Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 16

‘Chúa Giê-su yêu thương họ cho đến cuối cùng’

‘Chúa Giê-su yêu thương họ cho đến cuối cùng’

1, 2. Trong buổi tối cuối cùng ở với các sứ đồ, Chúa Giê-su đã làm gì, và tại sao những giây phút ấy rất quý giá với ngài?

 Khi nhóm các sứ đồ trong một căn phòng trên lầu của một ngôi nhà ở Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su biết đây là buổi tối cuối cùng ngài ở với họ. Ngài sắp trở về với Cha. Chỉ còn vài giờ nữa Chúa Giê-su sẽ bị bắt và đức tin của ngài bị thử thách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ngay cả khi biết cái chết đang chờ đợi phía trước, Chúa Giê-su vẫn quan tâm đến nhu cầu của các sứ đồ.

2 Dù đã cho các sứ đồ biết ngài sắp rời xa họ, nhưng Chúa Giê-su còn nhiều điều muốn nói để củng cố họ trước các biến cố sẽ xảy ra trong tương lai. Vì vậy, ngài dành những giây phút quý giá cuối cùng để dạy các sứ đồ những bài học quan trọng hầu giúp họ giữ lòng trung thành. Những lời ngài nói vào tối hôm đó rất nồng ấm và thân tình. Tại sao Chúa Giê-su quan tâm đến các sứ đồ hơn cả bản thân? Vì sao những giờ cuối cùng bên các sứ đồ rất quý giá với ngài? Câu trả lời chỉ gói gọn trong một từ—yêu thương. Tình yêu thương mà Chúa Giê-su dành cho các sứ đồ rất sâu đậm.

3. Làm thế nào chúng ta biết Chúa Giê-su không đợi đến buổi tối cuối cùng mới thể hiện tình yêu thương với các sứ đồ?

3 Nhiều thập kỷ sau, khi tường thuật về các sự kiện diễn ra vào tối hôm ấy, sứ đồ Giăng mở đầu bằng những lời: “Trước kỳ Lễ Vượt Qua, vì Chúa Giê-su biết đã đến giờ ngài phải rời thế gian này để về với Cha, và vì ngài đã yêu thương những người thuộc về mình trong thế gian, nên ngài tiếp tục yêu thương họ cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1). Chúa Giê-su không đợi đến buổi tối hôm đó mới bày tỏ tình yêu thương với “những người thuộc về mình”. Trong suốt thời gian thi hành thánh chức, ngài đã biểu lộ tình yêu thương với các môn đồ qua nhiều cách. Hãy xem xét một số cách ngài thể hiện tình yêu thương. Khi noi gương Chúa Giê-su trong khía cạnh này, chúng ta chứng tỏ mình là môn đồ chân chính của ngài.

Tỏ lòng kiên nhẫn

4, 5. (a) Tại sao Chúa Giê-su cần kiên nhẫn với các sứ đồ? (b) Chúa Giê-su phản ứng thế nào khi ba sứ đồ thiếu tinh thần tỉnh thức trong vườn Ghết-sê-ma-nê?

4 Tình yêu thương và sự kiên nhẫn luôn gắn liền với nhau. Câu 1 Cô-rinh-tô 13:4 nói: “Tình yêu thương kiên nhẫn”. Chúa Giê-su có cần kiên nhẫn với các sứ đồ không? Có. Như đã xem trong chương 3, các sứ đồ tỏ ra chậm vun trồng tính khiêm nhường. Nhiều lần, họ cãi nhau xem ai là lớn nhất. Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Ngài có nổi giận hay trách móc các sứ đồ không? Không. Ngài kiên nhẫn lý luận với họ, ngay cả khi họ tiếp tục “cãi nhau dữ dội” về điều này vào đêm cuối cùng ở với ngài!—Lu-ca 22:24-30; Ma-thi-ơ 20:20-28; Mác 9:33-37.

