CHƯƠNG 11
“Chưa từng có người nào giảng dạy như người này”
1, 2. (a) Vì sao những cảnh vệ được sai đi bắt Chúa Giê-su trở về tay không? (b) Tại sao sự dạy dỗ của Chúa Giê-su rất thu hút?
Những người Pha-ri-si vô cùng giận dữ. Chúa Giê-su đang ở trong đền thờ và dạy về Cha ngài. Người nghe phản ứng khác nhau. Nhiều người tin Chúa Giê-su, nhưng cũng có người mong ngài bị bắt. Không thể kiềm chế cơn giận, các nhà lãnh đạo tôn giáo sai lính cảnh vệ đi bắt Chúa Giê-su. Tuy nhiên, những người lính trở về tay không. Các trưởng tế và người Pha-ri-si đòi một lời giải thích: “Sao các anh không bắt hắn về đây?”. Những cảnh vệ trả lời: “Chưa từng có người nào giảng dạy như người này”. Họ ấn tượng về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su đến mức không thể bắt ngài. a—Giăng 7:45, 46.
2 Những cảnh vệ này không phải là những người duy nhất ấn tượng về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Nhiều người tụ tập rất đông chỉ để nghe ngài dạy (Mác 3:7, 9; 4:1; Lu-ca 5:1-3). Tại sao sự dạy dỗ của Chúa Giê-su thu hút đến thế? Như đã xem trong chương 8, ngài yêu những sự thật và những người ngài dạy. Ngài cũng có nghệ thuật giảng dạy. Hãy xem ba phương pháp dạy dỗ của Chúa Giê-su và cách chúng ta có thể bắt chước ngài.
Dạy đơn giản
3, 4. (a) Tại sao Chúa Giê-su dùng ngôn từ dễ hiểu khi dạy dỗ? (b) Bài giảng trên núi là một ví dụ điển hình thế nào về cách dạy đơn giản của Chúa Giê-su?
3 Chắc chắn, Chúa Giê-su có vốn từ rất phong phú. Dù thế khi giảng dạy, ngài không bao giờ dùng từ ngữ khó hiểu đối với người nghe, trong đó có nhiều người là “dân thường, ít học” (Công vụ 4:13). Ngài nghĩ đến giới hạn của họ, không làm họ choáng ngợp bởi quá nhiều thông tin (Giăng 16:12). Lời dạy của ngài đơn giản nhưng vẫn chuyển tải được những sự thật sâu sắc.
4 Chẳng hạn, hãy xem Bài giảng trên núi được ghi nơi Ma-thi-ơ 5:3–7:27. Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên sâu sắc, đi vào trọng tâm vấn đề. Không có từ ngữ hay câu nào phức tạp. Hầu như không có từ nào mà con trẻ không hiểu được! Vì thế, chẳng lạ gì khi Chúa Giê-su nói xong, đoàn dân—rất có thể gồm nhiều nông dân, người chăn cừu và ngư dân—“kinh ngạc về cách giảng dạy của ngài”.—Ma-thi-ơ 7:28.
5. Hãy nêu các ví dụ cho thấy những câu nói của Chúa Giê-su dù đơn giản nhưng giàu ý nghĩa.
5 Khi dạy dỗ, Chúa Giê-su thường dùng những câu đơn giản và ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa. Nhờ thế, trong thời đại chưa có in ấn, ngài đã khắc ghi thông điệp vào lòng và trí người nghe. Hãy xem một số ví dụ: “Đừng xét đoán người khác nữa, để anh em không bị xét đoán”. “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần”. “Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối”. “Những gì của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, còn những gì của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời”. “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” b (Ma-thi-ơ 7:1; 9:12; 26:41; Mác 12:17; Công vụ 20:35). Dù được nói ra cách đây gần 2.000 năm, nhưng những lời của Chúa Giê-su vẫn trường tồn qua thời gian.
6, 7. (a) Để dạy đơn giản, tại sao chúng ta cần dùng từ ngữ dễ hiểu? (b) Làm thế nào chúng ta có thể tránh làm người học choáng ngợp bởi quá nhiều thông tin?
