Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 12

“Ngài chẳng nói điều gì với họ mà không dùng minh họa”

“Ngài chẳng nói điều gì với họ mà không dùng minh họa”

1-3. (a) Những môn đồ đồng hành cùng Chúa Giê-su có cơ hội quý giá nào, và bằng cách nào ngài giúp họ dễ nhớ lời dạy của ngài? (b) Tại sao minh họa hiệu quả thường khó quên?

 Những môn đồ đồng hành cùng Chúa Giê-su có một cơ hội vô cùng quý giá. Họ được Thầy Vĩ Đại trực tiếp dạy. Chính tai họ nghe ngài cắt nghĩa Lời Đức Chúa Trời và dạy dỗ những sự thật tuyệt diệu. Lúc này, họ phải khắc ghi lời quý báu ấy trong tâm trí, vì chưa đến lúc lời của ngài được lưu lại bằng văn bản. a Chúa Giê-su đã giúp họ dễ nhớ lời dạy của ngài hơn. Như thế nào? Qua cách ngài dạy, đặc biệt là cách ngài dùng minh họa.

2 Thật vậy, minh họa hiệu quả thường khó quên. Một nhà văn từng nói rằng minh họa “biến tai thành mắt và giúp gợi suy nghĩ bằng những hình ảnh sống động trong trí người nghe”. Vì chúng ta thường tiếp thu tốt nhất qua hình ảnh, nên minh họa có thể giúp chúng ta dễ nắm các khái niệm trừu tượng. Nó khiến ngôn từ trở nên sống động và khắc sâu các bài học vào trí chúng ta.

3 Không người thầy nào dùng minh họa điêu luyện bằng Chúa Giê-su. Đến nay, người ta vẫn dễ nhớ những minh họa của ngài. Tại sao Chúa Giê-su thường dùng phương pháp dạy dỗ này? Điều gì khiến những minh họa của ngài rất hữu hiệu? Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng hiệu quả phương pháp này?

Tại sao Chúa Giê-su dạy bằng minh họa?

4, 5. Tại sao Chúa Giê-su dùng minh họa?

4 Kinh Thánh cho biết hai lý do quan trọng mà Chúa Giê-su dùng minh họa. Thứ nhất, việc đó làm ứng nghiệm lời tiên tri. Nơi Ma-thi-ơ 13:34, 35 viết: “Chúa Giê-su dùng minh họa để nói với dân chúng... Thật vậy, ngài chẳng nói điều gì với họ mà không dùng minh họa, hầu ứng nghiệm lời tiên tri: ‘Tôi sẽ mở miệng nói bằng minh họa’”. Người viết lời tiên tri mà Ma-thi-ơ nói đến chính là người viết câu Thi thiên 78:2. Ông đã viết những lời này dưới sự hướng dẫn của thần khí Đức Chúa Trời nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giê-su sinh ra. Hãy thử nghĩ điều này có nghĩa gì. Hàng trăm năm trước, Đức Giê-hô-va đã có ý định là Đấng Mê-si sẽ dạy bằng minh họa. Vậy, chắc chắn Đức Giê-hô-va đánh giá cao phương pháp dạy dỗ này!

5 Thứ hai, Chúa Giê-su giải thích rằng ngài dùng minh họa nhằm lọc ra những kẻ có lòng “chai cứng” (Ma-thi-ơ 13:10-15; Ê-sai 6:9, 10). Làm thế nào các minh họa của Chúa Giê-su phơi bày động cơ của người ta? Trong một số trường hợp, ngài muốn người nghe phải đào sâu mới hiểu đầy đủ những gì ngài nói. Người khiêm nhường thì hỏi thêm, còn kẻ kiêu ngạo hoặc thờ ơ thì không làm thế (Ma-thi-ơ 13:36; Mác 4:34). Vậy, minh họa của Chúa Giê-su tiết lộ chân lý cho những người có lòng khao khát, nhưng giấu kín chân lý với những kẻ kiêu ngạo.