5 Cũng trong đêm đó, khi Chúa Giê-su cùng 11 sứ đồ đến vườn Ghết-sê-ma-nê, lòng kiên nhẫn của ngài tiếp tục bị thử thách. Để tám sứ đồ ở lại, Chúa Giê-su dẫn Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi sâu vào vườn. Ngài nói với họ: “Tôi đau buồn đến chết mất. Hãy ở lại đây và thức canh với tôi”. Ngài đi một quãng nữa và cầu nguyện tha thiết. Sau lời cầu nguyện dài với Cha, ngài trở lại chỗ ba sứ đồ. Ngài thấy gì? Trong giờ phút cam go nhất, họ đang ngủ say! Chúa Giê-su có la mắng họ vì thiếu tinh thần tỉnh thức? Không, ngài kiên nhẫn thúc giục họ. Những lời của Chúa Giê-su cho thấy ngài hiểu sự mệt mỏi và yếu đuối của các sứ đồ. a Ngài nói: “Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối”. Chúa Giê-su tiếp tục kiên nhẫn vào buổi tối hôm ấy, cho dù ngài thấy họ ngủ thêm hai lần nữa!—Ma-thi-ơ 26:36-46.

6. Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su thế nào trong việc đối xử với người khác?

6 Thật khích lệ khi biết Chúa Giê-su không xem các sứ đồ là vô phương cứu chữa. Sự kiên nhẫn của ngài đã mang lại kết quả, vì cuối cùng những môn đồ trung thành này học được tầm quan trọng của tính khiêm nhường và tinh thần tỉnh thức (1 Phi-e-rơ 3:8; 4:7). Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su trong việc đối xử với người khác? Các trưởng lão đặc biệt cần tỏ ra kiên nhẫn. Anh em đồng đạo có thể đến gặp trưởng lão để trình bày vấn đề vào lúc anh cảm thấy mệt mỏi hoặc có mối bận tâm riêng. Đôi khi, những người cần sự giúp đỡ có thể chậm áp dụng lời khuyên, nhưng trưởng lão kiên nhẫn sẽ “lấy lòng mềm mại mà chỉ dạy” và “đối xử dịu dàng với bầy” (2 Ti-mô-thê 2:24, 25; Công vụ 20:28, 29). Các bậc cha mẹ cũng cần noi gương Chúa Giê-su về lòng kiên nhẫn vì đôi khi con cái có thể chậm áp dụng lời khuyên hoặc sự sửa trị. Tình yêu thương và sự kiên nhẫn sẽ giúp cha mẹ không bỏ cuộc mà tiếp tục uốn nắn con. Sự kiên nhẫn như thế có thể mang lại phần thưởng rất lớn.—Thi thiên 127:3.

Chăm lo nhu cầu của môn đồ

7. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su chăm lo nhu cầu thể chất và vật chất của môn đồ?

7 Tình yêu thương được chứng tỏ bằng hành động vị tha (1 Giăng 3:17, 18). Tình yêu thương “không tìm lợi riêng” (1 Cô-rinh-tô 13:5). Tình yêu thương thôi thúc Chúa Giê-su chăm lo nhu cầu thể chất và vật chất của môn đồ. Nhiều lần ngài làm thế ngay cả khi họ chưa nói ra nhu cầu của mình. Khi thấy môn đồ mệt, Chúa Giê-su bảo họ đi với ngài “đến nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi một chút” (Mác 6:31). Khi thấy họ đói, ngài chủ động cung cấp thức ăn cho họ và hàng ngàn người nghe ngài dạy.—Ma-thi-ơ 14:19, 20; 15:35-37.

8, 9. (a) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su nhận biết và đáp ứng nhu cầu tâm linh của môn đồ? (b) Khi ở trên cây khổ hình, Chúa Giê-su biểu lộ lòng quan tâm đến mẹ như thế nào?

8 Chúa Giê-su nhận biết và đáp ứng nhu cầu tâm linh của các môn đồ (Ma-thi-ơ 4:4; 5:3). Khi dạy dỗ, ngài thường dành sự ưu ái cho các môn đồ. Bài giảng trên núi được trình bày đặc biệt vì lợi ích của họ (Ma-thi-ơ 5:1, 2, 13-16). Về những minh họa ngài dùng lúc giảng dạy, thì ‘khi ở riêng với các môn đồ, ngài giải thích hết mọi điều’ (Mác 4:34). Chúa Giê-su báo trước ngài sẽ bổ nhiệm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để cung cấp đầy đủ thức ăn thiêng liêng cho các môn đồ trong những ngày sau cùng. Đầy tớ này, một nhóm nhỏ thuộc các tín đồ được xức dầu sống trên đất, đã trung thành cung cấp “thức ăn đúng giờ” kể từ năm 1919.—Ma-thi-ơ 24:45.

