Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 15

“Động lòng thương cảm”

“Động lòng thương cảm”

“Lạy Chúa, xin cho chúng tôi được sáng mắt”

1-3. (a) Chúa Giê-su phản ứng thế nào khi hai người mù cầu xin ngài giúp đỡ? (b) Cụm từ “động lòng thương cảm” có nghĩa gì? (Xem chú thích).

 Hai người mù đang ngồi bên đường, ngoài thành Giê-ri-cô. Họ đến đây mỗi ngày, tìm một chỗ thường có nhiều người qua lại để xin tiền. Tuy nhiên, hôm nay họ sắp trải nghiệm một điều sẽ làm đời sống họ hoàn toàn thay đổi.

2 Bỗng họ nghe thấy tiếng ồn ào. Vì không thấy nên một trong hai người hỏi xem có chuyện gì. Người ta cho biết: “Chúa Giê-su người Na-xa-rét đang đi qua đây!”. Chúa Giê-su đang trên đường đến Giê-ru-sa-lem lần cuối. Ngài không đi một mình, có đoàn dân đông theo ngài. Biết Chúa Giê-su đang đi qua, hai người ăn xin la lớn: “Lạy ngài Giê-su, Con vua Đa-vít, xin thương xót tôi!”. Đoàn dân bực mình và bảo hai người im lặng nhưng họ vẫn tiếp tục la lên.

3 Nghe thấy tiếng la lớn, Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Lúc này, tâm trí ngài đang nặng trĩu lo âu. Ngài sắp bước vào tuần cuối cùng của cuộc đời trên đất. Ngài biết mình sắp bị đối xử tàn bạo và phải chết một cách đau đớn ở Giê-ru-sa-lem. Dù vậy, Chúa Giê-su không lờ đi lời kêu xin không ngớt. Ngài dừng lại và bảo người ta dẫn hai người ấy đến. Họ cầu khẩn ngài: “Lạy Chúa, xin cho chúng tôi được sáng mắt”. “Động lòng thương cảm”. Chúa Giê-su sờ vào mắt họ và làm cho mắt họ được sáng. a Họ liền đi theo ngài.—Lu-ca 18:35-43; Ma-thi-ơ 20:29-34.

4. Làm thế nào Chúa Giê-su làm ứng nghiệm lời tiên tri nói rằng ngài sẽ “rủ lòng thương kẻ thấp hèn”?

4 Đây không phải là trường hợp duy nhất Chúa Giê-su thể hiện lòng trắc ẩn. Ngài đã làm thế nhiều lần trong những hoàn cảnh khác nhau. Kinh Thánh tiên tri rằng ngài sẽ “rủ lòng thương kẻ thấp hèn” (Thi thiên 72:13). Quả thật, Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm những lời đó. Ngài nhạy cảm trước cảm xúc của người khác và chủ động giúp họ. Lòng trắc ẩn thúc đẩy ngài rao giảng cho người khác. Chúng ta hãy xem các sách Phúc âm miêu tả thế nào về lòng trắc ẩn dịu dàng đã chi phối lời nói và hành động của Chúa Giê-su, và làm sao chúng ta có thể bắt chước ngài.

Quan tâm đến cảm xúc của người khác

5, 6. Những ví dụ nào cho thấy Chúa Giê-su là người có lòng thấu cảm?

5 Chúa Giê-su là người giàu lòng thương cảm. Ngài hiểu và đồng cảm với những người đau khổ. Dù không trải qua mọi hoàn cảnh, nhưng Chúa Giê-su thật sự thấu cảm trước nỗi đau của người khác (Hê-bơ-rơ 4:15). Khi chữa lành một phụ nữ bị rong huyết 12 năm, ngài nói đây là “căn bệnh khổ sở”. Điều này cho thấy ngài nhận biết căn bệnh ấy đã gây cho bà nhiều lo lắng và khốn khổ (Mác 5:25-34). Khi Chúa Giê-su thấy Ma-ri và những người đi với cô khóc về cái chết của La-xa-rơ, ngài buồn rầu. Dù biết mình sắp làm La-xa-rơ sống lại, Chúa Giê-su vẫn cảm động đến nỗi đã khóc.—Giăng 11:33, 35.

