Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 8

“Tôi được phái đến để làm việc đó”

“Tôi được phái đến để làm việc đó”

1-4. (a) Chúa Giê-su khéo léo dạy người phụ nữ Sa-ma-ri như thế nào, và kết quả ra sao? (b) Các sứ đồ phản ứng thế nào?

 Chúa Giê-su và các sứ đồ đã đi bộ hàng giờ đồng hồ. Họ đang đi về phía bắc, từ Giu-đa hướng đến Ga-li-lê. Lộ trình ngắn nhất này (độ ba ngày đường) dẫn họ qua xứ Sa-ma-ri. Khoảng giữa trưa, họ tới thành nhỏ Si-kha và dừng chân nghỉ.

2 Trong khi các sứ đồ đi mua thức ăn, Chúa Giê-su nghỉ ngơi bên một cái giếng ngoài thành. Một phụ nữ đến múc nước. Chúa Giê-su có thể lờ đi người phụ nữ ấy. Ngài vừa “đi đường mệt mỏi” (Giăng 4:6). Vì thế, nếu Chúa Giê-su nhắm mắt nghỉ ngơi và không để ý đến người phụ nữ này thì cũng không ai trách ngài. Như đã xem trong chương 4, có lẽ người phụ nữ nghĩ rằng chẳng có người Do Thái nào sẽ đối xử tử tế với bà. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã bắt chuyện với bà.

3 Ngài mở đầu bằng một ví dụ liên quan đến hoạt động thường ngày mà bà đang làm—lấy nước. Chúa Giê-su nói đến loại nước có thể mang lại sự sống và thỏa mãn cơn khát về tâm linh của bà. Vài lần, bà đưa ra những chủ đề dễ gây tranh cãi. a Nhưng Chúa Giê-su khéo léo tránh những vấn đề đó và lái cuộc nói chuyện sao cho không chệch hướng. Ngài tập trung vào những điều thiêng liêng—sự thờ phượng thanh sạch và Đức Giê-hô-va. Những lời của ngài có tầm ảnh hưởng rộng lớn vì người phụ nữ đã lan truyền những lời ấy cho người trong thành, và họ cũng muốn nghe Chúa Giê-su giảng.—Giăng 4:3-42.

4 Khi trở về, các sứ đồ cảm thấy thế nào về cuộc làm chứng của Chúa Giê-su? Không điều gì cho thấy họ hứng thú. Họ lấy làm lạ khi Chúa Giê-su nói chuyện với người phụ nữ này, và dường như họ chẳng nói với bà lời nào. Sau khi bà rời khỏi, các sứ đồ giục Chúa Giê-su dùng thức ăn họ vừa mua về. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói: “Tôi có thức ăn mà anh em không biết”. Lúc đầu, họ nghĩ Chúa Giê-su nói về thức ăn theo nghĩa đen. Nhưng sau đó, ngài giải thích: “Thức ăn của tôi là làm theo ý muốn của đấng sai tôi đến và hoàn thành công việc ngài giao” (Giăng 4:32, 34). Qua đó, Chúa Giê-su dạy họ rằng công việc chính trong đời sống của ngài còn quan trọng hơn việc ăn uống. Ngài cũng muốn họ cảm thấy như thế về công việc này. Đó là công việc nào?

5. Đâu là công việc chính của Chúa Giê-su, và chương này sẽ xem xét điều gì?

5 Chúa Giê-su từng nói: ‘Tôi phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, vì tôi được phái đến để làm việc đó’ (Lu-ca 4:43). Thật vậy, Chúa Giê-su được phái đến để rao giảng và giảng dạy tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. b Ngày nay, môn đồ của ngài cũng làm công việc đó. Vì thế, điều thiết yếu là chúng ta xem tại sao Chúa Giê-su rao giảng, ngài rao giảng về điều gì và ngài có quan điểm nào về sứ mạng được giao.

Tại sao Chúa Giê-su rao giảng?

6, 7. Chúa Giê-su muốn ‘những người dạy dỗ người khác’ cảm thấy thế nào về việc chia sẻ tin mừng? Hãy minh họa.