9 Vào ngày Chúa Giê-su chết, ngài thể hiện sự quan tâm đầy cảm động đến nhu cầu tâm linh của những người thân yêu. Hãy hình dung. Để thở, hẳn ngài phải rướn người bằng cách đẩy chân. Chắc chắn điều này làm ngài đau đớn vì chỗ bị đóng đinh ở chân rách thêm và các vết thương ở lưng cọ sát vào cây cột. Để nói, Chúa Giê-su phải điều khiển hơi thở, nên hẳn việc nói rất khó khăn và khiến ngài đau đớn. Dù vậy, trước khi chết, Chúa Giê-su vẫn nói những lời thể hiện tình yêu thương sâu đậm với mẹ ngài là Ma-ri. Khi thấy Ma-ri và sứ đồ Giăng đứng gần đó, Chúa Giê-su nói với giọng đủ lớn cho những người xung quanh nghe: “Bà ơi! Đây là con của bà!”. Rồi ngài nói với Giăng: “Đây là mẹ anh!” (Giăng 19:26, 27). Chúa Giê-su biết sứ đồ trung thành đó sẽ chăm sóc Ma-ri, không chỉ về thể chất và vật chất mà còn về thiêng liêng. b

Cha mẹ yêu thương thì kiên nhẫn và chăm lo cho con về mọi mặt

10. Cha mẹ có thể noi gương Chúa Giê-su thế nào trong việc chăm lo các nhu cầu cho con?

10 Các bậc cha mẹ nhận được nhiều lợi ích khi suy ngẫm về gương của Chúa Giê-su. Một người cha yêu thương sẽ chu cấp vật chất cho gia đình (1 Ti-mô-thê 5:8). Người chủ gia đình thăng bằng và yêu thương sẽ sắp xếp để gia đình có thời gian nghỉ ngơi và giải trí. Quan trọng hơn, cha mẹ tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần chăm lo cho con về tâm linh. Bằng cách nào? Họ cần đều đặn học Kinh Thánh với gia đình, cố gắng làm con cảm thấy thích thú và được khích lệ qua buổi học (Phục truyền luật lệ 6:6, 7). Qua lời nói và gương mẫu, cha mẹ cho con thấy thánh chức là hoạt động quan trọng, việc chuẩn bị và tham dự các buổi nhóm họp là một phần thiết yếu trong các hoạt động thiêng liêng.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

Sẵn lòng tha thứ

11. Chúa Giê-su dạy môn đồ điều gì về sự tha thứ?

11 Tha thứ là một khía cạnh của tình yêu thương (Cô-lô-se 3:13, 14). Câu 1 Cô-rinh-tô 13:5 nói rằng người có tình yêu thương “không ghi nhớ điều gây tổn thương”. Vào một số dịp, Chúa Giê-su đã dạy môn đồ về tầm quan trọng của việc tha thứ. Ngài khuyên họ tha thứ cho người khác “không phải đến bảy lần, mà đến 77 lần”, nghĩa là không có giới hạn (Ma-thi-ơ 18:21, 22). Ngài dạy rằng người phạm lỗi tỏ ra ăn năn sau khi bị quở trách thì nên được tha thứ (Lu-ca 17:3, 4). Tuy nhiên, khác với những người Pha-ri-si đạo đức giả chỉ dạy bằng lời nói, Chúa Giê-su dạy bằng gương mẫu (Ma-thi-ơ 23:2-4). Hãy xem ngài sẵn lòng tha thứ như thế nào, ngay cả khi một người bạn tin cậy làm ngài thất vọng.

12, 13. (a) Phi-e-rơ đã làm Chúa Giê-su thất vọng thế nào vào đêm ngài bị bắt? (b) Về việc tha thứ, làm thế nào những hành động của Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại cho thấy ngài không chỉ dạy bằng lời nói?