6. Chúa Giê-su dùng minh họa cũng nhằm một số mục đích nào khác?

6 Chúa Giê-su dùng minh họa cũng nhằm một số mục đích khác. Qua minh họa, Chúa Giê-su thu hút sự chú ý của người nghe. Minh họa gợi hình ảnh nên giúp người nghe dễ nắm bắt điểm ngài đang nói. Minh họa cũng giúp người nghe nhớ lời của ngài, như đã đề cập ở trên. Một trường hợp điển hình về việc Chúa Giê-su dùng minh họa là Bài giảng trên núi, như được ghi nơi Ma-thi-ơ 5:3–7:27. Theo một thống kê, bài giảng này chứa đựng hơn 50 hình ảnh. Bạn có thể đọc lớn tiếng bài giảng ấy trong vòng 20 phút. Vậy, điều này có nghĩa là trung bình khoảng 20 giây, Chúa Giê-su dùng một hình ảnh! Rõ ràng, ngài thấy giá trị của việc dùng minh họa.

7. Tại sao chúng ta muốn bắt chước Chúa Giê-su trong việc dùng minh họa?

7 Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta muốn bắt chước cách dạy của ngài, kể cả việc dùng minh họa. Như gia vị làm cho món ăn ngon hơn, khi chúng ta “nêm” minh họa hiệu quả vào sự dạy dỗ, người nghe sẽ thêm phần thích thú. Ngoài ra, hình ảnh khéo chọn có thể làm cho những sự thật quan trọng trở nên dễ hiểu. Hãy xem xét kỹ hơn một số yếu tố giúp minh họa của Chúa Giê-su hữu hiệu, rồi xem làm sao chúng ta có thể sử dụng hiệu quả phương pháp này.

Hình ảnh so sánh đơn giản

Chúa Giê-su dùng chim chóc và loài hoa để minh họa thế nào về việc Đức Giê-hô-va chăm sóc chúng ta?

8, 9. Chúa Giê-su đã dùng một số hình ảnh so sánh đơn giản nào, và tại sao hình ảnh của ngài rất hiệu quả?

8 Khi dạy dỗ, Chúa Giê-su thường dùng những hình ảnh so sánh đơn giản, ít từ. Tuy đơn giản, nhưng sự so sánh của ngài gợi lên trong trí người nghe hình ảnh sống động và truyền đạt những sự thật quan trọng một cách rõ ràng. Chẳng hạn, khi khuyên các môn đồ đừng lo lắng về nhu cầu hằng ngày, ngài đưa ra ví dụ về “loài chim trời” và “hoa huệ ngoài đồng”. Chim trời không gieo, hoa huệ không xe chỉ kéo sợi, mà Đức Giê-hô-va vẫn chăm sóc chúng. Bài học thật rõ ràng: Nếu Đức Chúa Trời chăm sóc chim chóc và loài hoa, chắc chắn ngài sẽ chăm sóc những người ‘luôn tìm kiếm Nước Trời trước hết’.—Ma-thi-ơ 6:26, 28-33.

9 Một biện pháp tu từ khác mà Chúa Giê-su thường dùng là ẩn dụ. Ẩn dụ cũng là một hình thức so sánh, nhưng mạnh hơn. Phép ẩn dụ nói đến một vật như thể nó một vật khác. Khi sử dụng biện pháp tu từ này, Chúa Giê-su cũng dùng hình ảnh đơn giản, dễ hiểu. Có lần, ngài nói với môn đồ: “Anh em là ánh sáng của thế gian”. Môn đồ có thể hiểu ngay ý của ngài, đó là qua lời nói và việc làm, họ có thể để ánh sáng thiêng liêng chiếu rạng và giúp người khác tôn vinh Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:14-16). Hãy xem một số hình ảnh ẩn dụ khác của Chúa Giê-su: “Anh em là muối của đất” và “tôi là cây nho, anh em là nhánh” (Ma-thi-ơ 5:13; Giăng 15:5). Những hình ảnh này đơn giản nhưng rất hiệu quả.

10. Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước Chúa Giê-su trong việc dùng minh họa? Hãy cho ví dụ.

10 Làm thế nào bạn có thể bắt chước Chúa Giê-su trong việc dùng minh họa? Bạn không cần cố nghĩ ra những câu chuyện cầu kỳ, dài dòng. Thay vì thế, hãy nghĩ đến những hình ảnh so sánh đơn giản. Ví dụ: Hãy tưởng tượng bạn đang thảo luận với một người về sự sống lại và muốn minh họa việc làm người chết sống lại không nằm ngoài khả năng của Đức Giê-hô-va. Bạn liên tưởng đến hình ảnh so sánh nào? Kinh Thánh ví sự chết như giấc ngủ. Thế nên, bạn có thể nói: “Đối với Đức Chúa Trời, làm người chết sống lại dễ như việc chúng ta đánh thức một người đang ngủ” (Giăng 11:11-14). Hoặc giả sử bạn muốn minh họa cho việc con cái cần được yêu thương và trìu mến. Kinh Thánh dùng một hình ảnh so sánh: “Con cái khác nào những chồi ô-liu” (Thi thiên 128:3). Vậy bạn có thể nói: “Như cây cần ánh nắng và nước, con cái cần được yêu thương và trìu mến”. Hình ảnh càng đơn giản, người nghe càng dễ hiểu điểm bạn muốn nói.