6 Trước hết, hãy xem Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về những sự thật mà ngài chia sẻ, rồi sau đó hãy xem thái độ của ngài đối với những người ngài dạy. Chúa Giê-su đã dùng minh họa sống động cho thấy ngài cảm thấy thế nào về việc chia sẻ cho người khác những sự thật mà Đức Giê-hô-va đã dạy. Ngài nói: “Những người dạy dỗ công chúng mà được dạy về Nước Trời giống như một chủ nhà kia lấy các vật trong kho báu mình ra, cả mới lẫn cũ” (Ma-thi-ơ 13:52). Tại sao chủ nhà mang những vật trong kho báu mình ra?

7 Không phải chủ nhà muốn khoe tài sản như vua Ê-xê-chia từng làm, điều đã dẫn đến hậu quả đau buồn (2 Các vua 20:13-20). Vậy, mục đích của chủ nhà là gì? Hãy xem minh họa: Bạn đến thăm một thầy giáo mà bạn yêu mến và kính trọng. Thầy mở ngăn kéo tủ và lấy ra hai bức thư, một bức đã ngả màu qua thời gian, còn bức kia vẫn mới. Những bức thư này là do ba của thầy giáo gửi. Một bức thầy nhận từ hàng thập kỷ trước, khi còn là một cậu bé, bức kia thì mới nhận. Đôi mắt thầy sáng lên và vui mừng khi nói với bạn về việc thầy rất quý hai bức thư này, những lời khuyên trong đó đã thay đổi đời sống thầy ra sao và có thể giúp ích cho bạn thế nào. Rõ ràng, đối với thầy giáo, những bức thư này là báu vật và có vị trí quan trọng trong tâm khảm thầy (Lu-ca 6:45). Người thầy chia sẻ những lá thư ấy với bạn, không phải để khoe hay kiếm lợi, nhưng để bạn nhận được lợi ích và hiểu giá trị của chúng.

8. Tại sao chúng ta nên xem những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời là báu vật?

8 Thầy Vĩ Đại là Chúa Giê-su có động lực tương tự khi chia sẻ những sự thật về Đức Chúa Trời cho người khác. Đối với Chúa Giê-su, những sự thật này là báu vật, có giá trị vượt trội. Ngài quý trọng chúng và háo hức chia sẻ với người khác. Ngài muốn các môn đồ, ‘những người dạy dỗ người khác’, cũng cảm thấy như thế. Chúng ta có cảm thấy như thế không? Chúng ta có lý do chính đáng để quý trọng mọi sự thật học từ Lời Đức Chúa Trời, dù có từ lâu hay mới điều chỉnh. Khi nhiệt thành chia sẻ chân lý và tiếp tục yêu mến những điều Đức Giê-hô-va dạy, chúng ta có thể truyền cho người khác lòng yêu mến đó như Chúa Giê-su đã làm.

9. (a) Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về những người ngài dạy? (b) Làm sao chúng ta có thể noi theo thái độ của Chúa Giê-su về người khác?

9 Chúa Giê-su cũng yêu mến những người ngài dạy, và phần 3 sẽ bàn luận kỹ hơn về điều này. Lời tiên tri cho biết Đấng Mê-si sẽ “rủ lòng thương kẻ thấp hèn và người nghèo túng” (Thi thiên 72:13). Quả thật, Chúa Giê-su đã quan tâm đến người khác. Ngài để ý tới suy nghĩ và động cơ của họ, quan tâm đến các gánh nặng cũng như những điều ngăn cản họ tiếp nhận chân lý (Ma-thi-ơ 11:28; 16:13; 23:13, 15). Hãy nhớ trường hợp của người phụ nữ Sa-ma-ri. Hẳn bà rất ấn tượng trước sự quan tâm của Chúa Giê-su. Việc ngài biết rõ hoàn cảnh của bà đã khiến bà công nhận ngài là đấng tiên tri và nói với người khác về ngài (Giăng 4:16-19, 39). Đành rằng, môn đồ Chúa Giê-su không đọc được lòng người khác, nhưng chúng ta có thể chú ý đến người khác như ngài đã làm. Chúng ta có thể bày tỏ sự quan tâm, điều chỉnh lời lẽ sao cho phù hợp với mối quan tâm, vấn đề và nhu cầu của họ.