6 Làm thế nào chúng ta có thể dạy đơn giản? Một yếu tố quan trọng là dùng từ ngữ dễ hiểu đối với người nghe. Những sự thật cơ bản trong Lời Đức Chúa Trời không phức tạp. Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định của ngài cho những người có lòng thành thật và khiêm nhường (1 Cô-rinh-tô 1:26-28). Khi dùng từ đơn giản và khéo chọn, chúng ta có thể chuyển tải các sự thật trong Lời Đức Chúa Trời một cách hiệu quả.
7 Muốn dạy đơn giản, chúng ta cũng cần tránh làm người học choáng ngợp bởi quá nhiều thông tin. Khi điều khiển một cuộc học hỏi, chúng ta không cần giải thích mọi chi tiết, cũng không cần học vội vàng như thể điều quan trọng nhất là dạy cho xong một số đoạn nhất định. Thay vì thế, tốt hơn nên để nhu cầu và khả năng của học viên quyết định nhịp độ buổi học. Mục tiêu của chúng ta là giúp người học trở thành môn đồ Đấng Ki-tô và người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Do đó, chúng ta cần giúp họ nắm vững những điều đang học, dù phải mất bao nhiêu thời gian. Như vậy, chân lý mới có thể động đến lòng và thôi thúc họ hành động.—Rô-ma 12:2.
Dùng câu hỏi phù hợp
8, 9. (a) Tại sao Chúa Giê-su dùng câu hỏi? (b) Chúa Giê-su đã dùng câu hỏi thế nào để giúp Phi-e-rơ đi đến kết luận đúng về việc nộp thuế đền thờ?
8 Chúa Giê-su thường dùng câu hỏi, ngay cả khi nói thẳng vấn đề sẽ tiết kiệm nhiều thời gian hơn. Tại sao ngài làm thế? Đôi khi, ngài dùng những câu hỏi sắc bén nhằm phơi bày động cơ của những kẻ chống đối, khiến họ phải câm lặng (Ma-thi-ơ 21:23-27; 22:41-46). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, Chúa Giê-su dùng câu hỏi để giúp các môn đồ nói ra suy nghĩ, để kích thích và phát triển khả năng suy luận của họ. Ngài đặt những câu hỏi như “anh em nghĩ sao?”, “chị tin điều đó không?” (Ma-thi-ơ 18:12; Giăng 11:26). Qua những câu hỏi, Chúa Giê-su động đến lòng các môn đồ. Hãy xem một ví dụ.
9 Một lần, những người thu thuế hỏi Phi-e-rơ xem Chúa Giê-su có nộp thuế đền thờ không. c Phi-e-rơ hấp tấp trả lời: “Có chứ”. Sau đó, Chúa Giê-su lý luận với ông: “Anh nghĩ sao, Si-môn? Các vua trên thế gian thu phí và thuế của ai? Của con mình hay của người ngoài?”. Phi-e-rơ đáp: “Của người ngoài”. Chúa Giê-su phán: “Vậy thì con vua được miễn thuế” (Ma-thi-ơ 17:24-27). Hẳn Phi-e-rơ hiểu rõ ý của Chúa Giê-su qua những câu hỏi ấy, vì thời đó ai cũng biết người thuộc hoàng gia được miễn thuế. Vì thế, là Con một của vị Vua trên trời, đấng được thờ phượng tại đền thờ, đúng ra Chúa Giê-su không phải đóng thuế. Hãy lưu ý, thay vì nói thẳng với Phi-e-rơ câu trả lời, Chúa Giê-su đã khéo dùng câu hỏi để giúp ông đi đến kết luận đúng, và có lẽ cũng để ông thấy tầm quan trọng của việc suy nghĩ kỹ trước khi nói.