Gần gũi với đời thường

11. Minh họa của Chúa Giê-su phản ánh những điều ngài hẳn đã quan sát khi lớn lên ở Ga-li-lê như thế nào?

11 Chúa Giê-su là bậc thầy trong việc dùng những minh họa liên quan đến đời thường. Nhiều minh họa của ngài phản ánh những điều hẳn ngài đã quan sát khi lớn lên ở Ga-li-lê. Hãy ngẫm nghĩ một chút về thời niên thiếu của Chúa Giê-su. Biết bao lần ngài thấy mẹ xay bột, cho men để bột dậy lên, thắp đèn hoặc quét nhà? (Ma-thi-ơ 13:33; 24:41; Lu-ca 15:8). Đã bao lần ngài thấy cảnh người đánh cá thả lưới xuống vùng biển Ga-li-lê? (Ma-thi-ơ 13:47). Bao nhiêu lần ngài quan sát những đứa trẻ nô đùa ở chợ? (Ma-thi-ơ 11:16). Hẳn Chúa Giê-su cũng tận mắt thấy nhiều cảnh thường ngày khác mà sau đó ngài đề cập trong minh họa—những hạt giống được gieo, những bữa tiệc cưới tưng bừng và những cánh đồng lúa chín dưới ánh nắng mặt trời.—Ma-thi-ơ 13:3-8; 25:1-12; Mác 4:26-29.

12, 13. Vì sao việc Chúa Giê-su dùng con đường “từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô” trong ngụ ngôn về người Sa-ma-ri thương người là điều đáng chú ý?

12 Trong minh họa, Chúa Giê-su thường đề cập đến những chi tiết mà người nghe quen thuộc. Chẳng hạn, ngài mở đầu ngụ ngôn về người Sa-ma-ri thương người bằng những lời sau: “Có một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô và sa vào tay bọn cướp, bị chúng lột sạch, đánh đập... để mặc cho dở sống dở chết” (Lu-ca 10:30). Một điều đáng chú ý là Chúa Giê-su dùng con đường “từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô” để minh họa ý ngài. Khi kể ngụ ngôn này, ngài đang ở Giu-đê, cách thành Giê-ru-sa-lem không xa nên người nghe hẳn biết con đường đó. Con đường này nổi tiếng nguy hiểm, đặc biệt đối với những ai đi một mình, vì có nhiều đoạn quanh co khúc khuỷu, tạo chỗ nấp cho bọn cướp.

13 Chúa Giê-su cũng nói đến những chi tiết khác về con đường “từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô”. Theo câu chuyện, trước hết một thầy tế lễ, sau đó một người Lê-vi đi qua con đường, nhưng không ai dừng lại giúp người bị nạn (Lu-ca 10:31, 32). Các thầy tế lễ phục vụ tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, còn người Lê-vi phụ giúp cho họ. Nhiều thầy tế lễ và người Lê-vi cư trú ở Giê-ri-cô khi không hầu việc tại đền thờ, vì Giê-ri-cô chỉ cách Giê-ru-sa-lem 23km. Thế nên, hẳn nhiên có lúc họ đi qua con đường đó. Ngoài ra, cũng hãy lưu ý Chúa Giê-su nói rằng người bị nạn đi xuống, không phải đi lên, con đường “từ Giê-ru-sa-lem”. Người nghe sẽ thấy chi tiết này phù hợp. Giê-ru-sa-lem ở vị trí cao hơn Giê-ri-cô. Vì vậy, khi đi từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô, một người phải đi xuống. b Rõ ràng, Chúa Giê-su nghĩ đến người nghe.