Chúa Giê-su rao giảng về điều gì?

10, 11. (a) Chúa Giê-su rao giảng về điều gì? (b) Tại sao nhân loại cần Nước Trời?

10 Chúa Giê-su rao giảng về điều gì? Nếu tìm câu trả lời trong những sự dạy dỗ của các giáo hội tự nhận là đại diện cho Chúa Giê-su, có thể bạn sẽ kết luận ngài ủng hộ một hình thức cải cách xã hội. Hoặc bạn sẽ cho rằng Chúa Giê-su khuyến khích việc cải tổ chính trị hay ngài dạy rằng sự cứu rỗi là quan trọng nhất. Nhưng không phải thế, như ở trên, Chúa Giê-su đã nói: ‘Tôi phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời’. Điều này bao hàm những gì?

11 Hãy nhớ là Chúa Giê-su đã hiện diện ở trên trời khi Sa-tan lần đầu vu khống danh thánh của Đức Giê-hô-va và cho rằng Đức Chúa Trời cai trị không tốt. Hẳn Chúa Giê-su đau lòng khi thấy Cha bị cáo buộc là Đấng Cai Trị bất công, không cho các tạo vật hưởng điều tốt! Con Đức Chúa Trời hẳn đau lòng khi A-đam và Ê-va, cặp vợ chồng đầu tiên, nghe theo Sa-tan! Người Con này cũng chứng kiến gia đình nhân loại gánh chịu hậu quả của cuộc phản nghịch ấy, đó là bị nhiễm tội và chết (Rô-ma 5:12). Nhưng hẳn Chúa Giê-su rất vui khi biết trong tương lai, Cha sẽ dùng Nước Trời để sửa đổi mọi bất công!

12, 13. Nước Đức Chúa Trời sẽ giải quyết những vấn đề nào, và làm sao Chúa Giê-su cho thấy thánh chức của ngài xoay quanh chủ đề Nước Trời?

12 Vấn đề chính yếu cần được giải quyết là gì? Đó là danh của Đức Giê-hô-va phải được nên thánh, mọi dấu vết của sự sỉ nhục đến từ Sa-tan và những kẻ theo hắn phải bị xóa bỏ vĩnh viễn. Vì danh Đức Giê-hô-va bao gồm danh tiếng của ngài với tư cách là đấng cai trị, nên tính chính đáng của quyền tối thượng, hay đường lối cai trị, của ngài cần được biện minh. Nói cách khác, mọi tạo vật cần biết Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị tốt nhất. Chúa Giê-su hiểu rõ những vấn đề trọng yếu này hơn bất cứ ai. Trong lời cầu nguyện mẫu, ngài dạy các môn đồ trước hết cầu xin cho danh Cha được nên thánh, tiếp theo là Nước Cha được đến và sau đó là ý Cha được thực hiện ở dưới đất (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Nước Đức Chúa Trời, dưới sự trị vì của Chúa Giê-su, sẽ nhanh chóng dẹp bỏ thế gian bại hoại của Sa-tan và mở đường cho sự cai trị công chính của Đức Giê-hô-va. Sự cai trị công chính của ngài sẽ tồn tại mãi mãi.—Đa-ni-ên 2:44.

13 Nước ấy là chủ đề trong thánh chức của Chúa Giê-su. Qua mọi lời nói và hành động, ngài làm sáng tỏ về Nước Trời và cách Nước ấy sẽ thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su không để điều gì khiến ngài bị phân tâm trong khi thi hành sứ mạng rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Thời Chúa Giê-su cũng có các vấn đề xã hội nóng bỏng và nhiều bất công, nhưng ngài tập trung vào thông điệp và công việc của mình. Phải chăng điều đó có nghĩa là Chúa Giê-su có cái nhìn hạn hẹp, dạy dỗ tẻ nhạt và vô vị? Hoàn toàn không!

14, 15. (a) Chúa Giê-su “còn hơn Sa-lô-môn” như thế nào? (b) Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su thế nào trong công việc rao giảng?