10. Làm thế nào chúng ta có thể dùng câu hỏi một cách hữu hiệu khi rao giảng từng nhà?
10 Làm thế nào chúng ta có thể dùng câu hỏi một cách hữu hiệu trong thánh chức? Khi rao giảng từng nhà, chúng ta có thể dùng câu hỏi gợi sự chú ý nhằm mở ra cơ hội chia sẻ tin mừng. Chẳng hạn, nếu chủ nhà là người lớn tuổi, chúng ta có thể lễ phép hỏi: “Ông/Bà thấy thế giới này thay đổi thế nào trong đời mình?”. Sau khi người ấy trả lời, chúng ta có thể hỏi: “Vậy theo ông/bà, có giải pháp nào giúp cải thiện thế giới này không?” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Nếu chủ nhà là người mẹ có con nhỏ, chúng ta có thể hỏi: “Chị có bao giờ tự hỏi thế giới sẽ như thế nào khi con mình lớn lên không?” (Thi thiên 37:10, 11). Việc quan sát sẽ giúp chúng ta chọn câu hỏi phù hợp với mối quan tâm của chủ nhà.
11. Làm sao chúng ta có thể sử dụng hiệu quả câu hỏi khi điều khiển học hỏi?
11 Khi điều khiển học hỏi, làm thế nào chúng ta có thể sử dụng hiệu quả câu hỏi? Những câu hỏi khéo chọn có thể giúp chúng ta “múc lấy” cảm nghĩ thầm kín trong lòng học viên (Châm ngôn 20:5). Giả sử chúng ta đang học bài 43 có tựa “Các tín đồ nên có quan điểm nào về ” trong sách Vui sống mãi mãi!. rượu bia? d Bài này thảo luận quan điểm của Đức Chúa Trời về việc uống rượu bia quá độ và say sưa. Có thể câu trả lời của học viên cho thấy người ấy hiểu những điều Kinh Thánh dạy, nhưng liệu người ấy có đồng ý không? Chúng ta có thể hỏi: “Theo ông/bà, quan điểm của Đức Giê-hô-va về những vấn đề này có hợp lý không? Làm thế nào ông/bà có thể áp dụng những nguyên tắc này vào đời sống?”. Nhưng chúng ta cần tế nhị và tôn trọng phẩm giá của học viên. Chúng ta không muốn đặt những câu hỏi làm họ bị ngượng.—Châm ngôn 12:18.
Lý luận hợp lý
12-14. (a) Chúa Giê-su đã dùng cách lập luận hợp lý trong những trường hợp nào? (b) Chúa Giê-su đã lập luận thuyết phục ra sao khi người Pha-ri-si cho rằng quyền lực của ngài đến từ Sa-tan?
12 Với trí óc hoàn hảo, Chúa Giê-su là bậc thầy về khả năng lý luận với người khác. Đôi lúc, ngài dùng lý luận hợp lý để bác bỏ lời vu khống của những kẻ chống đối. Trong nhiều trường hợp khác, ngài dùng cách lập luận thuyết phục để dạy các môn đồ những bài học quan trọng. Hãy xem một số ví dụ.
13 Sau khi Chúa Giê-su chữa lành cho một người mù và câm do bị quỷ ám, người Pha-ri-si nói: “Nếu không nhờ Bê-ên-xê-bun [Sa-tan], là chúa quỷ, thì ông ta không đuổi được quỷ”. Dù công nhận phải nhờ vào quyền lực siêu phàm mới có thể đuổi quỷ, nhưng họ lại cho rằng quyền lực của Chúa Giê-su đến từ Sa-tan. Những lời cáo buộc đó không chỉ sai mà còn phi lý. Biết ý nghĩ sai lầm của họ, ngài phán: “Nước nào chia rẽ thì tan hoang, thành nào hay nhà nào chia rẽ thì sẽ không vững bền. Cũng một thể ấy, nếu Sa-tan đuổi Sa-tan thì hắn tự chia rẽ mình. Vậy làm sao nước của hắn đứng vững được?” (Ma-thi-ơ 12:22-26). Như thể ngài nói: “Nếu tôi là người của Sa-tan mà phá việc của Sa-tan, vậy hóa ra Sa-tan tự chống lại chính mình và sẽ sớm sụp đổ”. Quả là lập luận đầy thuyết phục!