12 Chúa Giê-su rất gần gũi với Phi-e-rơ, một sứ đồ có lòng tốt nhưng đôi khi hấp tấp. Ngài nhận thấy Phi-e-rơ có các đức tính tốt và ban cho ông những đặc ân. Trong 12 sứ đồ, chỉ có Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng được chứng kiến một số phép lạ đặc biệt của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 17:1, 2; Lu-ca 8:49-55). Như đã đề cập ở trên, Phi-e-rơ là một trong những sứ đồ cùng Chúa Giê-su đi sâu vào vườn Ghết-sê-ma-nê trong đêm ngài bị bắt. Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su bị phản bội và bị bắt, Phi-e-rơ cùng các sứ đồ khác bỏ ngài và chạy trốn. Sau đó, Phi-e-rơ tỏ ra can đảm khi đứng bên ngoài nơi Chúa Giê-su đang bị xét xử bất hợp pháp. Nhưng rồi, Phi-e-rơ sợ hãi đến mức phạm lỗi nghiêm trọng—chối bỏ Chúa Giê-su ba lần! (Ma-thi-ơ 26:69-75). Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Nếu một người bạn thân làm bạn thất vọng như thế, bạn sẽ phản ứng ra sao?

13 Chúa Giê-su sẵn lòng tha thứ cho Phi-e-rơ. Ngài biết ông vô cùng đau đớn vì mặc cảm tội lỗi. Sứ đồ này đã “bật khóc nức nở” (Mác 14:72). Vào ngày Chúa Giê-su được sống lại, ngài hiện ra với Phi-e-rơ, rất có thể để an ủi và trấn an ông (Lu-ca 24:34; 1 Cô-rinh-tô 15:5). Chưa đầy hai tháng sau, ngài cho phép Phi-e-rơ dẫn đầu việc làm chứng cho đám đông ở thành Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2:14-40). Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su cũng không nuôi lòng oán giận các sứ đồ nói chung dù họ đã bỏ ngài. Trái lại, sau khi được sống lại, ngài vẫn gọi họ là “anh em tôi” (Ma-thi-ơ 28:10). Chẳng phải đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Chúa Giê-su không chỉ dạy bằng lời nói mà còn bằng hành động sao?

14. Tại sao chúng ta cần học tha thứ cho người khác, và làm thế nào chúng ta chứng tỏ mình sẵn lòng tha thứ?

14 Là môn đồ Đấng Ki-tô, chúng ta cần học tha thứ cho người khác. Tại sao? Không giống như Chúa Giê-su, chúng ta và người phạm lỗi với chúng ta đều bất toàn. Vì thế, đôi khi chúng ta vấp ngã trong lời nói và hành động (Rô-ma 3:23; Gia-cơ 3:2). Khi tha thứ cho người khác, chúng ta mới có thể được Đức Chúa Trời tha thứ (Mác 11:25). Vậy, làm thế nào chúng ta chứng tỏ mình sẵn lòng tha thứ cho người phạm lỗi với mình? Trong nhiều trường hợp, tình yêu thương thôi thúc chúng ta bỏ qua lỗi lầm và thiếu sót của người khác (1 Phi-e-rơ 4:8). Khi người phạm lỗi thật lòng ăn năn như Phi-e-rơ, chắc chắn chúng ta muốn noi gương Chúa Giê-su trong việc sẵn lòng tha thứ. Thay vì nuôi lòng oán giận, hãy loại bỏ mọi cảm nghĩ tiêu cực về người đó (Ê-phê-sô 4:32). Khi làm thế, chúng ta sẽ có bình an tâm trí và góp phần vào sự hòa thuận của hội thánh.—1 Phi-e-rơ 3:11.

Bày tỏ sự tin cậy

15. Tại sao Chúa Giê-su tin cậy các sứ đồ dù họ có những thiếu sót?

15 Tình yêu thương và lòng tin cậy liên hệ chặt chẽ với nhau. Người có tình yêu thương thì “tin mọi điều” c (1 Cô-rinh-tô 13:7). Tình yêu thương thôi thúc Chúa Giê-su tin cậy các sứ đồ dù họ có những thiếu sót. Ngài tin tưởng rằng họ thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn làm theo ý Cha. Ngay cả khi các môn đồ phạm tội, Chúa Giê-su không nghi ngờ động cơ của họ. Chẳng hạn, khi sứ đồ Gia-cơ và Giăng đã nhờ mẹ xin Chúa Giê-su cho họ ngồi bên cạnh ngài trong Nước Trời, Chúa Giê-su không nghi ngờ lòng trung thành hay phế bỏ chức sứ đồ của họ.—Ma-thi-ơ 20:20-28.

16, 17. Chúa Giê-su giao cho môn đồ những nhiệm vụ nào?