6 Vào dịp khác, một người phong cùi đến gặp Chúa Giê-su và van xin: “Nếu ngài muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Chúa Giê-su, người có sức khỏe hoàn hảo và không bao giờ đau ốm, phản ứng thế nào? Ngài thấu cảm với người phong cùi. Thật vậy, “ngài động lòng thương cảm” (Mác 1:40-42). Rồi ngài làm một điều đáng chú ý. Chúa Giê-su biết theo quy định của Luật pháp, người phong cùi bị xem là ô uế và phải sống cách ly (Lê-vi 13:45, 46). Chắc chắn, Chúa Giê-su có khả năng chữa lành bệnh cho người đàn ông này mà không cần chạm vào người ông (Ma-thi-ơ 8:5-13). Thế nhưng, ngài giơ tay ra chạm vào ông và nói: “Tôi muốn! Hãy sạch đi”. Bệnh phong cùi của ông lập tức biến mất. Chúa Giê-su đã thể hiện lòng thấu cảm dịu dàng biết bao!

Hãy biểu lộ “sự đồng cảm”

7. Điều gì giúp chúng ta có sự đồng cảm, và sự đồng cảm có thể được biểu lộ như thế nào?

7 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta cần noi gương Chúa Giê-su về khía cạnh này. Kinh Thánh khuyên chúng ta biểu lộ “sự đồng cảm” b (1 Phi-e-rơ 3:8). Không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được cảm xúc của người mắc bệnh kinh niên hay trầm cảm, nhất là khi mình chưa từng trải qua căn bệnh đó. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng dù không cùng cảnh ngộ, chúng ta vẫn có thể đồng cảm với người khác. Chúa Giê-su đồng cảm với người bệnh dù ngài không bao giờ bị bệnh. Vậy, điều gì giúp chúng ta có sự đồng cảm? Đó là kiên nhẫn lắng nghe khi người gặp đau khổ dốc đổ nỗi lòng và giãi bày cảm xúc. Hãy tự hỏi: “Nếu ở trong hoàn cảnh ấy, mình sẽ cảm thấy ra sao?” (1 Cô-rinh-tô 12:26). Khi vun trồng lòng thấu cảm, chúng ta sẽ dễ “an ủi người buồn nản” hơn (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Đôi khi, sự đồng cảm được biểu lộ bằng nước mắt, chứ không chỉ bằng lời nói. Rô-ma 12:15 khuyên: ‘Hãy khóc với người đang khóc’.

8, 9. Những trường hợp nào cho thấy Chúa Giê-su quan tâm đến cảm xúc của người khác?

8 Chúa Giê-su là người rất tâm lý. Những hành động của ngài cho thấy ngài quan tâm đến cảm xúc của người khác. Hãy nhớ lại trường hợp người đàn ông bị điếc và ngọng được đưa đến Chúa Giê-su. Có lẽ vì thấy ông ngại ngùng nên ngài đã làm điều mà không thường làm khi chữa bệnh cho người ta, đó là “dẫn ông ra riêng”. Ở nơi khuất, không bị nhiều người chú ý, Chúa Giê-su đã chữa lành cho ông.—Mác 7:31-35.

9 Chúa Giê-su cũng làm như thế khi người ta mang một người mù đến và xin ngài chữa cho ông. Ngài “nắm tay người mù dẫn ra ngoài làng”. Chúa Giê-su chữa bệnh cho ông từng bước một. Có lẽ điều này giúp não bộ và mắt của ông thích nghi dần với ánh sáng muôn màu và chói lọi của thế giới xung quanh (Mác 8:22-26). Quả là hành động đầy lòng quan tâm!

10. Chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm đến cảm xúc của người khác qua những cách nào?

10 Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta cũng cần quan tâm đến cảm xúc của người khác. Chúng ta cẩn trọng khi nói năng vì lời nói thiếu suy nghĩ có thể gây tổn thương (Châm ngôn 12:18; 18:21). Lời cay nghiệt, chê bai và mỉa mai không có chỗ trong vòng tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Ê-phê-sô 4:31). Nếu là trưởng lão, làm sao bạn cho thấy mình quan tâm đến cảm xúc của người khác? Khi khuyên bảo, hãy nói một cách tử tế và giữ thể diện cho các anh chị (Ga-la-ti 6:1). Nếu là cha mẹ, làm thế nào bạn cho thấy mình quan tâm đến cảm xúc của con? Khi sửa trị con, hãy cố gắng sửa trị theo cách không làm con bị ngượng.—Cô-lô-se 3:21.

Chủ động giúp người khác

11, 12. Những lời tường thuật nào cho thấy không phải chỉ khi được yêu cầu thì Chúa Giê-su mới thể hiện lòng trắc ẩn?

11 Không phải chỉ khi được yêu cầu thì Chúa Giê-su mới thể hiện lòng trắc ẩn. Suy cho cùng, lòng trắc ẩn không phải là đức tính thụ động mà là chủ động. Lòng trắc ẩn dịu dàng thôi thúc Chúa Giê-su chủ động giúp người khác. Chẳng hạn, khi một đoàn dân đông ở với ngài ba ngày, không có gì ăn, không ai phải nói với Chúa Giê-su rằng đoàn dân đang đói hoặc đề nghị ngài làm gì đó giúp họ. Lời tường thuật cho biết: “Chúa Giê-su gọi môn đồ đến và nói: ‘Tôi thấy đoàn dân này thật đáng thương vì họ đã ở với tôi ba ngày rồi mà không có gì ăn. Tôi không muốn để họ bụng đói đi về, e rằng họ sẽ ngất xỉu dọc đường’”. Rồi Chúa Giê-su tự nguyện làm phép lạ để cung cấp thức ăn cho đoàn dân.—Ma-thi-ơ 15:32-38.

12 Hãy xem một trường hợp khác. Năm 31 CN, khi đến gần thành Na-in, Chúa Giê-su chứng kiến cảnh tượng đau buồn. Một đám tang đang ra khỏi thành, có lẽ tiến về phía mộ địa bên sườn đồi gần đó, để chôn “con trai duy nhất của một góa phụ”. Bạn có thể tưởng tượng nỗi đau trong lòng người góa phụ ấy không? Bà sắp chôn người con trai duy nhất, và không có chồng cùng san sẻ. Trong đám người đưa tang, Chúa Giê-su chú ý đến người góa phụ mất con. Khi nhìn thấy bà, “Chúa Giê-su động lòng thương cảm”. Không ai phải xin ngài giúp, lòng trắc ẩn đã thúc đẩy ngài hành động. “Ngài đến gần sờ vào cáng” và làm cho chàng trai sống lại. Sau đó, Chúa Giê-su không bảo chàng trai đi theo ngài mà “giao anh ta lại cho mẹ” để mẹ con được đoàn tụ, và như vậy người mẹ được chăm sóc.—Lu-ca 7:11-15.

Hãy chủ động giúp những ai có nhu cầu

13. Làm thế nào chúng ta noi gương Chúa Giê-su trong việc chủ động giúp những người có nhu cầu?

13 Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào? Đành rằng chúng ta không thể làm phép lạ để cung cấp đồ ăn hoặc làm người chết sống lại. Tuy nhiên, chúng ta có thể noi gương ngài trong việc chủ động giúp người khác. Có thể một anh em đồng đạo gặp khó khăn về kinh tế hay mất việc làm (1 Giăng 3:17). Có lẽ nhà của một chị góa cần sửa chữa (Gia-cơ 1:27). Có thể chúng ta biết một gia đình mất người thân cần sự an ủi hoặc cần giúp làm một số việc (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11). Khi một anh em rõ ràng cần sự giúp đỡ, chúng ta không đợi đến khi họ nhờ (Châm ngôn 3:27). Lòng trắc ẩn sẽ thúc đẩy chúng ta chủ động giúp người khác trong khả năng của mình. Người khác sẽ rất quý sự giúp đỡ của chúng ta, dù chỉ là một hành động tử tế, đơn giản hoặc đôi lời an ủi chân thành.—Cô-lô-se 3:12.