14 Chúa Giê-su tiếp tục lý luận với họ. Vì biết vài môn đồ của người Pha-ri-si từng đuổi quỷ, ngài nêu một câu hỏi đơn giản nhưng sắc bén: “Nếu tôi nhờ Bê-ên-xê-bun để đuổi quỷ thì môn đồ các ông nhờ ai để đuổi chúng?” (Ma-thi-ơ 12:27). Về cơ bản, lập luận của Chúa Giê-su là: “Nếu quả tôi đã nhờ quyền lực của Sa-tan để đuổi quỷ, thì môn đồ các ông hẳn cũng nhờ quyền lực đó”. Người Pha-ri-si có thể nói gì? Không đời nào họ thừa nhận các môn đồ của mình dựa vào quyền lực của Sa-tan. Như vậy, Chúa Giê-su đã dùng chính lập luận của họ để đẩy họ vào thế mắc kẹt. Chỉ đọc về cách Chúa Giê-su lý luận, chúng ta đã thấy hào hứng rồi. Hãy tưởng tượng đoàn dân hào hứng đến mức nào khi lắng nghe ngài, hẳn cách nói của Chúa Giê-su đã làm lập luận của ngài càng thuyết phục.
15-17. Hãy nêu ví dụ về việc Chúa Giê-su dùng cách lập luận “huống chi” để dạy những sự thật ấm lòng về Cha.
15 Chúa Giê-su còn dùng lý lẽ hợp lý và thuyết phục để dạy những sự thật khích lệ và ấm lòng về Cha. Nhiều lần, ngài dùng cách lập luận “huống chi” hầu giúp người nghe dựa vào một sự thật hiển nhiên để củng cố lòng tin vào điều khác. Cách lập luận dựa trên sự tương phản này có thể tạo ấn tượng sâu sắc. Hãy xem hai ví dụ.
16 Khi các môn đồ xin Chúa Giê-su dạy họ cách cầu nguyện, ngài nói đến việc cha mẹ bất toàn sẵn lòng cho con mình “vật tốt”. Rồi ngài kết luận: “Nếu anh em là người có tội mà còn biết cho con cái mình vật tốt thì huống chi Cha trên trời, ngài lại càng muốn ban thần khí thánh cho những người cầu xin ngài!” (Lu-ca 11:1-13). Chúa Giê-su nêu bật ý ngài bằng một sự tương phản. Nếu cha mẹ tội lỗi còn biết chăm lo nhu cầu của con mình, huống chi Cha trên trời của chúng ta, đấng toàn vẹn và công chính, lại không ban thần khí thánh cho những tôi tớ trung thành, khiêm nhường cầu xin ngài sao?
17 Chúa Giê-su dùng lý luận tương tự khi đưa ra lời khuyên về cách đối phó với những lo lắng. Ngài nói: ‘Con quạ không gieo, không gặt, cũng không có kho hay vựa, vậy mà Đức Chúa Trời vẫn nuôi chúng. Chẳng phải anh em còn quý hơn loài chim nhiều hay sao? Hãy nghĩ xem loài hoa huệ lớn lên như thế nào: Chúng không làm lụng vất vả cũng không xe chỉ kéo sợi. Nếu cây cỏ ngoài đồng, là loài nay còn sống mai bị ném vào lò, mà được Đức Chúa Trời cho mặc đẹp như vậy, huống chi là anh em, hỡi những người ít đức tin!’ (Lu-ca 12:24, 27, 28). Nếu Đức Giê-hô-va chăm sóc loài chim, loài hoa, chắc chắn ngài sẽ chăm sóc những người yêu mến và thờ phượng ngài! Với lập luận như thế, hẳn Chúa Giê-su đã động đến lòng người nghe.
18, 19. Chúng ta có thể lý luận thế nào nếu một người nói là không tin có Đức Chúa Trời vì không thấy ngài?
