giăng 5:19; 8:28; 12:49, 50). Do đó, để được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chúng ta cần làm theo sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và noi gương ngài.—Giăng 14:23.

10 Vì Chúa Giê-su biết tường tận về Cha và noi gương Cha một cách hoàn hảo, nên không ngạc nhiên gì khi Đức Giê-hô-va quyết định rằng loài người chỉ có thể đến gần ngài qua Con ngài. Dựa vào những lý do trên, chúng ta hiểu tại sao chỉ có thể đến với Đức Giê-hô-va thông qua Chúa Giê-su. Giờ đây, hãy thảo luận ý nghĩa của những lời Chúa Giê-su nói: “Tôi là đường đi, chân lý và sự sống. Không ai đến được với Cha nếu không qua tôi”.—Giăng 14:6.

“Tôi là đường đi”

11. Tại sao chỉ qua Chúa Giê-su, chúng ta mới có được mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời?

11 Như đã thảo luận ở trên, chúng ta không thể đến gần Đức Chúa Trời mà không qua Chúa Giê-su. Nhưng hãy xem cụ thể hơn điều này có nghĩa gì với chúng ta. Chúa Giê-su là “đường đi” theo nghĩa là chỉ qua ngài chúng ta mới có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời. Tại sao? Khi trung thành cho đến chết, Chúa Giê-su hiến mạng sống làm giá chuộc (Ma-thi-ơ 20:28). Nếu không có sắp đặt về giá chuộc, chúng ta không thể đến gần Đức Chúa Trời. Tội lỗi là rào cản giữa nhân loại và Đức Chúa Trời, vì ngài là thánh nên ngài không thể chấp nhận tội lỗi (Ê-sai 6:3; 59:2). Nhưng sự hy sinh của Chúa Giê-su đã cung cấp giá chuộc cần thiết để gỡ bỏ rào cản ấy (Hê-bơ-rơ 10:12; 1 Giăng 1:7). Nếu chấp nhận và đặt đức tin nơi sự sắp đặt của Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-su, chúng ta có thể nhận được ân huệ của Đức Giê-hô-va. Thật vậy, không có cách nào khác để “được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 5:6-11.

12. Chúa Giê-su là “đường đi” theo những nghĩa nào?

12 Trong việc cầu nguyện, Chúa Giê-su cũng là “đường đi”. Chỉ qua Chúa Giê-su, chúng ta mới có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng những lời cầu xin từ đáy lòng sẽ được lắng nghe (1 Giăng 5:13, 14). Chính Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em nhân danh tôi mà xin Cha bất cứ điều gì thì ngài sẽ ban cho... Hãy xin thì anh em sẽ nhận, để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Giăng 16:23, 24). Nhân danh Chúa Giê-su, chúng ta có thể đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và gọi ngài là Cha (Ma-thi-ơ 6:9). Chúa Giê-su còn là “đường đi” theo một nghĩa khác, đó là qua gương mẫu của ngài. Như đã được đề cập, Chúa Giê-su noi gương Cha một cách hoàn hảo. Do đó, gương của ngài cho chúng ta biết cách sống sao cho đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Vậy, muốn đến gần Đức Giê-hô-va, chúng ta phải bước theo dấu chân Chúa Giê-su.—1 Phi-e-rơ 2:21.

‘Tôi là chân lý’

13, 14. (a) Chúa Giê-su trung thực trong lời nói như thế nào? (b) Để là “chân lý”, Chúa Giê-su đã phải làm gì, và tại sao?

13 Chúa Giê-su luôn nói sự thật về lời của Cha (Giăng 8:40, 45, 46). Trong miệng ngài không hề có sự dối trá (1 Phi-e-rơ 2:22). Ngay cả những người chống đối ngài cũng công nhận rằng ngài dạy “đường lối Đức Chúa Trời một cách trung thực” (Mác 12:13, 14). Tuy nhiên, khi nói ‘tôi là chân lý’, Chúa Giê-su không chỉ hàm ý ngài đã phổ biến chân lý qua lời nói, công việc rao giảng và dạy dỗ. Ngài ‘là chân lý’ bao hàm nhiều hơn thế.

14 Hàng thế kỷ trước, Đức Giê-hô-va hướng dẫn những người viết Kinh Thánh ghi lại rất nhiều lời tiên tri về Đấng Mê-si, tức Đấng Ki-tô. Những lời tiên tri ấy báo trước các chi tiết về cuộc đời, thánh chức và cái chết của Đấng Ki-tô. Ngoài ra, Luật pháp Môi-se cũng chứa đựng nhiều hình bóng, hay hình ảnh mang ý nghĩa tiên tri, liên quan đến Đấng Mê-si (Hê-bơ-rơ 10:1). Liệu Chúa Giê-su có trung thành cho đến chết và làm ứng nghiệm mọi điều được tiên tri về ngài không? Chỉ khi ngài làm thế, Đức Giê-hô-va mới được chứng minh là Đức Chúa Trời của các lời tiên tri chân thật. Trọng trách nặng nề nằm trên vai Chúa Giê-su. Qua cách sống, tức qua mọi lời nói và hành động, Chúa Giê-su đã làm cho các hình ảnh mang ý nghĩa tiên tri trở thành hiện thực (2 Cô-rinh-tô 1:20). Vì thế, Chúa Giê-su là “chân lý”. Khi xuống trái đất, ngài làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri về Đấng Mê-si trong Lời Đức Chúa Trời.—Giăng 1:17; Cô-lô-se 2:16, 17.