Lòng trắc ẩn thúc đẩy Chúa Giê-su rao giảng

14. Tại sao Chúa Giê-su ưu tiên cho công việc rao giảng tin mừng?

14 Như đã học trong phần 2, Chúa Giê-su nêu gương xuất sắc trong việc rao giảng tin mừng. Ngài nói: “Tôi cũng phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ở các thành khác nữa, vì tôi được phái đến để làm việc đó” (Lu-ca 4:43). Tại sao Chúa Giê-su ưu tiên cho công việc này? Chủ yếu vì ngài yêu thương Đức Chúa Trời. Nhưng ngài làm thế cũng vì lòng trắc ẩn đối với người khác. Trong tất cả những cách ngài thể hiện lòng trắc ẩn, việc thỏa mãn cơn khát về thiêng liêng của người khác là quan trọng nhất. Hãy xem hai trường hợp giúp chúng ta hiểu cách Chúa Giê-su nhìn những người ngài rao giảng. Điều này có thể giúp chúng ta xem lại động cơ của mình khi tham gia thánh chức.

15, 16. Hãy miêu tả hai trường hợp giúp chúng ta hiểu cách Chúa Giê-su nhìn những người ngài rao giảng.

15 Năm 31 CN, sau khoảng hai năm nỗ lực rao giảng, Chúa Giê-su mở rộng thánh chức bằng cách “đi khắp các thành phố và làng mạc” trong xứ Ga-li-lê. Những gì Chúa Giê-su thấy tác động sâu sắc đến ngài. Sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại: “Khi thấy đoàn dân, ngài động lòng thương cảm vì họ bị hà hiếp và bỏ rơi như chiên không có người chăn” (Ma-thi-ơ 9:35, 36). Chúa Giê-su thương những người thường dân. Ngài thấy rõ họ nghèo khổ về tâm linh. Họ bị giới lãnh đạo tôn giáo ngược đãi và bỏ bê, những người đáng lẽ phải chăm sóc họ về thiêng liêng. Với lòng trắc ẩn sâu xa, Chúa Giê-su nỗ lực mang đến cho người ta thông điệp đầy hy vọng. Họ cần tin mừng về Nước Đức Chúa Trời hơn bất cứ điều gì.

16 Một điều tương tự xảy ra vài tháng sau, gần thời điểm Lễ Vượt Qua năm 32 CN. Vào dịp ấy, Chúa Giê-su và các sứ đồ lên thuyền, băng qua biển Ga-li-lê, tìm nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi. Nhưng một đoàn dân chạy dọc theo bờ biển và đến đó trước. Chúa Giê-su phản ứng thế nào? “Khi ra khỏi thuyền, ngài thấy một đoàn dân đông thì động lòng thương cảm vì họ như chiên không có người chăn, và ngài bắt đầu dạy họ nhiều điều” (Mác 6:31-34). Một lần nữa, Chúa Giê-su “động lòng thương cảm” trước tình trạng nghèo khổ về tâm linh của đoàn dân. Họ “như chiên không có người chăn”, đói khát về thiêng liêng và bị bỏ mặc. Rõ ràng, Chúa Giê-su rao giảng cho người ta không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì lòng trắc ẩn.

Hãy rao giảng với lòng trắc ẩn

17, 18. (a) Điều gì thôi thúc chúng ta tham gia thánh chức? (b) Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng lòng trắc ẩn?

17 Điều gì thúc đẩy môn đồ Chúa Giê-su tham gia thánh chức? Như đã xem trong chương 9, chúng ta có một sứ mạng, đó là rao giảng và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19, 20; 1 Cô-rinh-tô 9:16). Tuy nhiên, chúng ta tham gia công việc này không chỉ vì bổn phận, nhưng chủ yếu vì tình yêu thương với Đức Giê-hô-va. Chúng ta rao giảng cho người khác cũng vì lòng trắc ẩn đối với họ (Mác 12:28-31). Vậy, làm thế nào chúng ta có thể vun trồng lòng trắc ẩn?