14 Như chúng ta sẽ thấy trong phần này, Chúa Giê-su dạy dỗ sinh động và thu hút. Mục tiêu của ngài là động đến lòng người nghe. Có lẽ điều này gợi chúng ta nhớ đến vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn, người luôn tìm những lời tốt đẹp, chân thật để chuyển tải những ý tưởng mà Đức Giê-hô-va soi dẫn ông viết (Truyền đạo 12:10). Đức Giê-hô-va ban cho Sa-lô-môn, một người bất toàn, “tấm lòng am hiểu” để ông có thể viết về nhiều điều, từ chim bay đến cá lội, từ cây cối đến muông thú. Nhiều người từ rất xa cũng đến để nghe những lời của Sa-lô-môn (1 Các vua 4:29-34). Nhưng Chúa Giê-su “còn hơn Sa-lô-môn nữa” (Ma-thi-ơ 12:42). Ngài khôn ngoan hơn và có “tấm lòng am hiểu” hơn. Khi dạy dỗ, Chúa Giê-su dùng sự hiểu biết sâu rộng về Lời Đức Chúa Trời cũng như các loài cá, động vật, chim chóc, nông nghiệp, thời tiết, lịch sử, vấn đề thời sự và tình hình xã hội. Chúa Giê-su không bao giờ phô trương kiến thức nhằm gây ấn tượng với người khác. Ngài dạy thông điệp một cách đơn giản và rõ ràng. Vì thế, chẳng lạ gì khi người ta thích nghe ngài nói!—Mác 12:37; Lu-ca 19:48.

15 Ngày nay, tín đồ đạo Đấng Ki-tô cố gắng noi gương Chúa Giê-su. Dù không khôn ngoan và hiểu biết sâu rộng như ngài, nhưng mỗi chúng ta có một mức độ hiểu biết và kinh nghiệm để có thể dùng khi chia sẻ những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ có thể dựa vào kinh nghiệm nuôi dạy con để minh họa về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho con cái ngài. Một số người có thể dùng sự hiểu biết về con người và vấn đề thời sự, hoặc lấy ví dụ hay minh họa trong công việc, tại học đường. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận để những minh họa đó không làm lu mờ thông điệp về Nước Trời.—1 Ti-mô-thê 4:16.

Thái độ của Chúa Giê-su về thánh chức

16, 17. (a) Chúa Giê-su có thái độ nào về thánh chức? (b) Điều gì cho thấy thánh chức là trọng tâm trong đời sống của Chúa Giê-su?

16 Chúa Giê-su xem thánh chức là báu vật. Ngài vui mừng giúp người ta biết Cha là đấng như thế nào, điều đã bị những giáo lý và truyền thống loài người che khuất. Chúa Giê-su yêu thích giúp người khác hưởng mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va và có hy vọng về sự sống vĩnh cửu. Ngài vui thích chia sẻ tin mừng mang lại niềm vui và sự an ủi cho người khác. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su có những cảm xúc ấy? Hãy xem ba khía cạnh.

17 Thứ nhất, Chúa Giê-su đặt thánh chức lên hàng đầu trong đời sống. Việc chia sẻ tin mừng về Nước Trời là sự nghiệp, là mối quan tâm chính của ngài. Vì thế, như đã xem trong chương 5, Chúa Giê-su khôn ngoan giữ đời sống đơn giản. Ngài khuyên người khác ra sao thì ngài cũng làm vậy. Nhờ sống giản dị, ngài không bị phân tâm bởi những thứ mà ngài phải lo chi trả, bảo trì, sửa chữa. Điều này giúp ngài tập trung vào thánh chức.—Ma-thi-ơ 6:22; 8:20.

18. Chúa Giê-su dồn hết sức vào thánh chức qua những cách nào?

18 Thứ hai, Chúa Giê-su dồn hết sức vào thánh chức. Ngài đi bộ hàng trăm ki-lô-mét khắp xứ Y-sơ-ra-ên, tìm kiếm người ta để chia sẻ tin mừng. Ngài rao giảng cho họ tại nhà, chợ và những nơi công cộng khác. Ngài chia sẻ với họ ngay cả khi cần nghỉ ngơi, ăn uống hoặc có chút thời gian riêng với các môn đồ thân thiết. Thậm chí, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài vẫn chia sẻ tin mừng về Nước Trời!—Lu-ca 23:39-43.