16 Chúa Giê-su bày tỏ sự tin cậy bằng cách giao cho môn đồ nhiều nhiệm vụ. Vào hai dịp khi Chúa Giê-su làm phép lạ để cung cấp thức ăn cho đoàn dân, ngài giao cho môn đồ trách nhiệm phân phát thức ăn (Ma-thi-ơ 14:19; 15:36). Để chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua lần cuối, Chúa Giê-su phái Phi-e-rơ và Giăng đến thành Giê-ru-sa-lem để sửa soạn mọi thứ, gồm thịt cừu con, rượu, bánh không men, rau đắng và những thứ cần thiết khác. Đây không phải là công việc thấp kém, vì việc cử hành Lễ Vượt Qua theo đúng cách là một đòi hỏi trong Luật pháp Môi-se và Chúa Giê-su phải sống đúng với Luật pháp. Hơn nữa, vào tối hôm ấy, Chúa Giê-su dùng rượu và bánh không men làm các món biểu tượng để thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài.—Ma-thi-ơ 26:17-19; Lu-ca 22:8, 13.

17 Chúa Giê-su còn giao cho môn đồ những trách nhiệm lớn hơn. Hãy nhớ lại, Chúa Giê-su đã đặt trong tay môn đồ nhiệm vụ quan trọng là rao giảng và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:18-20). Như được đề cập ở trên, ngài báo trước rằng ngài sẽ giao trọng trách cấp phát thức ăn thiêng liêng cho một nhóm nhỏ thuộc những môn đồ được xức dầu còn trên đất (Lu-ca 12:42-44). Dù hiện nay là thần linh vô hình và đang cai trị từ trời, nhưng Chúa Giê-su vẫn giao cho những anh hội đủ điều kiện nhiệm vụ chăm sóc hội thánh trên đất của ngài.—Ê-phê-sô 4:8, 11, 12.

18-20. (a) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tin cậy anh em đồng đạo? (b) Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su thế nào trong việc sẵn sàng giao nhiệm vụ cho người khác? (c) Chương tới sẽ bàn luận điều gì?

18 Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su trong việc đối xử với người khác? Hãy biểu lộ tình yêu thương bằng cách tin cậy anh em đồng đạo. Tình yêu thương thôi thúc một người tập trung vào ưu điểm thay vì nhược điểm của người khác. Khi người khác làm chúng ta thất vọng, điều mà trước sau cũng xảy ra, thì tình yêu thương sẽ giúp chúng ta không vội cho rằng người ấy có động cơ xấu (Ma-thi-ơ 7:1, 2). Nếu có quan điểm tích cực về anh em, chúng ta sẽ đối xử với họ sao cho họ được vững mạnh.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11.

19 Chúng ta có noi gương Chúa Giê-su trong việc sẵn sàng giao nhiệm vụ cho người khác không? Những anh có trách nhiệm trong hội thánh nên giao các công việc phù hợp cho người khác và tin tưởng rằng họ sẽ làm hết mình. Bằng cách đó, các trưởng lão kinh nghiệm có thể huấn luyện những anh trẻ hội đủ điều kiện, “đang vươn tới” các trách nhiệm hầu trợ giúp hội thánh (1 Ti-mô-thê 3:1; 2 Ti-mô-thê 2:2). Sự huấn luyện này là cần thiết. Đức Giê-hô-va không ngừng đẩy mạnh công việc Nước Trời, vì thế những anh hội đủ điều kiện cần được huấn luyện để chăm lo công việc này.—Ê-sai 60:22.

20 Chúa Giê-su nêu gương tuyệt vời trong việc thể hiện tình yêu thương với người khác. Trong tất cả những cách chúng ta có thể bắt chước ngài, việc noi theo tình yêu thương của ngài là quan trọng nhất. Chương tới sẽ bàn luận về cách vĩ đại nhất mà Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương với chúng ta—sẵn sàng hy sinh mạng sống.

a Các sứ đồ ngủ không chỉ vì mệt mỏi về thể chất. Lời tường thuật tương ứng nơi Lu-ca 22:45 nói rằng Chúa Giê-su “thấy họ đang ngủ do kiệt sức vì lo buồn”.

b Dường như lúc ấy Ma-ri đã góa bụa và những người con khác của bà chưa là môn đồ Chúa Giê-su.—Giăng 7:5.

c Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là người có tình yêu thương thì nhẹ dạ cả tin, nhưng có nghĩa là người ấy không chỉ trích hoặc nghi ngờ vô cớ, không vội xét đoán hoặc nghi ngờ động cơ của người khác.