18 Trong thánh chức, chúng ta muốn dùng lý lẽ hợp lý để bác bỏ niềm tin sai lầm. Chúng ta cũng muốn dùng lập luận thuyết phục để dạy những sự thật về Đức Giê-hô-va (Công vụ 19:8; 28:23, 24). Phải chăng để làm được điều này, chúng ta phải học cách lập luận cao siêu? Hoàn toàn không. Gương của Chúa Giê-su cho thấy những lập luận hợp lý được trình bày đơn giản thường đạt hiệu quả cao.
19 Chẳng hạn, nếu một người nói là không tin có Đức Chúa Trời vì không thấy ngài, chúng ta đáp lại thế nào? Chúng ta có thể lý luận dựa trên luật nhân quả. Khi nhìn thấy kết quả, chúng ta biết là phải có nguyên nhân. Chúng ta có thể nói: “Nếu bạn đến một vùng xa xôi hẻo lánh và thấy một ngôi nhà kiên cố và chứa đầy lương thực (kết quả), hẳn bạn phải công nhận có người (nguyên nhân) đã xây ngôi nhà đó và dự trữ lương thực trong tủ. Cũng vậy, khi nhìn thấy sự trật tự trong thiên nhiên và vô vàn thực phẩm trong ‘tủ’ của trái đất (kết quả), chẳng phải điều hợp lý là có một đấng (nguyên nhân) đã làm nên những điều đó sao? Chính Kinh Thánh lập luận: ‘Ngôi nhà nào cũng có người dựng nên, còn đấng dựng nên muôn vật chính là Đức Chúa Trời’” (Hê-bơ-rơ 3:4). Dĩ nhiên, dù chúng ta lập luận hợp lý đến đâu, không phải mọi người đều sẽ tin theo.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:2.
20, 21. (a) Làm thế nào chúng ta có thể dùng cách lập luận “huống chi” để nêu bật các đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va? (b) Chương kế tiếp sẽ bàn luận về điều gì?
20 Khi dạy dỗ, dù trong thánh chức hay trước hội thánh, chúng ta cũng có thể lý luận hợp lý bằng cách dùng lập luận “huống chi” để nêu bật các đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, để giúp người nghe hiểu rằng giáo lý hỏa ngục bôi nhọ Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể nói: “Không người cha yêu thương nào lại trừng phạt con bằng cách đưa tay con qua lửa. Huống chi Cha yêu thương của chúng ta trên trời. Ngài thậm chí không nghĩ đến điều đó!” (Giê-rê-mi 7:31). Khi an ủi một anh em đồng đạo đang nản lòng, chúng ta có thể nói: “Đức Giê-hô-va quan tâm đến ngay cả một con chim sẻ không mấy giá trị, huống chi là anh/chị. Chắc chắn, ngài cũng quan tâm và yêu thương mỗi tôi tớ ngài, kể cả anh/chị!” (Ma-thi-ơ 10:29-31). Cách lý luận như thế có thể giúp chúng ta động đến lòng người khác.
21 Chỉ xem xét ba phương pháp dạy dỗ của Chúa Giê-su, chúng ta đã dễ dàng nhận thấy những cảnh vệ định bắt Chúa Giê-su không hề phóng đại khi nói: “Chưa từng có người nào giảng dạy như người này”. Chương kế tiếp sẽ bàn luận về phương pháp dạy dỗ có lẽ nổi tiếng nhất của Chúa Giê-su, đó là dùng minh họa.
a Rất có thể, những cảnh vệ này làm việc cho Tòa Tối Cao và dưới quyền các trưởng tế.
b Chỉ một mình sứ đồ Phao-lô trích dẫn câu nói này của Chúa Giê-su. Có thể ông đã nghe câu này từ một người đã nghe Chúa Giê-su nói hoặc từ chính Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại, hay ông được Đức Chúa Trời mạc khải.
c Người Do Thái phải đóng thuế đền thờ mỗi năm hai đồng đơ-rác-ma, bằng khoảng hai ngày lương. Một tài liệu tham khảo cho biết: “Tiền thuế này chủ yếu được dùng để trang trải cho việc dâng lễ vật thiêu hằng ngày và những vật tế lễ khác được dâng vì lợi ích của dân sự”.
d Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.