14. Khi chọn minh họa, làm thế nào chúng ta cho thấy mình nghĩ đến người nghe?

14 Khi chọn minh họa, chúng ta cũng cần nghĩ đến người nghe. Một số yếu tố chúng ta có thể nghĩ đến là tuổi tác, văn hóa, gia cảnh và nghề nghiệp của họ. Chẳng hạn, minh họa về nông nghiệp có thể phù hợp với người nông thôn hơn người thành thị. Chúng ta cũng muốn chú ý đến cuộc sống và hoạt động thường ngày của người nghe. Họ có con không? Nhà cửa thế nào? Sở thích của họ là gì? Họ thích món ăn nào? Suy nghĩ những điều như thế cũng có thể giúp chúng ta tìm một minh họa thích hợp.

Dựa vào công trình sáng tạo

15. Tại sao không ngạc nhiên khi Chúa Giê-su biết rõ công trình sáng tạo?

15 Nhiều minh họa của Chúa Giê-su phản ánh sự hiểu biết của ngài về thiên nhiên, chẳng hạn như cây cỏ, thú vật và thời tiết (Ma-thi-ơ 16:2, 3; Lu-ca 12:24, 27). Nhờ đâu ngài có sự hiểu biết này? Khi lớn lên ở Ga-li-lê, chắc chắn ngài đã có nhiều cơ hội quan sát các công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Quan trọng hơn, Chúa Giê-su chính là “con đầu tiên trong tất cả các tạo vật”, và khi Đức Giê-hô-va tạo nên muôn vật, ngài dùng người Con này làm “thợ cả” (Cô-lô-se 1:15, 16; Châm ngôn 8:30, 31). Vậy chẳng lạ gì khi Chúa Giê-su biết rõ công trình sáng tạo. Hãy xem ngài đã vận dụng sự hiểu biết đó khéo léo ra sao.

16, 17. (a) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su rất quen thuộc tính cách của loài chiên? (b) Ví dụ nào cho thấy cừu thật sự quen tiếng người chăn?

16 Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su nói mình là “người chăn tốt lành” và gọi các môn đồ ngài là “chiên”. Lời ngài cho thấy ngài rất quen thuộc tính cách của loài chiên. Ngài biết giữa người chăn và bầy chiên có sự gắn bó đặc biệt. Ngài cũng nhận thấy động vật này chịu nghe theo sự dẫn dắt và trung thành đi theo người chăn. Tại sao chiên đi theo người chăn? Chúa Giê-su cho biết đó là vì “chúng quen tiếng người chăn” (Giăng 10:2-4, 11). Loài chiên có thật sự quen tiếng người chăn không?

17 Dựa trên những quan sát cá nhân, ông George Smith đã viết trong cuốn sách của mình có nhan đề Địa lý lịch sử Vùng Đất Thánh (The Historical Geography of the Holy Land) như sau: “Đôi khi chúng tôi nghỉ trưa bên một trong những giếng nước của vùng Giu-đa, và có ba bốn mục đồng đưa cừu đến. Các bầy cừu hòa lẫn vào nhau, và chúng tôi tự hỏi làm thế nào các mục đồng tìm lại được những con thuộc bầy của mình. Nhưng sau khi bầy cừu uống nước và nô đùa xong, mỗi mục đồng đi về một hướng của thung lũng và cất tiếng gọi riêng của mình; thế là các chú cừu tách khỏi đám đông và đi về phía người chăn của chúng. Các bầy đi khỏi trật tự như khi chúng tới”. Hẳn không có hình ảnh nào tốt hơn để minh họa ý của Chúa Giê-su, đó là nếu chúng ta chấp nhận và vâng theo những dạy dỗ của ngài, cũng như để ngài dẫn dắt, chúng ta sẽ được ở trong vòng tay chăm sóc của “người chăn tốt lành”.

18. Chúng ta có thể tìm thông tin về công trình sáng tạo ở đâu?

18 Làm thế nào chúng ta có thể học cách dùng minh họa dựa trên công trình sáng tạo? Dựa vào đặc tính của loài vật, chúng ta có thể dùng một số hình ảnh so sánh đơn giản nhưng hiệu quả. Chúng ta có thể tìm thông tin về công trình sáng tạo ở đâu? Về khía cạnh này, Kinh Thánh là một kho tàng phong phú. Đôi khi Lời Đức Chúa Trời còn dùng đặc tính của động vật để minh họa. Chẳng hạn, Kinh Thánh dùng “linh dương” hoặc “báo” để ám chỉ sự nhanh lẹ, dùng rắn và chim bồ câu để nói đến sự khôn khéo và hiền lành c (1 Sử ký 12:8; Ha-ba-cúc 1:8; Ma-thi-ơ 10:16). Chúng ta cũng có thể tìm nhiều thông tin hữu ích trong tạp chí Tháp CanhTỉnh Thức! cũng như những bài và video trong loạt bài “Một sự thiết kế?” trên jw.org. Bạn sẽ học được nhiều khi xem cách những tài liệu này dùng hình ảnh so sánh đơn giản dựa trên công trình sáng tạo.