‘Tôi là sự sống’

15. Thể hiện đức tin nơi Con Đức Chúa Trời có nghĩa gì, và mang lại kết quả nào?

15 Chúa Giê-su là “sự sống” vì chỉ qua ngài, chúng ta mới nhận được “sự sống thật” (1 Ti-mô-thê 6:19). Kinh Thánh cho biết: “Ai thể hiện đức tin nơi Con sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu; ai không vâng lời Con sẽ không thấy sự sống, nhưng phải gánh lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:36). Thể hiện đức tin nơi Con Đức Chúa Trời có nghĩa gì? Có nghĩa là chúng ta tin chắc mình không thể đạt được sự sống nếu không có ngài. Hơn nữa, chúng ta phải thể hiện đức tin qua hành động, tiếp tục học từ Chúa Giê-su, cố gắng theo sát sự dạy dỗ và gương mẫu của ngài (Gia-cơ 2:26). Khi thể hiện đức tin nơi Con Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu. “Bầy nhỏ” gồm các tín đồ được xức dầu sẽ nhận được sự sống bất tử trên trời, còn “đám đông lớn” gồm “chiên khác” sẽ hưởng được đời sống hoàn hảo trong địa đàng.—Lu-ca 12:32; 23:43; Khải huyền 7:9-17; Giăng 10:16.

16, 17. (a) Chúa Giê-su chứng tỏ là “sự sống” ngay cả đối với những người đã qua đời như thế nào? (b) Chúng ta có niềm tin chắc nào?

16 Còn những người đã qua đời thì sao? Chúa Giê-su cũng là “sự sống” đối với họ. Trước khi làm bạn mình là La-xa-rơ sống lại, Chúa Giê-su nói với người chị em của ông là Ma-thê: “Tôi là sự sống lại và sự sống. Ai thể hiện đức tin nơi tôi, dù có chết cũng sẽ sống lại” (Giăng 11:25). Đức Giê-hô-va đã giao cho Con “chìa khóa của sự chết và của mồ mả”, tức cho ngài quyền làm người chết sống lại (Khải huyền 1:17, 18). Với những chìa khóa này, Chúa Giê-su sẽ mở toang cánh cổng của mồ mả chung của nhân loại và giải thoát tất cả những ai đang ở trong đó.—Giăng 5:28, 29.

17 “Tôi là đường đi, chân lý và sự sống”. Bằng câu nói đơn giản này, Chúa Giê-su tóm tắt mục tiêu trong cuộc đời và thánh chức của ngài trên đất. Hãy lưu ý ngài nói tiếp: “Không ai đến được với Cha nếu không qua tôi” (Giăng 14:6). Những lời của Chúa Giê-su rất có ý nghĩa với chúng ta thời nay. Chúng ta có thể tin chắc rằng nếu đi theo ngài, chúng ta sẽ không bao giờ bị lạc. Chính ngài, và chỉ có ngài, sẽ cho chúng ta thấy con đường “đến được với Cha”.

Bạn sẽ đáp lại thế nào?

18. Làm môn đồ chân chính của Chúa Giê-su bao hàm điều gì?

18 Dựa trên vai trò trọng yếu của Chúa Giê-su và sự hiểu biết sâu sắc của ngài về Cha, chúng ta có lý do chính đáng để bước theo Con Đức Chúa Trời. Như đã nói trong chương trước, làm môn đồ chân chính của Chúa Giê-su bao hàm hành động chứ không chỉ lời nói hoặc cảm xúc. Bước theo Đấng Ki-tô cũng bao gồm việc uốn nắn đời sống chúng ta theo sự dạy dỗ và gương mẫu của ngài (Giăng 13:15). Sách này có thể giúp bạn làm điều đó.

19, 20. Sách này chứa đựng điều gì giúp bạn bước theo Chúa Giê-su?

19 Trong các chương kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su. Các chương này sẽ được chia thành ba phần. Phần 1 sẽ xem xét các đức tính và đường lối của Chúa Giê-su. Phần 2 sẽ phân tích gương sốt sắng của ngài trong việc giảng dạy và rao giảng. Phần 3 sẽ xem xét cách Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương. Từ chương 3 trở đi sẽ có một khung với tựa đề “Bạn bước theo Chúa Giê-su như thế nào?”. Các câu Kinh Thánh và câu hỏi trong khung sẽ giúp chúng ta suy ngẫm về cách mình có thể noi theo Chúa Giê-su trong lời nói và việc làm.

20 Nhờ Đức Giê-hô-va, bạn không còn bị lạc và xa cách ngài vì tội lỗi di truyền. Dù phải trả một giá rất cao, Đức Giê-hô-va yêu thương phái Con ngài đến chỉ cho chúng ta biết cách để có mối quan hệ tốt với ngài (1 Giăng 4:9, 10). Mong rằng bạn sẽ được thôi thúc để đáp lại tình yêu thương cao cả ấy bằng cách hưởng ứng và hành động phù hợp với lời mời của Chúa Giê-su: “Hãy làm môn đồ tôi”.—Giăng 1:43.

a Vai trò của Con Đức Chúa Trời quan trọng đến mức Kinh Thánh đã dùng nhiều danh và tước hiệu mang tính tiên tri để nói về ngài.—Xem khung “ Một số tước hiệu của Chúa Giê-su”.

b Chẳng hạn, những lời dạy của Chúa Giê-su được ghi lại nơi Ma-thi-ơ 10:29-31; 18:12-14, 21-35; 22:36-40.