19, 20. Chúa Giê-su minh họa thế nào về tính cấp bách của công việc rao giảng?

19 Thứ ba, Chúa Giê-su xem thánh chức là công việc cấp bách. Hãy nhớ việc Chúa Giê-su làm chứng với người phụ nữ Sa-ma-ri tại giếng nước bên ngoài thành Si-kha. Dường như, các sứ đồ không thấy đây là thời điểm cấp bách để rao giảng tin mừng. Vì thế, ngài nói với họ: “Chẳng phải anh em đã nói còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt sao? Này, tôi nói với anh em: Hãy ngước mắt lên nhìn cánh đồng, lúa đã chín và đang chờ gặt hái”.—Giăng 4:35.

20 Chúa Giê-su đã dùng mùa hiện tại để minh họa ý của ngài. Dường như lúc đó là tháng Kít-lơ (tháng 11/tháng 12). Còn bốn tháng nữa mới vào mùa gặt lúa mạch, khoảng thời điểm diễn ra Lễ Vượt Qua, ngày 14 Ni-san. Vì vậy, người nông dân không vội vã. Họ vẫn còn nhiều thời gian. Nhưng nói sao về mùa gặt thiêng liêng? Nhiều người đã sẵn sàng nghe, học hỏi và trở thành môn đồ Đấng Ki-tô, nhờ đó nhận được hy vọng tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va ban. Như thể Chúa Giê-su nhìn cánh đồng theo nghĩa bóng và thấy những bông lúa chín vàng đung đưa trước gió, sẵn sàng cho mùa gặt. Thời điểm đã đến và việc gặt hái rất cấp bách! Thế nên, khi những người trong một thành nọ cố giữ Chúa Giê-su ở lại, ngài đáp: “Tôi cũng phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ở các thành khác nữa, vì tôi được phái đến để làm việc đó”.—Lu-ca 4:43.

21. Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào?

21 Chúng ta có thể noi theo Chúa Giê-su trong ba khía cạnh trên. Chúng ta có thể đặt thánh chức lên hàng ưu tiên trong đời sống. Dù có trách nhiệm gia đình và công việc ngoài đời, chúng ta vẫn có thể làm thế bằng cách đều đặn và sốt sắng chia sẻ tin mừng như Chúa Giê-su đã làm (Ma-thi-ơ 6:33; 1 Ti-mô-thê 5:8). Chúng ta có thể dồn hết sức vào thánh chức, sẵn sàng dành thời gian, năng lực để ủng hộ công việc này (Lu-ca 13:24). Chúng ta cũng luôn xem thánh chức là công việc cấp bách (2 Ti-mô-thê 4:2). Hãy nắm bắt mọi cơ hội để làm chứng!

22. Chương kế tiếp sẽ xem xét điều gì?

22 Một lý do khác cho thấy Chúa Giê-su quý trọng thánh chức, đó là ngài lo sao cho công việc ấy được tiếp tục sau khi ngài chết. Ngài ủy nhiệm cho các môn đồ sứ mạng rao giảng và dạy dỗ. Sứ mạng này sẽ được thảo luận trong chương kế tiếp.

a Chẳng hạn, khi hỏi tại sao một người Do Thái lại giao thiệp với một người Sa-ma-ri, bà nhắc lại ân oán hàng thế kỷ giữa hai dân này (Giăng 4:9). Bà cũng quả quyết rằng người Sa-ma-ri là con cháu của Gia-cốp, điều mà người Do Thái thời đó kiên quyết phủ nhận (Giăng 4:12). Họ gọi người Sa-ma-ri là người Cu-tha để nhấn mạnh dòng tộc của người Sa-ma-ri là ngoại kiều.

b Rao giảng là rao truyền hoặc công bố một thông điệp. Giảng dạy, hay dạy dỗ, cũng có nghĩa tương tự, nhưng bao hàm việc truyền tải thông điệp một cách sâu sắc và chi tiết hơn. Dạy hiệu quả bao hàm việc tìm ra những phương pháp để động đến lòng học viên hầu thôi thúc họ hành động.