18 Chúng ta cần nhìn người ta theo cách Chúa Giê-su nhìn họ, tức nhận thấy họ “bị hà hiếp và bỏ rơi như chiên không có người chăn”. Hãy hình dung bạn thấy một con cừu con bị lạc. Vì không được người chăn dẫn tới đồng cỏ xanh tươi và suối nước mát trong, nên con vật tội nghiệp ấy bị đói khát. Bạn có thấy thương con cừu bé bỏng đó không? Bạn có tìm cách để cho nó ăn uống không? Nhiều người ngày nay giống như con cừu con đó. Họ bị giới lãnh đạo tôn giáo bỏ bê, đói khát về thiêng liêng và không có hy vọng về tương lai. Chúng ta có điều họ cần, đó là thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng và những suối nước chân lý tươi mát tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời (Ê-sai 55:1, 2). Khi nghĩ đến nhu cầu tâm linh của những người xung quanh, chúng ta thấy thương họ. Nếu có lòng trắc ẩn như Chúa Giê-su, chúng ta sẽ làm mọi điều có thể để chia sẻ hy vọng về Nước Trời cho người khác.

19. Chúng ta có thể làm gì để giúp học viên Kinh Thánh đã đủ điều kiện tham gia công việc rao giảng?

19 Làm sao chúng ta có thể giúp người khác noi gương Chúa Giê-su? Có thể chúng ta muốn khuyến khích một học viên Kinh Thánh đã đủ điều kiện tham gia công việc rao giảng. Hoặc chúng ta muốn giúp một anh chị ngưng hoạt động tham gia thánh chức trở lại. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ? Chúng ta cần tác động đến lòng họ. Hãy nhớ rằng trước tiên Chúa Giê-su “động lòng thương cảm”, rồi ngài dạy dỗ người ta (Mác 6:34). Vì thế, nếu chúng ta giúp học viên Kinh Thánh hoặc người ngưng hoạt động vun trồng lòng trắc ẩn, rất có thể họ sẽ được thúc đẩy để noi theo Chúa Giê-su và chia sẻ tin mừng cho người khác. Chúng ta có thể hỏi họ: “Việc chấp nhận thông điệp Nước Trời đã thay đổi đời sống anh/chị như thế nào? Còn những người chưa biết thông điệp này, chẳng phải họ cũng cần tin mừng sao? Anh/Chị có thể làm gì để giúp họ?”. Dĩ nhiên, động lực lớn nhất để tham gia thánh chức là tình yêu thương với Đức Chúa Trời và ước muốn phụng sự ngài.

20. (a) Làm môn đồ Chúa Giê-su bao hàm điều gì? (b) Chương kế tiếp sẽ xem xét điều gì?

20 Làm môn đồ Chúa Giê-su bao hàm nhiều hơn là bắt chước lời nói và hành động của ngài. Chúng ta cần vun trồng “tinh thần” giống như ngài (Phi-líp 2:5). Chúng ta thật biết ơn vì Kinh Thánh tiết lộ suy nghĩ và cảm xúc bên trong lời nói và hành động của Chúa Giê-su. Càng có “tư tưởng của Đấng Ki-tô”, chúng ta càng có lòng trắc ẩn và dễ đồng cảm với người khác. Nhờ thế, chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su trong cách đối xử với người khác (1 Cô-rinh-tô 2:16). Chương kế tiếp sẽ xem xét những cách Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương với các môn đồ.

a Từ Hy Lạp được dịch là “động lòng thương cảm” được xem là một trong những từ mạnh nhất mô tả lòng trắc ẩn. Một tài liệu tham khảo nhận xét rằng từ này “không chỉ nói đến cảm giác đau lòng trước cảnh khốn khổ, mà còn bao hàm sự mong muốn giúp đỡ và xóa bỏ nỗi đau ấy”.

b Từ Hy Lạp được dịch là “đồng cảm” có nghĩa đen là “cùng chịu”.