Dùng sự kiện và kinh nghiệm

19, 20. (a) Chúa Giê-su đã sử dụng hiệu quả biến cố hiện thời để bác bỏ một quan niệm sai lầm như thế nào? (b) Làm sao chúng ta có thể dùng những sự kiện và kinh nghiệm có thật khi dạy dỗ?

19 Chúng ta cũng có thể dùng sự kiện và kinh nghiệm có thật làm minh họa. Có lần Chúa Giê-su dùng một sự kiện vừa xảy ra để bác bỏ quan niệm sai lầm cho rằng người ta bị tai họa là do quả báo. Ngài nói: “Mười tám người bị tháp ở Si-lô-am sập xuống đè chết, anh em nghĩ họ mắc tội nặng hơn mọi người khác sống trong Giê-ru-sa-lem sao?” (Lu-ca 13:4). Mười tám người đó chết không phải vì đã phạm tội khiến Đức Chúa Trời phật lòng. Thảm kịch này là do “thời thế và chuyện bất trắc” (Truyền đạo 9:11). Như vậy, Chúa Giê-su dùng sự kiện được nhiều người biết đến để bác bỏ một niềm tin sai lầm.

20 Làm sao chúng ta có thể dùng những sự kiện và kinh nghiệm có thật khi dạy dỗ? Giả sử bạn đang thảo luận dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 24:3-14). Bạn có thể đề cập một số mẩu tin gần đây về chiến tranh, nạn đói hoặc động đất để dẫn chứng cho sự ứng nghiệm của những khía cạnh trong dấu hiệu này. Hoặc bạn muốn dùng một kinh nghiệm để giúp học viên hiểu việc mặc lấy nhân cách mới bao hàm điều gì (Ê-phê-sô 4:20-24). Bạn có thể tìm kinh nghiệm như thế ở đâu? Hãy nghĩ đến trường hợp của một số anh em đồng đạo hoặc một kinh nghiệm trong ấn phẩm của tổ chức. Bạn cũng có thể tìm những kinh nghiệm trong loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống” trên jw.org.

21. Dạy Lời Đức Chúa Trời hiệu quả mang lại phần thưởng nào?

21 Rõ ràng, Chúa Giê-su là Bậc Thầy Lỗi Lạc! Qua phần 2, chúng ta đã thấy rõ ‘giảng dạy và rao giảng tin mừng’ là sự nghiệp của ngài (Ma-thi-ơ 4:23). Đó cũng là sự nghiệp của chúng ta. Khi trở thành người dạy dỗ hiệu quả, chúng ta nhận được phần thưởng vô giá. Dạy dỗ là ban cho, và sự ban cho như thế mang lại hạnh phúc (Công vụ 20:35). Chúng ta hạnh phúc vì biết mình đang ban cho người khác một điều chân chính và có giá trị lâu dài—sự thật về Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng thỏa lòng vì biết mình đang noi theo Chúa Giê-su, Thầy vĩ đại nhất từng sống trên đất.

a Dường như lời tường thuật được soi dẫn đầu tiên về cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su là Phúc âm Ma-thi-ơ, được viết khoảng tám năm sau khi Chúa Giê-su qua đời.

b Câu chuyện của Chúa Giê-su cũng cho thấy thầy tế lễ và người Lê-vi đang đi “từ Giê-ru-sa-lem”, nghĩa là đi xa khỏi đền thờ. Do đó, không ai có thể biện hộ cho sự hờ hững của họ bằng cách nói rằng họ tránh người đàn ông có vẻ như đã chết vì không muốn bị “ô uế”, điều khiến họ tạm thời không được phục vụ tại đền thờ.—Lê-vi 21:1; Dân số 19:16.

c Để xem bộ sưu tập đầy đủ hơn về những chỗ Kinh Thánh dùng đặc tính động vật theo nghĩa bóng, xin xem sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures), Tập 1, trang 268, 270, 271, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.